Trang chính » Biên Khảo, Chuyên Đề, Nguyễn Mộng Giác, Nhận Định Email bài này

Nhân vật Nguyễn Huệ trong Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác

 

 

NoiNgoiVietSongConMuaLu

Nơi Nguyễn Mộng Giác đã ngồi viết Sông Côn Mùa Lũ từ 1978-1981, tại địa chỉ cũ 62/22 Dương Công Trừng- Sài Gòn. Hình chụp khi phá nhà cũ để xây lại, hiện nay là 62/8 Ngô Tất Tố, Phường 19, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn.

 

 

Từ Nguyễn Huệ lịch sử …

 
Cùng với bà Trưng, bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi…, Nguyễn Huệ trở thành biểu tượng cho giòng lịch sử oai hùng của dân tộc. Nhưng dường như Nguyễn Huệ là người được đề cập đến nhiều nhất, với một sự kính trọng và niềm tự hào khá đặc biệt. Có lẽ là vì cuộc đời ông có những nét rất riêng, so với các khuôn mặt trên. Trưng Trắc thì được nung nấu bởi thù chồng bị giết; Ngô Quyền vốn là một tướng lãnh; Trần Hưng Đạo là một đại thần, một tướng lãnh; Lê Lợi thì có quân sư tài ba Nguyễn Trãi phò tá…, đại khái là ai cũng có gốc, có gác, có phò tá. Nguyễn Huệ bước vào chiến trường và chính trường từ lúc còn là một thanh niên mới lớn không giòng dõi, không học thức, không kinh nghiệm. Ấy thế mà những gì Nguyễn Huệ thực hiện là những thành tích vô tiền khoáng hậu, gây nên những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đương thời cũng như hậu thế và các nhà viết sử: trong một thời gian ngắn ngủi, ông lật đổ hai triều Chúa, một triều Vua và đánh tan hai đạo quân xâm lược lớn nhất thời bấy giờ. Ông vừa là tướng lãnh vừa là lãnh tụ chính trị vừa là chiến lược gia, và cuối cùng trở thành hoàng đế. Từ trong bóng tối, ông đột ngột xuất hiện trên vòm trời đất nước, tạo nên những kỳ tích, choáng hẳn cả một giai đoạn lịch sử với một tầm vóc vĩ đại. Kỳ tích lớn đến nổi ta không kịp nhìn thấy khuyết điểm của ông. Vinh quang, do đó, che lấp hẳn phần “bi kịch”. Người ta nhớ đến chiến công và quên rằng hai anh em ông đã từng đánh nhau một mất một còn mà dù muốn dù không, ông cũng phải chịu một phần lỗi nếu không muốn nói là phần lỗi chính, theo tôi. Đồng thời cái chết bất ngờ của ông khi mới có 39 tuổi đầu giữa lúc sự nghiệp đang ở chót vót đỉnh cao, khiến mọi người ngẩn ngơ, để lại một giấc mơ vĩ đại không bao giờ thực hiện được: lấy lại lưỡng Quảng, thống nhất đất nước và đẩy dân tộc tiến lên.

Trước khi đi sâu vào nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Huệ, ta thử tạm dừng một chút để nhìn qua con người “lịch sử” – thường được xem như là thật – của Nguyễn Huệ như thế nào. Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một vài điểm liên quan đến nhân dáng, tính cách, tư tưởng hơn là những chiến công mà hầu như ai cũng đã thuộc nằm lòng. Tôi dùng cuốn “Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam” của Tạ Chí Đại Trường[1] là một tác phẩm sử học tương đối đầy đủ nhất và khách quan nhất về giai đoạn lịch sử khá rối rắm này, theo tôi. Sau đây là một vài trích đoạn trong tiết 16 “Cái chết của Nguyễn Huệ”, từ trang 270 đến 276:

“Nguyễn Ánh bền dai, kiên trì có lẽ đã làm cho một số người tầm tĩnh thán phục, nhưng lại từng là bại tướng của “ông Long Nhương” (…) Nguyễn Nhạc thất bại ngay lúc còn sống (…) Nguyễn Hữu Chỉnh bị bêu đầu sau một hồi làm mưa làm gió. Nguyễn Huệ trái lại, sống giữa hào quang rực rỡ của chiến thắng (…) Nguyễn Huệ thu nhặt được tất cả những lời khen lao, từ bọn bầy tôi quen tán tụng bất cứ ai là chủ tể cho tới đám thù nghịch từng chịu điên đảo vì ông.

(…) Trong một cuốn dã sử còn lại, có một vài nét về Nguyễn Huệ có vẻ thực lắm: “Tóc Huệ quăn, mặt mụn đầy, có một con mắt nhỏ, nhưng mà cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu…” (…)

(…) Về cuộc đời riêng của con người này, lịch sử cũng biết được một ít, nhiều hơn những ông vua thời bình cầm đầu quốc gia bằng thế tập. Sĩ phu Bắc hà quen với không khí tôn nghiêm, bệ vệ của Lê hoàng, Trịnh chúa đã ngạc nhiên khi thấy cảnh anh em Tây Sơn “trò chuyện, kẻ hỏi người đáp cực kỳ ôn tồn (?) y như anh em các nhà thường dân”. Và cũng nhân dịp ra bắc này, tướng sĩ dưới quyền được vui cười cảm thấy gần gũi ông tướng oai nghiêm ngày thường với câu nói cợt nhã “Vì dẹp loạn mà ra rồi lấy vợ mà về, trẻ con nó cười thì sao? Tuy vậy, ta chỉ quen gái Nam hà mà chưa biết con gái Bắc hà, nay cũng thử một chuyến xem có tốt không?”

(…) Dù Nguyễn Nhạc có ghét em đến dùng chữ “giảo quyệt”, “hợm hĩnh”, “kiêu ngạo”, người ta vẫn nhìn hành động của Huệ để mà thấy các hình dung từ trên không có ý nghĩa xấu khi gán cho một con “hùm (muốn) ra khỏi cũi”. Trái lại, khi bàn về Nguyễn Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh đang ở thế đối địch, Nguyễn Đình Giản cứng cỏi đều nhận “Bắc bình vương là một tay anh hùng”. Khi triều thần Bắc hà họp để bàn việc cử người vào đòi Nghệ An, Phan Lê Phiên loại Nguyễn Đình Giản, Phạm đình Dư, viện lẽ “Bắc bình vương là người rất quyệt, hay dùng trí thuật lao lung người khác, trong lúc bàn luận, khi xuống lại nâng lên người ta không biết đâu mà dò”. Trần công Xán, viên sứ giả được đề cử sau lúc “luôn trong mấy hôm vẫn không cử được người nào”, cũng phải e dè nhận rằng kẻ mình phải thuyết là “người huyền bí khó lường’. Thận trọng dè dặt không vào thăm Lê Hiển Tông bệnh, dùng lý đó để bắt lỗi Lê duy Kỳ sao không đợi ông vào hãy phát tang, Nguyễn Huệ thực đã hành động có chừng mực, có tính toán khiến bọn Lê thần phải nể sợ vậy.

(…) Một cung nhân ở Thanh Hóa trong dịp Ngô văn Sở chận núi Tam Điệp (…) tóm tắt được cả dư luận Bắc hà lúc bấy giờ đối với viên tướng “hang núi”: “Nguyễn Huệ là bực lão thủ hung tợn và giỏi cầm quân. Coi y ra Bắc vào Nam thật là xuất thần quỷ nhập. Không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh y, ai cũng mất cả hồn vía, sợ hơn cả sấm sét…”.

Kẻ thù của Tây sơn ở phương Nam, tuy phải chui nhủi chạy trốn, tức giận vì vua chúa họ suýt diệt tộc trong tay Nguyễn Huệ cũng không thể nào nói khác hơn những lời khen lao được, tuy họ đã từng chê trách thậm tệ Nguyễn Nhạc. Sử quan viết “Nguyễn văn Huệ là em Nhạc, tiếng nói như chuông, mắt sáng như điện, giảo, kiệt, thiện chiến, ai cũng phải sợ…Bốn lần đánh Gia định, lúc ra trận đều đi trước, sĩ tốt hiệu lệnh nghiêm minh, thuộc hạ ai nấy dốc lòng vâng mệnh”

Nguyễn Huệ, do thiên tư, do tài năng, đã cai trị bọn võ tướng lừng danh của ông cũng như thần dân dưới quyền “bằng sức mạnh của khiếp phục. Do uy quyền đó mà Nguyễn Huệ đã thi hành những cải cách có khi động chạm đến cả đời sống tinh thần của dân chúng” như “sai phá các chùa chỉ chừa mỗi tổng một ngôi mà thôi” theo chính sách “phụng truyền” của Nguyễn Nhạc. Giáo sĩ Labartette ở Bố Chính nói: “Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, họ đã quét sạch xứ sở khỏi những lạm dụng nhơ nhuốc: không ai dám rục rịch chi hết”

Có lẽ biết đến vai trò – không chắc quyết định – nhưng quan trọng của ông trong sự sinh tồn của triều đại, nên Quang Trung, trước khi mất ngày 29 tháng 7 Nhâm Tý, đã đòi Trần quang Diệu về trối trăn, dặn chôn cất cho mau nội trong một tháng rồi dời kinh về Phượng Hoàng Trung Đô vì “Nếu không, quân Gia Định kéo tới, các người sẽ không có đất mà chôn đâu” (276).

Đó là vài nét về một Nguyễn Huệ “đời thường” còn ghi lại trong sách sử.

 

 
…đến những nhân vật Nguyễn Huệ

 
Đời thường, nhưng quá khác thường. Vậy nên, so với các anh hùng trong lịch sử Việt Nam, có lẽ ít ai mà cuộc đời và sự nghiệp nhiều chất “hư cấu” như Nguyễn Huệ: những biến cố xảy ra trong vòng mấy chục năm dính dáng tới ông đều đầy kịch tính, tương đối dễ cho ngòi bút trong việc tưởng tượng sáng tạo. Chúng, tự bản thân, đã nhuốm vẻ tiểu thuyết. Ghi lại trung thực những gì xảy ra là hấp dẫn rồi, huống hồ gì, người ta có thể thêm mắm dặm muối vào cuộc đời và sự nghiệp của ông, mà nhiều sự kiện – đến bây giờ – vẫn còn chưa xác định rõ. Chính vì thế mà biến ông thành một nhân vật tiểu thuyết tương đối dễ dàng. Trước 1975, ngoài những trang sử thơm tho, hấp dẫn học từ nhà trường[2] , tôi nhớ ít ra có hai truyện đề cập đến nhân vật Quang Trung, một là Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn của Nguyễn Mạnh Côn, trong đó, tác giả hình dung Quang Trung không hề chết. Sau đó là tác phẩm Mơ Thành Người Quang Trung của Duyên Anh, mô tả đám trẻ con mơ thành người anh hùng Quang Trung.

Sau 1975, theo tôi biết, có bốn tác phẩm chọn Nguyễn Huệ làm nhân vật:

Sông Côn Mùa Lũ, trường thiên tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác

Phẩm Tiết, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp

Mùa Mưa Gai Sắc, truyện ngắn của Trần Vũ

Gió Lửa, truyện dài của Nam Dao

Tất cả đều dùng tên tuổi và một số chi tiết chung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Huệ để xây dựng nhân vật. Tùy theo ý đồ riêng biệt của từng tác giả, mỗi truyện cung cấp cho ta một Nguyễn Huệ khác nhau, cả về nhân dáng, tính tình và quan điểm chính trị. Những nhân vật đó có phản ảnh đúng cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Huệ hay không, tôi không đề cập ở đây. Tôi sẽ nói đến Nguyễn Huệ như là sản phẩm của hư cấu, nghĩa là như một nhân vật x, y hay z nào đó, dù rằng có thể trong thâm tâm, chúng ta rất khó mà không ít nhiều đối chiếu với một Nguyễn Huệ lịch sử.

Phẩm Tiết[3] kể lại cuộc đời của một nhân vật nữ tên là Nguyễn Thị Vinh Hoa, người tình của hai ông vua thù địch nhau: Quang Trung và Gia Long. Nhân vật Nguyễn Huệ xuất hiện khi ông đã là vua Quang Trung trong phần đầu của câu chuyện. “Năm Kỷ Dậu (1789) Quang Trung Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt Mãn Thanh xong, tìm cách an dân”. Nghe theo lời Trần Danh Kỷ, nhà vua cho mời cơm các danh gia thế phiệt trong thành, Khải cũng được mời. Bữa tiệc “có đủ mặt mấy trăm gia đình giàu có ở Kẻ Chợ. Khải ngồi chiếu trên cùng”. Tại bữa tiệc, vua Quang Trung phán: “Ta xuất thân áo vải cờ đào, vì nước xả thân, dẹp yên bốn cõi. Thời chiến ta lấy kẻ có sức lực làm điểm tựa, thời bình ta lấy kẻ có trí lực làm điểm tựa. Nay các ông đến đây, đều là những người có của, tức là những người có trí lực cả; ta cho ăn cho uống, xin các ông vì ta mà mở mang công nghệ, bán buôn, làm cho nước giàu dân mạnh”.

Mới nghe lời phán, ta đã thấy có gì khang khác với Quang Trung vẫn thường biết “của mình”.

Ăn xong, Quang Trung hỏi Khải có ngon không? Khải đang say, dại miệng trả lời không vừa ý vua. Quang Trung cười nhạt, không nói năng gì. Khi người ta dâng các lễ vật mừng, vua Quang Trung đứng xem, trầm trồ thán phục. Nhưng khi Khải cho đầy tớ mở các lễ vật của mình, Quang Trung thấy toàn đồ giả, vải lụa bị cắt do tên đầy tớ cố tình chơi khăm, vua Quang Trung giận mắng: “Thằng Khải kia, tài bằng cái đấu, khinh ta quá chừng! Trời cho mày sống, cướp không biết bao nhiêu lộc thiên hạ, ăn miếng ngon không biết đậy mồm, còn chê là lợm. May nhờ phúc tổ, có ít của chìm, như cái đuôi khô, tháng ba ngày tám mang ra gặm tưởng xênh xang ư?

Xong tiệc, Quang Trung cho lính đi bắt Khải. Viên quan phụ trách, thấy con Khải tên Vinh Hoa quá đẹp, không bắt nữa mà về tâu vua. Nhà vua cho triệu Vinh Hoa tới. Vừa thấy nàng, nhà vua “thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay. Vinh Hoa nói năng rành rẽ, đâu vào đấy, nhà vua thích lắm. Nhà vua hỏi gì, nàng trả lời điều ấy, nói thông cả buổi, kim cổ đông tây đủ cả. Bọn Trần Văn Kỷ ngồi nghe toát cả mồ hôi”.

Nguyễn Huệ tin vào bói toán. Ông hỏi Vinh Hoa “Vận Tây Sơn được mấy đời?’. Vinh Hoa bảo: ‘Sao không hỏi được bao nhiêu ngày”.

Vua Quang Trung giữ Vinh Hoa lại trong cung, rồi sai rút quân khỏi nhà Khải. Nhưng Khải hổ thẹn đã treo cổ tự tử. Nghe tin, nhà vua “đang đêm xõa tóc, đi chân đất, vừa đi vừa vấp, chạy vào báo cho Vinh Hoa việc Khải mất”. Hối hận, vua cho làm ma chay rất hậu rồi đem Vinh Hoa vào ở trong cung đối xử “rất ân cần, thương xót” những mong nàng cho động phòng. Nhưng nàng cương quyết không chịu. Nhà vua “rất buồn”, không biết phải làm sao. Vua Quang Trung nói: “Ta được Vinh Hoa như được báu vật, một Vinh Hoa bằng ba vạn người”.

