Trang chính » Biên Khảo, Nhận Định Email bài này

Sau Mười Ba Năm, Đọc Lại “CỬU LONG CẠN DÒNG-BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG”, Nghĩ Về Sanh Mạng Một Dòng Sông

CuuLongCanDong-bia_thumb.jpg

 

 

CuuLongCanDong-bia

Bìa sách “Cửu Long Cạn Dòng-Biển Đông Dậy Sóng” của Ngô Thế Vinh
do nhà xuất bản Văn Nghệ (California, Hoa Kỳ) tái bản năm 2001.

 

 

Cách nay 12 năm, lúc bấy giờ sau gần một năm khi cuốn sách “Cửu Long Cạn Dòng-Biển Đông Dậy Sóng” (CLCD-BĐDS) của nhà văn Ngô Thế Vinh xuất bản lần đầu, năm 2000, tôi có viết một bài cảm nhận ngắn đăng trên tạp chí Văn Học ở California số 180, tháng 04 năm 2001 với đoạn kết:

“Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng” của nhà văn Ngô Thế Vinh không thuần là một quyển biên khảo về địa dư chí, không thuần là một tập sách về du ký du khảo, không thuần nhất là một cuốn tiểu thuyết theo cái nghĩa tiểu thuyết, không thuần nhất về một loại sách lịch sử, không thuần nhất là một đề tài viết về văn minh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nhưng đó là một tác phẩm có đầy đủ những tính cách của những điều vừa kể… Bên cạnh đó, tác giả còn cho chúng ta tận mắt nhìn những cảnh thật người thật qua hàng mấy mươi tấm hình được chụp như một nét sống động về cảnh vật thiên nhiên cùng con người nơi vùng đất Phương Nam với con Sông Cửu Long âm thầm chảy qua và tạo dựng vùng đồng bằng này…”(1)

Đó là nói về khía cạnh bao quát của cuốn sách nó hấp dẫn người đọc đến nỗi chỉ sau một năm chào đời, tác phẩm này đã được tái bản lần thứ nhứt vào năm 2001. Thời gian qua đi đã 13 năm, cái tựa “Cửu Long Cạn Dòng- Biển Đông Dậy Sóng” đã gắn liền với tên tuổi nhà văn Ngô Thế Vinh hôm nay cũng như mấy mươi năm trước khi nhắc tới ông, người đọc nhớ ngay tên tác phẩm “Vòng Đai Xanh” một thời vậy! Và hôm nay tôi ngồi đọc lại cuốn sách này với tâm trạng một người nhà quê già được sanh ra và lớn lên ở làng quê ven hai bờ của con sông Cửu Long và đã từng ngụp lặn với dòng sông ấy với những đêm ngồi canh chừng nước lớn, nước ròng cho những vụ mùa sạ cấy hay cắt gặt mà nghe trong dòng nước mát ấy có điều gì thiêng liêng lắm và xin có vài suy nghĩ về sanh mạng của nó, sanh mạng của một dòng sông.

Vâng thưa bạn, theo thiển ý của tôi, khi nói tới sanh mạng một dòng sông là nói tới sức sống của nó có khả năng mang lại những lợi ích cho con người sống ven hai bờ con sông ấy. Dĩ nhiên, các yếu tố tiêu biểu tối thiểu cho một đời sống của một dòng sông không những bao gồm lưu lượng nước của dòng sông ấy đủ cung ứng cho nhu cầu nước uống cho con người, cho ruộng lúa, cho cỏ cây, vườn tược những vùng đất mà dòng sông ấy chảy ngang qua, nó còn cung ứng các loài cá tôm mà nó mang chứa trong dòng chảy của nó đủ hoặc thừa sức nuôi sống cho con người.

