Trang chính » Phỏng vấn, Văn Chương Thiếu Nhi Email bài này

Những Sáng Kiến Tuổi Thơ: Trả Lời Phỏng Vấn cho Chuyên Đề Văn Chương Thiếu Nhi/Thiếu Niên

BAO-THIEU-NHI_thumb.png

BÁO THIẾU NHI

(1) Những tác phẩm thiếu nhi hoặc thiếu niên nào đã gây ấn tượng sâu đậm với bạn trong thời đi học/đang lớn? Tại sao?

Ngày đó, cũng như hàng trăm ngàn cô cậu bé sống ở miền Nam thanh bình, tôi đọc nhiều nhất là những cuốn sách nhỏ nhắn, xinh xinh của các nhà xuất bản Tuổi Hoa, Trăm Hoa, Mây Hồng, v.v. Đối với một con mọt sách như tôi, kể ra những tác phẩm gây ấn tượng sâu đậm đã đọc thời thiếu nhi/thiếu niên phải cần một danh sách thật dài. Tuy nhiên, nếu cho rằng ấn tưng sâu đậm là điều gì đến ngay trong ký ức và cảm xúc thì có hai cuốn: Cuốn thứ nhất là “Chiếc Xe Thổ Mộ” của Bích Thuỷ (tủ sách Tuổi Hoa). Tôi theo dõi “Chiếc Xe Thổ Mộ” từ khi truyện dài này còn đăng từng kỳ trên Tuổi Hoa. Tình bạn dễ thương và ngây thơ của hai nhân vật chính đã đem lại cho tôi những rung cảm đầu đời về cảm xúc đối với một người khác không phải là trong gia đình. Khi đọc đến chỗ hai người bạn giận nhau đến mấy năm trời vì một sự hiểu lầm đáng tiếc, cũng là lần đầu tiên tôi thấy “đau”, thấy thổn thức trước những thực tế “phũ phàng” của cuộc sống mà một cậu bé như tôi chỉ mới bắt đầu khám phá. Đối với “Vườn Cau Nước Dâng” (cũng của tủ sách Tuổi Hoa), tôi thích tác giả Thuỳ An vì không khí và giọng Huế đặc biệt của cô bàng bạc qua tất cả những tác phẩm của cô (tôi không phải người Huế). Với truyện này, tác giả một lần nữa đã làm tôi thích thú, không những với chất Huế điển hình cố hữu, mà còn vì những tình tiết, sinh hoạt đời thường của những nhân vật trong truyện ở một nơi xa xôi (tôi sống ở Nha Trang). Có thể nói là qua cuốn truyện này, tôi đã tìm hiểu thật nhiều về văn hoá địa phương, của những người cùng là người Việt như tôi, nhưng dường như sống ở một không gian thật khác, thật lạ. “Vườn Cau Nước Dâng” đã đem lại cho tôi ít nhiều “hương xa”, không phải từ một quốc gia nào khác, mà ngay tại miền Nam nước Việt của tôi thuở ấy.

(2) Lúc đó bạn thường hay đọc những thể loại văn chương nào?

Nếu có thể đoán biết cá tính và thẩm mỹ quan của một người qua những tác phẩm nghệ thuật hay văn chương của người ấy, thì tôi biểu lộ chuyện đó qua khuynh hướng tìm đến các tác phẩm về gia đình, học đường và tình bạn hữu. Tủ sách Tuổi Hoa thời ấy đã giúp các độc giả nhỏ tuổi phân loại các khuynh hướng đó qua loại sách Hoa Xanh, Hoa Đỏ và Hoa Tím. Tủ sách của tôi lúc đó có đủ ba màu như trên, nhưng tôi vẫn thích nhất loại Hoa Xanh vì nó thích hợp với khiếu thẩm mỹ, với “khẩu vị” của tôi nhất. Loại sách Hoa Đỏ, tôi mua và đọc, nhưng không lấy gì làm mặn mà cho lắm vì tôi thích phiêu lưu trong trí tưởng tượng hơn là trong đời thực như các đề tài của loại sách này. Loại Hoa Tím, nói về tình cảm tuổi mới lớn, tôi tìm đến một cách rụt rè ở tuổi 15, 16, vì thấy mình vẫn còn như chưa được quyền bước vào thế giới người lớn. Khi đọc những truyện của loại sách này, tôi thưng có cảm giác sờ sợ, thậm chí “tội lỗi”, hay hoang mang trước những điều còn quá xa vời, lạ lẫm đối với mình.

