Trang chính » Biên Khảo, Học Thuật, Lịch Sử, Nghiên Cứu, Tư Liệu Email bài này

Đại Cáo: Huyền Thoại về Vị Vua Khai Quốc Lê Lợi- phần 1- kỳ 2

0 bình luận ♦ 1.08.2019




John Kremers Whitmore (2014)

Giáo sư John Kremers Whitmore từng giảng dạy tại các đại học Yale, Virginia, California và Michigan, Hoa Kỳ. Ông là hội viên cộng tác (research associate) của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Michigan, hồi hưu năm 2009. Trong giới học giả phương Tây, Whitmore xứng danh là cây đại thụ chuyên ngành lịch sử Việt Nam. Ông viết nhiều về Đại Việt-Đại Nam-Việt Nam. Dưới đây chỉ xét bài “Cộng đồng Ngô và xung đột Cao nguyên – Duyên hải tại Đại Việt, quãng 1400 – 1600”(7) với những phần liên quan gần xa đến Bình Ngô đại cáo.

Không thỏa mãn với Stephen O’Harrow về cách hiểu chữ “Ngô” trong Bình Ngô đại cáo như một phía của hận thù Ngô – Việt, John Whitmore đề xuất định nghĩa “Ngô” là cộng đồng gồm những người Phúc Kiến và các sắc dân ven biển Đông Nam định cư dọc duyên hải đồng bằng sông Hồng. Theo ông, từ “Ngô” chủ yếu chỉ nhóm di trú này, thứ đến mới chỉ nước Minh nói chung. Ông nghĩ Lê Lợi cùng đội quân miền núi không chỉ đánh bại xâm lược nhà Minh mà còn chống lại cộng đồng văn hóa Hoa-Việt vùng ven biển vốn thịnh vượng từ ba thế kỷ trước. Chính khối văn hóa hỗn hợp đó tạo nền tảng thuận lợi cho cuộc khởi dậy bởi họ Trần (1225 – 1400) và sự nghiệp chiếm đóng An Nam kéo dài hai mươi năm (1407 – 1427) của người Minh.

Để nhấn mạnh bản chất hải dương của nhóm Ngô, Whitmore so sánh hai triều đại Lý – Trần. Ông đặt nhà Lý song song với các vương quốc Angkor, Pagan qua hai thế kỷ X và XI. Hai triều đại thuộc Campuchia và Myanmar ngày nay đều xây dựng đất nước ở trung lưu của một dòng sông, dựa vào nông nghiệp đồng thời phát triển buôn bán theo hai chiều núi và biển. Cả hai đều bành trướng ra xung quanh dựa vào sức mạnh quân đội, trung tâm tâm linh và liên kết hôn nhân. Cùng thời gian, do nhà Tống bị Liêu – Kim ngăn trở phía bắc nên phải chuyển thương mại xuống biển nam, đặc biệt thời Nam Tống (1127 – 1279). Đảo hướng mậu dịch kích thích phồn thịnh quanh biển Đông Nam Á. Tình hình ngược lại trong lục địa, biến đổi khí hậu dẫn đến lượng mưa giảm gây tổn thất mùa màng đẩy các vương quốc một thời hưng vượng đến suy vi. Dưới sức hút hải thương, chuỗi đô thị sầm uất gần bờ biển hơn xuất hiện thay thế các thủ đô cổ kính; Pegu ở hạ lưu sông Irrawaddy, Ayudhya gần cửa sông Chao Phraya (Mae Nam), Phnompenh trên sông Mekong. Song song với tiềm lực kinh tế mới, sức mạnh chính trị mới tượng hình. Tại Đại Việt, tuy Thăng Long không bị bỏ hoang như Pagan hay Angkor, nhưng đã xuất hiện đối trọng duyên hải Thiên Trường. Nếu nhà Lý lục địa thuần Phật giáo, duy trì liên hệ với Ấn Độ(8) thì tộc Trần ven biển mang đến Nho giáo và tư tưởng Thiền Trung Hoa.(9)

Theo John Whitmore, dân đi biển đến An Nam tìm cơ hội đã cùng phụ nữ thổ dân xây dựng gia đình, qua nhiều đời dần hòa nhập vào xã hội bản xứ. Tuy nhiên, họ vẫn giữ liên lạc với quê cha đất tổ. Người Đại Việt bên ngoài cộng đồng sẽ cảm nhận khối di cư cùng mối quan hệ gắn bó của họ với Mân Quảng như một nhóm khác biệt, gọi là Ngô. Thành viên “Ngô” bày tỏ lòng trung về phía nào tùy tình hình chính trị, có thể ngược chiều sông Hồng đến Thăng Long, hoặc ngược chiều bờ biển lên phương Bắc. Xu phụ quân Minh đa phần xuất thân từ nhóm này. Thái độ nhà Lê đối với họ sau chiến thắng cay nghiệt đến mức Whitmore so sánh nó với thái độ ngờ vực nặng nề của chính quyền mới sau năm 1975 đối với những người chấp nhận sự hiện diện của Mỹ tại Nam Việt Nam. Ví dụ dù tham gia kháng chiến, hai người Ngô có công là Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn vẫn phải gánh chịu ác cảm. Whitmore còn suy đoán có dòng thuyền nhân chạy về bản quán để tránh kỳ thị tương tự dòng người Hoa quay lại Trung quốc năm 1979-1980. Ông diễn giải dựa vào chứng cứ cụ thể trong sử ký để đi đến kết luận rằng người vùng đồng bằng trung lưu sông Nhĩ là nạn nhân của cuộc tranh dành giữa thế lực sơn cước Lê, Nguyễn, Trịnh và thế lực miền biển Trần, Hồ, Minh, Mạc.

Tuy nhiên thực tiễn có vẻ phức tạp hơn; ông đưa ra nhiều luận điểm thuyết phục, nhưng chưa hoàn toàn thuyết phục.