Về lại Phú Xuân, nhà vua mang theo Vinh Hoa. Khi sắp mất, Vinh Hoa đứng bên giường, nhà vua “nhìn mãi Vinh Hoa mà không nhắm mắt. Cả triều đình thương cảm. Con trai nhà vua là Nguyễn Quang Toản vuốt mắt cho cha nhưng hễ buông tay ra mắt nhà vua lại mở trừng trừng. Đến cả Hoàng hậu Ngọc Hân cũng thế. Sau Vinh Hoa phải lấy ngón tay út của mình đặt lên hai mi mắt nhà vua thì mắt nhà vua mới nhắm lại được”.

Nguyễn Huệ ở đây thiếu hẳn cái oai phong, lẫm liệt anh hùng như ta vẫn thường hình dung, mà là rất “vua”, như bất kỳ một ông vua nào khác trong các truyện về vua chúa mà ta vẫn thường đọc: hách dịch, ưa nịnh bợ, mê gái và ăn nói tùy tiện. Một ông vua bình thường như bao nhiêu ông vua khác, nếu không muốn nói là tầm thường. Chuyện vua chúa mê gái, háo sắc, đa dâm thì chẳng có gì là lạ trong kho tàng lịch sử cổ kim Trung Hoa và Việt Nam. Nhưng nếu nhân vật “vua” là một Lý, Trần hay Lê… gì “tông” đó, thì chẳng mấy ai thấy lạ. Nhưng ở đây lại là Nguyễn Huệ nên chuyện đâm ra khác đi, khiến nhiều người cảm thấy bức xúc và thậm chí như bị sỉ nhục. Truyện hóa ra mang tính cách hạ bệ thần tượng và lấp loáng những ám chỉ này nọ vào thời hiện đại. Biết bao là giấy mực đã đổ ra vì thế!

Nhưng không chỉ có Nguyễn Huy Thiệp!

Một thời gian ngắn sau khi Phẩm Tiết gây chấn động trong văn giới và dư luận trong nước, thì ở trời Tây, Mùa Mưa Gai Sắc[4] của Trần Vũ ra đời, gây thêm một chấn động mới với một Nguyễn Huệ còn dung tục hơn bội phần. Nhân vật “vua” mê gái, ăn nói tùy tiện, nghe còn được. Nhân vật “sẽ là vua” ở đây xấu xa, thô bạo, dâm đãng chẳng khác gì một tay tướng cướp. Bằng một kỹ thuật đặc biệt qua hai người kể chuyện đều xưng tôi – một là bạn của Nguyễn Huệ và một là bạn của Ngọc Hân – và với một giọng văn đầy ấn tượng và những hình ảnh bạo liệt, Trần Vũ cho ta một Nguyễn Huệ mới toanh. Trước hết, về nhân dáng và tính tình, Nguyễn Huệ là một người hung bạo. “Những khi giận, hai tròng đỏ trong mắt Huệ lập lòe lửa, tất cả thần khi dữ dội đều hiện lên ở đồng tử, nên nhìn rất sợ”. Cá tính hung bạo, thô lỗ đó được dịp biểu lộ khi ra Thăng Long trong tư thế của một người chiến thắng. “Trong phủ Chúa, chốn sang trọng lộng lẫy nhất Thăng Long, từng mảng da beo lớn trải làm thảm lót chân, Huệ đi lại trên đó và khạc nhổ cũng trên đó”. Khi Vũ Văn Nhậm nhắc Huệ về lễ rước dâu, Huệ gắt: “Ta dẫn mấy vạn quân ra đây, đánh một trận dẹp yên thiên hạ, lão già họ Lê, dòng họ, ngai vàng lão thuộc về ta như trâu bò, đất đai, người ngợm của Bắc Hà. Việc gì phải đi đón! Đem con nộp thì ta lấy”.

Nguyễn Huệ là một tay bạo dâm. Hình ảnh đêm động phòng của Nguyễn Huệ và Ngọc Hân thật khiếp đảm. “Huệ chụp lấy ngực áo cưới của Ngọc Hân xé toạc” (…) “Huệ xô ngã sấp Ngọc Hân ra giường, tháo dây đai quất xối xả lên tấm lưng mảnh dẻ” (…) “Huệ quất như thúc roi, thúc ngựa” (…) “Đến lúc Huệ bắt Ngọc Hân co hai đầu gối, thì nàng quá đau đớn không dằn dược, bật tiếng kêu nấc trong đêm tối. Huệ nghe tiếng nấc, khoái cảm càng tăng lên như những lúc chứng kiến hành quyết

Sau đó, đêm nối đêm, Nguyễn Huệ tiếp tục quất Ngọc Hân. Mỗi lần như thế, “Khuôn mặt Huệ toát ra vẻ mãn nguyện, thỏa mãn. Huệ chỉ buông rơi khi Ngọc Hân đã ngã khuỵu xuống chân giường. Cảnh giao hoan của Huệ với Ngọc Hân, cũng không còn là cảnh cưỡng bức ban đầu, nếu dáng ngồi đè của Huệ vẫn in dáng hổ nhai mồi, thì hai cườm tay Ngọc Hân đã quấn chặt lấy cổ Huệ, và trên lưng Huệ đầy vết cào của một con sư tử cái”.

Cả hai truyện đều cho ta một hình ảnh Nguyễn Huệ rất mới, rất lạ, y như một ai khác mang tên Nguyễn Huệ. Một phía khác của Nguyễn Huệ, có vẻ bất thường, nếu không muốn nói là ít nhiều mang vẻ bệnh hoạn. Hay nói cho đúng hơn, một phản-Nguyễn Huệ.

Chưa hết.

Gió Lửa[5] của Nam Dao cho ta một Nguyễn Huệ mới toanh không kém. Là truyện dài, nên nhân vật phát triển đa dạng hơn, là tổng hợp giữa một phản-Nguyễn Huệ và Nguyễn Huệ “lịch sử” cộng thêm một Nguyễn Huệ đi trước thời đại. Thay vì chỉ nhằm mục đích phá đổ thần tượng (nếu có thể nói như thế đối với hai truyện ngắn trên) thì Nguyễn Huệ của Gió Lửa lại là hình ảnh của một luận đề. Nói khác đi, Nguyễn Huệ Gió Lửa là cách đặt vấn đề đối với lịch sử như là một cái gì chưa hoàn tất.

Nguyễn Huệ chỉ bắt đầu xuất hiện ở phần giữa của tác phẩm. Tất nhiên là chi li hơn nhiều so với hai truyện ngắn kể trên. Về nhân dáng, “Huệ to ngang, hơi thấp, tay dài đến đầu gối, di chuyển vừa nhanh vừa chắc như một loài nửa gấu nửa vượn. Mặt nổi mụn, mũi sư tử, một mắt to một mắt nhỏ, Huệ nhìn ai cũng tựa như chọc gươm vào đồng tử người đối thoại. Khi nói, miệng Huệ nhếùch lên vẻ giễu cợt, nhưng giọng oang oang như trống trận thúc vào tim vào gan khiến nhiều kẻ mất tự chủ, óc tê điếng đi, chân tay bủn rủn

Các chi tiết về thể hình và tính cách cho ta thấy một Nguyễn Huệ dị tướng, bất nhân. Chi tiết “tay dài đến đầu gối” khiến ta nhớ đến nhân dáng Lưu Bị trong Tam Quốc Chí. Tác giả muốn nhấn mạnh đến tính cách chân mạng đế vương của nhân vật chăng?

Nguyện Huệ đã xấu xí :

Năm Huệ mười sáu, mụn nổi đầy mặt, vỡ tiếng nên mỗi lần cất giọng, ai nghe cũng giật mình

(tr. 274)[6]

Lại nóng nảy, hung bạo và đầy mặc cảm. Huệ mê An, cô láng giềng. Chê Huệ xấu, An yêu người khác. Ngày đám cưới An, Huệ tuyệt vọng “chạy ra hét như người hóa dại, rút dao đâm vào đùi mình, máu chảy lênh láng, kêu ầm lên: “Chỉ vì mặt ta có mụn, chỉ vì mặt ta có mụn...” (275). Thật là bất bình thường! Một con người như thế, mấy ai dám tưởng rằng có ngày trở thành anh hùng dân tộc!

Tuy vậy, không thể trông mặt mà bắt hình dong, Huệ tỏ ra là một người có kiến thức, hiểu rõ thời thế và nhìn xa trông rộng. Phát biểu với nhân vật Nhật trong truyện ngay khi còn chưa có binh quyền ở Quy Nhơn, Huệ nói:

Đầu tiên, ta muốn chấm dứt cuộc nội chiến Nam -Bắc đã hơn trăm năm nay. Yên được cũng mất năm đến mười năm. Còn lại, ta chỉ sống có thêm mười năm để đặt những hòn gạch đầu cho một kỷ nguyên mới…

– Một “kỷ nguyên” mới hay một “triều đại” mới?

– Kỷ nguyên mới. Còn một triều đại, dẫu vua quan có mới, thực chất vẫn là cũ” (248, 249)

Huệ là người có học và có tinh thần thực tiễn. Ông nói với Nguyễn Hữu Chỉnh: “(…) Những gì ông cho là hay ho nhưng thực dụng trong sách vở Nho gia, ông chép lấy rồi mang lên đọc cho ta nghe. Sách về binh pháp và thuật Hàn Phi – Thương Ưởng thì khỏi, ta đã nằm lòng rồi. Nhưng cấm không được mang thơ phú ra làm loạn đầu ta. Nhớ đấy, phải thực dụng…” (252)

Một tay thực dụng chủ nghĩa. Lại thủ đoạn, biết đợi thời, không nóng vội. Tại Phú Xuân, Huệ nói với Tự là công cuộc dựng nước “cũng giống đánh bạc, đi buôn, ở chỗ cần có vốn. Ta hiện nay vẫn còn trắng tay nên phải đợi...” (261).

Khi cơ hội đến, Huệ nắm lấy ngay và cương quyết thực hiện bằng mọi giá. Một người háo thắng. Trên đường hành quân ra Bắc lần đầu, Huệ tỏ ra vô cùng nôn nóng. “Khuôn mặt Huệ gồ lên, cằm bạnh ra như rắn hổ mang, mắt rừng rực lửa có màu đỏ của máu” (…) “Con người đã dày dạn chiến trận đứng cạnh căng bật như cánh cung để phóng đến mục tiêu của mình theo đường thẳng của mũi tên bay đi, không mủi lòng quan tâm đến bất cứ gì khác sự chiến thắng”(264).

Ra Thăng Long, Huệ Gió Lửa chẳng khác gì Huệ Mùa Mưa Gai Sắc: thô lỗ. Huệ cô đơn trên chiến thắng và nhớ người tình cũ là An. “Huệ lại với tay lấy rượu, tu ừng ực, để cái chất rát nóng tràn vào cơ thể mình, bốc ngược lên đầu, làm tê liệt những câu hỏi không có lời đáp. Rồi Huệ cười lên sằng sặc, nghêu ngao hỏi những câu hỏi…”(276, 277).

Lại là một kẻ cuồng dâm, “Huệ gào: ‘Ta hành nó cho em sướng nhé!’, rồi mím môi vớ roi đánh vòng vào lưng mình (…) Đánh đến mỏi tay, Huệ gục xuống, nằm xoài ra trên thềm gạch, miệng thở khò khè” (277)

Và bạo dâm. Cảnh động phòng với Ngọc Hân thật đầy ấn tượng:

Trong một góc phòng, Ngọc Hân ngồi nép vào tường, lặng yên, mắt hoảng dại nhìn Huệ, mắt con mồi bị săn đuổi vào đường cùng không còn nơi nào để ẩn nấp. Huệ lè nhè, tay vẫy. Hân thấy bụng mình thót lại, tứ chi nhũn ra, lòng trống tênh, đầu cứ mụ dần đi như vào cơn mê ngủ. Huệ tiến lại, mắt đỏ lừ đừ như mắt cọp. Thình lình, Huệ nắm vào ngực xiêm, kéo mạnh rồi xé ra, tiếng lụa nghe soàn soạt hệt tiếng dao chém. Thò tay bóp vỡ chiếc trâm cài đầu Ngọc Hân, Huệ ngẩn ngơ nhìn suối tóc chảy xuống đến ngang vai, miệng rên rỉ (…)

Ném tấm Vương bào, rồi từ từ cởi chiếc cạp quấn lưng quần, Huệ trần truồng đứng, quát Hân “Này, nhìn đi”. Nàng công chúa mới mười sáu tuổi co dúm người, nhắm mắt lại. Huệ xé mảnh vải cuối cùng trên hạ thể Hân, xoay người Hân lại, bắt quỳ xuống. Hai tay nắm vào hai núm cau vừa đủ to để hái, Huệ lại rên “…hạnh phúc à…”. Kéo cho mông Hân chổng lên cao, Huệ thúc vào từ phía sau, vừa thúc vừa kêu (…) mỗi lúc một mạnh, hệt như khi Huệ thúc voi vào cửa ô Trường Bản thành Thăng Long cách đây vừa năm ngày. Ngọc Hân oằn người, thét lên một tiếng nhỏ, rồi mặc cho sự đau đớn đến chảy nước mắt, nàng nghiến răng, đầu thầm nhủ lời cha dặn dò ‘…nghiệp nhà Lê trong tay con’. A, cái cơ nghiệp bốn trăm năm cứ trồi cao trụt thấp cho đến khi Huệ kêu hự lên một tiếng, rồi ngả người nắm xấp mặt xuống thềm” (277-278).

Khác hẳn với hình ảnh hung bạo đó, khi quyền hành nắm đủ trong tay, Nguyễn Huệ có một cái nhìn và cách cư xử rất sáng suốt, tỏ ra là một vị minh quân. Hơn thế nữa, là một nhà cách mạng. Ngoài chuyện dùng chữ Nôm, ông còn nghĩ đến chuyện dùng chữ quốc ngữ (chữ Việt ta dùng hiện nay) trong việc giáo dục (396 -397). Đặc biệt, Nguyễn Huệ lại có đầu óc tiến bộ gần như đi trước thời đại đến cả hơn 100 năm: nhà vua nghĩ đến việc hình thành một chế độ mới: “quân chủ lập hiến”. Trong một lần trò chuyện với Ngọc Hân, nhà vua giải thích “…dân ý phải làm thế nào phản ánh trong Hiến Pháp, và Vua dẫu có, nhưng có để thể hiện dân ý, có như biểu tượng một quốc gia. (…) Vua trở nên thứ yếu. Một kẻ quá nhiều cá tính, như ta chẳng hạn, không phải là một vị Vua tốt trong kỷ nguyên đó. Vì thế ta mới chọn Quang Toản làm thái tử. Nó kém nhất trong đám anh em…” (401, 402).

Ngoài ra, để “thấu hiểu được niềm hạnh phúc của những kẻ bình thường”, thì phải sống một cuộc sống bình thường, Nguyễn Huệ tự nhịn đói để biết được “thế nào là sợ chết đói” và nhờ thế “mới hiểu miếng ăn thực sự là gì” (407). Sau khi nhịn đói, Nguyễn Huệ cho biết “Bài học đói là bài học lớn nhất của trẫm (…) Khi đói, quả người ta mất hết nhân phẩm và lý lẽ. Thầy biết không, trẫm đói quẫn trí oán cả thầy, cả Tự, rắp tâm sẽ chém cả hai. Thế thì nói gì đến dân chúng. Họ đói, họ oán trời, rồi tất nhiên oán trẫm, có làm loạn cũng không lấy gì làm khó hiểu! Họ lại đâu chỉ đói một mình. Cả nhà đói. Cả làng, cả huyện đói. (…) Cái quyền tối thượng của người dân là quyền sống. Và sống có nhân phẩm thì không phải đói, phải xin, phải cầu cạnh ai”. (410, 411).

