Trang chính » Chuyên Đề Trần Thị NgH., Sáng Tác, Truyện vừa Email bài này

Nhăn Rúm (kỳ 2/2)

clip_image002_thumb.jpg



(tiếp theo)

6.

Lão Kiên đã lâu không ghé thăm nhà khiến tôi nơm nớp lo mất cơ hội dụ khị lão la đà chốn trần gian chơi. Chị Du đã nhắn tin về báo hai mẹ con đến nơi bình yên, không nghe tiết lộ gì thêm. Một ngày trước bữa cúng thất, lão hớt hơ hớt hải chạy bắn qua cửa, không còn bộ dạng thập thò như mọi khi. Tóc như trượt khỏi trán, hai con ngươi trồi lộ ngoài hốc mắt, quần áo tơi tả. Lão hào hển :

– Giạt vô đảo Bidong rồi. Tay mô-tơ bỏ cuộc vào giờ chót, kêu vợ đang có bầu đi không đành. Du Nương chưng hửng rồi sụm bà chè, nằm thiêm thiếp trong khi tàu tròng trành mắc bão. Thằng Cu Diên ngon lành…

Nói đến đây lão hụt hơi, người gẫy gập, hai tay vịn hai đầu gối để không khuỵu xuống. Xung quanh lặng ngắt rợn người. Hình như lão đến một mình. Mừng gặp lại lão nhưng tôi làm bộ càm ràm :

– Ngồi đại đây đi. Ông chơi nguyên băng tiểu liên muốn điếc con ráy. Vậy ra me-xừ mô-tơ xù. Hừ ! Đàn ông là cái thứ….

Lão ngồi ghé góc đi-văng, tợp một ngụm hơi như cá lia thia đớp bọt rồi xuống nước nhỏ :

– Lãng Dung, em lấy xe đò hoặc xe lam về Long Thành ngay, ngăn gia đình anh đừng cho cúng thất. Anh còn vướng nhiều việc chưa giải quyết xong, mai đi chưa được đâu !

– Tôi lấy tư cách gì làm chuyện đó ? Hồi ông kết liễu đời trai, gia đình ông thiếu điều muốn giết Du Nương, sang đoạt hoàng nam, mẹ tôi phải nhờ một tay bặm trợn giắt súng lục ở lưng quần hộ tống góa phụ đưa xác chồng về quê. Chắc quên rồi ?

– Em không giúp anh thì anh chịu chết ! Xung quanh toàn thứ nhẹ vía.

– Còn chết được lần nữa ? Người chết hai lần thịt da nát tan…

Tôi tí tởn hát ti tỉ. Nặng mùi phản chiến, dù chiến tranh đã lùi lại sau lưng, còn chăng chỉ là bụi mờ của quá khứ. Tưởng mình có khiếu khôi hài, nhưng thua, lão chẳng đếm xỉa đến việc tôi giả giọng mùi mẫn .

– Em làm ơn, muốn chi anh cũng chịu.

– Thật không đó ? Bị đời lường gạt đã nhiều…

– Rồi em sẽ thấy anh giữ lời…

Thấy tội nghiệp ghê. Ma quỷ mà biết giữ lời hứa. Nói vậy chứ tôi thực sự không biết mình muốn gì để gây áp lực cái lão trác táng. Tôi nã bừa :

– Nhớ nghe. Vậy xin khi nào đoàn tụ với Du Nương làm ơn cải chính giùm trước giờ ông chưa lấy cái chi của tôi, phần tôi không hề đeo ông vì tiền bởi chưa nhận của ông đồng xu teng nào ngoài bịch hạt dưa ông cho hồi Tết năm ngoái, trong có kẹp miếng giấy ghi nắn nót bằng mực parker xanh đây em nghìn hạt vui hồng…

Yêu sách vớ vẩn chơi cho qua chuyện, ngờ đâu nghe đến đây bỗng dưng lão buồn hiu, mặt cúi gằm, miệng lí nhí :

– Anh là thằng đáng chết.

Khi xe tới Long Thành đã 10 giờ đêm. Mò mẫm một hồi mới tìm ra cái nhà trước đây đã đến duy chỉ một lần hôm đưa dâu. Hai ông bà già đang ngồi xem tivi. Có khói nhang tỏa ra từ cái tủ thờ quá khổ sừng sựng chiếm nửa phòng khách. Vài tràng hoa cườm dựng xiêu xiêu trong góc. Không khí còn thoảng mùi tang. Bác gái mời, giọng nguồi nguội:

– Cô Dung vô nhà. Ghé đột ngột, chắc có chuyện gì gấp? Hai mẹ con nó khỏe cả?

– Dạ khỏe.

Đến đây tôi cứng họng, hết biết nói gì tiếp.

Lựng bựng một hồi, tôi nói như đột ngột bị đồng nhập:

– Cháu đi công tác gần đây, sẵn tạt qua thăm hai bác chút xíu xong phải trở lộn ra lộ sớm, sợ hết xe về Sài Gòn. Khuya quá rồi. Với lại, chị Du cháu nhắn có tìm thấy mấy dòng trăn trối của anh Kiên để lại dặn gia đình tuyệt đối không nên cúng kiếng vì làm như vậy anh thêm nuối, đi không đành.

Nghe đến đây bác gái nhoài người ra sàn nhà khóc hu hu, trong khi đó bác trai từ chỗ ngồi trong ghế bành đưa mắt ngầu ngầu nhìn tôi căm căm. Ánh nhìn này hẳn vần vũ trong hai hốc tối lâu rồi, vì tôi thấy nó đã sẫm xuống cái màu chịu đựng, không có mấy tí dữ dội. Thấy tình hình hơi căng, tôi đi giật lùi ra cửa, mười ngón tay cài nhau chụm trước ngực xá xá, miệng lập bập:

– Vậy thôi cháu xin phép hai bác.

Không đợi họ nói gì thêm tôi cứ vậy mà nhắm mắt đi một mạch ra quốc lộ không ngoái cổ lại.

Có một luồng khí lạnh trườn ngược từ dưới xương cụt lên 7 đốt xương cổ rồi xộc vào óc. Cảm nhận rõ ràng nó đang len chi chít trong 32 đôi dây thần kinh tủy sống khiến chúng căng rung. Tôi rùng rùng toàn thân mở choàng mắt ra dáo dác. Mình đang ngủ ngồi trên giường, vậy mà tưởng đang khặt khừ trên xe đò. Nhìn đồng hồ dạ quang treo gần tủ lạnh thấy gần 2 giờ sáng. Quạt trần đang vù vù phát ra tiếng tạch tạch xè ở mỗi vòng quay. Lùa quyển sách đang đọc dở xuống đất, vói tay tắt quạt, chuồi người vào chăn, nghe da se se ơn ớn như muốn bệnh. Tôi cố dỗ giấc.

Giấc ngủ bắt lại sau nửa đêm làm hụt chuyến xe sáng đưa đón công nhân hãng dệt. Khi tôi thức dậy nắng đã hanh hanh ngoài hàng hiên. Xóm nhỏ huyên náo bắt đầu ngày với một giàn giao hưởng qui mô gồm đầy đủ các loại đàn dây, kèn hơi và bộ gõ. Tôi lọ mọ đánh răng rửa mặt nghĩ hay là mình nhân tiện nhõng nhẽo với tay quản đốc, gọi điện thoại nói anh Mười Trí à, bữa nay xương cốt em rục rã, anh nhờ cô Vân đứng máy giùm, tuần sau em lấy hai ca.

