Trang chính » Biên Khảo, Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 19, Nhận Định Email bài này

Một số suy nghĩ về truyện Chớp (Sau khi đọc những truyện chớp trên Da Màu)

Tôi có cái tật hay viết dài. Vì cho rằng viết dài thì sáng sủa hơn viết ngắn, có tính thuyết phục hơn. Cho nên thấy cái gì ngắn quá thì tôi cảm thấy thiêu thiếu. Có lẽ vì thế mà lúc đầu, thú thật tôi không mấy mặn mà với các truyện cực ngắn mà bây giờ được gọi một cách hình tượng là truyện chớp. Tôi cho đó chẳng qua chỉ là một thử nghiệm có tính cách “qua đường”, do sự bế tắc hay do lười biếng. Chỉ thỉnh thoảng đọc qua. Cho biết.

Tôi lầm.
1.
Truyện chớp, dịch từ tiếng Anh “Flash Fiction”, là một từ ngữ mới do James Thomas, Denise Thomas và Tom Hazuka sáng chế ra qua một tuyển tập truyện mang cùng tên. Do đặc điểm cực kỳ ngắn của nó so với truyện ngắn bình thường, nên nó còn được gọi thành nhiều tên: sudden fiction (truyện bất ngờ), postcard fiction (truyện bưu thiếp), micro fiction (vi truyện) skinny fiction…Ngoài ra, nó còn có tên pocket-size story, minute-long story, palm-sized story hay smoke-long story, vân vân.
Được xem là một thứ phó sản của truyện ngắn, đặc điểm nổi bật của nó là số chữ đuợc giới hạn. Nếu một truyện ngắn thông thường được ước tính khoảng từ 2000 từ cho đến 20 ngàn từ, thì truyện chớp phải dưới 2000 từ. Nói thì nói thế, nhưng như một cuộc chạy đua …xe đạp chậm, từ khi ra đời, chúng cứ thi đua ngắn dần, ngắn dần đưa đến chỗ chúng đuợc tính số chữ một cách chính xác. Chẳng hạn như truyện chớp “Drabble” đòi hỏi đúng 100 từ, kể cả tựa đề, “55-fiction” hay “nanofiction” là loại truyện chớp đòi hỏi 55 từ. Vẫn còn dài. Các truyện chớp trên website “Storybytes.com” còn ngắn hơn, ngắn đến chỗ không còn ngắn hơn được nữa[1]. Bao nhiêu từ là ngắn nhất? Hai từ! Sau đây là vài truyện “hai từ” của M. Stanley Bubien:
The Paradox of Humanity : “Jesus wept”.
The Last Temptation of Christ: “Save yourself!”
The Counterrevolutionary Saves a Nation :“Unite!”- “Why?”
Tựa đề dài hơn bản thân truyện. Tựa đề trở thành nội dung, thành “cốt truyện”. Không có tựa đề “The Paradox of Humanity” thì “Jesus wept” trở thành một câu thuần túy, cho ta một nghĩa nhưng không đưa ra một ý nghĩa nào.
Nếu không kể website này thì có lẽ một trong những truyện chớp ngắn nhất là của Ernest Hemingway: 6 từ
For sale. Baby shoes. Never worn.”[2]
Truyện chớp, xét về cả mặt hình thức và nội dung, không phải là một cái gì mới mẻ trong lãnh vực viết lách nói chung và văn chương nói riêng. Chúng đã có mặt ngay từ thời xa xưa, lúc mà số ngôn ngữ sử dụng đang còn giới hạn, qua các hình thức cổ tích, ngụ ngôn, truyện dân gian, truyền thuyết, giai thoại. Bên Trung Quốc, người ta có thể đọc được rất nhiều truyện thật ngắn còn ghi lại trong các sách như Án Tử Xuân Thu, Lã Thị Xuân Thu, Hàn Phi Tử, Tử Hoa Tử, Chiến Quốc Sách, chẳng hạn như “Đánh dấu tìm gươm”, “Ôm cây đợi thỏ”, “Mất búa”, “Cái mộc cái giáo”, “Đi trắng về đen”, “Tăng Sâm giết người” vân vân. Truyện thật ngắn còn được tìm thấy trong nhiều “công án” Thiền Tông hay những giai thoại về các nhân vật hay sự kiện lịch sử. Do tính cách ngắn của nó, truyện cực ngắn còn gần gũi với các câu chuyện cười thường thấy nhan nhãn trên các báo Việt Nam hay ở mục “Cười là một liều thuốc bổ” (Laughter, the Best Medicine) trong tạp chí phổ thông “Reader’s Digest”. Tất nhiên có những chuyện cười chỉ để… cười rồi thôi, nhưng không thiếu những truyện cười chứa đựng những tư tưởng sâu sắc, cứ đọng mãi trong tâm trí chúng ta. Những giải thích dài dòng không thuyết phục bằng một câu chuyện nhỏ.