(3) Xin hãy kể lại những phương tiện sách báo vào thời điểm đọc sách thời đó: bạn mượn sách từ thư viện nhà trường, từ nơi cho mướn sách, được gia đình mua sách cho đọc, hay tự để dành tiền mua sách báo, v.v.?

Ngày đó, trong mấy đứa con, ba má tôi đã biết rõ tôi là đứa mê đọc sách nhất. Chắc có lẽ vì thế mà ông ba không cần bận tâm đến việc mua sách cho tôi mà chỉ cần cho tôi tiền khi tôi xin mua sách. Ông bà rất yên tâm khi thấy sách tôi chọn mua là loại sách lành mạnh dành cho thiếu nhi. Ngoài việc “cung cấp” tiền cho tôi mua sách, ba má tôi cũng hoan hỉ và hào phóng (gia đình tôi chỉ thuộc hạng trung lưu) cho tôi mua một số tạp chí thiếu nhi định kỳ phổ thông lúc đó như Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Thằng Bờm, Tuổi Ngọc, Ngàn Thông. Ba tôi đọc một tờ nhật báo do một anh chàng chỉ lớn hơn tôi vài tuổi ngày ngày đạp xe đến giao báo cho nhà tôi. Tôi nhớ rõ ngày nào thì tạp chí nào của tôi sẽ có, nên vào những ngày đó thường hồi hộp, nôn nao chờ báo đến. Khi nhận tờ nhật báo từ tay anh giao báo và nắn nắn vào nó mà thấy dày dày hơn bình thường, tôi sung sướng biết rằng trong đó có kèm thêm một trong những tờ tạp chí thân yêu của tôi. Vì đã được đầy đủ, tôi không có nhu cầu mượn sách từ thư vin. Còn việc mướn sách chỉ có về sau này, khi tôi bắt đầu tìm đọc những loại sách “lớn tuổi” hơn, vì hiếu kỳ nhưng không vì mê thích, nên không cần mua để giữ trong tủ sách của mình.