Trái với dự đoán của tôi, quản đốc giẫy nẫy:

– Thôi đi cô nương, hôm nay cuối quý họp bình bầu chọn ứng viên Bàn Tay Vàng. Em vắng mặt mất điểm ráng chịu.

Tôi làm bộ kêu lên tiếc rẻ chết cha, vậy hả vậy hả nhưng mắt lom lom ngó tờ lịch tháng treo tường, đoạn búng tay đánh tróc, lão Kiên! Nếu đúng như những gì người ta tin về hai cõi âm dương, hôm nay mới thực sự là ngày lão từ giã chốn trần gian để đi đền tội dưới kia, nơi lão sẽ chẳng còn ai để ba đía mỗi tối hay chạy tới chạy lui tung tin lá cải giúp vui thiếu phụ cô đơn.

– Anh Mười, em bệnh thiệt, cả đêm bị vọp bẻ không đứng ngồi gì nổi đâu! Anh cứ ban cho em một bàn tay sắt cũng được, nhưng nhớ bọc nhung nghe!

Bên kia đầu dây quản đốc cười ha hả ra chiều thích thú.

– Em không đẹp nhưng có duyên ác, chả bù con mụ vợ của anh, nó bị liệt cơ môi làm anh triệt luôn dây thần kinh cười.

Với một ngày thênh thang trước mặt, tôi bắt đầu bằng nửa gói xôi bắp và một viên thuốc cảm. Tằng hắng lấy giọng như sắp phát biểu trước đám đông, tôi nghiêm chỉnh ngồi vào bàn, xắn hai tay áo lên sẵn sàng nghênh chiến với cái gọi là bụi mờ của quá khứ. Đầu tiên tôi ghi lại tất cả những buổi trò chuyện với lão Kiên, phăng ngược các chi tiết và ngày giờ những lần lão ghé về thăm nhà, so sánh các sự kiện thật và giả, đúng và sai. Khó nhất là việc kiểm chứng lại chuyến xe đò về Long Thành đêm hôm qua, đặt biệt lúc tôi rời nhà ông bà cụ đi bộ ra quốc lộ. Tại sao sau đó ký ức chợt trắng xóa? Bằng cách nào tôi đã về được nhà để ngủ ngồi ngay trên giường chứ!

7.

Khoảng hơn 6 giờ chiều trời đang ngà ngà bỗng sa sầm. Mưa đánh rầm kèm theo gió quất rào rào nghe như có người vãi đậu trên mái tôn. Từ lúc bảnh mắt ra, tuy đã tỉ mẩn săm soi từng ngóc ngách của vấn đề, mọi thứ càng lúc càng rối tinh rối mù như mớ bòng bong khiến tôi chưa phanh phui ra được manh mối chi thì đã sắp hết một ngày nghỉ bệnh. Vói tay định bật đèn bỗng ghe giọng quen quen:

– Cứ để ui ui vậy dễ nói chuyện.

Xung quanh là một khối xám và sệt của đêm đến sớm, không biết lão Kiên đang đứng phía nào. Tôi xoay người qua trái qua phải, hỏi dò để định hướng:

– Ủa, sao còn cà rà ở đây?

– Đến cám ơn em về phi vụ Long Thành. Du Nương thì ổn rồi; cá một ăn mười còn lâu nàng mới lập bàn thờ cúng cầu siêu. Anh chỉ lo phía ông bà già, nhưng may quá em đã can ngăn kịp thời.

Hóa ra lão đang ngồi trên mép giường sau lưng. Giọng lão tưng tửng, có vẻ giỡn. Tôi nói:

– Tôi chưa kịp động thủ.

– Xạo. Tối qua em về đến nhà khuya lắc khuya lơ.

– Ký ức trắng xóa.

– Đó là vì em đã ngủ một giấc ngon lành không mộng mị ngậu xị.

– Ai đã đi bộ ra quốc lộ đón xe về Sài Gòn?

– Lương tri của em.

– Tôi có thứ đó hả? Nó đi bộ sao?

– Chậc, nàng Du đã diệt sạch của em lòng tự tín. Nàng phun thuốc diệt cỏ Paraquat.

– Bọn ly tách chén dĩa sao hôm nay không nghe trỗi nhạc dàn chào?

– Vì xe lửa chưa đến giờ băng qua cổng số sáu.

– Ông làm tôi muốn bệnh.

– Không phải anh. Cây quạt trần. Sau này đừng để quạt quay đêm vù vù như vậy; có người sáng ra đã quay cu đơ.

– Vụ vượt biển của Du Nương là sao?

– Em thừa biết nàng sẽ không để cu Diên lớn lên ở một nơi ai cũng quen nhau.

– Chân trời tím ?

– Ai chẳng hoài mơ một chân trời, sắc độ tùy gu thẩm mỹ.

– Mô-tơ có thật ?

– Em có thể trụ lâu với một thằng chồng vừa khốn nạn vừa chết máy trong tình yêu?

– Phục hận rồi ân hận ?

– Yếu tố cá nhân ít thôi em. Trong mọi vụ tự tử, tác động gia đình và xã hội thường là thủ phạm giật dây. Cái này ông Emile Durkheim nói chứ không phải anh, nhưng anh đã làm như ông ta nói.

Đây em nghìn hạt vui hồng…

– Anh đã có bâng khuâng, và hổ thẹn nữa.

– Hổ thẹn vì đã bâng khuâng ?

– Vì đã bôi đen một hình ảnh mà trước đó Du Nương đã cố tình làm cho bê bết bằng những bệt màu tối.

– Tại sao ông lấy nàng Du ?

– Để có cảm tưởng mình về đích và đã ghi bàn thắng.

– Ông tìm hạnh phúc theo tinh thần thể thao thế vận hội?

– Kiêu hãnh giống đực là chiến lợi phẩm có được từ giống cái.

– 50 ngày rồi, sao không đi mà đầu thai đi?

– Buôn thần bán thánh như em lại tin ở nhang khói ?

– Vậy sao ông mè nheo nài nỉ tôi về Long Thành ?

– Không phải anh. Sự cô đơn khiến em tưởng mình muốn giữ con ma lại để đốp chát cho vui trước khi ngủ. Y như em đang đọc Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh.

– Thiên cơ bất khả lậu. Ông đã thọp thẹp với tôi về vụ Du Nương vượt biển một ngày trước khi nó xảy ra.

– Em trộn thời gian với trí tưởng tượng, vo viên nó thành tiểu thuyết rồi nhóp nhép nhai ngậm như ăn xí muội.

– Ông là ai?

– Lương tri của em. Hihi.

– Nó đi bộ, nên chậm ?

Lão này hôm nay phá lệ, sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi mà thường khi lão cho là ngớ ngẩn thay vì chạy biến như mọi khi. Thấy lão cà rỡn, tôi đổ quạu, đứng dậy bật hai ba ngọn đèn cùng một lúc rồi la lớn vào khối ánh sáng chan hòa xung quanh, giọng lạc :

– Hãy đi đi, cái lương tri. Và đi nhanh lên.

Nghe thì có vẻ hai bên đều diễn, õng ẹo làm dáng, nhưng thật sự là chúng tôi đã trò chuyện như thế gần hết buổi tối. Bị xua kiểu đó lão chỉ còn nước lộn trở lại Bidong theo hai mẹ con Lãng Du định cư ở nước thứ ba. Ngày hôm sau tôi thức dậy tỉnh mỉnh, đón xe buýt đưa rước công nhân hãng dệt đúng giờ như thường lệ. Mất danh hiệu Bàn Tay Vàng nhưng vẫn còn bàn tay sắt bọc nhung của tay quản đốc. Nhịp sống đều đặn tiếp diễn, có mòi dễ thở. Mỗi sáng mặt trời vẫn lên, vòng xe vẫn quay. Lão Kiên thôi trở lại, và tôi yên chí mình chẳng còn sót tí tẹo lương tri nào để thỉnh thoảng tự cật vấn. Kỳ diệu là chính tôi đã trục cái âm khí quỷ ám ra khỏi nhà chị Du kịp lúc chủ tịch phường 3 tiếp quản nó. Đã đến lúc tom góp đồ tế nhuyễn, quay về hẻm chùa.

