Trang chính » Biên Khảo, Học Thuật, Lịch Sử, Nghiên Cứu, Tư Liệu Email bài này

Đại Cáo: Huyền Thoại về Vị Vua Khai Quốc Lê Lợi- Phần II: Đại Cáo (kỳ 3)

0 bình luận ♦ 5.08.2019
image_thumb.png

LTS: Trong phần II này, tác giả Lê Tư khảo sát văn bản Bình Ngô đại cáo dưới một cái nhìn mới, dựa trên bối cảnh tư tưởng, hành trạng, cũng như hoàn cảnh lịch sử của những trí thức đương thời; đồng thời dựa trên những gì mà Lê Lợi và Nguyễn Trãi muốn truyền đạt chứ không phải những gì mà người ngày nay muốn truyền đạt. Chúng tôi xin lưu ý những điểm nổi bật sau đây:
– Tác giả kiến giải một số khái niệm quan trọng trong văn bản như: ngã, quốc, văn hiến, phong tục, đế, hào kiệt, cuồng Minh, ác đảng, tuấn kiệt, nhân tài, giảo đồng (nhãi ranh), văn tri (nghe biết), nhân nghĩa…trong khi đối chiếu với những văn bản khác trước đó hay cùng thời.
– Dù là người soạn thảo, Đại Cáo không phải là tác phẩm của chỉ một mình Nguyễn Trãi, mà phải có sự cố vấn và chỉ đạo chặt chẽ của Lê Lợi, Ông-Chủ-Nước. Tuy không phải là văn nhân chuyên nghiệp, nhưng Lê Lợi “thừa trình độ cũng như sự tinh tế để gợi ý hay điều chỉnh những gì kẻ thuộc quyền viết ra.”
– Trong hoàn cảnh lịch sử thời đó, tư tưởng nhân nghĩa nằm ở hàng đầu trên thang giá trị chung. Vua Đại Việt hay vua Minh, muốn quần chúng tin theo, phải nêu cao tư tưởng nhân nghĩa như là nguyên lý trị nước cũng như là tư cách của bậc quân tử.
– Cuộc chiến giữa hai vương quốc Minh, Việt không phải là sự tranh chấp giữa hai hệ thống tư tưởng, mà là sự tranh giành chính nghĩa dựa trên cùng một thang giá trị.

 

Chúng ta thử đặt Đại Cáo song song với các văn bản đồng đại để xem xét và cố gắng hiểu nó như trí thức đương thời, những người có cùng mã ngôn ngữ với soạn giả, đã hiểu. Đặc biệt nếu đối chiếu với các văn bản hành chính của người Minh, sẽ dễ dàng phát hiện trận chiến về chân-ngụy trớ trêu nằm sau cuộc chạm trán vũ trang. Đại Cáo không đơn thuần thông báo chiến thắng của Đại Việt trước Đại Minh đến các tầng lớp dân chúng mà còn phản ánh trung thực hiện trạng xã hội. Điều quan trọng là hùng ca này dù được sao chép lại nhưng khả năng nội dung vẫn gần nguyên gốc vì không dễ cho bất kỳ ai tái biên tập trên cơ sở cấu trúc chặt chẽ của văn bản, cũng vì nó không nằm trong tầm ngắm của các chính trị gia đời sau như Toàn Thư hay Lam Sơn Thực lục. Về mặt thông tin Cáo Bình Ngô khả tín hơn sử chính thống hoặc tư nhân.

Sau khi đào sâu thêm nội dung Đại Cáo từ góc nhìn quen thuộc, chúng ta sẽ đi vào vài khía cạnh khác bằng công cụ phân tích khác, tuy đã cũ, nhưng chưa được thể nghiệm rộng rãi trong việc khảo sát văn-sử Việt Nam.

Xin để nguyên văn chữ Hán và phiên âm Hán Việt ngay bên dưới những đoạn văn quan trọng. Thao tác như thế có thể gián đoạn mạch đọc nhưng sẽ giúp độc giả chuyên nghiệp dễ theo dõi hơn.

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.(A)

仁義之舉要在安民,弔伐之師莫先去暴.Nhân nghĩa chi cử yếu tại an dân, điếu phạt(25) chi sư mạc tiên khử bạo.

Đây là nhập đề thường thấy trong các văn bản mang tính công bố của lãnh đạo các cấp, cả Minh lẫn Việt, đặc biệt nhân dịp khởi động hay giải thích chiến tranh.

Trước đó 22 năm (1406), Thành Quốc công Chu Năng khi chuẩn bị dẫn quân vào Giao Chỉ đã cho niêm yết “Tổng binh tiến chinh An Nam bảng văn” với đoạn mở đầu như sau:

(Người ta) thường nói: Dựng lại nước bị diệt, nối dòng họ bị tuyệt, thực là ưu tiên của chính trị nhân từ; trừ khử hung bạo, cứu vớt dân chúng, ắt là hành động phải làm của đội quân vì nghĩa.

嘗謂:興滅繼絕,實仁政之所先,去暴救民,在義師之必舉.(26)
Thường vị: hưng diệt kế tuyệt, thực nhân chính chi sở tiên, khử bạo cứu dân, (27) tại nghĩa sư chi tất cử.

Ngày 5/7/1407, khi bình định An Nam thành công, Vĩnh Lạc ban chiếu báo tiệp đến bách tính, trong đó có lời biện minh việc phải huy động binh lực như sau:

Thực bất đắc dĩ mới phải dấy binh thăm dân phạt tội nhằm “dựng lại nước bị diệt, nối dòng họ bị tuyệt.”

寔不得已是用興師期伐罪吊民將興滅而繼絕 (Minh thực lục I, 668)
Thực bất đắc dĩ thị dụng hưng sư kỳ phạt tội điếu dân(28) tương hưng diệt nhi kế tuyệt.

Ngày 8/6/1426, để tạo điều kiện chính trị-xã hội cho Vương Thông sang An Nam hỗ trợ bọn Trần Trí, Phương Chính đang lao đao vì khởi nghĩa Lam Sơn, hoàng đế Tuyên Đức xuống chiếu miễn xá tội nhân Giao Chỉ với câu mở đầu như sau:

Đạo trị nước của trẫm nhắm thương dân. (Minh thực lục II, 145)

朕惟統理之道所重愛民 (Minh thực lục II, 636)
Trẫm duy thống lý chi đạo sở trọng ái dân.(29)

Mào đầu của Đại Cáo như vậy không có gì đặc biệt. Vào thế kỷ XV, người Việt có cùng nền tảng về đạo đức cai trị với người Minh mà sư biểu chung là đạo đức Khổng Mạnh. Lãnh đạo hai phe đều tự tin rằng họ đã mang nhân nghĩa vào chính trị tức thi hành nhân chính.

Vì sao vua quan nhà Minh xem người Giao Chỉ như dân của họ, còn Lê Lợi giữ ý kiến khác?

Xét như nước Đại Việt ta,
Thực là một nước văn hiến.
Cõi bờ sông núi đã riêng,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt không bao giờ thiếu.(B)

惟, 我大越之國, 實為文獻之邦.山川之封域既殊,南北之風俗亦異.自趙丁李陳之肇造我國,與漢唐宋元而各帝一方.雖強弱時有不同,而豪傑世未常乏. Duy, ngã đại việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang.(30) sơn xuyên chi phong vực ký thù, nam bắc chi phong tục diệc dị. tự triệu đinh lý trần chi triệu tạo ngã quốc, dữ hán đường tống nguyên nhi các đế(31) nhất phương. tuy cường nhược thì hữu bất đồng, nhi hào kiệt thế vị thường phạp.

Đoạn văn từng được bình luận nhiều, thấu đáo những điều người đời nay muốn truyền đạt, nhưng dường như chưa thấu đáo điều Lê Lợi muốn truyền đạt. Để có thể gần gũi hơn với tâm thức của ông, chúng ta cần hiểu những từ quan trọng: ngã, quốc, văn hiến, phong tục, đế, hào kiệt.

Ngã 我: Đại Cáo là lời vua ban cho dân chúng, nên “ngã” có nghĩa “ta” hay “của ta”, không phải “chúng ta” hay “của chúng ta”. Thay vì “trẫm”, Lê Lợi xưng “ngã” hoặc “dư” trong Đại Cáo theo phong cách cổ phác của Chu Thành vương (? – 1020 TCN) (Thượng Thư, Chu Thư, Đại cáo). Dẫu vậy, do vị trí độc tôn, rất không nên cho rằng ông đã hòa mình với bề tôi hay thần dân để cùng xưng là chúng ta.