Do giới hạn về số lượng từ, nên khi viết truyện chớp, người ta có sự dụng công về mặt từ ngữ y như làm thơ. Nhưng mặt khác, số từ ngữ giới hạn đó phải dựng nên chuyện. Trong các truyện chớp dài từ vài trăm đến một ngàn từ, thì ta còn có thể tung hoành ngang dọc được trong một khoảng không gian nào đó, dù còn rất hẹp. Nghĩa là, nhà văn còn có thể tạo một số yếu tố “thừa” cần thiết để thêm gia vị cho câu chuyện. Trong trường hợp số từ giới hạn dưới 100, thì quả thật chẳng khác gì làm thơ …Đường luật. Một từ bây giờ trở thành, nói hơi quá một chút, một giọt máu (!). Một từ phải cô đọng, không những của một cụm từ hay một câu, mà có khi cả một đoạn văn. Và một câu đôi khi cô đọng cả một câu chuyện. Và một câu truyện cô đọng cả nhiều và nhiều câu chuyện khác. Như thế, một trong những đặc điểm khác của truyện chớp là truyện không ngắn chút nào, thậm chí là truyện dài vì tính chất liên-câu, liên-văn-bản, liên-truyện của nó. Ồ, nghe rắc rối và nhiều khê quá nhỉ? Đó chỉ là cách nói theo “bài bản” của người phân tích lắm điều. Chứ thật ra đối với người sáng tác, thì là sáng tác. Miễn là nó ngắn, gọn và cô đọng và hay. Thế thôi!
Làm sao để viết một truyện chớp?
G.W. Thomas[3] nêu ra “bí quyết” gồm 7 bước: 1. Tìm một đề tài hay một ý tưởng đơn giản nào đó; 2. Không cần phải mở đầu dài dòng; 3. Bắt đầu ngay vào giữa câu chuyện; 4. Tập trung vào một hình ảnh mạnh nhất; 5. Để cho độc giả đoán mò; 6. Sử dụng những ẩn dụ hay những câu chuyện nổi tiếng mà ai cũng biết; 7. Kết luận thật bất ngờ.
Trong lúc đó, Jason Gurley[4] đưa ra một phương pháp đầy tính thực dụng: trước hết, cứ viết một truyện ngắn, dài bao nhiêu cũng được. Rồi sau đó, dùng một cây bút bỏ dần bỏ dần những từ, những câu và ý không cần thiết cho đến khi chỉ còn những câu và những từ tối cần thiết cho câu chuyện mà vẫn đầy đủ ý nghĩa.
Truyện thật ngắn mới xuất hiện có hơn một thập niên, truyện chớp cũng mới gần đây. Đối với văn học Việt Nam (trong và ngoài nước) thì loại truyện này thật sự chưa gây nên một phong trào đáng kể. Võ Phiến là nhà văn đầu tiên bàn về chuyện cực ngắn. Tiền Vệ là tạp chí mạng đầu tiên ở hải ngoại dành riêng hẳn một phần chuyên đề dành cho các truyện cực ngắn và một số bài lý luận về truyện cực ngắn. Da Màu là tạp chí mạng thứ hai chủ trương đưa truyện cực ngắn thành một phần chuyên đề và chính thức sử dụng cụm từ “truyện chớp” cho phần chuyên đề đó. [5]
Nếu truyện dài và truyện ngắn chứa đựng rất nhiều phần thừa, thì truyện chớp lại chứa đựng rất nhiều phần thiếu. Cái thừa thì dễ nhìn thấy, dễ tìm hay ít nhất ta cũng dễ cảm nhận được, vậy cái thiếu nằm ở đâu? Thiếu bao nhiêu thì gọi là đủ? Nên thiếu cái nào và không nên thiếu cái nào? Tìm cách trả lời những câu hỏi đó, chính là nghệ thuật viết truyện chớp. Nói một cách khác, phải tìm cách chừa những khoảng trống, phải để ngõ, phải mở. Do đó, phần thiếu đâm ra vô định. Mặt khác, do cần khoảng trống, các chi tiết rườm rà bị tước bỏ dần đến độ mất hết đặc tính của hiện thực và trong một vài truyện, chúng hoàn toàn biến mất hoặc đóng vai trò của những ẩn dụ. Thành thử, viết truyện chớp, người ta có được cái thoải mái là ít dính líu đến thế giới hiện thực và luận lý thường có tính áp đặt khi viết truyện ngắn hay truyện dài. Nhưng coi chừng, nói như Đặng Thơ Thơ[6], tuớc bỏ quá có lúc chẳng khác gì người ta lóc thịt cá, lóc chăm chỉ và cẩn thận đến nỗi cuối cùng, chỉ còn bộ xương!
Trước khi đi sâu vào những truyện chớp vừa mới sáng tác, xin đọc thử vài truyện chớp “ngoài luồng”. Trước hết là hai truyện được sáng tác cách đây chừng vài ngàn năm:

Truyện 1: “Nước Tống có kẻ mất cái áo thâm . Anh ta ra đường tìm. Thấy người đàn bà mặc áo thâm, níu lại đòi rằng:”Tôi vừa mất cái áo thâm, chị phải đền trả tôi cái này”. Rồi cứ giữ chặt cái áo không buông ra nữa. Người đàn bà cãi:”Ông mất áo thâm, tôi biết đấy là đâu? Áo tôi mặc đây là áo của tôi, chính tôi may ra”. Anh kia nói:”Chị cứ phải đền trả áo cho tôi. Cái áo thâm tôi mất dầy, cái áo thâm chị mặc mỏng . Lấy áo thâm mỏng của chị đền áo thâm dầy cho tôi, còn phải nói gì lôi thôi nữa !” (Lợi mê lòng người)