8.

Thấy vụ này quai quái, tôi biên tập lại những buổi trò chuyện với lão Kiên, thêm thắt chi tiết, dựng đứng một vài cảnh ngộ, biến nó thành truyện huyền bí hù thiên hạ chơi, đầu truyện ghi rõ không nên đọc lúc nửa đêm, xong gửi chui cho một tạp chí văn học hải ngoại được đánh giá là cấp tiến, đăng tả-pín-lù bài vở phe ta phe địch. Thật bất ngờ, ít tháng sau tôi nhận được thư mời lĩnh nhuận bút chợ đen qua trung gian người môi giới, kèm theo là mấy lời khen nhã nhặn khích lệ gửi thêm sáng tác mới.

Không phải tôi muốn trở thành nhà văn hay làm thêm để tăng thu nhập. Âm vọng từ những bài thơ chép trong tập giấy pơ-luya hồng, mớ tiểu thuyết diễm tình với những nhân vật thuộc thế hệ lạc loài mất phương hướng, tư tưởng hàn lâm siêu hình của các triết gia nội ngoại, nhạc vàng với ca từ đầy dẫy những ngu ngơ thụy du vô thường miên trường tinh cầu ngã son vàng lả tả … bấy lâu nay ngủ đông đâu đó, bỗng chỗi dậy xô giạt các công thức hình học đại số, lao động tiền lương, kết toán cuối năm, ca đêm trực hãng dệt, thi đua bình bầu… Những câu chuyện của tôi mang khí hậu nhiệt đới oi oi âm ẩm lồng trong bối cảnh ma quái đầy ám ảnh dĩ vãng có vẻ như hợp khẩu vị độc giả Việt kiều xa quê. Thời kỳ này tôi nhũn xuống, mềm đi. Chỉ là nhu cầu bày hàng cảm xúc thôi, nhưng khi viết tôi thấy thống khoái như đang rong chơi với một người bạn đường đồng điệu. Người bạn này không lêu lêu mắc cỡ lé kim liếm ke hay Dũng-Lang Lãng Dung. Đại khái là ban ngày đứng làm việc xác, ban đêm ngồi vọc phần hồn. Không thể có sự quân bình nào tuyệt đối hơn.

Sực đếm ngược thấy thấm thoát đã gần 10 năm tính từ cuộc ba đào của chị Du. Không lần nào chị về thăm. Thằng cu hẳn sắp xong trung học. Mẹ nhiều tóc bạc hơn nhưng lưng vẫn thẳng trong khi ông Dũng càng ngày càng cong vẹo. Yếu rồi. Chỉ ngửi ngửi chút đế đã lừ đừ, làm như trong người có sẵn hèm, hơi cồn bay thoảng qua cũng đủ làm dậy men. Nội công chửi thề cũng xìu, miệng ú ớ phát ra hết nổi hai chữ đụ mẹ vành vạnh như trước kia. Tôi được tay quản đốc tin dùng, cất nhắc lên làm phó phòng nhân sự, thôi đứng máy. Lực viết vẫn vậy, đều đều tâm cảnh nhiệt đới với các nhân vật không ai khác hơn là người trong nhà, không có dấu hiệu đột phá hay cách tân khiến các nhà phê bình văn học lúc đầu nhấp nha nhấp nhổm, nay chỉ ngồi ngáp ruồi ứ hự. Lâu lâu chị Du gửi về 100 đô-la cho mẹ ăn trầu. Chị quên là dạo phải chắt bóp từng đồng mua gạo, mẹ đã trải qua thời kỳ cai trầu vất vả thấy thương đứt ruột.

Giữa lúc mọi thứ như đã vào nếp, kể cả nếp nhăn cuối hai đuôi mắt mông lung của cô em gái nay đã 30, chị Du gửi thư về tỏ ý muốn bảo lãnh mẹ qua Mỹ. Trong thư chị kể chuyện đi làm phải lái xe rất xa giữa trời tuyết, chuyện chị đi học lại, vừa lấy được bằng cử nhân trễ tràng ở tuổi 40, chuyện thằng cu rất ngoan biết săn sóc khi mẹ bệnh, chuyện chỗ ở gần chợ có bán cả trầu cau. Cuối thư chị không quên kèm thêm một câu mặn chát, mẹ đừng để con Dung giặt quần áo dơ ở máy nước công cộng. Mẹ tôi hỏi, chị Hai mầy nói vậy là sao ? Tôi cười một mình đắc thắng. Chị Du, vì lý do nào đó, vẫn theo dõi cuộc chạy bộ việt dã của con nặc nô.

Để xúc tiến giấy tờ xuất cảnh, tôi phải đưa hai ông bà già 70 tuổi lụm cụm ra tòa án nhân dân quận làm thủ tục ly dị tuy trước giờ họ chưa hề có giấy hôn thú. Luật pháp gọi đó là hôn nhân xã hội vì hai cụ đã có 30 năm chung sống như vợ chồng xóm giềng ai cũng biết. Tôi được giải thích rằng việc ly dị đơn giản chỉ để làm cho thủ tục xuất cảnh của bà cụ được dễ dàng, không bị ràng buộc tài sản chung. Hiểu vậy nhưng vẫn thấy oái oăm, mặc dù trong những năm qua đã biết bao nhiêu phen tôi muốn rủ mẹ bỏ trốn lần nữa mà không phải nhờ đến pháp luật. Nhà ái quốc biết phận, chẳng những không đòi xuất ngoại còn khẩu khí bảo:

– Sang đó khó chơi. Muốn giấy tờ chi tao ký tuốt miễn mẹ tụi bây sung sướng tuổi già.

Bà thẩm phán nheo nheo mắt tra vấn từng người vì tò mò hơn là nguyên tắc. Tới một lúc tự dưng ông Dũng mếu máo:

– Tôi còn thương bả lắm, bởi thời cuộc đưa đẩy mới ra nông nỗi này.

Mẹ tôi hứ một tiếng rồi quay ngang.

Lình xình giấy này giấy nọ cũng lâu mẹ mới thực sự chuẩn bị cho ngày đi. Trước khi rời nhà mẹ đi vòng vòng vừa sờ món này nắn món nọ vừa quệt nước mắt. Cầm cả hai tay của tôi bóp bóp, giọng mẹ rớt ra từng mảng :

– Thôi con ở lại rán lo cho ba, ổng già rồi chắc không còn sống được bao lâu; chị con số phận chìm nổi phải vượt sông vượt biển tính mệnh lắt lẻo vậy mà bây giờ mẹ đường hoàng bay trên trời thật quá bất công…

Ông Dũng đang sần sần ngồi gần đó nghe vậy đâm hơi :

– Giày dép nó còn có số…

Hai người có nhìn nhau một khắc, tình như một đường gươm… Không ngờ đó là nhát cuối cùng họ đã thương nhau.Tôi đưa mẹ ra phi trường, hai mẹ con ôm nhau hoài đến nóng cả ngực.