Với ý niệm ấy, kể từ khởi thủy cho tới những năm thập niên 1960, con sông Cửu Long đã có một đời sống rất mạnh mẽ và hằng năm mực nước sông chẳng những cung ứng đủ cho mọi nhu cầu về nước uống cùng mang phù sa bồi đấp những cánh đồng bao la bát ngát nơi hạ lưu của nó mà nó còn cung cấp đủ mọi loài cá tôm cho con người nữa.

Thật thế, bạn ạ! Nói về điều này tôi đã kể cho bạn nghe trong cuốn sách “Mùa Màng Ngày Cũ “(2) dày tới gần 300 trang sách về những mùa màng nơi vùng đồng bằng sông Cửu Long cách nay sáu bảy chục năm với bao la bát ngát lúa là lúa, và cá ôi thôi là cá trên những cánh đồng lúa mùa một thời; những mùa màng ấy có được những năm tháng sung túc ấy là nhờ nước ngọt của dòng sông Cửu Long mang lại chứ không phải từ một con sông nào khác vào đây thay thế nó. Chính dòng nước ngọt của con sông Cửu Long đứng vào hạng thứ ba ở Châu Á và là một trong những con sống dài nhất thế giới cứ chảy miệt mài không mệt mỏi tưới ướt những cánh đồng cũng như bồi đấp những cánh đồng.

Bạn có còn nhớ vào những năm thập niên 1950-1960 những lẫm lúa khắp các vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Cao Lãnh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng vào mỗi vụ mùa cắt gặt lúa ôi thôi là lúa không? Những cánh đồng Ba Thê – Núi Sập, Định Mỹ, Ba Bần, Kinh Xáng Bốn Tổng, Hang Tra, Trà Kiết, Cầu Số Năm, Măc Cần Dưng thuộc Long Xuyên; những cánh đồng Kinh Xáng Cây Dương, Kinh Xáng Cái Dầu, Bình Di-Bắc Nam, Tân Châu thuộc Châu Đốc, những cánh đồng Tân Hiệp thuộc Rạch Giá, Thới Lai Cờ Đỏ thuộc Cần Thơ; những cánh đồng vùng Đồng Tháp Mười và còn biết bao những cánh đồng lớn nhỏ khác đã góp phần làm nên vựa lúa của Miền Tây Nam nước Việt này hằng bao nhiêu năm dài chính là nhờ có sự bồi đấp và nuôi dưỡng của dòng nước ngọt Cửu Long chảy ngang qua vùng đồng bằng của mình.

Còn cá tôm đủ các loại nữa, không làm sao kể cho xuể. Tới mùa mưa tháng Tư khắp các sông rạch thuộc con sông Cửu Long đùm bọc, đâu đâu cá cũng đùn đùn tìm mương rạch về đồng. Tới con nước đổ tháng Năm nước chứa đầy phù sa với màu bùn ngầu đục trong dòng nước Cửu Long, các loài trứng cá trùng trùng điệp điệp trôi xuôi về hạ lưu để hòa nhập cùng các lớp cá mới đẻ trứng ở các kinh rạch sông ngòi có sẵn làm thành một dòng Cửu Long đầy cá tôm, mà nhất là loài cá linh thì ôi thôi cá biết muôn trùng nào mà kể cho xiết!

Đó là chúng tôi chưa kể các loài cá lớn, cá sống lưu lai nơi các đầu doi đuôi vịnh trên dòng sông chính hoặc khắp các các con sông sâu nước chảy thuộc phụ lưu của dòng Cửu Long và các vùng lung vũng đìa bàu chưa biết khô nước bao giờ thì cá lớn cá nhỏ mùa nào cũng ụp móng như cơm sôi thì bạn thử tưởng tượng sức sống của dòng sông Cửu Long nó mãnh liệt biết dường nào!

