Trang chính » Biên Khảo, Nghiên Cứu, Ngôn ngữ, Văn hóa Email bài này

Chữ nghĩa: chữ và nghĩa (phần 2)

ceci-n-est-pas-une-pipe_thumb.jpg

 

ceci-n-est-pas-une-pipe

René Magritte, “Ceci n’est pas une pipe” (“Đây không phải là ống píp”)

 

Nghĩa đen và nghĩa bóng

Dựa theo nghĩa hiện có sẵn của một từ đa nghĩa, người ta phân loại chúng: nghĩa gốc/nghĩa phái sinh; nghĩa tự do/ nghĩa hạn chế; nghĩa thường trực (nghĩa đã ổn định tức là nghĩa từ vựng)/nghĩa không thường trực (nghĩa ngữ cảnh trong nghệ thuật). Thực tế, một từ có nghĩa mới, bao giờ nó cũng mới lạ, và dường như chẳng dựa trên một tiêu chuẩn nào cả. Nó xuất hiện từ một sự kiện xã hội hay tâm lý hoàn toàn tình cờ. Nhất là từ trong sáng tạo thơ văn. Nghĩa mới thêm vào, do đó, dường như có một sự khác biệt nào đó so với nghĩa đã được biết, được gọi là nghĩa bóng. Thành thử, theo một sự phân loại tổng quát cổ điển, từ đa nghĩa có thể phân thành hai: nghĩa đen và nghĩa bóng. Theo Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân, “đây chỉ là cách gọi khác của nghĩa cơ bản và nghĩa mở rộng, chỉ có điều khái niệm nghĩa bóng theo cách hiểu thông thường có nội hàm hẹp hơn nghĩa mở rộng, và do đó, người ta thường nói tới nghĩa bóng trong những trường hợp nghĩa mở rộng gợi ra sự liên tưởng nước đôi hay hiệu quả văn học.”[1]

Khái niệm nghĩa đen và nghĩa bóng đã được Aristotle đề cập đến trong khi bàn về ẩn dụ trong hai tác phẩm PoeticsRhetoric. Ông phân biệt ra những chữ thông thường được sử dụng trong cách dùng hàng ngày và những chữ xa lạ, tức là chữ đặc biệt, nói tóm lại là tất cả những gì khác với cách dùng thông thường, là chữ có nghĩa thoát ra khỏi sự tầm thường, dung tục, được dùng trong ẩn dụ.

César Chesneau Dumarsais, trong tác phẩm “Tropes” (dụ pháp), cho nghĩa bóng thuộc về “dụ thái” (figures) là hình thái trong đó, “người ta cho một chữ một nghĩa rõ ràng không thuộc về chữ đó”[2]. Tiếp nối Dumarsais, Fontanier mở rộng thêm và đi sâu hơn vào bản chất của không những “những dụ thái mà tất cả dụ thái”. Với lý thuyết về dụ thái, Fontanier phân biệt rõ ràng vai trò của nghĩa bóng và nghĩa đen trong ngôn ngữ.

Theo Fontanier, ý tưởng của con người được biểu hiện ở chữ. Chữ thì dính liền với nghĩa. Ông phân ra ba loại nghĩa:[3]

– Nghĩa khách quan (sens objectif) (của một mệnh đề): là nghĩa mà nó có một cách tương đối về sự vật mà dựa vào đó nó hình thành. Có nhiều loại nghĩa khách quan: thể từ hay tĩnh từ, hoạt động hay thụ động, tuyệt đối hay tương đối…Nói tóm lại, nghĩa khách quan là loại nghĩa có tính cách ngữ pháp.

– Nghĩa đen (sens littéral): là nghĩa xuất phát từ chữ hiểu sát theo chữ (à la lettre), nghĩa là những chữ được hiểu theo cách tiếp nhận chúng trong cách dùng thông thường, là nghĩa trực tiếp đến với tinh thần của những người thông hiểu thứ ngôn ngữ đó.

Nghĩa đen chỉ lệ thuộc vào một chữ duy nhất, hoặc là nguyên thủy (primitif), tự nhiên và riêng (naturel et propre), hoặc là từ phát sinh (dérivé) và có thể chuyển nghĩa (tropologique). Phép chuyển nghĩa xảy ra, hoặc do nhu cầu và do sự mở rộng, để bổ sung cho những chữ thiếu một số ý tưởng nào đó trong ngôn ngữ; hoặc do sự chọn lựa và do dụ thái, để trình bày những ý tưởng dưới những hình ảnh sống động hơn và gây ấn tượng hơn các ký hiệu riêng của chúng.