Quốc 國: người cai trị và kẻ bị cai trị nhận thức khái niệm “quốc” khác nhau. Theo Mạnh Tử, vua chư hầu nên quý trọng ba việc là thổ địa, nhân dân và chính sự.(32) Như vậy, vua chư hầu làm chủ thực thể gọi là “nước” cấu thành từ đất đai, dân chúng, và guồng máy cai trị. Với người bị trị, cả quan lẫn dân, “quốc” đơn giản chính là nhà vua, hoặc gồm thêm triều đình.(33)

Văn hiến 文獻: sách vở đời trước truyền lại, hoặc điển tịch và nhân tài. Văn hiến ở đây tượng trưng cho Thái cực, nền tảng sinh ra Lưỡng nghi là Nam và Bắc.

Phong tục 風俗: tập quán, thói quen, lối sống lâu đời. Như đã trình bày ở phần trước, thời Ức Trai, khái niệm dân tộc hay sắc tộc chưa hình thành rõ rệt. Thức giả khi đó dựa vào “tục” hay “phong tục” để nhận diện các nhóm người. “Nam Bắc chi phong tục diệc dị” chỉ cộng đồng sắc tộc Nam khác cộng đồng sắc tộc Bắc. “Phong tục” ở đây tương đương khái niệm “nhân dân”, một trong ba phần hợp thành nước chư hầu của Mạnh Tử.

Triệu 趙: nhà Triệu (204 – 111 TCN) nước Nam Việt do Triệu Đà sáng lập, đô tại Phiên Ngung (Quảng Châu nay), cai trị năm quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận, Giao Chỉ và Cửu Chân; gần tương đương với Quảng Đông, Quảng Tây, một phần Quế Châu, Bắc và Bắc trung bộ Việt Nam nay. Với nhà Hán, Đà xưng thần nhưng vẫn giữ đế hiệu trong nước. Đến đời vua thứ năm là Triệu Thuật Dương vương thì Nam Việt bị Hán Vũ đế diệt.

Đế 帝: người đứng đầu thiên hạ.

Hào kiệt 豪傑: hào là người giỏi hơn trăm người, kiệt là người giỏi hơn mười người. Hào kiệt chỉ người vượt trên người thường nhưng thiên về khía cạnh quân sự hơn. Nhân tài tiến thân qua thi cử, hào kiệt lập công danh bằng chiến trận.

Như vậy nước Đại Việt của Lê Lợi có thổ địa riêng ngăn cách bởi núi sông; nhân dân riêng với sinh hoạt đặc thù phương Nam; chính sự riêng với bậc đế đứng đầu, thể hiện đầy đủ văn hóa và vũ dũng.(34) Nếu dân tộc không thể kết thành từ hư vô, thì khái niệm về cấu trúc “ngã Đại Việt” cũng thế, không xuất hiện ngẫu nhiên. Nho sĩ Nguyễn Trãi tiến tới định nghĩa Đại Việt dựa trên ba việc vua chư hầu cần chú tâm do thầy Mạnh đề xuất. Tuy nhiên, định nghĩa đó mang đậm dấu ấn vua Lê vì Mạnh Tử không đề cập sự cách biệt giữa dân chúng các nước, càng không nói vị trí vua chư hầu ngang bằng thiên tử nhà Chu. Theo Lê Lợi, thiên hạ gồm hai đế quốc, hai thực thể khác biệt về lãnh thổ và dân cư nhưng cùng văn minh và mạnh mẽ như nhau.

So với ba yếu tố của Mạnh Tử, Ức Trai thêm vào các thành phần “văn hiến” và “hào kiệt”. Thế tại sao phải nói rõ điều đó? Chúng ta lại thấy bóng dáng Thái tổ ẩn hiện sau ngôn từ. Vì một nước văn hiến sẽ từ chối người ngoài đòi giáo hóa, và hào kiệt sẽ ngăn chặn bất cứ ai cố tình vờ vịt điều này. Lập luận nêu trên dẫn đến hệ quả: các nước khác đều là vệ tinh hoặc của Nam đế, hoặc của Bắc đế. Nguyễn Trãi không có, hoặc trước đó chưa có, ý nghĩ như thế. Khi vọng về vua Minh, ông từng gọi dân Giao Chỉ là “hà manh”.

Trong “Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh”, Nguyễn Đình Chiểu nói: “Tủi phận biên manh, căm loài dương tặc!” Với từ ghép “biên manh, dân biên giới”, Hối Trai nhận thức rằng dân Lục tỉnh và vua Tự Đức chẳng khác gì nhau về mặt văn hóa. Họ tương phản với bọn giặc đến từ phương Tây. Với từ ghép “hà manh, dân miền xa”, Ức Trai nhận thức rằng dân Giao Chỉ và vua Vĩnh Lạc chẳng khác gì nhau về mặt văn hóa. Họ tương phản với bọn man di vây bọc Hoa Hạ.

Người thấy dân Việt khác dân Minh là Lê Lợi. Yếu tố “phong tục” tức “nhân dân” bổ sung, kiện toàn quan điểm về “Nam quốc sơn hà” hiện hữu trong bài thơ đánh giặc được cho là xuất hiện vào đời Lý. Vì sao vua Lê nhấn mạnh “phong tục” tức “nhân dân” hai khu vực Nam Bắc khác nhau? Vì đương thời có rất nhiều người, đặc biệt là tinh hoa đồng bằng như Nguyễn Trãi, nghĩ rằng bản thân họ và cộng đồng xung quanh không sai khi thờ vua Vĩnh Lạc. Có thể thấy ý tưởng đó hết sức rõ ràng trong đề đạt xin tái lập quận huyện tại An Nam của Mạc Thúy ghi nhận bởi Minh Thực lục. Họ Mạc không cô đơn, ông được 1.128 bô lão, tức thủ lĩnh cơ sở, ủng hộ. Số người nghĩ như Nguyễn Trãi hay Mạc Thúy đông đáng kể, dù họ dao động lúc này lúc khác, nhưng vẫn tạo thành lực lượng xã hội mạnh khiến bất kỳ lãnh đạo nào cũng phải cân nhắc. Họ có phải người “Ngô” như Whitmore nói? Không! Họ là người kinh lộ thuộc Đại Việt. Dù giữ chức Tri phủ Lạng Giang thuộc Giao Chỉ Bố chính sứ ty, Mạc Thúy vẫn được vua Minh đãi yến cùng với quốc vương Bột Nê, sứ thần Vu Điền, Đông Dương, Ngõa Lạt… là đại diện các tiểu quốc triều cống. Hoàng đế đã không xem phái đoàn họ Mạc như người Ngô. Dân kinh lộ chỉ có cơ hội làm “Ngô” nếu theo Vương Thông triệt thoái. Trên thực tế đa số dân kinh lộ lại chọn An Nam dù phía Minh sẵn lòng mở cửa. Họ chỉ là những người đáng thương ngả nghiêng theo hướng gió để duy trì thu nhập gắn chặt với đất đai hay nguồn tài nguyên bản địa khác nên không có nhu cầu trở thành “Ngô”. Tội của họ là sống tại An Nam mà mơ chủ theo thứ tự: vua kinh lộ, vua Minh, vua trại. Đây là thứ tự mức độ bảo đảm quyền lợi của giới ưu tú bắc bộ. Có thể nói đoạn mở đầu Đại Cáo xác định đối tượng hướng đến của văn bản chính là nhóm người còn ngỡ ngàng trong việc chấp nhận làm tôi nước Đại Việt mới. Nó khẳng định thiên tử nhà Minh chẳng liên can gì đến con dân đế quốc Đại Việt mưu sinh tại đồng bằng sông Hồng. Lê Lợi sử dụng nhân vật phản tỉnh Ức Trai để châm ngòi và thúc đẩy sự thức tỉnh của cộng đồng.

