Trang chính » Biên Khảo, Giới thiệu tác giả, Phê Bình, Phỏng vấn, Tư Liệu Email bài này

Đầu năm Nhâm Thìn, trò chuyện về thơ cùng thi sĩ Ngu-Yên (phần 3/4)

 

 

 

LTT:

Trong trường hợp này, anh nghĩ sao về hai chữ “sáng tạo”?

NY:

Ai cũng nói sáng tạo là cần thiết cho người nghệ sĩ. Sáng tạo làm tác phẩm có giá trị. Nhưng liệu người nghệ sĩ có biết gì về sáng tạo? Biết sáng tạo đã là khó. Hữu dụng được sáng tạo lại càng khó hơn.

Sáng tạo không phải là công cụ. Không phải phương pháp. Không phải có thể cầm nắm để sử dụng chính xác. Sáng tạo càng không phải là phép lạ. Không phải nguồn lực siêu nhiên. Không là cái gì ghê gớm để tự hào mà chỉ là một khả năng riêng của người nghệ sĩ.

Bất cứ người nghệ sĩ chân chính nào cũng tự biết mình có sáng tạo hay không? Còn có thể biết khả năng này của mình mạnh hay yếu? cao hay thấp? thường xuyên hay thỉnh thoảng? Nhưng không phải người nghệ sĩ nào cũng biết áp dụng sáng tạo vào đúng đoạn đời và sản phẩm của họ.

Đã là sáng tạo thì biết lúc nào, làm sao biết ở đâu mà áp dụng?

– Suy tư, chìm đắm, nuôi dưởng một điều gì lâu ngày, sáng tạo sẽ đến, cho dù bất chợt.

– Sẳn sàng và nhận biết sẽ dùng được sáng tạo khi nó xuất hiện.

– Áp dụng sáng tạo với tất cả khả năng thực hiện, với lòng đam mê, không có thời gian không có không gian không có xung quanh không có vật chất, may ra sáng tạo sẽ thành hình tác phẩm.

May ra? Vì nếu không có may mắn chưa chắc đã đạt được. Nguyên lý bất định của may mắn luôn luôn hiện hữu ở bất kỳ một phút giây nào trong đời sống. May mắn của mỗi người, may mắn của gia đình, may mắn của tập đoàn, may mắn của quốc gia, may mắn dân tộc, may mắn của thiên hạ, kết hợp thành định mệnh chung cho nhân loại. Thơ cũng chỉ là một phần nhỏ mà thôi.

LTT:

Theo anh, thế nào gọi là đẹp và đẹp có phải là thơ không ?

NY:

“Tôi không mời anh đọc”. Một bạn Mễ nói với tôi lúc ăn trưa. “Chúng tôi thích ăn đậu, người Việt các anh thích ăn cơm. Mình làm bạn nhưng không cần phải mời nhau ăn.” Tháng sau, tôi thấy anh ăn cơm trưa với cô gái Việt làm cùng hãng.

Người ta thường nói đến tứ khoái, nói đùa cũng được, nói khinh bạc cũng được, nói nghiêm túc cũng được, thực tế là đúng. Nhưng tứ khoái hoặc bắt đầu hoặc chấm dứt bằng cái đẹp. Ăn ngon là một cách đẹp. Ngủ êm là một cách đẹp. Cái gì cũng có cái đẹp của nó. Đẹp không phải là thơ. Phong thái của đẹp mới là thơ. Làm thơ là làm sáng lại phong thái của cái đẹp về một điều gì, sự việc gì, tâm tư gì theo cá tánh của nhà thơ.

Không phải chỉ bông hoa, mỹ nhân, phong cảnh mới đẹp. Cục đá xù xì theo năm tháng rong rêu có nét đẹp của nó. Một phụ nữ nét ngạnh mày ngang như đàn ông xấu, có cái hay của nó. Không phải chỉ tư tưởng đẹp mới có giá trị. Tư tưởng xấu cũng mang giá trị nghịch đảo. Thành công là tốt nhưng thất bại có cách đẹp, lối hay và có giá trị động cơ hồi phục. Không thấy đẹp là tại mình không thấy. Thấy được cái đẹp trong cái không ai thấy đẹp, đó là khả năng phải có của thi sĩ. Thấy không chưa đủ. Phải diễn được phong thái của cái đẹp, cái hay bằng chữ nghĩa, tín hiệu truyền thông, đó là tài năng cần thiết của thi sĩ.

LTT:

Làm thơ có cần lập dị không?

NY:

Làm thơ không cần lập dị. Chỉ cần diễn được cái thấy, cái cảm mà người khác không thấy, không cảm hoặc số đông không thấy, không cảm. Diễn được cái phong thái ấy tự dưng thơ sẽ không đi vào lối mòn. Tự nhiên sự khác biệt sẽ bộc lộ. Sáng tạo của con người phải chăng là như vậy?