Truyện 2: “Có người đánh mất cái búa, ngờ cho đứa con nhà láng giềng lấy trộm. Anh ta trông dáng nó đi, rõ ra đứa ăn trộm búa, nhìn vẻ mặt nó, rõ ra đứa ăn trộm búa, thấy nó cất nhắc, hành động không một tí gì là không rõ ra một đứa ăn trộm búa cả. Được một lúc, người ấy bới trong hố, lại thấy cái búa . Thì hôm sau, trông đứa con nhà láng giềng ngôn ngữ cử chỉ không một tí gì giống đứa ăn trộm búa nữa” (Mất búa).
Hay quá đi chứ! Hiện đại quá đi chứ! Rõ ràng không phải là các tác giả không thể viết dài hơn. Nếu viết dài hơn, không những làm rườm rà thêm lại không chắc gì hay bằng mấy giòng ngắn ngủi như thế. Chúng vừa đủ. Những gì cần nói, đã nói hết. Cái gì chưa nói thì đã có độc giả tự nói giùm. Đó là những truyện trong “Cổ học tinh hoa” mà tôi đã đọc từ hồi còn rất nhỏ. Chúng đeo đẳng mãi trong tôi tới bây giờ, không rứt ra được. Mãi về sau, tôi mới ngộ ra rằng chúng “đứng” lâu trong tôi là vì chúng ngắn, ngắn quá khiến tôi thấy thiêu thiếu y như khi ta ăn một món ăn gì khoái khẩu, nhưng chưa đã miệng, thì nó hết mất, nên cứ thèm thèm!
Sau đây là một truyện chớp thời nay:

Một bà lên tiếng trong rạp hát:
– Tôi không hiểu tại sao giữa chúng ta lại có một ghế trống thế này nhỉ, như là chẳng có ai dám ngồi vậy!
Bà kia đáp lại với vẻ mặt buồn bã:
– Đấy là chỗ của chồng tôi đấy bà ạ. Chúng tôi đã giữ chỗ trước khi ông ấy chết!
– Sao bà không mời người thân hoặc bạn bè ngồi vào đó?
– Làm sao được. Bà góa thở dài. Họ còn đang bận đi dự đám tang của ông ấy!
(Góa phụ)
Truyện này được nhặt đâu đó trong nguyệt san Reader’s Digest, mục truyện cười. Nhưng rõ ràng nó không chỉ là truyện cười!
2.
Bây giờ, xin đề cập đến những truyện chớp trên Da Màu. Tính cho đến nay (5/2/07), Da màu đã đưa lên 8 kỳ tập hợp truyện chớp, với 84 truyện của trên 30 tác giả, có tác giả đã nổi tiếng với truyện chớp ở Tiền Vệ như Đinh Linh, nhiều tác giả quen thuộc với văn đàn hải ngoại như Trần Mộng Tú, Nguyễn Viện, Đặng Thơ Thơ, Trần Doãn Nho, Thường Quán, Phùng Nguyễn… cùng nhiều khuôn mặt khá mới như Đỗ Lê Anh Đào, Lưu Diệu Vân… và mới toanh đối với tôi như Lê An Thế.
Đã gọi là cực ngắn mà còn nói đến độ dài thì e hơi chướng. Nhưng không hiểu sao, tôi lại tò mò, nên có “word count” cài sẵn trong Microsoft Word, tôi xem qua các tác giả viết dài ngắn ra sao. Truyện dài nhất là “Ánh mắt đại gia” của Nguyễn Hoài Phương, dài 1417 từ, kế đó là “Cụ Q”, cũng của Nguyễn Hoài Phương dài 1344 từ và “Thôi ăn mày” của Nguyễn Hoàng, 1238 từ. Ngắn nhất là “Sau cái chết của thi sĩ Diễm Châu 7 ngày” của Lê An Thế, chỉ có… 6 từ. Dài hơn một chút là “Lý Do Thượng Đế Gia Nhập Đảng Dân Chủ” của Đỗ Lê Anh Đào, 16 từ, kế đó là “Ký ức” của Cổ Ngư, 28 từ. Dài hơn nữa nhưng không quá 100 từ, ta có “Nửa quả táo” của Nguyên Nhu, 97 từ và “Người, Nai và ánh sáng” của Đặng Phú Phong, 52 từ và “Tha thứ” cũng của Đặng Phú Phong, 58 từ.
Các truyện của Nguyễn Hoài Phương đều dài, dài hơn hẳn các tác giả khác. Đặng Thơ Thơ khá dài (từ dưới 500 đến dưới 1000), Thường Quán cũng khá dài (từ dưới 300 đến dưới 700). Trần Mộng Tú, Trần Doãn Nho… thì tầm tầm trong tất cả các truyện y như thể họ cho như thế là vừa đủ. Lưu Diệu Vân ngắn hơn, từ 100–300 từ. Đặng Phú Phong dài ngắn không đều, xê dịch từ dưới 100 cho đến dưới 500 từ. Đỗ Lê Anh Đào và Cổ Ngư có hơi bất thường. Đỗ Lê Anh Đào đang trung bình 400-600 thì có truyện chỉ còn… 16 từ. Cổ Ngư cũng thế, đang trung bình 300-400 thì “Ký ức” chỉ còn… 28 từ. Phùng Nguyễn cũng bất thường, có truyện dài đến trên 1200, lại có truyện chỉ có trên 100.
Dài, ngắn ở đây là cá tính hay xuất phát từ một quan niệm? Dựa theo cách viết và nội dung, tôi độ chừng Nguyễn Hoài Phương chọn viết dài như thế, Lưu Diệu Vân chọn viết ngăn ngắn như thế, Trần Mộng Tú, Trần Doãn Nho, Thường Quán, Đặng Thơ Thơ chấp nhận độ dài mà họ đã chọn, Đặng Phú Phong thì tùy theo nội dung câu chuyện mà thu vén bớt hay nới thêm ra. Nhiều tác giả khác, vì chỉ mới viết có một hay hai truyện nên tôi không rõ xu hướng. Nói chung, tôi ghi nhận: hơn 2/3 tổng số truyện là từ 100 từ đến 500 từ. Phải chăng độ dài này là độ dài phải chăng mà các tác giả chọn để viết truyện cực ngắn trên Da Mầu, vừa vẫn có đủ “không gian” để múa bút vừa không đến nỗi đi quá xa, không chừng trở thành truyện ngắn mất?
Đọc tất cả các truyện, ta sẽ thấy, dường như tác giả nào cũng nắm vững cách viết truyện…không dài, dù tôi biết là có rất nhiều tác giả lần đầu tiên viết truyện cực ngắn. Tác giả nào cũng có cách riêng của mình, tìm cách thu vén, tém tủm sự kiện và ngôn từ sao cho chúng không dài mà vẫn đủ (tất nhiên đủ theo chủ đích mà tác giả muốn). Dường như ai đã từng có tay nghề làm thơ thì cách viết có vẻ chủ động hơn. Phải chăng vì họ quen kiệm lời, vốn không ưa dài dòng, buông thả và giải thích quanh co? Nói chuyện điêu luyện thì e hơi quá sớm, nhưng phải thành thật nhìn nhận một số truyện có văn phong, cốt truyện và ý tưởng cô đúc lại một cách khá lạ, gây nên một chút ngạc nhiên thích thú: “Đêm Giáng Sinh” của Lưu Diệu Vân, “Quang Phổ” của Phùng Nguyễn, “Những từ chính” của Đinh Linh, “Con gấu” của Trần Mộng Tú hay “Nửa trái táo” của Nguyên Nhu. “El Cordobés” của Thường Quán và “Phượng” của Kinh Dương Vương hay “Giấc mơ thầm kín của Bill Gates” (Lê Thị Thấm Vân) cũng cho tôi một cảm giác như thế.
Nhiều truyện phá cách đến độ các đặc tính “truyền thống” của truyện biến mất: không cốt truyện, không nhân vật, không biến cố… “Cách nhìn cuộc đời” của Nguyễn Tuyết Trinh chẳng hạn. “Cuộc đời có một lỗ hỗng, để chúng ta bất chợt bước vào thế giới tạp sắc, đã được dọn sẵn, Ở đó, chúng ta bị đưa đẩy, dẫn dắt theo luật tắc trôi chảy cùng dòng nước lũ lịch sử. Cuộc đời nơi chúng ta gặp gỡ nhau, chung đụng, có tình yêu cặp kè cùng hận thù, có bệnh tật, tuổi già, bắt tay với đau khổ, đố kỵ tạp nham, tạp nham của mọi thời đại, có đam mê dốc cạn tiềm lực bất cần, tắc cẩn để biến dạng khuôn mặt buồn chán, bi đát của cuộc đời, không biểu đồng tình với thể chất mảnh mai của hạnh phúc. Để rồi chúng ta buông xuôi, biến mất đột ngột ra khỏi cuộc đời như lần đầu chúng ta đã đến. Phải có ai đó, bằng cách nào phong kín lỗ hỗng bí hiểm của cuộc đời.” Một phi truyện.
Trong lúc đó, “Ký ức” của Cổ Ngư ngắn, rất ngắn nhưng vẫn là truyện:

Nàng có rãnh tình rất sâu.
Sau nhiều năm không gặp, anh chỉ còn nhớ được điều ấy mỗi khi nhìn thấy một người đàn bà khác cười.
“Truyện” có 2 nhân vật: anh và nàng. Có mở đầu, có kết thúc. Còn cốt truyện thì là một khoảng trống. Đó là một không gian mở, để ta có thể thêm vào phần thiếu.
Truyện của Lê An Thế ngắn nhất:
Đêm nằm, tôi vẫn hỏi
AI?
Đúng 6 từ, ngắn bằng truyện của Hemingway tôi nêu ở trên. Tuy nhiên, cái tựa đề lại dài, dài hơn bản thân truyện: “SAU CÁI CHẾT CỦA THI SĨ DIỄM CHÂU 7 NGÀY”. Mười từ. Cũng như mấy truyện “hai từ” đề cập ở trên, tựa đề có thể xem là thành phần và là thành phần chính của truyện. Nếu cắt đi tựa đề, truyện sẽ mất “đất đứng”. Trong những “truyện” như thế này, sức nặng nằm ở con chữ, ở đây là chữ “AI”. Ai? Một câu hỏi hay một tiếng than muôn thuở kiếp người?
Tựa đề là một thành phần của truyện còn tìm thấy ở Đỗ Lê Anh Đào: Lý Do Thượng Đế Gia Nhập Đảng Dân Chủ/tại vì ma quỷ từ chối tài trợ cho cuộc vận động bầu cử của ông. Truyện hay phi truyện?
Nội dung truyện và văn phong cũng như tính cách của các truyện chớp nói chung, khá đa dạng. Về tác giả nói chung, Đặng Thơ Thơ bám sát thời sự để đi đến các khái niệm, Nguyễn Hoài Phương nhẩn nha với những sự kiện đời sống vụn vặt hàng ngày, Thường Quán và Lưu Diệu Vân quan tâm đến kỹ thuật diễn đạt và cấu trúc ngôn ngữ, trong lúc Phùng Nguyễn thích lối viết phân tích và lý giải hiện thực, Trần Mộng Tú thì cố tạo ra cảm giác phân vân bằng thủ pháp hư hư thực thực, Nguyễn Viện thì trừu tượng, bí hiểm, còn Đỗ Lê Anh Đào thì tinh nghịch, tươi tắn và nhiễm tinh thần nữ quyền… Về tác phẩm, “Kéo” (Trần Doãn Nho) là một truyện cổ tích viết lại, “Lạy trời mưa xuống” (Đặng Phú Phong) khai thác khúc đồng dao, trong lúc “Nhân đọc Du & Kiều” (Thu Giang) có không khí liêu trai, “Linh hồn con đường”(Kinh Dương Vương) phảng phất chất thiền, “Con thạch sùng” (Nguyễn Tường Thiết) chứa đựng tính trớ trêu trong khi “Những con chuột” (Đỗ Lê Anh Đào) mang tính ngụ ngôn. Nhiều truyện đầy tính cách giễu nhại, châm biếm, châm biếm chính trị như “Bush” (Trần Doãn Nho), “Flash ở Nội Bài” (Đỗ Kh), “Những từ chính” (Đinh Linh), châm biến thế sự như “Giấc mơ thầm kín của Bill Gates” (Lê Thị Thấm Vân) hay “Cụ” (Trần Doãn Nho). Nhiều truyện có những kết thúc khá bất ngờ như “Van heo” (Trịnh Thanh Thủy), “Chỗ” (Mạch Nha), “Hạnh phúc” (Cổ Ngư).
Lấy tiêu chuẩn, thước đo nào để xác định hay, dở của một thể loại mà chính mình đang tìm hiểu và trong vài lúc cao hứng, mày mò viết thử? Hãy còn quá sớm. Vả lại, vội vàng gì chuyện văn chương! Một thể loại mới ra đời cần thời gian để phát triển và chuyển hóa. Sau đây là những nhận định “chớp” về một số tác giả và tác phẩm của họ[7]:
Lưu Diệu Vân là một cây bút trẻ năng động trên Da Màu, vừa làm thơ, dịch thuật vừa phỏng vấn và viết truyện chớp. Cô có lối viết mượt mà nhưng chắc, chữ và ý chọn lọc kỹ lưỡng, pha trộn giữa chất thơ và tính nghịch lý triết học. Trong 8 truyện ngắn của cô, truyện ngắn cũng ngắn vừa đủ để vẫn là truyện, không biến thành một châm ngôn hay một nhân sinh quan, vũ trụ quan nào đó. Tôi khoái những kết thúc khá bất ngờ của Lưu Diệu Vân. “Đêm Giáng Sinh” có một cấu trúc mới mẻ. “…Cô nằm nghiêng trên tấm thảm với cốc chocolate trước mặt. Anh trầm tĩnh nơi ghế sofa với ly rượu vang trong tay. Cô ôm chặt cuốn sách vào lồng ngực và nhắm mắt. Anh hôn lên đôi má thơm mùi sữa trẻ nhỏ. Cô nhấc ống điện thoại. Anh nhẹ nhàng bấm số. Âm thanh dội lại những tín hiệu bận bịu. Cô thở dài gác máy. Anh tiếc nuối buông dây. Họ cùng thì thầm lời chúc giáng sinh an lành cho nhau. Lúc ấy, đồng hồ điểm đúng mười hai giờ. Anh ở New York và cô ở Melbourne.”
Truyện của Trần Mộng Tú thường chơi vơi giữa ảo và thực. Chất thơ phảng phất đây đó trên từng chi tiết truyện, có lẽ được mang từ vô số những bài thơ rất mực trữ tình của chị. Câu chuyện về hai vợ chồng mù trong “Tiếng nhạc” dựng nên một khung cảnh rất thơ. Riêng “Con gấu” thì giản dị nhưng chứa đựng một hình ảnh khá lạ, đượm chất erotic. Chị có một con gấu bông đã quá cũ vì chị ôm nằm ngủ cả mấy chục năm trời. “…Một hôm người đàn ông đó ghé qua thành phố, chỉ kịp uống chung một tuần trà, rồi đi. Con gấu của tôi bắt đầu trở chứng, nó vươn vai thành người đàn ông, hai mắt nó biết nhìn tôi trong giấc ngủ, hai tai nó biết nghe thơ. Tôi đọc cho nó nghe những câu thơ mới. Những câu thơ lơ mơ về tình yêu. Nó không cũ nữa và tôi bỗng mới.”