– Nghĩa tinh thần (sens spirituel): còn gọi là nghĩa quanh co (détourné) hay nghĩa bóng (figuré) là nghĩa mà nghĩa đen làm phát sinh trong tinh thần do tình huống diễn ngôn, do giọng nói hay do liên hệ giữa những ý tưởng được diễn tả ra với những ý tưởng không được diễn tả. Gọi là tinh thần vì tất cả đều thuộc về tinh thần và vì tinh thần tạo nên nó hay tìm thấy nó . Nó không hiện hữu đối với những ai chỉ hiểu sát theo từng chữ, đối với những ai không hề biết rằng chữ (lettre) thì làm mất đi còn tinh thần thì làm sống lại.[4]

Trong lời tựa cho Les figures du discours được tái bản hơn 200 năm sau ngày Fontanier mất, Gérard Genette viết: “Dụ thái”, tức là nghĩa bóng, “chỉ hiện hữu chừng nào mà người ta đối nghịch với nó một ý tưởng nghĩa đen”.[5] Nói cách khác, đen/bóng là hai mặt đối lập của nghĩa.

Có lẽ nếu không có hiện tượng đa nghĩa thì sự phân chia đen/bóng không gây ra một hậu quả gì trầm trọng. Đơn giản là vì, ai thích loại nghĩa nào thì cứ thoải mái sử dụng chữ liên hệ. Không có gì dính dáng đến cái gì. Cái phiền là cả hai (hoặc nhiều) nghĩa đều cùng dùng chung một chữ. Tưởng tượng cái cảnh hai (hay nhiều) người đàn ông có cùng chung một vợ hay nhiều người đàn bà có cùng chung một chồng. Nó khiến nghĩa này chen lộn với nghĩa kia, tạo nên một sự nhập nhòe. Sự chen lộn được tận dụng để biến thành một nghệ thuật: nghệ thuật tu từ. Vào các thế kỷ 17, 18, xuất phát từ sự tranh cãi ở toà án và ngoài quần chúng, nghệ thuật tu từ được hệ thống hóa thành các quy luật, được soạn thành sách, là bản chỉ nam cho các môn sinh muốn trở thành những tay hùng biện. Do dính líu đến chuyện giáo dục, nơi cần phải xem xét thử có nên được cho phép dạy dỗ hay không, dạy ở đâu và lúc nào, sự tách bạch đen/bóng lại càng quan trọng và cần thiết. Thomas Hobbes khẳng định: hệ thống ý niệm con người chủ yếu là nghĩa đen. Ngôn ngữ nghĩa đen là phương tiện thích hợp duy nhất để diễn tả nghĩa của nó một cách rõ ràng và xác lập chân lý, giúp cho các triết gia lý luận đúng, còn nghĩa bóng là một sự lệch ra khỏi tiêu phạm. Nó trở thành một điều độc hại.[6]

Khuynh hướng tôn sùng nghĩa đen trong lịch sử tu từ học như cách nhìn của Hobbes được Richards gọi một cách hình tượng là sự “mê tín nghĩa đen” (proper meaning superstition). Mê tín nghĩa đen là niềm tin sai lầm cho rằng mỗi một chữ có một ý nghĩa đặc thù, rõ ràng mà mọi người đều có thể hiểu một cách dễ dàng. Theo Richards, nghĩa không hiện hữu trong chữ, nhưng trong con người như là kết quả của kinh nghiệm mà họ đã có về cuộc đời. Xem quan niệm nghĩa đen là mê tín, Richards tấn công trực tiếp vào lý thuyết quả quyết rằng chữ chứa đựng nghĩa và khi người ta sử dụng chữ, chúng có thể truyền đạt có hiệu quả. [7] Là những biểu tượng quy ước có tính cách độc đoán, chữ không hề có nghĩa vốn sẵn. Giống như những con kỳ nhông thường đổi màu sắc tùy theo môi trường chung quanh, chữ, theo Richards, nhận cái nghĩa của ngữ cảnh trong đó một cá nhân gặp phải. Điều này cho thấy rằng “hầu hết chữ, khi chúng chuyển từ ngữ cảnh này đến ngữ cảnh khác, thay đổi nghĩa của chúng.”[8] Nói một cách khác, nghĩa của chữ là hoàn toàn tương đối.

