(Bài thuyết trình tại cuộc “Triển lãm và Hội thảo Tưởng niệm Trương Vĩnh Ký” tại nhật báo Người Việt, Westminster, Calif., USA, ngày 8 tháng 12, 2018)
.1.
Mục đích của bài này là trình bày một số tìm tòi, suy nghĩ của người viết về một vài nét đặc thù và thú vị trong ngôn ngữ Việt, cùng với việc tìm hiểu về một số biến đổi cả trên mặt ngữ âm và ngữ nghĩa của một số từ ngữ trong tiếng Việt, kể từ giai đoạn phôi thai của nó đến bây giờ.
Sự tìm hiểu và suy nghĩ ấy được thực hiện, khởi đầu, qua việc đọc quyển Kim, Vân, Kiều Truyện, bản phiên âm đầu tiên Truyện Kiều của Nguyễn Du, từ chữ Nôm qua chữ Quốc ngữ, của Trương Vĩnh Ký. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một nguồn sáng, về mặt ngôn ngữ văn học, của người Việt. Chúng ta hãnh diện vì Truyện Kiều, không hẳn vì những khía cạnh triết lý, đạo đức hay xã hội, v.v., trong truyện mà người đời sau đã tìm ra hoặc gán cho nó. Chúng ta hãnh diện vì đã có một nhà thơ Việt, dùng chữ nghĩa của dân tộc, một cách hết sức tuyệt vời và điêu luyện, với những chiều sâu trong ý nghĩa và sự lóng lánh của chữ, để diễn tả câu chuyện.
Câu chuyện ấy, khởi đầu, được viết bằng chữ Nôm, là một thứ chữ có thể cũng được xem là Quốc ngữ của người Việt, trong giai đoạn chuyển tiếp từ chữ Hán. (1) Đó là một đóng góp quý báu, trong giai đoạn ấy, của nhiều nhà nho tài giỏi và có lòng với đất nước. Chỉ tiếc rằng, vì những hoàn cảnh lịch sử và xã hội, chữ Nôm đã không được quảng đại quần chúng biết đến, ngay từ thời nó còn đang được sử dụng. Việc phiên âm một số văn bản văn học, được viết bằng chữ Nôm, sang chữ Quốc ngữ, là thứ chữ, sau đó, và cho đến bây giờ, được toàn dân sử dụng, là một nỗ lực đáng quý. Và cần thiết.
Trương Vĩnh Ký là một người đi tiên phong trong việc làm đẹp đẽ và cần thiết đó.
Ông là một nhà bác ngữ học đầy tài năng, thông thạo nhiều thứ tiếng. Uyên thâm Hán học, giỏi tiếng Latinh và tiếng Pháp, lại cũng giỏi nhiều ngôn ngữ ở Viễn Đông như chữ Lào, chữ Chàm, chữ Miến, chữ Cao Miên, chữ Xiêm La, v.v., ông đã dịch bộ Minh Tâm Bửu Giám và Tứ Thư ra chữ Quốc Ngữ. Ông lại phiên âm ra chữ Quốc Ngữ, chú thích nghĩa lý, và dịch ra tiếng Pháp bộ sách Sơ Học Vấn Tân để giúp học sinh học chữ Hán. Trương Vĩnh Ký cũng đã viết một quyển sử nước Nam để người đọc tiếng Pháp biết về lịch sử người Việt (Cours d’Histoire Annamite). Ngoài ra, tài liệu cũng cho ta thấy ông cũng đã viết nhiều sách bằng tiếng Pháp về văn phạm và ngôn ngữ Việt Nam để dạy cho cả người trong nước và người nước ngoài (Cours de Langue Annamite aux Européens – Phraséologie, Thèmes, Versions; Cours d’Annamite aux Élèves Européens; Grammaire de la Langue Annamite; Explication du Lục Vân Tiên; Prosodie et Versification Annamite – Cours d’Annamite aux Élèves Annamites, v.v…). Trương Vĩnh Ký lại bỏ công làm các bộ từ điển Việt-Pháp và Pháp-Việt để giúp cho người học.