Không tối giản như quan điểm thông thường của học giả Việt Nam hiện đại, xem chiến tranh Minh – Việt như cuộc đối đầu giữa quân đội Minh và toàn dân Đại Việt đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi; từ hướng nghịch đảo, Whitmore nhìn thấy xã hội Giao Chỉ vỡ vụn, thay vì nén chặt, dưới áp lực ngoại xâm. Ông táo bạo xác định quy mô to lớn của cộng đồng Ngô tập trung trên trục Chí Linh – Thiên Trường. Có lẽ do chú tâm vào mâu thuẫn cao nguyên – duyên hải, giáo sư bỏ qua nhóm Ngô xưa ở hai châu Phong và Giao từng hỗ trợ đắc lực người Minh trụ vững trên Tam Giang và Bắc Giang, lại ghép gia tộc Hồ vào “Ngô” khi chưa tìm tòi thấu đáo động cơ thúc đẩy tiếm vương tự lựa chọn dòng dõi. Đó là giả định hết sức dạn dĩ và khái quát. Thực tế rất khó tìm hoặc không hy vọng gì tìm được tài liệu nào gợi ý gọi Nguyễn Trãi hay Hồ Quý Ly là người Ngô. Theo thói quen thế kỷ XIV-XV, Nguyễn Trãi sẽ được xem là dân kinh lộ, Hồ Quý Ly bị coi như dân trại. Khái niệm Ngô của Whitmore dường như bao trùm lên cộng đồng kinh lộ miền đông đồng bằng và người trại duyên hải. Theo chúng tôi, nếu là “Ngô” thì bản chất “ngoại quốc” của họ sẽ khiến sử Việt không quan tâm nhiều. Họ tồn tại nhưng nằm bên rìa xã hội. Dân kinh lộ hình thành từ hạt nhân Ngô nhưng mức bản địa hóa đủ để họ tự cảm nhận mình ở bên ngoài “Ngô”, mức thành công còn cho phép giới ưu tú thấy mình thậm chí ở trên “Ngô”.(10) Cũng không thể vạch ranh sắc nét giữa Ngô, kinh lộ và trại vì ba cộng đồng có độ thẩm thấu vào nhau. Dù sao đi nữa, phân tích của giáo sư cũng soi thêm ánh sáng vào sự cô độc của Lê Lợi suốt 80% thời gian kháng chiến, vấn đề ít được quan tâm tại chính quê hương ông.

Liam C. Kelley (2016)

Phó giáo sư Liam C. Kelley giảng dạy tại Khoa Lịch sử, Đại học Hawai’i at Mãnoa, Hoa Kỳ. Ông từng nghiên cứu về quan hệ Hoa-Việt và Nho giáo tại Việt Nam. Hiện nay, Kelley tập trung vào lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ông giữ chức Đồng-Tổng-biên-tập (Co-Editor-in-Chief) tạp chí Journal of Vietnam Studies và là nhà Đồng-tổ-chức (co-organizer) chuỗi hội thảo “Ước hẹn với Việt Nam: Một Đối Thoại Liên Ngành.”

Dưới đây chỉ khảo sát những bài viết liên quan đến Đại Cáo do giáo sư phổ biến trên trang blog cá nhân https://leminhkhai.wordpress.com. Các bài viết còn ở dạng trao đổi với người đọc chứ chưa phải là kết quả nghiên cứu chính thức. Tất cả gồm mười hai đơn vị thuộc cụm BNĐC series (7-14/8/2016).(11)

Ngoài lời giới thiệu, từ bài 2 đến bài 4, Kelley bỏ nhiều công sức để chứng minh Bình Ngô đại cáo không mang đặc điểm, tính chất của “thể loại” Tuyên ngôn độc lập. Dường như ông rất nặng lòng về chuyện này. Xin tóm ý ba bài 2, 3, 4 như sau:

2. Các Tuyên ngôn độc lập:

Các “Tuyên ngôn độc lập” của Hoa Kỳ (1776), Việt Nam (1945), Venezuela (1811), Liberia (1847), Czechoslovakia (1918) đều được viết và công bố bởi nhóm người tự xưng “đại biểu của nhân dân” nhằm tìm kiếm sự công nhận của các nhà nước đang hiện hữu đối với nhà nước mới khai sinh.

3. Ai là Đại biểu của Nhân dân trong “Bình Ngô đại cáo”?:

Đại Cáo khẳng định quyền tồn tại của đế quốc phương Nam rồi tường thuật hoạt động chống giặc Bắc của Lê Lợi nhằm bảo vệ lãnh thổ và thần dân Đại Việt. Bài Cáo vắng bóng “đại biểu của nhân dân”.

4. Vô số Diễn Ngôn và Không Độc Lập:

Theo Kelley, sách An Nam đồ chí do người Minh viết thể hiện nhiều lần sự thay đổi vị thế An Nam đối với Đại Minh: từ nước triều cống thời nhà Trần, nhà Hồ sang quận huyện thời Minh thuộc, hồi phục vị trí nước triều cống dưới đời Lê, rồi bị hạ cấp thành Đô thống sứ ty vào đời Mạc. Triều đình nhà Minh là chủ thể quyết định tư cách An Nam, họ chưa bao giờ công nhận An Nam cùng đẳng cấp với họ. Tương tự, văn thư do Nguyễn Trãi viết như "Trình tình tạ tội biểu văn", "Tạ ân trình tình biểu văn", "Tạ sắc phong biểu", "Quốc nhân tạ sắc phong biểu", "Tuế cống biểu", "Thượng Hoàng Thái Tử biểu", "Hạ tôn Hoàng Thái Hậu biểu"…. đều thể hiện việc xác lập và duy trì mối quan hệ triều cống bất bình đẳng. Lê Lợi không dự định phá bỏ quan hệ này để gia nhập “trật tự quốc tế đang hiện hữu” với tư cách một nhà nước ngang hàng với các nhà nước khác nhờ sự chấp nhận của họ. Mặt khác, theo Kelley, trong triều đình nhà Minh thường tồn tại hai diễn ngôn xung khắc nhau. Thứ nhất cho rằng An Nam hoang dã không xứng đáng nhập vào Trung nguyên; thứ hai cho rằng An Nam vốn thuộc Hán Đường nên cần tái lập quận huyện. Bản thân ông Nguyễn khi nói về Đại Việt cũng dùng hai cách thể hiện. Với người dân, Đại Việt là nước văn hiến với núi sông và phong tục cách biệt; với tướng Minh, Đại Việt nằm ngoài Cửu châu từ xưa nên không thuộc Trung quốc. Kelley nhận xét: cùng cho rằng An Nam/Đại Việt nhất thiết phải đứng riêng, người Minh viện cớ do dân chúng hãy còn man rợ, Ức Trai lại bảo do nước ông vốn văn minh.

