Trong quan niệm triết học Đông phương, con số 7 không phải là con số thiêng, mà là con số biến diệu, nó hàm chứa đầy đủ các yếu tố cận cực về biến dịch (ứng với quẻ Cấn – Tiên thiên Bát quái và ứng với quẻ Khôn – Hậu thiên Bát quái), các yếu tố phối ngẫu âm dương ngũ hành trong thiên – địa – nhân thể học từ tầng bậc thấp nhất cho đến tư tưởng hiền minh…7 luân xa (charka) trong con người, luân xa đầu tiên nằm ở đám rối tủy, “đại diện” cho vô thức, bản năng và theo thứ tự đó luân xa cuối cùng sẽ nằm trên đỉnh đầu – cánh cửa tư tưởng… Biến dụng của con số 7 đi vào lịch pháp, một tuần có 7 ngày, Thứ Hai là ngày khởi của tuần, mang ý nghĩa về sự nhen nhuốm của một ý tưởng, kế hoạch nào đấy, và Chủ Nhật là ngày con người có thể ngồi lại, suy tư, phản tỉnh và xả – e cho một tuần qua… Diễn tiến đến vô cùng. Không dừng ở đó, con số 7 tự nhân với bản thân nó lại chính là số ngày linh hồn được siêu thoát khỏi xác thịt trần lụy (được ghi dấu bằng lễ Tuần Bốn Mươi Chín Ngày cho người quá cố) để chuẩn bị đầu thai về một quốc độ nào đấy, coi như đó là cái mốc chấm dứt một quãng ngắn trong vô thường… Con số 7749 trong tập thơ gồm 7 tác giả, với mỗi tác giả trình diện bằng 7 bài thơ cùng những biến tấu “tùy tiện” của nó dường như đã mang một thông điệp không còn mơ hồ về sự tái sinh trong thi ca, về một thực trạng đầu thai khác của thơ Việt. Mang dáng dấp, hình hài của đứa trẻ thời tin học và fast food, tri thức và giải trừ… (Hoặc chí ít thì chính sự lựa chọn con số 7749 cũng ngụ ý một tuyên ngôn…)
nói cho cùng cách ngón út một gang tay rưỡi
không có màu vàng
nó di chuyển với gia tốc thay đổi
sáng hôm qua
con vịt bơi giữa ao cùng lúc cọng lông trên đỉnh đầu lệch
bởi nhảy thì bất khả
bởi mệt
và ít bay
con vịt căng hai cánh giống dây phơi
và định lột
cùng với hoạt động điên
cùng với cọng lông số bảy
làm cờ phủ nhận con vịt đang được rang
(Cọng lông số bảy của con vịt điên – Bỉm – Tr. 12-13, 7749)
Tại sao phải là con số 7? Là 7749, vì 7 x 7 = 49? Con số 7 và con số 49 biểu niệm điều gì? Sự khởi phát? Sự bế tắc? Sự trì trệ, ù lì? Khả năng bứt phá , tái sinh của một cái gì đó vừa chết đi trong một cảm quan khác, mới hơn, sinh động hơn? Thông điệp về cái chết của giá trị truyền thống… cùng với hoạt động điên/ cùng với cọng lông số bảy/ làm cờ phủ nhận/ con vịt đang được rang…? Xét trên phương diện ngữ nghĩa và tính trùng phức của đối tượng, có thể đặt cọng lông vào con số 6, 5, 4, 3, 2, 1, 0 hoặc 8, 9… đều mang ý nghĩa biểu niệm, tạo độ mở về nghĩa và âm, không riêng gì con số 7. Chính việc lựa con số này đặt định vị trí cho cọng lông đã khuôn giới ý niệm tác giả trong chừng mực anh ta muốn tuyên bố [hay khủng bố cũng không sao] về một cơn hấp hối của riêng mình (tôi gọi ý thức giải trừ đại tự sự là một cơn hấp hối). Và hành động tự xuất bản bằng lối photocopy của họ đã phản ánh thái độ dứt khoát khước từ những qui ước xã hội trong hoạt động văn học nhuốm mùi xú uế và tù đọng trên xứ sở này. Đó là một hành động dũng cảm (tuy hơi muộn màng so với nhóm Mở Miệng nhưng lại khá sớm so với độ tuổi của Bỉm, Michelia…) của tuổi trẻ, phản ánh những nhận thức tiến bộ cũng như sự nhạy bén, thông minh của thế hệ sinh sau 1975 – một thế hệ dễ bị đánh tráo nhận thức và tư tưởng, tình cảm… Một tín hiệu khả quan!
