Trang chính » Biên Khảo, Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 18, Tham luận Email bài này

Chính sự hiện diện là thành tựu

(Lời tác giả: Bài này là tổng hợp của những ý kiến nảy sinh ra trong lúc ứng khẩu và những ghi chú (notes) viết sẵn nhưng do giới hạn về thời gian nên được tóm tắt hoặc bỏ qua khi phát biểu trong buổi hội thảo)

Dùng hai chữ “thành tựu” khi nói đến Văn Học Hải Ngoại (VHHN) có lẽ hơi lớn lối.
Tuy nhiên, tôi cho là không có gì sai. Tôi nghĩ đến hai chữ này một cách đơn giản: thành tựu là những gì ta đã đạt được qua một quá trình thời gian dài. Trong bài đề dẫn, Nguyễn Hưng Quốc (NHQ) đã trình bày khá rõ và tôi không có gì thắc mắc. Về những gợi ý của NHQ về tác giả, tác phẩm, tính thẩm mỹ…trong VHHN thì quá chi li, đòi hỏi tài liệu, thời gian đọc, suy gẫm và phân tích cẩn thận. Ở đây, tôi chỉ xin trình bày thêm một số suy nghĩ riêng về chuyện “thành tựu”. NHQ có nói rõ: thành tựu ở đây là thành tựu so với trong nước. Tôi đồng ý và nhìn thấy sự thành tựu qua một vài điểm khác.
1. Sự hiện diện của một nền văn học:
Sau 1975, khi tất tả rời bỏ đất nước, ai cũng chỉ có một mong ước duy nhất: sống còn. Và thế cũng là quá khó khăn rồi, nói gì đến việc hình thành một nền văn học, vừa hoàn toàn thiếu thực tế vừa nằm ngoài khả năng. Cả một chế độ miền Nam, quân là thế tướng là thế dân là thế mà còn không giữ nổi thì một đám người lưu lạc xứ người làm sao mà làm được một cái gì. Không ai từng mơ ước, hình dung hay chọn lựa một cái gì gọi là văn học. Thế mà rồi “nó” đã hình thành, đã hiện diện. Không những hình thành, hiện diện mà “nó” còn (có lúc) phát triển để chúng ta có quyền nói đến tiềm năng, triển vọng hay cả những bế tắc của nó thì tự điều đó quả đáng cho ta …gọi là thành tựu. Nhìn lại một chặng đường đã qua, chắc ta không thể ngờ là có thể có một “nền” văn học như thế. Nhà nước Cộng Sản Việt Nam lại càng không thể ngờ và ước tính nó tồn tại và tồn tại dai dẳng như thế. Mười ba năm trước, khi được ra định cư ở đây, thú thật, tôi ngỡ ngàng và sung sướng nhìn thấy – không những chỉ là những sinh hoạt văn học – mà thực sự một “nền” văn học đã hình thành tự bao giờ để tôi hưởng thụ và rồi đóng góp. Mọi người có thơ, văn để đọc, có báo để viết để sáng tác, rồi lại để tranh cãi, để thí nghiệm những cách tân và giới thiệu các trào lưu văn học thế giới, vân vân và vân vân. Có lúc VHHN là một môi trường thuận tiện để cho tác phẩm “có vấn đề” của một số nhà văn trong nước xuất hiện. Ngay cả hiện nay, nếu gạt bỏ đi thái độ kẻ cả, ngạo mạn của một số thành phần nào đó trong hàng ngũ viết lách trong nước, thì VNHN vẫn còn là cánh cửa mở, là lối ra nếu không muốn nói là lối thoát cho bản thân nền văn học trong nước.
Đó là một “nền” văn học đa dạng với nhiều xu hướng khác nhau qua các tạp chí in hay tạp chí mạng như Tiền Vệ, Da Màu, Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Gió Văn, Phố Văn, Khởi Hành, Thế Kỷ 21, Gió O, Tân Hình Thức, Ăn Mày Văn Chương…Có những cây bút cũ, có những cây bút mới, hoàn toàn mới, xuất hiện từ những điều kiện không mấy bình thường tại hải ngoại. Cứ vào website Tiền Vệ hay một website mới toanh do một nhóm các bạn trẻ (hơn thế hệ chúng tôi) là Da Màu hay tạp chí Hợp Lưu, Văn, Văn Học là ta thấy ngay. Nhiều sáng tác mới, nhiều tác giả mới với một không khí sôi nổi, rộn ràng hiếm thấy. Ngoài những cây bút “già” quen thuộc, chúng lôi kéo không những những cây bút trẻ ở hải ngoại mà còn cả những cây bút trẻ trong nước tham gia.
Bên cạnh đó, cũng phải kể thêm nhiều tạp chí khác như Nguồn, Giao Mùa, Hồn Quê, Giao Cảm vân vân, chúng góp phần tạo ra một không khí văn chương chung cho hải ngoại.
2. Biến một môi trường phi-văn-học thành môi trường văn học:
Hoàn cảnh tỵ nạn và lưu vong, như chúng ta biết, xét về bất cứ phương diện nào, là một hoàn cảnh phi văn học, từ nhân lực, vật lực, ngôn ngữ, hoàn cảnh sống, sự kế thừa, thời gian và điều kiện (nhà xuất bản, tài chánh, in ấn…). Ấy thế mà, phát xuất từ nhu cầu thông tin và tấm lòng yêu tiếng mẹ đẻ, những người nặng lòng với văn học ra được báo, tạp chí và từ thông tin ta tiến lên làm văn học, để sau đó dần dà đưa văn học trở thành một bộ phận riêng biệt. Đây là một nền văn học tự phát, hoàn toàn tự phát. Mỗi người chúng ta viết lách, sáng tác và xuất bản, không chịu bất cứ một sự chỉ đạo nào. Mỗi một tờ báo hay website, tuy do một hay vài cá nhân chủ trương và phụ trách nhưng được sự góp tay tập thể. Tuy không có nhuận bút, không bán, nhưng người viết vẫn viết, vẫn đóng góp rất nhiệt tình và với tinh thần trách nhiệm. Người viết không nhằm bán sản phẩm tinh thần của mình. Tự viết, tự in, tự gửi vừa tốn công, tốn thì giờ và tiền bạc, nhưng vẫn cứ viết. Trong điều kiện xuất bản và bán sách, báo như hải ngoại, tưởng chừng như sẽ không còn văn chương nữa. Trước đây có người than thở: Văn chương hạ giới rẻ như bèo. Bây giờ không những rẻ mà trở thành vô giá. Người viết và in ra hay đưa lên mạng mà không cần bất cứ một lợi nhuận nào, dù tối thiểu. Miễn là được xuất bản và đến tay người đọc và được đọc. Đúng là một thứ “tình cho không biếu không”!

