Ngay lúc này, giữa tâm dịch, đã có hàng ngàn người Việt đổ xuống vĩnh viễn vì dịch, đã có hàng ngàn gia đình rơi vào tang thương, và chưa biết con số này đến bao giờ sẽ dừng. Điều đó cũng đồng nghĩa với hàng ngàn miệng ăn khép lại và có nhiều ngàn miệng ăn phải há ra bởi mất mát và đời sống mất cân bằng. Nhưng, câu chuyện tồn tại của con người đâu phải chỉ dừng ở miếng ăn. Sâu xa hơn, đã có hàng ngàn ước mơ khép lại và sẽ có hàng ngàn ước mơ bị ảnh hưởng, trở nên méo mó, tương lai bất định. Tự dưng lúc này, tôi lại nhớ đến cụ Phan Châu Trinh cùng giấc mơ Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Phục Dân Sinh.
Tôi nhớ đến khu lăng mộ của Cụ, trong một buổi chiều đạp xe lang thang thành phố, đi dọc đường Trường Sơn, cảm nhận cái hay của người thiết kế con đường này. Bởi toàn bộ tên các con sông Việt Nam đều được bố trí giao với Trường Sơn, đi trên con đường này, có cảm giác đi dọc đất nước. Và tình cờ, từ đường Trường Sơn, băng qua mấy con đường nào đó (tôi không nhớ nổi) để ra đường Cộng Hòa, tôi gặp khu nhà tưởng niệm cụ Phan Châu Trinh. Vậy là tôi dừng xe, vào thăm, thắp nhang Cụ.
Lúc đó tôi gặp bà Lê Thị Sáu, một người phụ nữ có phong cách nói chuyện cởi mở, hiếu khách và sâu sắc. Tôi chỉ nhớ vậy, bà không ngần ngại giới thiệu rất nhiều về Cụ cho tôi, một đứa sinh viên chưa rành chuyện. Bà là người gợi mở cho tôi rất nhiều điều… Có lẽ cũng từ giây phút đó, tôi nghĩ về Tỉnh Quốc Hồn Ca của Cụ nhiều hơn. Và rồi, theo thời gian, dường như mọi chuyện dần trôi. Cho đến hôm nay, khi Sài Gòn lâm vào tang thương do đại dịch, và sắp tới, có thể Bình Dương, Hà Nội cũng không mấy sáng sủa. Và đáng buồn là hình ảnh, sự kiện về dịch bệnh tại Việt Nam lại xoay quanh một vấn đề khác mà lẽ ra không đáng có: Miếng ăn.
Dù muốn hay không, tôi cũng đã nhìn thấy hình ảnh người ta tranh nhau bịch thức ăn, thậm chí ẩu đả nhau vì miếng ăn, có trường hợp đâm chết người do chậm đưa phần cơm cho kẻ thủ ác… Và đáng buồn hơn, tại Bình Dương, có một khu phố mà ở đó, toàn nhà hai tầng, ba tầng, người ta đã chạy túa ra để tranh những bịch rau củ quả, không còn nghĩ tới chuyện giữ khoảng cách, phòng dịch hay lòng tự trọng, hình ảnh cá nhân gì nữa. Chuyện đáng buồn này không chỉ diễn ra tại Bình Dương mà hầu như mọi nơi, Sài Gòn, Hà Nội đều có. Nơi nào có giãn cách, cách ly, thì liền sau đó có vấn đề về lương thực, thực phẩm.
Đương nhiên, trong đại dịch, vấn đề lương thực, thực phẩm là chuyện thiết yếu. Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ thiết yếu hay thứ yếu mà là thái độ của người đang có nhu cầu. Thử đặt một câu hỏi: Liệu việc tranh giành, chạy đua có giúp cho người ta thoát dịch vì bữa ăn no? Và việc chạy đua của người dân có khiến cho lượng cung cấp tăng? Không, câu trả lời chắc chắn là không, mà ngược lại, việc chạy đua, tranh giành tạo ra cầu nối tốt nhất cho dịch lây lan. Và có thể việc giành giật, lộn xộn khiến cho các nhà cung cấp, người làm thiện nguyện cảm thấy bất an và tìm cách tránh khu vực đó ra. Như vậy, khủng hoảng càng thêm khủng hoảng.