Dạng thế giới gồm hai đế quốc riêng biệt ngang hàng nhau, mỗi bên riêng có hệ thống chư hầu xoay quanh, tồn tại trong tâm thức các vua Việt mãi đến đời Nguyễn. Thậm chí, các vua Nguyễn còn cho rằng Đại Nam mới đích thật truyền thừa văn minh Hán, Đại Thanh thì không. Thế giới đó chẳng có gì tương đồng với thế giới hiện đại được xem như tập hợp gồm nhiều thành viên là các quốc gia-dân tộc độc lập, bình đẳng. Xem đoạn văn đang phân tích như “tuyên ngôn độc lập” vô tình hạ thấp giá trị Lê Lợi và Đại Việt. Nước Việt không độc lập, bình đẳng với Trung nguyên và các nước trong thiên hạ. Vị trí Đại Việt cao hơn thế vì nó chia nửa thế giới với đế quốc phương Bắc. Triệu, Đinh, Lý, Trần cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đồng sở hữu thế giới.

image

Nam đế và Bắc đế đồng sở hữu thế giới
(http://bit.ly/2XTnIAV)

Khoảng cuối thập niên 2000, khi viên tướng Tàu ẩn danh đề nghị Đô đốc Hoa Kỳ Timothy Keating nhường phần giữ an ninh nửa Tây Thái Bình dương cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hẳn ông không hề nghĩ Trung Hoa độc lập và bình đẳng với các quốc gia khác. Có điều gì ngầm sâu trong ý tưởng đó, như hình dung về thế giới G2 chẳng hạn. Có thể nói ông đã tư duy về thế giới theo mô hình Thái cực đồ y như Lê Lợi. Nếu ám ảnh của Việt là Hoa, thì vấn đề của Hoa là phương Tây.

Thông tin về đế quốc phương Nam được đưa ra như một tiên đề. Khối ngôn từ kết chặt không gợi mở thảo luận. Thực ra, Nguyễn Trãi đặt ý chính của Lê Lợi bên ngoài đoạn văn nổi tiếng. Ông nhắc lịch sử nhằm hướng độc giả về thực tại. Tám triều đại hai bên Bắc Nam thuộc về lịch sử. Rợ Hồ đã quay lại đồng cỏ. Thi thể miêu duệ cuối cùng của tộc Trần đã vùi lấp nơi lùm bụi. Thần dân đế quốc Đại Việt cần nghĩ gì? Phải chăng nên liên tưởng, đối diện và chấp nhận cặp đối xứng Minh-Lê trong hiện thực? Nhiều người, đặc biệt ngoài Đại Việt, không tin mấy vào sự hợp lý của các vị đế ở Giao Nam. Đoạn tiếp theo nói về cái giá phải trả cho sự ngờ vực.

Vậy nên:

Lưu Cung tham công mà đại bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tan tành.
Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô
Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã.
Việc xưa xem xét,
Chứng cứ rành rành.(C)

故劉貪功以取敗,而趙好大以促亡.唆都既擒於鹹子關,烏馬又殪於白虅海. 諸往古,厥有明徵.Cố lưu cung tham công dĩ thủ bại nhi triệu tiết hiếu đại dĩ xúc vong toa đô ký cầm ư hàm tử quan, ô mã hựu ế ư bạch đằng hải.(35) kê chư vãng cổ quyết hữu minh trưng.

Lưu Cung (889 – 942): tức Lưu Nham, Lưu Nghiễm hay Lưu Trắc, là Cao tổ nhà Nam Hán (917 – 971). Nam Hán chiếm lĩnh vùng ven biển cực Đông Nam Trung Hoa, đô tại Phiên Ngung (vị trí thành phố Quảng châu hiện nay). Khi Kiểu Công Tiện giết Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ (năm 937) bị Ngô Quyền tiến đánh, họ Kiểu đã cầu cứu vua Nam Hán. Lưu Cung phong con Lưu Hồng Tháo làm Giao vương, sai sang đánh Ngô Quyền. Tháo bị thua chết tại bãi cọc Bạch Đằng. Cung đang giữ hậu viện nghe tin phải than khóc trở về.

Triệu Tiết (1026 – 1090): phó tướng của Quách Quỳ trong lần tấn công Đại Việt năm 1076. Khi trú đóng tại bờ Bắc Như Nguyệt (sông Cầu), Triệu Tiết bị Lý Thường Kiệt tập kích (năm 1077), quân dưới quyền gần như bị tiêu diệt. Ông bị vua Tống Thần tông giáng chức khi về nước.

Toa Đô (? – 1285): chỉ huy đạo quân tiến vào Đại Việt từ Chiêm Thành trong lần xâm lược thứ nhì của Hốt Tất Liệt. Tháng 3 năm 1285, Toa Đô đánh lui Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, bức Trần Kiện đầu hàng, lấn đến Trường châu. Sau đó ông quay lại Thanh Hóa truy đuổi hai vua Trần. Giữa năm 1285, Toa Đô tiến về đồng bằng sông Hồng, hy vọng hội quân với Thoát Hoan. Quân Trần chặn đánh Toa Đô tại Tây Kết, bắt được ông rồi giết đi. Khi nhìn thấy thủ cấp viên Hữu thừa Hành tỉnh Chiêm Thành, vua Trần Nhân tông nói “Làm tôi nên như người này!” rồi sai chôn cất tử tế.

Ô Mã (? – 1289): tướng chỉ huy thủy quân Nguyên Mông trong lần xâm lược thứ ba. Dù thành công trong việc chiếm kinh đô Thăng Long, do thiếu lương, Ô Mã Nhi phải rút binh thuyền theo sông Bạch Đằng để trở về. Ông bị Nội Minh tự Đỗ Hành bắt trong trận thủy chiến lừng danh năm 1288. Năm sau, được Nội thư Hoàng Tá Thốn hộ tống về nước bằng đường thủy theo yêu cầu từ Nguyên Thế tổ. Vua Trần chấp nhận kế trả thù của Hưng Đạo vương, cho người đương đêm đục thuyền khiến Ô Mã Nhi chết đuối. Viên Tham chính này từng đào phá Chiêu lăng, nơi an táng Trần Thái tông.

So với Toàn Thư, số phận của Toa Đô và Ô Mã Nhi được Nguyễn Trãi ghi nhận hơi khác, dịch giả đã chỉnh lại theo thực tế xảy ra. Tuy nhiên, sai biệt không ảnh hưởng đến điều vua Lê muốn thuyết phục mọi người: những ai phủ nhận sự xếp đặt bởi Trời đều chịu kết cục tối tăm. Nghệ thuật Nguyễn Trãi là dần tăng mức độ khốc liệt của sự trừng phạt. Từ giật mình đến bỏ mạng. Mọi loại gánh nặng của thất bại không hẳn chỉ nằm trong tường thuật lịch sử, chúng được ghi nhận bởi một dạng “thiên thư” ẩn khuất. Có thể gọi chức năng của quyển sách vô hình theo định nghĩa xưa là “định phận”. Nó lưu trữ quá khứ cùng lúc dự trù cho tương lai. Thất bại của Nam Hán, Tống, Nguyên ở đây chẳng gì khác hơn tiên báo cho thất bại của nhà Minh sắp đến.

Vừa rồi:
Vì họ Hồ chính sự phiền hà,
Để đến nỗi lòng người oán hận.
Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa,
Bọn gian tà lại bán nước cầu vinh.
Nướng dân đen trên lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ.
Dối trời lừa người, kế quỷ quyệt đủ muôn ngàn khóe,
Gây binh kết oán, tội chồng chất ngót hai mươi năm.
Tan nghĩa nát nhân, trời đất tưởng chừng muốn sập,
Sưu cao thuế nặng, núi chầm hết thảy sạch không.
Kẻ tìm vàng phá núi đãi bùn, lặn lội nơi lam chướng,
Người mò ngọc giòng dây quăng biển, làm mồi lũ giao long.
Nhiễu dân, đặt cạm bẫy hươu đen,
Hại vật, căng lưới bắt chim trả.
Đến cỏ cây sâu bọ cũng chẳng được trọn đời,
Người góa bụa khốn cùng không một ai yên ổn.
Hút máu mủ sinh dân, quân gian ác miệng răng nhờn béo,
Dựng công trình thổ mộc, nhà công tư dinh thự nguy nga.
Chốn châu huyện bao tầng sưu dịch,
Nơi xóm làng lặng lẽ cửi canh.
Tát cạn nước Đông Hải không đủ rửa tanh nhơ,
Chặt hết trúc Nam Sơn không đủ ghi tội ác.
Thần người đều căm giận,
Trời đất chẳng dung tha.(D)