Saussure bàn về nghĩa đen và nghĩa bóng với một cái nhìn khác. Cũng trong cùng tài liệu đã đề cập ở trên[9], đoạn 23 tựa đề “Sens propre et sens figuré”, Saussure xác định “Nếu chữ không gợi nên ý tưởng của một sự vật vật chất, thì tuyệt đối không có gì có thể định rõ ý nghĩa một cách khác hơn là bằng con đường tiêu cực”[10]. Sao gọi là tiêu cực? Tiêu cực, nghĩa là một chữ không thể tự đứng một mình nếu không có những chữ khác với nó kết hợp nhau trong một hệ thống tương quan bổ sung và đối nghịch. Khi tên của một sự vật được sử dụng cho nhiều điều khác nhau, “ánh sáng” chẳng hạn: “ánh sáng” của mặt trời, “ánh sáng” của lịch sử, “ánh sáng” của đất nước, thì người ta thường cho rằng có một nghĩa mới (gọi là nghĩa bóng) được tạo ra. Thực ra, nghĩa nào cũng là kết quả của tương quan. Chỉ có thể có nghĩa bóng nếu nghĩa của chữ là “xác định” (positif), nghĩa là khi nào chữ có một giá trị tuyệt đối do mang trong chính nó những “đặc tính của sự vật” (propriétés de choses), những đặc tính tự chúng hiện hữu hoàn toàn độc lập với ngôn ngữ. Ví dụ như những chữ mặt trăng, mặt trời, đàn bà phải được kiến tạo bằng những đặc tính xác định của mặt trăng, mặt trời, đàn bà là những sự vật mà chúng tượng trưng. Nhưng điều đó là hoàn toàn bất khả. Vậy thì, “Không có sự khác biệt giữa nghĩa đen và nghĩa bóng của chữ (hoặc là: chữ không hề có nghĩa bóng nào khác hơn nghĩa đen), bởi vì nghĩa của chúng là hoàn toàn tiêu cực”[11], theo Saussure.

Khác với Saussure bàn về nghĩa trên quan điểm ký hiệu học, Lakoff bài bác nghĩa đen trên quan điểm “ngữ học nhận thức” (cognitive linguistics). Nhìn qua dòng lịch sử, Lakoff nhận thấy rằng cái gọi là nghĩa đen được người ta xem như là hiển nhiên, và vì là hiển nhiên nên không ai mất công bàn cãi. Rốt cuộc, theo ông, có một thứ “lý thuyết về nghĩa đen” tiềm ẩn trong mọi cách lý luận về ngôn ngữ, dù trong thực tế, không có ai tự nhận mình là tác giả của một lý thuyết như thế [12]. Khái niệm đầu tiên và căn bản của lý thuyết này là tính tự trị ngữ nghĩa (semantic autonomy). Một diễn đạt ngôn ngữ là tự trị nếu nghĩa của nó hoàn toàn là của riêng nó, không có một ý nghĩa nào xuất phát từ ẩn dụ, cũng chẳng có tương quan nào với những ý niệm khác nằm ngoài nghĩa cũ. Tự trị ngữ nghĩa cũng là tự trị vô ý niệm (nonconceptional autonomy), cho rằng hoặc là không có ý niệm hoặc là ý niệm chẳng có vai trò gì trong việc hình thành ý nghĩa. Chữ và câu chỉ có nghĩa xuyên qua cái chúng chỉ định ở ngoại giới, không qua nhận thức con người (mind-free).

Lakoff ghi nhận ba điểm chính được bao hàm trong quan niệm về nghĩa đen:

– Nếu một diễn đạt ngôn ngữ là ngôn ngữ có tính quy ước và thông thường, thì nó có tính chất tự trị về mặt ngữ nghĩa và do đó, có thể quy chiếu với hiện thực.

– Không một ngôn ngữ quy ước và thông thường nào là có tính chất ẩn dụ.