Cái “không cũ” và bỗng mới” của “Con gấu” nhắc tôi đến một bài thơ ngắn của chị, “Phu thê”:


Thân thể em/soi gương đã cũ
trái đất ôm/mấy chục vòng quay
Sao
vuốt ve anh/mỗi ngày một mới
có phải/ mỗi ngày/ anh đổi một/ bàn tay.
Nguyễn Phước Nguyên với “Căn cước của Tim” là một pha trộn ngoài quy luật, xóa nhòa ranh giới giữa thơ và truyện.

8.
là lặng im?
im lặng nào dội bưng, khi mặt-đất-buồn địa chấn?
9.
là khoảnh khắc?
khoảnh khắc nào trường miên, khi ngày tháng tàn phai?
10.
là thiên thu?
thiên thu nào sát na, trong chớp mắt nguồn cơn?
Căn Cước Của Tim
sinh: Ngày-Biết-Buồn-Vui
quê quán: làng Yêu Thương, tỉnh Ganh Ghét, nước Nhân Gian
màu: đen & đỏ
kích thước: dài-vô-hạn & ngắn-cực-kỳ
dị dạng: (không có)
dị tính: quảng đại & ích kỷ, có khi cùng một lúc
Đặng Phú Phong viết 7 truyện với 7 bút pháp và nội dung cũng như ý nghĩa hoàn toàn khác nhau với các kết thúc khá bất ngờ. “Trả thù” viết về chuyện ngoại tình của một bà vợ. “…Hắn không hề đá động gì đến vợ, chờ hai người mặc xong quần áo, nói với tình địch:
– Anh có tiền không ?
– Dạ có.
– Bao nhiêu?
– Hai chục.
– Ký tên, đưa đây rồi đi về đi.
Hắn lấy tờ hai chục có chữ ký ấy đem đi bọc nhựa rồi để dựng đứng tờ bạc trong một tủ kính, đặt ngay chính giữa phòng khách. Họ hàng, láng giềng, bạn bè đến chơi, hắn cứ chỉ vào tờ bạc, nói rằng đó là công lao động của vợ hắn. Ba tháng sau vợ hắn tự tử. (Trả thù)
Thường Quán có một văn phong khác lạ, kết cấu tân kỳ. Đọc truyện anh rất mệt nhưng lối viết gây cảm giác. “Buổi sáng muộn, đường Gertrude vắng, hoa soan ra tím ngan ngát; tôi hít vào vài ngực không khí loãng, hơi chếnh choáng” (Đường Gertrude). Nghi thức cuối mẹ Irene Tuyết có thể làm cho đứa con có thể thu gọn đuợc trong một chữ, nhưng tôi tìm hoài không ra; nó chạy trốn vào sau chiếc cửa dày cui làm bằng gỗ gum đỏ đập ba búa cũng hoài công. Nó bỏ ra sau vườn khúc sông cạn lững thững xoải vài tay bơi là vào cập mạn phố chợ Footscray chưa ai soạn ca dao” (Rồng). “Rồng” mới đọc trông ngổn ngang, rối rắm y như chuyện nọ xọ chuyện kia thực ra được cấu trúc như một liên truyện, liên ý đòi hỏi sự vận dụng trí tưởng tượng và kiến thức”. “El Cordobés” cho ta một cách diễn đạt khá lạ về bi kịch trận đấu bò của một matador nổi tiếng ở Tây Ban Nha. Nói chung, truyện của Thường Quán đòi hỏi sự cộng tác của người đọc. Muốn thưởng thức, không thể đọc một cách lười biếng.
Đặng Thơ Thơ, bằng những hình ảnh và ý tưởng cô đọng, gợi lại không khí của “bi kịch Hy Lạp” (Greek tragedy). Truyện của cô đầy tính thời sự mà lại phi-thời sự. Hiểu gần thì có vẻ như chúng báng bổ đức tin, bêu riếu hiện thực nhưng hiểu xa thì hoàn toàn khác. Có Osama bin Laden, có vụ án đầu độc một cựu điệp viên Nga ở Anh, có đồng tính luyến ái… nhưng lại không liên hệ gì lắm với thứ hiện thực bèo nhèo đây đó mà chan chứa nỗi bất an về kiếp người muôn thuở, một nỗi bất an siêu hình thoát thai từ sự chênh vênh giữa ngẫu nhiên và tất định, giữa thiện và ác, tội lỗi và hình phạt, cứu chuộc và thụ hình, giữa lý tính và cảm tính. “Tảng đá giữa họ bắt đầu cựa mình, trượt dài và đẩy họ theo hai chiều đối nghịch, chính giữa là một vực sâu hút. Vực sâu tan lỏng thành biển. Biển mang những đặc tính của vô vọng và bất khả. Giữa hai vách nước thăm thẳm, hai kẻ thù ngồi câm lặng bên bờ. Họ không biết bơi và mọi cố gắng gần nhau chỉ là tự sát” (Điều xảy ra sau khi Chúa chết).
Phùng Nguyễn, qua “Văn sĩ ngại ngần”, dùng cách diễn tả từa tựa như “dòng ý thức” (stream of consciousness) không chấm câu, giải thích “hiện tượng nhà văn”, nghĩa là những động lực khiến một ai đó bỗng trở thành một tay viết lách. “…lạ lùng thay trong cùng một lúc cho ông có được nỗi bình yên về những điều đã viết xuống bởi vì đó là cảm xúc hoặc đến từ cảm xúc, và chính là lời nói của người bạn đã kéo ông trở lại với chiếc bàn giấy bụi bặm, ở đó những trang giấy lại được trải ra và cảm xúc lại có dịp chảy xuống giữa những hàng kẽ thẳng băng màu xanh nhạt, nhảy múa, ca hát, than thở, khóc lóc như những bóng ma trong veo của thời niên thiếu, những bóng ma xanh xao của tháng năm bệ rạc ở quê nhà, những bóng ma xám xịt của nửa đời lưu lạc, những cảm xúc sẽ đến cho những điều đã qua và sắp tới, có khi chỉ vì một điều xem chừng rất bình thường như câu hỏi người đàn bà bản xứ vừa mới đặt ra cách đây vài giây, what do you do for a living, cùng với nụ cười thật tươi và ánh mắt dịu dàng, câu hỏi làm ông bối rối không duyên cớ nhưng đồng thời không thể làm ngơ, cho nên cuối cùng ông trả lời I’m a writer, một cách ngại ngần.”
Trang Thanh Trúc cho ta cái không khí mênh mang của tùy bút. Tác giả lan man từ chuyện nọ đến chuyện kia. Lơ lửng. Trôi tuột. Như ánh chớp, thoắt cái đến, thoắt cái đi. Những ngẫu khúc. Những bắt gặp mỏng manh. Dường như không có cái gì dính kết với cái gì. Đọc lên nghe buồn ngai ngái. “Nỗi buồn mở ngoặc đón cánh bướm đen mỏng mảnh, chấm đốm trắng trở về. Nỗi buồn có nhớ ra chỗ đậu quen thuộc xưa? Hay là lần này bay ngang, rồi sẽ bay đi luôn”(…). “Thiệt tình lâu quá rồi đó không còn nhớ mỗi khi nói chuyện trên Yahoo Messenger là phải gắn cái gì vào máy, và phải mở cái nút gì cho cả hai bên đều có thể vừa nghe lời thì thầm, vừa ngắm nhìn được nhau. Ngày xưa, thú vị phải biết. Bây giờ ngồi trước máy vi tính, mắt liếc nhìn cái webcam mà lòng phân vân quá đỗi” (Lá sen màu cốm). Một đoạn khác: “Tình yêu phải lúc nắng lúc mưa như tình dục phải thế này thế nọ. Vắng một trong những điều này không khác gì ly chè thiếu đường (…) Métro dừng lại ở trạm Bercy anh bước xuống đổi tuyến đường số 14. Mùa thu trên con phố Saint-Emilion chở theo đầy gió” (Bảy nốt trên khuôn nhạc).
 
