Trang chính » Biên Khảo, Học Thuật, Lịch Sử, Nghiên Cứu, Tư Liệu Email bài này

Đại Cáo: Huyền Thoại về Vị Vua Khai Quốc Lê Lợi – Phần II: Đại Cáo (kỳ 4)

1 bình luận ♦ 8.08.2019
image_thumb.png

Rốt cuộc:
Lấy đại nghĩa thắng hung tàn,
Lấy chí nhân thay cường bạo.
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.
Sĩ khí do đó càng tăng,
Quân thanh từ đây càng dậy.
Bọn Trần Trí, Sơn Thọ, nghe hơi mà mất vía,
Lũ Lý An, Phương Chính, nín thở mong thoát thân.
Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại,
Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về.
Ninh Kiều máu chảy thành sông, trôi tanh muôn dặm,
Tốt Động thây phơi đầy nội, để thối ngàn năm.
Tâm phúc giặc, Trần Hiệp đã phải bêu đầu,
Mọt gian giặc, Lý Lượng cũng đành bỏ mạng.
Vương Thông gỡ rối, đám cháy lại càng bùng,
Mã Anh cứu nguy, lửa thù càng thêm bốc.
Nó trí cùng lực kiệt, chờ chết bó tay,
Ta mưu phạt tâm công, không chiến cũng thắng.
Tưởng chúng phải đổi nết thay lòng,
Ngờ đâu vẫn làm càn chuốc tội.
Khăng khăng cố chấp, gieo vạ cho bao người,
Thiển cạn tham công, mua cười khắp thiên hạ.(H)

卒能以大義而勝凶殘,以至仁而易強暴.蒲滕之霆驅電掣,茶麟之竹破灰飛.士氣以之益增,軍聲以之大振.陳智山壽,聞風而褫魄;李安方政,假息以偷生.乘勝長驅,西京既為我有;選鋒進取,東都盡復舊疆.寧橋之血成川,流腥萬里;窣洞之屍積野,遺臭千年.陳洽賊之腹心,既梟其首;李亮賊之奸蠹,又暴厥屍.王通理亂而焚者益焚,馬瑛救闘而怒者益怒.彼智窮而力盡,束手待亡;我謀伐而心攻,不戰自屈.謂彼必易心而改慮,豈意復作孽以速辜.執一己之見以嫁禍於他人,貪一時之功以貽笑於天下. Tốt năng dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn, dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo. bồ đằng(58) chi đình khu điện xiết, trà lân(59) chi trúc phá khôi phi. sĩ khí dĩ chi ích tăng, quân thanh dĩ chi đại chấn. trần trí(60) sơn thọ,(61) văn phong nhi sỉ phách; lý an(62) phương chính,(63) giả tức dĩ thâu sinh. thừa thắng trường khu, tây kinh ký vi ngã hữu; tuyển phong tiến thủ, đông đô tận phục cựu cương. ninh kiều(64) chi huyết thành xuyên, lưu tinh vạn lý; tốt động(65) chi thi tích dã, di xú thiên niên. trần hiệp(66) tặc chi phúc tâm, ký kiêu kỳ thủ; lý lượng(67) tặc chi gian đố, hựu bộc quyết thi. vương thông(68) lý loạn nhi phần giả ích phần, mã anh(69) cứu đấu nhi nộ giả ích nộ. bỉ trí cùng nhi lực tận, thúc thủ đãi vong; ngã mưu phạt nhi tâm công,(70) bất chiến tự khuất. vị bỉ tất dịch tâm nhi cải lự, khởi ý phục tác nghiệt dĩ tốc cô. chấp nhất kỷ chi kiến dĩ giá họa ư tha nhân, tham nhất thời chi công dĩ di tiếu ư thiên hạ.

Ngày 11/5/1406, Vĩnh Lạc triệu kiến Chu Năng, hoàng đế muốn nghe vị đại tướng đề xuất số lượng quân lính dự kiến sử dụng cho việc bình định An Nam. Thành Quốc công tâu: Thần nghe rằng quân nhân nghĩa không cần nhiều, vì rằng nhân nghĩa là vô địch trong thiên hạ. Bệ hạ dùng đạo quân cực nhân nghĩa để dẹp bọn cực bất nhân, bọn thần phụng mệnh biểu dương uy trời, một khi tiếng trống lệnh dấy lên là dẹp sạch. Còn quân nhiều ít là do Hoàng thượng định liệu (Minh Thực lục I, 219-220). 臣聞仁不可為眾也蓋仁義之師天下無敵 陛下以至仁伐至不仁臣等奉揚 天威當一鼓掃滅師之多寡惟 上所命 (Minh Thực lục I, 579-580). Thần văn nhân bất khả vi chúng dã cái nhân nghĩa chi sư thiên hạ vô địch bệ hạ dĩ chí nhân phạt chí bất nhân(71) thần đẳng phụng dương thiên uy đương nhất cổ tảo diệt sư chi đa quả duy thượng sở mệnh.

Hai bên đều tự nhận mình hành động theo nhân và nghĩa, cặp khái niệm triết học Trung Hoa do Mạnh Tử nâng cao nội hàm và cổ vũ thực hành trong xã hội. Ngọn cờ nhân nghĩa của Thành tổ nhanh chóng thuyết phục được đa phần giới ưu tú đồng bằng Nhĩ hà. Chỉ trong một năm nhóm cường hào rất mạnh người kinh lộ đã thành công trong việc hỗ trợ quân Minh triệt hạ nhà Hồ, sáp nhập An Nam. Ngọn cờ nhân nghĩa của Lê Lợi không hấp dẫn đến thế. Qua tám năm trận mạc, khi tiến ra bắc năm 1426, dù được chào đón niềm nở nhưng quân Lam Sơn vẫn đi lại đơn độc vùng Thiên Quan, Quảng Oai, Tam Giang.(72) Hào kiệt chỉ tấp nập yết kiến khi Lê Lợi vây thành Đông Quan, tuy nhiên, số nhân sự phù hợp vẫn chưa đủ để trông coi quân dân vùng mới giải phóng. Suốt từ lúc còn chiến đấu mãi đến sau đăng quang, Lê Lợi luôn kiên trì kêu gọi sự hợp tác của thành phần có năng lực thông qua tuyển mộ, tiến cử, khảo hạch…. Nhưng dường như ông không thành công bằng người Minh trong vấn đề chiêu tập hiền tài, nhất là hiền tài châu thổ.

Thực ra, hấp lực của “nhân nghĩa” do lãnh tụ mỗi bên đưa ra sẽ mạnh hoặc yếu tùy thuộc nhiều vào đạo quân thuộc quyền. Sức lôi cuốn của Lê Lợi tăng trưởng theo từng chiến công. Mùa thu năm 1424, trên đường vào Nghệ An, nghĩa quân bị chặn đánh cả hai mặt tiền hậu tại núi Bồ Đằng. Dù được trợ giúp bởi tù trưởng Cầm Bành, quân Minh dưới quyền chỉ huy của Trần Trí, Lý An vẫn bị đòn mai phục phải tháo chạy. Đô ty Trần Trung chết tại trận. Hôm sau, phe Lam Sơn giành chiến thắng vang dội trước đội quân của Sư Hựu tại trang Trịnh Sơn, châu Trà Lân, chém Thiên hộ Trương Bản. Tướng Hựu một mình chạy thoát. Liên tiếp thất bại, người Minh có phần e ngại, lui về thành Nghệ An. Cầm Bành thiếu chi viện phải đầu hàng. Với uy thanh mới, Lê Lợi dễ dàng tuyển 5.000 đinh tráng. Sang năm 1425, nghĩa quân liên tục thắng lợi ở Khả Lưu, Bồ Ải, được dân chúng tranh nhau đón rước khao thưởng. Họ mừng rỡ thấy lại uy nghi nước cũ. Tù trưởng châu Ngọc Ma Cầm Quý mang 8.000 binh lính, 20 voi chiến đến giúp. Quân khởi nghĩa rất kỷ luật, mọi người nghe tiếng lần lượt quy phục, cùng hợp sức vây trị sở Nghệ An. Sau đợt huấn luyện củng cố ngay tại trận địa, quân Lam Sơn dễ dàng đẩy lùi Trần Trí và viện binh của Lý An. Thừa thắng, Bình Định vương sai Lê Lễ đi tuần Diễn châu. Tại đây, Lễ phá tan quân công kích từ trong thành ra đồng thời cướp hết đoàn thuyền lương từ Đông Quan do Đô ty Trương Hùng thống lĩnh. Ông đuổi Hùng đến tận Tây Đô. Lê Lợi điều tiếp các tướng Lê Triện, Lê Sát….mang thêm quân đến Tây Đô vây thành. Trai tráng Thanh Hóa tranh nhau đến cửa quân xin đánh giặc. Mùa thu năm 1426, hai xứ cực nam Tân Bình Thuận Hóa trơ trọi được giải quyết nhanh bởi Lê Nỗ, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An…(73) Tại đây, các tướng gom được vài vạn quân tinh nhuệ, thanh thế lừng lẫy.(74) Như vậy, từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa bộ máy quân chính nhà Minh trở nên vô hiệu. Người Minh rút hết vào các thành trì trị sở chính.