– Không ẩn dụ nào là nghĩa đen.[13]

Trong trường hợp đó, một câu chỉ có thể có nghĩa nếu nó diễn tả một mệnh đề có thể đúng hay sai, nghĩa là có thể biểu trưng một trạng thái sự việc (state of affairs) trong một thế giới khách quan, vô niệm. Hiện thực khách quan bao gồm những trạng thái trong thế giới hoàn toàn độc lập với tư duy con người. Thế giới đó gồm những sự vật, đặc tính sự vật, tương quan giữa các vật, loại sự vật. Những ý tưởng trong ngôn ngữ quy ước diễn tả được tất cả những điều đó. Do đó, chân lý hay sai lầm là tuyệt đối.

Lakoff gọi quan điểm này là khách quan chủ nghĩa, theo đó, một ý tưởng ẩn dụ có thể chỉ có nghĩa nếu nó có thể được cải tả (paraphrase) thành một ngôn ngữ phi-ẩn dụ, nghĩa là nghĩa đen. Khách quan chủ nghĩa, theo ông, là một “ngụy luận”[14], vì nó không thừa nhận chân lý hay sai lầm liên quan đến hệ thống ý niệm. Khái niệm nghĩa đen là hoàn toàn sai lầm, không thích hợp với sự phân tích ngôn ngữ tự nhiên thực sự.

Sự bài bác nghĩa đen, theo tôi, không có nghĩa là bài bác sự hiện hữu của một nghĩa đầu tiên, nghĩa gốc của chữ. Và lại càng không có nghĩa là để đề cao nghĩa bóng. Nói đúng hơn, bài bác nghĩa đen có nghĩa là bài bác một quan niệm cho rằng nghĩa đen là nghĩa tiêu chuẩn mà từ đó các nghĩa khác đều dựa vào. Nhiều nghĩa khác – nghĩa bóng – của chữ xuất hiện do mối tương quan với những chữ khác trong cấu trúc và do mối tương quan vói hiện thực, chứ không chỉ “dựa” vào nghĩa đen. Từ “nghĩa đen”, thực ra, là một hình thức “ẩn dụ chết”, vì từ lâu đã biến thành từ vựng. Nghĩa đen của một chữ cũng chỉ là một nghĩa trong nhiều nghĩa khác, nằm trong hiện tượng từ đa nghĩa.

Lakoff cho rằng hạn từ “nghĩa đen” đã có mặt và không thể biến mất, nên ông đề nghị sử dụng từ “nghĩa đen” như một chức năng hữu ích dùng như một hạn từ phi-kỹ thuật, tiện dụng hoặc như là nguồn của một ẩn dụ.[15]

Chữ/nghĩa mới

Ngôn ngữ là dụng cụ năng động nhất trực tiếp liên quan đến mọi sinh hoạt hàng ngày của con người. Đó là một vật sống, chịu ảnh hưởng của các biến động diễn ra trong hiện thực. Theo thời gian, một số chữ đi vào bóng tối, bị quên lãng và có thể biến mất. Một số chữ khác có thể vẫn còn, nhưng biến nghĩa. Trong lúc đó, nhiều chữ mới được khai sinh, tăng cường thêm số lượng từ vựng để đáp ứng với nhu cầu thông tin và các nhu cầu khác. Có những chữ do con người (nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nhà báo…) chủ động sáng tạo nhằm diễn tả những khái niệm, sự kiện hay những ý tưởng mới. Nhưng cũng có nhiều chữ tự động khai sinh, đôi khi khai sinh một cách đột ngột, do những biến cố lớn gây chấn động và làm xáo trộn đời sống mọi người. Năm 2000 chẳng hạn, trong cuộc bầu cử tổng thống gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử bầu cử ở Mỹ, "chad" là từ nổi bật hàng đầu, kéo theo nhiều từ khác được khai sinh do việc đếm phiếu ở bang Florida: hanging chad (chéc treo), bulging chad (chéc lồi), dimpled chad (chéc lõm), pregnant chad (chéc có bầu) hay hand recount (đếm phiếu bằng tay), butterfly ballot (phiếu bướm)… Năm 2001, biến cố 11/9 khai sinh một loạt từ, từ những từ cũ được thêm nghĩa cho đến những từ hoàn toàn mới. Chúng được trui rèn trong biến cố và những hậu quả tất yếu của nó để từ trong bóng tối, chúng bắn vọt vào sinh hoạt hàng ngày. Và rồi, qua tay những nhà biên soạn tự điển (lexicographers), chúng từng bước trở thành ngôn ngữ chính thức được ghi vào tự điển.