頃因胡政之煩苛,致使人心之怨叛.狂明伺隙,因以毒我民;恶黨懷奸,竟以賣我國.焮蒼生於虐焰,陷赤子於禍坑.欺天罔民,詭計蓋千萬狀;連兵結釁,稔惡殆二十年.敗義傷仁,乾坤幾乎欲息;重科厚歛,山澤罔有孑遺.開金場則冐嵐瘴而斧山淘沙,採明珠則觸蛟龍而絙腰汆海.擾民設玄鹿之陷阱,殄物織翠禽之網羅.昆虫草木,皆不得以遂其生;鰥寡顛連,俱不獲以安其所.浚生民之血,以潤桀黠之吻牙;極土木之功,以崇公私之廨宇.州里之征徭重困,閭閻之杼柚皆空.決東海之水,不足以濯其污;罄南山之竹,不足以書其惡.人之所共憤,天地之所不容. Khoảnh nhân hồ chính chi phiền hà, trí sử nhân tâm chi oán bạn. cuồng minh tứ khích, nhân dĩ độc ngã dân; ác đảng hoài gian, cánh dĩ mại ngã quốc. hân thương sinh ư ngược diễm, hãm xích tử ư họa khanh. khi thiên võng dân, quỷ kế cái thiên vạn trạng; liên binh kết hấn , nẫm ác đãi nhị thập niên. bại nghĩa thương nhân, càn khôn cơ hồ dục tức; trọng khoa hậu liễm, sơn trạch võng hữu kiết di. khai kim trường tắc mạo lam chướng nhi phủ sơn đào sa, thái minh châu tắc xúc giao long nhi căng yêu thộn hải. nhiễu dân thiết huyền lộc chi hãm tỉnh, điễn vật chức thúy cầm chi võng la. côn trùng thảo mộc, giai bất đắc dĩ toại kỳ sinh; quan quả điên liên,(36) câu bất hoạch dĩ an kỳ sở. tuấn sinh dân chi huyết, dĩ nhuận kiệt hiệt chi vẫn nha; cực thổ mộc chi công, dĩ sùng công tư chi giải vũ. châu lý chi chinh dao trọng khốn, lư diêm chi trữ trục giai không. quyết đông hải chi thủy, bất túc dĩ trạc kỳ ô; khánh nam sơn chi trúc, bất túc dĩ thư kỳ ác.(37) thần nhân chi sở cộng phẫn, thiên địa chi sở bất dung.

Vua Đại Ngu mếch lòng trời qua chính sự phiền hà. Đưa vương quốc chìm đắm vào thảm kịch gồm nhiều người Đại Ngu khác. Trước khi lược thuật những gì sinh linh trong lãnh thổ phương Nam chịu đựng, Lê Lợi nêu rõ hai chủ thể tiêu cực: “cuồng Minh” và “ác đảng”. Minh chỉ những gì thuộc về nhà nước Trung Hoa. “Cuồng Minh” kết án triều đình phương Bắc ngông ngạo, vượt khuôn phép, cái khuôn phép vĩnh cửu Ức Trai vừa trình bày qua đoạn văn ngắn bên trên. Ác đảng, lũ ác ôn, luôn là đám gai góc gây nhức nhối cho vua Lê suốt thời gian kháng chiến. Nhưng lũ đó cụ thể là ai? Dựa vào sử hai bên Minh, Việt, có thể phân loại các nhóm người có thái độ rất khác nhau đối với giặc Minh:

– Nhóm hy sinh khi chiến đấu bảo vệ nước Đại Ngu: Thần Đinh tướng quân Ngô Thành, Tả Thánh Dực tướng quân Hồ Xạ, An Phủ sứ Nguyễn Hy Chu….
– Nhóm nổ lực đến cùng cho tới khi bị bắt: Nhập nội Thiêm văn Triều chính Hồ Đỗ, Long Tiệp tướng quân Phạm Lục Tài, Nhập nội Hành khiển Nguyễn Ngạn Quang……..
– Những người tự sát sau khi Quý Ly và Hán Thương sa cơ: các hoạn quan Hành khiển Tham chính Ngô Miễn, Trực trưởng Kiều Biểu và phu nhân, Nguyễn Lệnh……
– Đội kháng chiến dưới cờ Hậu Trần: Quốc công Đặng Tất, Đồng tri Khu mật viện sự Nguyễn Cảnh Chân, Thái phó Nguyễn Súy, Thái bảo Nguyễn Cảnh Dị, Đồng Bình chương Đặng Dung…..
– Vài vị bất hợp tác: nho sĩ Bùi Ứng Đẩu, Lý Tử Cấu…..
– Nhóm đến quân môn Trương Phụ xin hàng: Đặng Nguyên Nguyên, Mạc Thúy, Mạc Viễn, Nguyễn Huân, Trần Phong, Đỗ Duy Trung, Trần Nhật Chiêu, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Cẩn, Đỗ Mãn, Phạm Nguyên Lãm, Lê Uy…

Tâm lý mất phương hướng khi xã hội tan rã dẫn đến lựa chọn khác nhau của mỗi người tùy thuộc nguồn gốc xuất thân, nền văn hóa được hấp thụ và điều kiện địa phương. Sử ký chỉ đề cập tên tuổi các nhân vật thuộc tầng lớp trung gian giữa vua và dân thường. Đám đông im lặng bên dưới có lẽ chưa có quyền chọn lối đi, họ chủ yếu chỉ vâng phục quyết định từ lớp người trên. Thời kháng Nguyên, Quốc Tuấn kêu gọi tướng hiệu cấp dưới nêu cao tinh thần chết vì chủ mà ông gọi là lòng trung nghĩa. Sâu sát hơn, Hưng Đạo vương nhắc đến mục tiêu chiến đấu vì bổng lộc cùng sự bảo toàn vợ con. Hơn trăm năm sau, qua một bức thư gửi Vương Thông, Lê Lợi bày tỏ tự tin vì biết giáo dục sĩ tốt về nhân nghĩa khiến họ thương yêu bề trên, phụng sự người trưởng. Trong Phú núi Chí Linh, Nguyễn Trãi nhắc đến việc binh sĩ vì thọ ơn mà sẵn lòng chết cho lãnh đạo. Thời đó, cấu trúc xã hội chưa đủ độ cố kết mà đầu óc con người cũng chưa đủ phong phú để tưởng nên dân tộc và tổ quốc. Bình dân chiến đấu vì chủ, người nuôi nấng bảo bọc bản thân họ và gia đình.(38)

Trong sáu nhóm thái độ, ba nhóm đầu thuộc triều đình Hồ, họ làm trọn nghĩa vụ của mình. Nhóm thứ tư có lãnh tụ tộc Trần tôn phù bởi binh tướng phần nhiều xuất thân Hoan Ái. Hậu Trần dũng cảm, kiên trì, nhưng công nghiệp lỡ làng vì thất bại trong lôi kéo sự ủng hộ của hào sĩ châu thổ sông Hồng. Nhóm thứ năm rất đặc biệt, họ cảm thấy bất an với nhà Minh dù hưởng thụ học vấn nặng ảnh hưởng Hoa Hạ. Tuy nhiên Toàn Thư cho biết số người này đếm trên đầu ngón tay.

“Nghệ phụ hàng 詣輔降”, yết kiến Trương Phụ để đầu hàng, không phải là lựa chọn bắt buộc hay duy nhất, nhưng là lựa chọn dễ dàng nhất. Đa số nhân sự thuộc tầng lớp trung gian chọn hướng này. Họ hành xử như vậy có thể vì tin vào chính sách “hưng diệt, kế tuyệt” của Minh Thành tổ, cũng có thể nhằm duy trì tài sản hay địa vị xã hội, lại có thể do e ngại các tập đoàn Thanh Nghệ với đường lối khắc bạc, hoặc đơn giản chỉ vì họ thuộc dòng dõi các gia tộc gốc Bắc. Tuyên bố biến An Nam thành quận huyện như bộ lọc chính trị thanh tẩy nhóm người quy phụ. Nhiều tên tuổi chìm khuất như Đặng Nguyên Nguyên, Đỗ Mãn, Phạm Nguyên Lãm…, đồng thời nổi lên những Nguyễn Huân, Trần Phong, Mạc Thúy, Đỗ Duy Trung, Lương Nhữ Hốt… là số nhân vật chúng ta có dịp khảo sát sơ lược trong phần “Hợp Tác với Quân Minh: Người Kinh Lộ”. Lũ ác ôn chính là nhóm này, họ sát cánh quân Minh để gây ra thảm họa lớn nhất trong lịch sử người Việt.