Ở đây, ta thấy Nguyễn Huệ chẳng khác gì một nhà nho chân chính, biết xuất, xử. Hơn thế nữa, một triết gia, một kẻ đi tìm chân lý và sẵn sàng chết cho chân lý, chứ không phải là một ông vua quyền uy.

Cuối cùng, Gió Lửa cho ta biết nguyên nhân cái chết của Nguyễn Huệ. Huệ chết vì bị Phạm hoàng hậu đánh thuốc độc nhầm. Số là, vợ chính của Nguyễn Huệ, Phạm hoàng hậu, thù ghét Ngọc Hân công chúa và đám quần thần “nước ngoài” (tức Bắc Hà) vào chiếm chồng, chiếm nước Đàng Trong, “mê hoặc triều đình bằng những luận điệu huyễn hoặc” (412). Bà chuẩn bị một món ăn có pha độc dược với ý định giết hết đám Bắc Hà trong một bữa tiệc. Nhưng rốt cuộc, chỉ một mình Huệ ăn và bị ngộ độc. Sau này, Huệ biết, nhưng không có ý định trả thù, vì có trả thù cũng chẳng ích gì. Lúc lâm chung, Huệ gọi tên An, người tình đầu đời. Khác hẳn với một người ưu tư đến vận nước, lúc lâm chung, Nguyễn Huệ có vẻ như một kẻ thất tình, suốt đời bị ám ảnh bởi mối tình đầu thất bại.

 

 
Nguyễn Huệ trong Sông Côn Mùa Lũ

 
Sông Côn Mùa Lũ
[7] (SCML) cho ta một Nguyễn Huệ khác hẳn những Nguyễn Huệ trên. Không mới toanh, đã hẳn. Càng chẳng có gì mới. Lại có vẻ như một Nguyễn Huệ khá cũ, nghĩa là một nhân vật trung thành với con người lịch sử và do đó, không gây “sốc” như những Nguyễn Huệ vừa đề cập.

Không hẳn thế, theo tôi.

SCML phẩm dài hơn 2000 trang, viết trước ba tác phẩm kể trên và được tác giả gọi là “trường thiên tiểu thuyết”. Sau này in lại trong nước, người ta gọi là “tiểu thuyết lịch sử”. Phan Cự Đệ, trong bài viết “Tiểu thuyết lịch sử”[8] , xếp SCML vào thể loại “tiểu thuyết lịch sử”. Một tác giả khác, Nguyễn Khắc Phê, trong một bài viết về SCML trên tạp chí Sông Hương[9], cũng thế. Sau khi khen ngợi chung chung một số điểm, Nguyễn Khắc Phê đã nhận định như sau:

Dù biết tác giả không chỉ viết về phong trào Tây Sơn-Nguyễn Huệ, nhưng một tiểu thuyết lịch sử viết về mấy thập kỷ cuối thế kỷ 18, tác giả lại chọn nhân vật trung tâm là Nguyễn Huệ, thì chỉ riêng về sư ỉ chọn lựa đề tài và các sự kiện lịch sử, cuốn sách chưa đạt đến sự cân xứng cần phải có. Phần viết về ông giáo Hiến và giai đoạn anh em nhà Tây Sơn khởi nghiệp quá dài so với những trang dành cho sự nghiệp của Nguyễn Huệ. Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút và chiến công đại phá quân Thanh mà chỉ diễn tả ngắn ngủi qua mấy trang ghi chép của nhân vật Lãng thì làm sao thể hiện được thiên tài quân sự Nguyễn Huệ và tương xứng với những sự kiện lẫy lừng đó? Chỉ xét đơn thuần về số lượng trang – 14/2000; tỷ lệ quá nhỏ này đã nói lên điều đó. (Cuộc đại phá quân Thanh chỉ ghi lại trong 14 trang ở chương 96); trong khi đó thì có những nhân vật không để lại dấu ấn gì trong lòng bạn đọc, cũng không ảnh hưởng gì đến nhân vật chính NH như vợ chồng Hai Nhiêu lại chiếm không ít số trang ở phần đầu sách” (…) nhưng quả là người anh hùng Nguyễn Huệ qua những trang miêu tả chiến trận chưa thấy “bay lên” cho xứng với một nhân vật thiên tài quân sự”, do đó “chưa tạo nên cảm hứng lớn lao và đẹp đẽ trong lòng người đọc trước một nhân vật xuất chúng” (…) “…một nhân vật như NH, trước cái chết có bao điều suy gẫm về sự thắng bại, về tình yêu, về lẽ đời phải trái mang ‘sức nặng’ tư tưởng rất đáng được ‘khai thác’ kỹ; nhưng tác giả đã bỏ qua và thay bằng một dòng thông tin vô cảm ‘Hôm sau, Bến Ván biết tin vua Quang Trung vừa băng hà hôm 29 tháng 7…’! Thật là tiếc! Tiếc một cơ hội để làm rõ hơn tư tưởng tác phẩm” (tr. 89).

Tôi đoán rằng Nguyễn Khắc Phê đọc SCML trong tâm trạng của một người đọc sách danh nhân lịch sử, loại sách viết ra nhằm tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước. Và nếu thế thì những phê phán của ông không có gì sai. Quả thực, đọc lại giai đoạn lịch sử đó – dù lịch sử hay tiểu thuyết – dường như trong vô thức, ai cũng mong muốn được thưởng thức chính con người Nguyễn Huệ với những kỳ tích mà ông tạo ra. Nhưng SCML là tiểu thuyết. Và Nguyễn Huệ được sử dụng để tạo ra một nhân vật hoàn toàn thuộc về lãnh vực hư cấu mà ta chỉ có thể phê phán nó như là sản phẩm của hư cấu. Rõ ràng, Nguyễn Khắc Phê “muốn” Nguyễn Huệ là nhân vật chính, muốn SCML phản ảnh trung thực người anh hùng “lịch sử” Nguyễn Huệ, chứ không thể là gì khác. Nguyễn Khắc Phê cố tìm ra một Nguyễn Huệ của riêng ông trong SCML. Ông muốn tác giả phải làm nổi bật lên những gì ông cho là phải như thế, nghĩa là một Nguyễn Huệ đã được đúc khuôn từ một ý niệm tiền chế. Với một tinh thần như thế thì thật không cách gì ông có thể đọc Gió Lửa chứ nói gì đến Phẩm Tiết hay Mùa Mưa Gai Sắc.

Khác với cái nhìn hạn chế đó, Phan Cự Đệ, trong bài viết trên, cho rằng SCML “nghiêng về tiểu thuyết hơn là lịch sử. Ông không quan niệm lịch sử chỉ là những câu chuyện của các ông hoàng bà chúa, của các tướng lĩnh, là sử biên niên của các trận đánh. Tiểu thuyết lịch sử trước hết phải là tiểu thuyết, là “thế sự”, là chất “văn xuôi” (caractère prosaique), là cuộc sống muôn màu muôn vẻ của con người và thiên nhiên” . Theo ông, Nguyễn Mộng Giác “có cái nhìn dân chủ hóa (Phan Cự Đệ nhấn mạnh) đối với các vĩ nhân lịch sử như Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ cũng có “những tình cảm vui buồn, nói năng hành xử theo tâm lý bình thường như chúng ta[10]. Riêng về ý kiến này, tôi xin được ngạc nhiên: Ô hay, vậy Nguyễn Huệ chẳng phải là con người hay sao, hơn thế nữa lại là một người “áo vải, chân đất”! Nếu ông không vui buồn như chúng ta thì chẳng lẽ ông là gỗ đá? Nếu ông không nói năng như chúng ta thì ông nói năng kiểu gì nào? Tôi cho rằng trong thực tế, có lẽ ông nói năng còn “bình dân” hơn chúng ta nữa kìa, vì ông là một người xuất thân từ nông thôn và học hành đâu có bằng chúng ta ngày nay[11]. Vả lại, ngôn ngữ và cung cách của Nguyễn Huệ trong SCML, theo tôi, rất “sang”, rất trí thức, khác hẳn cái chất nông dân mà người ta thường vẫn quy cho ông. Phải chăng, cũng như Nguyễn Khắc Phê, Phan Cự Đệ mang một “thiên kiến” về Nguyễn Huệ, một tiền đề về Nguyễn Huệ y như thể Nguyễn Huệ sinh ra đã là một ông thần, một “đấng” lãnh tụ.

SCML rõ ràng không phải viết về Nguyễn Huệ như một vĩ nhân (điều mà các sử gia và bộ máy thông tin tuyên truyền đã làm quá nhiều và có quá hiệu quả), ngược lại, muốn thăm dò những phía khác của người anh hùng xét như một con người (không cần phải kèm theo những thuộc tính, có khi đã trở thành sáo rỗng, như oanh liệt, hiển hách, thiên tài, lỗi lạc…). Phía khác của anh hùng rất nhiều khi là bi kịch. Đàng sau những chiến công của Nguyễn Huệ là bi kịch gia đình, bi kịch cá nhân và bi kịch của dân tộc. Bi kịch của Nguyễn Huệ là bi kịch về quyền hành, về ý chí, nghị lực và thực cảnh, về cái lý và cái tình hay nói cách khác, về cuộc đời như là “lịch sử “ và cuộc đời như là “thân phận”. Cái anh hùng, cái hiển hách không làm cho con người thoát khỏi vòng tục lụy, điều mà tiểu thuyết muốn làm. Đó là thân phận cá nhân dưới áp lực nặng nề của những biến cố lịch sử vĩ đại diễn ra trong vòng ba mươi năm. Chỉ trong một thời gian ngắn, đất nước chứng kiến những thay đổi ngoạn mục và cực kỳ ấn tượng, cực kỳ “kịch tính” mà có thể kéo dài đến hàng trăm năm, trong những thời kỳ khác.

SCML tái hiện giai đoạn nhiễu nhương đó qua hai tuyến nhân vật: gia đình thầy giáo Hiến và gia đình Nguyễn Nhạc. Tất cả các nhân vật ấy đan chéo số phận vào nhau, tạo nên những biến cố, từ cá nhân, gia đình cho đến đất nước. Hiện diện từ đầu đến cuối là An, cô con gái của ông giáo Hiến, là nhân vật chính của tác phẩm, tượng trưng cho thân phận con người giữa thời tao loạn. Nguyễn Huệ, người tình hờ của An, trung tâm của mọi biến cố, góp phần làm đậm nét thêm thân phận đó qua trò chơi quyền lực.

Nhân vật Nguyễn Huệ xuất hiện, ở chương 5, phần cuối, sau phần mô tả khá chi li chuyến đi tỵ nạn gian nan của gia đình ông giáo Hiến. Nói chung, những chi tiết về Nguyễn Huệ không nhiều so với ông giáo, cô An và một vài nhân vật khác hoặc không nhiều như ta mong đợi, tuy thế là những chi tiết nổi bật, giúp ta hiểu tại sao Nguyễn Huệ lại có thể thực hiện được những kỳ tích có một không hai trong lịch sử. Tôi thích dùng lại một từ của Đỗ Minh Tuấn : “giải mã”[12]. SCML giúp giải mã một số biến cố và hành vi mà Nguyễn Huệ thực hiện. Bằng những chi tiết, thoạt trông chẳng có gì đặc biệt (cử chỉ, thái độ, lời phát ngôn trong sinh hoạt thường ngày), SCML cho ta thấy một Nguyễn Huệ độc đáo trong cá tính và thông minh sắc sảo trên chiến trường và trong chính trường.

Dẫu vậy, ở đây, khác hẳn với khái niệm về một anh hùng nông dân, Nguyễn Huệ xuất hiện trong nhân dáng và nhân cách của một nhà trí thức bình dân, sống một đời sống tương đối đầy đủ, vì có một người anh có tiền, lại cũng có quyền. Nguyễn Huệ không hề có những nỗi cay đắng, phẫn uất của một nông dân bị áp bức. Cuộc khởi nghĩa cũng không có vẻ gì là khởi nghĩa nông dân. Trở lại với ý kiến của Nguyễn Khắc Phê cho rằng SCML đã viết về giai đoạn khởi nghiệp của anh em Tây Sơn quá dài, trong lúc những chiến công của Nguyễn Huệ lại viết quá ngắn. Theo tôi, với tính cách “giải mã”, SCML tập trung vào giai đoạn khởi nghiệp là hợp lý. Giai đoạn này rất quan trọng. Nó chứa đựng “mật mã” cho các biến cố về sau, xét trên nhiều phương diện, kể cả những thắng lợi và thất bại của Tây Sơn sau này.

Huệ là em út của Nhạc và Lữ. Huệ giống hai anh nhưng linh động và tự tin hơn. Về thể hình, điểm nổi bật đáng ghi nhận là Huệ mặt đầy mụn. “Mụn này vừa lặn, hai ba cái khác đã nổi cộm lên” (…) “Trên má, mấy nốt mụn thâm tím hiện lờ mờ trên làn da nâu. Một mớ tóc quăn phủ xuống cái trán rộng”. Điều này khiến anh có vẻ mặt cảm. Huệ được giới thiệu qua lời của Nguyễn Nhạc với thầy giáo Hiến:

Thằng Lữ tuổi Mùi, thằng Huệ tuổi dậu (1753). Trước đây, tôi có cho đi học, cả hai viết chữ đã ngay ngắn. Thằng Huệ sáng trí hơn, lâu lâu có làm được cái đơn, giúp tôi sổ sách thu thuế. Nhưng mấy thầy đồ chúng học chỉ võ vẽ được năm ba chữ, nên sức học hai đứa chưa đi đến đâu” (SCML, tr. 143)

Lúc này, Huệ mới có mưiờ lăm tuổi, đang là một thiếu niên. Lớp học do Biện Nhạc năn nỉ ông giáo thành lập, chỉ có bốn đứa học trò: Lữ, Huệ, một người con của ông giáo và một đứa trẻ khác ở trong làng. Có thể nói, sự nghiệp của Nguyễn Huệ bắt đầu từ cái lớp học “chẳng đặng đừng” này. Vì từ đó mà tạo ra một quan hệ tay ba Nhạc – Huệ – giáo Hiến, xuất phát điểm cho một cuộc khởi nghĩa mà có lẽ lúc đầu không ai nghĩ tới.

Ý đồ của tác giả khi xây dựng Nguyễn Huệ trong SCML, theo tôi, là tìm cách trả lời cho câu hỏi: Cái gì đã tạo nên một Nguyễn Huệ anh hùng?

Câu trả lời là: tư tưởng.