Làm thơ theo tiêu chuẩn đã có, theo hình tượng đã có, theo cái hay, cái đẹp đã được xác nhận, theo một thần tượng quá khứ nào đó, làm thơ như vậy không có gì sai, không có gì đáng chê. Thậm chí, loại thơ ấy thường dễ cảm hay. Nhưng thơ như vậy chỉ là thơ hay bình thường, Nhà thơ ấy sức đã tận.

Làm thơ, không có thi cử, không có ứng cử nhưng cách sống của người là sắp thứ bậc, tranh nhau một bước hơn, hưởng một chút lợi lộc, một lời khen là sung sướng. Chính vì vậy người làm thơ, không lo làm thơ, lại lo nói….

Chúng nó nói suốt ngày
Mãi đến khi trời tối
Hạ giọng thì thầm

Nói với bóng
Nói với lặng im
Giống như mọi người

Bầy két
Cả ngày huyên thiên
Đêm nằm ác mộng

Trên vòng đu vàng
Khuôn mặt thông thái
Bộ lông tài ba
Trái tim hiếu động

Nói…….
Giống như mọi người
Kẻ nói hay nhất
Được ở lồng riêng

(Đọc The Parakeets của Alberto Blanco, người Mễ. Bản dịch W.S.Merwin)

Một bài thơ hay tự nó nói nhiều hơn tranh luận, phê bình, gièm pha. Một bài thơ phong thái đẹp tự nó kiều diễm với thời gian, mặc ai thích hay không thích, khen hay chê.

LTT:

Theo anh, người làm thơ chân chính trước hết họ cần điều gì?

NY:

Người làm thơ trước hết phải tự hiểu mình. Nếu thấy mình đang tham lam danh vọng nghệ sĩ, đang tính toán lợi lộc ngoài khu vực nghệ thuật, hãy nên làm gì? – Nên ngưng làm thơ. Sao phải cần người khác nói? Người làm thơ không có giá trị tự thân, làm sao làm được thơ có giá trị? Có giá trị nội dung, ý nghĩa là thơ tuyên xưng, tuyên giáo, thơ luân lý, thơ đạo đức. Cái phong thái của giá trị, mới là thơ. Cái giá trị sáng tạo, mới là giá trị của nghệ thuật.

LTT:

Theo anh, hoàn cảnh khó khăn có làm cho thơ hay hơn không ?

NY:

Những hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống thăng trầm, thất vọng… Thiên hạ bất tri như ý sự, thập thường cư thất bát…sẽ là nhiên liệu, động cơ, thúc giục tài năng sáng thơ ra đời. Ông Kim Thánh Thán để lại lời bình thơ như một cẩm nang, không phải thơ hay làm cho đời khốn khó mà đời có khốn khó thì thơ mới hay. Dĩ nhiên là đúng.

Nhưng thiếu. Thơ dài như trường ca thì không thể chỉ có rung động và tình cảm. Chữ nghĩa lai láng tình dễ làm người đọc cảm nhận. Lai láng quá thường rơi vào khu bình dân hoặc cải lương. Chính tứ thơ rồi đến ý thơ mới tạo cho thơ tầm vóc mập mạp, cao lớn… Đây là chỗ khác biệt giữa thơ Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử. Thơ Xuân Diệu dễ cảm. Thơ Hàn Mặc Tử sâu sắc.

Một khi tình cảm phun trào, quá đau đớn, quá thất tình, quá giận dữ, quá ham muốn…..sẽ vội vã chụp bắt những hình ảnh, ý tứ quen thuộc đã chứa đầy trong vô thức. Những ý tứ thông thường làm cho thơ thiếu sáng tạo. Do đó, Cate Marvin đã chia xẻ rằng hãy đuổi chúng đi. Bình tâm lại. Hãy đuổi nữa. Khi chúng không thể đi, khi ta không thể thiếu chúng, bài thơ ấy mới thật.

Tôi sẽ cỡi mây
Bay qua ngàn núi
Nếu trời xuống mưa
Lệ tôi ướt sũng

Tôi sẽ cỡi ngựa
Để hít thở gió
Đợi chờ tình yêu

Tôi sẽ cỡi sông
Về chơi biển rộng
Cõng tàu trên lưng

Tôi sẽ cỡi cây
Chim không ăn quả
Rễ tỏa đất sâu

Tôi sẽ cỡi mơ
Không cương không đạp
Đi vào tương lai

Tôi sẽ cỡi nhạc
Chủ tớ cùng ca
Phong trào giải thoát
Tự chốn yên hòa

(Đọc My Travels của Xhevahir Spahiu, người Albania. Bản dịch: John Hodgson)

LTT:

Anh nghĩ sao về việc dịch thơ?

NY:

Dịch thơ. Tôi đã từng đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du dịch sang Anh ngữ bởi những giáo sư dạy đại học Hoa Kỳ dày công nghiên cứu văn chương Việt. Có anh bạn mới sang Mỹ hỏi tôi. Chữ I là gì? – Là Tôi, ngôi thứ nhất. Vậy chữ Ta, dịch ra sao?- Ngôi " thứ chín" này không biết là chữ gì. Dịch tự nó đã là đổi thay, biến hóa.