háng thường toác ra và rộng
háng khép nép chào mời lãng xẹt
tao đang sống trong bãi rác trực thuộc
thế kỷ hăm mươi mốt
thời mà
lồn dần rỗng…
(Trích Entry đầu thế kỷ – Bỉm – tr.14, 7749)
7 x 7 = một con số dẫn nhập cho cuộc chơi giải trừ đại tự sự, một sự hứa hẹn cho những khả thể mới? Nhìn chung, vẫn chưa nói được gì cụ thể cho một tiến trình bứt phá còn khá mới mẽ của nhóm thơ trẻ này (mặc dù họ đã có những bước tiến rõ rệt trong phong cách và chủ đề!) kể từ Bướm Sáu Cánh cho đến 7749.
… tiếng kêu tạp lai một chiều
dù đã cố giàn giụa đỏ cả đôi mắt nhưng chẳng thể lầm hay
phủ nhận đó là
đồng loài đang phát tiếng mẹ đẻ của mình…
(Trích Hỏi [?]: tôi có đau không? – tr. 74, michelia – 7749)
Trong những lần ngồi chơi, uống cà phê và nói chuyện cùng một số người bạn văn nghệ, trẻ có, cao tuổi có, phần lớn câu chuyện thường xoay quanh vấn đề giải trừ đại tự sự. Đương nhiên là những người cao tuổi hoàn toàn có lý khi họ có những bức xúc, bởi lẽ, họ là (hoặc từng là) con người của đại tự sự vô sản, tư bản… Thái độ phản đối, bất bình của một con người đã trải nghiệm và chán mứa cái cũ là điều dễ hiểu. Nhưng với lớp trẻ, câu hỏi được đặt ra là họ có thật sự muốn giải trừ, họ đã “có” đại tự sự hay không mà giải trừ? Tôi cũng từng nói chuyện với nhiều anh bạn trẻ làm thơ và cũng nghe họ bô bô nói về tân hình thức, hậu hiện đại… Nhưng càng nghe họ nói tôi càng nhận ra là họ không biết (hoặc nếu có thì cũng mơ hồ, vá víu và chẳng ra tấm ra miểng gì…) mấy về cái gọi là hiện đại [xét trong cái nhìn của họ về thời đại họ đang sống], chưa biết gì về đại tự sự chứ đừng nói chi đến những thứ gì khác! Tất cả những gì họ nói và làm đều đang đi vào một đại tự sự khác vừa mang màu sắc của cái được mệnh danh truyền thống và một chút tuổi trẻ bồng bột, nông nổi của họ. Câu chuyện trở nên vô bổ và nhạt nhẽo… Chỉ cần một giấy phép xuất bản, được in ấn tác phẩm theo “hệ chính thống” của nhà nước thì mọi chuyện đã đổi khác, xoay đúng 180 độ! Nhưng…
nếu như anh muốn
ta có thể hẹn hò hàng tuần
ở một khách sạn rẻ tiền mướn theo giờ
em sẽ mặc áo lót ren đen
đánh môi son đỏ
bước gót nhọn nhung xanh như Elvis
hút hai điếu xì gà Havana
thở những hơi tròn mong đợi
nếu như anh muốn
em sẽ gọi hồn công chúa Pettie Paige
học thuộc lòng điệu Dita von Teese
theo những nàng vũ nữ Crazy Horse
dưới vớ da vườn lưới trong bắp đùi
em đem theo “những gì Lola muốn”
những người đàn ông ngạo mạn như anh
vẫn ao ước sự trừng phạt của người đàn bà đeo mặt nạ
sau khi những cánh cửa sập
vậy thì…
không phải em đã răn báo anh trước
những cô bé từng học nội trú trường đạo
đã quen thói nói dối
như môt thước đo chiều sâu tâm linh
từ htuở ấu thơ.