Giáo sư kết luận Bình Ngô đại cáo không thể được ví như Tuyên ngôn độc lập: “Độc lập – nghĩa là tách ra khỏi một đế quốc để gia nhập “trật tự quốc tế đang hiện hữu” như “một nhà nước tương tự, bình đẳng” bằng cách tìm kiếm sự công nhận của các nhà nước khác trong trật tự quốc tế đó – chỉ có thể đạt được khi những người chung một diễn ngôn bàn thảo với nhau và nhất trí với nhau. Không có việc như vậy xảy ra, cũng không tồn tại điều kiện (để việc như vậy xảy ra), ở Đại Việt vào thế kỷ XV.”

Ví von Đại Cáo với Tuyên ngôn độc lập thực ra là quan niệm mang tính chính trị, cần thiết trong thời đoạn nhất định. Chỉ hơi khó giải thích khi quan niệm như thế vẫn được tiếp tục phổ biến nhiều nơi, nhiều lúc mặc cho bối cảnh xã hội Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi.

Qua hai bài 5, 6, Kelley tìm hiểu thuật ngữ "đại cáo" và bàn luận tính hợp pháp của Lê Lợi.

5. Đại Cáo/Dagao là gì?

Khá giống với Nguyễn Đăng Na, giáo sư ghi nhận điểm tương đồng giữa Đại Cáo nhà Lê và Đại cáo nhà Chu, giữa hai cặp vua và cố vấn nhà Lê và nhà Chu; bước xa hơn tí, ông xem Chu Công và Nguyễn Trãi như hai quân sư giỏi giang giúp đỡ hai vị vua yếu ớt Chu Thành vương và Lê Thái tổ.

6. Vấn Đề Tính Hợp Pháp của Lê Lợi:

Kelley dẫn Toàn Thư thuật lại nhiều hoàn cảnh dẫn đến cái chết của Trần Cảo và trường hợp xin Vương Thông che chở của hộ kinh doanh hương liệu Vương Manh; ông lại dẫn "Dụ hào kiệt chiếu", "Cầu hiền tài chiếu", "Dụ Điêu Hào thành thổ quan thư" để kết luận rằng một số người hoài-Trần, người giàu có, trí thức hay người Việt làm quan cho nhà Minh, hoặc sắc tộc thiểu số… luôn thận trọng về việc Lê Lợi lên nắm quyền. Nhờ Toàn Thư, ông phát hiện tên gọi nguyên thủy của văn bản chúng ta đang bàn là “Đại Cáo”, danh xưng “Bình Ngô đại cáo” chỉ xuất hiện trong các sưu tập muộn hơn như Hoàng Việt văn tuyển hoặc Ức Trai di tập. Theo Kelley, “Tương tự Đại cáo trong sách Thượng Thư/Kinh Thư, “Bình Ngô đại cáo” là văn bản được viết ra bởi vị cố vấn giàu năng lực của một quân chủ non yếu ngay sau khi triều đại được kiến lập nhằm chứng minh tính hợp pháp của tân vương trước nhóm người rất ngờ vực, thậm chí thẳng thừng chống lại yêu sách cầm quyền của vị vua đó.”

Chúng tôi chẳng hoài nghi gì về mối tương quan giữa Đại Cáo nhà Lê với Đại cáo nhà Chu, cũng tin rằng vô số thân hào nhân sĩ, đặc biệt ở kinh lộ, viện đủ mọi lý do để bất bình triều đại mới. Tuy nhiên, vẫn cảm thấy lấn cấn trước vài chi tiết trong bài viết của giáo sư:

+ Cách dịch “Thổ quan 土官” trong "Dụ Điêu Hào thành thổ quan thư" thành “lính bản địa" (aboriginal soldiers): không thể đồng nhất “thổ quan土官” với “thổ quân土軍”. Thổ quan ở đây chỉ một hoặc nhiều người Giao Chỉ đang làm quan cai trị cho nhà Minh trong thành. Như thành Thanh Hóa trấn giữ bởi Tri phủ Lương Nhữ Hốt người địa phương và Chỉ huy Đả Trung người Minh. Trong một địa hạt hành chánh, thường quan lại gốc An Nam coi sóc việc dân, tướng Minh đảm bảo an ninh đồng thời trông chừng bộ máy quản trị do thổ quan điều hành. Minh Thực lục lưu lại tên tuổi nhiều chức sắc mà sử gia gọi là thổ quan như Tri phủ Giao Châu Nguyễn Quân, Tri phủ Kiến Xương Đồng Ngạn Dực, Tri phủ Lạng Giang Mạc Thúy, Tri phủ Tân An Mạc Viễn, Tri phủ Thái Nguyên Hoàng Công Dịch…. Theo Toàn Thư, hai Trấn thủ Điêu Diêu (tức Điêu Hào) gồm Chỉ huy Trương Lân và Tri phủ Trần Vân ra hàng vào tháng giêng ta năm 1427.(12) So sánh cặp Đả Trung-Lương Nhữ Hốt ở Thanh Hóa, ta đoán được Tri phủ Trần Vân là người An Nam và chính là đối tượng của bức thư nói trên. Thủ thuật của chúa Lam Sơn thật thâm độc. Ông gửi “Dụ Điêu Hào thành thổ quan thư” cho Trần Vân, đưa ra hai lựa chọn: hoặc đầu hàng hoặc làm nội ứng giúp nghĩa quân; với nội dung như thế nếu thư lọt vào tay Trương Lân thì hiệu quả có thể rất bất ngờ.