Rồi dường như theo một chu kỳ nhất định, hễ cứ tháng Năm nước bắt đầu đổ thì tới tháng Bảy âm lịch là nước bắt đầu bò lên đồng; rồi tháng Tám nước ngập sâu hơn và đến tháng Chín nước ngập khắp các cánh đồng như một biển nước bao la. Nước cứ lên và nước dâng lên hoài mãi cho tới ngày 25 tháng Chín là mực nước muốn ngừng lại mà dân quê tụi tôi gọi là nước phân đồng ; tới mùng 10 tháng Mười nước bắt đầu rút xuống và ở đây bà con gọi là nước giựt với phù sa trong nước tráng lên các cánh đồng một lớp bùn non làm cho các cánh đồng nước ngập thêm nhiều màu mỡ.

Nhìn lại những năm nước lên và theo một chu kỳ dường như không thay đổi mấy, con sông Cửu Long trung bình cứ khoảng bốn hoặc năm năm là có một mùa nước ngập lớn hơn những năm bình thường. Vào những mùa nước lớn như vậy, ngoài lớp phù sa dòng Cửu Long mang theo nhiều hơn thường lệ đã đành mà cá tôm cũng theo nước tràn ngập khắp mọi cánh đồng lúa mùa cùng lung vũng đìa bàu vùng hạ lưu của nó nữa.

 

gheCaVom

Ghe cà-vom trên sông Tiền Giang mùa nước lên tháng Chín( Tân Châu, Châu Đốc)

 

Thế rồi sự trù phú về lúa thóc và cá tôm nơi đồng bằng sông Cửu Long vào những năm thập niên 1980-1990 bắt đầu giảm đi nhiều. Có những cánh đồng lúa mùa không còn làm lúa mùa; có những mùa cá dại cá tôm nổi đầu bèo mặt nước khắp các vùng nước cỏ miệt Long Xuyên, Châu Đốc vào các tháng Mười Một, tháng Chạp hằng năm không còn nữa. Rồi những mùa giăng lưới, giăng câu, đặt lờ, đặt lọp đường ven vào các tháng nước ngập cũng vắng bóng cá tôm. Rồi cả đìa bàu lung vũng dường như cá cũng không còn ụp móng như những ngày xa xưa ấy nữa. Đó là chưa kể các loài cá lớn như cá hô, cá kết, cá vồ cờ, cá bông lau, cá bóng tượng, cá mè dinh, cá vảnh, cá lăng… trong các dòng sông Tiền và sông Hậu càng ngày càng khó bắt hơn

 

BacVamCong

Bắc Vàm Cống trên sông Hậu Giang(Long Xuyên-An Giang)

 

Nhưng dù sao đi nữa, những năm tháng vừa kể cá tôm cũng còn tàm tạm và đến các năm cuối thế kỷ 20 cho đến nay thì tình trạng thiếu cá sông cá đồng lại càng bi thảm hơn nhiều. Một phần do dòng nước sông Mẹ bị ngăn bởi những đập nước thủy điện, một phần khác do cách bắt cá, cách cải cách nông nghiệp với nhiều loại thuốc trị sâu rầy làm cho cá tôm khó bề sanh sản đã đành mà còn có nhiều loại cá tép dần dần bị tuyệt chủng nữa. Phải chăng đó là những dấu hiệu cho thấy riêng nguồn cung cấp cá của dòng Cửu Long thôi cũng đã suy yếu đi nhiều; nếu không muốn nói sức sống của dòng Cửu Long không còn như những ngày xa xưa nữa!

Dẫn về điều này, trong sách “CLCD-BĐDS”, tác giả viết:

Những ngày ở Vạn Tượng, buổi sáng sớm mai trời còn mát cao đã có mặt đi dọc bờ sông Mêkong theo con đường Fa Ngum- giống như đường bờ sông Sài Gòn(…) Nay chỉ còn thưa thớt trên sông những chiếc thuyền chai nhỏ mà cao theo dõi từ sáng sớm tới khi vào bờ. Để tận mắt thấy từ trên mỗi chiếc ghe, con cá lớn nhất lưới được không hơn một bàn tay, phần còn lại là mớ cá vụn.(…) Bác ngư dân già vẻ ẩn nhẩn nói : sông càng ngày càng cạn và cá thì ít đi.”(3)