Tuy vậy, tôi lại trở thành một nhà cho thuê sách! Thấy tủ sách của mình đã khá “đồ sộ”, một hôm tôi quyết định cho thuê sách của mình. Tôi cẩn thận sắp xếp sách theo thứ tự ABC, làm một danh sách hẳn hòi cho “khách hàng” của mình dễ chọn lựa. Đồng thời, tôi còn làm thêm một việc nữa, phải nói là khá “sáng tạo”. Trong thời kỳ đó, các loại truyện tranh ngoại quốc như Tintin, Xì-trum, Phan Tân-Sĩ Phú, Lữ Hân-Phi Lục, Lucky Luke, được in lại bằng hình trắng đen và đối thoại bằng tiếng Việt. Tôi mê truyện tranh, mà phải màu mới đẹp, nên đành bấm bụng mua thêm một số truyện tranh đó bằng nguyên bản tiếng Pháp để thưởng thức cho mãn nhãn. Cùng với việc bắt đầu cho thuê sách, tôi nảy ra ý “Việt hoá” các cuốn truyện tranh bằng tiếng Pháp của mình. Công việc này hết sức tỉ mỉ. Tôi phải cắt giấy theo đúng khuôn của các lời đối thoại của nhân vật trong sách, chép lời đối thoại từ trong các bản tiếng Việt (tôi không đủ sức tự dịch những lời đối thoại trong nguyên bản), rồi dán đè lên phần đối thoại trong bản chính. Chính những chi phí và công sức dành cho loại truyện tranh này đã là một phần thúc đẩy tôi làm dịch vụ cho thuê truyện để lấy lại vốn! Tuy nhiên, thương vụ của tôi không được khấm khá cho lắm, vì tôi chỉ được đâu hai ba thân chủ trong cư xá sĩ quan của gia đình tôi. Nói theo kiểu nhà buôn thời đó là “không đủ sở hụi!” Trong số độc giả thuê sách đó, có một anh chàng (cũng là một con mọt sách như tôi) tên là D., nhỏ hơn tôi 3, 4 tuổi gì đó. Anh chàng này có lẽ đã thuê gần hết sách của tôi, đặc biệt là các cuốn truyện tranh màu đã được Việt hoá của tôi, một công trình độc nhất vô nhị vào thời ấy. Bây giờ, viết những dòng chữ này, tự nhiên tôi thấy áy náy vì đã lấy nhiều tiền của D. quá. Tôi nghe gia đình của D. vượt biên rất sớm, định cư đâu đó ở Washington state. Nếu tình cờ một ngày nào đó D. đọc những dòng này, nhận ra mình chính là anh chàng thuê sách đó, và nếu mối duyên (lẫn nợ) sách vở của chúng ta vẫn còn, hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một nơi nào đó. Tôi sẽ mời anh một ly cà-phê (và nhiều ly sau đó nữa) để đền đáp lại những lần anh thuê sách, hai đứa cứ cắm cúi bên tủ sách của tôi lúc anh chọn lựa, và để cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời, một nơi không bao giờ còn tìm lại được nữa.

(4) Bạn nhận được những thông tin hoặc nhận xét về các tác phẩm thịnh hành/đáng đọc từ đâu: bạn bè, nhà trường, người thân, v.v.?

Với đam mê đọc sách của mình, những cuốn sách tôi mua phần lớn là tự tôi tìm đến. Đã gọi là đam mê thì cần gì phải có người giới thiệu cho mình đam mê nằm ở đâu, phải không quý vị? Nói cho vui thôi chứ tất nhiên làm sao chúng ta biết hết những cuốn sách mình thích ở đâu hay xuất bản lúc nào. Tôi không nhớ rõ chi tiết, nhưng chắc chắn là nhiều cuốn sách tôi biết được cũng do từ bạn bè đọc xong cho hay. Một cách khác để biết thêm về các tác phẩm mới là chỉ việc xem mục “Cùng Một Tác Giả” mà đa số sách ngày trước vẫn làm để “dụ dỗ” các độc giả thiếu nhi chịu khó móc túi mua thêm để thưởng thức. Hay mục những cuốn sách đã phát hành trong thời gian qua cũng là một nguồn thông tin hữu hiệu.

Tuy vậy, có lần má tôi đã mua cho tôi một cuốn sách mà bà thấy chất chứa nhiều tâm sự của một người mẹ và những gì bà muốn nhắn nhủ đến con cái. Cuốn sách đó có nhan đề là “Lòng Mẹ Nở Hoa”. Rất tiếc tôi không còn nhớ tên tác giả, nhưng vẫn nhớ rằng đó là một phụ nữ trung niên, cũng là một người mẹ, viết về gia đình của bà. Cuốn sách bao gồm nhiều truyện ngắn về người mẹ và những đứa con của bà, nói về những sinh hoạt thường ngày trong gia đình, những niềm vui, nỗi buồn rất thật, rất quen thuộc như trong bao nhiêu gia đình khác. Phải nói là cuốn “lòng Mẹ Nở Hoa” chính là một trong những cuốn sách làm nền tảng cho đam mê và thói quen đọc sách của tôi từ đó về sau.