Sâu xa hơn, tôi từng nhận ủy nhiệm của bạn bè ngoài nước, cụ thể là báo Trẻ, cầm số tiền gần bốn trăm triệu đồng mang ra cứu trợ một số bà con ở Ba Đồn – Quảng Bình, Hương Khê và Xuân Sơn – Hà Tĩnh. Vì ngay từ đầu, tôi không muốn để bất kỳ vấn đề gì lợn cợn về sau, nên tôi quyết định không mua bất kỳ món quà nào (lúc đó không mua quà cũng rất hợp lý vì các nhà tài trợ khác đã mang mì tôm, gạo, nhu yếu phẩm đến trước, rất nhiều) mà cho tiền vào phong bì, mỗi phong bì 500 ngàn đồng. Chúng tôi đến các giáo xứ, liên lạc với các vị Linh mục và nhờ họ tổ chức trao quà. Đồng thời, cũng nhờ họ viết xác nhận giùm đã phát số lượng bao nhiêu phong bì cho bà con, mỗi phong bì chứa bao nhiêu, tổng tiền trao là bao nhiêu để “trả” số liệu đó cho bạn bè.
Đương nhiên đây là chuyến đi hạnh phúc, bởi ngoài khoản tiền của anh em, chúng tôi có bỏ thêm vào một ít và cộng với số tiền mà anh em gởi cho chúng tôi đi đường nữa để tặng bà con. Khi về, lỉnh kỉnh mật ong rừng, cam Hương Khê, mang tặng quanh xóm. Mọi thứ xem như ổn và sạch sẽ. Nhưng.
Chữ “nhưng” của tôi ở đây muốn nói đến một vấn đề khác. Tôi xin phép không nêu tên địa điểm cụ thể. Bởi lúc đi, chúng tôi đi hai vợ chồng và hai đứa nhỏ, không để bất kỳ dấu hiệu nào của “nhà từ thiện” nên chúng tôi thoải mái như đi du lịch và có điều kiện tiếp xúc với bà con thực tế hơn rất nhiều những gì báo chí hay các mạng xã hội đã nêu. Có một điều đáng buồn, các vùng bị ngập nặng, bị thiên tai nặng, dường như người dân thụ động và xem chuyện cứu trợ là đương nhiên. Thậm chí có người bỏ ngày công lao động để ở nhà chờ nhận cứu trợ. Bởi chỉ cần một đoàn cứu trợ đi qua xóm, cách gì cũng có được ít nhất là 200 ngàn đồng, nhiều hơn thì có thể 500 ngàn, nhiều đoàn ghé trong ngày thì số tiền lên hàng triệu đồng. Đương nhiên bà con có cái lý của mình, khó khăn, ai cũng nghĩ tới tiền trước. Và khoản tiền nào dễ kiếm nhất, thuận tiện nhất thì chọn. Phải nói là vậy!
Sở dĩ tôi nhắc tới chuyện cứu trợ, từ thiện lúc này, bởi có hai vấn đề đang xảy ra lúc này: Hiện trạng thiếu đói và có phần chụp giật của người dân vùng dịch; Hiện tượng bà Hằng, vợ ông Huỳnh Uy Dũng đăng đàn bóc mẽ những nghệ sĩ Showbiz về vấn đề từ thiện không thành thật.
Ở vấn đề thứ nhất, tôi chỉ có thể nói rằng người dân không đủ bình tĩnh và cũng không có được sự tĩnh tại cần thiết. Hay nói khác đi, dường như xã hội đã quá quen với nhịp quay cuống cuồng, năng động, có phần chụp giật để làm giàu và điều đó sẽ trở nên khủng khiếp khi mọi thứ đóng băng.