Mẹ khuất trong kia rồi tôi còn đứng nán lại rất lâu, mắt nhìn xuống chỉ thấy chân người rộn rịp đan mắc chằng chéo với hành lý kéo rèn rẹt trên sàn gạch trơn bóng. Họ nô nức đi đâu vậy, có bao nhiêu tâm trạng ? Phần lớn chắc hăm hở đi tìm chân trời mới, chỉ có mẹ ê chề nghĩ chính ở cái lằn tiếp giáp với mặt đất đó, mặt trời sẽ lặn xuống. Nói theo lão Kiên, ai cũng ôm ấp một chân trời, sắc độ tùy gu thẩm mỹ. Gu của mẹ giờ đây là màu vàng cam đang ngã tía và bầm. Thử tưởng tượng xem mẹ sẽ làm gì nơi đó ? Xần quần trong căn hộ chung cư của chị Du trong khi chị đi làm, thằng cu đi học, cuồng cẳng nhưng không biết đường sá để có thể trưa trưa chụp cái nón lá lên đầu đi bộ qua nhà bà giáo Lương nói chuyện chợ búa chơi, trời lạnh co ro nằm đến xoạc cả tóc tai, vật dụng trong nhà không dám mó tới sợ cháy nổ… Mẹ đi vì mỏi mệt. Mẹ đầu hàng cuộc kháng chiến trường kỳ của ông Dũng, dù ánh nhìn vẫn còn bén mà không ác và xương quai hàm vẫn cứ vuông vuông.

Còn chân trời của tôi màu gì ? Chắc như đinh đóng cột, màu tím không phải gu tôi. Nó phải xanh lá cây, vì thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ điếng khu vườn bao quanh căn nhà ba gian hai chái ở Vàm Mương. Có khi nó có màu nâu quạch của đất, đỏ tươi của chuồn chuồn, trắng ngà của bông dừa rụng đầy lạch nước sau hè. Hiện giờ nó màu gì vằn vện thấy ớn. Đã đến lúc xếp đặt lại cuộc đời một lần nữa. Ôi, sao chỉ có một cuộc đời mà cứ phải làm đi làm lại hoài phát mệt.

Không thể bỏ ông già 70 lớ ngớ một mình cả ngày để bươn chải cho chuyện bá láp bá xàm ở hãng dệt, tôi nộp đơn xin thôi việc. Lương lậu ổn định nhưng tính ra không bao nhiêu, nhu yếu phẩm theo tiêu chuẩn công nhân viên thì ai nấy cũng đã ngán ngược chuyện chia chác lụn vụn, gây thù chuốc oán, nói hành nói tỏi miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên đầu. Mỗi người cố sức làm như chỉ có mình là thanh cao. Cầm lá đơn, quản đốc ớ ra, nói một câu na ná kiểu ông Dũng phê lão Kiên :

– Bức xúc gì anh em tính cho, sao lại nghỉ việc ?

– Anh Mười thông cảm, ba em già quá rồi, nhà lại neo đơn không có ai trông nom. Em đã được anh em giúp đỡ rất nhiều trong thời gian dài làm việc ở đây.

– Rồi em làm gì để sống ?

– Có chị Bảy ở gần nhà rủ em hùn hạp bán cơm tấm cho khách trong xóm.

– Bán như vậy mỗi ngày được bao nhiêu đâu ! Em suy nghĩ cho kỹ, cần gì nói anh giúp cho.

Quản đốc tử tế thật. Ngoài cái miệng bông lơn tán phét với đám thợ nữ cho vui qua ngày, ông ta không hề bốc hốt suồng sã. Nghe thì tưởng âm mưu lừa con phản vợ rủ các em gái ngồi quán cà phê với ý đồ đen tối, thực sự ông ta chỉ muốn giao lưu tình cảm vu vơ để châm cứu dây thần kinh cười vốn bị triệt vì có mụ vợ bị liệt cơ môi. Nghe giọng cười ha hả hào sảng thì biết người lành. Vậy chứ đã có lúc tôi hiểu lầm nghĩ đàn ông là cái thứ…

9.

Phải khởi sự từ đâu đây. Sáng đầu tiên sau khi nhận quyết định đồng ý cho thôi việc, tôi cho phép mình không hấp tấp, rề rà pha cà phê, chiên cơm nguội còn dư chiều hôm qua. Ông Dũng đã dậy từ hồi nào, không thấy dấu hiệu sẽ ra khỏi nhà. Hôm nay lại thêm món tọa thiền. Mắt nhắm tịt, chân quặp kiết già, hai tay bắt ấn. Thiền nhưng miệng mấp máy như đang cầu kinh. Tôi se sẽ đến gần ghé tai nghe thử. Nam Mô A Di Đà Phật Mười Một, Nam Mô A Di Đà Phật Mười Hai… Hú vía, không phải đụ mẹ. Ba tôi đang tu, nhưng kết hợp nhiều phương pháp, còn cẩn thận đo đếm công quả, kiểu người ta lần tràng hạt. Càng nhiều hạt càng mau thành chánh quả tuy không ai biết rõ giá sát trần là bao nhiêu. Cảm thấy có người đứng gần, ông bỗng mở choàng mắt ra nạt lớn làm mất vía:

– Rình cái gì?

– Dạ, ba ăn cơm chiên.

Tôi cười lỏn lẻn làm hòa. Từ nay chỉ có hai chúng ta, có muốn chạy trốn hòa bình cũng không được. Chắc ông cóc biết tôi đang hy sinh. Mẹ có để lại một ít tiền, hai chiếc vòng tay cẩn hổ phách, một đôi bông tai hột đá đen, một mặt dây chuyền cẩm thạch, dặn dò nức nở, mấy món kha khá mẹ đã nộp cho dì Ngọ hết rồi, chỉ còn chừng này; đây là của hồi môn bà ngoại cho lúc mẹ lấy ông Dũ, bây giờ là của con; chị Hai con may mắn lấy được thằng Kiên khá giả nên mẹ không cho nó gì nhiều; thôi lo mà kiếm chỗ tử tế đừng có lông bông thơ văn, thấy mấy thằng mang kính trắng trước đây ve vãn chị mầy không, có thằng nào ra đám ớt gì đâu; tội nghiệp con bây giờ gánh thay mẹ cái hũ… Sao mẹ không nhận ra tôi đã lủi thủi suốt những năm ấu thơ, quắt queo cả tuổi xuân cũng vì cái hũ đựng hèm mẹ ôm suốt 30 năm. Nó làm tôi té chúi nhủi bởi còn một đầu vẫn nhẹ tênh. Tôi lấy đâu ra tình yêu ém đầy thêm hũ nữa cho cân cả hai đầu? Bây giờ đổ thừa cho ông Dũng thì giải quyết được gì chứ? Tôi chợt làm mặt nghiêm:

– Con nghỉ việc rồi. Ba cũng nghỉ nhậu đi.

– Thì ba cũng tính vậy.

Giọng ông chùng xuống, có vẻ lép vế. Nghe sao dễ ợt như húp cháo. Tôi hỏi đố:

– Ba nói thiệt?

– Yếu rồi con…

Chữ con được kéo dài ra nhề nhệ làm như không thể ngưng. Đàm trồi lên làm ông khò khè một lúc nhưng cố nén lại trước khi khạc ra. Nó đặc queo và có màu vàng chanh.