Trương Vĩnh Ký đã bỏ cả đời mình để phụng vụ cho lý tưởng mà ông đã chọn: đóng góp phần tốt đẹp nhất của mình để làm lợi cho dân tộc, giúp ích cho người dân. Ông là một người có tài, có tâm, và có tầm. Là một người yêu nước, và cũng là một nhà ngoại giao, ông chống đối việc Pháp đưa quân xâm chiếm Việt Nam. Ông từ chối vào quốc tịch Pháp dù được giáo dục theo đường lối, cách thức làm việc, phương pháp khoa học của Âu Tây, được trọng vọng và trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp. Trương Vĩnh Ký muốn là một con người dân tộc, với mặt mày, bộ quần áo và tâm hồn dân tộc. Tâm hồn và tư cách Việt Nam.
Trương Vĩnh Ký là một người thông minh và có tinh thần cải cách. Giống như Nguyễn Trường Tộ, ông có cái nhìn xa, muốn cho dân và nước đi lên, tiến bộ cùng thế giới. Trong chí hướng ấy, và trong hoàn cảnh lịch sử thời ông sống, ông đã đóng góp nhiều công sức, làm được bao nhiêu điều tốt đẹp, nhưng ông cũng bị ngộ nhận và chịu những đắng cay.
Bài viết này, dù sao, không chủ vào việc trình bày hay khai triển những khúc mắc lịch sử hay xã hội liên quan đến cuộc đời Trương Vĩnh Ký. Nó nhắm vào một chủ đề khác. Tác giả bài viết quan tâm, nhiều hơn, đến những đóng góp của nhà bác ngữ học và con người dân tộc của Trương Vĩnh Ký. Là một người đã đóng góp nhiều mặt trong việc phổ biến, phát triển tiếng Việt, đã dịch nhiều tác phẩm chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ, như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phan Trần truyện, v.v., Trương Vĩnh Ký đã tạo cho chúng ta một cái nền để tìm hiểu về ngôn ngữ, chữ nghĩa Việt.
Chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đó vẫn còn khá phôi thai. Các bản dịch của ông,
đặc biệt bản phiên âm Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể vẫn còn những chỗ chưa thật đúng, chưa hoàn chỉnh, nhưng, như cụ Nguyễn Văn Tố viết trong lời tựa cho sách viết về Trương Vĩnh Ký của Lê Thanh, chữ Nôm là loại chữ không có từ/tự điển, ở vào giai đoạn đó, mỗi người viết một cách, không thể nào đọc cho đúng ngay được, nên việc làm của Trương Vĩnh Ký vẫn rất quý. Và, để lặp lai một lần nữa, nó cho chúng ta cái nền để tìm hiểu chữ nghĩa Việt.
Trong việc viết sách, dịch sách, phiên âm các tác phẩm văn học từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ, làm tờ Gia Định báo, và sau đó là tờ Thông Loại Khoá Trình (mà ông tự bỏ tiền ra để thực hiện), mục tiêu chính của Trương Vĩnh Ký là ghi lại một thứ “tiếng An Nam ròng”, “nói sao viết vậy”, cốt sao để người Việt đọc và học tiếng Quốc ngữ có thể nắm bắt ngay cái lối nói, chữ viết, ý tưởng của người dân trong suy nghĩ và giao tiếp xã hội. Ngôn ngữ, theo Heidegger, là “ngôi nhà của hữu thể”. Việc chúng ta ăn nói, viết lách, dùng từ, ngữ như thế nào sẽ tạo nên thế giới của chúng ta. Chúng ta tạo nên thế giới qua lời nói, chữ viết, và ngôn ngữ của mình.