Ở vấn đề thứ hai, vấn đề đấu tố từ thiện đang diễn ra. Tôi dùng chữ đấu tố vì lý do, mọi thứ không được hành xử theo cách của người hiểu biết, có văn hóa và có tôn trọng pháp luật mà mang dáng dấp chợ búa, được ăn cả ngả về không. Vì nếu đúng trình tự pháp luật, bà Hằng phải gửi các đơn tố cáo và chứng cứ đến cơ quan pháp luật để làm rõ trắng đen trong chuyện các sao Showbiz đã ăn chặn tiền cứu trợ chứ không thể tự tung lên mạng và tạo thành những buổi livestream thu hút hàng triệu lượt theo dõi, tạo ra những dấy động tiêu cực trong xã hội. Ở đây, sự thu hút này mang tính chất bêu riếu và mạ lị người khác, mọi căn cứ vẫn chưa có và chưa có gì để chứng minh người khác ăn chặn. Đương nhiên, chuyện đã đến nước này thì phải chờ vào phản ứng của các nghệ sĩ cũng như sự can thiệp, trọng tài của cơ quan pháp luật. Nếu các nghệ sĩ im lặng, thì câu chuyện lại khác! Bởi chứng minh mình trong sạch cũng đồng nghĩa với lấy lại quyền con người của mình khi bị xúc phạm, mạ lỵ hoặc “vu khống”.
Vấn đề cũng rất lẩn quẩn và thực sự là chẳng có gì để bàn nếu không muốn nói là vô bổ, vô văn hóa. Nhưng, câu chuyện lại trở nên đáng suy nghĩ khi có người lên tiếng nói rằng nếu mọi người cùng ủng hộ bà Hằng thì sẽ chẳng còn nghệ sĩ nào dám đứng ra làm từ thiện.
Vấn đề lại chạm đến Dân Trí, Dân Khí và Dân Sinh mà trước đây gần trăm năm, Chí Sĩ Phan Châu Trinh đã trăn trở:”Nước ta từ ngày Pháp sang bảo hộ trên mấy mươi năm, người mình học Tây học chỉ làm được việc phiên dịch nói phô mà thôi, không có ai hấp thu được chỗ tinh túy, phăn tìm đến nơi màu nhiệm về mà đào tạo ra học trò để làm việc vẻ vang cho nòi giống. Trái lại, bụng không một hạt gạo mà nói chuyện thi thư, tay không nửa đồng mà tự xưng Khổng Mạnh. Có lẽ da thịt huyết tủy của người nước mình mấy ngàn năm nay đã bị cái hấp lực của huyết dẫn người Tàu chi phối hết cả, nên ngày nay đành làm nộm rối cho người Tàu mà không tự biết chăng? Không thế thì sao lửa đốt bên da mà không biết nóng, sét đánh ngang trán mà không biết sợ, thầy hay bạn giỏi ở một bên mà không biết gắng sức bắt chước bước theo. Thậm chí nữa trằn trọc tráo trở, một hai toan tìm một nước thứ ba nào yêu thương mình mà vui lòng làm tôi làm tớ”. (Hiện trạng vấn đề, Phan Châu Trinh, 1907)
Có thể nói rằng, hiện tại, vấn đề Dân Sinh của người Việt hết sức nhức nhối. Ở đây, nỗi đau không nằm ở chỗ thiếu ăn, đói khổ hoặc bi đát. Đương nhiên vẫn còn nhiều vùng dân cư có đời sống bi đát và thiếu thốn. Nhưng nhìn mặt bằng chung thì không đến nỗi thiếu, đói và đau đớn như những gì diễn ra trong không gian mạng. Có hai lý do để nói như vậy: Sự nâng cấp độ của các nhà từ thiện và; Sự thụ động đón nhận của người dân.
Ở khía cạnh nâng cấp độ của nhà từ thiện, dường như bất kỳ nhà từ thiện nào khi hoạt động từ thiện, đều có bi kịch hóa vấn đề ít hay nhiều để đánh vào lòng trắc ẩn của nhà hảo tâm. Và cho đến thời điểm này, tại sao các nhà khác ít kêu gọi từ thiện được so với các nghệ sĩ hay cô Giang Thị Kim Cúc và một số “ngôi sao” từ thiện? Bởi vì các nghệ sĩ, họ là người có khả năng đánh vào lòng trắc ẩn của người khác một cách chuẩn xác bằng cả uy tín, sự hâm mộ và hình ảnh của họ. Những người không phải nghệ sĩ như cô Cúc, nếu biết chọn điểm rơi tâm lý, vẫn có thể kêu gọi lòng hảo tâm rất thành công. Và đương nhiên, hình ảnh, sự khốn khó, nỗi đau của người dân là chất liệu tốt nhất được dùng trong việc kêu gọi từ thiện.