Hàng năm, người ta ước tính có chừng 800 từ vựng mới gọi là neologism thêm vào trong tiếng Anh. Để có từ mới, Peter Sokolowski, cộng tác viên biên tập của Công ty biên soạn tự điển Merriam-Webster’s Collegiate® Dictionary, cho biết: “Chúng tôi theo dấu những con chữ (…) năm này qua năm khác cho đến khi chúng tôi cảm thấy nghĩa của chúng đã ổn định đủ để cho chúng vào trong tự điển”. Hãy thử xem một số chữ mới đã được đưa vào tự điển Merriam-Webster’s Collegiate® Dictionary năm 2011[16]:

crowdsourcing: the practice of obtaining information from a large group of people who contribute online (thực hành tìm kiếm thông tin từ một nhóm đông người trên mạng).

m-commerce: a business transaction conducted using a mobile electronic device (một dịch vụ kinh doanh được thực hiện bằng một thiết bị điện tử di động).

bromance (ghép bro (ther) và romance): a close nonsexual friendship between men (tình bạn thân thiết lành mạnh giữa những người đàn ông)

boomerang child: a young adult who returns to live at his or her family home especially for financial reasons (một thiếu niên trở về sống với cha mẹ vì có khó khăn về tài chánh/hồi gia).

helicopter parent: a parent who is overly involved in the life of his or her child (một người cha hay mẹ dính dáng quá mức đến cuộc sống của con cái, như chiếc máy bay trực thăng bay vòng vòng trên đầu đứa con)

Từ tiếng Anh hay Pháp đa âm nên có thể ghép âm, thêm tiếp đầu ngữ hay tiếp vĩ ngữ vào một từ cũ, nên có một số chữ có hình thức ký hiệu mới, giống như một từ hoàn toàn mới.[17] Trong thực tế, rất hiếm khi có một từ hoàn toàn mới. Chủ yếu vẫn là thêm nghĩa mới vào từ cũ. Như đã đề cập ở trên, đó là hiện tượng tích lũy nghĩa, hiện tượng đa nghĩa. Trên đây, ta thấy những chữ như boomerang hay helicopter đã có thêm nghĩa mới trong lúc nghĩa cũ vẫn còn đó. Từ chỗ là một vũ khí của người thổ dân, boomerang có nghĩa là “đòn bật lại” bây giờ có nghĩa mới là “hồi gia” ; từ chỗ là tên của một chiếc máy bay cất cánh thẳng, dùng để bay vòng vòng với mục đích quan sát bên dưới, helicopter có thêm nghĩa mới là sự “quan tâm quá mức”.

Tiếng Việt đơn âm, nên không thể tạo ra hình thức mới của từ, mà chỉ bằng cách ghép các chữ riêng lẻ lại với nhau. Trong nước, trong thời gian vừa qua, ta tìm thấy trên báo chí một số từ mới: diễn biến hòa bình, lề phải, lề trái, thế hệ a còng, dân oan, tàu lạ, lộ hàng, khúc ruột ngàn dặm… “Diễn tiến hòa bình” chỉ sự thay đổi chế độ mà không dùng bạo lực (tương đương với “regime change” trong tiếng Anh), “lề trái” chỉ những nhà báo viết bài không đi theo sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản cầm quyền. Trong số này, tàu lạ có một lai lịch khác thường. “Lạ” có nghĩa là “không quen”, nhưng theo Nguyễn Hưng Quốc, “…đến năm 2009 vừa qua, chữ “lạ” này lại được sử dụng một cách vô cùng khác lạ, nếu không nói là quái lạ. Quái, vì nó được dùng để chỉ một điều hầu như ai cũng biết. Từ vị thế phản nghĩa, nó bỗng dưng trở thành đồng nghĩa với chữ “quen”[18]. Tàu lạ hóa ra là “tàu quen”, tức tàu Trung Quốc.