Nói gì ở Lào, tình trạng cá kiếm khó là vậy; mà ngay vùng cá tôm muôn trùng ngày nào của đất An Giang, nay mỗi khi dỡ chà hoặc tát hầm chỉ có hai loại cá nhiều nhất là cá lau kiếng và cá rô phi, còn các loài các khác dường như cũng ít ỏi lắm. . Trên dòng Hậu Giang, khúc sông Hòa Lạc thuộc xã Định An (Lấp Vò) cá bông lau như một khúc sông chỉ chứa toàn là loại cá này; vậy mà rồi mấy năm 2000, bũa lưới kiếm một vài con nấu canh chua ăn vậy mà nhiều lúc chờ hoài đỏ con mắt mà vẫn chưa có. Còn khúc sông từ Rạch Gòi Lớn tới Vàm Cống cũng trên sông Hậu Giang hồi đời trước các ngư dân thả câu được nhiều con cá hô đất có con vảy lớn bằng miệng chén ăn cơm; vậy mà rồi nay tháng Tư mưa già hổng thấy cái vảy con cá hô nào trên các xuồng câu hay bến chợ…

Rồi tới ngay cả những loài sinh vật không trôi theo dòng nước của hai con sông Cái Tiền Giang và Hậu Giang mà ngày nay cũng khó kiếm như cua ốc, cá sặt non, cá rô non ngày xưa muôn trùng mà giờ cũng kiếm không ra…

Thêm vào đó, có nhiều năm tới mùa nước đổ tháng Năm mà nước vẫn còn ròng sát đáy rạch. Tệ hại hơn nữa là có những vùng tới mùa nước ngập, nước lên mà nhiều cánh đồng vẫn chưa có nước chạy tới đất gò. Hiện tượng nước của con sông Cửu Long đôi khi sái mùa như vậy, dân quê chúng tôi vì ít học nên mù mịt về nguyên do xảy ra tình trạng ấy mà chỉ biết nói với nhau mỗi lần gặp gỡ giữa đường hay nơi bờ kinh, liếp rẫy là năm nay nước nhỏ quá để đối lại những mùa nước ngập lụt khắp nơi được kêu là nước lớn và chỉ đơn giản là vậy mà không hề thắc mắc gì khác hơn hai chữ “nước nhỏ” và “nước lớn” ấy mà thôi!

Tới khi đọc cuốn “CLCD-BĐDS” của nhà văn Ngô Thế Vinh, dân quê tụi tôi mới bật ngữa ra là có một hiện tượng dòng nước Cửu Long nay đã “cạn dòng” rồi! Bằng chứng là những mùa nước đổ chúng tôi không thấy nước chảy mạnh và trong nước có màu bùn như ngày xưa, những mùa nước lên như thường lệ hằng năm không còn nước đầy đồng như mọi khi nữa.

Theo sách vừa dẫn, một trong những nguyên nhân làm cho dòng sông Cửu Long cạn kiệt như vậy là do các nước thượng nguồn xây nhiều đập ngăn nước dùng làm thủy điện mà nhiều nhất là Trung Quốc với 14 con đập bậc thềm Vân Nam.. Lời báo động của nhà văn Ngô Thế Vinh trong cuốn sách vừa dẫn với hàng chữ in viết hoa: “NAM KHONG- SÔNG MẸ CẠN DÒNG MAE”(4) cho thấy tác giả cho là tối quan trọng. Hiện tượng cạn dòng đó không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long, mà ngay cả các nước Lào, Cam Bốt cũng bị tình trạng dòng sông Mẹ thiếu nước trầm trọng vào những ngày mùa nước ngập. Theo tác giả, giữ nước làm thủy điện không thôi đã chết thiên hạ dưới hạ lưu rồi mà Trung Quốc còn dùng các hồ nước ấy tưới ruộng cho các vùng khô cằn của họ nữa thì thử hỏi làm sao dân tình miền Tây nước Việt mình không thiếu nước cho được!?!