Ngoài ra là thiện chí vô song của những người đứng ra làm tờ báo hay website văn học. Một vài tạp chí hay website, chỉ với một người, ngày đi làm lương ba cọc ba đồng, đêm về lo liên lạc văn hữu xin bài, rồi edit, layout, mang đi in, phát hành, đi thâu tiền…Phần nhiều là họ phải bỏ thêm tiền ra để duy trì tờ báo. Ấy thế mà vẫn nuôi dưỡng chúng qua hàng bao nhiều năm. Các tờ báo mạng cũng thế. Không có hội nhà văn, không có ngân sách tài trợ, không có bất kỳ một quyền lợi tối thiểu nào lại không hề được khuyến khích, được ca ngợi – có khi còn bị chỉ trích – lại còn thiếu thì giờ thế mà vẫn viết, vẫn ra báo, vẫn làm báo mạng, vẫn xuất bản. Nếu không xuất phát từ sự yêu văn học thì không thể nào làm được.

3. Tính “miễn phí” của Văn Học Hải Ngoại:

Hầu như tất cả các tạp chí văn học như Hợp Lưu, Văn, Văn Học… đều “sống” dựa trên một số bán ra tối thiểu, chỉ đủ để trang trải các chi phí cần thiết. Mà thực ra, ngay số bán ra đó cũng dựa trên tinh thần hỗ trợ hơn là chuyện mua bán bình thường. Bản thân người chủ trương và các tác giả cộng tác hoàn toàn không có bất kỳ một lợi nhuận nào. Nghĩa là miễn phí. Đến các tạp chí mạng thì tính cách miễn phí là gần như tuyệt đối. Người chủ trương trang trải mọi chi phí và tiêu tốn thì giờ để đưa đến cho người đọc các tác phẩm văn chương hoàn toàn miễn phí. Ngoài các tác phẩm vừa sáng tác, những tác phẩm in thành sách cũng lần lượt được đưa lên mạng.

Các tác giả cũng thế. Hầu hết tác giả hải ngoại đều viết lách trong tinh thần “miễn phí” đó. Viết xong, đưa lên mạng, hay in thành sách và gửi biếu bạn bè, bạn văn và người quen. Bây giờ, ngay cả dự tính “lấy lại vốn” cũng hầu như chỉ phảng phất trong đầu người viết. Mọi ước mong chỉ là có người đọc. Điều đó mới nghe gây cảm giác buồn. Với tình hình này, tôi chia sẻ cái nhìn khá bi quan của nhà văn Nguyễn Mộng Giác là dù hiện diện, nhưng Văn Học Hài Ngoại ở tình trạng lão hóa, chẳng có gì đáng gọi là thành tựu và tiềm năng. Người viết càng ngày càng hiếm, càng “lão hóa” và người đọc cũng càng ngày càng hiếm. Theo tôi, nói cho cùng, các tác phẩm văn chương bao giờ cũng xuất phát từ sự bi quan, từ sự thất bại, từ sự bế tắc. Nếu mọi điều, mọi thứ đều suông sẻ, đều khả quan thì chắc là không có văn chương.