Ở hải ngoại, ta cũng tìm thấy một số từ mới: cưỡng chiếm, thuyền nhân, tháng Tư Đen, ăn oeo-phe (welfare), cờ máu, cộng đồng, đón gió trở cờ… “Tháng Tư Đen” chỉ ngày Sài Gòn rơi vào tay quân Cộng Sản; “ăn oeo-phe”, từ ghép Việt-Mỹ, có ý nghĩa tiêu cực ám chỉ những cư dân Mỹ sống nhờ trợ cấp xã hội; “đón gió trở cờ” chỉ những thành phần chống Cộng thay đổi lập trường, chủ trương hòa hợp hòa giải với nhà cầm quyền trong nước…vân vân.

Ta nhận thấy trước hết, nghĩa của từ mới chỉ có thể được hiểu bên trong ngữ cảnh của nền văn hóa mà nó phát sinh hay qua bối cảnh mà một sự kiện đặc thù nào đó diễn ra. Ta không thể hiểu được hai chữ “tàu lạ” nếu không hiểu về chính sách nước đôi kỳ quặc của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đối với thái độ hung hăng của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp biển Đông. Ta không thể hiểu “khúc ruột ngàn dặm” nếu không hiểu được chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam muốn dụ khị những người vượt biên, tị nạn Cộng Sản quay về ủng hộ nhà nước Cộng Sản. Ngược lại, ta không thể hiểu những chữ “cưỡng chiếm” (miền Nam) hay “tháng Tư Đen” hay “cờ máu” (chỉ cờ đỏ sao vàng) nếu không sống trong tâm cảm của những người miền Nam bỏ nước ra đi vì căm ghét Cộng Sản.

Cũng thế, ta không thể hiểu từ nipplegate (tai tiếng núm vú) nếu không nắm vững được sự kiện ca sĩ Janet Jackson bất ngờ để lộ một bên ngực trong lần trình diễn tại Superbowl năm 2004: nipple ghép với tiếp vĩ ngữ gate. Gate, cách nói gọn từ chữ “Watergate” là tên một cao ốc, nơi xảy ra vụ tai tiếng lớn làm tổng thống Richard Nixon phải từ chức năm 1974. Từ một danh từ riêng, “gate” thêm một nghĩa mới là “tai tiếng” (scandal). Chữ lộ hàng hiện đang được sử dụng nhiều trên báo chí Việt Nam trong nước có cùng một ý nghĩa như (và có thể dùng để dịch) “nipplegate” hay “wardrobe malfunction”[19]. Hàng ở đây có thêm nghĩa mới: những bộ phận “nhạy cảm” trên thân thể người phụ nữ.

Dò tìm cơ cấu của ẩn dụ ý niệm nối hai lãnh vực khác nhau cho chúng ta biết một ý niệm mới hay ý niệm chưa biết dựa theo ý niệm cũ như thế nào. Như thế, hàm nghĩa của từ mới thường vuột hẳn khỏi nghĩa đã từng biết (không hẳn là nghĩa đen), và được thúc đẩy bởi liên tưởng trừu tượng. Có thể nói, nghĩa mới bao giờ cũng là “dụ ngữ”, nghĩa là có tính cách bóng bẩy.

Những không đâu mà nghĩa mới tràn ngập bằng trong văn chương, nhất là trong thơ. Có thể nói, văn chương là một nguồn suối vô tận của nghĩa mới. Bằng cách thêm nghĩa vào ngôn ngữ, văn chương giúp chúng ta khám phá ra trong thế giới những điều gì vốn chưa hề được nhìn thấy trước đó. Nó không thể thay đổi hiện thực, dĩ nhiên, nhưng làm thay đổi cách nhìn, cách quan hệ với hiện thực, nghĩa là, cách chúng ta cư ngụ trong thế giới.

Ta nhặt từng trang sách rách toang
Đứa ngu đã xé vứt ra đường
Ta gom từng hạt cây luân lạc
Mong mỏi gầy lên một địa đàng (Tô Thùy Yên)

Bốn câu thơ cho thấy một cách nhìn tuy quen mà rất lạ hình ảnh miền Nam trong chính sách gọi là bài trừ văn hóa đồi trụy rất đỗi sai lầm của nhà cầm quyền Cộng Sản đối với nền văn hóa miền Nam, sau ngày 30/4/1975.