Trụ sở cơm tấm được đặt ngay trước hàng hiên nhà tôi, ngang nửa mét dài 3 mét. Chị Bảy phụ trách đi chợ và tiếp khách, tôi nấu cơm làm bì pha nước mắm ớt. Khi thấy làm ăn coi bộ được, tôi bổ túc thêm món chả trứng. Tổ trưởng thông cảm hoàn cảnh cho buôn bán lẻ nhưng dặn trên phường có xuống thì nói nấu cho trong nhà ăn, đừng để khách chiếm lòng lề đường. Ông Dũng thấy có người lui tới, biết phận lui ra sau ngồi thiền gần hồ xi-măng dưới bếp. Có lúc bị ma men hành tội, ông xỏ chân vô quần dài định lên đường cứu nước, nhưng chỉ mới loạc choạc đưa vô được một ống thì đã loạng choạng muốn té. Con, buổi sáng bán cơm tấm, buổi chiều chuẩn bị các thứ cho ngày hôm sau, buổi tối nuôi phần hồn; cha, nỗ lực tu, đồng thời hạ quyết tâm kháng chiến chống lại kháng chiến. Đại để là sinh thái cân bằng, chỉ có mẹ thỉnh thoảng viết thư về than mập và buồn; có hồi đòi chết nhưng hễ trời lạnh thì than nhức xương không biết làm sao, phải chi ở nhà đã thoa dầu nóng, ở đây cửa kính tứ phía xức dầu nó bảo làm hôi nhà.

Việc mẹ ra đi có vẻ như đã giải quyết phần nào thảm kịch, ít nhất cũng làm thay đổi đáng kể mối quan hệ giữa hai cha con, nhưng khi nữ thánh tử đạo vừa ngưng than thân trách phận thì mọi hoạt động bài tiết của ông Dũng bỗng tuột ngoài vòng kiểm soát. Bây giờ mới thực sự vác thánh giá nè. Nhà luôn có mùi phân và nước tiểu dù tôi đã cật lực dùng bàn chải tre cọ rửa với xà bông bột. Quần áo nhà ái quốc, tuy vò vắt muốn thúi móng tay vẫn phảng phất mùi thum thủm. Cũng may xóm nhỏ bình dân không hôi rác thải cũng bốc mùi cống mùa mưa, dân chúng cứ hồn nhiên ăn điểm tâm ở sạp Bảy-Dung không nhận thấy có gì khác lạ. Mấy cô chú trong hẻm còn khen ông già lúc này im ru bà rù, giữa khuya lũ chó hết sủa hoảng, con nít thôi giật mình khóc đêm.

Ông Trời thương cả hai cha con, hay việc tu hành của ông Dũng đã hiệu nghiệm? Chiều chủ nhật, trong khi tôi đang trộn thính dưới bếp thì nghe đánh rầm ở nhà trước. Đạo sĩ té lộn đầu từ đi-văng xuống đất nhưng vẫn giữ tư thế ngồi quặp chân. Lúc ấy, kỳ lạ thay, điều duy nhất nhá lên trong đầu tôi là đường gươm loang loáng hai ông bà già đã chém nhau ngày mẹ lên đường đi Mỹ. Vết thương đó chưa kín miệng, chắc chắn còn làm đau rát cả hai, vì tính ra chỉ mới ngót nghét 3 tháng.

Đám tang đơn giản và lặng lẽ. Nhà đòn đã phải làm đủ cách để kéo thẳng chân người chết trước khi liệm. Hình như họ đã bẻ răng rắc hai bên nhượng như bác sĩ chỉnh hình chuyên nghiệp. Tôi đã đắp cho người hùng tấm mền gấm màu rượu chát mẹ khâu tay trước đây để chuẩn bị cho chung cuộc của chính mình. Viết thư cho mẹ, tôi vẫn khoe ở nhà bình yên, cơm tấm đắt khách, ông Dũng đang trên đà đắc nhân tâm.

Tôi có cảm thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng đã vác thập tự đến nơi mình sẽ bị đóng đinh? Lôi xềnh xệch và bị đóng cạch cạch tòn teng trên kia, cái nào đau dây dưa hơn?

10.

Ông Dũng tằng hắng:

– Nên nhớ, kẻ vác thánh giá và bị đóng đinh là một, phải chịu mọi khổ hạnh.

Tôi tỉnh táo nghĩ, lại nữa rồi. Lão Kiên nói tôi thường vo viên mọi thứ thành tiểu thuyết rồi nhóp nhép nhai ngậm như ăn xí muội. Nhưng ngó kìa, ba tôi đang ngồi kiết già trên bàn thờ, một tay tì trên gối trái, tay phải giơ ngón trỏ nhịp nhịp chỉ xuống chỗ tôi ngồi. Tôi vặn vẹo:

– Ba có vẻ an nhiên tự tại như Đức Chúa Trời sau khi gửi đứa con duy nhất của mình xuống thế để thực thi điệp vụ bất khả.

– Xì, ông đó hả? Rất lôi thôi. Nghe ba nói đây, ái nữ. Nếu ông ta không muốn Adam và Eva ăn trái cấm, sao không trồng cái cây ôn dịch chi đó bên ngoài vườn Địa Đàng, lẫn với đám cây rừng đàng xa kia? Khi đã trồng sai địa điểm rồi, tại sao sơ suất không cài bảng cảnh báo hay rào chắn khiến bất cứ ai cũng có thể gặp nguy hiểm. Đã vậy lại còn chỉ, đó cây đó đó. Có phải là vẽ đường cho hươu chạy không? Ông ta đơn thân lập pháp xong tìm cách dụ cho người ta phạm pháp để có cơ hội hành pháp. Rốt cuộc như con biết, ông ta bắt con mình chịu tội cho những gì mình gây ra nhưng lại đổ thừa cho cái đám lôm côm là chúng ta đây.

Hoan hô bài thuyết trình, nhưng sao nghe quen quen. Hình như nhân vật luật sư của Paulo Coelho đang truy tố chứ không phải ba tôi. Mà tự nhiên đưa ra vấn đề này để chi?

– Vậy ba ngon hơn?

– Chứ sao! Ba đã không để con đau đớn lâu.

Tôi bật khóc, giọng kể lể:

– Ba đã không đếm xỉa chi đến con.

– Có chứ con. Nhưng con ma men nó hãm, không cho ba nói với con thậm chí một lời xin lỗi.

– Ba đổ thừa cho ma quỷ?

Ông Dũng im bặt, thu ngón trỏ lại chậm rãi đặt ngửa bàn tay lên gối phải, khoan thai bắt ấn. Trong căn nhà quạnh quẽ hai tuần sau đám tang, chỉ còn mình tôi ngồi khóc thê lương, ai oán như bị xử oan. Ngọn đèn chong trên bàn thờ hết dầu lụi dần rồi tắt ngúm. Bỗng có giọng mai mái, giêu giễu :

Khóc cho vơi đi những nhục hình

Nói cho quên đi những tội tình

Đời con gái cũng cần dĩ vãng,

Mà em tôi chỉ còn tương lai…

Tôi ngó quanh quất vừa hỉ mũi vừa hỏi, giọng nghẹt :

– Đứa nào hát Bài Không Tên Số 4 dở ẹc vậy ?

– Buuhuuuu ! Ma Việt Kiều nè ! Sợ chưa ?

Lão Kiên ! Tưởng lão đã đi đầu thai tuy trễ một ngày, đâu ngờ xuất cảnh theo vợ con cả chục năm, nay còn bày đặt hồi hương. Hay là lương tri mình đang lội bộ về ? Dạo này lão ta có vẻ mất tư cách viên chức cần mẫn. Chị em phụ nữ, hãy cảnh giác !

– Hừ ! Về thăm quê cha đất tổ ? Còn nhớ hẻm chùa ?

– Nhà đàng kia có gia đình ông kẹ nào quản lý rồi.

– Dạo này ông làm ăn khá không, thấy coi bộ vui ?

– Làm ăn gì đâu em ơi ! Đi chăn thằng nhỏ coi nó học hành ra sao.