(5) Bạn có thường trao đổi về những tác phẩm, hay những nhân vật mà bạn yêu thích với bạn bè? Ở lứa tuổi nào bạn bắt đầu có những trao đổi về sách báo, văn chương?

Ngoài việc “trao đổi có lợi nhuận” là cho thuê sách như đã nói ở trên, tất nhiên tôi cũng có trao đổi sách phi lợi nhuận với bạn bè và một số anh chị em họ của tôi. Như tất cả những người yêu sách, tôi nâng niu sách báo của mình rất mực. Tôi ghét nhất những ai đọc sách hay báo mà gấp đôi hn lại để tiện đọc trang sách đang xem, không cần biết là mình đang dày vò tờ báo hay cuốn sách như thế nào. Vì vậy, mỗi lần trao đổi sách hay chỉ cho mượn sách mà không mượn lại, tôi luôn luôn dặn dò người đó phải hứa giữ sách cẩn thận cho tôi. Nếu không giữ lời hứa, lần sau tôi sẽ không trao đổi hay cho người đó mượn sách nữa.

Việc trao đổi văn chương của tôi còn lên đến một bậc nữa, đó là việc tôi và cô hàng xóm quyết định cùng làm chung một tờ tạp chí theo kiểu Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc. Tôi nghĩ độc giả hay người cầm bút ngày nay trong chúng ta, không ít người cũng đã từng có cuộc phiêu lưu chữ nghĩa kỳ thú đó trong thời thơ ấu của mình. Cô hàng xóm, bạn văn của tôi thuở đó tên là MT. Cô thường phụ trách vẽ bìa báo (MT còn có đam mê cải lương nên các bìa báo thường có hình những cô gái mặc y phục như trong các vở tuồng lịch sử, tóc bới cao, cài trâm rất đỏm dáng). Hai đứa chúng tôi chia nhau phần nội dung, đứa thì làm thơ, đứa viết văn, kiêm luôn nhiều mục linh tinh mà báo nào cũng có như mục nấu ăn, giải đáp thắc mắc, ô chữ, trả lời thư tín (tất nhiên đến những độc giả tưởng tượng!) và ký nhiều bút hiệu khác nhau. Về phần tôi, có lần tôi còn táo bạo đăng một truyện dịch… giả! Truyện giả vì hồi đó tôi làm gì đã biết ngoại ngữ nào để dịch với thuật. Tôi bịa ra một cái tên tác giả bằng tiếng Anh, viết một câu chuyện do tôi nghĩ ra, đặt tên nhân vật cũng bằng tiếng Anh và cố tình viết bằng một giọng văn cứng ngắc, không có “mùi” VIệt Nam, như kiểu văn dịch thật vậy. Tất nhiên là dịch phẩm giả hiệu này không vướng phải một rắc rối nào về pháp luật, vì tác giả (giả) và dịch giả (thật mà giả) đều là một người, không ai có ý muốn kiện cáo ai cả.

Tbáo của MT và tôi ra được vài số (mỗi lần chỉ có một “ấn bản” viết bằng tay duy nhất) thì xảy ra chuyện cơm không lành canh không ngọt của hai nhà văn chưa có tên mà cũng chưa đủ tuổi! Tôi không còn nhớ chúng tôi đã bất hoà với nhau về chuyện gì. Tôi chỉ nhớ là hôm ấy, MT tất tả chạy sang nhà tôi, tay cm tất cả những tờ báo chúng tôi đã “phát hành” và cả hai cãi nhau rất sôi nổi về một chuyện gì đó. Hậu quả của mối bất hoà đó là hai chúng tôi đã cùng nhau xé nát hết những công trình dễ thương của mình.