Quả vậy, nhân vật Nguyễn Huệ là một nhân vật “đầy cả tư tưởng”. Ông là một chiến lược gia, một chính trị gia. Những ý kiến mà Nguyễn Huệ phát biểu, tranh cãi với thầy, với ông anh và với các nhà nho đều thuộc loại các đề tài lớn của chính trị và triết học cổ kim: vai trò của nhà nho, vấn đề nhân nghĩa, chuyện quyền hành, vai trò của người dân. Thành thật mà nói, tôi không hiểu được những kiến thức ấy Huệ có được từ đâu? Chắc chắn là không do học hành rồi, vì khi theo học với ông giáo, Huệ mới “viết chữ ngay ngắn”. Sách vở thì ở vùng Huệ tìm đâu ra. Thế mà Huệ suy gẫm, phân tích mọi chuyện từ lớn đến nhỏ một cách rành mạch, lại đầy sáng tạo. Khi tranh cãi với thầy, Huệ vạch ra đặc tính riêng cũng như bản chất của mỗi sự việc, sự vật, mỗi hoàn cảnh trước khi đi đến kết luận, khiến thầy phải ngẩn ngơ, tâm phục.

Huệ “thần đồng” chăng? Sử sách không đề cập đến chuyện này.

Ta có thể nói, sự nghiệp của Nguyễn Huệ phát triển dựa trên hai quan hệ: quan hệ với thầy giáo Hiến về mặt tư tưởng và quan hệ với người anh Nguyễn Nhạc về mặt quan điểm và hành động.

Trước hết là quan hệ thầy trò: giáo Hiến và Huệ. Huệ là người ham học nhất. Anh thích hỏi chuyện sinh hoạt, cách sống của vua chúa và đám quan lại ở Phú Xuân. Anh bạo dạn hỏi “hết chuyện này đến chuyện khác” và chuyện nào cũng “muốn biết rốt ráo tường tận”. Lúc đầu, ông giáo có vẻ ngạc nhiên nhưng rồi tức khắc nhận ra khả năng khác lạ của người học trò này. Cách cư xử của ông thay đổi. Từ những trao đổi, hỏi han vặt vãnh, hai thầy trò dần dà nhảy qua những địa hạt quan trọng hơn, điều khác thường đối với một cậu học trò mười lăm tuổi mới võ vẽ năm ba chữ. Chẳng mấy chốc, ông thầy cảm thấy mừng rỡ vì “tìm được kẻ tri âm”. Ông không còn lưu ý đến “giới hạn tuổi tác và kinh nghiệm sống của Huệ”.

Quan hệ thầy trò đặc biệt đó kéo dài mãi về sau cho đến khi thầy giáo Hiến chết. Đó là một quan hệ vừa đầm ấm, chân tình, tương kính lại tương khắc. Người học trò mà ông thầy muốn truyền đạt cái chí khí nhà nho truyền thống của mình đã chọn một con đường khác, thực tiễn, phù hợp với những gì đang diễn ra trước mắt và vì thế thành ra đối kháng với ông. Quan hệ giữa hai người “luôn luôn có khoảng cách trang trọng sẽ sàng giữa thầy và trò, giữa người bảo trợ và kẻ thất thế” (…) “Lớp học có hình thái phóng khoáng, lối dạy dỗ thân mật, uyển chuyển như là cha dạy con” (…) Hai thầy trò đối đáp nhau, thẳng thắn tranh luận với nhau đủ mọi vấn đề ngay trên đám ruộng miễu, hoặc lúc ngồi nghỉ dưới gốc mít cỗi bên miễu cô hồn” (…) Huệ là một “cậu học trò rắn mắt, không chịu tin vội vào những điều thầy dạy. Cùng ở trạng thái bất quyết, nhưng người học trò thì ở đầu con dường tìm tới chân lý, còn ông thầy thì đứng nép ở cuối con đường gập ghềnh ấy, mặt mày tư lự”. Dẫu vậy, sự hăm hở của Huệ khiến “ông luôn luôn bị cuốn hút vào cuộc phiêu lưu kỳ lạ của học trò” (241, 242)[13] . Đồng thời với kiến thức mỗi ngày mỗi dồi dào, nhân cách riêng của Huệ phát triển, vừa khác biệt với thầy và vừa khác biệt với ông anh. Quan điểm về đời sống và chính trị cùng cái nhân cách đặc thù ấy, sau này, khi có quyền trong tay, đã dẫn người thanh niên đến những quyết định táo bạo, dứt khoát, ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cả giòng lịch sử, đưa đến những thành công ngoại hạng.

Tài liệu dạy học có Sử ký, Đường thi, Truyền kỳ mạn lục, Tứ thư ngũ kinh. Thấy Huệ có khả năng, thầy “bắt Huệ học sử ký”, là môn học quan trọng, chỉ dành cho những học trò đã thông thạo thi phú mọi loại. Học chính trị cũng là học cái rối rắm, phức tạp của quan trường. Bài đầu tiên mà Huệ học là “Tựa truyện Du hiệp”, bàn về người làm việc nghĩa hiệp. Huệ chú ý đến đoạn kết là đoạn gây ấn tượng nhất: “Ăn trộm lưỡi câu thì chết chém. Ăn trộm nước người thì phong hầu. Cửa nhà hầu, nhân nghĩa thiếu gì đâu” (163). Đoạn văn ngắn ngủi này trong Sư ký Tư Mã Thiên gần như tóm tắt hết cả vấn đề chính trị và đạo đức, vốn ám ảnh những nhà nho Trung Hoa và Việt Nam cả ngàn năm.

Là một người có thiên tư về chính trị, nên ta không ngạc nhiên là Huệ hết sức lưu tâm tới đề tài đó. Một hôm, Huệ hỏi thầy: “Như… thế nào mới là người hiệp?”, ông giáo đáp “Phải khỏe để làm người không biết sợ. Phải không quá cẩn thận để dám làm. Phải rộng rãi để giúp người mà không so đo hơn thiệt. nếu cần, dám quên mình mà giúp người” – “Quên cả sống chết xông vào cứu một thằng ăn cướp ngay ban ngày, giữa chợ, có phải là hiệp không, thưa thầy?” (…) – Không – “Nhảy xuống sông cứu một người sắp chết đuối dù không biết bơi, đã được gọi là hiệp chưa? (…) – Chưa thể gọi là hiệp. Thêm một người chết nữa, phí đi! – “Vậy là con biết phải làm gì rồi. Gặp một tên thu thuế hống hách và tham lam đang bị bọn cướp đường hành hung, ta không nên can thiệp vào làm gì. Để bọn cướp thanh toán với nhau. Thấy một anh học trò thức khuya, dậy sớm, học thuộc làu thi phú để thi đậu ra làm ký phủ, duyện lại, mình phải cứu anh ta, không thì anh ta chết đuối mất” (171, 172). Câu đáp của cậu học trò mười lăm tuổi khiến ông giáo sững sờ. Mà người đọc như tôi cũng sững sờ. Đoạn đối thoại này khiến ta tưởng đến phương pháp tranh luận mà Socrate sử dụng với đám biện sĩ Hy Lạp thời xưa (sophist) được ghi lại trong các tác phẩm nổi tiếng của Platon: phương pháp “irony”, nói mỉa. Huệ dồn ông thầy vào thế bí bằng cách hỏi để ông thầy phải chấp nhận quan điểm của mình. Huệ nhiều lần sử dụng cách tranh luận kiểu đó với thầy.

Một lần khác, cũng về chuyện “du hiệp”, khi nghe thầy muốn dạy anh về sử Nam (tức sử Việt Nam), Huệ hân hoan “Con chỉ mong có vậy (…) Tại sao ta không học sử nước mình mà lại tụng làu làu Bắc sử? Tại sao không học chữ nước mình? Cái loại chữ thường gọi là “chữ ta”, thưa thầy, thực ra đâu phải là chữ ta. Đọc lên phải diễn nghĩa ta mới hiểu, đâu có được rõ ràng như mình nói “hột muối, lá trầu, con cá, cây măng”(174)

Một lần hai thầy trò bàn nhau về cái đói. Quan niệm của một người quân tử như thầy là “Đói cho sạch rách cho thơm, hay là: Quân tử thực vô cầu bão”. Trò phản bác : “Như vậy con nghĩ thầy chưa thực đói” (243). Tại sao? Trò phân tích rõ: “Con đã nghĩ: Những lời thầy dạy con rút ra từ sách thánh hiền, đều do những kẻ no đặt ra cả. Nhờ no đủ nên thảnh thơi nghĩ ngược nghĩ xuôi thế nào cũng được. Hoặc muốn no lâu, no bền, thì nghĩ thế nào cho đẹp lòng bọn vương hầu. Con nhớ mãi câu nói của ông Tử Trường: “Cửa nhà hầu nhân nghĩa thiếu gì đâu” Thầy đã dạy con năm trước. (245). Ông thầy chịu thua, chua chát nói: “Anh nói phải. Bọn kẻ sĩ chúng tôi chỉ được mỗi việc chầu chực ở cửa nhà vương hầu” (246)

Dẫu vậy, giáo Hiến vẫn yêu mến và thú vị được nghe những ý kiến mới mẻ của học trò. Ông “thích được nhìn đôi mắt tự tin nhờ vẻ giễu cợt, mảng tóc quăn phủ nơi góc trán”, “giọng nói ấm và sang sảng rành rọt từng tiếng một” của Huệ. Vào thời điểm Tây Sơn chuẩn bị khởi nghĩa (1773), một hôm Huệ lại đến thăm thầy. Lần này, Huệ đặt câu hỏi: “Chúng ta muốn gì” khi khởi nghĩa? Muốn làm một bọn cướp núi kiểu Lương Sơn Bạc? Hay một đám cướp biển lớn? Anh tự trả lời: “Theo ý con thì khi nào chưa hiểu ta muốn gì, thì cứ lúng ta lúng túng, lúc làm cái này, lúc lại làm ngược lại” (324) “…giả sử mình đánh bạt quân triều, đuổi hết được lũ chức sắc đi, lúc đó mình làm gì nữa?Lại dùng giáo mác đó dí vào lưng vào cổ dân đen để bắt nộp thuế à? Lại dùng voi ngựa đó để xênh xang cho sang trọng à? Bấy giờ thiên hạ sẽ nghĩ: ờ, tưởng có gì lạ, hóa ra chỉ thay người đóng tuồng mà thôi. Cũng bấy nhiêu mặt mũi, râu ria, áo mũ ấy thôi” (324)

Khi đề cập đến việc phải giữ gìn cái giềng mối là đạo Nho, tôn phù chúa Nguyễn, mà “Sự nghiệp gầy dựng qua tám đời chúa mấy trăm năm như tám vây cột vững” như thầy nói, Huệ phân tích:

“…Con nghĩ cả tám cây cột sỡ dĩ vững cho đến nay là nhờ cái nền nho ở dưới. Nào là “thiên mệnh", nào là “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, nào là “dân chi phụ mẫu”. Người dân dốt nát không đọc được kinh truyện, lại là kinh truyện khó hiểu từ bên Tàu đem sang, nên suốt bao đời nay nem nép lo sợ. Đến một lúc nào đó, tình thế đẩy họ vào đường cùng, họ không sợ hãi nữa mà hóa liều, thì tám cây cột kia sẽ như thế nào? Người còn có một mái nhà để về, thì còn băn khoăn suy tính xem nên dọi mái hay nên thay kèo. Nhưng đối với hạng cố cùng, xiêu giạt nay đầu đường, mai xó chợ, bữa no lo bữa đói, chết còn sướng hơn sống, thì những điều từ nãy đến giờ con với thầy nói với nhau phỏng có ích gì! Hỏi họ, họ sẽ đồng thanh đòi phá hết và làm lại hết” (328)

Cũng đề tài đó, trong một lần gặp khác, ông giáo biện giải: “…Anh em nghĩa quân phần lớn chân lấm tay bùn chưa có dịp được nhìn xa quá cái niêu cơm. Cái gì làm cho họ thích thú nhất? Một niêu cơm đầy. Cái gì làm cho họ phẫn nộ? Kẻ đập vỡ cái niêu cơm của họ, trước mắt là bọn thu thuế, bọn chức sắc chuyên nạt nộ dọa đóng gông những ai không chịu nộp thóc nộp tiền cho quan phủ! Đem bọn đó ra giễu cợt, họ vui đùa thỏa thích ngay! Nhưng ta may mắn nhìn được xa hơn đám đông, ta phải tính trước các lợi hại. Ta đạp đổ hết có khác nào dúi lửa đốt quách cái nhà cũ để xây hẳn cái nhà mới

Huệ phản bác thẳng thừng: “…chỉ có những ai đủ tiền dựng nhà mới băn khoăn không biết nên đốt quách cái cũ xây cái mới hoặc nên xem xét dùng lại mấy cây cột, cây kèo, rui mè, cửa ngõ. Còn đối với những kẻ vô gia cư, bị đẩy đi lang bạt nơi đầu đường xó chợ như đa số anh em nghĩa quân, thì đốt hay không đốt không cần bận tâm. Họ sẽ tìm một chỗ đất trống, và xây hẳn một cái nhà mới” (542, 543).

Huệ tỏ ra am tường con người đủ mọi loại, điều mà chỉ có những kẻ có kinh nghiệm già dặn về chính trị mới tìm thấy:

Con nghĩ là thời nào cũng vậy, vào giai đoạn đầu, bọn vong mạng thật cần thiết. Điều quan trọng là chiều hướng sau đó của cuộc khởi loạn. Nếu bọn vong mạng tiếp tục đi hàng đầu, chiếm lĩnh tất cả quyền điều khiển, thì cuộc khởi dấy trước sau chỉ là một vụ cướp lớn. Ngược lại nếu ta vững ta lái, đến một lúc bọn vong mạng ngỡ ngàng nhận thấy rằng đây không phải là một đám cướp, và chúng bị buộc phải bỏ đi, thì rõ ràng hàng ngũ chúng ta được thanh lọc (…)

– Sau bọn trộm cắp đến lượt bọn nào bị đào thải?

Huệ nói:

– …Sau bọn vong mạng, có lẽ đến lượt bọn cố chấp, rồi đến bọn cơ hội. Bọn cố chấp bị đào thải vì không theo kịp các biến động quá nhanh xảy ra trước mắt. Điều đó dễ hiểu. Khó nhất, chậm nhất, gay go nguy hiểm nhất là cuộc đào thải bọn cơ hội. Chúng nó là con tắc kè thay màu nhanh chóng, khó lòng biết đâu là người thiện chí đâu là tên cơ hội” (641)

Một trong những kẻ cơ hội chủ nghĩa hàng đầu thời đó là Nguyễn Hữu Chỉnh. Nhận xét về Nguyễn Hữu Chỉnh, Huệ nói “Con nhớ có lần con đã thưa với thầy là trước sau gì bọn cơ hội tứ phương cũng đánh hơi thấy mùi mật ngọt mà bu đến đây như một đàn ruồi. Chúng còn đông hơn, nguy hiểm hơn bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn du thủ du thực lâu nay nhan nhản quanh chúng ta. Nguy hiểm hơn vì chúng thông minh hơn bọn trộm cướp, được việc hơn bọn vong mạng dốt nát, ngoan ngoãn giỏi nịnh hơn bọn cố chấp hẹp hòi. Khó phân biệt được người thiện chí và kẻ xu thời cầu cạnh. Con nghe hắn (tức Nguyễn Hữu Chỉnh) lý thuyết dông dài, nhìn đôi mắt hắn láo liên, tự nhiên rờn rợn” (758). Theo Huệ, “Cống Chỉnh thì trâng tráo xem đời là một canh bạc, kẻ thiện là kẻ thắng. Đấy là “chân lý”, là miệng lưỡi của bọn cơ hội” (1123).