Ngôn ngữ của người Việt, qua bản phiên âm và chú giải Kiều của Trương Vĩnh Ký, là chữ Quốc ngữ của thời đó. Nó là ngôn ngữ của dân tộc, nói chung. Nhưng người khảo sát cũng có thể thấy nó mang khá đậm tính phương ngữ và cách diễn ý của Đàng Trong, của miền Nam, một miền Nam của thế kỷ XIX. Một xã hội rất khác với xã hội hiện tại trong đó chúng ta đang sống. Tìm hiểu ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói, cách phát âm, cách ghi âm, lối dùng chữ của người dân trong một khung xã hội nào đó, sẽ cho ta biết khá rõ về con người và lối sống của thời đại ấy.
Bài viết này không thể khảo sát tất cả các từ, ngữ, chữ nghĩa được dùng của Truyện Kiều, đặc biệt của bản Kiều do Trương Vĩnh Ký phiên âm và chú giải. Người viết chỉ có thể khảo sát, tìm hiểu một số từ ngữ, một số biến đổi phản ánh trên mặt ngữ âm và ngữ nghĩa của một số từ ngữ để, qua đó, tìm hiểu về ngôn ngữ, chữ nghĩa Việt. Qua những từ, ngữ được trình bày để khảo sát trong bài, tác giả xin phép được xem nó như là một “mẫu dân số”, giống như “mẫu dân số” trong phương pháp khảo sát của xã hội học, để, từ đó, có những chỗ so chiếu với ngôn ngữ hiện đại, tìm hiểu về lối nói và lối suy nghĩ, cũng như phong cách của người dân Việt, từ xưa cho đến nay.
.2.
Ngoài vấn đề ngữ nghĩa, bài viết, như đã nói, cũng khảo sát một số hiện tượng biến đổi về mặt ngữ âm (có thể xét đến cả lý do phiên âm khác nhau). Ngữ âm là cái vỏ âm thanh của ngôn ngữ. Và vấn đề biến âm là một chuyện xảy ra trong bất kỳ một ngôn ngữ nào.
Chẳng hạn như trong tiếng Anh: từ “Often”, thường được phát âm là “oFFen” (/ˈôfən/ mất âm /t/ ); nhưng có người/vùng đọc là (ofTen) (/ɒftən/ vẫn giữ lại âm /t/ ). Về việc bỏ âm /t/, lý luận giản dị được đưa ra là giống việc phát âm từ “listen” chẳng hạn, người ta không phát âm âm /t/. Người Mỹ và người Anh phát âm “listen” gần như nhau, đều bỏ âm /t/: [ˈlɪsn] và [ˈlɪs(ə)n].
Hay từ “Mountain”. Có người, có vùng phát âm vẫn giữ âm /t/, có những người/vùng khác bỏ âm /t/ đi, chỉ còn “mount” và “ain”. Như vậy, Mountain thành Mow’un. Các nghiên cứu, lúc đầu, thường nghĩ dân Utah, đặc biệt là phụ nữ ở lứa tuổi trên dưới 20, thường phát âm theo lối bỏ /t/. Và điều này bị xem là một thứ “stigma”, một “dấu ấn xấu”, và bị cười chê. Nhưng nhiều nghiên cứu ngôn ngữ về sau cho thấy rằng hiện tượng bỏ âm /t/ này phổ biến ở nhiều nơi, nhiều vùng, chứ không phải chỉ ở riêng Utah, nơi ảnh hưởng từ di dân gốc Anh hay vùng phía Nam của nước Mỹ trở nên rõ rệt. Hiện tượng “có vẻ” bỏ âm /t/ này, lúc đầu, thường được nghĩ là bắt nguồn từ việc không phải âm /t/ bị loại bỏ, nhưng, thay vào đó, nó bắt đầu sau một âm tắc (/ʔ/, glottal stop), từ đó không khí tạo, dồn đẩy và phát ra đường mũi. Nhưng một nghiên cứu sau đó của các nhà ngôn ngữ thuộc đại học BYU cho thấy là người dân Utah, khi phát âm từ này, thường đẩy không khí qua đường miệng (oral release). Họ cũng phát âm những từ như kitten, cotton, hay beaten như vậy. Hiện tượng “loại bỏ” /t/ như thế được phổ biến ở nhiều nơi, nhiều vùng trên nước Mỹ. (2)