Tựa lưng vào vùng Trại ít thiện cảm với người Minh, Phụ đạo Khả Lam an tâm phóng ra chiến dịch sau cùng. Mùa thu năm 1426, hai đạo quân Lam Sơn vòng qua phủ trị Giao Châu tuần sát các địa phương nằm trên đường tiến quân của viện binh nhà Minh từ Vân Nam và Quảng Tây, một đạo khác phong tỏa vùng đồng bằng phía nam sông Hồng. Quân tinh nhuệ do Lê (Đinh) Lễ, Lê (Nguyễn) Xí… chỉ huy hướng thẳng về Đông Quan. Nghĩa quân không chạm đến cây kim sợi chỉ nên dân chúng sinh hoạt bình thường; họ vui vẻ mang trâu, dê, rượu đến khao đãi binh sĩ.(75) Khi Lê Triện từ hướng tây-tây bắc dẫn 3.000 quân áp sát Đông Quan, Trần Trí hoảng hốt mang lính ra chận tại Ninh Kiều nhưng thất bại. Trí trở vào thành gia cố hào lũy, gửi thư gấp gọi Lý An, Phương Chính từ Nghệ An về cứu nơi cội rễ. Lưu một phần nhân lực giữ vòng vây Nghệ An, Lê Lợi điều thủy bộ theo gót bọn An, Chính. Ông tạm dừng tại Lỗi Giang, úy lạo tướng sĩ, thăm hỏi thân thuộc đồng hương đồng thời chờ tập hợp thêm binh lính Hải Tây. Nhân dân Thanh Hóa tấp nập bái yết xin được tùng chinh.

Người Minh phản ứng tích cực trước chuyển biến ở Giao Chỉ. Hai đạo quân được nhanh chóng điều sang trợ lực Trần Trí. Đạo một vạn(76) từ Vân Nam bị Lê Khả đánh tan ở cầu Xa Lộc (thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú nay), đạo năm vạn do Vương Thông cầm đầu đến được Đông Quan. Vương Thông kết hợp lực lượng mới và cũ gồm khoảng mười vạn mở chiến dịch lớn hăm hở quét sạch nhóm Lam Sơn khỏi đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, tương quan hai bên thay đổi nhiều, quân Minh đại bại tại Ninh Kiều-Tốt Động dưới tay Lê Lễ, Lê Triện; Thượng thư Trần Hiệp và Nội quan Lý Lượng tử trận, Vương Thông trúng thương chạy về Đông Quan. Bọn Lê Lễ tiến thẳng đến phủ thành bố trí phong tỏa. Theo Toàn Thư, từ đó lịch chính sóc nhà Minh không thi hành đến quận huyện nước ta nữa. Hệ thống cai trị đã tan rã trên thực địa.

Lê Lợi hành quân gấp đến Lũng Giang, rồi Phù Liệt.(77) Ông trực tiếp chỉ huy các tướng đánh phá đô thành, phá sạch hệ thống doanh trại ngoại vi trấn giữ bởi Phương Chính.

Ngoài nhân dân các quận huyện, Toàn Thư lần đầu tiên nói về “hào kiệt”, “tù trưởng” đến quy thuận chúa Lam Sơn tại hành doanh gần thành Giao Châu. Đó là các phần tử được mong đợi nhưng Lê Lợi chỉ có dịp tiếp kiến đại trà khi đã đi quá phần khó của đoạn đường. Ngọn cờ nhân nghĩa dương lên tám năm mới thuyết phục được phần tử vai vế trong xã hội, khi quân Minh đã mất sự hiện diện bên ngoài đồn lũy. Muộn còn hơn không, mọi người đều được tiếp đãi trân trọng và phân công việc phù hợp (Toàn Thư II, 279). Ít ra họ sẽ không theo viện binh sắp sang mà chống phá. Lạc quan hơn, nếu muốn nắm chắc những gì đang sở hữu, họ sẽ phải nộp cống thuế cho chủ mới. Tuổi thọ con người chỉ khoảng 30 đến 35 vào thế kỷ XV. Như vậy quá nửa nhân số xã hội thời điểm 1426 từ lúc sinh ra đã hít thở không khí Giao Chỉ. Số còn lại, ký ức về một vị quân chủ Đại Việt nếu sâu đậm phải ở lứa trên ba mươi lăm, chiếm tỉ lệ dân số rất thấp. Hiểu như vậy chúng ta mới nhận ra khó khăn của Lê Lợi tại đồng bằng. Người trại thiếu thủ lĩnh từ năm 1414 đến năm 1418, người kinh sống dưới quyền Tổng binh suốt 18 năm. Từ năm 1407, thái độ đối với người Minh của dân kinh và dân trại đã khác biệt; sau 18 năm kinh lộ sống trong vòng cai quản của Tam Ty, khác biệt này hẳn bị khoét sâu hơn nữa. Tuy nhiên với hàng loạt chiến thắng, ngọn cờ nhân nghĩa của Lê Lợi có sức thu hút tầng lớp manh lệ chịu nhiều mất mát; riêng với giới ưu tú từng nhận phần chia trong buổi tiệc máu sẽ hứa hẹn nhiều phân vân, cả về hai phía.

Thất bại Ninh Kiều-Tốt Động khiến Vương Thông dao động, ông sai người đến gặp Lê Lợi giảng hòa, mong toàn quân trở về. Thủ lĩnh kháng chiến chấp thuận, cho Vương Thông gọi binh lính các thành hội tụ tại Đông Quan để cùng triệt thoái.(78) Theo sử Việt, Thành Sơn hầu giữa chừng đổi ý vì dèm pha của nhóm quan lại địa phương. Ông sợ chịu chung số phận của Ô Mã Nhi đời Trần (Toàn Thư II, 280). Theo sử Minh, hành động cầu hòa chỉ là trá mưu của Vương Tổng binh nhằm chờ chi viện từ đất mẹ (Minh Thực lục II, 201). Sự thực có lẽ nằm ở Minh Thực lục vì chưa bao giờ họ Vương ngừng nghỉ việc ngầm gửi người về chính quốc xin cứu viện. Kháng chiến sẽ rơi vào thế nguy nếu quân các thành Hải Tây tập trung về Đông Quan cùng lúc viện binh vượt biên giới. May mắn, phía Minh thiếu tướng thao lược. Ngay cả hai đạo cứu binh từ Quảng Tây và Vân Nam còn không phối hợp được với nhau! Tuyên Đức, Liễu Thăng, Vương Thông chưa phải là đấu thủ ngang tầm Lê Lợi. Tuy nhiên đồn đãi về đại quân sắp sang tạo nên bối cảnh bất lợi cho phía Lam Sơn. Vương Thông vững lòng hơn, cố đánh thắng một trận quan trọng tại Hoàng My (nay thuộc Hà Nội), bắt giết viên tướng tài ba nhất của nghĩa quân là Lê Triện. Lại có mật báo tù binh từ các thành đầu hàng rục rịch nổi loạn. Nhiều khả năng họ lỡ nộp thành vì chưa biết cứu viện sẽ đến. Không điều tra nhiều, Lê Lợi cho giết sạch cỡ vạn người.(79) Nguy hại hơn, trong hàng ngũ quân nhân các lộ Quốc Oai và Tam Đái xuất hiện truyền đơn dụ dỗ, đe dọa. Lắm kẻ mượn danh ma quỷ thánh thần gieo rắc hoang mang trong xã hội. Tại đồng bằng, nhiều người âm thầm bất phục, họ dễ bị kích động bởi “cuồng Minh” và “ác đảng”.