Dù thầy trò bất đồng ý kiến nhưng với Huệ, thầy vẫn là thầy. Cho đến lúc thầy mất, Huệ vẫn một lòng kính trọng. Cuối năm 1788, ông giáo Hiến qua đời. “Nguyễn Huệ mặc đồ trận còn lấm bụi, có lẽ vừa đi xa về, không cần gật đầu cám ơn những người nhường lối, Huệ tiến thẳng đến phía thầy nằm (………) Không tự chủ được, ông gục mặt xuống giường người chết, nghẹn lời chỉ thốt được có mỗi một tiếng: “Thầy!”. (1036, 1037)

Không những nhìn thấy được bản chất của chuyện “lớn”, chuyện thế sự, bằng một cái nhìn tinh tế, độc đáo, Huệ còn nhìn ra bản chất của những sự việc chi li vụn vặt trong đời sống. Và cũng lãng mạn y như bất cứ một thanh niên mới lớn nào: hễ có dịp là tán tỉnh An, cô con gái của thầy. Đọc những đoạn này tôi tưởng như đang đọc các chuyện tình học trò thời nay.

Với đầu óc thông minh, lý đoán lại thực tiễn và một tấm lòng nhân hậu, Huệ áp dụng ngay và áp dụng nhuần nhuyễn, nghiêm túc và đầy quyền biến những suy nghĩ của mình vào việc cầm quân lần đầu tiên. “Theo nghiêm lệnh của Huệ, không ai dược chạm đến một cây kim sợi chỉ của dân. Xin nước cũng phải lễ phép thưa gửi với chủ nhà, uống xong phải cảm ơn” (342). Huệ đưa bài hịch cho một người đọc. Nhưng khi thấy chẳng ai hiểu gì cả, và mọi người tỏ vẻ nghi ngờ thiện ý của quân khởi nghĩa, Huệ phất tay bảo thôi đọc, vì theo Huệ, “Văn chương chữ nghĩa uyên thâm, những câu biền ngẫu nghiêm chỉnh thật vô dụng lúc này, ở đây” (344). Sau đó, Huệ ra lệnh mang hết sổ thuế của dân làng ra đốt (có lẽ bắt chước Phùng Hoan, một tân khách của Mạnh Thường Quân thời Đông Châu liệt quốc bên Tàu).

Sau những chiến thắng ngoạn mục lúc đầu, Tây Sơn trải qua một số thất bại vào giữa năm 1777. Hàng ngũ quân lính rối loạn, nhân tâm xao xuyến, tình trạng xã hội hoang mang. Hàng loạt những đạo quân nòng cốt tan rã, nhiều nhân vật cầm đầu bỏ trốn hoặc làm việc cầm chừng. Ngay cả Nguyễn Nhạc mà cũng tỏ ra hoang mang. Chỉ có Huệ là trầm tĩnh trước các sự kiện ấy. Ông nghĩ ra cái luật thanh lọc mà có lần đã nói với thầy. “Tập Đình bỏ đi mang theo quá nửa số chiến thuyền ở mặt bắc, không khí thường trực dao động ở khắp phủ Quy Nhơn sau trận Cẩm Sa, sự đầu hàng của Châu Văn Tiếp, cuộc đào thoát của hai anh em Lễ Nghĩa theo phái bộ Nguyễn Phúc Chất, tất cả những điều đau lòng ấy, qua mắt Huệ, đều ở trong tiến trình đào thải để tinh lọc”. Dần dà, mặt trận do ông phụ trách qui tụ được những tướng lãnh trẻ và thuần khiết nhất của phong trào “Bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn du thủ du thực, bọn say mê bạo hành lặng lẽ tránh xa anh, lánh xa phong trào” (683). Để rồi, sau chiến thắng mùa hè năm 1775 (chiếm Quy Nhơn), Nguyễn Huệ trở thành viên tướng tài ba nhất của phong trào Tây Sơn. “Ngôi sao Nguyễn Huệ bắt đầu chói sáng suốt chiều dài lịch sử từ năm Ất Mùi cho đến lúc Huệ lìa đời”. Lúc này anh mới có hai mươi ba tuổi đầu, cái tuổi mà đối với hầu hết thanh niên, chỉ là mới chập chững vào đời.

Những khác biệt giữa thầy giáo Hiến và Huệ là về lãnh vực tư tưởng và dừng ngang ở đó. Khác biệt giữa Huệ và ông anh Nguyễn Nhạc dính dáng đến nhiều thứ, từ tính tình, cách hành động và quan điểm. Dù tôn trọng anh, Huệ không từ bỏ dịp nào nói thẳng ý kiến của mình. Huệ nhận thấy Nguyễn Nhạc “nói nhiều quá”, không những thế, “có nhiều điều không đáng nói hoặc không nên nói”. Huệ, ngược lại, chỉ muốn “nói vừa đủ và đúng lúc”. Trong một lần nói chuyện với anh, Huệ cho rằng anh không nên dùng đồng tiền thuế để đầu tư, vì “đồng tiền thuế vấy đờm, vấy máu của nhiều người, không sạch, không nên động đến” (178). Ngay từ đầu cuộc khởi nghĩa, Huệ đã bất tuân lệnh của anh, mang quân về An Thái. Tuy giỏi biện minh và ông anh có phần thông cảm (mà sau chắc phải vô cùng hối hận vì sự thông cảm đó), nhưng sự tranh chấp về quan điểm và đường lối bắt đầu ló dạng đó dần dà phát triển, đưa đến những hậu quả khôn lường sau này. Quan điểm của Huệ càng ngày càng định hình sau những thắng lợi bước đầu của cuộc khởi nghĩa. Tháng ba năm Bính Thân (1776), Nhạc xưng vương, Huệ làm phụ chính, cai quản một vùng đất rộng lớn từ đèo Hải Vân đến Cù Mông.

Khi cho xây thành Chà Bàn, thủ đô của triều đại mới, ngay trên kinh đô cũ của vương quốc Chàm, Nguyễn Nhạc giải thích: “Vì chúng ta phải cố gắng khôi phục lại vương quốc đã từng một thời thịnh trị kéo dài từ đất Thuận Hóa cho đến Bình Thuận. Kinh đô của vương quốc ấy ở đây”. Nguyễn Huệ thắc mắc: “Như vậy biên cương của chúng ta phía bắc ra đến Thuận Hóa, còn phía Nam chỉ vào đến Bình Thuận thôi sao?”(953)

Cách suy nghĩ của Huệ khiến Nguyễn Nhạc bắt đầu lo lắng. “Vương nhận thấy cậu em trai út hai mươi lăm tuổi của mình bắt đầu có những suy nghĩ độc lập, những tham vọng riêng tư, có lối nhìn vấn dề khác mình. Nếu Lữ ngoan ngoãn, chậm chạp bước theo dấu chân của Nhạc không cần suy nghĩ, thì Huệ lại muốn tự tay phát quang chọn lấy con đường của mình. Cách nghĩ về biên cương cho vương quốc sắp dựng, nhất là thái độ chế giễu khinh bạc lúc đặt câu hỏi đó khiến Nhạc bực dọc” (958).

Khi Nhạc chế giễu các nhà nho trong đó có ám chỉ thầy giáo Hiến, Huệ nói: “Chỉ vì lâu nay chúng ta nghĩ thế nên kẻ sĩ mới bỏ ta mà đi. Đến lúc cần một người có uy tín để nói cho dân nghe theo ta không tìm thấy ai cả” (1040). Huệ cũng khác anh về quan điểm đối với Hoa Kiều. Theo Huệ, Hoa kiều là “cái ngõ để ta liên lạc với nước ngoài” (…) Không có họ, ta không có hạng môi giới để buôn bán với tàu buôn nước ngoài được” (1041).

Năm 1785, sau khi Nguyễn Huệ chiến thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm Xoài Mút trở về, Nguyễn Nhạc cho gỡ bỏ cổng chào, một cách cư xử không khôn ngoan chút nào. Nguyễn Huệ thắc mắc thì Nguyễn Nhạc giải thích “Ấy, chính vì chiến thắng oanh liệt ở phương nam mà ta phải dè dặt, đừng làm điều gì khiến phương bắc phải lo ngại. Dĩ nhiên không trước thì sau, thế nào ta cũng đòi lại dải đất từ Lũy Thầy trở vào. Đất đai Đàng Trong thì phải trả lại cho chúa Đàng Trong” (1217)

Vở tuồng Chàng Lía lại thêm một cái cớ nữa để anh em cãi nhau. Số là để mừng chiến thắng, ban tuồng tập diễn vở Chàng Lía. Chuyện kể một người anh hùng nông dân nổi loạn chống triều đình. Nguyễn Nhạc không những không cho diễn vở tuồng mà lại còn cho bắt hết người trong ban. Nguyễn Huệ bất mãn, tìm gặp anh để hỏi cho ra lẽ. Nguyễn Nhạc bực mình, nặng lời:

Chú muốn gì thì nói thẳng cho ta biết. Đừng dấu giếm. Đừng quanh co. Chú muốn kích động đám lính đang say chiến thắng để làm loạn phỏng? Chú vuốt ve lòng tự ái của chúng, nhân chuyện dẹp bỏ cổng chào kích thích cho chúng bất mãn. Rồi chú kéo gánh hát xuống ngầm xúi chúng bắt chước chàng Lía. Có đúng như thế không?” (1225)

Huệ ôn tồn: (…) anh hiểu lầm em rồi. Điều quan trọng chính là nội dung vở tuồng. Lúc nãy anh bảo đem chú Lía ra làm tuồng tích là đã kích động quân sĩ làm loạn. Em thì em không nghĩ như vậy. Chính em gợi ý cho Lãng soạn một vở tuồng nôm về Chàng Lía, vì theo em, Chàng Lía là kiểu mẫu đẹp nhất cho những người dân nghèo bất khuất, nghĩa là cho tất cả anh em chúng ta. Tại sao chúng ta giống Chàng Lía mà lại sợ Chàng Lía?” (1227)

Nguyễn Nhạc xuống giọng giải thích:

Chú nói như vậy vì chú chưa phải gánh vác những việc phức tạp rắc rối như anh (…) Còn anh, chú nhớ cho, anh có đủ mọi loại kẻ thù(…) Anh không ăn ngủ yên nếu kẻ thù tứ phía chưa được dẹp hết. Đã thế, vô tình chú đề cao một mẫu người làm loạn cho bọn kiêu binh đó bắt chước.(…) Không phải không có lý khi từ xưa đến nay, các triều đình chỉ cho hát tuồng ca tụng tôi trung, con hiếu, vợ hiền, nghĩa là ca tụng sự ngoan ngoãn, phục tùng. Không có ông vua nào dại dột ca tụng những tên nổi loạn” (1227, 1228)

Những nhận xét trên cho thấy Nguyễn Nhạc cũng là một người đáo để, có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm và thủ đoạn chính trị của một người an bang tế thế. Với quyền hành trong tay, Nguyễn Nhạc dễ dàng bóp chết tham vọng của em ngay từ khi còn trứng nước. Ấy thế mà, dù nghi ngờ, Nguyễn Nhạc tuyệt nhiên không hề nghĩ đến chuyện Nguyễn Huệ sẽ có ngày trở thành kẻ thù không đội trời chung của mình. Ông sai em đi đánh Thuận Hóa, trao cho Nguyễn Huệ một cơ hội vô cùng quý giá: con chim thoát khỏi chiếc lồng.

Sau chiến thắng Thuận Hóa, trước không khí bừng bừng của vùng đất văn vật, Nguyễn Huệ bắt đầu tự mình quyết định hướng đi của đất nước và của chính mình. Không làm sao biết được cái nào là yếu tố chính thúc đẩy ông lao về phía trước: tham vọng cá nhân hay vì lòng mong muốn thống nhất đất nước, giải phóng người dân nghèo? Trong những yếu tố thúc đẩy Huệ, chắc chắn có vai trò của Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh thuyết phục Huệ nhiều lần. Và có lẽ một trong những “luận điểm” lọt lỗ tai Huệ nhất là: “Tôi nói sơ qua, nhưng một người thông minh sắc sảo như Tướng quân chắc đã biết trước mọi điều. Do đó, tại sao không nhân cơ hội này, Tướng quân lãnh phần trấn thủ Thuận Hóa, dương oai hùm với Bắc hà, bảo vệ giang san cho Hoàng thượng, lại được thỏa thích tùy nghi trong khu vực riêng. Tướng quân vui mà tiểu nhân cũng đỡ phần lo ngại ” (1239)

Ranh mãnh đến thế thì thôi! Quả thật Nguyễn Hữu Chỉnh đã đi vào tận gan ruột của triều đình mới và tư tưởng, chí hướng cũng như tham vọng của viên tướng trẻ. Không ưa Chỉnh, nhưng rõ ràng trong thâm tâm, chắc Huệ phải nhận rằng Chỉnh đã nói đúng sự thật. Và do đó, ít nhiều, Nguyễn Hữu Chỉnh đã có một ảnh hưởng đáng kể đối với hướng đi sau này của Nguyễn Huệ, dù SCML và lịch sử không đề cập đến.

Riêng Huệ, Huệ quá hiểu chủ đích của anh khi sai ông đem quân vượt đèo Hải Vân chiếm Thuận Hóa. Nguyễn Nhạc vẫn nửa đùa nửa thật khoe mình là “người họ ngoại của Chúa Nam Hà”. Nghĩa là ông vua mới không có tham vọng nào khác ngoài ý muốn khôi phục giang sơn cũ của chúa Nguyễn hiện đang nằm trong tay họ Trịnh, từ sông Gianh trở vào đèo Hải Vân. Thống nhất đất nước không phải là nhu cầu của Nguyễn Nhạc, cho nên không nằm trong toan tính của ông. Nguyễn Huệ thì khác hẳn. “Ông phải lựa chọn, đúng ra là phải thuận theo cái đà chẳng đặng đừng của thế cuộc” (1325, 1326).

Chẳng đặng đừng? Tôi không cho là như thế!

Tiến vào Thăng long, lật đổ xong họ Trịnh, ông cảm thấy “ngợp trước thành công, ngợp trước sức mạnh vừa tìm thấy, như một người lần đầu cưỡi một con ngựa khỏe và dữ. Ông đang ngồi ngay tại trung tâm của quyền lực, đang hít thở không khí của một nền văn minh ổn cố lâu dài, nơi mà một hòn sỏi trên lối đi, một gốc liễu trong vườn thượng uyển cũng có một gia phả” (1383).

Nguyễn Huệ thụ hưởng cảm giác đó không lâu. Biết tính em, Nguyễn Nhạc vội vàng bay ra bắc để lôi cậu em háo thắng về. Ông anh hiểu rõ những mối hiểm nguy chung đang chờ đợi cái triều đại mà anh em ông vừa mới chiếm được và cũng hiểu rõ cái hiểm nguy riêng nếu ông em tiếp tục tự tung tự tác, chẳng xem chính quyền trung ương ra gì. Huệ sợ anh, trở lại Thuận Hóa. Nhưng chỉ ngang đó. Có lẽ đây là lần cuối cùng, Nguyễn Huệ nghe lời anh mình. Mặc cho anh hờn lẫy, giận dỗi, Nguyễn Huệ quyết định không theo anh vào lại Quy Nhơn – cái lồng mà ông vừa thoát khỏi – kéo theo hầu hết quân tướng dưới quyền cũng ở lại Thuận Hóa.

Mầm loạn đã ươm, chỉ đợi ngày lớn dậy!