(Trích Nếu anh muốn – Đỗ Lê Anh Đào – tr.44, 7749)
Ý thức đả phá vào thành trì những thứ của rỡm nhân danh tâm linh, mượn màu tôn giáo, ý hướng bứt thoát khỏi những định nghĩa phẩm hạnh (tự đánh tráo, tự dối trá chính mình), ý niệm về tự do, tình yêu và xác thịt được biểu hiện khá mạnh mẽ trong thơ bởi một thái độ, một phong cách quai quái, bào bạo và dám sống, dám chơi, dám chịu của cô gái (Đỗ Lê Anh Đào) này. Những vấn đề về tình dục được phơi bày đơn giản như chính nó, vậy thôi! có ai hiểu/ tôi tát cả thành phố/ trả tất cả nợ thù ấm ức ngực chúng ta… (trích Nửa đêm kể chuyện Tay và Jen ở Los Angeles – tr.39, ĐLAĐ – 7749).
… cô không đem theo người yêu
hay bạn thân;
cô đã gọi tắc xi sẽ tới đúng giờ,
gửi những cú điện thoại ở sở làm tới máy cầm tay
cô đọc báo chí phụ nữ thời trang
đầu óc cô tính toán những hóa đơn và
dự trữ lợi nhuận
từ ngày hôm trước.
lần duy nhất
cô phiêu lưu nghĩ tới
những quan hệ loài người,
tình nhân, tình bạn, và trói cột máu mủ
mà cô sắp cắt bỏ;
là khi bác sĩ hỏi
ai là người cô liên – lạc – trong – trường – hợp – khẩn – cấp.
(Trích Hẹn – tr.48, Đỗ Lê Anh Đào – 7749)
Thế khỉ 21, thế kỉ của những bước nhảy phì đại trên mọi giá trị, từ khoa học, công nghệ, thông tin cho đến tự do, phẩm hạnh, chính trị, ý thức phản tư… Con người trở nên nhỏ bé, lạc lỏng trước thế giới và trước chính mình. Sự cô đơn gần như đạt đến cực điểm của nó. Phiêu lưu, đó là ám ảnh thường trực của con người trong thế kỉ này, thậm chí phiêu lưu với chính tồn tại của mình! Dường như trong nếp nghĩ của cô (và hình như là cả tôi và những thế hệ sau nữa!) mọi thứ tình cảm đã trở nên ngược trục và có chút gì đó phi lý, tạm bợ, chỉ vậy thôi. Những câu thơ mới nghe thì vô cảm, trớt quớt, lạnh, nhưng ngẫm một chút, phía sau nó, bên dưới những con chữ là một vết thương mưng đau, tại sao lần phiêu lưu duy nhất cô lại nghĩ về quan hệ loài người? Phải chăng đó là thứ phiêu lưu của những phiêu lưu? Và con người sẽ vin vào đâu để sống, để yêu thương? Câu trả lời nằm ở phía nhức nhối và lặng câm, câu trả lời nằm ở vô cùng xác thịt và đổ vỡ.
như tao đã nói rồi: chó vẫn là chó, ta vẫn là ta! Không phải đến bây giờ chúng ta mới biết, từ cái thời tổ tiên dân tộc mình [bầy chim bay trên trống đồng] đã sống và tồn tại chạy theo nền văn minh con [cặt] gì đó? Đến sau này mới hiểu ra, nên gọi đó là nền văn minh [lúa nước]. Khốn nạn lắm, trôi dạt từ hạ lưu sông [chết] dài ngoằn ngoèo từ bên nước [tầu], cứ đi mãi cuối cùng đến yên phận tại dải đất hình chữ S này. Nhưng không quên “một ngàn năm nô lệ…” và cứ hát vang từng ngày.