Toàn Thư cho biết năm 1417 vua Minh sai Lý Bân sang An Nam thay thế Trương Phụ, đặt Giám sát Ngự sử tuần xét việc cai trị An Nam. Tổng binh mới sắp xếp cho thổ quan lần lượt sang Nam kinh triều cận, lại cho khám hộ khẩu, ruộng đất, lương thực trong ba năm (từ tháng 7 ta năm 1414 đến tháng 6 ta năm 1417) để làm “sổ tu tri” dâng lên. Mốc 1414 đánh dấu bởi sự kiện vua Trùng Quang, Nguyễn Súy, Đặng Dung bị áp giải về Bắc. Ngay sau thời điểm bình định, người Minh đã bắt đầu kiểm tra dự trữ tài nguyên bản địa, trưng tập sinh viên, khai mỏ vàng bạc, tìm voi trắng, mò ngọc trai, độc quyền kiểm soát mua bán muối. Tuy nhiên, vơ vét đại quy mô chỉ diễn ra sau khi sổ tu tri được dâng nộp. Đương thời, hẳn ngân sách Đại Minh bị sức ép chi phí nặng nề từ chiến tranh với Mông Cổ và từ hạm đội Trịnh Hòa. Theo nhà nghiên cứu Trương Tú Dân (1908 – 2006), sổ tu tri là một nguồn dữ liệu của Giao Chỉ tổng chí, phần chủ yếu trong quyển sách ngày nay mang tên An Nam chí nguyên. Ông Trương cho rằng An Nam chí nguyên là gán ghép miễn cưỡng của hai sách: An Nam chí kỉ yếu và Giao Chỉ tổng chí;(39) Cao Hùng Trưng (1635? – 1700?) chỉ soạn phần tổng luận vốn mang tên An Nam chí kỉ yếu, các phần còn lại do quan lại thuộc Ty Bố chính dưới quyền Hoàng Phúc làm ra và mang tên Giao Chỉ tổng chí.(40) Với viện dẫn từ “Vĩnh Lạc thập ngũ niên tu tri sách”, sổ ghi việc cần biết năm 1417 và với ghi chép về các sự kiện diễn ra đến năm 1419, Tổng chí nhiều khả năng ra đời trong nhiệm kỳ Lý Bân-Trần Hiệp (1417 – 1422) dù thông tin tích lũy từ đời Trương Phụ-Hoàng Phúc.(41) Ức Trai với tư cách thừa sai Ty Bố chính (hay Ty Án sát) hẳn từng đóng góp phần nào vào quá trình làm sách. Tổng chí có vài bài thơ của Phạm Sư Mạnh, nhân vật sinh trưởng từ vùng đất nay thuộc Hải Dương. Lại có đoạn viết về khu Côn Sơn nơi Trần Nguyên Đán ẩn cư. Đó là ấn chứng sự tham gia biên soạn của người An Nam, những người như Hữu Bố chính sứ Nguyễn Huân hay “thừa sai” Nguyễn Trãi. Họ đều quê Hải Dương. Có thể giả định thêm bước nữa rằng sổ tu tri cũng là nguồn dữ liệu quan trọng cho Dư địa chí của Nguyễn Trãi sau này. Hoặc ngược lại, chính Dư địa chí với lượng thông tin dồi dào nhưng được viết trong thời gian khá ngắn giúp chúng ta suy đoán quan Thừa chỉ từng làm việc với “tu tri sách”.(42)

Ở vị trí như thế, Nguyễn Trãi am hiểu tiến trình khai thác thuộc địa bài bản của người Minh.

Do thu vén quá mức, chính quyền buộc phải dựa vào dối trá và bạo lực. Từ “Hân thương sinh ư ngược diệm, nướng dân đen trên lửa hung tàn…” đến “Sơn trạch mị hữu kiết di, núi chầm hết thảy sạch không”, Đại Cáo khái quát hành động tàn ngược cực điểm của giới cai trị. Đoạn từ “Khai kim trường tắc mạo lam chướng nhi phủ sơn đào sa…, Kẻ tìm vàng phá núi đãi bùn, lặn lội nơi lam chướng …” đến “Lư diêm chi trữ trục giai không, Nơi xóm làng lặng lẽ cửi canh.” chi tiết sự chịu đựng chưa từng có của dân đen Giao Chỉ. Những việc như khai mỏ vàng, mò trân châu, bẫy lưới hươu đen chim trả… đều là sự thật. Sản phẩm cung đốn thiên triều liệt kê ở đây cũng được ghi lại trong Toàn Thư, Minh Thực lục, Minh sử, An Nam chí nguyên…Chính người Minh cũng nhìn nhận sự bốc lột quá đáng.

Một nhân vật đặc biệt khét tiếng tham bạo là Nội quan Mã Kỳ, người bị các sử gia Minh xem như thủ phạm gây ra loạn lạc tại Giao Chỉ. Toàn Thư có các dòng ghi chép về Mã Kỳ như sau: Mùa thu, tháng 7 (1419), viên thổ quan Tri phủ Nghệ An là Phan Liêu vì bị bọn nội quan nhà Minh bức bách lấy vàng bạc, bèn dẫn quân bắt giết các quan do nhà Minh phái đến, rồi đem quân vây thành Nghệ An…(43) (Toàn Thư II, 259). Lê Ngã, một tay lãng tử, chỉ cần trá xưng lính hầu Mã Kỳ cũng được châu huyện nể nang cấp dưỡng. Khi Vĩnh Lạc băng năm 1424, việc lấy vàng bạc và hương liệu bị vua mới Hồng Hy đình chỉ. Theo lệnh trên, các quan phụ trách trong vòng mười ngày phải quay về kinh. Mã Kỳ rời An Nam do chiếu triệu hồi này. Tài liệu phía Minh về Mã Kỳ rõ hơn rất nhiều:

Ngày 31/8/1419: ……Nhân Mã Kỳ bạo ngược phi lý, Liêu bèn làm phản tại huyện Nha Nghi(44), cùng viên thổ quan Thiên hộ Trần Đài tụ tập đám đông đốt phá châu huyện giết quan lại; viên thổ quan chỉ huy vệ Nghệ An Lộ Văn Luật cũng đi theo… (Minh Thực lục II, 67). Ngày 29/11/1424, Minh Thực lục phản ánh tính cách ma mãnh của Mã Kỳ qua ghi chép: Hoàng thượng dụ viện Hàn Lâm về việc Nội quan Mã Kỳ tung tin lại được sang Giao Chỉ quản lý vàng, bạc, trân châu, hương liệu. Lúc bấy giờ Kỳ mới bị triệu về chưa được bao lâu, viện Hàn Lâm lại tâu về việc Mã Kỳ được chấp thuận sang lần nữa. Thiên tử nghiêm mặt nói: ‘Trẫm làm sao có thể nói chấp thuận cho y sang! Y trước đây tại Giao Chỉ làm hại quân dân, từ đó dân theo về một phía để mong cởi bỏ sự khốn khổ; vậy làm sao còn sai đi! Nếu trẫm sai đi thì không những chiếu thư không còn được tin tưởng nữa, mà lại còn làm hỏng cả việc lớn. Y gần đây ở trong cung, cầu xin trăm cách; bọn tả hữu đều tâu cho y sang lần nữa sẽ có lợi cho nước. Trẫm không đáp. Các khanh phải hiểu ý Trẫm.’ Do đó lệnh được hủy bỏ (Minh Thực lục II, 106).

Vua Minh từ chối điều động Kỳ sang Giao Chỉ nhưng không trừng phạt họ Mã về thái độ lộng hành. Tâm địa tàn khốc của Mã Kỳ phá hoại chính sách cai trị An Nam nhưng tay hoạn quan vẫn ung dung nhờ hậu thuẫn bí mật, đây là thế lực ngầm khiến Hồng Hy phần nào kiêng dè. Mãi đến khi Vương Thông rút quân, vua Tuyên Đức mới chấp thuận đề nghị của đình thần tống Mã Kỳ vào nhà ngục vệ Cẩm Y.