Sau buổi lễ khao quân mừng chiến thắng, Huệ tiễn anh vào lại Quy Nhơn. SCML mô tả rất ngắn gọn, nhưng đầy ý nghĩa, buổi chia tay lịch sử này:

Nhà vua nhìn thẳng vào mắt em. Nguyễn Huệ không tránh, nhìn thẳng vào đôi mắt xoi mói của nhà vua, nói chậm và rõ:

– Kính chúc Hoàng thượng thượng lộ bình an.

Nhà vua bậm môi không nói gì, quay gót bước về phía cổng. Quan nội hầu chỉ chờ có thế. Qua phất tay ra hiệu, tức thì hai hàng quân hầu đồng loạt tung hô: “Vạn tuế! Vạn tuế!”. Cờ đào giương cao hơn, gió đưa cờ phấp phới. Đoàn hầu cận vội bước theo sau nhà vua. Nguyễn Huệ đi theo sát anh, cách phía sau nhà vua một bước. Nhà vua đến cửa Ngọ Môn. Nhưng thay vì đi bộ một đoạn mới lên kiệu rồng đến bến thuyền cho dân Thuận Hóa được chiêm ngưỡng long nhan, Nguyễn Nhạc sai quan hầu gọi kiệu đến dưới cửa thành…Một lần nữa, dân Thuận Hóa không được xem mặt vua Thái Đức” (1495)

Đây là lần cuối cùng hai anh em gặp nhau trong tình gia đình. Sau đó, mọi chuyện không còn như cũ. Lịch sử bước qua một khúc quanh mới, vừa bi vừa hài, khiến mỗi lần nhớ lại, chẳng biết nên buồn hay nên vui. Cho đến lúc này, SCML có đề cập đến những khác biệt giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, thỉnh thoảng một vài tranh cãi, nhưng cuối cùng Nguyễn Nhạc chìu em và ngược lại, Nguyễn Huệ nể anh. Không có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy hai anh em, chỉ trong một thời gian ngắn sau, trở thành hai kẻ thù một còn một mất.

Khi Nguyễn Nhạc vào lại Quy Nhơn rồi, Nguyễn Huệ dứt khoát thái độ: chống lại anh. Tâm trạng của ông em được diễn tả qua độc thoại nội tâm sau:

Ta dừng lại chăng? Ta bằng lòng đứng bên này Lũy Thầy nhìn ra phía bắc như một kẻ ngoài cuộc, để mặc cho Nguyễn Hữu Chỉnh, họ Lê, họ Trịnh, quận Thạc, quận Liễn cùng lũ quan thị xâu xé nhau giữa một đất nước tan hoang? (…) Một tổ tiên, một phong tục, một tiếng nói, một lịch sử, tại sao lại phải có Lũy Thầy?” (1499-1501)

Dẫu biết vậy, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy ngờ ngợ, không hiểu nổi động cơ nào thực sự nằm đàng sau thái độ “chặt cầu” một cách tàn nhẫn của Nguyễn Huệ đối với Nguyễn Nhạc, người đã nuôi nấng, bảo bọc và thương yêu ông từ nhỏ đến lớn, là “quyền huynh thế phụ”? Lý tưởng? Tham vọng quyền hành? Có lẽ cả hai.

Với một đầu óc tính toán tỉnh táo, trước khi lấy quyết định cuối cùng, Nguyễn Huệ thực hiện một bước trung gian: cử phái bộ vào Quy Nhơn, yêu sách Nguyễn Nhạc một số điều. Và đúng như Nguyễn Huệ (có lẽ) đã tính toán, Nguyễn Nhạc phản ứng giận dữ.

Phái bộ đến vào lúc nhà vua đang thiết triều. Tưởng là một bài biểu tạ ơn, nhà vua cho vời sứ bộ vào hỏi han cực kỳ ân cần. Đến khi viên quan bộ Lễ trình tờ biểu lên, nhà vua hoan hỉ ra lệnh tuyên đọc giữa triều để đánh tan các lời đồn đãi ác ý lâu nay về mối chia rẽ trầm trọng giữa Quy Nhơn và Phú Xuân. Viên quan bộ Lễ tuân lệnh. (…) Các quan văn võ ban đầu còn cung kính chắp tay ngửng mặt để trân trọng đón nghe những lời thân thiện nhún nhường, những tin vui từ vùng biên thùy phía bắc. Được vài câu, họ sợ hãi liếc nhìn phản ứng của nhà vua, rồi họ cúi mặt xuống, nín thở chờ cơn thịnh nộ.

(…) Nhà vua chồm về phía trước, chụp tờ biểu xé vụn rồi tung về phía sứ bộ, giọng nói run, lắp bắp vì giận:

– Cút đi. (…) Quân vô ơn bội nghĩa. Nếu không có ta gầy dựng thì cả lũ bây giờ quá lắm là những tên buôn trầu, những thằng mót củi, làm thuê, chứ đâu được ngồi sập vàng ăn mâm bạc. Thế mà chúng nó không biết nghĩ, dám trở mặt với ta. (…) Hà hà, văn từ cũng khá lắm. Lý lẽ chặt chẽ, lời nói nhún nhường. Láo cả. (…) Nào than phiền Thuận hóa mất mùa liên miên mấy năm không đủ gạo cho dân vào mấy tháng giáp Tết, rồi bắt qua chuyện trấn thủ Quảng Nam không cho thông thương qua đèo Hải Vân để xin được dùng cửa Hội, được đem thuyền vào Quảng Nam mua lúa, được tự do ra vào. Lính Phú Xuân gốc Quảng được về thăm gia đình. Được miễn thuế cho tàu chở hàng cho Phú Xuân cập bến cửa Hội…Nếu vậy thì giao luôn Quảng nam cho Phú Xuân cho rồi, lấy Hải Vân làm ranh giới cho cho mất công!” (1522,1523)

Nguyễn Nhạc cho giết sứ bộ. Thật là một cơ hội bằng vàng cho Nguyễn Huệ. Được tin, Nguyễn Huệ nói với Trần Văn Kỷ: “Quy Nhơn đang chuẩn bị chiến tranh. Máu chảy ruột mềm, dứt tình nghĩa với nhà vua ta đau xót lắm. Nhưng không có cách nào khác. Kéo dài nhì nhằng như thế này, một là Thuận Hóa sẽ suy sụp vì đói và bị chiếm, hai là…hai là…(…) Ta không ưa bài bạc, nhưng chuyến này ta đánh một ván bài liều lĩnh nhưng có tính toán” (1562,1563)

Như thế là, đất nước lúc đó chia hai trên danh nghĩa (là vua Lê ở Thăng Long và Vua Thái Đức ở Quy Nhơn), nhưng chia tư trên thực tế. Bốn trung tâm quyền lực là Thăng Long, Phú Xuân, Quy Nhơn và Gia Định. Muốn thống nhất thì Phú Xuân phải phá đổ ba trung tâm quyền lực kia. Đó là ước vọng của Phú Xuân. Trong bài hịch đánh anh, Nguyễn Huệ dùng những từ như “sài lang”, “cẩu trệ” và giải thích hành động của mình “Không có tội nào to bằng tội giết vua, nhưng nếu khinh suất can gián mà không nghe, ắt phải truất xuống, vì là quan hệ đến sự an nguy của muôn đời” (1566, 1567)

Thực tình mà nói, dù biết Nguyễn Huệ có lý, và biết rằng chính trị là thế (trong lịch sử, để giành quyền hành, anh em cha con giết nhau là thường), tôi vẫn cảm thấy có gì không ổn, có gì đụng đến lương tâm của mình. Với một bài hịch như thế, rõ ràng là Nguyễn Huệ đã có chủ định từ lâu. Nói khác đi, dù không có vụ giết sứ bộ ở Trà Câu, Nguyễn Huệ vẫn cứ tiến hành chiến tranh đánh lại anh mình như thường. Cảm giác của tôi không khác mấy với nhận xét của An khi nói với Lãng: “Dù gì đi nữa cũng là anh cả. Sao nỡ dùng những tiếng thậm tệ như vậy để viết hịch?” (…) “còn ‘quan hệ đến sự an nguy của muôn đời’ là cái gì? ra sao? méo hay tròn? ai mà biết được? Ai thảo bài hịch thật khéo mồm khéo mép?” (1567).

An nói đúng: mọi lời lẽ chỉ là một cách ngụy biện để giành lấy chính nghĩa mà thôi. Để rồi “Quen với quyết định nhanh chóng, ông ra lệnh phổ biến bài hịch, đồng thời với lệnh trưng binh. Tất cả đàn ông từ mười lăm tuổi trở lên đều phải nhập ngũ. Nhà nào cũng chỉ còn lại đàn bà con nít. Đình, chùa, miếu biến thành trại lính. Thiếu đồng để đúc khí giới và nồi, thì lấy cả những tượng Phật còn lại” (1574)

Đạo quân hùng hậu kéo vào Quy Nhơn, bao vây Hoàng đế thành, đắp núi cao để bắn đại bác vào. Nhiều lần giáp công, nhưng không thành công, quân Phú Xuân bị mất hơn một nửa. Cuộc chiến nhì nhằng cả tháng. Thiếu quân, Nguyễn Huệ phải gọi “nhập ngũ cả những đứa trẻ vừa đủ mười lăm tuổi”. Vua Thái Đức tuyệt vọng, ẵm con Nguyễn Huệ lên thành kêu khóc. Nguyễn Huệ lấy thêm đất Quảng Nam rồi rút quân. Bến Ván trở thành sông Gianh, phân chia lại một đất nước vốn chẳng hề nguyên vẹn từ mấy trăm năm. “Ước vọng thống nhất đành phải chịu dang dở”. Đến đoạn lịch sử đau buồn này, tác giả Nguyễn Mộng Giác tạm bước ra ngoài thế giới tiểu thuyết, để đưa ý kiến riêng mình. Theo ông, phải xem biến cố “nồi da xáo thịt” là một “điều chẳng đặng đừng” để tiến tới viễn tượng thống nhất. Không nên tìm cách đổ lỗi cho Nguyễn Nhạc. Nguyễn Mộng Giác khẳng định “Tất cả trách nhiệm của biến cố này thuộc về Nguyễn Huệ: một mình Nguyễn Huệ!” (1572). Vì sao? Vì “Nếu Nguyễn Huệ xứng đáng nhận lấy vinh quang vì can đảm hy sinh cái tiểu tiết để phụng sự đại cuộc, thì chính Nguyễn Huệ cũng phải một mình chịu trách nhiệm về sự yếu đuối của mình. Ông dám bất tuân lệnh vua anh vượt qua Lũy Thầy, nhưng không đủ sức mạnh ý chí và sự lạnh lùng để vượt qua cái lũy vô hình là tình ruột thịt, thanh toán nội bộ sau biến cố quan trọng này, tất nhiên không thể tránh khỏi”(1575).

Và tác giả SCML hạ bút “ kể tỉ mỉ làm gì những điều vụn vặt ấy!” (1576). Sao lại vụn vặt? Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn chẳng xuất phát từ những điều vụn vặt đó sao? Mà cũng không chỉ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, lịch sử cho thấy rằng vô số biến cố kinh thiên động địa thay đổi dòng lịch sử đều có nguyên nhân từ những chuyện lẻ tẻ, lắm khi chỉ là những chuyện tầm phào.

Sau biến cố ấy, Nguyễn Huệ thoát khỏi mọi ràng buộc với anh. Trong các tác phẩm sử, Quang Trung gần như được xem là biểu tượng cho phong trào Tây Sơn, thậm chí là người mở đầu triều đại Tây Sơn. Hào quang chói lọi của ngôi sao Nguyễn Huệ che mờ người cầm đầu phong trào Tây Sơn Nguyễn Nhạc. Không mấy ai để ý đến triều đại vua Thái Đức vốn kéo dài đến mười sáu năm. Ấy thế mà cái chết của ông vua khởi nghiệp này chỉ được đề cập qua loa y như nói về cái chết một viên quan bình thường nào đó[14] . Chuyện hai anh em đánh nhau cũng chỉ được nhắc sơ sài trong các tác phẩm sử học chính thức. Có lẽ một số người biên soạn sợ rằng kể lại chuyện đó sẽ làm “xấu đi” hai chữ anh hùng thường dành cho Nguyễn Huệ chăng? .

Nguyễn Huệ bây giờ là vua một cõi, chấp nhận sự qua phân – điều trái ngược hẳn với lý tưởng của ông khi kéo quân ra Bắc lật đổ chúa Trịnh và khi quyết định lật đổ vua anh. “Vương triều mới đã có cương giới, từ Nghệ An vào đến Bến Ván (…) Triều đình có những đòi hỏi về nghi thức. Cung phủ cũng phải dược xếp đặt, tổ chức lại. Năm toà nhà xây cất toàn bằng gỗ quý trong nội cung được cấp tốc sửa sang, trang trí. Vợ con của Chính Bình Vương NH vừa từ Quy Nhơn ra, được đưa đến ở tại toà nhà ở phía nam của vương các ba tầng. Công chúa Ngọc Hân thì dọn vào ở tòa nhà phía bắc. Rồi phải tổ chức đời sống, sinh hoạt bên trong Tử cấm thành cho đúng với phép tắc luật lệ xưa nay của các nơi cung cấm” (1601)

Thế là người “nông dân” Nguyễn Huệ bắt đầu đời sống thực sự của những người thuộc “giai cấp” mới: giai cấp thống trị. Có gì khác nhau giữa Nguyễn Huệ, một tướng lãnh/em vua và Nguyễn Huệ, một ông vua. Tất nhiên là có khác. Quyền uy hơn. Các quyết định được ban ra nhanh chóng hơn, dứt khoát hơn. Giết sứ bộ Trần Công Xán bằng cách ném xuống biển, giết Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh, giết Lợi, chồng của An, đánh quân Thanh, chìu lụy La Sơn Phu Tử. Chiến lược, chiến thuật rõ ràng, cụ thể hơn và có hướng đi hơn. Nhưng nói chung, không có gì khác mấy đối với nhân vật Nguyễn Huệ về mặt tính tình, nhân cách. Vẫn bình dân. Vẫn mang tâm hồn của người thuộc giai cấp bị trị. Vẫn có cái suy nghĩ của một tay trí thức thức thời, biết người biết ta. “Viên tướng trẻ 35 tuổi này vừa có sự thâm trầm chín chắn của một người từng trải, lại vừa có cái gan dạ liều lĩnh của một thanh niên, có cái bộc trực của dân lao động, lại có sự tế nhị của kẻ ăn học” như nhận xét của Trần Văn Kỷ (1564).