+ Tây việt chi nhân 西越之人, người Tây Việt và y quan chi tộc 衣冠之族, con nhà mũ áo: chính chữ “tây 西” và chữ “tộc 族” dẫn dắt Kelley hiểu “thổ 土” như bản địa (aboriginal) thay vì địa phương (local), dẫn tới suy đoán có nhóm sắc tộc thiểu số chống Lê Lợi. Dường như ông khai thác bản Phúc Khê của Dương Bá Cung, cũng chính là bản Viện Sử học sử dụng trong ấn phẩm Nguyễn Trãi toàn tập năm 1976. Ở phần chú giải Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học cho rằng Tây Việt là Việt (Giao Chỉ),(13) ghi nhận thêm dị biệt “Giao Việt 交越” ở bản Cương Mục.(14) Riêng bản do Nguyễn Văn Nguyên hiệu chỉnh in trong bộ Nguyễn Trãi toàn tập tân biên của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học lại thể hiện là “Nam Việt 南越”.(15) Theo thiển ý, dựa vào một chữ thiếu chắc chắn để suy luận là chưa thỏa đáng. Về chữ “tộc 族”, Kelley hiểu như “nhóm người” hơn là “dòng tộc”, hiểu vậy đúng nghĩa nhưng chưa chắc đúng ý. Có thể Ức Trai dùng “Tây/Giao/Nam Việt chi nhân y quan chi tộc” để chỉ con cháu thế gia cũ ở Đại Việt.

+ Vua yếu – Cố vấn mạnh: đối sánh này đúng với trường hợp Chu Thành vương – Chu Công Đán. Thành vương thừa kế ngôi vị khi mới mười ba tuổi nên chú ruột tên Đán giữ quyền nhiếp chính. Chu Công điều khiển cả triều đình lẫn quân đội, ông đủ sức hại hoặc đuổi Thành vương để tự mình làm vua. Đối sánh này không hoàn toàn đúng với cặp Lê Lợi – Nguyễn Trãi. Lê Lợi tự thân xây dựng lực lượng từ người lính đầu tiên, ban đầu đại đa số là đồng hương Thanh Hóa, theo thời gian nhận thêm trai tráng Nghệ An, Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa. Nhóm vũ trang nòng cốt tuyệt đối trung thành được đặt dưới quyền uy tuyệt đối của Bình Định vương. Về phần quan Thừa chỉ, Nguyễn Trãi phục vụ người Minh mãi đến năm 1423 mới tìm theo kháng chiến. Nhờ văn tài trác tuyệt nên ông được Lê Lợi kính nể, được giao vai trò làm cầu nối giữa vị thủ lĩnh rừng núi với nhân sĩ châu thổ. Tiếc rằng do lý lịch, nên dẫu kề cận vua ông vẫn chưa bao giờ được xem là tâm phúc. Các vua Lê dùng Nguyễn Trãi như thế nào tùy hoàn cảnh, tùy thời điểm nhằm đạt mục đích sâu xa của họ. Thượng thư bộ Lại Ức Trai chính là hình mẫu để thu hút nhóm người đồng bằng còn do dự. Tuy nhiên, dùng “lễ” đối đãi với tầng lớp ưu tú mang bản chất quyền mưu, nếu đối tượng từ chối “đáp lễ” thì chỉ còn đường lẩn tránh mà thôi. Nhân tài kinh lộ vô phương làm được điều mà đại quân nhà Minh không làm được.

Qua các bài viết 7, 8, 9, 10, 11 Kelley bàn luận đủ mọi khía cạnh của hai từ “Nam-Bắc” và đưa ra quan điểm về ý nghĩa của từ “Ngô”.

7. Vấn đề Nam và Bắc:

Quan sát cách dịch hai chữ nam-bắc từ văn ngôn Hán sang ngôn ngữ phương Tây của các dịch giả Ưng Quả, Huy-Gamarra, Trương Bửu Lâm, Nguyễn Khắc Viện, D.T.B., Kelley nhận thấy có hai quan điểm về nam-bắc tính đến năm 1979. Quan điểm xem nam-bắc là hai phần của Đại Việt xuất hiện từ thập niên 1960 trở về trước, quan điểm xem Nam-Bắc là Đại Việt-Trung quốc nổi lên từ thập niên 1970 tại Hà Nội. Giáo sư khuyên nên tìm hiểu ý nghĩa của “nam-bắc”, và “Ngô” nữa, bằng cách đặt Đại Cáo vào hoàn cảnh cụ thể. Ông đồng ý với O’Harrow về mục đích vận động tầng lớp ưu tú ủng hộ Lê Lợi của bài cáo nhưng cho rằng bố cục lịch sử do tiền bối đưa ra hãy còn đơn giản, hiền hòa.

8. Người Nam, Người Bắc, Phong Tục và Văn Hiến:

Để truy tìm ý tưởng thuộc phần mở đầu nổi tiếng “Như nước Đại Việt ta từ trước vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông bờ cõi đã chia phong tục Bắc Nam cũng khác” nguồn gốc từ đâu và tại sao được thể hiện trong Bình Ngô đại cáo, Kelley đã phát hiện một mẫu văn nghĩa lý tương tự ghi trong Thư dụ thành Bắc Giang:(16)Ta nghe nói: Người có người xứ nam, người xứ bắc. Đạo thì không có đạo nọ, đạo kia. Hạng người có đức, hạng người quân tử, thì không đâu là không có. Nước An Nam tuy xa ngoài núi ngũ Lĩnh mà vẫn gọi là nước Thi Thư.” Giáo sư chú ý đến thần thái tương dị trong hai đoạn: nước Đại Việt qua bài cáo văn minh giống Trung Hoa cương thổ tách riêng, còn nước Đại Việt trong thư chiêu dụ văn minh giống Trung Hoa mặc dù dân cư khác biệt.