Gia đình của MT, theo như tôi biết, đã định cư ở nước Anh. Tôi còn được biết là MT đã xuống tóc quy y, chắc là đang ở trong một ngôi chùa nào đó trên xứ sở sương mù. Cho nên hy vọng rằng MT tình cờ đọc lại câu chuyện văn chương ngày xưa giữa hai chúng tôi chắc cũng là chuyện vô cùng hãn hữu. Nhưng dù sao tôi cũng muốn gởi đến MT, trước hết là lời cám ơn vì nhờ có cô mà tôi đã có được những tháng ngày thật đẹp với mộng văn chương, đồng thời cũng xin lỗi cô là đáng ra chính tôi phải là người cố gắng làm giảm nhẹ căng thẳng để chúng tôi không đi đến phải chỗ xé mất đi những tờ báo hồn nhiên của ngày xưa thật đẹp đó.

(6) Những tác phẩm, nhà văn, hay những nhân vật ấn tượng này có làm bạn muốn trở thành một người viết? Tại sao (có hay không)?

Tôi mê đọc sách, rồi đâm ra mê viết (chắc không có người nào thích viết văn mà lại không thích đọc sách cả!). Tôi nghĩ, tất cả những cuốn sách tôi đã đọc và các tác giả của chúng, như một động lực chung nhất, đã khiến cho tôi cũng muốn trở thành một người viết như họ, chứ tôi không thể chọn ra một tác phẩm hay tác giả nào riêng rẽ cả. Tuy nhiên, bây giờ nghĩ lại, tôi thấy cũng có thể một tác giả hầu như vô danh đã là một trong những động lực đó. “Tác giả” đặc biệt này là một nữ sinh trung học đệ nhất cấp. Cô viết một số truyện dài kiểu Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, chép hoàn toàn bằng tay trong những cuốn vở học trò mà hồi đó học sinh nào cũng có. Một cô bạn hàng xóm của tôi học cùng lớp với “nhà văn” tài không đợi tuổi này, mượn mấy cuốn đó về và chuyền tay cho nhiều người đọc, trong đó có tôi. Truyện của cô bé này có nội dung và hình thức lôi cuốn không thua gì một số tác giả trẻ đã có sách xuất bản thời đó như Tôn Nữ Thu Dung, Nguyễn Thái Hải, Kim Hài, Nguyễn Thị Mỹ Thanh… Những “thủ phẩm” (không phải ấn phẩm) của “nhà văn” có vẻ bất cần đời này chắc đã làm tôi cũng háo hức muốn làm được như vậy.

(7) Bạn có bao giờ đọc lại những tác phẩm ngày còn bé hay mới lớn? Cảm giác sau (những) lần đọc lại ra sao?

Đây đó tôi vẫn có lần đọc lại những cuốn sách ngày xưa, lúc còn bé hay lúc tuổi vừa lớn. Những cảm xúc mạnh mẽ nhất mà tôi vẫn có thể tìm lại là trong những cuốn sách tôi đọc từ lúc bé, hơn là lúc mới lớn. Có lẽ tâm hồn thơ dại của chúng ta có thể giữ lâu dài các cảm xúc đậm đà và sâu lắng nhất đối với những lời văn chuyên chở tâm tình, đong đầy thực tế của các tác giả viết cho thiếu nhi. Lấy thêm một vài ví dụ khác để dẫn chứng, tôi thấy những cảm xúc của mình vẫn còn hầu như nguyên vẹn khi đọc lại truyện ngắn “Ăn Chịu Thử Một Lần” của nhà văn Minh Quân (tạp chí Tuổi Hoa), hay truyện dài “Chiếc Lá Thuộc Bài” của Nguyễn Thái Hải (tủ sách Tuổi Hoa). Ngoài ra, còn có những tác phẩm tôi chưa có dịp đọc lại nhưng vẫn còn nhớ mãi những chi tiết đã làm mình xúc động như truyện ngắn “Con Tôm” (Camli Nguyễn Thị Mỹ Thanh – tạp chí Tuổi Hoa) hay truyện dài “Bát Canh Thơm” mà tác giả tôi rất tiếc đã quên tên, của nhà xuất bản Mây Hồng.