– Bây giờ thì tôi cầm chắc là ông trường kỳ yêu nàng Du, và thương con nữa.

Lão Kiên trầm ngâm một lúc, đoạn xuống giọng bùi ngùi :

– Chỉ có em cảm nhận được điều đó. Du Nương vẫn coi anh như ác mộng. Thỉnh thoảng nàng lại ngoái cổ ra sau ngó chân trời cũ nay đã ngã sang màu khói lam chiều. Nàng cũng thường nhìn trân trân thằng cu Diên rồi rùng mình bảo giống quá, giống ông Kiên phát sợ ! Cũng cái đầu dèm dẹp, lưng dài thòn, đùi ngắn ngủn.

– Ông nhập vô thằng nhỏ hả ?

– Đâu có. Di truyền mà. Dốt quá trời, không biết chi về gien lặn gien trội!

– Vậy lúc này tình hình sao rồi ?

– Xấu. Du Nương dọn nhà hai lần vì đổi việc, thằng cu bỏ học kêu chán, không thích bị người ta dạy, bà cụ u ám đòi về Việt Nam.

Từ trên bàn thờ ông Dũng bồn chồn hỏi vọng xuống :

– Nè cậu Kiên, bà Lang biết tôi cưỡi hạc qui tiên chưa ?

– Dạ chưa, nhưng cụ nói dạo này một bên mắt máy lia chắc ở nhà có chuyện không hay.

– Có chuyện hay, tại bả không biết. Tôi với con Dung làm lành với nhau, huề một đều rồi. Mấy tháng cuối nó lo cho tôi rất đàng hoàng, chỉ phải cái tật hay than trời trách đất. Tôi nói hoài, giày dép còn có số mà nó không nghe, lại còn lý sự cùi, hứ, vác thánh giá với lại đóng đinh.

– Dạ, em Dung đọc nhiều sách nhưng thiếu người hướng dẫn.

– Hồi trước chị Hai nó nhắc chừng chừng, giờ không có ai dạy nên hư.

Tôi chen vô cãi :

– Hư, mà từ hồi muốn…

Lão Kiên thấy căng, lái câu chuyện qua hướng bang giao quốc tế :

– Thưa, ở trên tiên chắc khỏe ?

– Đâu có biết. Cậu là đà dưới này miết, thần thức u mê không tỏ đường đi lối về, quên hết việc sổ sách của Nam Tào Bắc Đẩu. Tôi còn ở đây chơi với con Dung hơn cả tháng nữa mới đi. Mà cũng chưa chắc sẽ lên đó. Có một đám bạn nhậu rủ tôi về tái lập trụ sở ở Vàm Mương tạo điều kiện cho anh em hoạt động lại.

Tôi đứng dậy châm dầu vô cây đèn chong, khêu lại tim, thở đánh thượt :

– Thôi, họp mặt gia đình hôm nay như vậy là vui quá rồi. Ba nghỉ ngơi. Ông Kiên đi thăm bà con một vòng đi, hôm nào gặp lại. Tôi phải đi cắt tóc xả xui trước khi làm lại cuộc đời.

Độ chừng mươi ngày sau buổi tọa đàm với ông Dũng và lão Kiên, chiến sĩ gái với mái tóc mới cắt tém tự nhiên cảm thấy hưng phấn như vừa phục sinh. Trong người nghe vang vang rầm rập âm điệu những bản hùng ca.

Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính

Mãi mãi lòng chúng ta, vẫn hát khúc quân hành ca…

11.

Đã quyết định rồi, phải làm lại cuộc đời. Đời mình chứ đời ai, mình không làm ai làm giùm cho. Trước hết cương quyết không lây lất kiếp công nhân viên nhà nước. Quay trở lại hãng dệt chỉ cần nhỏ nhẹ vài lời, quản đốc sẽ cho nhận việc lại ngay coi như vừa nghỉ phép hơn 3 tháng không ăn lương, nhưng thôi, phải biết xấu hổ đã hứa lèo hứa cuội trong đơn xin việc. Nhớ không ? Lúc túng quẫn, đã từng thề bán mạng sẽ làm việc với tinh thần tập thể cao ngất ngưởng, quyết tâm đóng góp cật lực cho cách mạng đến giọt máu cuối cùng. Thực tế, ngày nào cũng lãn công, vậy nhưng được đề cử Bàn Tay Vàng của hãng dệt, may mà hụt không thôi mỗi ngày đánh răng súc miệng không dám ngó mặt trong gương.

Tiếp theo, cương quyết ngưng làm văn chương vớ vẩn. Nghe bà Du cảnh báo chưa ? Mẹ đừng cho con Dung giặt đồ dơ ở máy nước công cộng. Không oan. Đúng là bao nhiêu người trong nhà, cả trong xóm chùa và hẻm Lập Thành đều đã bị sơn phết cho biến thành nhân vật múa may quay cuồng ở các buổi dạ vũ hóa trang. Người nghệ sĩ nghe nói phải có sứ mệnh thay đổi thế giới, phục vụ cho cái đẹp và mang lại lẽ sống cho nhân loại. Ba cái chuyện ma quỷ chỉ để hù những ai nhẹ vía, tuyên truyền sách động mê tín, hoặc nhiều lắm là gửi gắm vài thông điệp hời hợt về khắc khoải âm dương. Để làm văn chương hàn lâm, đứng ngang ngửa với các nhà văn nhà thơ hải ngoại chỉ là ảo vọng; so với trong nước lại thiếu hẳn màu đỏ, màu vàng.

Mục tiêu kế tiếp là nói lời tạm biệt chị Bảy, em xin ngưng hợp tác dịch vụ cơm tấm để chuyển sang nghề môi giới bất động sản. Có tiền rồi sẽ hoài mơ chân trời màu xanh lá cây. Thể nghiệm đầu tiên : sẽ đập cái nhà, dùng tiền để dành và của hồi môn xây mới xong rao bán với giá …cảm ứng. Vì sao ? Đây đã từng là chốn thần tiên sau những ngày ở đậu nhà cậu Thân và dì Ngọ, nơi chuyển tiếp từ ấu thơ sang niên thiếu rồi thanh xuân, nơi lớn lên cùng những tác phẩm văn học trác tuyệt, nơi chợt nhận ra mình là nàng thơ của những người đàn ông mang kính trắng ve vãn chị Du, là người tình hậu phương của lính chết trận, nơi khám phá bản thân có tiềm tàng những cơn điên xõa tóc lúc nửa đêm… Ôi,

Lệ xóa cho em được không

Những kỷ niệm đắng ?

Lời nói yêu thương ngày xưa

Có trở về tìm ?

Mục tiêu cuối chắc chắn phải là Thế Uyên. Sẽ đọc Ngoài Đêm để tìm hiểu xem tại sao Du Nương cho ăn hai bạt tai 14 năm trước, sẽ kiểm chứng lại có phải trong Tiền Đồn rành rành 15 cuộc làm tình và 69 chỗ liên hệ đến dục tình như lão nhân Võ Phiến đã thống kê. Hy vọng trong khi nghiền ngẫm các tác phẩm của Thế Uyên, một nhân vật đàn ông bất thình lình nhào ra, sẽ chụp lấy cơ hội để hiến dâng cái nghìn vàng, đồng thời thầm xin lỗi Nhã Ca vì đã bê trễ. Chớ quên thỏ thẻ với kẻ được vàng, anh yêu, em đã dùng sạch của hồi môn để dựng vốn làm ăn.