Do vậy, không phải vô tình mà tác giả dẫn cho người đọc trường hợp cá nước biển vào vùng nước ngọt:“Một ngư dân Nguyễn Văn Chơn và có vợ cư ngụ tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã lưới được con cá đuối khổng lồ trên sông Tiền, đoạn giữa hai xã Tân Mỹ và xã Tân Khánh Trung. Con cá đuối có chiều dài 4 mét và cân nặng tới 270 ký.”(…) Đây cũng là lần đầu tiên ngư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long lưới được một con cá nước mặn lớn như vậy rất xa biển và trên một khúc sông nằm sâu trong đất liền”(5) . Điều đó cho chúng ta, những người sống nơi vùng sông nước Cửu Long, biết thêm một hậu quả khác của dòng nước sông Cửu Long sắp cạn có nghĩa nước biển sẽ càng ngày càng tràn sâu vào đất liền; mà nước biển tràn sâu vào đất liền thì hệ quả của nó còn kinh hoàng hơn nữa chứ không phải chỉ có cá đuối vào sâu tới vùng Tân Mỹ- Tân Khánh Trung của huyện Lấp Vò.

Đó là chưa kể khí hậu thay đổi bất thường làm cho mực nước biển cũng thay đổi theo. Theo như bản tin ngày 15-07-2013 của trang nhà VOA đã viết:

Trong một bản tin, các nhà khoa học về biến đổi khí hậu tiên đoán rằng cứ mỗi độ Celsius gia tăng trong nhiệt độ toàn cầu thì mực nước biển sẽ dâng lên 2,3 mét. Các khoa học gia nói rằng ước tính của họ có thể chính xác trong khoảng thời gian 2000 năm sắp tới.
(…)
Giới chức Ngân Hàng Thế Giới Robert Bisset nói với đài VOA rằng mực nước biển tăng tới 50 centimet vào khoảng năm 2050 là “không thể tránh được.” Nó sẽ có tác dụng rõ ràng tại Xích đạo, đăc biệt là tại những vùng đông dân cư như Bangkok, Thái Lan và thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
”(6)

Xem như thế sanh mạng của dòng Cửu Long chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng của sự biến đổi của mực nước biển này nữa.

Với hiện tượng “Sông Mẹ Cạn Dòng” và nước biển càng ngày càng dâng cao, nhà văn Ngô Thế Vinh còn đưa ra một lời than mà dân quê chúng tôi chưa bao giờ tự hỏi: “Một mai khi cạn nguồn phù sa và nước ngọt để chỉ còn cường triều nước mặn thì đó sẽ là buổi hoàng hôn của nền Văn Minh Miệt Vườn; và cũng để rồi sẽ có một ngày nào đó-đây đó trên khúc sông Mêkong sẽ :

“Sông kia giờ đã lên đồng,
Bên làm nhà cửa bên trồng ngô khoai.
Vảng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…” (Tú Xương).(7)

Vâng thưa bạn, có lẽ sanh mạng dòng Cửu Long không đến nổi bị lấp bằng như câu thơ mà tác giả vừa dẫn nhưng chắc chắc sức sống của nó không còn mạnh mẽ như ngày nào bởi thời gian qua mấy năm gần đây cho thấy trong dòng chảy của nó có vẻ yếu đi nhiều, phù sa không mang lên nổi các cánh đồng, cá tôm nó mang theo cũng không nhiều như những năm cách nay sáu bảy chục năm, mỗi lần thủy triều dâng nước biển lại bò xa vào đất liền hơn những năm tháng trước. Đó là chưa kể ngày xưa mỗi lần bạn bơi xuông trên dòng sông nước mát trong lành ấy, bất cứ khi nào bạn khát nước, bạn chỉ cần lấy chiếc nón lá đang đội trên đầu xuống và múc một nón nước cho vào miệng uống như nước trời, bạn sẽ nghe nước mát của con sông thiêng ấy chạy một luồng mát lạnh vào tận trong huyết quản của bạn. Nhưng nay, bạn khát nước, chắc gì bạn dám múc nước để uống như ngày xưa! Sở dĩ bạn còn ngại ngùng vì nước sông Cửu Long ngày nay không còn sạch như nước sông Cửu Long từ sáu bảy mươi năm trước nữa rồi! Tất cả những hiện tượng vừa kể dù lạc quan tới đâu đi chăng nữa, dân quê tụi tôi cũng không quên rằng con sông Cửu Long ngày nay không còn là con sông Cửu Long của những ngày lúa mùa thuở nào!