Tôi cũng có đọc lại một ít truyện ngắn dành cho tuổi mới lớn trong tạp chí Tuổi Ngọc, và thấy rằng cảm tình, và cảm xúc, của mình vẫn còn đó dành cho một số tác giả, trong đó có cây bút nữ Ngọc Minh (truyện ngắn “Giữa Tường Trắng Lặng Câm”), mà ngày nay đã trở thành một nhà viết/làm kịch nổi tiếng.

(8) Tại sao bạn vẫn nghĩ về các tác phẩm/nhà văn này? Hoặc, tại sao bạn không còn nghĩ về họ như vậy?

Như đã nói, những tác phẩm hay tác giả mà tôi vẫn còn nhớ đến, đó là vì những cảm xúc mà họ đã đem lại cho cậu bé độc giả tôi ngày xưa, những cảm xúc mà đến nay tôi vẫn còn thấy được. Tuy nhiên, về phương diện hình thức, cách nhìn của tôi đã phần thay đổi đối với cách hành văn của một số tác giả đó. Tôi là nhà giáo dạy ngôn ngữ, nên ít nhiều gì cũng bị “méo mó nghề nghiệp”, bây giờ đọc lại những tác phẩm ngày xưa mình thích, thấy nhiều khi câu cú hay cách dùng chữ trong đó chưa được chỉnh. Đây là một tình trạng chung cho người viết, trong đó có cả tôi. Tôi nhận thấy nhiều người chúng ta, khi lỡ viết hay nói sai một chữ, một câu trong tiếng Anh, tiếng Pháp chẳng hạn, thì lấy làm áy náy lắm, trong khi lại có vẻ như xem thường cách nói hay viết tiếng Việt của chính mình, chắc là nghĩ mình nói hay viết tiếng Việt lúc nào lại chẳng hoàn hảo. Lấy ví dụ ở chính tôi, nhiều khi tôi đọc lại những gì mình đã viết, thấy không thiếu gì những chữ mình chọn chưa đắc (có khi còn chưa đúng là đằng khác!) hoặc những câu chưa thực sự chỉnh, có chỗ thái quá, có chỗ bất cập. Người Mỹ thường nói: “There’s always room for improvement.” Tôi nghĩ chúng ta nên lấy câu này làm kim chỉ nam trong tất cả những gì mình làm, đặc biệt là trong việc viết lách, vì lúc nào chúng ta cũng muốn tự trọng và tôn trọng độc giả.

(9) Theo bạn thì một tác phẩm viết cho thiếu nhi/thiếu niên, nếu thành công, phải hội đủ những yếu tố nào? Tại sao?

Một tác giả thiếu nhi viết văn hay làm thơ chắc là tác giả thành công nhất, vì tác giả đó chỉ cần dùng văn tài thiên bẩm, cộng với những suy nghĩ, tâm tình chân thực của một thiếu nhi để viết nên tác phẩm của mình. Mặt khác, một tác giả người lớn viết cho thiếu nhi cần vận dụng nhiều kỹ năng kỹ xảo mới đạt được hiệu quả như ý muốn. Nhưng trước hết, nhà văn đó phải là một người yêu trẻ—hay cũng có thể là một người không bao giờ muốn lớn—mới có thể có được những suy nghĩ, cảm xúc rất thật của tuổi trẻ. Nói cách khác, nhà văn đó phải hoá thân thành một đứa trẻ, hoà mình trong thế giới của tuổi thơ, mà phải làm những điều đó một cách hoàn toàn chân thực, thì mới mong tác phẩm của mình đến thẳng trái tim của những độc giả nhỏ tuổi. Về mặt kỹ năng kỹ xảo, nhà văn cần thận trng trong cách kể chuyện, cách dùng chữ, các câu đối thoại, thậm chí cả cách diễn tả tâm tình và suy nghĩ một cách hợp lý, hợp tình đối với tuổi trẻ. Nhà văn đó cũng phải là người sành tâm lý thiếu nhi, biết chúng thích hay không thích những gì, khả năng của chúng thế nào, mơ ước của chúng ra sao, vân vân và vân vân. Kết hợp được những yếu tố kể trên (và nhiều yếu tố khác mà mỗi người viết có thể tự tìm thấy), nhà văn viết cho thiếu nhi sẽ có nhiều cơ hội thành công với những tác phẩm của mình.