sống theo kiểu [khỉ khô] mẹ bồng con ngâm trong bồn rượu, có bìm [bịp] và rắn tám con [bát xà] là [xà bát] cũng giống như trò [phỉnh phờ] được ngâm lâu ngày đến bây giờ con/người VN luôn truyền miệng [bốn ngàn năm văn hiến]. Có thằng Tây [khờ] nó hỏi hướng dẫn viên du lịch VN: bốn ngàn năm tính từ lúc nào, nếu cộng thêm hiện tại là mấy ngàn năm[?]. Có lẽ câu hỏi này dành cho con [bò] con [chó] con [heo] con… chắc nó sẽ biết để trả lời! Cho nên, ai cắc cớ hỏi tao, thì tao chỉ dám mở miệng: [nam mô a di đà nẵng, đà lạt lạnh lắm!]…
(Trích Chuyện này chỉ nói với mấy thằng bạn – tr.60, khaly chàm – 7749)
Đương nhiên, với một tập thơ được gia công (tôi thích dùng chữ này hơn những chữ như: thiết kế, trình bày, minh họa, đồ họa… nghe sến quá điiii!) khá công phu, cùng những nỗ lực của các tác giả, tôi không thể (và không đủ thời gian) để phân tích hoặc bình giải cái hay của từng tác giả (và thực ra, không bao giờ phân tích hay mỗ xẻ mà thấu đạt cái độc đáo của họ một cách trọn vẹn, tự thân tác phẩm nói lên nhiều hơn!). Chẳng hạn như nói đến Michelia thì phải nhắc đến âm hưởng lu trong thơ anh, dòng tâm linh bàng bạc chảy, xoắn cuộn với những hoài niệm, thao thức, trăn trở thế sự, suy tư triết học… làm nên diện mạo Michelia. Nói đến Trúc Ty thì không thể không nhắc tới âm hưởng zen pha chút giễu nhại, ngang tàng của kẻ sĩ trước trắng – đen, sáng – tối nhân tình…
vật này chắc là một ý
tưởng ăn cắp vặt: nó
giơ thẳng ra ánh sáng, múc
cà phê, tiết canh lợn, và máu người
khi cầm nó trong tay
có thể đoán được phần còn lại của người:
ác, to, không nanh, không
vuốt, và không thấy…
(Muỗng – tr.97, trúc ty – 7749)
… Và đương nhiên, khi nhắc đến Tú Trinh (trong khuôn khổ những gì tôi đã đọc của tác giả này), tôi không thể đánh mất ấn tượng về những vết thương, những tín hiệu hồi lưu tiềm thức trong cảm quan thậm phì của phức thể nhục cảm, của những khuyết lõm tâm hồn cận tỉnh thức…
… chúng ta là những nghệ nhân tài hoa chạm khắc
những vết xướt quét lên da bằng ánh mắt
độ sâu tính bằng đơn vị năm
năm
có hẳn một mùa người tự nhắc người mang dòng máu
nóng
chạm hồn nhau bằng những giao tiếp nồng nàn
loại tương tácmang nhiệt độ âm trang trọng
những vết phỏng ra đời từ lạnh cóng…
W
Z
một kí tự, những bắt đầu không có trong tiếng Việt
một kí tự, cho tất cả, bao gồm ngơ ngáo ngợm
ngày lạnh
nâng niu
F
J
W
Z
Tha hồ mà suy diễn
(Trích FJWZ – tr.130, tú trinh – 7749)
Với Vi Lãng, những ám thị từ phía giấc mơ, những bình an mị lừa, những bất an tâm linh, những dấy động ba đào tử sinh được phác họa thành thơ thông qua những mảnh rời ngôn ngữ vừa mang chút hơi hướm siêu thực vừa thấm đẫm nhân sinh trong cái nhìn hư ảo, phù sinh và nhen nhuốm bội phản chính mình…
những giấc mơ alice
rơi
trong giấc ngủ, đường hầm tối
giấc tôi mơ trên bờ, về alice
rơi
rơi
trong im lặng
đợi
chiều xuống bên lá
rơi
em rời bỏ đời an lành quen thuộc
có khi nào trở lại
những cành gãy và lá khô…
mai này em rơi khỏi giấc mơ
những trang sách, tàng cây, dòng suối,
còn rạng rỡ, hay mất dần, như gió
lùa em
rơi
hay chỉ còn
im lặng
đợi
(Trích Alice rơi trong im lặng – vi lãng, tr. 138 – 7749)
Một tập thơ không dày, không mỏng, vừa đủ để người đọc nhận diện được những sắc thái, biến tấu, màu sắc của mỗi tác phẩm, mỗi tác giả. Và, dường như con số 7 cũng mang trong nó những biểu niệm về thất tình lục dục mà trong đó mỗi nghệ sĩ tự phác họa chân dung vừa đủ ngắm của mình bằng gam màu riêng, vừa gần gụi – đương đại, vừa xa xăm suy tưởng, đời tư. Chỉ ngần ấy cũng đủ gợi lên nhiều điều. Tôi không muốn nhắc đến khái niệm Tân hình thức ở bài viết này, tự thân tập thơ nói lên điều đó (mà nếu nó không nói thì tôi cũng không nói luôn vì tôi có biết gì đâu mà nói!). Và mỗi bạn đọc sẽ mỗ xẻ nó theo từng ý hướng khác nhau. Như vậy sẽ tốt hơn.