Thưa bạn,

Hàng chữ in đậm trong cuốn sách “CLCD-BĐDS”: “ MAE NAM KHONG-SÔNG MẸ CẠN DÒNG!”, tác giả muốn gởi tới bạn đọc và những người quan tâm tới con sông Cửu Long như một lời cảnh báo! Lời cảnh báo của nhà văn Ngô Thế Vinh qua cuốn sách CLCD-BĐDS” là một lời cảnh báo khẩn cấp về sanh mạng dòng Cửu Long đang cạn dần . Đây là một hiện trạng có thật, rất đáng để mọi người lưu ý; bởi vì sông Cửu Long là một dòng sông đã và đang bị con người làm cho nó suy tàn đi nhiều và cái khó là dòng sông Cửu Long chảy qua tới 7 nước nên mỗi nơi đối xử với nó mỗi khác, không nước nào giống nước nào, nhưng có điều chắc chắn là người ta chỉ biết tận dụng dòng nước ngọt ấy chứ ít có ai nghĩ rằng sẽ gìn giữ bảo vệ nó.

Bây giờ làm sao mỗi người trong chúng ta có thể làm cách nào ngăn cho sự suy tàn của dòng Cửu Long càng chậm lại chừng nào càng tốt chừng nấy. Một điều mà ai ai cũng đều biết chắc là con sông Cửu Long chưa thể ngày một ngày hai là nó sẽ khô, nhưng chắc chắn là nó đang yếu lắm rồi; nó yếu bởi do con người làm cho nó yếu. Và hãy cứu lấy nó, bởi lẽ chúng ta những người sống với nước ngọt của dòng sông Cửu Long, không có nước của con sông này chúng ta sẽ sống khó hơn nhiều, nếu không muốn nói là rất khó sống! Nhưng làm thế nào để cứu lấy nó đây?

Vâng, nhà văn Ngô Thế Vinh đã nghĩ: “Thiện chí bảo vệ sự tinh khiết và toàn vẹn của con sông Mekong chỉ hữu hiệu khi có được sự hiểu biết tối thiểu về hệ sinh thái của con sông ấy.”(8)

Còn bạn, bạn sẽ nghĩ sao?

Lương Thư Trung

Houton ngày 17-07-2013

Phụ chú:

1/”Cửu Long Cạn Dòng-Biển Đông Dậy Sóng”, của Ngô Thế Vinh, in lần thứ nhất năm 2000, do nhà xuất bản Văn Nghệ tái bản năm 2001, Hoa Kỳ, trang 727.

2/ “Mùa Màng Ngày Cũ” của LTT, Thư Ấn Quán in năm 2011.

3/ “CLCD-BĐDS”, (sđd) trang 612, 616

4/ “CLCD-BĐDS”, (sđd) trang 613.

5/ “CLCD-BĐDS”, (sđd) trang 343.

6/ Trang nhà VOA tiếng Việt ngày 15 tháng 07 năm 2013

7/ “CLCD-BĐDS’, (sđd) trang 615.

8/ “CLCD-BĐDS”, (sđd) trang 671.

bài đã đăng của Lương Thư Trung

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)