Có lẽ phía Lam Sơn cũng rõ mưu toan từ giặc bắc. Những câu cuối trong đoạn văn trên đầy tính mỉa mai chế nhạo.

Thế rồi thằng nhãi ranh Tuyên Đức hiếu chiến hung hăng,
Lại sai lũ hèn nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy.
Tháng 9 năm Đinh Mùi, Liễu Thăng bèn đem quân từ Khâu Ôn tiến sang,
Tháng 10 cũng năm ấy, Mộc Thạnh cũng chia đường từ Vân Nam kéo đến.
Ta trước đã chọn quân chẹn hiểm, bẻ mũi tiên phong,
Rồi sau lại điều binh chặn đường, cắt nguồn lương giặc.
Ngày 18 tháng ấy, Liễu Thăng bị quân ta tấn công, rừng Chi Lăng mưu mô đổ sụp,
Ngày 20, Liễu Thăng bị quân ta đánh bại, núi Mã Yên tử trận phơi thây.
Ngày 25, Bảo Định bá Lương Minh trận hãm phải bỏ mình,
Ngày 28, Thượng thư Lý Khánh kế cùng phải thắt cổ.
Ta thuận đà, đưa dao tung phá,
Giặc bí nước, quay giáo đánh nhau.
Kế đó, lại tăng quân vây bức bốn bên,
Hẹn đến giữa tháng 10 nhất tề diệt giặc.(I)

遂使宣德之狡童黷兵無厭, 乃命晟昇之懦將以油救焚.丁未九月柳昇遂引兵由丘溫而進,本年本月沐晟又分途自雲南而來.予前既選兵塞險以摧其鋒,予後再調兵截路以斷其食.本月十八日柳昇為我軍所攻,計墜於支稜之野;本月二十日柳昇為我軍所敗,身死於馬鞍之山.二十五日保定伯梁銘陣陷而喪軀,二十八日尚書李慶計窮而殞首.我遂迎刃而解,彼自倒戈相攻.繼而四靣添兵以逼圍,期以十月中旬而殄滅. Toại sử tuyên đức chi giảo đồng độc binh vô yếm, nãi mệnh thạnh thăng chi nọa tướng dĩ du cứu phần. đinh vị cửu nguyệt liễu thăng toại dẫn binh do khâu ôn nhi tiến, bản niên bản nguyệt mộc thạnh hựu phân đồ tự vân nam nhi lai. dư tiền ký tuyển binh tái hiểm dĩ tồi kỳ phong, dư hậu tái điều binh tiệt lộ dĩ đoạn kỳ thực. bản nguyệt thập bát nhật liễu thăng vị ngã quân sở công, kế đọa ư chi lăng chi dã, bản nguyệt nhị thập nhật liễu thăng vị ngã quân sở bại, thân tử ư mã an chi sơn. nhị thập ngũ nhật bảo định bá lương minh trận hãm nhi táng khu, nhị thập bát nhật thượng thư lý khánh kế cùng nhi vẫn thủ. ngã toại nghênh nhận nhi giải, bỉ tự đảo qua tương công.(80) kế nhi tứ diện thiêm binh dĩ bức vi, kỳ dĩ thập nguyệt trung tuần nhi điễn diệt.

Ngày 12/4/1426, khi nghe tin Trần Trí, Phương Chính thua trận Trà Long (tức Trà Lân), vua Tuyên Đức khiển trách Trí và Chính. Hoàng đế Minh gọi tên vị thủ lĩnh khởi nghĩa như sau: Giặc Lê Lợi vốn chỉ là tên nhãi con, nếu sớm tận tâm đánh bắt, thì dễ như nhặt một cọng lá (Minh Thực lục II, 134). 叛賊黎利本一小醜如早能盡心掩捕如拾芥 (Minh Thực lục II, 602). Bạn tặc lê lợi bản nhất tiểu xú như tảo năng tận tâm yểm bộ như thập giới. “Giảo đồng 狡童”, tên nhãi ranh nghe ra rất đốp chát với “Tiểu xú 小醜”, thằng nhóc xấu xa. May thay, hai vị hoàng đế dùng từ khiếm nhã khi nói về nhau chứ không dùng chúng để nói với nhau. Hạ Tuyên Đức xuống vai vế nhãi ranh, nghĩa là Lê Lợi sẵn sàng tiêu diệt quân đội do “thiên tử” phái đến mà chẳng phải chịu trách nhiệm đạo đức gì. Có thể nương lời Mạnh Tử trong chương “Lương Huệ vương” để nói rằng: Đại Việt chống một tên nhãi ranh, không chống vua.(81)

Trước khi Liễu Thăng vượt Pha Lũy, ngoài các thành Nghệ An, Diễn Châu, Thị Cầu, Tam Giang lần lượt ra hàng, còn lại đồn Khâu Ôn bị Lê Lựu, Lê Bôi…đánh chiếm; thành Xương Giang bị phá sạch bởi Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lý, Trần Hãn….(82) Quân khởi nghĩa hoàn toàn làm chủ tuyến đường từ Lạng Sơn đến Đông Quan. Đón tiếp Liễu Thăng, Lê Lợi sai các tướng Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Lãnh, Lê Liệt, Lê Thụ…mang binh tượng mai phục trước ở ải Chi Lăng. Lê Lựu nhử giặc vừa đánh vừa lui dần từ Pha Lũy, đến Ải Lưu, rồi Chi Lăng. Tại đây Liễu Thăng bị giết; lần lượt các chỉ huy Phó Tổng binh Lương Minh, Thượng thư Lý Khánh đều chết.(83) Thôi Tụ, Hoàng Phúc gắng gượng tiến về Xương Giang nhưng gần đến nơi mới biết thành đã đổi chủ. Đạo binh đành đóng trại giữa đồng dưới mưa gió mịt mờ.

Chúa Lam Sơn điều thủy bộ khóa chặt các cửa ải sau lưng quân Minh. Dù cá đã nằm trong rọ, ông vẫn cẩn trọng chuẩn bị dao thớt.

Kén quân tì hổ, chọn tướng vuốt nanh,
Voi uống cạn sông, gươm mài vẹt núi.
Đánh một trận, sạch sanh kình ngạc,
Đánh hai trận, tan tác chim muông.
Nó như kiến tan đàn dưới bờ đê vỡ,
Ta tựa cơn gió mạnh quét sạch lá khô.
Đô đốc Thôi Tụ lê gối xin đầu hàng,
Thượng thư Hoàng Phúc trói mình đành chịu bắt.
Lạng Sơn, Lạng Giang thây chất đầy đường,
Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước.
Ghê gớm thay, sắc phong vân phải đổi,
Ảm đạm thay, ánh nhật nguyệt phải mờ.
Binh Vân Nam bị quân ta chẹn ở Lê Hoa, nơm nớp hoảng kinh, trước đà vỡ mật,
Bọn Mộc Thạnh nghe quân Thăng bại ở Cần Trạm, xéo nhau tháo chạy, chỉ cốt thoát thân!
Suối Lãnh Câu, máu chảy trôi chày, nước sông rền rĩ,
Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đỏ lòm.
Hai cánh viện binh đã gót chẳng kịp quay, thảy đều đại bại,
Mấy thành giặc khốn cùng nối nhau cởi giáp, lũ lượt ra hàng.
Tướng giặc bị tù, nó đã vẫy đuôi xin tha mạng sống,
Oai thần không giết, ta cũng thể lòng trời mở đức hiếu sinh.(J)