*

Xin lập lại: chữ là ký hiệu. Bản thân của một ký hiệu là hoàn toàn hình thức và nghĩa của nó được hình thành là do tương quan. Ngay cái nghĩa đầu tiên, nghĩa gốc của một chữ, cũng hình thành trên tương quan: tương quan giữa vật, ý thức và ký hiệu. Gọi đó là nghĩa gốc, nghĩa đen thì cũng được. Nhưng gọi đó là nghĩa bóng thì cũng không có gì sai vì bóng bẩy chỉ là dùng cái này để ví von cái khác. Trong lúc không thể gọi sự vật bằng chính hiện hữu của bản thân nó, ta đành phải vay mượn một ký hiệu. Chữ, nói cho cùng, là một cách ví von: ví sự vật với một ký hiệu. Phần đông những chữ hay từ vựng là sản phẩm của những ẩn dụ bị quên lãng. Nhiều ngôn ngữ khác nhau, nếu được đặt cạnh nhau, ta sẽ thấy ngay tính chất quan trọng đối với chữ không bao giờ là chân lý, không bao giờ là một diễn đạt hoàn toàn. Với Nietzsche, không có nghĩa đen tự nó.[20] Nghĩa chỉ là một sự áp đặt. Derida cho rằng, khi ta đọc một ký hiệu, nghĩa của nó không rõ ràng ngay đối với ta. Nghĩa luôn luôn di chuyển dọc theo một chuỗi những ký hiệu và ta không biết rõ nơi nào là “trú sở” của nó. Ký hiệu luôn luôn dẫn đến ký hiệu. Để nhận biết chữ này ta phải dùng đến chữ khác. Để hiểu nghĩa của một chữ, ta lại phải dùng đến nghĩa khác của nó. Cứ thế. Derrida cũng cho rằng tất cả mọi ngôn ngữ đều là ẩn dụ, bao giờ cũng sử dụng nghĩa bóng và dụ pháp. Tác phẩm văn chương là ít lừa dối hơn những hình thức diễn ngôn khác vì chúng nhận biết tính chất tu từ của riêng chúng.[21]

Thay vì phân biệt đen/bóng, Beardsley phân biệt ý nghĩa sơ cấp và ý nghĩa thứ cấp. Nghĩa sơ cấp là nghĩa rõ ràng, tỏ lộ. Nghĩa thứ cấp là nghĩa gợi ra, không đóng vai trò chính như nghĩa sơ cấp. Nó ẩn tàng. Tất cả mọi loại câu, ở những mức độ khác nhau, đều chứa đựng nghĩa ẩn tàng. Chữ, trong tình trạng cô lập, có ý nghĩa, nhưng là một phần của câu. Người ta chỉ hiểu chữ nếu nó nằm trong câu. Nghĩa tỏ lộ của một chữ là tên gọi, là sự chỉ định của nó (désignation). Ý nghĩa ẩn tàng là hàm nghĩa (connotation). Trong một số ngữ cảnh nào đó, như trong các tài lìệu khoa học, kỹ thuật, chữ loại bỏ hoàn toàn hàm nghĩa không cần của một chữ đã cho. Trong một số ngữ cảnh, hàm nghĩa được giải thoát; đó là thứ hàm nghĩa, ở đó, ngôn ngữ trở nên bóng bẩy và mang tính ẩn dụ. Có thể nói trong một diễn ngôn như thế, nó vừa bao gồm nghĩa sơ cấp và nghĩa thứ cấp, do đó, thành ra đa nghĩa. Đa nghĩa, theo cách hiểu của Bearsley, không đồng nghĩa với mơ hồ. Chỉ có sự mơ hồ khi nào chỉ có một nghĩa là cần, nhưng ngữ cảnh lại không cung cấp lý do để nhận biết nghĩa đó. Văn chương đặt chúng ta vào một diễn ngôn, ở đó, có nhiều điều có ý nghĩa cùng một lúc và người đọc không cần phải chọn lựa giữa chúng.[22]

Trần Hữu Thục
(4/2012)


[1] Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân, bài đã dẫn

[2] On fait prendre à  un mot une signification qui n’est pas précisément la signification de ce mot/Dẫn theo Jan Plug, Figurative language,

Xem ở: http://www.flsh.unilim.fr/ditl/Fahey/LANGAGEFIGURFigurativelanguage_n.html

[3] Pierre Fontanier, Les figures du discours, tr. 55-59

[4] lettre tue, esprit vivifie

[5] Gérard Genette, lời tựa cho “Les figures du discours”, Pierre Fontanier, sách đã dẫn, trang 10