Sản phẩm văn chương bây giờ không hệ lụy vào số lượng người (mua) để đọc nữa. Bản thân tôi, từ ngày ra hải ngoại, cầm bút viết lại trong một tinh thần hào hứng. Những cuốn sách đầu in ra, tôi cũng mong có người đọc, có người mua. Cái sự “mong” ấy càng lúc càng hoài công. Nhưng rồi tôi vẫn viết, cứ viết. Tốn công, tốn thì giờ, tốn tiền và bị …vợ la cũng cứ viết. Viết vì thích …viết. Viết xong in ra hay đưa lên mạng. Ai đọc? Tôi không còn băn khoăn vì những câu hỏi như thế. Nhưng biết chắc rằng thế nào cũng có người đọc. Tôi cố gắng chẳng quan tâm đến chuyện tác phẩm “để đời” hay tác phẩm “lớn”. Cũng như các tác giả hải ngoại, khi viết, chẳng ai viết nhằm xây dựng một “nền” văn học học hải ngoại cả, nó là cái đến sau, chuyện “để đời” hay “lớn” là cái đến sau, là cái mà khi viết có lẽ chẳng có ai nghĩ đến. Vả lại, chỉ có một số tác phẩm là “để đời”, còn hầu hết đều chỉ là để làm nền, để đan kết lại thành một mạng lưới gọi là văn học.

Người viết hải ngoại bây giờ đột nhiên có thêm một lần tự do. Họ viết lách trong một tinh thần rộng lượng hơn, cởi mở hơn và do đó, (hy vọng thế) văn chương hơn! Và nếu như thế, tôi xem đó cũng là một trong những thành tựu khá đặc thù của văn học hải ngoại thời đại Internet. Internet gần như xóa nhòa ranh giới giữa trong và ngoài nước và ranh giới địa phương, giữa người đọc và người viết, giữa tác phẩm lớn và tác phẩm nhỏ, giữa chuyện “để đời” và ngắn hạn của văn chương.

4. Sự nối tiếp:

Dù hiểu theo cách nào thì VHHN rõ ràng là cánh tay nối dài của 20 năm nền văn học miền Nam. Trong một chừng mực nào đó, VHHN đã tái tạo, bảo trì và nối tiếp giòng văn học miền Nam trước 1975 đồng thời nối tiếp dòng văn học Việt từ thời tiền chiến và thời gian dài trước đó mà người Cộng Sản, do chủ trương “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, tìm mọi cách xóa bỏ. Nhiều tác phẩm cũ thời Việt Nam Cộng Hòa đã được tái bản. Các tờ báo đã dành nhiều số đặc biệt để bàn về tác giả, tác phẩm trước tháng 4/1975 ở miền Nam. Võ Phiến đã viết bộ “Văn học miền Nam” gồm 7 tập, dù chưa thật đầy đủ, nhưng cũng phác họa được sự phong phú, đa dạng của một nền văn học bị bức tử. Ngoài ra, “Thư Quán Bản Thảo” do nhà văn Trần Hoài Thư cùng một số bạn văn âm thầm làm việc, tự đánh máy, tự in và gửi biếu bạn bè với ước mong phần nào bảo tồn một phần nào đó những thành quả của nền văn học miền Nam. Tác phẩm mới nhất của “Thư Quán Bản Thảo” là một tuyển tập thơ của những tác giả miền Nam:”Thơ Miền Nam trong thời chiến” gồm 263 tác giả. Trang mạng Talawas đã và đang làm chuyện tương tự, đưa lên mạng nhiều tác phẩm của miền Nam xuất bản trước 1975. Trang mạng Da Màu (damau.org) cũng đang dự tính làm như thế.

Cuối cùng, với tôi, sự hiện diện của rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu thuộc nhiều thế hệ khác nhau từ nhiều nơi về quy tụ nơi đây, tự nó, cũng là một thành tựu. Xin hãy đẩy sự thành tựu đi xa hơn, có ý nghĩa hơn và nhất là hiện thực hơn! Mà nghĩ cho cùng, đâu có chọn lựa nào khác đối những người viết lách ở hải ngoại, trừ phi… trừ phi ta không cần tới văn học.

1/2007

 

bài đã đăng của Trần Hữu Thục

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)