愛選貔貅之士,申命爪牙之臣.飲象而河水乾,磨刀而山石鈌.一鼓而鯨刳鱷斷,再鼓而鳥散麕驚.決潰蟻於崩堤,振剛風於稿葉.都督崔聚膝行而送款,尚書黃福面縛以就擒.僵屍塞諒江諒山之途,戰血赤昌江平灘之水.風雲為之變色,日月慘以無光.其雲南兵為我軍所扼於梨花,自恫疑虛喝而先以破膽;其沐晟眾聞昇軍大敗於芹站,遂躪藉奔潰而僅得脫身.冷溝之血杵漂,江水為之嗚咽;丹舍之屍山積,野草為之殷紅.兩路救兵既不旋踵而俱敗,各城窮寇亦將解甲以出降.賊首成擒,彼旣掉残卒乞怜之尾;神武不殺,予亦體上帝好生之心. Ái tuyển tì hưu chi sĩ, thân mệnh trảo nha chi thần. ẩm tượng nhi hà thuỷ can, ma đao nhi sơn thạch khuyết. nhất cổ nhi kình khô ngạc đoạn, tái cổ nhi điểu tán khuân kinh. quyết hội nghĩ ư băng đê, chấn cương phong ư cảo diệp. đô đốc thôi tụ tất hành nhi tống khoản, thượng thư hoàng phúc diện phọc dĩ tựu cầm. cương thi tắc lạng giang lạng sơn chi đồ, chiến huyết xích xương giang bình than chi thuỷ. phong vân vị chi biến sắc, nhật nguyệt thảm dĩ vô quang.(84) kỳ vân nam binh vi ngã quân sở ách ư lê hoa, tự đỗng nghi hư hạt nhi tiên dĩ phá đảm; kỳ mộc thạnh chúng văn thăng quân đại bại ư cần trạm, toại lận tạ bôn hội nhi cận đắc thoát thân. lãnh câu chi huyết chử phiêu, giang thuỷ vị chi ô yết; đan xá chi thi sơn tích, dã thảo vị chi ân hồng. lưỡng lộ cứu binh ký bất toàn chủng nhi câu bại, các thành cùng khấu diệc tương giải giáp dĩ xuất hàng. tặc thủ thành cầm, bỉ ký trạo tàn tốt khất liên chi vĩ; thần võ bất sát, dư diệc thể thượng đế hiếu sinh chi tâm.

Lê Lợi chỉ chọn binh sĩ thiện chiến và chỉ huy nanh vuốt trong trận đánh quyết định tương lai Đại Việt. Theo Toàn Thư, các tướng sẵn có mặt tại khu vực gồm Lê Sát, Lê Lý, Lê Nhân Chú, Lê Văn An,(85) được bổ sung thêm Lê Vấn và Lê Khôi. Tất cả đều là lãnh đạo Thiết Đột. Sĩ số phía Lam Sơn gồm bốn vạn ba nghìn người, quá ít để bao vây đạo quân tám vạn. Có lẽ Toàn Thư chỉ tính chủ lực. Hỗ trợ họ phải có “Phụ Thiết Đột các quân”(86) đảm đương việc của công binh, vận tải, hoặc hoạt động du kích quấy nhiễu khiến giặc mệt mỏi. Lính phụ trợ, nếu gồm cả dân phu, có thể đông hơn lính chính quy nhiều. Phục vụ mặt trận này, tướng kinh lộ duy nhất được nêu tên là Trần Nguyên Hãn, ông nhận công tác chẹn ngõ vận lương. Nguyên Hãn được Bình Định vương tin cậy nhưng chưa thể sánh ngang các tướng người vùng trại. Chất lượng nghĩa quân và trang bị được đánh giá bằng số lượng theo cách ấn tượng. Dùng “lượng” hao khuyết của đá và nước diễn tả “chất” của kiếm và voi tạo cảm xúc tráng lệ. Về người, con số ít ỏi một hai hồi trống để giải quyết trận đánh biểu đạt sắc nét kỹ năng chiến đấu xuất quỷ nhập thần của tì hổ, trảo nha. Nguyễn Trãi lấy “lượng” nhỏ thời gian chỉ thị “phẩm” lớn của chiến sĩ.

Cặp đối “quyết hội nghĩ ư băng đê, chấn cương phong ư cảo diệp” dịch bởi Hoàng Văn Lâu trên đây là chính xác. Bản dịch Trần Trọng Kim, vốn xem lũ giặc như “đê vỡ”, “lá khô” tan tác vì sức phá hoại của “tổ kiến” hay “gió lớn”, thể hiện sai tinh thần soạn giả. Hai câu thể hiện tương đối rõ thế tương ứng của hai phe lâm chiến. Câu đầu nói về ta, ví binh lực mạnh như nước tràn đê vỡ kết liễu lũ kiến tán loạn. “Quyết 決”, giết tử tội; “hội 潰”, lính tráng mất tinh thần bỏ chạy không hàng ngũ, một từ khác miêu tả tình trạng “đảo qua tương công”, trở giáo đánh lẫn nhau của quân Thôi Tụ; “nghĩ 蟻”, con kiến, từ khinh bạc dùng chỉ kẻ thù. Trần Nguyên Đán từng gọi kinh đô Đồ Bàn là “nghĩ điệt”, tổ kiến. Không ai tự so mình với kiến trong cuộc tàn sát do chính mình tiến hành. Câu sau dễ cảm nhận hơn, nói về địch, ví kẻ địch giữa vòng vây như lá khô cưỡng gió mạnh. Ức Trai tả cảnh quân Minh lẩy bẩy, cuống cuồng.

image

Dàn phóng hỏa tiễn đời Minh
()

Sử Minh qui nguyên nhân gây thất bại vào bầy voi trận Lam Sơn: Thôi Tụ điều quan quân tiến; đến Xương Giang gặp giặc, quan quân ít giặc thì đông, cố gắng đánh nhưng giặc xua voi vào trợ chiến, nên quân loạn, Thôi Tụ bị bắt sống (Minh Thực lục II, 172).(87) Hỏa pháo nhà Minh, từng khắc chế thành công đàn voi Vân Nam của người Miêu (1388) và đàn voi thành Đa Bang nhà Hồ (1407), nay chỉ vang lên rời rạc vài tín hiệu cầu cứu. Mưa to đến mức “người ngựa nhìn nhau không nhích lên được bước nào” có thể đã hủy hoại khả năng các đội thần cơ.

image

Phù điêu đền Bayon miêu tả voi chiến đế quốc Khmer,
hình ảnh gần gũi của voi chiến Đại Việt
()

Kiềm Quốc công Mộc Thạnh quá cảnh giác, tự biến thành trò cười cho thiên hạ. Trước ông không lâu, quân Vân Nam do Vương An Lão dẫn vào Giao Chỉ chưa ai quay về. Quân Vương Thông từ Quảng Tây cũng mất hút. Đông Quan trở thành lỗ đen ngấu nghiến sinh lực Đại Minh. Uy danh Lam Sơn chấn động cõi bắc khiến bảng kê tên quan chức thiên triều ngại sang Giao Chỉ cứ dài ra: Cấp sự trung Lưu Hoán (Minh Thực lục II, 110), Đô chỉ huy Trương Quí, Lỗ Tăng (Minh Thực lục II, 164-165), Trấn Viễn hầu Cố Hưng Tổ (Minh Thực lục II, 170), Sự quan Hàn Chính, Chỉ huy Cao Long, Thiên hộ Tiền Hoằng (Minh Thực lục II, 174-175), Thị lang hành tại bộ Hình Phàn Kính, Phó đô ngự sử Viện đô sát Hồ Dị, Chinh Nam tướng quân Mộc Thạnh…Họ tìm mọi cách trì hoãn rời đất nhà.

Đấu tranh tuyên truyền có lẽ được tung ra không chỉ từ một phía. Nếu lính mới quy phụ thuộc các lộ Quốc Oai, Tam Đái lưu chuyển những tờ rơi thì doanh trại Mộc Thạnh hẳn cũng nhiễu loạn tin tức về mũi nhọn chủ lực gặp rắc rối tại Lạng Sơn. Lê Lợi lại sai Nguyễn Trãi viết thư cho Thạnh khéo nhắc quân Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu sang An Nam từ năm ngoái nay mười phần còn một.(88) Tướng sĩ Vân Nam chưa đánh đã run. Rốt cục, việc xảy ra ở Lê Hoa tương tự sự kiện xảy ra tại Mục Dã hơn hai ngàn năm trước. Trông thấy tàn tích của Liễu Thăng, giặc tự vỡ. “Lãnh Câu chi huyết chử phiêu”(89) hàm chỉ đội quân này tự đâm chém nhau để bỏ chạy. Nguyễn Trãi lại dùng “lượng”, một lượng lớn mơ hồ, để tường thuật chiến tích. Tính mơ hồ xóa nhòa giới hạn sức tưởng tượng của người nghe. Câu chuyện giặc Ngô đại bại sẽ đọng lại thành truyền kỳ về những dòng sông đỏ, những bờ bãi ngập ngụa thi thể giá lạnh.