Kelley thật xuất thần khi nhận ra “Dư văn nhân hữu Nam Bắc đạo vô bỉ thử 余聞人有南北道無彼此” là phiên bản Việt Nho hóa của một quan niệm Phật giáo Trung Hoa “Nhân tuy hữu Nam Bắc Phật tính bản vô Nam Bắc 人雖有南北佛性本無南北”.(17) Ông nhìn suốt mặc cảm tiềm ẩn của một nho gia đến từ phương Nam lạc hậu. Giáo sư rất băn khoăn vì sao Đại Cáo diễn đạt bản sắc lại nhấn mạnh cả phong tục lẫn văn hiến. Phong tục khác nhau đã đành, nhưng văn hiến như nhau thì có đáng phô ra để minh định bản sắc? Theo Kelley, bản sắc hình thành qua tương tác và trường hợp này là: “kết quả tương tác giữa một học giả Việt Nam, người cảm thấy mình sống trong thế giới “văn hiến”, và ý tưởng của “người Trung Hoa” (chủ thể định nghĩa khái niệm văn hiến), kẻ luôn cảm thấy An Nam là thế giới “man di”.

9. Thái Phúc, Thành Bắc Giang Thất Thủ và sự Phức Tạp của Quan Hệ Nam-Bắc:

Kelley thuật lại quan hệ rối rắm giữa các nhân vật nổi bật xoay quanh thành Bắc Giang. Qua vài bức thư gửi vào thành, Lê Lợi hứa nếu quân đồn trú chấp nhận buông vũ khí thì họ và vợ con sẽ được đối xử như anh em. Đô đốc Thái Phúc cũng đến trực tiếp khuyến dụ đồng đội theo yêu cầu từ phe kháng chiến. Viên hàng tướng được Lê Lợi xem như huynh đệ bị Trấn thủ Lý Nhậm nguyền rủa, xem tệ hơn chó lợn. Cuối cùng thành vỡ dưới sức tấn công tổng lực của Lam Sơn, nhóm cố thủ hoặc tự sát hoặc bị tàn sát không phân biệt binh dân, Nam Bắc.(18) Dù biết Lê Lợi từng cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu thành từ chối đầu hàng, Kelley vẫn chê hành động bạo lực không vì nghĩa, hợp trời thuận người. Ông bảo Thi Thư chẳng có dẫn hướng nào cho phép giết người vô tội,(19) hành động ấy có vẻ không phù hợp với lý tưởng “nước văn hiến”.

10. Lương Nhữ Hốt và sự Vạch Giới Nam Bắc của nhà Trời:

Để kêu gọi Đả Trung và Lương Nhữ Hốt đầu hàng, Lê Lợi gửi một bức thư cho hai vị với lập luận: Trời phân chia rạch ròi đất đai Nam Bắc, nước Tần nước Tùy mạnh giàu cũng bó tay trước ranh giới đã định; các thành khác dù binh hùng tướng mạnh, trang bị đầy đủ, nhưng vì họ hiểu việc và biết xử biến nên đều giải giáp. E ngại hai lãnh đạo chưa xiêu lòng trước các thông tin mời gọi, Lê Lợi nói thẳng nếu họ không chấp nhận ông sẽ tấn công và giết sạch quân dân trong thành. Họ Lương không tin kiểu thuyết phục đó nên xui Vương Thông tiếp tục chiến tranh nhằm tránh số phận Ô Mã Nhi đời Trần. Rốt cục, thành Thanh Hóa chỉ hạ vũ khí lúc Vương Thông chấp nhận giải hòa. Lê Lợi xử tử viên ngụy Tri phủ sau khi quân Minh triệt thoái. Kelley cho biết khoảng 10.000 người từ các thành đầu hàng đang bị tạm giữ đã bị giết trước đó vì âm mưu nổi loạn, ông tỏ vẻ nghi ngờ lý do phía Lam Sơn đưa ra để sát hại hàng binh.

11. Vương Thông, Ngô và các Mức Độ Lịch Thiệp:

Kelley đưa ra nhận xét về cách Vương Thông được gọi trong các bức thư do Lê Lợi sai Nguyễn Trãi thảo. Có ba mức lịch sự thấp dần là “đại nhân”, “khanh” và “nhữ” tương đương với “your honor”, “sir” và “you” trong tiếng Anh hay “ngài”, “quý ông” và “ngươi” trong tiếng Việt. Vương Thông chiếm thứ trật nào tùy theo thiện chí hợp tác của ông. Giáo sư đánh giá thấp độ tinh tế của các bản dịch quốc ngữ liên quan các bậc xưng hô này. Về từ “Ngô”, ông nghĩ nó mang ý nghĩa đạo đức, tương đương từ ghép “ngụy Minh” nhưng ít sỗ sàng hơn nên khả dụng trong văn bản chính thức. Hành động rút quân trước lúc nhận lệnh triều đình của Vương Thông được Kelley cảm nhận như ý định tách rời “ngụy Minh” theo dẫn dụ từ Nguyễn Trãi.

O’Harrow dựa vào “Dữ Đả Trung Lương Nhữ Hốt thư” để ủng hộ ý kiến xem hai từ Nam-Bắc trong Đại Cáo chỉ Việt-Trung quốc. Liam C. Kelley ban đầu dựa vào ngữ pháp tiếng Hán nên thiên về ý kiến xem nam-bắc chỉ hai miền thuộc An Nam, tuy nhiên, có lẽ tham khảo bài viết của O’Harrow và “Dụ Bắc Giang thành thư” nên đã ngả sang quan điểm xem bắc-nam là hai nước khác biệt. Đây cũng là nhận thức phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

Kelley hiểu đến mức tinh vi hai nước Đại Việt thể hiện trong Đại Cáo và "Dụ Bắc Giang thành thư", nhưng cũng chính vì kỹ năng phân tích sắc bén ấy ông đã sa lầy khi giải thích “phong tục” theo nghĩa sở chỉ. Đặt “Nam Bắc chi phong tục diệc dị 南北之風俗亦異” và “Nhân hữu Nam Bắc 人有南北” cạnh nhau ta nhận ra ngay “phong tục 風俗” là điểm tượng trưng Nguyễn Trãi dùng để chỉ “nhân”. Nó được sử dụng tương tự chữ tục 俗 trong câu Ức Trai ca ngợi đức độ vua Lê Thái tổ “Cửu trùng duệ niệm linh hà tục 九重睿念忴遐俗” với “hà tục 遐俗” chỉ cộng đồng nói tiếng Kra-Dai ở đất ki mi.(20) Dùng cây 木 chỉ rừng 林 không độc quyền bởi phương Đông, người Hoa Kỳ vẫn dùng “green berets”, mũ nồi xanh để chỉ đơn vị vũ trang dân Nam Việt xưa gọi là “biệt kích Mỹ” hay “red coats”, áo choàng đỏ để chỉ binh sĩ hoàng gia Anh tại vùng đất sau này trở thành Hiệp chúng quốc.(21) Chúng ta sẽ đi sâu thêm khái niệm “dân, nhân, nhân dân” trong phần bình luận chính văn để rõ hơn từ đâu và vì sao “dân”, cùng vài yếu tố khác, được Ức Trai đặt làm điểm khởi phát nghị luận của mình.