A hundred years­­­—in this life span on earth
Trăm năm trong cõi người ta

talent and destiny are apt to feud.
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau

You must go through a play of ebb and flow*
Trải qua một cuộc bể dâu

and watch such things as make you sick at heart.
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Is it so strange that losses balance gains?*
Lạ gì bỉ sắc tư phong

Blue Heaven’s wont to strike arose from spite.
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

(Bản dịch Hùynh Sanh Thông)

Ai mà dám nhận mình là người dịch. Ngôn ngữ vốn bản chắc không đồng nghĩa. Đồng nghĩa chưa chắc đồng ý. Đồng ý chưa hẳn đồng cảm. Cùng là trái cam, chắc chắn không giống nhau. Cùng ăn một trái cam, mùi vị không giống nhau. Chỉ có đồ giả mới y hệt. Đồ thật, cho dù thế nào, sẽ có chỗ sai biệt… Huống chi ngôn ngữ, dân tộc và nghệ thuật. Cùng ngôn ngữ, theo thời gian còn sinh ý nghĩa khác, huống chi khác ngôn ngữ. Cùng dân tộc, nói với nhau còn chưa thông, huống chi khác dân tộc. Nghệ thuật mà giống nhau là nghệ thuật in lại.

Nhà văn Võ Phiến có lần bàn về dịch, ông nói bài thơ là con cá. Dịch là bộ xương của con cá đó. Bạn thấy: Con cá đầy vảy màu, vây múa, mắt hồng, mắt xanh. Sánh làm sao với bộ xương thuộc khoa nghiên cứu. Cho dù tài hoa cách mấy. Vẽ lại con cá cũng không bơi được.

(Xương Cá) (Con Cá)

Alone And Drinking Under The Moon

Nguyệt Hạ Độc Chước

Amongst the flowers I
am alone with my pot of wine
drinking by myself; then lifting
my cup I asked the moon
to drink with me, its reflection 
and mine in the wine cup, just
the three of us; then I sigh 
for the moon cannot drink,

and my shadow goes emptily along
with me never saying a word; 
with no other friends here, I can
but use these two for company; 
in the time of happiness, I
too must be happy with all 
around me; I sit and sing
and it is as if the moon

accompanies me; then if I 
dance, it is my shadow that
dances along with me; while
still not drunk, I am glad 
to make the moon and my shadow
into friends, but then when
I have drunk too much, we 
all part; yet these are

friends I can always count on 
these who have no emotion
whatsoever; I hope that one day
we three will meet again, 
deep in the Milky Way.

Lý Bạch (Bản dịch của Rewi Alley)

Hoa gian nhất hồ tửu,
 
Độc chước vô tương thân.
 
Cử bôi yêu minh nguyệt,
 
Đối ảnh thành tam nhân.
Nguyệt ký bất giải ẩm,

 
Ảnh đồ tùy ngã thân.
 

Tạm bạn nguyệt tương ảnh,
 
Hành lạc tu cập xuân.
 
Ngã ca nguyệt bồi hồi,

Ngã vũ ảnh linh loạn.
 
 
Tỉnh thì đồng giao hoan,
 
 
Tuý hậu các phân tán.

Vĩnh kết vô tình du,
 
 
Tương kỳ mạc Vân Hán.
 
 

Lại có anh bạn khác nói rằng, dịch là sáng tác. Việc dịch thơ đứng ngang hàng với sáng tác thơ. Tôi e rằng khó nghĩ cho suông. Dịch thơ là sáng tác hay phóng tác hay tản mạn? Vì sao lại so sánh dịch thơ và sáng tác thơ?

Thích dịch cứ dịch. Hay hơn, ngang hàng, tệ hơn, dính líu gì đến nghệ thuật. Ai sẽ nói hội họa cao hơn viết văn? Ai sẽ nói thi ca có giá trị hơn nhiếp ảnh? Cũng chưa nghe ai nói dịch thuật sắp hàng ngang hàng dọc với thi ca, văn, họa, nhạc….

Dịch là để bài thơ lên soi gương? Dịch là chụp hình bài thơ vào ngôn ngữ khác? Dịch là trước tác cho sướng theo ý riêng? Tôi cho rằng dịch thơ là khó. Đọc thơ nhẹ nhàng hơn.

Đọc thơ nếu thích, cảm sao nói vậy, thú sao kể vậy. Đọc không phải dịch, không phải sáng tác, không phải phóng tác, không phải chuyển ngữ. Đọc là nháp.

Vậy cứ đọc thơ cho rộng rãi tâm tư. Cho thẩm thấu suy cảm có da màu khác biệt. Cho thế giới v về nhau những cách xa. Xin mời bạn đọc thơ.

 

[còn tiếp]

bài đã đăng của Lương Thư Trung

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)