Xóa nhòa khoảng cách 10 năm giữa hai chị em cùng mẹ khác cha có lẽ là điều duy nhất bất khả thi, tuy nhiên không sao, lắm khi máu chảy nhưng ruột chẳng chịu mềm do bị xơ cứng mãn tính. Chị Du sẽ ngậm cười nơi chín suối với một đùm ruột hóa đá, gọi là thạch tràng. Hy vọng lúc đoàn tụ Du Nương chốn suối vàng lão Kiên sẽ giữ lời đính chính dùm con nặc nô đã không đeo lão vì tiền. Bảo đảm lão sẽ giấu nhẹm vụ án bịch hạt dưa có kèm dòng chữ viết bằng mực parker xanh đây em nghìn hạt vui hồng. Lão sẽ không dại gì thú nhận đã có lần mình bâng khuâng và hổ thẹn, nhưng vẫn sẽ úp mở bảo con đó hư lắm cho nàng Du tưởng tượng lung tung chơi.

Tổng hợp và phân tích xong các vấn đề nêu trên, rõ ràng chẳng còn gì phải ưu tư. Các dự án này có thể sớm được thực hiện, chỉ còn chờ cúng 49 ngày cho ông Dũng không thì nhà cách mạng không chịu đi đầu thai, quay trở xuống Vàm Mương làm chính trị với các bạn nhậu. Đất nước hòa bình rồi, những tổ chức phản động cò con có nguy cơ chết từ trong trứng nước, loại lý tưởng lên men như của ông Dũng chỉ để nhấm với khô cá thiều.

Trong những tuần lễ tiếp theo, hai cha con thường trò chuyện râm ran sau mỗi lần cúng cầu siêu. Vào tuần chung thất tính từ lúc viên tịch, cuối cùng đạo sĩ đã thốt lời tâm huyết :

– Ba đã hủy hoại đời mình và làm khổ ba người đàn bà.

– Lại sắp sửa lôi con ma men ra.

– Lúc đầu ba chỉ cà rỡn với nó thôi, nhưng con này mạnh lắm, nó quay ba trong những khoảnh nhàn rỗi, xúi giục ba chớ ngu ngốc tỉnh táo nhìn lại những điều xằng bậy của ngày hôm qua ; khi bị vợ con và mọi người ruồng bỏ, nó trở thành người bạn duy nhất để ba trò chuyện với. Nhờ nó, ba đã rơi vô chân không, bập bềnh mụ mị. Cảm giác đó ít nhất cũng giúp ba xiêu vẹo bước sang ngày hôm sau.

Tôi đã mừng hụt.

– Ba vẫn thọ ơn con… bạn vàng ?

– Con ơi, ơn nghĩa gì, thứ ma đó mỗi người ai cũng có riêng một con ; có điều con ma của ba nó có mùi hèm, vậy thôi. Con ma của bà Lang là nghĩa tào khang ; nó đã ám mẹ con suốt 30 năm mới chịu buông tha nhưng vẫn bay theo tà tà trong những năm cuối đời để khều khều cái lòng trắc ẩn của người đàn bà nhân hậu.

– Chà, câu này nghe hay nè ba. Còn con ma của chị Du ?

– Bất mãn số phận, tị hiềm trộn lộn nhẫn nhục và kiêu ngạo, tự ái, tự ti lẫn tự tôn.

– Ma gì tên dài ngoằng. Ma men, nghe vừa thanh vừa gọn vừa súc tích.

– Ma tôi. Nó giục mình tàn nhẫn đánh giá người khác nhưng lại ngăn không cho khe khắt với bản thân. Còn con ư ? Con bị con ma khô nó triệt mọi dòng cảm xúc. Con ôm nó trong người làm vũ khí để tự phòng vệ, xong cười khà khà như hài lòng với hệ thống an ninh.

Phải vậy không ? Dám trúng lắm à. Tôi đã thu mình lại thành con chi chi nhỏ xíu núp trong hốc tối nhìn ra cõi đời hung tàn với lưỡng nhãn bất đồng, ngờ vực mọi thiện chí tiếp cận, nơm nớp lo mình sơ hở. Phải chăng có những người viết văn chỉ vì muốn tận hưởng cảm giác được quyền sinh sát các nhân vật, do trong cuộc sống họ vốn là kẻ chết nhát ? Có nên đổ thừa cho hiệu quả thuốc diệt cỏ Paraquat ? Dù gì, mọi thứ trong người như đang quắt lại, có lẽ rồi trong cơn hấp hối cọng cỏ cú vẫn cố ngửa cổ ré lên cười đắc thắng. Hừ, cỏ mà có cổ, lại còn biết cười ré. Buổi nói chuyện hôm nay làm tôi mất tập trung. Đang nghĩ đến việc mở cửa sổ cho thoáng chợt quay trở vô xối nước rửa nhà cầu. Đang định ra chợ mua vài món về nấu bữa cơm chay cúng thất, bỗng loay hoay đi kiếm cái giẻ để lau bụi bàn thờ.

Khúc quanh của định mệnh : tôi làm ngã cây đèn chong.

Dầu loang ra. Lửa phựt lên liếm tấm nhựa trải trên bàn thờ, bắt qua bó nhang, hực lên bức ảnh đen trắng trong đó người hùng với đôi môi hơi dày đang méo đi như thay lời muốn nói. Thoạt tiên cả ngôi nhà bỗng thơm lừng mùi chùa chiền rồi chuyển nhanh sang khét lẹt. Mình đã hỏa thiêu Hồng Lâu Mộng ! Bất cứ món gì trong tầm tay đều được chụp lấy để trùm lên ngọn lửa nhưng phản tác dụng, y như được châm thêm mồi. Bên ngoài có tiếng người la hoảng đến lạc giọng, cháy, cháy nhà cô Dung cơm tấm. Tiếng chân chạy huỳnh huỵch, khói bung xì xì. Ai đó hét lớn, chạy ra đi cô Dung ơi, chết cháy bây giờ ! Tôi quơ hũ tro cốt của ông Dũng ôm vô ngực, trên đường sặc sụa băng khói bung ra cửa thuận tay vớ lấy cây gậy đạo sĩ dựng gần cổng, hoàn toàn không hiểu vì sao.

12.

Vụ cháy nhà làm rụi hai phần ba cái lỗ mũi, táp qua mái nhà ông Tâm bên trái, bà Hương bên phải, thím Mẫn đâu đít sau lưng. Không có tổn thất về người nhưng bà con bị một mẻ hồn phi phách lạc. Mấy gia đình túm của chạy hoảng đang lục tục quay lại, tụm năm tụm ba bàn tán sôi nổi. Không thiếu những lời mắng nhiếc, quỷ sứ, bờ chờ bợt chợt, mém chút nữa cả xóm màn trời chiếu đất, cháy thêm vài phút coi như chết cả lũ, may nhờ mấy ông phía sau nhanh trí chuyền nước từ lan can nhà cô Tư Lụa, chờ xe chữa lửa là tiêu rồi, ba cái vụ cúng kiếng làm cháy nhà như cơm bữa, kiểu này bắt đền sao đây, có bà bác với bà chị bên Mỹ lo gì, ờ phải, cháy cái nhà chớ cũng còn cái địa chỉ để gửi tiền về…