Minh sử nói về Mã Kỳ như sau: Người Giao Chỉ vốn thích làm loạn. Trung quan Mã Kỳ馬騏 nhân việc thu gom sản vật đến Giao Châu, ra sức đòi những thứ trân bảo ở đất ấy, khiến dân tình tao động, những kẻ hung hãn bèn nhân xúi giục, đến khi đại quân vừa quay về, liền lập tức cùng nhau nổi dậy.(45) Nói về Phan Liêu như sau: Liêu vốn là con của (Phan) Quý Hựu – Tri phủ Nghệ An khi trước, nối chức cha, không chịu sự tàn ngược của Mã Kỳ mà làm phản. Bọn thổ quan là Chỉ huy Lộ Văn Luật (路文律), Thiên hộ Trần Đài (陳苔) đều theo.(46) An Nam chí kỷ yếu nói về sự thô bỉ của người Minh, đặc biệt là Mã Kỳ như sau: Bấy giờ quan lại nhà Minh tham lam của cải và vật báu, làm cho người Giao Châu không sao chịu nổi những sự hạch sách và nhũng nhiễu, chẳng ai còn ý hướng theo triều đình nữa. Nhất là Mã Kỳ càng làm nhiều điều trái phép. Các quan châu huyện người bản thổ lại càng gieo tai rắc độc không xiết kể! Do đó, những người làm phản nổi dậy tứ tung, Lê Lợi lại càng kịch liệt hơn cả.(47)

Trong phần Cống phú, Giao Chỉ Tổng chí viết: Quốc triều từ năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407) trở về sau số liệu cống phú chưa có ngạch định hẳn hoi, bởi vì dân Man phản trắc bất thường, nên số ngạch định khi tăng khi giảm không nhất định. Nay xin căn cứ vào bản Tu tri sách năm Vĩnh Lạc thứ 15 (1417) về vàng bạc và hương vật, đều có trường sở xuất sản và người coi giữ. Hằng năm cứ đến thời kỳ nhất định thì nội quan và quan trong ba ti đốc thúc các hộ quân dân cùng đi khai thác và thu lượm, nhưng không đề ra số ngạch nhất định; khi làm xong, các quan cùng nhau hội đồng kiểm điểm niêm phong, sai người đi tiến cống. Lệ ngạch đó không phải do các châu, các huyện hằng năm đứng làm, nên không thấy chép trong Tu tri sách.(48)

Qua các ghi chép trên, chúng ta thấy sản vật Giao Chỉ chảy về Bắc theo hai luồng. Luồng chính thức gồm những hạng mục đề cập trong phần cống phú sách Giao Chỉ Tổng chí, chúng được châu phủ nộp về triều đình thông qua các quan Tam ty; tài sản này thuộc ngân sách đế quốc. Luồng thứ hai gồm vàng bạc và hương vật, do nội quan dưới sự trợ giúp của Tam ty thu lấy từ các trường sở; tài sản này dường như có phần chảy thẳng vào kho của thành viên hoàng gia. Giá trị đáng kể của chúng khiến Mã Kỳ khi bị Hồng Hy gọi về đã gấp rút xin trở lại An Nam. Thế lực đằng sau kẻ hầu hèn mọn trong nội cung rất mạnh,(49) họ tìm mọi cách tác động đến hoàng đế dù phương thức khá lỗ mãng. Hạn định cống phú ràng buộc phủ, châu hẳn đã được tính toán để nuôi dưỡng sức sản xuất; vì từ vị trí thu thuế, không ai muốn bòn rút tới mức dân chúng mất khả năng cống nộp vào năm kế tiếp. Đáng tiếc, song hành với hệ thống Hoàng Phúc lại có hệ thống Mã Kỳ. Thu thập vật phẩm giá trị lớn không định lệ đã mở toang lòng tham dục. Nó không chỉ hủy hoại cuộc sống dân địa phương mà còn tàn phá tính chính đáng của Thừa tuyên Giao Chỉ.

Cao Hùng Trưng trách thú mục Đại Minh bại hoại đồng thời đề cập tai ương gieo rắc bởi quan lại cấp châu huyện người bản thổ. Họ Cao muốn “hào kiệt” địa phương phải chia xẻ trách nhiệm đạo đức. Đây là lối lập luận “Di đối đãi với Di đến vậy, người Minh lầm lạc cũng bình thường!” Ông tránh nói về việc tổ chức các hộ dân thành “lý”, “giáp” với lý trưởng và giáp thủ đứng đầu. Lý trưởng, giáp thủ nhận phân công lao dịch từ chính quyền, thường quá nặng không làm xuể khiến họ bị đánh đập khổ sở. Thực tế, đầu lĩnh địa phương chẳng gì khác hơn là những cổ máy nhỏ phóng chiếu tham vọng của chính người Minh lên dân chúng. Tương tự An Nam chí kỷ yếu, Đại Cáo cũng nhắc đến diêu dịch nặng nề ở vùng xa, nơi thôn xóm, khiến người dân bỏ dở nghiệp nhà. Tác hại của dàn thổ quan cấp thấp đi vào ghi chép của cả hai phía. Tuy thông báo sự nghiệp chiến thắng, Lê Lợi lại nhiều lần nói về những nhân vật cộng tác với giặc, hay nhẹ hơn là bất hợp tác với ông. Khổ đau của lớp người thấp bé trong xã hội An Nam được phản ánh bằng nhiều cách, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là cảnh máu mỡ nhồm nhoàm trên răng và mép của bọn kiệt hiệt. Dường như tác giả đã có ý niệm về cái chết để phục sinh.

“Bản án chế độ thực dân Minh” bên trên chủ yếu tố cáo tính “bất hiếu sinh” của các nhà cai trị đại diện Trung nguyên. Càn rỡ như thế đi ngược đạo lớn của trời đất; nói cách khác, họ “vô đạo”. Vậy người thế nào mới xứng đáng hành đạo?

Ta:
Phát tích chốn Lam Sơn,
Nương mình nơi hoang dã.
Ngẫm thế thù há đội trời chung,
Thề nghịch tặc khó cùng tồn tại.
Đau lòng nhức óc đã trải mười năm,
Nếm mật nằm gai phải đâu một buổi.
Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,
Lấy xưa nghiệm nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.
Chí phục thù đã quyết,
Dẫu thức ngủ không quên.
Vừa khi cờ nghĩa mới dấy lên,
Chính lúc thế giặc đương rất mạnh.(E)

予奮跡藍山,棲身荒野.念世讐豈可共戴,誓逆賊難與俱生.痛心疾首者垂十餘年,嘗膽臥薪者蓋非一日.發憤忘食,每研談韜畧之書;即古驗今,細推究興亡之理.圖回之志寤寐不忘.當義兵初起之時,正賊勢方張之日. Dư phấn tích lam sơn, thê thân hoang dã. niệm thế thù(50) khởi khả cộng đới, thệ nghịch tặc nan dữ câu sinh. thống tâm tật thủ giả thùy thập dư niên, thường đảm ngọa tân giả cái phi nhất nhật. phát phẫn vong thực, mỗi nghiên đàm thao lược chi thư; tức cổ nghiệm kim, tế suy cứu hưng vong chi lý. đồ hồi chi chí ngụ mị bất vong.(51) đương nghĩa binh sơ khởi chi thì, chính tặc thế phương trương chi nhật.

“Thế thù” có nghĩa thù truyền kiếp, mối thù gây nên từ thời tự chủ ban sơ bởi Lưu Cung, Triệu Tiết… Để trả thù nước, như Đặng Dung ao ước, Lê Lợi chỉ cần lấy lại nước của vua Trần. Để trả thù truyền kiếp, Lê Lợi phải lấy lại nước Đại Việt. Ngay khi khởi sự, tù trưởng Khả Lam đã không nghĩ đến nhà Trần. “Thế thù” còn là phân loại đối tượng Chu Vũ vương dành cho vua Trụ, đằng sau cách dùng chữ như thế nép ẩn kỳ vọng lớn. “Nghịch tặc” chỉ những người chống lại triều đình, ở đây chỉ nhóm người Việt phục vụ giặc Minh.

Vua Lê bắt đầu đại nghiệp từ núi Lam. Lam Sơn còn là tên vùng đất lan đến ngọn núi nổi tiếng khác, Pù Rinh tức Chí Linh. Với đầu óc nhuốm ít nhiều lý tính, các nhà nho như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Trần Thuấn Du xem Chí Linh tương tự Cối Kê của Câu Tiễn hay Mang Đãng của Lưu Bang. Đó là nơi dễ thủ khó công, hiểm trở nhưng không cô lập, thích hợp với việc dưỡng uy súc nhuệ. Hành động vào núi rèn luyện tinh thần, kết tập nhân lực là cách vận dụng một quan niệm rất cổ sơ thời nhân loại cảm nhận núi như nguồn năng lượng nuôi dưỡng sự sống. Với căn cơ nhất định, người tiếp thu năng lượng sẽ vượt hẳn thế giới bình thường. Có kẻ thành tiên, có kẻ thành bậc cứu rỗi, người dù rất tầm thường phải trở về cũng bị lệch pha với nhịp sống thường nhật. Chí Linh giữ vai trò quan trọng trong bước đầu kháng chiến nên trở thành chủ đề của nhiều bài phú sáng tác khi hòa bình trở lại. Nhà nho mượn Chí Linh để nâng vua Lê ngang tầm Tam vương Nhị đế, vượt hẳn Câu Tiễn, Lưu Bang. Chí Linh là núi của hành động.
Người trực giác được tính thiêng của núi là vị tiến sĩ quê miền trung du Thanh Hóa Nguyễn Mộng Tuân. Cúc Pha(52) ca ngợi Chí Linh nhưng phát hiện tầm vũ trụ ở ngọn núi Lam cao dưới 300m. Ông cho rằng đây là núi tổ, như cột chống trời tựa vững chãi vào lưng con ngao. Hình tượng gợi nhớ Meru, trục thế giới, trong đạo Bà La môn, tức núi Tu Di trong đạo Phật. Thế giới vật lý và thế giới tinh thần hội ngộ tại điểm thiêng. Lam Sơn là núi của suy tư. Lê Lợi chiêm nghiệm dòng sống náo động từ vị trí đó. Ý chí núi Lam phảng phất tính tôn giáo như ý chí Cao Đài nảy sinh từ núi Bà Đen hay ý chí Hòa Hảo nảy sinh từ núi Sam vậy. Ngọn cờ mang danh “nghĩa” báo hiệu phát hiện một hướng đi. Nó được phất lên, tự tin, khi cuồng phong đang bạo liệt.