Có thể không bao giờ nắm được tinh thần đoạn mở đầu Đại Cáo nếu chăm chăm xem đó là một thể hiện bản sắc, một quan niệm về dân tộc hay một phác thảo hình hài Việt Nam hiện đại. Bên cạnh việc nhấn mạnh các mặt khác biệt, Nguyễn Trãi đã không làm rõ văn hiến Đại Việt có điểm nào chung hay giống với văn hiến Trung Hoa. Xét chữ đế ở câu tiếp theo, ta nên hiểu chủ đích ông Nguyễn muốn trình bày là văn hiến Đại Việt ngang bằng văn hiến Trung Hoa, hay cả hai là một. Thông qua phần nhập đề soạn giả đã đưa ra định nghĩa về đế quốc Đại Việt.

Như Liam C. Kelley, chúng tôi xem tên chính thức của văn bản là Đại Cáo thay vì Bình Ngô đại cáo, nhưng cũng xin thảo luận về từ “Ngô” ở đây dù có vẻ lạc đề. Như bao nhiêu người nói tiếng Việt khác, chúng tôi hiểu “Ngô” là từ bình dân nói chung chỉ Trung Hoa và tất cả những gì liên quan đến Trung Hoa. Nó có thể chỉ tâm điểm như vua hay triều đình Trung quốc, hoặc chỉ cộng đồng ngoài cả ngoại vi như bọn man di tiếp nhận văn hóa Trung nguyên. Vì bản thân “Ngô” là một sinh thể, người sử dụng từ “Ngô” trong viết lách và người đọc thư tịch cũng đều là những sinh thể, nên cố định nội hàm cho “Ngô” hầu như bất khả. “Ngô” ở hoàn cảnh và văn cảnh nhất định mang ý nghĩa nhất định. Trong “Dục tử ngô triều tố quan 欲死吳朝做官”, Ngô = Minh + oán hận; trong “Đế kí bình ngô đại cáo thiên hạ 帝既平吳大告天下”, Ngô = hệ thống quân chính nhà Minh tại Giao Chỉ + khinh thị (nghĩa gần nhất với Ngô của Bình Ngô đại cáo); trong Quân trung từ mệnh tập, Ngô = Minh + bất chính (hiểu theo Kelley); trong Dư địa chí, Ngô = người Hoa ở Đại Việt + văn hóa lệch chuẩn; trong “Công soạn phả am cố điển cập ngô tục 公僎頗諳故典及吳俗”, Ngô = Trung quốc; trong Phép giảng tám ngày,(22) Ngô = Trung quốc + ngoại đạo… Những từ “Tàu”, “Mỹ”, “Việt” ngày nay cũng thế, chúng truyền tải nội dung rất khác nhau đối với người Việt ở Mỹ, ở Nam Việt hay Bắc Việt; hoặc vào thời điểm trước 1975, sau 1975, từ thập niên 1990. Độ chênh có thể từ những gì xấu xí nhất đến những gì hoàn mỹ nhất. Ý nghĩa “Tàu”, “Mỹ”, “Việt” khác nhau thậm chí không chỉ trong từng hoàn cảnh hay văn cảnh mà còn ở âm sắc của chủ thể phát biểu.

12. Kết Luận Tạm:

Kelley nhắc lại giai đoạn chuyển biến tri thức ở Hoa Kỳ từ thập niên 1960 đến 1990 mà phông nền của nó là chuyển biến xã hội: phong trào người da đen đòi bình đẳng, phong trào nữ quyền, trào lưu hậu hiện đại của trí thức; cuộc sống trở mình triệt để khiến sử gia buộc phải nhìn lại lịch sử người Mỹ gốc Phi và vấn đề phụ nữ, họ bắt đầu nghi hoặc các nguồn thư tịch thay vì đặt niềm tin đơn giản vào đó. Kết quả trong lĩnh vực sử học là sinh viên được đào tạo theo hướng nhìn lịch sử qua mọi khía cạnh phức tạp.

Tìm hiểu tài liệu tiếng Việt, Kelley nhận thấy sử học và kiến thức tổng quát của công chúng về quá khứ tại Việt Nam ngày nay đạt trình độ tương đương sử học và kiến thức tổng quát của công chúng về quá khứ tại Hoa Kỳ vào thập niên 1950. Lý do vì học giả Việt Nam đã không kinh qua một giai đoạn chuyển biến tri thức như nói trên.

Xem cuộc xung đột thế kỷ XV là chiến tranh Trung Hoa – Việt Nam; xem người Việt, qua Bình Ngô đại cáo, thể hiện nhận thức rõ rệt về căn cước dân tộc, theo Kelley là quan niệm quá đơn giản. Ông nhìn thấy giai đoạn đó phức tạp kinh khủng khi con người bộc lộ hết tính nết xấu xa như tham vọng quyền lực, lừa dối, bội bạc, phản trắc, khinh rẻ dân đen…Cái xấu không chỉ đến từ người Minh mà còn từ người Việt. Bản thân Lê Lợi thành công với bàn tay vấy máu tù binh, máu dân thường ở Xương Giang, máu họ Trần …, Bình Ngô đại cáo đã hình thành theo dòng thời cuộc nhiễu nhương như thế.