Cách giải thích chung là, đối với những người phát âm bỏ /t/, theo kiểu “My bu’on fell off my jacket while I was hiking the mow’un” [My button (cúc áo của tôi) bung ra khỏi áo khoác khi tôi leo núi (hiking the mountain)], từ “mountain” được phiên âm theo kiểu IPA (International Phonetic Alphabet) thành [ˈmaʊntn ], phát âm theo lối Mỹ. Nhưng phân tích ra, nó là [ˈmaʊn tən]. Một trường hợp t-schwa-n ( [tən] ). Âm schwa, ký âm [ə], là một nguyên âm dòng giữa, ở trung tâm (mid central vowel sound). Nó được phát ra rất ngắn, gần như luôn xuất hiện trong những âm tiết không được nhấn mạnh (unstressed syllables). Trong tiếng Mỹ, ở một số người hay địa phương, âm /t/ sẽ không được phát ra khi nó đi sau âm /n/, sau một âm tiết được nhấn mạnh (stressed syllables), như trong “center”; nhưng nó được phát ra rõ ràng trong từ “mount”. Trong trường hợp “mountain”, với kết hợp t-schwa-n [tən] , âm /t/ ở đây được gọi là một stopped-T sound, một âm /t/ bị ngừng, bị chặn lại, khiến “mountain” trở thành như “mountn”. Âm “ai” trong “mountain” là một nhị trùng âm, thường được phát ra là “ay”; nhưng trong từ “mountain”, âm “ay” này là một schwa, khiến nó trở thành một âm bị giảm thiểu tối đa đến nỗi gần như người ta không còn nghe ra nó nữa. Như thế, trong “mountain”, âm /t/ bị chặn lại, không phát ra được; âm schwa [ə] cũng không còn nghe thấy. Do đó, Mountain thành Mow’un.
Cũng về vấn đề biến đổi ngữ âm, trong tiếng Pháp, người ta xét thấy có bốn âm mũi:
/ɛ̃/ như trong gain, vin, pain, impatient
/œ̃/ như trong l’un, parfum, chacun, quelqu’un
/õ/ như trong long, monde, pont
/ɑ̃/ như trong enfant, dans, l’an, chambre
Dùng câu sau đây, ta có thể phát âm bốn âm mũi đó: un bon vin blanc [một (ly/chai) rượu vang trắng ngon]. Giọng tiêu chuẩn của dân Paris vẫn giữ bốn âm mũi này; nhưng giọng Paris “sành điệu” bây giờ thì chỉ còn ba âm mũi. Người ta phát âm un, chacun, chẳng hạn, với âm /ɛ̃/ (giống như trong vin, pain) chứ không với âm /œ̃/ nữa. Ngay từ hơn nửa thế kỷ trước, khoảng giữa thập niên 1960, khi tôi theo học tại Centre Culturel Français/ Alliance Française ở Saigon, các thày cô giáo dạy tôi đều là người Pháp mà cách phát âm của họ với mấy chữ un, chacun, quelqu’un… này cũng khác nhau. Có người phát âm là /œ̃/, có người lại phát âm là /ɛ̃/. Cách phát âm là /œ̃/ được thể hiện rõ trong những câu nói của người Việt, như “Không có ‘oong đơ’ (un deux/một hai) gì nữa. Mời anh lên xe cho!”. Hiện nay, không có mấy phát thanh viên/xướng ngôn viên tại Paris còn dùng đủ cả bốn âm mũi này. Âm /œ̃/ đang có khuynh hướng bị đẩy lùi và áp đảo bởi âm /ɛ̃/.