Thu Giang mang vào không khí liêu trai với “Nhân đọc Du & Kiều.” “…Bà đi tắm, thay quần áo tề chỉnh rồi ra đứng giữa trời, thắp ba nén nhang, khấn cụ Tiên Điền, xin tha tội cho hậu sinh của cụ vừa thèm muốn Thúy Kiều, vừa ức tình với cha đẻ ra nhân vật tài danh này nên đã trót dại mang cân đai thủ dâm với cô, đâu biết rằng cả hai chỉ là một.
 
Nguyên Nhu với “Nửa quả táo” là một truyện chớp khá điển hình. Ngắn, gọn, giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Hiện thực đan xen thần thoại. Truyện kèm thêm một tấm hình, trông rất ý vị. “Tôi tìm thấy một nửa quả táo. Một nửa quả táo mọng. Chắc hẳn đó là nửa quả táo mà Eva đã đưa cho Adam ăn trong cái thuở tạo thiên lập địa. Tôi mang nửa ấy từ chợ đời về nhà. Đã có sẵn một nửa khác. Ráp lại thành một quả, không hơn không kém. Vừa khít, đúng với điều tôi dự đoán. Hai mươi năm sau. Nửa quả táo đã nhăn nheo vỏ. Con gián thời gian gặm mất một phần nạc thơm tho. Hai nửa xộc xệch. Đâu rồi một nửa của tôi?”
 
Kinh Dương Vương nổi bật với phần đối thoại ngắn, gọn lồng trong một “sự cố” khá ấn tượng.
 