Tôi đặc biệt thích kiểu trình bày mục lục trong tập thơ. Nếu chịu khó đọc kĩ phần mục lục, độc giả có thể dễ dàng nhận ra đây cũng là một bài thơ trong tổng thể tác phẩm.
bỉm
Lỉnh kỉnh
Cọng lông số bảy của con vịt điên
Entry đầu thế kỉ
Thang móm
Mặt trời ngày
Cành khô hóng gió
Lỗ hổng hẹp
đỗ lê anh đào
Từ trong em
Thơ tình tặng thuốc lá
Cô gái xinh đẹp
Những điều khác lạ
Nửa đêm kể chuyện Tay và Jen ở Los Angeles
Nếu anh muốn
Hẹn
khaly chàm
Xuân về ta xin phép vợ
Viết tại hẻm 48 gần hẻm của thận nhiên
Chuyện này chỉ nói với mấy thằng bạn
Lũ tụi mình sợ [đéo] gì nhau
Cách nhìn dị biệt
Tái sinh bình dị
Từng ngày bụi đá đang bay
michelia
Khúc tấu rối bù 1
Hỏi [?]: tôi có đau không?
Lời cho mẹ
Tao đếch cần quan tâm đến gì nữa
Về cuộc nhậu đêm qua
Đó… không phải là của tao
Khi như vậy tôi thường hay hỏi
trúc ty
Muỗng
Bi ca cho sơ – ri
Đâu đó có phải là con?
Tụng ca trà xanh
9 bài haiku
Bụ vũ trụ
Suy niệm hiện thời
tú trinh
Một bài thơ khác về niềm tin
Ư a muối
Tháng 10, những khi…
Viện cớ
Cánh đồng sang mùa
Displace 1
FJWZ
vi lãng
Tháng hai
Tiếng trong mơ
Alice rơi im lặng
Vết nứt áo giáp lụa
Chẳng còn bao lâu
Piedmonte
Níu kéo
tập thơ “bảy bảy bốn chín” được sự giúp đỡ
về tài chính của các tác giả có mặt trong
tuyển tập này và một số anh em văn nghệ sĩ khác
Tùy tiện xin trân trọng cảm ơn!
Bạn thử hình dung có một buổi chiều nào đó, ngồi trước bàn phím máy tính, mọi thứ trống rỗng, vô nghĩa, tâm hồn mình, bụng mình được tọng thật nhiều fast food… Để làm gì ư? Không biết, vì tôi muốn nói một điều rằng sự ăn không thể lý giải để làm gì một khi cái bụng mình cảm thấy “trống vắng chiều nay”, vậy đấy. Và đọc 7749, trong một ý nghĩa và chừng mực nào đấy thì cũng giống như việc tọng fast foood vào bụng trong buổi chiều trống rỗng trước vô vàng khả thể đang hiện ra trên màn hình máy tính. Và đừng nhầm lẫn rằng thứ gì dành cho sử dụng nhanh thì không ngon, không bổ nhé! Để có một công nghệ fast food, đem đổi cả mấy ngàn năm làm lúa nước bán mặt cho đất bán lưng cho trời chưa chắc xong đâu! Đó là chưa nói đến chuyện đất ở đang ngày càng khan hiếm, thủ đoạn bầy đàn mỗi lúc một cao, ruộng đồng cho việc làm lúa đang teo lại… Nếu bạn biết thưởng thức, thì nó bổ cả tháng chứ không giỡn chơi đâu!