Vương Thông thất vọng nhưng những hành động tiếp theo cho thấy ông tinh thục nghề binh. Để ước định mức tiêu hao nội lực của phe Lam Sơn sau đại chiến với Thôi Tụ và Mộc Thạnh, Vương Thông dốc hết sức đánh vào lũy bao vây của ta (Toàn Thư II, 298). Ông thất bại, suýt bị bắt, do đó mới quyết định xin hòa. Lê Lợi nghe theo lời khuyên của Lại bộ Thượng thư chấp nhận giảng hòa (Toàn Thư II, 299). Quân Minh về nước bằng phí tổn của Đại Việt.
Tham tướng Phương Chính, nội quan Mã Kỳ, được cấp trước năm trăm chiếc thuyền, đã vượt biển, vẫn hồn bay phách lạc.
Tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh, lại được cho mấy ngàn cỗ ngựa, về nước rồi, còn tim thót chân run.
Nó đã tham sống sợ chết, thực bụng cầu hòa,
Ta coi toàn quân là hơn, để dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế cực kỳ sâu xa,
Mà cũng xưa nay chưa từng nghe thấy.
Xã tắc do đó vững bền,
Non sông từ đây đổi mới.
Trời đất bỉ rồi lại thái,
Nhật nguyệt mờ rồi lại trong.
Để mở nền thái bình muôn thuở,
Để rửa mối sỉ nhục ngàn thu!
Âu cũng nhờ trời đất, tổ tông linh thiêng ngầm giúp mới được như vậy.(K)

參將方政,內官馬騏,先給艦五百餘艘,既渡江而猶且魂飛魄䘮;總兵王通,參政馬瑛,又給馬數千餘疋,已還國而益自股慄心驚.彼既畏死貪生,而修好有誠;予以全軍為上,而欲民與息.非惟計謀之極其深遠,蓋亦古今之所未見聞.社稷以之奠安,山川以之改觀.乾坤既否而復泰,日月既晦而復明.于以開萬世太平之基,于以雪天地無䓖之恥.是由天地祖宗之靈,有以默相陰佑而致然也! Tham tướng phương chính, nội quan mã kỳ, tiên cấp hạm ngũ bách dư sưu, ký độ giang nhi do thả hồn phi phách táng; tổng binh vương thông, tham chính mã anh, hựu cấp mã sổ thiên dư thất, dĩ hoàn quốc nhi ích tự cổ lật tâm kinh. bỉ ký uý tử tham sinh, nhi tu hảo hữu thành; dư dĩ toàn quân vi thượng,(90) nhi dục dân dữ tức. phi duy kế mưu chi cực kỳ thâm viễn, cái diệc cổ kim chi sở vị kiến văn. xã tắc dĩ chi điện an, sơn xuyên dĩ chi cải quán. càn khôn ký bĩ nhi phục thái, nhật nguyệt ký hối nhi phục minh. vu dĩ khai vạn thế thái bình chi cơ, vu dĩ tuyết thiên địa vô cùng chi sỉ. thị do thiên địa tổ tông chi linh,(91) hữu dĩ mặc tương âm hữu nhi trí nhiên dã.

Vấn đề của Lê Lợi không chỉ là giặc Minh. Ông bác bỏ việc đánh thành một phần để tránh đòn trả thù từ Tuyên Đức nếu ông ta bị bỉ mặt, phần khác bảo vệ được nguyên khí của quân phụ tử để ổn định đồng bằng. Vùng sông Hồng chỉ yên lặng khi Lam Sơn chiếm ưu thế, trường hợp phá thành thất bại hay tinh thần suy sút do tình hình dằng co thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Toàn Thư chép Nguyễn Trãi, một người kinh lộ, khuyên chủ tướng chấp nhận giảng hòa là để che đi mối lo âu kín đáo của Lê Lợi về dân tình trung châu nếu chiến sự kéo dài. Với Minh, chiến tranh kết thúc khi Vương Thông qua sông; với Lê Lợi, sự nghiệp chỉ mới hoàn thành phân nửa. Là nhà chính trị nhạy bén, Bình Định vương một mặt vỗ về nhưng hẳn không thể lơ là cảnh giác với cộng đồng người từng sống dưới sự cai trị của ngoại bang suốt 20 năm. Quan lại hay binh lính của ông cũng không thiếu những người tin rằng Trần Cảo sẽ tiếp tục quốc thống vì vua Minh yêu cầu như thế và họ theo ông cũng vì thế. Lê Lợi phải dập tắt đốm lửa ngầm trước khi nó phát tác. Qua Đại Cáo, tân hoàng đế phấn hứng hứa hẹn một giang sơn tươi sáng cùng phẩm giá cho mọi người, nhưng ngoài đời thực, vua liên tục tập trận trên đồng bằng trong mùa xuân năm 1429. Quân Minh đã triệt thoái trước đó nên hành động này chẳng gì khác hơn là lời răn đe đến những ai đang bất bình vì mất quyền lợi bởi cuộc đổi đời. Không phải vô cớ mà Whitmore khi xem xét Đại Việt sau 1428 đã liên tưởng đến Việt Nam sau 1975.

Để chấm dứt phần chính của văn bản, Nguyễn Trãi lại dùng câu khẳng định như khi khẳng định vị thế Đại Việt: vua ta thành công nhờ trời đất tổ tiên phù hộ. Ức Trai không chừa không gian cho bình phẩm, nếu có, về yếu tố này. Nó là một tiên đề: trời trao mệnh cho người có Đức. Việc đương nhiên tới mức bàn cãi là thừa. Vua Minh từng phát biểu một câu gần giống thế để khen ngợi binh lính vào ngày 5/7/1407: Trẫm bất đắc dĩ sai các ngươi mang quân phạt tội. Nhờ trời đất tổ tông phù hộ, tướng sĩ hết sức liều mình, uy lực tới mọi nơi đều được tiểu trừ, bắt sống cha con nghịch tặc Lê Quí Ly cùng bọn ngụy quan…(Minh Thực lục II, 259).(92)

Quan Thừa chỉ đã cung kính đặt Lê Lợi ngang Bắc đế, hay hơn nữa, ở địa vị thánh vương đời cổ.

Ôi!
Một gươm đại định, nên công oanh liệt vô song,
Bốn biển thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn.
Bố cáo gần xa,
Mọi người đều biết.(L)

於戲!一戎大定,迄成無之功; 四海永清,誕布維新之誥.布告遐邇,咸使聞知.Ô hô! nhất nhung đại định,(93) hất thành vô cạnh chi công; tứ hải vĩnh thanh,(94) đản bố duy tân chi cáo. bố cáo hà nhĩ, hàm sử văn tri.

Ở đoạn kết ngắn ngủi Nguyễn Trãi dùng đến hai điển tích liên quan đến Chu Vũ vương. Có lẽ theo ông, Tuyên Đức chưa thể sánh cùng Thuận Thiên mà phải cỡ Cơ Phát. Chúng ta cũng nên chú ý đến hai chữ “văn tri”, nghe biết. Đại Cáo chủ yếu để đọc cho mọi người nghe, yết bảng chỉ là phụ. Tinh thần Kinh Thư thấm đẫm Đại Cáo trên từng câu chữ. Cũng như vua Minh, để thuyết phục quần chúng, Lê Lợi luôn tuyên bố hành động vì nhân nghĩa. Cuộc chiến giữa hai vương quốc không phải là cuộc va chạm giữa hai hệ thống giá trị, mà giữa hai tập nhóm muốn xiển dương một giá trị chung. Chính nghĩa thuộc về người triển khai hiệu quả hơn hệ thống giá trị đó. Một trong những phương tiện hữu ích để đạt mục tiêu chính là quân đội.