10) Một tác phẩm viết cho thiếu nhi/thiếu niên có nên bảo vệ tinh thần trẻ em/thiếu niên, tránh những đề tài có thể làm các em bị sốc, tránh đoạn kết bi thảm, hay không? Đề tài, đoạn kết nào nên được tránh? Tại sao (nên/không nên tránh)?

Viết cho thiếu nhi không phải là chuyện dễ, vì quan trọng hơn hết là tinh thần trách nhiệm của người viết. Tác phẩm cho thiếu nhi không chỉ để giải trí mà còn nhắm vào mục đích giáo dục. Nếu nói đến việc “bảo vệ” trẻ em với ý nghĩa là tạo điều kiện cho chúng thưởng thức văn chương một cách thoải mái, vui tươi nhưng đồng thời cũng mang lại cho chúng cảm giác “an toàn”, thì đúng là nhà văn cần hết sức thận trọng khi đặt bút xuống viết. Mặt khác, tác phẩm dành cho thiếu nhi cũng cần trung thực, phản ảnh thực tế hằng ngày quanh các em, chứ không tô hồng thực tế, đưa các em quá xa về những xứ miền, khung trời xa vời (cho dù là trong truyện cổ tích hay thần tiên), để các em có thể bị “vỡ mộng” khi quay về với cuộc sống hằng ngày. Đây lại là một trọng trách khác của người viết. Tôi không phải là người viết cho thiếu nhi, mặc dù có lần đã viết một truyện ngắn cho thiếu nhi để tặng cho con trai của một người bạn đồng nghiệp vì rất quý mến cháu. Tôi biết các nhà văn thành công chuyên viết cho thiếu nhi đã thừa biết họ cần làm những gì để đạt tới thành công như họ đã có. Tuy nhiên, vì được đặt câu hỏi này, tôi cũng xin đóng góp phần “hai xu” của mình: Vì là một người theo chủ nghĩa trung dung, nếu viết văn cho thiếu nhi, tôi sẽ chọn những cách trung dung để viết nên những tác phẩm của mình. Trẻ em thời nay trong thế hệ khoa học kỹ thuật tân kỳ, với internet, với Google, Facebook, với Instagram, Tik Tok, v.v. dư sức biết còn nhiều thứ hơn là người lớn chúng ta biết được. Trước hiện trạng đó, nhiệm vụ của nhà văn viết cho thiếu nhi là giúp các em có được một trạng thái cân bằng giữa thế giới ảo và thế giới thực. Bằng cách nào? Rất nhiều cách, nhưng một trong những cách đó là, rất trung dung, không vạch trần thực tế một cách quá đáng, nhưng cũng không che giấu thực tế một cách vụng về. Trong ý nghĩa này, tôi nghĩ nhà văn không nhất thiết phải tránh né bất cứ đề tài, nhập đề, thân bài hay đoạn kết nào cả. Vấn đề là nhà văn phải biết khéo léo dùng tài viết văn của mình để trình bày những đề tài tế nhị đó một cách chừng mực. Tất nhiên là chúng ta cũng phải kể đến việc phân loại sách thiếu nhi thích hợp cho từng lứa tuổi. Kết hợp được nghệ thuật viết văn cho thiếu nhi và chọn đề tài thích hợp với từng lứa tuổi, nhà văn sẽ đạt đến những thành công nhất định qua những tác phẩm của mình.

Trần C. Trí

bài đã đăng của Trần C. Trí

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

2 Bình luận

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)