Thế mà:
Nhân tài như lá mùa thu,
Tuấn kiệt như sao buổi sớm.
Bôn tẩu trước sau đã ít kẻ đỡ đần,
Vạch mưu dưới trướng lại thiếu người bàn bạc.
Chỉ vì: Chí muốn cứu dân, những đăm đăm muốn tiến về đông
Nên: cỗ xe đãi hiền, vẫn canh cánh để dành phía tả.(F)

奈以,人才秋葉,俊傑晨星.奔走前後者,既乏其人.謀謨帷幄者,又寡其助.特以,救民之念,每欎欎而欲東;待賢之車,常汲汲以虛左.Nại dĩ, nhân tài thu diệp, tuấn kiệt thần tinh. bôn tẩu tiền hậu giả, ký phạp kỳ nhân; mưu mô duy ác giả, hựu quả kỳ trợ. đặc dĩ, cứu dân chi niệm, mỗi uất uất nhi dục đông; đãi hiền chi xa, thường cấp cấp dĩ hư tả.

Có hai loại người Lê Lợi mong họ xuất hiện khi ông phát động nổi dậy: nhân tài và tuấn kiệt. Căn cứ lời phàn nàn theo sau, ta định nghĩa được rằng “tuấn kiệt” là các thủ lĩnh, hào trưởng địa phương, những người đủ khả năng huy động lương thực, vũ khí, nhân lực; hợp tác của “tuấn kiệt” sẽ giảm nhẹ rất nhiều công việc tuyển mộ và hậu cần. “Nhân tài” là các văn nhân am hiểu thao lược, biết quản lý xã hội, có thể tham mưu cho quân đội về vấn đề dân sự, kinh tế; hỗ trợ từ “nhân tài” sẽ thúc đẩy phát triển lực lượng bền vững. Đại thể, nhân tài-tuấn kiệt chính là tầng lớp trung gian giữa vua và dân.

Rất ít nhân vật “có chút tiếng tăm” như vậy ủng hộ viên phụ đạo miền núi. Họ phần lớn cộng tác với quân Minh. Sau trận Ninh Kiều-Tốt Động mới có nhiều người muốn ngồi vào chỗ bên trái trên cỗ xe khởi nghĩa.

Nếu dân tộc Việt Nam hình thành ổn cố chỉ từ 500 năm trước, chưa nói 3.500 năm, cũng không lý lẽ nào biện giải được hiện tượng kỳ lạ này.

Nhưng:
Được người đâu dễ, mù mịt xa vời,
Mong tự đáy lòng, gấp hơn cứu đuối.
Phần giận quân thù chưa bị diệt,
Phần lo vận nước còn lao đao.
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Lúc Khôi huyện quân không một lữ.
Bởi trời muốn thử thách ta, để trao mệnh lớn,
Nên ta càng mài ý chí, quyết vượt gian nguy.
Dựng gậy làm cờ, tụ hội bốn phương manh lệ,
Hòa rượu mời lính, dưới trên một dạ cha con.
Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ,
Lấy ít địch nhiều, hay dùng mai phục.(G)

然其得人之效,茫若望洋.由已之誠,甚於拯溺.憤兇徒之未滅,念國步之猶屯.靈山之食盡兼旬,瑰縣之眾無一旅.蓋天欲困我以降厥任,故予益厲志以濟于艱.揭竿為旗,氓隸之徒四集;投醪饗士,父子之兵一心.以弱制彊,或攻人之不僃; 以寡敵眾,常設伏以出奇. Nhiên kỳ đắc nhân chi hiệu, mang nhược vọng dương. do dĩ chi thành, thậm ư chửng nịch. phẫn hung đồ chi vị diệt, niệm quốc bộ chi do truân. linh sơn(53) chi thực tận kiêm tuần, khôi huyện(54) chi chúng vô nhất lữ. cái thiên dục khốn ngã dĩ giáng quyết nhiệm, cố dư ích lệ chí dĩ tế vu gian.(55) yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập; đầu giao hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm. dĩ nhược chế cường, hoặc công nhân chi bất bị; dĩ quả địch chúng, thường thiết phục dĩ xuất kỳ. (56)

Theo Lam Sơn Thực lục, do Lương Nhữ Hốt xui giục nên người Minh ngày càng bức bách buộc vị phụ đạo phải sớm khởi binh.(57) Hậu quả trước mắt là Lê Lợi thiếu cả nhân lực lẫn vật lực. Chịu đựng gian nan, ông cho rằng “quốc bộ do truân”, vận nước còn truân chuyên. Lại cho rằng trời muốn trao nhiệm vụ nên dồn vào cảnh khốn đốn. Lãnh tụ khởi nghĩa tự đồng hóa bản thân với “nước” nghĩa là tin tưởng thiên mệnh thuộc về mình. Lực lượng Lam Sơn chủ yếu toàn người tầng lớp thấp trong xã hội, họ giúp Lê Lợi bằng sinh mạng thay vì bằng mưu mô hay tiền bạc. Cơ sở mỏng manh ban đầu định hình chiến lược của nhóm kháng chiến, họ chủ yếu dùng kỳ binh và tâm công. Thật mỉa mai, người Đại Việt đã tiến hành đấu tranh chống ngoại xâm với sự hiện diện thưa thớt của tầng lớp ưu tú. Lê Lợi có lúc phải trở về số không, cả thức ăn lẫn sức mạnh. Có thể suy đoán việc chuyển từ mong ngóng “nhân tài”, “tuấn kiệt” sang chiêu tập “manh lệ” xuất phát từ biến động do chính sách cai trị của nhà Minh tạo ra. Khi mới khởi nghĩa, Lê Lợi khó tuyển mộ nhiều “manh lệ” vì kết cấu xã hội thời điểm đó còn tương đối vững. Lượng dân tự do hoặc xiêu tán không thuộc về chủ nhân nào chưa đủ đông đảo. Hành động quyến dụ nô tỳ của người khác theo phục vụ mình bị coi là thiếu đạo đức nên đối tượng được kêu gọi phải thuộc tầng lớp trên. Tuy nhiên, kể từ bộ Hộ nhà Minh áp dụng hộ thiếp và sổ thuế khóa phu dịch vào năm 1419, số dân trốn tránh tăng đáng kể bởi mức độ áp bức vượt sức chịu đựng bình thường. Toàn Thư ghi nhận vào cuối năm chỗ nào trong xứ cũng rối loạn chỉ trừ vùng Tam Giang, Hưng Hóa, Thái Nguyên. Chính nguồn nhân lực ngoài ràng buộc này đã gia nhập và tạo nên sức quật cường cho tập đoàn Lam Sơn.