Nhân nghĩa có phải truyền thống của người Đại Việt? Không! Khi cộng đồng dân cư tại khu vực nay thuộc bắc bộ và bắc trung bộ lần đầu tiên tiếp xúc người Bắc thì họ chưa biết hai phạm trù trên. Có thể đối đãi mộc mạc kiểu “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách”… rất phổ biến trong luật tục phương nam, nhưng chúng không được khái quát cao như hành vi hay đức “nhân” và “nghĩa”. Đến tận nay tiếng Việt hiện đại vẫn phải mượn tiếng Hán để ghi nhận khái niệm do Hoa Hạ đưa vào vì thiếu từ tương đương. Nhân nghĩa hai bên cùng nêu lên không phải là quy tắc ứng xử thông thường mà là tư cách cần thiết của bậc quân tử. Nhân nghĩa thuộc về nguyên lý trị nước của đế vương Trung nguyên, vua Đại Việt tiếp nhận và thực thi nguyên lý ấy để khẳng định vị thế bình đẳng với phương bắc. Người Bắc tin rằng thế giới gồm hai cực Hoa-Di, người Nam tin rằng thế giới gồm hai cực Nam và Bắc đế.

Khi cho phép Nguyễn Trãi soạn Đại Cáo trên lập trường nhân nghĩa Lê Lợi có mặc cảm vì vay mượn văn hóa ngoại bang? Cũng không nốt! Ông nghĩ rằng đó là phẩm chất bắt buộc của người đứng đầu một nước văn hiến. Cứu cánh của nhân nghĩa chẳng gì khác hơn là nuôi dưỡng muôn loài sao cho chúng sống thỏa thích trong môi trường thích hợp. Phải thực hiện ý hiếu sinh của Thượng đế mới xứng đáng vị trí thiên tử. Nói cách khác, nhân nghĩa mang giá trị mặc định và phổ quát.(95) Quan niệm Nho giáo về quyền lực hình thành trên nền tảng đạo đức đã mở ra con đường hợp lý cho loại anh hùng áo vải như Lê Lợi. Ông trở nên cao quý không vì mang huyết thống cao quý mà vì có hành động cao quý. Chúng ta tôn xưng Lê Lợi như người “anh hùng áo vải” theo nghĩa ông chưa nhận tước hiệu quý tộc (công hầu bá tử nam) và chưa được phép mặc triều phục quy định bởi nhà vua chứ ông không thuộc hàng “lê dân”. Trong thực tế Lê Lợi là lãnh chúa miền núi sở hữu cả nghìn nô bộc. Về trình độ học vấn, thông tin dù thưa ít vẫn còn lưu các chi tiết sau:

-          Lam Sơn thực lục: khi chưa khởi nghĩa, Lê Lợi ẩn náu nơi núi rừng, sống về nghề cấy hái, lấy kinh sử làm vui, đặc biệt để tâm vào các sách thao lược.
-          Nguyễn Trãi nói về Lê Lợi: Ức tích Lam Sơn ngoạn võ kinh.
-          Lê Lợi sau khi đánh dẹp Đèo Cát Hãn có làm hai bài thơ để khắc lên bờ núi ven sông Đà, sau khi đánh dẹp Bế Khắc Thiệu có làm một bài thơ khắc lên vách đá nay thuộc huyện Thạch An, Cao Bằng.

Như vậy Lê Lợi là “trưởng giả”, được ăn học đầy đủ dù chưa phải quý tộc, càng không phải là dân đen. Ông học hành tối thiểu phải đủ chữ nghĩa để giao dịch với quan phủ, để làm sổ sách quản lý sản nghiệp, đồng thời biết võ nghệ và cách thức tổ chức đội ngũ nhằm bảo vệ tài sản của mình, hoặc đáp ứng nhu cầu hỗ trợ chinh tiễu của chính quyền. Ông từng phục vụ nhà Hậu Trần với chức Kim Ngô tướng quân. “Sách thao lược”, “võ kinh” thời đó chẳng gì khác hơn là Tôn Tử binh pháp. Cuộc chiến tranh Lê Lợi tiến hành thể hiện binh pháp Tôn Tử trên nhiều phương diện như “tâm công”, “lấy mềm đánh cứng”, lấy yếu thắng mạnh”, “dĩ đoản chế trường”…“Kinh” trong “kinh sử” mà Lam Sơn thực lục cho biết Lê Lợi vẫn thường đọc chính là “tứ thư ngũ kinh” trong đó có quyển Mạnh Tử đề cập khái niệm “quốc”. Muốn “trị quốc” Lê Lợi đương nhiên phải tìm hiểu “quốc” là gì. Mạnh Tử nói về “hầu quốc”, Lê Lợi có thể tham khảo Nguyễn Trãi và đối chiếu những Hán, Đường, Tống, Nguyên để bổ sung vài yếu tố nhằm biến “hầu quốc” thành “đế quốc”.

Suy nghĩ trong Đại Cáo là suy nghĩ của Ông-Chủ-Nước, không thể tìm thấy nó trong bất cứ tác phẩm nào của quan Thừa chỉ. Thơ Chữ Hán Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập chỉ thể hiện vui, buồn, mừng, giận của một người làm thuê, một bầy tôi. Điều đó bình thường vì dưới chế độ phong kiến đẳng cấp nghiêm ngặt, nhà Nho không có quyền, và cũng không bao giờ, tưởng mình như chủ nước. Vì thế, chúng tôi xem cảm hứng tầm “đế quốc” trong Đại Cáo phát sinh từ Lê Lợi và kỹ thuật thể hiện cảm hứng là công phu bởi Ức Trai. Lê Lợi chưa bao giờ là, hay nhất thiết phải là, văn nhân chuyên nghiệp nhưng ông thừa trình độ cũng như sự tinh tế để gợi ý hay điều chỉnh những gì kẻ thuộc quyền viết ra.

Liam C. Kelley khuyên phải nhìn cuộc chiến Minh – Việt trong toàn cảnh rối rắm của nó, với người Minh đứng về phe Lam Sơn, với người Việt phụng sự nhà Minh, với sự thánh thiện hay tàn ác thuộc về cả hai phía. Sự thật như thế nhưng vẫn nổi lên luồng chảy chính. Theo tường thuật của Lê Lợi qua Đại Cáo, theo nhiều ghi chép đương thời như Lam Sơn thực lục, Minh thực lục, Quân trung từ mệnh tập, Đại Việt sử ký toàn thư… thì trận chiến đó là cuộc quyết đấu giữa Lê Lợi với sự ủng hộ mạnh mẽ từ dân vùng trại và triều đình nhà Minh được trợ giúp bởi tầng lớp tinh hoa kinh lộ. Thành công sẽ thuộc về phe tranh thủ được khối dân đồng bằng đông đảo, khối người buộc ngả theo bên chiếm ưu thế trong từng thời điểm để tồn tại nhưng họ thực sự không nhiệt thành hợp tác với phe nào. Tài liệu cả Minh lẫn Việt đều ghi nhận tinh thần uể oải trong chiến trận của nhóm này nên chủ yếu họ chỉ làm lính đồn điền trong quân đội nhà Minh hay “thiên sư”, “phụ Thiết Đột” trong quân đội Lam Sơn.(96) Phần trước chúng tôi đã lướt qua lịch sử hình thành của hai cộng đồng cấu thành dân số Đại Việt vào cuối Trần và Hồ là “kinh lộ” và “trại”. John Whitmore cũng từng phát hiện có hai cộng đồng mạnh trong lãnh thổ An Nam với chọn lựa chính trị khác biệt và quy họ vào hai nhóm “Ngô” miền biển và “Việt” vùng cao nguyên. Với Whitmore, dân đồng bằng trở thành nạn nhân của hai nhóm mạnh; thực tế, có vẻ họ kiêm vai nạn nhân lẫn thủ phạm. Để rõ hơn, chúng ta thử xem xét tập hợp dân chúng đương thời.