Có nhiều lý do cho việc biến đổi ngữ âm của mọi dân tộc. Nhưng nhìn chung, nó xảy ra từ những nguyên nhân trong và ngoài ngôn ngữ. Từ cấu tạo của cơ quan phát âm, sự ảnh hưởng qua lại của các âm trong một âm tuyến, một chuỗi lời nói (đưa đến các hiệu ứng như tăng âm, giảm âm, nối âm, hợp âm, đồng hóa, dị hóa, nhược hóa, và nhiều dạng biến đổi âm khác liên quan đến phụ âm đầu, vần, thanh điệu) đến những nguyên nhân bên ngoài như điều kiện xã hội, thái độ ngôn ngữ, truyền thống văn hóa, khí hậu, địa lý, v.v. Tất cả đều có thể khiến cho sự biến đổi xảy ra. (3)
(Còn tiếp)
__________________
Chú thích:
(*) Vì thời lượng không cho phép, và cũng vì dành thời gian cho những câu hỏi và thảo luận, bài này được thu gọn lại trong buổi Triển lãm và Hội thảo Trương Vĩnh Ký. Đây là toàn văn bài thuyết trình.
(1) Từ năm 939, Việt Nam giành được độc lập, thoát khỏi ách thống trị của người Hán. Theo Nguyễn Thiện Giáp, trong bài “Chính sách ngôn ngữ tại Việt Nam qua những thời kỳ lịch sử”, thì: “Nhà Trần và các triều đại tiếp theo vẫn tiếp tục sự nghiệp của nhà Lí, cũng tổ chức học hành thi cử bằng chữ Hán, cũng sáng tác bằng chữ Hán.
Thực tiễn lịch sử chứng tỏ rằng định hướng ngôn ngữ văn tự của các triều đại Việt Nam đã khiến cho sự tiếp xúc văn hoá-ngôn ngữ Việt-Hán phát triển. Hệ quả là:
– Việt Nam đã sáng tạo ra chữ Nôm để ghi lại tiếng nói của mình.
– Tiếng Việt đã tiếp thu các yếu tố Hán Việt và các yếu tố Hán Việt Việt hoá làm phong phú kho từ vựng của mình.
– Hình thành cách đọc Hán Việt, một cách đọc chữ Hán riêng của người Việt Nam.”,
và, dẫn theo bài của Nguyễn Thiện Giáp, Nguyễn Tài Cẩn cũng cho rằng: “”Tri thức Hán học của người Việt ở giai đoạn Ngô, Đinh, Lê là một sản phẩm còn lưu lại của chế độ Bắc thuộc, còn tri thức Hán học của người Việt từ đời Lí trở về sau lại là sản phẩm của một sự định hướng có ý thức của một triều đình nước Việt độc lập. Sự định hướng này làm cho Việt Nam đi hẳn vào khu vực văn hoá Hán, đứng bên cạnh Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Về mặt ngôn ngữ, sự định hướng này làm cho tiếng Việt đi xa dần các ngôn ngữ bà con vốn cùng gốc Mon Khmer như mình: Mường, Poọng, Chứt, Cơtu, Bana, Môn, v.v.”” (“Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn”. Nxb Giáo dục, H., 1998.). Như thế, chữ Nôm đã xuất hiện trong tiến trình phát triển ngôn ngữ dân tộc của người Việt.
(2) Có thể xem “Utahns who drop the T in words like ‘mountain’ not so unusual, BYU study says” của Mandy Morgan. https://www.deseretnews.com/article/865570211/Utahns-who-drop-the-T-in-words-like-mountain-not-so-unusual-Y-study-says.html
(3) Có thể xem thêm “Biến Đổi Ngữ Âm: Những Vấn Đề Lý Luận” của TS. Nguyễn Đình Hiền, trường Đại Học Ngoại Ngữ, Đại Học Quốc Gia Hà Nội. http://repository.ulis.vnu.edu.vn/handle/ULIS_123456789/914