(còn tiếp)

_________________

Chú thích (Phần II, kỳ 3)

(25) (27) (28) Lấy ý từ lời Mạnh Tử nói về vua Thang đất Bạc hưng binh đánh dẹp mười một quân trưởng bạo ngược: “quy thị giả phất chỉ, vân giả bất biến, tru kỳ quân, điếu kỳ dân, như thời vũ giáng 歸市者弗止, 芸者不變, 誅其君, 吊其民, 如時雨降”, người đi chợ không dừng chân, người làm cỏ ruộng vẫn tiếp tục, diệt vua, thăm dân, như mưa xuống đúng thời (Đằng Văn công hạ, Mạnh Tử).
(26) Cao Hùng Trưng – Khuyết danh, An Nam chí nguyên, Hoa Bằng dịch chú và giới thiệu (1961), Nxb Đại học Sư phạm 2017, trang 552.
(29) Lấy ý từ câu “Duy thiên huệ dân duy tích phụng thiên 惟天惠民惟辟奉天”, trời yêu thương dân, vua phải kính phụng mệnh trời trong thiên Thái thệ trung, Chu Thư, Thượng Thư.
(30) Theo Lý Tử Tấn (? – 1457), “Văn hiến chi bang” là bốn chữ do hoàng đế Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương ban tặng Đại Việt thông qua sứ thần Doãn Thuấn Thần. Xem Nguyễn Trãi toàn tập tân biên II, Dư địa chí, bản dịch Phan Duy Tiếp, Nxb Văn Học (1999), trang 482.
(31) Bản dịch chuyển “đế” thành “chủ”, sai ý sâu xa của Lê Lợi.
(32) Xem Tứ thư, Mạnh Tử tập hạ, bản dịch Đoàn Trung Còn, Nxb Thuận Hóa (tái bản 2013), trang 270-271. Nguyên văn: Mạnh Tử viết: “Chư hầu chi bảo tam: Thổ địa, nhơn dân, chính sự. Bảo châu ngọc giả, ương tất cập thân 孟子曰諸侯之寳三土地人民政事寳珠玉者殃必及身”. Mạnh Tử nói rằng: “Một vị vua chư hầu nên quí trọng ba việc này: Thổ địa, nhơn dân và chính sự. nếu chê ba điều ấy mà quí trọng châu ngọc, ắt thân mình phải vướng lấy tai ương”.
(33) Trần Quốc Tuấn thể hiện cách hiểu chữ “quốc” theo nghĩa này trong đoạn mở đầu “Dụ chư tỳ tướng hịch văn”.
(34) Năm 1970, học giả người Mỹ Walker Connor đưa ra quan điểm về “nước” y hệt như khái niệm của thầy Mạnh: Một nước khá hiển nhiên là hiện tượng sờ mó được và có thể định nghĩa bởi lãnh thổ, dân số và chính quyền. Nguyên văn: A state is quite obviously a tangible phenomenon that can be defined in terms of territory, population and government. Xem Walker Connor, Ethnic Nationalism as a Political Force, World Affairs Vol. 133. No. 2 (September 1970), trang 91 – 97. Bản gốc số hóa https://bit.ly/2R4y0Pe
(35) Có thể Lê Lợi yêu cầu Nguyễn Trãi dùng Nam sử để chứng minh sự tồn tại lâu đời của Đại Việt, tiếc rằng Nam sử không phải sở trường của nhà Nho chuyên trị kinh điển phương Bắc.
(36) Lấy ý từ Kinh Thư: “嗚呼!允蠢, 鰥寡哀哉.Ô hô, doãn xuẩn, quan quả ai tai”, Than ôi! Thực là ngu ngốc, thương cho trai cô độc gái góa chồng (Đại Cáo, Chu thư).
(37) Tân Đường thư, truyện Lý Mật (582 – 619): Lý Mật gửi hịch đến các quận huyện kể mười tội của Tùy Dạng đế: “罄南山之竹,書罪無窮;決東海之波,溜惡難侭. Khánh nam sơn chi trúc, thư tội vô cùng; quyết đông hải chi ba, lưu ác nan tận.”
(38) Chủ có thể là hào phú hay lãnh chúa, không nhất thiết là vua. Lê Tắc, tác giả An Nam chí lược, trung thành với Chương Hiến hầu Trần Kiện thay vì trung thành với vua Trần.
(39) Cao Hùng Trưng – Khuyết danh, An Nam chí nguyên, Hoa Bằng dịch chú và giới thiệu, Nxb Đại học Sư phạm 2017, trang 70-71.
(40) Trong bài viết này, chúng tôi xem phần Tổng luận là sách An Nam chí kỷ yếu của Cao Hùng Trưng, các phần còn lại (từ mục Phủ và Châu, trang 135, về sau) là sách Giao Chỉ Tổng chí của Ty Bố chính Giao Chỉ.
(41) Nhiệm vụ của Hoàng Phúc và Trần Hiệp dường như trùng lắp nhau trong thời gian Lý Bân nắm quyền Tổng binh. Dù chức vụ vua ban của Trần Thượng thư là Tham mưu, lại thấy Hiệp gần gũi công việc của Ty Bố chính. Khi Nguyễn Trãi dâng thơ cho Hữu Bố chính sứ Nguyễn Huân, ông đã dùng vần của Trần Hiệp. Từ năm 1417 đến năm 1422, các báo cáo của Ty Bố chính Giao Chỉ lên vua Minh đều đứng tên bản Ty. Từ sau Lý Bân qua đời, Minh Thực lục ngày 30/8/1422 mới ghi rõ Hoàng Phúc trông coi hai Ty Bố chính và Án sát. Hoàng Phúc được triệu về kinh vào tháng 9/1424, Trần Hiệp chính thức thay thế nhưng vẫn kiêm Tham tán Quân vụ.
(42) Nguyễn Trãi ghi trong Dư địa chí như sau: Nay thần vâng thánh chỉ, đã nói về bang sư, lại xét thổ sản các nơi, để định việc cống phú (Nguyễn Trãi toàn tập tân biên II, 457). Vậy công dụng phần thổ sản và các địa phương của sách giống hệt công dụng Sổ tu tri.
(43) Toàn Thư nhắc tên các nội quan là Mã Kỳ, Lý Lượng và Sơn Thọ. Họ không chỉ phụ trách thu gom quý vật mà còn chỉ huy quân đội. Theo Minh Thực lục, nội quan khiến Phan Liêu dấy loạn mà Toàn Thư đề cập chính là Mã Kỳ.
(44) Khu vực huyện Nghi Xuân nay.
(45) An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội Nhà Văn 2018, trang 97.
(46) Sđd, trang 98.
(47) Cao Hùng Trưng – Khuyết danh, An Nam chí nguyên, Hoa Bằng dịch chú và giới thiệu, Nxb Đại học Sư phạm 2017, trang 105.
(48) Sđd, trang 185.
(49) Minh Thực lục II, trang 215: …..vì Nội quan Mã Kỳ trưng thu nặng nề, độc hại dân này; Tổng binh cùng Hiệp (tức Binh bộ Thương thư Trần Hiệp, chú của người viết) không chế ngự được. Giặc họ Lê nhân đó trở nên mạnh… Nhận xét: Mã Kỳ coi Tổng binh và Tam ty chẳng ra gì.
(50) Lấy ý từ Kinh Thư: “獨夫受洪惟作威乃汝世仇 Độc phu thụ hồng duy tác uy nãi nhữ thế thù.” Tên chuyên quyền Thụ ra sức tác oai chính là kẻ thù truyền kiếp của các ngươi (Thái thệ hạ, Chu Thư).
(51) Lấy ý từ Kinh Thư: “予小子夙夜祗懼 Dư tiểu tử túc dạ chi cụ”, Ta chỉ là đứa trẻ sớm tối lo sợ (Thái thệ thượng, Chu Thư).
(52) Cúc Pha: tức Nguyễn Mộng Tuân (1380 – ?), tự Văn Nhược, người huyện Đông Sơn, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ông trúng khoa tiến sĩ năm 1400 dưới đời Hồ. Cúc Pha tham gia kháng chiến muộn hơn Nguyễn Trãi; sau khi nhà Lê thành lập, ông được trọng dụng, kinh qua nhiều chức to như Trung Thư lệnh, Tả Nạp ngôn, Tri quân dân Bắc đạo… Cúc Pha từng theo quân đội đi đánh Chiêm Thành. Tuy nhiên khi về già ông bị triều đình xử bạc, qua đời lặng lẽ không được ghi chép.
(53)
Linh Sơn: núi Chí Linh, nay thuộc huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.
(54) Khôi huyện: địa điểm chính xác hãy còn tranh cãi, có thể nằm ở phía tây huyện Nho Quan, tỉnh Ninh bình nay.
(55) Lấy ý từ Kinh Thư: “予造天役遺大投艱于朕身 Dư tạo thiên dịch di đại đầu gian vu trẫm thân.” Ta là tôi tớ của trời, người trao mệnh lớn cho ta nên giao cả gian nguy (Chu Thư, Đại cáo).
(56) “出奇制勝 Xuất kỳ chế thắng”: dùng mưu kế lạ để chiến thắng.
(57) Xem Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (biên tập), Nguyễn Trãi toàn tập tân biên II, Lam Sơn Thực lục, Nxb Văn Học, trang 320.

bài đã đăng của Lê Tư

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)