Ngoài vai trò bình thường của một ông vua, quan hệ mới lúc này của Nguyễn Huệ là với các nhà nho, mà gần gũi và tiêu biểu là Trần Văn Kỷ. Quan hệ đó vừa có vẻ tự tôn lại vừa có vẻ tự ti. Tác giả SCML đã tỏ ra sắc sảo khi thể hiện cung cách cư xử của ông vua “trí thức bình dân” với đám nho sĩ thứ thiệt đủ hạng đủ loại thời đó: vừa thuyết phục vừa đối phó, vừa không ưa lại vừa cần. Nói về bản chất của nhà nho, Nguyễn Huệ bảo “…Các ông khôn lắm, khi xăn tay áo lăn ra đời thì dựa dẫm nào Khương Tử Nha, Y Doãn. Khi thua thiệt về vườn thì che giấu thất vọng bằng phú Đào Tiềm, Tô Thức. Người dốt nát như dân áo vải, chân đất chúng tôi ngơ ngác như đứng trước đám khói, không biết các ông phải trái như thế nào nữa. Các ông chịu ra giúp đời, đáng khen lắm, mà các ông khoanh tay ở ẩn, cũng đáng khen nốt. Các ông chiếm hết tiện nghi. Khổ cực, chết chóc, lam lũ, lầm than, rốt cuộc chỉ có dân đen dốt nát chúng tôi chịu” (1705). Thật là một nhận xét thâm trầm về một tầng lớp đẵ khai sinh ra và nuôi dưỡng chế độ quân chủ đông phương suốt mấy ngàn năm. Một nhận xét như thế thì không thể nào xuất phát từ miệng lưỡi của một kẻ dốt nát như Nguyễn Huệ tự nhận được! Đó là về nhà nho cổ kim nói chung. Còn đám nho sĩ Bắc Hà thì sao? Phê phán về cái gọi là sự trung quân của họ, Nguyễn Huệ vạch rõ: “Nhưng cả họ Trịnh lẫn họ Nguyễn là gì? nếu công nhận họ nhà Lê chính thống thì hai họ đó là bọn phản tặc. Hơn hai trăm năm nay, nhà nho các ông đã làm gì chống lại bọn phản tặc đó để vẹn chữ trung với vua Lê chưa? (…) Bây giờ họ Trịnh họ Nguyễn bị ta diệt rồi, các ông không biết bám vào đâu nên cố víu vào vạt áo rách của nhà Lê” (1705). Một nhận xét chua chát nhưng không quá xa sự thực.

So sánh giữa nho sĩ và quần chúng nhân dân, Nguyễn Huệ nói: “Ta đã quen với cái vẻ tần ngần đăm chiêu, với thái độ dùng dằng của các ông nhà nho lắm rồi (…) Thuở khởi nghiệp, các nhà nho không giúp ta (…) Càng ngày ta càng thấy rõ: nhờ những anh em đi chân đất, mặc áo vải như ta trước đây. Chính họ mới là kẻ quyết định sự an nguy của xã tắc” (1777)

Đề cập đến tâm trạng người dân khi tình cờ thấy Vua và đoàn tùy tùng đi ngang, ông nói với Trần Văn Kỷ:

Ông nghĩ mà xem, đến lúc nào đời này không cần bọn vua quan nữa, ai nấy được ăn trọn hạt lúa mình trồng, con cá mình lưới được, không mất thứ gì.

Trần Văn Kỷ nhận xét:

– Đến lúc đó thì còn lâu lắm, vì lúc nào cá lớn cũng muốn nuốt cho được cá bé. Không có luật lệ, lễ nghi, đạo đức, con người sẽ sống như loài dã thú trên rừng.

NH mỉm cười hỏi lại:

– Có thật thế không? hay đó chỉ là cái cớ để dân làm ruộng và chài lưới nai lưng nuôi thêm mấy ông đi võng mặc áo gấm, và bọn mặt trắng cầm bút lông?” (1706)

Hiếm có biết bao! Một ông vua lại đứng về phía dân đen để phê phán chính mình! Đọc đoạn này, tôi có cảm giác Nguyễn Huệ khó có thể làm vua lâu dài được, vì có cái gì bất nhất. Một mặt ông vẫn cho xây cung điện nguy nga, vẫn hãnh diện khi lấy được công chúa con vua Lê, mặt khác ông vẫn sống trong tâm trạng của những người dân thấp cổ bé miệng, thời nào cũng bất mãn vì bị bóc lột để nuôi sống đám vua chúa, quan lại. Có lẽ ông vừa mới làm vua, lý tưởng còn đầy mình, chưa nhập hẳn được vào đời sống vương giả. Dường như những người thuộc giai cấp lớp dưới, xuất phát từ các cuộc cách mạng gọi là nông dân, đều có thái độ chênh vênh đó khi mới nắm được quyền trong tay. Chân tay chưa sạch mùi bùn đất, đầu óc chưa kịp chuyển đổi từ dân lên quan, cuộc sống chưa thấm mùi vị ngọt ngào của tiền tài và danh vọng, nên trong giai đoạn trung chuyển này, họ rất đẹp. Nhưng kinh nghiệm lịch sử cho thấy thường thì giai đoạn này kéo dài không mấy lâu!

SCML là tiểu thuyết, viết về con người và về cuộc đời trong giai đoạn nhiễu nhương của đất nước, không trình bày một phản-Nguyễn Huệ, phía tiêu cực, cũng không nhằm vinh danh sự nghiệp của triều đại Tây Sơn nói chung và sự nghiệp Nguyễn Huệ nói riêng. Nhân vật đó được trình bày dưới góc độ của một con người bình thường, một nhà trí thức băn khoăn trước thời cuộc ngã nghiêng, muốn làm một cái gì cho đất nước. Tác phẩm mở đầu với cảnh gia đình ông giáo Hiến tìm đường đi “tị nạn” và chấm dứt trong cảnh nhiễu nhương khác của một đất nước qua phân lần thứ hai, sự nhao nhác của người dân dưới một triều đại mới còn lúng túng, chưa tìm thấy con đường phải đi. Tôi cho rằng chính cái lòng xót thương thân phận con người trong cuộc nhiễu nhương đã tạo nên SCML chứ không phải từ cái oai hùng của một nhân vật lịch sử mà nói thêm thì không phải là thừa nhưng chưa chắc đã cần thiết khi tác giả muốn xây dựng một nhân vật tiểu thuyết.

Phan Cự Đệ nhận định: “Thông điệp của SCML là lòng xót thương trước thân phận thất thế, lỗi thời của những người trí thức nho học trong thời loạn (ông giáo Hiến), trước cảnh ngộ bất hạnh của người đàn bà trong chiến tranh, trong thời kỳ tranh chấp giữa các thế lực phong kiến, người ta coi phụ nữ như một món hàng để đổi chác, mua bán về chính trị” . Ở đoạn sau, ông nhẹ nhàng phê phán “Tuy nhiên hai cảm hứng phê phán và nhân đạo chủ nghĩa quá mạnh mẽ nên cảm hứng sử thi có bị lu mờ đi, ta có cảm tưởng nhà viết tiểu thuyết tập trung cho cái “vi mô” nên chưa đầu tư đúng mức cho cái “vĩ mô”” (…) Có người nói cái thông điệp của bộ tiểu thuyết lịch sử SCML đối với thời hiện tại không thật rõ. Tôi nghĩ cái thông điệp đó ẩn chìm chỗ này chỗ khác, nó bị phân tán, không tập trung, không gây ấn tượng mạnh như trong Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh hay trong Gió lửa của Nam Dao[15] .

Ý kiến của tác giả Nguyễn Mộng Giác có vẻ như không khác mấy với nhận định trên khi thú nhận với Nam Dao trong một cuộc thảo luận tay đôi: “Cho nên thú thực với anh là trước khi viết SCML, tôi không có một “thông điệp” nào rõ ràng để gửi đi cả” (…) Nhưng càng tìm đọc tài liệu sử, càng thấy hấp dẫn, càng thấy con người trong thời loạn, nhất là giới nho sĩ, sao mà đáng thương. Có thể nói ‘thông điệp’ của SCML là lòng xót thương đó. Một thông điệp mơ hồ, vô bổ, và yếu xìu[16] . Vâng, lòng xót thương nào mà chẳng yếu xìu?! Nguyễn Mộng Giác khiêm tốn? Có lẽ. Riêng tôi là người đọc, tìm thấy nhân vật Nguyễn Huệ chứa đựng một “thông điệp” ngầm khác.

Có lẽ trừ khuôn mặt không đẹp trai (tóc quăn, mặt đầy mụn), nhân vật Nguyễn Huệ SCML hầu như là một con người toàn bích và lý tưởng: đã có học, có đầu óc cải cách, có tài năng bao trùm nhiều lãnh vực lại nhân hậu, đầy tình nghĩa với thầy, với bạn, với kẻ dưới, với người yêu. Trừ chuyện tranh chấp với người anh, Nguyễn Huệ của SCML hầu như không có một khuyết điểm nào. Chính điểm này, theo tôi, nhân vật Nguyễn Huệ được tác giả đưa lên cao hơn hẳn cả một Nguyễn Huệ lịch sử. Ngay cả lúc quyết định chống lại người anh, Nguyễn Huệ như “chẳng đặng đừng”, không có vẻ gì của một con người không giữ đúng đạo vua tôi thời phong kiến, lại cũng không có vẻ gì là sự “vô đạo” của một người em. Cái gì khiến ông không bị ám ảnh vì tội lỗi? Điều này được giải thích: ý chí thống nhất đất nước! Đó có phải là lý do khiến đời sau người ta chỉ nhớ đến Quang Trung anh hùng và quên đi cuộc chiến đau thương giữa hai anh em, mà người chủ động là Nguyễn Huệ? Đáng buồn hơn nữa, rốt cuộc, chính Nguyễn Huệ phải chấp nhận sự qua phân, một qua phân trong một đất nước đang qua phân. Riêng tôi, tôi ngờ cách giải thích có vẻ quá “hiện đại” này. Có thực là Nguyễn Huệ muốn thống nhất đất nước theo cái nghĩa mà chúng ta hiểu ngày hôm nay? Mà nếu quả như thế thực thì đó có phải là động cơ duy nhất của ông tướng nhiều tham vọng này không?

Thành thử, ngược hẳn với nhận xét cho rằng, Nguyễn Huệ trong SCML bình dân, gần gũi, không oai vệ – “có những tình cảm vui buồn, nói năng hành xử theo tâm lý bình thường như chúng ta” như Phan Cự Đệ nhận xét – , tôi lại thấy Nguyễn Huệ thật đáng sợ vì “tầm cao tư tưởng” của người thanh niên nông thôn này. Tư tưởng của ông vượt ngoài thời đại. Chưa bước chân ra khỏi “lều cỏ”, ông đã nhìn thấy những vấn đề chính trị lớn của đất nước. Ra khỏi lều cỏ rồi, trực tiếp cầm quân, tư tưởng của ông lại càng thực tiễn mà sâu, nhìn đâu cũng thấy rõ bản chất của sự việc, sự vật, của từng người, từng nhóm người và nhờ thế, luôn luôn có những quyết định đúng đắn, hợp lúc, hợp thời đưa đến những thắng lợi lúc nào cũng ngoạn mục. Kiến thức đặc biệt đó từ đâu mà có? Và nhân duyên nào mà đất nước Việt Nam lại sản sinh là một con người toàn bích như thế? SCML (cũng như các tài liệu lịch sử) không hề đề cập đến.

Nhưng sự nghiệp của Nguyễn Huệ có phải chỉ do tài năng và tư tưởng không? Không. Còn có may mắn.

Theo tôi, một trong những may mắn lớn nhất của Nguyễn Huệ, đó là ông có một ông anh, tuy nhiều thủ đoạn nhưng ngây thơ về mặt chính trị. SCML cho ta một hình ảnh khá chi li về Nguyễn Nhạc trong quan hệ lừng khừng với người em xuất chúng của mình ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa. Sớm biết Nguyễn Huệ không dễ gì dễ bảo, nhưng vẫn dung dưỡng. Nhưng có thể nói, có lẽ vì ông quá tin vào tình nghĩa anh em ruột thịt. Nếu ông biết kềm chế ông em ngay từ lúc đầu thì đâu có đến nỗi có ngày phải bồng con lên năn nỉ đứa em. Thậm chí, ngay sau khi kéo Nguyễn Huệ từ Thăng Long về, ông vẫn có thể khôn ngoan tước lấy binh quyền của Nguyễn Huệ bằng cách mang em vào lại Quy Nhơn. Chấp nhận cho Nguyễn Huệ ở lại Thuận Hóa với cả một đạo quân hùng mạnh như thế thì tài nào mà Nguyễn Huệ không có lúc thay lòng, nhất là khi mà người em vừa đầy tài năng lại chẳng thiếu gì tham vọng. Giận em, ông anh chỉ biết lẫy, hờn rồi…thôi. Để lúc cùng đường, cũng biết xử dụng một thủ đoạn rất là “Lưu Bị” để thoát hiểm: khóc.

 

 
Kết từ

 
SCML có phần Kết Từ. Nói là kết từ, nhưng khá dài – dài một cách bất thường -, gồm năm chương với gần một trăm trang, từ trang 1911 đến trang 2004. Nguyễn Mộng Giác cho biết: “Anh đọc kỹ chắc thấy Phần Kết từ của SCML đầy cả lòng xót thương. Dấu vết của một thời loạn ly trong truyện của tôi đó[17] . Có lẽ chính đoạn kết từ này đã khiến nhiều người cho rằng SCML không đưa ra một thông điệp rõ ràng. Thay vì trình bày khung cảnh tươi vui của một xã hội đang phấn khởi xây dựng đất nước dưới triều đại mới, thì ở đây, SCML vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác: xao xác, hãi sợ, mất phương hướng. Phần đầu tác phẩm, gia đình ông giáo từ biệt Phú Xuân ra đi trong cơn loạn lạc. Trong phần Kết Từ, cô con gái của ông giáo cũng lại từ biệt Phú Xuân ra đi trong cơn loạn lạc. Kết Từ rời bỏ khung cảnh tranh chấp chính trị, không khí vương quyền, những tính toán chính trị lớn lao, sự tranh chấp quyền lực giữa những con người mới nhô lên trên sân khấu lịch sử, đưa ta về với khung cảnh đời thường của những người dân thấp cổ bé miệng (và dưới triều đại mới vẫn là thấp cổ bé miệng) vẫn còn sống trong ly tán, loạn lạc với những đau khổ, bất hạnh, thao thức triền miên. Muôn năm, dân vẫn cứ là dân! Mà quan thì vẫn cứ là quan. Hễ có quyền trong tay, dù xuất thân từ tầng lớp nào đi nữa, là người ta trở thành quan.

Lẽ ra, tôi không đề cập đến phần Kết Từ vì trong đoạn này, nhân vật Nguyễn Huệ không trực tiếp xuất hiện nữa. Nhưng thực ra, nhân vật Nguyễn Huệ vẫn còn đó, nhưng dưới một dạng khác. Ông hiện diện suốt cả mấy chương qua những phẫn hận của An, những băn khoăn và cảnh ngộ éo le của Lãng, người bạn cũ và đặc biệt ảnh hưởng ghê gớm của Chiếu Khuyến Nông trên đời sống xã hội và cá nhân. Có thể nói, phần Kết Từ không có nhân vật Nguyễn Huệ nhưng đầy cả Quang Trung. Ở đây, nhân vật Nguyễn Huệ là một “đấng” quyền uy, ở “ngôi cao vòi vọi”, chỉ biết ban, phát và ra lệnh. “Hỡi các thần dân! Các người đều phải trông lên thể theo đức ý của Trẫm, về nơi quê quán, chăm sóc ruộng vườn. Đừng lười biếng làm hại sinh kế, đừng trốn tránh giấu giếm để mắc tội lỗi. Cái vui giàu thịnh, Trẫm sẽ cùng trăm họ chung vui. Hãy nghiêm chỉnh tuân theo, không được trái lịnh” (1948). Cho nên từ lúc thực hiện các điều ban hành trong Chiếu Khuyến Nông, khắp Phú Xuân và vùng phụ cận đều lên cơn sốt. Ai cũng tìm cách vào cho được chính hộ bằng bất cứ cách nào, Lãng viết đơn thuê không kịp (1963).