(còn tiếp)

______________________________

Chú thích Phần II (kỳ 4)

(58) Bồ Đằng: tức núi Bồ Lạp/Bồ Cứ, nay thuộc xã châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
(59) Trà Lân: nay thuộc xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
(60) Trần Trí: tước Vinh Xương bá, chức Tham tướng Giao Chỉ.
(61) Sơn Thọ: Trung quan (thái giám), Trấn thủ Giao Chỉ.
(62) Lý An: tước An Bình bá, chức Tham tướng Giao Chỉ.
(63) Phương Chính: Đô đốc, Tham tán phụ tá cho Trần Trí.
(64) Ninh Kiều: cầu bắc qua Ninh Giang (sông Đáy), nay thuộc thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
(65) Tốt Động: nay là xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ.
(66) Trần Hiệp: Binh bộ Thượng thư, trông coi hai ty Bố chính, Án Sát Giao Chỉ.
(67) Lý Lượng: Nội quan, chỉ huy quân đội.
(68) Vương Thông: tước Thành Sơn hầu, nhận chức Chinh Di tướng quân Tổng binh Giao Chỉ từ ngày 8/5/1426.
(69) Mã Anh: Đô đốc Tham tướng Giao Chỉ, sang An Nam cùng lúc với Vương Thông.
(70) Tâm công: bây giờ gọi là chiến tranh tâm lý, tâm lý chiến, hay dân vận.
(71) Lấy ý từ lời Mạnh Tử phê bình một phần nội dung thiên Vũ thành, Chu Thư, Thượng Thư, đoạn thuật lại trận đánh giữa Chu Vũ vương và Đế Tân tại Mục Dã: Tận tín thư, tắc bất như vô thư. Ngô ư Vũ thành, thủ nhị tam sách nhi dĩ hỹ. Nhân nhân vô địch ư thiên hạ. Dĩ chí nhân phạt chí bất nhân, nhi hà kỳ huyết chi lưu chử dã? 盡信書,則不如無書.吾於武成,取二三策而已矣.仁人無敵於天下.以至仁伐至不仁,而何其血之流杵也? Quá tin sách, chẳng bằng không có sách. Ta đọc Vũ thành chỉ chọn được hai ba đoạn. Người nhân vô địch thiên hạ, đem chí nhân trừng phạt chí bất nhân, sao máu lại chảy đến trôi chày?
(72) Xem Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, bản dịch Ngô Thế Long, Nxb Văn hóa-Thông tin (tái bản 2013), trang 165.
(73) Xem Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên II, Lam Sơn thực lục, bản dịch Trần Nghĩa, Nxb Văn học, trang 336.
(74) Xem Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, bản dịch Ngô Thế Long, Nxb Văn hóa–Thông tin (tái bản 2013), trang 49.
(75) Xem Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên II, Lam Sơn thực lục, bản dịch Trần Nghĩa, Nxb Văn học, trang 336. Kế hoạch thắt thòng lọng quanh trụ sở Giao Châu được Thực lục viết rõ và hợp lý hơn Toàn Thư. Đội quân tây bắc của Lê Triện thành công hơn cả. Đội đông bắc của Lê Nhân Chú phải tránh sức tiến của Vương Thông nhằm bảo toàn lực lượng; đội phía Nam sông Hồng không chặn nổi nhóm Phương Chính, Lý An vốn di chuyển bằng thuyền. Các nhóm quân không lấy gì của dân chứng tỏ Lê Lợi chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhằm thu phục nhân tâm. Họ phải mang theo nhiều tài vật để đổi lương thực và tuyển mộ lính địa phương. Sĩ tốt kinh lộ đã góp công sức đáng kể trong chiến thắng sau cùng.
(76) Minh Thực lục không chép gì về đội quân Vân Nam. Toàn Thư và Đại Việt thông sử lại ghi nhận hai lần về sự kiện đội quân bị đánh tan, Lam Sơn thực lục ghi một lần.
(77) Nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
(78) Vương Thông truyền hịch gọi quân các thành vùng Trại quay về Giao Châu nhưng thành Thanh Hóa, do Tri châu La Thông và Chỉ huy Đả Trung lãnh đạo, bất tuân lệnh này (Minh Thực lục II, 155-156). Phần thành Nghệ An, theo Thái Phúc, ông phải rời bỏ vì thiếu lương (Minh Thực lục II, 202).
(79) Cách viết của Toàn Thư gợi ý vụ thảm sát chính là hành động trả thù cho cái chết của Lê Triện.
(80) Lấy ý từ câu “Tiền đồ đảo qua công vu hậu. 前徒倒戈攻于後.”, bộ binh phía trước trở giáo tấn công bọn phía sau… trong thiên Vũ thành, Chu Thư, Thượng Thư. Xem thêm (87)
(81) Mạnh Tử : Tặc nhân giả, vị chi tặc; tặc nghĩa giả, vị chi tàn; tàn tặc chi nhơn, vị chi nhứt phu. Văn tru nhứt phu Trụ hỹ, vị văn thí quân giã 賊仁者謂之賊賊義者謂之残残賊之人謂之一夫聞誅一夫纣矣未聞弒君也,Kẻ làm hại đức nhân, gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa, gọi là tàn. Kẻ tàn kẻ tặc chẳng qua là một người thường mà thôi. Tôi từng nghe vua Võ vương chỉ giết một người thường là Trụ, chớ tôi chưa hề nghe giết vua. Xem Tứ thư, Mạnh Tử, Lương Huệ vương chương cú hạ, dịch giả Đoàn Trung Còn, Nxb Thuận Hóa (tái bản 2013), trang 62-63.
(82) Toàn Thư xếp Trần Hãn đầu danh sách các tướng đánh Xương Giang. Điều này thể hiện biên tập thô thiển của đời sau. Trận Xương Giang do chính Lê Lợi chỉ đạo, quân tâm phúc Thiết Đột làm nòng cốt. Quan Thái úy chỉ huy lính tân phụ, số lượng có thể nhiều hơn quân Trại, nhưng chưa bao giờ đóng vai trò then chốt trong bất cứ chiến dịch nào. Việc điều động “Phụ Thiết Đột các quân” vây Xương Giang được Lê Lợi đề cập trong thư dụ hàng thành Bình Than: Dư bất đắc dĩ tục điều thiên sư khắc kỳ tiến thảo. Ư kim nguyệt bát nhật tý thời, phù cổ nhất minh đồi nhiên băng hội 余不得已續調偏師刻期進討於今月八日子長桴鼓一鳴隤然崩潰. Ta bất đắc dĩ mới điều tiếp cánh quân phụ lập tức tiến đánh. Vào giờ Ngọ ngày 8 tháng này, trống trận vừa mới nổi lên, thành liền bị tan vỡ. Xem Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên I, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch Nguyễn Văn Nguyên-Nguyễn Khuê, Nxb Văn học, trang 649-658. Nhận xét: bản chữ Hán ghi “tý trường 子長”(có lẽ khắc nhầm), bản phiên âm là “tý thời”. Nguyên Hãn chỉ huy “thiên sư 偏師”, cánh quân phụ, đây là lực lượng thực hiện hỗ trợ cần thiết để Thiết Đột giáng đòn quyết định. Toàn Thư ghi nhận nội dung tương tự, Lê Lợi “…sai bọn Hãn đắp đất, mở đường đánh nhau với giặc…” Thiếu Nguyên Hãn, Thiết Đột vô phương phá được thành; công trạng lớn nhưng ông không phải là tướng đứng đầu mặt trận.
(83) Toàn Thư chép Lương Minh bị chém tại trận, Đại Cáo chép Lý Khánh “vẫn thủ 殞首”, rơi đầu. Sử Minh cho rằng Lương Minh chết bệnh trong quân, Lý Khánh phát bệnh từ Quảng Tây, đến Giao Chỉ thì mất.
(84) Khai thác thành ngữ Trung Hoa “Phong vân biến sắc, nhật nguyệt vô quang”. “Gió mây biến sắc” thể hiện thế cực đỉnh của phe Lam Sơn; “nhật nguyệt lu mờ” chỉ tình cảnh bi thảm của quân Minh.