Tôi bị phỏng sem sém hai cánh tay, lòng bàn chân trái chảy máu do đạp phải vật nhọn trên đường chạy ra, quần áo te tua, mặt mày không tự ngắm nghía nhưng chắc giống con ma lọ nồi. Dự án môi giới bất động sản giờ đây chỉ còn cái nền nhà nám đen, bốn mặt tường liêu xiêu lỗ chỗ, trần nhà bếp còn vắt vẻo tì trên miệng hồ xi-măng. Một tay ôm hũ tro cốt, một tay cầm gậy, tôi đứng lớ ngớ nghe chửi cho đến lúc mỏi rục giò thì ngồi xuống, chặp sau lại đứng lên. Tổ trưởng đưa cho chai nước và một tấm bạt dặn ở đó coi chừng, chờ trên phường xuống làm biên bản, chừng nào nguội nguội vô bươi moi coi còn vớt vát được món nào hay món nấy, có tiền của gì không sao coi bộ tỉnh rụi không thấy tiếc ? Tiếc chứ, nhưng con ma khô nó hãm không cho giẫy lên đành đạch khóc kể trời ơi tiêu rồi cái hộp đựng gói tiền để dành, hai chiếc vòng cẩn hổ phách, đôi bông hột đá đen, mặt dây chuyền cẩm thạch, tập giấy pơ-luya chép thơ tình…

Chiều tối có một cơn mưa nhỏ khiến không khí bớt oi, tro bụi trôi xuống làm nền nhà như dầy lên. Đồ đạc bể mẻ lôm côm vương vãi chèm nhẹp lẫn với nước mưa và nước chữa cháy. Chị Bảy lôi kéo :

– Đứng chi đây tối hù. Chắc còn lâu người ta mới nối lại đường dây điện. Vô nhà chị mà nằm nghỉ, thong thả tổ phụ nữ giải quyết cho chuyện ăn ở tạm trong khi chờ chòm xóm mỗi người một tay cất giùm cho cái chòi dã chiến. Dù gì gian bếp chỉ mới rụng cái la-phông. Nghe đồn mấy vụ như vầy trên phường trích quỹ cứu trợ ủng hộ một phần chi phí vật tư.

Tôi nói, lưu loát như có chuẩn bị trước:

– Em tính làm sạch gọn một góc bếp, lót tấm bạt ngủ coi chừng nhà. Còn nhiều món xài được, để em mót lại. Chị cho em mượn vài ngàn mua bánh mì, bán được xà bần em trả lại cho.

– Mượn gì, bày đặt. Nè cầm chút đỉnh xây xài. Bà con không bỏ rơi đâu mà lo. Còn cóc khô gì nữa đâu mà canh chừng, khùng quá trời !

Chị Bảy đi rồi tôi ngồi chồm hổm nhìn chằm chằm vào chỗ cách đây không bao lâu đã từng có cái gọi là tủ thờ. Dưới đít tủ này có một hốc bí mật, nơi trước đây mẹ thường giấu lương khô do phía chị Du tiếp tế những năm đói kém. Cũng nơi này tôi đã cất cái hộp. Nó đang nằm bên dưới gạch đá lụn vụn, ván ép cháy dở, bàn ghế bị xô gẫy. Tôi sẽ để yên cho nó ở đấy được lâu chừng nào hay chừng nấy. Đó là chút hy vọng mà tôi muốn nuôi, dù không biết để làm chi.

Trong góc bếp gần sàn nước, nơi một buổi chiều hơn mười năm trước mẹ ngồi bệt hai mắt lạc thần, còn chị Du nách thằng cu Diên đứng cạnh hồ xi-măng môi trắng nhách như phết vôi, tôi trải tấm bạt ra và nằm xuống. Mùi khen khét nặng và dày làm ngộp nhưng nền gạch loang lổ vẫn còn âm ấm một cách dễ chịu. Đêm càng lúc càng đặc đến không cần nhắm mắt. Đang thao láo trong cái màu đen thui đó thì chợt thấy mình dềnh lên chìm xuống như đang ngồi trên một chiếc xuồng ba lá tròng trành không có người chèo, băng ngược sông Ghành ở Làng Duyệt. Ông Dũng đứng trên bờ ngoắc ngoắc hỏi vói xuống :

– Xương cốt cháy thành tro rồi ôm theo chi ? Sao không ôm cái chi chưa cháy?

Nước táp ồ ồ hai bên mạn xuồng khiến tôi phải la lớn :

– Định mang đi gửi trong chùa Già Lam sau khi cúng thất.

Không nghe rõ, ông Dũng hét:

– Chùa gì? Chùa gì ăn thua gì! Đi xuồng nước ngược biết chừng nào tới?

Xuồng vẫn vật vã trườn về phía trước, tiếng nói nhỏ dần và cái bóng cong cong bỗng gẫy làm đôi. Ngoái nhìn hút mắt chỉ thấy một cái cây còi còi thâm thấp đang lặn từ từ xuống đất. Tôi đứng chàng hảng giữ thăng bằng giữa lòng xuồng kêu vói ba ơi ba, bỗng cảm thấy từ âm hộ rớt ra một vật gì, tiếng chạm xuống lườn nghe đùng đục. Vói tay nhặt lên mân mê. Từ chỗ nó chui ra không có cảm giác gì đặc biệt, giống phụ nữ có tháng thỉnh thoảng nhợn ra một cục huyết bầm bằng nửa miếng gan gà. Lạ là thoạt nhìn nó giống miếng tóp mỡ hay thẻo vỏ quýt phơi khô đã trổ màu sậm sì. Phải chăng cái trinh tiết, do bị hãm bởi con ma men và con ma tôi, đã nằm chờ từng ấy năm đến quắt queo nhăn rúm ? Chắc cú không phải thai chết lưu, bởi cái nghìn vàng vẫn còn đó nỗi buồn nên nó đành tự sản tự tiêu ?

Rõ ràng nó là một phần trong cơ thể rụng ra, như cuống rún của trẻ sơ sinh bị héo do đứt dinh dưỡng từ nhau của người mẹ. Nó là cái gì thì cũng là điều thầm kín, phải được cất ở hốc bí mật dưới tủ thờ cùng với tiền để dành, của hồi môn và những bài thơ tình. Thôi chết, cái hộp ! Phải móc nó lên từ đống xà bần trước khi xe ba bánh đến xúc đi trong ngày mai! Hốt hoảng với ý nghĩ phải lấy cái chi khều cho xuồng tấp vào bờ, tôi mò dưới chỗ đứng tìm cây gậy đạo sĩ, lúc bấy giờ không biết tại sao có mắc tòn teng một sợi nhợ với cả lưỡi câu. Một cách vô thức, tôi móc cái vật vừa nhặt được vào lưỡi câu rồi vung lên quơ quơ kiểu người ta giương cờ trắng đầu hàng. Trời nổi gió đùng đùng lùa chiếc xuồng quay mòng mòng. Trong nỗ lực cuối cùng, tay vung vẫy cây gậy có miếng gan gà khô queo đong đưa, mắt dõi về phía chân trời mờ mịt, tôi lấy hết sức bình sinh gào lên nhưng tiếng la chết ngắc trong họng.



clip_image002

Trần Thị NgH

Ribière, 12.2010

bài đã đăng của Trần Thị NgH

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • Thường Quán says:

    Tình huống thay đổi, lịch sử cực thay đổi, quan hệ người với người cực cực thay đổi; kéo tất cả xuống ngang tầm ngưỡng mục phá-thế-giá, sử dụng ngôn từ rặt phương ngữ nhân dân; triệt khử nội tâm, triệt khử ý thức dòng, ý thức chảy (của đầu hiện đại chủ nghĩa); chỉ giữ may thì một be sườn lương tâm, cái vất vưởng sót lại từ Đất-Hoang T. S. Eliot, cộng Hài Kịch Thiêng Dantes Alligheri, cộng báo chí một thời Bến Thành, Bến Nghé có Bà Tùng Long. Kết quả: một thể nghiệm tam giác chia không đều – trào lộng, (tự) huy động, báo động. Còn cái gì sản sinh được trên đất này, thời này?

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)