Mặt hạn chế của Đại Cáo cũng hiện rõ dưới mắt giáo sư, nhiều khẳng định chắc nịch dường như gần với ước muốn hơn thực trạng.(23) Nếu Lý Nhậm không tin vào “đạo” của người phương Nam thì Lương Nhữ Hốt cũng chẳng nghĩ núi sông có thể phân chia Nam Bắc. Lê Lợi tiến đến ngai vàng bằng phương thức thô bạo nhưng sai Nguyễn Trãi tuyên xưng “Đại Việt của ta là nước văn hiến”. Thay vì nhìn thấy lòng tự hào trong “phong tục khác biệt” Kelley lại nhận ra mặc cảm thua sút. Ông ghé mắt vào mọi ngõ ngách khuất lấp, đưa ra những nhận định người Việt ít bao giờ nghĩ tới.

Kelley đúc kết ba điểm lớn:

a. Đại Cáo là văn bản mang tính sáng tạo như Đại cáo nhà Chu, nếu Chu công lần đầu tiên đưa thiên mệnh vào chính trị để biện minh tính hợp pháp của Thành vương thì Nguyễn Trãi lần đầu tiên chứng minh sự tồn tại riêng biệt của vương quốc phương Nam để củng cố tính hợp pháp của Lê Thái tổ.

b. Ý thức về căn cước dân tộc Việt Nam không tồn tại trước cuộc xâm lược của nhà Minh, mà bắt đầu hình thành qua cuộc đấu tranh giữa Nguyễn Trãi và quan tướng Trung Hoa-ngụy quan nhằm tìm kiếm sự nhìn nhận của đối phương về một Đại Việt bên ngoài Hoa Hạ.(24)

c. Tường trình lịch sử hiện tại ở Việt Nam gây tổn hại cho quá khứ vì phân biệt trắng đen quá rõ ràng, nó loại trừ mọi yếu tố xấu về người Việt đồng thời thất bại trong việc thừa nhận tính cách tân và độc sáng của Nguyễn Trãi.

Những vấn đề Kelley đề cập là cốt lõi quan trọng. Để tránh trùng lắp với phần chính bài viết, chúng tôi chỉ góp ý tóm tắt như sau:

Chênh lệch trình độ sử học, như một khoa học, giữa phương Tây và Việt Nam là hiển nhiên. Hơn nửa thế kỷ, vô số kiến thức mới đã được tạo ra, không chỉ trong khoa học lịch sử mà còn trong các chuyên ngành liên quan. Khối tri thức khổng lồ đến mức phải nghĩ rằng mọi tương tác nếu có giữa Tây-Việt dù thiện chí vẫn mang lại kết quả cực tiểu, hoặc bằng không, nếu chưa đến mức số âm. Phục hồi độ chênh lệch dựa vào dăm cá nhân xuất sắc sẽ không đủ, có lẽ phải mất vài thế hệ học giả mới tạo ra được một công chúng chuyên môn cần thiết làm nền tảng đẩy học thuật bật xa hơn.

Quyết định đôi lúc tàn nhẫn của Lê Lợi là rất bình thường vào thời trung đại. Cần đặt vụ tàn sát tù binh và thường dân Xương Giang vào vòng áp lực quân sự-xã hội mà ông phải đối đầu lúc bấy giờ. Lê Lợi buộc phải triệt hạ mọi mầm mống chống đối dù nhỏ trên địa bàn để rảnh tay nghênh tiếp đại quân chỉ huy bởi Liễu Thăng. Toàn Thư thể hiện khá rõ tình trạng xã hội rối loạn khi viện binh chuẩn bị tràn sang. Nhằm đạt mục tiêu chiến lược trong cuộc xung đột mất còn thì sinh mệnh người vô tội chỉ là thứ yếu. Cách hành xử đó thể hiện một cách rõ ràng trong các cuộc cách mạng, trong chiến tranh thế giới thứ II và liên tục ngự trị đến ngày nay.

Bởi dùng lăng kính “Hoa tâm”, Kelley thiếu chính xác khi cho rằng Nguyễn Trãi đã chứng minh tính đúng đắn của vương quốc (kingdom) phương Nam. Ông Nguyễn ghi rất rõ Đại Việt được làm chủ bởi đế (emperor) nên dưới Lê Lợi phải là một đế quốc (empire). Có lẽ giáo sư không chấp nhận tiêu chuẩn kép trong hành xử của chính quyền nước triều cống. Đại Cáo biện minh quyền lực vua mới? Đúng, nhưng chưa đủ, nó còn chính thức đặt nhóm hợp tác với quân Minh ra ngoài vòng pháp luật. Bồi thần chư hầu có thể dựa dẫm thiên triều, thần dân đế quốc làm thế bị liệt hàng đại nghịch. Thái tổ xem Tuyên Đức như ranh con thì đám hào sĩ kinh lộ theo đóm ăn tàn có thật quan trọng dưới mắt ông? Đại Cáo vừa thuyết phục lớp ưu tú vừa treo gánh nặng tội lỗi lơ lửng trên đầu họ. Chọn cà rốt hay gậy thì tùy!

Ý thức về căn cước dân tộc Việt Nam không tồn tại trước cuộc xâm lược của nhà Minh, cũng không nảy sinh trong thời gian quân Minh chiếm đóng. “Nước Đại Việt ta” riêng biệt, khác biệt, đối xứng Hoa Hạ, vì là phần dương (nam, sáng, thiện) trong hai phần của Thái cực đồ theo mô hình tư duy cổ-trung đại. Nhiều bằng chứng suốt chiều dài lịch sử Đại Việt-Đại Nam-Việt Nam cho thấy ý thức dân tộc mới manh nha vào cuối thế kỷ XIX, tượng hình đầu thế kỷ XX và đến nay vẫn còn trong quá trình hoàn thành. Thế kỷ XVI, Mạc Đăng Dung biến bắc bộ thành khu tự trị thuộc Đại Minh. Thế kỷ XVII, Nguyễn Phúc Nguyên chính thức thành lập Đàng Trong bằng lũy Thầy và lũy Nhật Lệ. Thế kỷ XVIII, dân sông Hồng xem Nguyễn Huệ như đến từ nước khác nên rất vui mừng trước tin quân Thanh tiến sang. Thế kỷ XIX, lập tức xuất hiện ở Bắc Kỳ lực lượng ly khai muốn tái lập nhà Lê khi thực dân Pháp đuổi chủ lực triều đình Huế khỏi Gia Định. Thế kỷ XX, hội nghị Fontainebleau chưa khai mạc, Nam Kỳ tự trị đã mau mắn ra đời. Luôn có tập đoàn Việt này cảm thấy không chịu nổi một tập đoàn Việt khác. Họ dùng máu để giải quyết sự khó chịu về nhau. Các lãnh tụ nhất thống như Lê Lợi, Nguyễn Ánh, Lê Duẩn giương những ngọn cờ màu sắc rất khác, nhưng lại có điểm tương đồng là phải nhận nhiều bình phẩm theo kiểu cách hung hiểm và hạ lưu nhất mà con người có thể nghĩ ra.