Lãng giúp người ta, nhưng anh ở trong trường hợp ngoại lệ. “Cho đến lúc này, anh vẫn công nhận bài chiếu hoàn toàn hợp lý. Anh thuộc vào trường hợp ngoại lệ. Sự hữu ích của anh đo lường bằng những tiêu chuẩn trừu tượng như là lòng chân thật, sự liêm khiết, đức nhân ái, lối sống chí tình với những điều mình tin tưởng, khát vọng đi tìm cái tuyệt đối…Những tiêu chuẩn đó không được ghi trong bài Chiếu Khuyến Nông. Không nghề nghiệp, nhà cửa, vợ con tức là du thủ du thực. Đơn giản thế thôi!” (1966) Những người thân của Nguyễn Huệ bây giờ là những thân phận bọt bèo trôi nổi.

Lãng bị chính cái chiếu Khuyến Nông quái ác biến thành kẻ vô gia cư. “Lãng về đến Phú Xuân đúng lúc cuộc kiểm tra dân ngụ ở các thôn xóm lên đến điểm gắt gao nhất. Không ai dám chứa chấp người lạ vào ban đêm, dù là bà con thân thuộc. Các chức dịch sợ bị liên lụy phải bỏ tiền ra thuê bọn trẻ con để chúng báo cho biết ngay những kẻ cư ngụ bất hợp pháp. Những gia đình láng giềng kình cãi nhau, ban đầu từ những chuyện vụn vặt như gà bươi luống cải, heo ủi hàng giậu về sau kết thúc bằng trò tố cáo nhau là dân ngụ cư nhập tịch chưa đủ ba đời, là kẻ man khai gốc tích để trốn tránh sưu dịch…Lãng không dám ở Phú Xuân lâu. Anh đã trở thành dân lậu. An nói đúng. Quan trên có thể đóng gông anh bất cứ lúc nào. Một đứa trẻ con cũng đủ sức đưa anh vào tù” (1978).

Ấy thế, mà Lãng vẫn tiếp tục bênh vua. Thấy vậy, An tức giận: “Em không thấy thiên hạ dắt díu nhau từng đàn tưng lũ, quần áo lếch thếch, đoí khát, nheo nhóc, mỗi ngày đổ về đây mỗi nhiều hay sao? Em cũng bị xua đuổi y như họ. Chẳng lẽ em chạy trốn nhục nhã như vậy để rồi vừa tìm được chỗ dừng chân, lấy lại hơi thở, em liền lớn tiếng ca tụng kẻ đã xua đuổi em hay sao?” (1974).

Ta thấy rõ sự trật trệu giữa chính sách và việc thực hiện, giữa “đại mộng” và “tiểu mộng”, giữa tình riêng và nghĩa chung. Đồng thời ta cũng thấy cái trật trệu giữa cái vĩ đại, hiển hách và nỗi đau thường ngày, sự cách biệt tàn nhẫn giữa vĩ mô và vi mô, giữa “biến cố lịch sử” và cuộc đời. Nói khác đi, đàng sau các chiến công bao giờ cũng ẩn dấu những bi kịch.

Nhân dân bở hơi tai với Chiếu Khuyến Nông chưa xong thì lại tiếp nhận một chiếu khác: trưng binh. Lại chiến tranh! Toàn xã hội xao xác, nơm nớp, không biết số phận mình sẽ đi đến đâu. “Trẫm kêu gọi nhân dân lớn nhỏ hai phủ hãy ủng hộ hoàng gia, trung thành với Hoàng đại huynh, chờ đợi quân ta vào quét sạch Gia Định, lấy lại đất về ta (…) Để cho đại quân của ta tiến vào được dễ dàng, các xã dân hai phủ ở dọc bên đường hành quân hãy kíp sửa sang cầu cống. Lệnh này truyền tới, nhân dân hãy vâng theo ý Trẫm” (1983).

Bài hịch vừa loan truyền thì Bến Ván rúng động. Người ta dẹp cả buôn bán làm ăn, khép cửa nhà lại, đổ ra đường tụm năm tụm ba bàn tán nhau. Nét mặt ai nấy đều dáo dác lo âu. (…) Bến Ván lịm đi vì sợ hãi. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Chờ đợi…(…) Hôm sau, Bến Ván biết tin vua Quang Trung vừa băng hà hôm 29 tháng 7, và đạo quân Phú Xuân vừa từ chợ Cầu Ông Bộ vào đây có phận sự đề phòng chận trước các ý đồ xấu của Quy Nhơn. Vua Thái Đức định ra Phú Xuân dự đám táng vua Quang Trung đã bị chận lại, tại đây!” (1984)

Cái chết của Nguyễn Huệ quả là một “nỗi buồn lịch sử”! Ấy vậy mà nhìn ở một góc độ khác, nó có cái hay của nó: nhờ thế mà ta còn giữ được hình ảnh Nguyễn Huệ nguyên vẹn như ngày hôm nay. Theo tôi, đó là cái may mắn thứ hai của Nguyễn Huệ. Ông đã sống trong vinh quang và chết trên đỉnh vinh quang. Chết trước khi (có thể) phạm những sai lầm. Nếu ông còn sống, tôi không mấy hy vọng ông lấy lại được lưỡng Quãng[18], nhưng với tài năng đó cộng thêm may mắn, có phần chắc là ông sẽ thống nhất được đất nước. Để được như thế, ông khó mà tránh phạm phải tội giết anh. Nhưng lại có nhiều cái “không chắc”. Không chắc gì ông sẽ trở thành một Minh Trị Thiên Hoàng. Với đầu óc cực đoan, không chắc gì ông sẽ mở cửa chào đón phương Tây. Do đó, không chắc gì ông sẽ không cấm đạo[19] . Với quyền hành tuyệt đối, không chắc gì ông giữ mãi được phẩm chất của một người anh hùng “áo vải”. Đó là chưa nói đến những người thừa kế. Và nếu được sống dưới triều đại của ông, không chắc gì chúng ta sẽ vui vẻ mà đeo thẻ tín bài, vui vẻ chấp nhận cái cảnh “Tất cả đàn ông từ mười lăm tuổi trở lên đều phải nhập ngũ. Nhà nào cũng chỉ còn lại đàn bà con nít. Đình, chùa, miếu biến thành trại lính. Thiếu đồng để đúc khí giới và nồi, thì lấy cả những tượng Phật còn lại[20] .

Xin ghi lại đoạn đối thoại cuối cùng của nhân vật Nguyễn Huệ trong SCML (trước phần Kết Từ) để kết thúc bài viết:

Lãng chợt nhớ đến lễ khao quân ở Quy Nhơn, lúc Nguyễn Huệ vừa thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm, Xoài Mút khải hoàn về Hoàng đế thành. Lòng Lãng rộn lên. Anh cố trấn tĩnh, rụt rè đề nghị với nhà vua:

– Tâu Hoàng thượng, có nên cho quân sĩ xem hát tuồng không?

Nhà vua chợt nhớ, vui vẻ nói:

– Phải. Ta quên mất. Có đội Giáo phường theo quân mà! Nhưng…diễn tuồng gì?

Lãng bối rối, ngập ngừng, rồi đánh bạo nói:

– Tâu Hoàng thượng…cho diễn tuồng Chàng Lía được không ạ?

Đột nhiên vua Quang Trung sa sầm nét mặt. Giọng nhà vua gắt gỏng:

– Cậu nói gì thế? Gian khổ lặn lội ra tận chốn văn vật ngàn năm này, chẳng lẽ…

Nhà vua ngưng lại ở lưng chừng, vì đúng lúc đó, Trần Văn Kỷ bước vào điện (…) Thấy nét mặt vua Quang Trung vẫn còn vẻ bực dọc, Trần Văn Kỷ bỡ ngỡ, liến nhanh về phía Lãng. Lãng không dấu được vẻ sượng sùng hối tiếc. Cả ba người đều cảm thấy khó xử”(…) “Lãng tự cảm thấy thừa thãi, quỳ lạy xin lui. (…) Lãng cúi đầu lủi thủi ra khỏi điện Kính Thiên. Từ đó đến khi về Phú Xuân, Lãng không được gặp nhà vua lần nào nữa” (1907)

Có lẽ lúc này Nguyễn Huệ mới thấm thía lý do tại sao trước đây ông anh Nguyễn Nhạc không cho trình diễn vở tuồng Chàng Lía: “Không phải không có lý khi từ xưa đến nay, các triều đình chỉ cho hát tuồng ca tụng tôi trung, con hiếu, vợ hiền, nghĩa là ca tụng sự ngoan ngoãn, phục tùng. Không có ông vua nào dại dột ca tụng những tên nổi loạn

Hỡi những Chàng Lía yêu mến, hãy nổi loạn và nếu cần, hãy chiến thắng, nhưng đừng bao giờ trở thành vua!

 

Trần Hữu Thục
04/2004
 


[1] Tạ Chí Đại Trường, Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam, An Tiêm, 1991

[2] Chẳng hạn như: “…Ông Nguyễn Huệ là một người có sức khỏe tuyệt trần, lại có mưu trí quyền biến, mẹo mực như thần, khởi binh ở đất Tây Sơn giúp anh là Nguyễn Nhạc lập nên nghiệp lớn, được phong làm Bắc Bình Vương (…) Vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn là một ông vua anh hùng, lấy võ lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền tài văn học” (Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim)

[3] Nguyễn Huy Thiệp, Phẩm Tiết, lấy lại từ Website “Đặc Trưng”, phần truyện.

[4] Trần Vũ, Mùa Mưa Gai Sắc, Hợp Lưu số 4, tháng 4/1992

[5] Nam Dao, Gió Lửa, nxb Thi Văn, Canada 1999

[6] Các con số nằm trong ngoặc đơn các trích đoạn kế tiếp là để chỉ số trang trong Gió Lửa

[7] Nguyễn Mộng Giác, Sông Côn Mùa Lũ, nxb Văn Học, Hà Nội 1998

[8] Phan Cự Đệ, Tiểu thuyết Lịch Sử, Văn Học (Cali) số 203&204, tháng 3&4/2003 từ trang 4 -31

[9] Nguyễn Khắc Phê, Sông Côn Mùa Lũ, một bộ tiểu thuyết công phu, tạp chí Sông Hương số 134 tháng 4/2000, tr. 87-89

[10] Phan Cự Đệ, bđd

[11] Anh em ông “trò chuyện , kẻ hỏi người đáp cực kỳ ôn tồn y như anh em các nhà thường dân” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí)

[12] Đỗ Minh Tuấn, trong bìa sau Sông Côn Mùa Lũ

[13] Từ đoạn này đến cuối bài, những con số nằm trong ngoặc đơn là để chỉ số trang của SCML

[14] Nguyễn Nhạc chết như thế nào? Xin trích lại đây một vài chi tiết về cái chết của người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn mà có thể nhiều người không biết hoặc không để ý: Cuối năm 1793, quân Nguyễn Ánh đánh thủ đô Chà Bàn. Vua Nguyễn Quang Toản cử tướng Phạm Công Hưng vào cứu viện.

Quân cứu viện đến trước thành thì thấy cửa đóng. Họ lên tiếng đe dọa thì Nguyễn Nhạc nhắm không đủ sức giữ nổi nữa nên đã mời họ vào. Tiếp sau đó là những cử chỉ nhường nhịn giả dối. Nhạc tuyên bố nhường ngôi lại và chỉ muốn sống như người thường thôi. Ban đầu họ không nhận, mời ông lên lại ngai ngồi để họ lạy, nhưng ông từ chối. Vài tháng sau (13/12/1793), ông mất đi, người ta nói vì “buồn rầu và xấu hổ”. Nguyễn Bảo, con Nhạc được phong làm Hiếu Công, ăn lộc huyện Phù Ly” (Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường, tr. 278).

Bọn Phạm Công Hưng giải vây được rồi, kéo quân vào thành Quy Nhơn, chiếm giữ lấy thành trì và tịch biên cả các kho tàng. Nguyễn Nhạc thấy vậy, tức giận đển nỗi thổ huyết ra mà chết. Ông làm vua được 16 năm” (Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim)

Bọn Phạm Công Hưng giải vây cho thành Quy Nhơn xong thì vào lấy hết kho tàng và ra mặt chiếm đóng thành khiến vua Thái Đức uất lên, hộc máu ra mà chết. Nguyễn Nhạc làm vua được 16 năm” (Việt Sử Toàn Thư, Phạm Văn Sơn)

[15] Phan Cự Đệ, bài đã dẫn

[16] Nguyễn Mộng Giác, tạp chí Văn Học (cali), số 197, tháng 9/2002, tr. 14

[17] Nguyễn Mộng Giác, bđd, tr. 10

[18] Lưỡng Quảng gồm Quảng Đông và Quảng Tây, lớn hơn Việt Nam cả về diện tích lẫn dân số. Theo số liệu thống kê năm 1993, cả hai tỉnh cộng lại có tổng diện tích gần 420.00 km2 (Quảng Đông: 179.700km2, Quảng Tây: 240.000km2) và dân số hiện nay khoảng 105 triệu. Giả sử nếu chiếm được lưỡng Quảng và sát nhập vào lãnh thổ VN, chắc không có chính quyền VN nào, dù mạnh nhất, đủ sức cai trị. Tôi ngờ rằng nói “chiếm lại lưỡng Quảng” là một cách nói động viên lòng người.

[19] Vua Cảnh Thịnh đưa ra sắc lệnh bài đạo ngày 17/8/1798, có đoạn viết: “Xét rằng kiến thức điều khiển quốc gia đều gồm trong tam cương ngũ thường (…) trong khi đạo Hoa lang lại đầy mê tín, dối gạt dân chúng và đảo lộn trật tự xã hội” (dẫn theo Tạ Chí Đại Trường, sđd, tr. 309)

[20] Nhận xét tổng quát về cách trị dân của Tây Sơn, Tạ Chí Đại Trường viết: “Quân tướng Tây Sơn trong vai trò chủ động nắm vận mệnh của vùng đất họ chiếm cứ cũng tung hết khả năng trong một cố gắng cùng cực để biến đổi xã hội đang cuốn hút họ theo một khuynh hướng thoái trào. Những biện pháp mạnh mẽ đã tung ra để bảo đảm thi hành cải cách hầu như đều có kèm với sự phô trương quân lực. Triều đại Tây Sơn, do đó, có bản chất quân phiệt và chỉ có thể tồn tại bằng chế độ quân chính của họ thôi. Thực ra đám võ tướng cũng chứng tỏ được họ là những người kiểu mẫu của thời đại mới. Kiêu căng, quen dùng uy quyền đàn áp, họ khiến cho những người Anh đến thăm năm 1793 phải phàn nàn cho đời sống của người dân. Nhưng phái bộ Macartney cũng phải công bình mà nhận rằng bọn võ tướng ít hư hỏng hơn bọn quan văn. Thêm một chứng cớ rằng bên dưới sự thanh liêm tương đối của quân đội , có một tình trạng suy đồi xã hội mà những sức phản kháng tiềm tàng có thể lợi dụng được.

Những bọn võ tướng từng vào sanh ra tử vốn chỉ chịu phục tùng người chỉ huy của họ mà thôi. Nguyễn Huệ cùng trưởng thành với họ, với thiên tư, với tài năng, đã cai trị họ cũng như thần dân dưới quyền bằng sức mạnh của khiếp phục. Do uy quyền đó mà Nguyễn Huệ đã thi hành những cải cách có khi đụng chạm đến cả đời sống tinh thần của dân chúng như khi tiếp tục thi hành “phụng truyền” của Nguyễn Nhạc sai phá các chùa chỉ chừa mỗi tổng một ngôi mà thôi”. (Tạ Chí Đại Trường, sđd, tr. 275, 276)

 

 

.

bài đã đăng của Trần Hữu Thục

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)