(85) Lam Sơn thực lục ghi nhận danh sách các tướng tham gia trận Chi Lăng tương tự danh sách đưa ra bởi Toàn Thư. Riêng Đại Việt thông sử lại thêm tên Trần Hãn. Quế Đường cho rằng sau trận Chi Lăng, vua sai Hãn đánh úp đội vận lương của Liễu Thăng. Trong khi đó, Toàn Thư chỉ nói Lê Lợi sai Hãn chặn đường tiếp tế (yểm tuyệt lương đạo 掩絶粮道), tương đồng với thông tin trong Đại Cáo (tiệt lộ dĩ đoạn kỳ thực 截路以斷其食). Mặt khác, Minh Thực lục lại chép Phàn Kính và Hồ Dị, chỉ huy binh phu hậu cần, chưa dám thâm nhập An Nam. Có vẻ Lê Quý Đôn miệt mài quá xa trong câu chuyện Trần Nguyên Hãn. Trong Phủ biên tạp lục, ông viết về việc tướng Hãn giải phóng Tân Bình-Thuận Hóa như sau: “Tháng 7 mùa thu năm ấy sai Trần (Nguyên) Hãn đem 1.000 quân và một thớt voi đi đánh các thành Tân Bình, Thuận Hóa để thu phục nhân dân. Đến sông Bố Chính (sông Gianh) gặp quân Minh, bọn Hãn dẫn quân vào chỗ hiểm phục ở Khương Hà, đánh nhau với tướng Minh giả thua, quân Minh đuổi theo, quân phục giáp đánh, đánh tan quân giặc.” Xem Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bản dịch Trần Đại Vinh, Nxb Đà Nẵng 2018, trang 22-23. Ông Lê loại hẳn tên Thượng tướng Lê Nỗ và Chấp lệnh Lê Đa Bồ khỏi bài viết. Nghiên cứu của Quế Đường luôn mang lại giá trị, nhưng thiện cảm dành cho Trần Nguyên Hãn (và Phạm Văn Xảo) khá lộ liễu.
(86) Vua Lê có ưu đãi nhất định đối với binh lính thuộc các đội quân phối thuộc Thiết Đột. Nhiều người từng bị giặc đưa vào các thành Tây Đô, Đông Kinh, Cổ Lộng, Chí Linh nên bị tịch thu nhà cửa, ruộng đất; sau đó, nếu họ tham gia quân phụ Thiết Đột thì tài sản đều được hoàn trả (Toàn Thư II, 313).
(87) Nguyên văn: “thôi tụ suất quan quân tiến chí xương giang ngộ tặc quan quân thiểu nhi tặc chúng quan quân phấn lực tử chiến tặc đại khu tượng dĩ trợ thế quan quân toại loạn tụ vi tặc sở hoạch. 崔聚率官軍進至昌江遇賊官軍少而賊眾官軍奮力死戰賊大驅象以助勢官軍遂亂聚為賊所獲” (Minh Thực lục II, 715 – 716).
(88) Xem Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên I, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch Nguyễn Văn Nguyên-Nguyễn Khuê, Nxb Văn học, trang 673.
(89) Xem thiên Vũ thành, Chu Thư, Thượng Thư: “Giáp Tý muội sảng, Thụ suất kỳ lữ nhược lâm, hội vu mục dã. Võng hữu địch vu ngã sư, tiền đồ đảo qua, công vu hậu dĩ bắc, huyết lưu phiêu chử 甲子昧爽,受率其旅若林,會于牧野.罔有敵于我師,前徒倒戈,攻于後以北,血流漂杵”, Rạng sáng ngày Giáp Tý, Thụ dẫn quân đông như cây rừng tụ tập tại cánh đồng Mục Dã. Tuy nhiên, chúng không chống cự quân ta, lính bộ phía trước trở giáo đánh đội phía sau đến khi bỏ chạy, máu chảy trôi chày.
(90) Xem Binh pháp Tôn tử, Minh Đức dịch, Nxb Văn Học (2017), trang 98-99. Thiên Mưu công: “Tôn tử viết: phàm dụng binh chi pháp, toàn quốc vi thượng, phá quốc thứ chi; toàn quân vi thượng, phá quân thứ chi; toàn lữ vi thượng, phá lữ thứ chi; toàn tốt vi thượng, phá tốt thứ chi; toàn ngũ vi thượng, phá ngũ thứ chi. Thị cố bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện giả dã; bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã. 孫子曰:凡用兵之法, 全國為上,破國次之;全軍為上,破軍次之;全旅為上,破旅次之;全卒為上,破卒次之;全伍為上,破伍次之.是故百戰百勝,非善之善者也;不戰而屈人之兵,善之善者也.” Tôn tử nói: trong phép dùng binh, có thể khiến cho toàn bộ nước địch đầu hàng là thượng sách, đánh tan tành nước ấy chỉ là thứ sách; có thể khiến toàn quân đội địch đầu hàng là thượng sách, đánh tan tành quân đội địch chỉ là thứ sách; có thể khiến cả đơn vị địch đầu hàng là thượng sách, phá vỡ đơn vị đó chỉ là thứ sách; có thể khiến tất cả binh sĩ địch đầu hàng là thượng sách, đánh giết tất cả chỉ là thứ sách; có thể khiến toàn bộ quân ngũ đầu hàng là thượng sách, phá vỡ quân ngũ của địch chỉ là thứ sách. Vì thế, trăm trận trăm thắng chưa hẳn đã là người tướng tài ba nhất; chẳng đánh mà địch chịu hàng mới gọi là mưu trí nhất trong mọi nhà cầm quân mưu trí nhất.
(91) Lấy ý từ lời Chu Vũ vương trong Thái thệ hạ, Chu Thư, Thượng Thư: “dư khắc thụ, phi dư vũ, duy trẫm văn khảo vô tội; thụ khắc dư; phi trẫm văn khảo hữu tội, duy dư tiểu tử vô lương.予克受,非予武,惟朕文考無罪;受克予;非朕文考有罪,惟予小子無良.” Nếu ta thắng Thụ, đó không do sức của ta, mà do phụ vương vô tội (tức có đức); nếu Thụ thắng ta; không phải phụ vương có tội (tức kém đức), mà do ta là đứa trẻ không thiện lành.
(92) Nguyên văn: 朕不得已命爾等往討其罪賴 天地宗社默相將士用命兵威所至咸以削平生擒逆賊黎季犛父子及其偽官(Minh Thực lục II, 672) trẫm bất đắc dĩ mệnh nhĩ đẳng vãng thảo kỳ tội lại thiên địa tông xã mặc tương tướng sĩ dụng mệnh binh uy sở chí hàm dĩ tước bình sinh cầm nghịch tặc lê quý ly phụ tử cập kỳ nguỵ quan
(93) Thiên Vũ thành tán tụng Chu Vũ vương sau khi diệt Trụ: “Nhất nhung y, thiên hạ đại định 一戎衣,天下大定.” Chỉ một lần mang giáp trụ mà thiên hạ đại định.
(94) Xem thiên Thái thệ thượng, Chu thư, Thượng thư. Chu Vũ vương hiểu dụ chư hầu tại Mạnh tân (1123 TCN) có đoạn như sau: “Thiên căng vu dân, dân chi sở dục, thiên tất tùng chi. Nhữ thượng bật dư nhất nhân, vĩnh thanh tứ hải, thời tai phất khả thất! 天矜于民,民之所欲,天必從之.爾尚弼予一人,永清四海,時哉弗可失!”, Trời xót thương dân, dân muốn gì, trời tất theo vậy. Các ngươi hãy cố giúp Ta, khiến bốn biển thanh bình lâu dài, thời chẳng thể đánh mất!
(95) Nhìn nhận của Lê Lợi đối với học thuyết cai trị Trung Hoa rất giống nhìn nhận của trí thức Đức đối với tinh thần Cách mạng Pháp. Dưới sự chiếm đóng của quân đội Napoleon, triết gia Đức Johann Gottlieb Fichte vẫn nghĩ rằng dân tộc Đức sẽ mang giá trị Tự do – Bình đẳng – Bác ái đến thế giới.
(96) Lê Lợi có thử nghiệm thành lập các đạo quân chính quy Thiên Trường, Thiên Võng gồm toàn người kinh lộ nhưng không thành công.

bài đã đăng của Lê Tư

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • Nguyễn Nhân Trí says:

    Mặc dù bản chất của lịch sử là chủ quan vì dữ kiện nền tảng thường dựa vào suy luận lẫn suy đoán của người viết, người đọc vẫn có thể tự lựa một thế đứng trong việc nhìn nhận và chấp nhận bao nhiêu trong cái mình đang đọc.

    Loạt bài viết nầy cực kỳ công phu với nhiều chi tiết lẫn phân tích rất tỉ mỉ, chu đáo. Tôi xin cám ơn tác giả Lê Tư đã đúc kết để chia sẻ.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)