[6] Xem Trần Hữu Thục, “Ẩn dụ/qua dòng lịch sử” trang mạng Da Màu: http://damau.org/archives/23596

[7] C.K. Ogden and I.A. Richards, The meaning of meaning, trong “Semantic Triangle”, Harcourt, Brace & World, NY, 1946, dẫn lại theo Allie Cahill, "Proper Meaning Superstition" I. A. Richards, http://www.colorado.edu/communication/meta-discourses/Papers/App_Papers/Cahill.htm

[8] Em Griffin nhận định rằng, Richards dùng chữ ngữ cảnh (context) để quy cho nhiều biến cố xảy ra, không chỉ là một câu hay ngay cả tình hình trong đó chữ được nói ra. Ngữ cảnh ở đây là toàn thể lãnh vực kinh nghiệm có thể gắn liền với một biến cố, kể cả những tư tưởng về những biến cố tương tự. Griffin phê phán Richards chỉ chú trọng đến nghĩa từng chữ một mà không chú ý đến cú pháp (syntactics), Cú pháp liên quan đến quan hệ giữa các chữ. Richards quên rằng hầu hết các chữ cá nhân có rất ít ý nghĩa từ bản thân chúng. Nghĩa của chúng tùy thuộc vào vị trí nằm trong câu.

(Dẫn theo Em Griffin, A First Look at Communication Theory, McGraw-Hill, Inc. 1997. Xem ở:

http://highered.mcgraw-hill.com/sites/dl/free/0073385026/228359/meanmean2.html

Ricoeur bênh vực Richards, cho rằng ngữ cảnh ở đây là diễn ngôn. Chỉ có diễn ngôn xem như một toàn thể mới có ý nghĩa, mang ý nghĩa một cách không thể phân chia. Con người là những sự vật (choses) đáp ứng với những sự vật khác. Sự vật không phải là chữ mà là ngữ cảnh (context). Ngữ cảnh của một diễn ngôn chính là một phần của một ngữ cảnh rộng lớn hơn. (Xem Métaphore vive, trang 101)

[9] Ferdinand de Saussure, Ecrits de linguistique générale.

[10]Autrement dit, si le mot n’évoque pas l’idée d’un objet matériel, il n’y a absolument rien qui puisse en préciser le sens autrement que par voie négative."

[11] Il n’y a pas de différence entre le sens propre et le sens figuré des mots (ou: les mots n’ont pas plus de sens figuré que de sens propre), parce que leur sens est éminemment négatif.

[12] George Lakoff and Mark Turner, More than cool reason, The University of Chicago Press, 1989, trang 136

[13] George Lakoff and Mark Turner, More than cool reason, The University of Chicago Press, 1989, trang 118

[14] George Lakoff and Mark Turner, trang 118

[15] Như trên, 119

[16] http://www.merriam-webster.com/info/newwords11.htm

[17] Nhưng cũng có những từ có hình thức “mới” hoàn toàn, không giống bất cứ hình thức cũ nào. Những từ này thường được tạo ra bằng cách kết hợp những từ hiện có hay bằng cách thêm vào chữ có sẵn những tiếp vĩ ngữ hay tiếp đầu ngữ (brunch = breakfast + lunch), cũng có thể được tạo thành bởi viết tắt hay nối những chữ cái đầu tiên của mỗi chữ (Nato, Laser…) Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation.

[18] Nguyễn Hưng Quốc, 2009: Năm hoành hành của những “kẻ lạ”

http://www.voanews.com/vietnamese/news/a-19-2009-12-31-voa32-82745312.html

[19] an unanticipated exposure of bodily parts = một sự để lộ bất ngờ những phần kín đáo trên cơ thể.

http://en.wikipedia.org/wiki/Wardrobe_malfunction

[20] Nietzsche, On Truth and Lie in an Extra-Moral Sense, xem ở http://www.geocities.com/thenietzschechannel/tls.htm#2

[21] Dẫn theo Madan Sarup, An introductory Guide to Post-Structuralism and Post-modernism, The University of Georgia Press, Athens, GA 1993,

tr. 46

[22] Monroe Beardsley, Aesthethics, Hartcourt, Brace & World, New York 1958, dẫn theo Paul Ricoeur, Métaphore vive, tr. 117-118

bài đã đăng của Trần Hữu Thục

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

1 Pingbacks »

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)