Chú thích:

(7) Xem Ngo (Chinese) Communities and Montane-Littoral Conflict in Dai Viet, ca. 1400 – 1600, Tác giả John K. Whitmore, Nguồn: Asia Major Third Series, Vol. 27, No. 2, Maritime Frontiers in Asia: Sino-Viet Relations, ca. 900-1800 CE (2014), pp. 53-85 (33 pages). Nxb Academia Sinica. Bản điện tử http://bit.ly/2FddSCN
(8) Thực ra hai thiền phái Phật giáo lớn đời Lý là Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông đều xuất xứ từ phương bắc thay vì phương tây. Tuy nhiên nhìn chung trí thức Phật giáo không xem thiên triều là trung tâm thiên hạ như trí thức Nho giáo.
(9) Whitmore dẫn thông tin từ các học giả Li Tana, James A. Anderson, Hugh Clark, Victor Lieberman, Kenneth R. Hall, Brendan Buckley và Michael Aung-Thwin.
(10) Quí tộc kinh lộ lớn nhỏ đều sở hữu điền sản hoặc chức tước triều đình, hoặc cả hai. “Ngô” chỉ là nhóm tha phương cầu thực dù có thể rất giàu.
(11) Nhiều ý tưởng từ các bài viết cũ hơn như North and South in “Bình Ngô đại cáo” (9/5/2010), Phan Ngọc, Stalin and the Bình Ngô Đại Cáo (19/6/2010), The Problems with a Bình Ngô đại cáo as a Declaration of Independence (5/4/2011), Why did bắc nam become Bắc Nam? (15/9/2012), Khoa Học and The Bình Ngô Đại Cáo (16/9/2012), The Bình Ngô đại cáo and the Modern Emergence of Resistance Literature (26/8/2014), Historicizing the Ngô (9/11/2015), The Ngô in Dư Địa Chí were not the Ming (2/8/2016) được tái hiện trong cụm bài mới.
(12) Xem Ngô Sĩ Liên và cộng sự, Đại Việt Sử ký Toàn thư II, Nxb Khoa học Xã hội (2004), trang 283.
(13) Tây Việt cũng có thể hiểu là vùng Trại đối xứng với Đông Việt chỉ vùng sông Hồng.
(14) Xem Viện Sử học, Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học Xã hội (1976), trang 508.
(15) Xem Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên I, Quân trung từ mệnh tập, Nxb Văn học, trang 496-499.
(16) Trên blog leminhkhai.wordpress.com, Kelley ghi nhầm chữ Hán của “Bắc Giang citadel” là 北昌城 (Bắc Xương thành).
(17) Là câu trả lời của Huệ Năng khi ông yết kiến Ngũ tổ Hoằng Nhẫn xin tu học. Phật tử Việt Nam đều biết câu chuyện trong Lục tổ đàn kinh này.
(18) Kelley chỉ tìm thấy từ Minh sử thông tin về cuộc tàn sát. Thực ra Toàn Thư cũng có nói khi Xương Giang thất thủ, ngọc lụa và con gái bị bắt trong thành được chia ngay cho binh sĩ. Lời văn dù gọn cũng đủ chứng tỏ cuộc giết, cướp, hiếp rất kinh hoàng.
(19) Lê Lợi áp dụng tám chữ đầu trong tuyên bố của Dận hầu về chính sách đánh dẹp hai họ Hi Hòa: “Hỏa viêm côn cương, ngọc thạch câu phần. thiên lại dật đức, liệt vu mãnh hỏa. tiêm quyết cừ khôi, hiếp tòng võng trị, cựu nhiễm ô tục, hàm dữ duy tân 火炎崑岡,玉石俱焚.天吏逸德,烈于猛火.殲厥渠魁,脅從罔治,舊染污俗,咸與維新”, Lửa cháy núi Côn Lôn thiêu đốt cả ngọc lẫn đá. Chức sắc triều đình lơi lỏng tu đức sẽ bị trừng phạt bởi lửa mạnh. Chỉ giết đầu sỏ không trị tội người bị ép theo. Ai nhiễm thói tục ô uế được cho phép đổi mới. (Kinh Thư, Hạ Thư, Dận chinh)
(20) Ki mi: vùng biên giới, nơi cư trú của các bộ lạc tự trị hoặc bán tự trị.
(21) Phép cải dung (synecdoche): dùng một bộ phận để chỉ toàn thể hoặc ngược lại, tức một hình thức hoán dụ, tạm gọi là đề dụ.
(22) Xem Alexandre de Rhodes, Phép giảng tám ngày. Trang 12, 14, 17. Bản gốc số hóa: https://bit.ly/2QjyL2x
(23) Nhận xét này tương tự nhận xét của Sigmund Freud về tiểu thuyết: tiểu thuyết là sàn diễn nơi những ước vọng dở dang được thỏa mãn. Ý kiến Kelley khá thích đáng vì Đại Cáo cũng được xây dựng trên một cốt truyện.
(24) Quan niệm này có nét tương đồng với nhận xét của Fredrik Barth (1928 – 2016), nhà nhân loại học xã hội (social anthropologist) người Na Uy. Xem Fredrik Barth (1969), Ethnic Groups and Boundaries, phần giới thiệu, trang 1. Bản điện tử https://bit.ly/2jHWavH. Nguyên văn: Though the naïve assumption that each tribe and people has maintained its culture through a bellicose ignorance of its neighbours is no longer entertained, the simplistic view that geographical and social isolation have been the critical factors in sustaining cultural diversity persists.

bài đã đăng của Lê Tư

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)