Phượng vừa cắn hạt dưa vừa nghiêng đầu, hiếng mắt nhìn Nguyễn, cười cười:
“Lấy tim em ra mà xem, nhá?”
Nguyễn vớ lấy con dao trong đĩa trái cây.
“Thật không?”
Nàng cười:
“Thật.”
Phượng kêu lên thất thanh. Lưỡi dao cắm sâu vào tim. Máu loang đẫm làn ngực thanh tân.
Nàng ngã vào lòng Nguyễn, thì thào:
“Anh… biết… Phượng… yêu anh mà. Phượng… yêu… anh…”
Đặc điểm chung của tất cả truyện chớp Da Màu, dù cực ngắn, ngăn ngắn, ngắn vừa hay ngắn…dài, nói theo kiểu huề vốn, là ngắn (dưới 1500 từ theo định nghĩa tương đối chung nhất về truyện cực ngắn). Còn cách viết, cách diễn đạt, cấu trúc, nội dung và ý nghĩa thì mỗi tác giả tự sáng tạo riêng cho mình một phong cách riêng, hầu như không ai giống ai và dường như không theo hẳn một quy luật nào nhất định. Người ta đi từ truyện đến phi truyện, từ thực đến hư, soi rọi ánh chớp từ những ngóc ngách vụn vặt vô nghĩa của mảnh đời cho đến những biến cố lớn lao ảnh hưởng đến số phận của cả lịch sử nhân loại.
Nếu trong truyện ngắn, tác giả ít nhiều lệ thuộc vào hiện thực, lệ thuộc vào sự hợp lý, trong truyện chớp, tác giả được tự do pha trộn hư thực, tự do… thoát ra khỏi mối ràng buộc về luận lý. Con gấu của Trần Mộng Tú có thể “vươn vai thành người đàn ông” biết nghe thơ, ông Bill Gates của Lê Thị Thấm Vân đọc được nhật ký Đặng Thùy Trâm, hai người tình của Đặng Thơ Thơ có thể “chơi trò xác suất” bằng cách “rủ nhau cùng nằm và lăn mình từ trên đỉnh (núi) xuống”, hay một nhân vật nữ của Trịnh Thanh Thủy “động tim và qua đời” thì “người ta tìm thấy trong âm đạo cô gái một trái thông non còn xanh mướt,” chẳng hạn. Tóm lại, truyện chớp chứa đựng hiện thực nhưng không nhằm phản ảnh hiện thực, không bị ràng buộc vào hiện thực. Nó đi vào thế giới của ý niệm và biểu tượng. Do đó, mà dường như chính cái giới hạn của truyện chớp lại mở ra một chân trời không-giới-hạn. Truyện thường dành nhiều không gian trống cho độc giả tự lấp đầy vào và đồng thời không khỏi làm nảy sinh nhiều câu hỏi. Đó là điều mới mẻ đối với tác giả cũng như độc giả.
3.
Dù sao, truyện chớp là một hình thức văn chương còn non trẻ nhất là đối với văn học Việt Nam và vẫn đang trong thời kỳ thử nghiệm. Cũng như hình thức truyện ngắn bắt đầu phát triển mạnh mẽ khi có các tạp chí văn chương, phải chăng Internet sẽ là một môi trường vô cùng thuận tiện cho sự nổ bùng của truyện chớp trên các tạp chí văn chương mạng như là một nhu cầu mới trong thời đại mới? Nói như Pamelyn Casto, “Truyện chớp có vẻ như đặc biệt thích hợp trong hình thức xuất bản trên internet. Ngoài những đề tài hấp dẫn, kích thước của thể truyện này cũng rất thích hợp để đọc trên màn ảnh computer. Và tầm phổ biến toàn cầu của trang web cũng làm cho các tài liệu lưu hành trên thế giới dễ được tiếp cận hơn bao giờ hết. Cuộc hôn lễ giữa truyện chớp và internet dường như có tất cả các điều kiện cần thiết cho một sự hoà hợp hạnh phúc và thịnh vượng[8].
Có đáng lạc quan như vậy không hay nó chỉ xuất hiện một giai đoạn rồi biến mất? Ai mà biết trước.
Hề gì! Hãy cứ ung dung bước vào vùng đất mới. Chính các tác phẩm – chứ không phải các lý thuyết tiền chế – sẽ cho ta biết chúng là gì và nên nhìn chúng như thế nào. Dẫu vậy, với bước khởi đầu như hiện nay trên Tiền Vệ và Da Màu, hy vọng chúng sẽ mang lại cho những người yêu văn chương một cảm quan thẩm mỹ mới.
Biết đâu…

Trần Hữu Thục
(Giáp Tết Đinh Hợi – 2/2007)

[1] Very Short Stories – Lengths of Power of two. Quy định của website này về độ dài truyện cực ngắn là từ “2 từ đến 2048 từ” tăng theo lũy thừa của số 2. Nếu chọn 2 lũy thừa 1 thì độ dài là 2 từ, 2 lũy thừa 2 là 4 từ, 2 lũy thừa 3 là 8 từ, lũy thừa 4 là 16 từ, vân vân
[2] Truyện này được nhiều website bàn về truyện cực ngắn quy cho nhà văn Hemingway, nhưng không có nơi nào đưa ra xuất xứ rõ ràng
[3] http://www.fictionfactor.com/guests/flashfiction.html
[4] http://www.writing-world.com/fiction/flash.shtml
[5] Cụm từ “truyện chớp” do Tú Ân dịch từ chữ “Flash Fiction” trên Tiền Vệ. Xem ở:
http://www.tienve.org/home/activities/viewTopics.do?action=viewArtwork&artworkId=1023
[6] Trong một lần trao đổi qua email về truyện chớp
[7] Bài viết này không có mục đích phân tích truyện chớp của tất cả các tác giả. Những tác giả và một số truyện nêu ở đây chỉ có tính cách tình cờ.

bài đã đăng của Trần Hữu Thục

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)