Không phải ngẫu nhiên mà có lần cách đây một năm, một anh bạn trẻ mời tôi cà phê, anh cũng là người đang kêu gọi từ thiện, trong lúc nói chuyện cứ cố gắng chứng minh với tôi rằng hiện tại, sau gần nửa năm dịch, bà con đã bị đói. Trong khi cái vùng bị đói mà anh bạn trẻ này nhắc tới lại là vùng tôi hay tới lui, tôi biết chắc mẫm đó là vùng không đói, thậm chí ít bị ảnh hưởng do dịch. Bởi hẻo lánh, bởi thuần nông, bởi người ta chịu khó chăn nuôi… Tôi chỉ biết im lặng, và đương nhiên sau đó có những chuyến hàng từ thiện đến đó. Điều này cho thấy rằng, giữa thực tế và hình ảnh các nhà từ thiện đưa ra để thuyết phục lòng hảo tâm có một khoảng cách nhất định.
Tôi xin mở ngoặc, đó là chuyện các hoạt động từ thiện có tính định kỳ theo thiên tai, thời tiết, riêng chuyện từ thiện giữa tâm dịch thì khác, câu chuyện đau lòng không thể đau lòng hơn. Nhưng, vấn đề chia sẻ và bi tâm của người làm từ thiện lại là câu chuyện đáng bàn. Và đây không phải ngày một ngày hai mà có, nó phải là một quá trình.
Vậy quá trình này là gì? Đây là quá trình hình thành tâm lý đám đông một cách thụ động từ thời đói khổ cho đến lúc có cái ăn, cái mặc.
Từ những năm sau 1975, người ta phải chen lấn, xếp hàng rồng rắn, thậm chí chụp giật để có được ký gạo, củ khoai, lát thịt, con cá… Và quá trình này kéo dài trong 11 năm, từ 1975 đến 1986, khi kinh tế tập trung bao cấp được cởi bỏ, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hình thành. Người ta bớt dần đói khổ nhưng chưa nguôi trăn trở về ăn, mặc, ở. Bởi đây là một quá trình người ta chạy đua để đi từ chỗ ăn no sang ăn ngon và ăn đẹp, từ chỗ mặc lành sang mặc đẹp và mặc sang chảnh, từ chỗ ở không bị dột cho đến chỗ ở kín cổng cao tường và chỗ ở thượng lưu. Mọi thứ đều phát triển theo trục Ăn – Mặc – Ở, nhà cửa, đường sá, công trình công cộng, các shop thời trang, nhà hàng, quán nhậu mọc ra như nấm. Mức độ tiêu thụ của người Việt tăng vọt, Việt Nam nhanh chóng trở thành thị trường tiêu thụ trong mắt bạn bè. Thế nhưng.
Suốt quá trình mấy mươi năm phát triển và phát triển Ăn – Mặc – Ở, năng lượng con người gần như dành toàn bộ cho việc này. Người ta định giá một con người thông qua căn nhà, chiếc xe và những vật dụng chung quanh anh/chị ta. Người ta đánh giá uy tín của một con người cũng căn cứ vào khả năng tài chánh của họ. Và đáng sợ hơn là trong hoạt động nghệ thuật và hoạt động tri thức, người ta cũng căn cứ trên độ lớn kinh tài để so sánh. Bao nhiêu tấm bằng tiến sĩ có vấn đề, bao nhiêu tấm bằng cử nhân có vấn đề, bao nhiêu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân ra đời, dường như có yếu tố kinh tài. Và bên cạnh đó, một nghệ sĩ hay một người trí thức thường xuất hiện trước công chúng và đồng nghiệp bằng sức hút kinh tài của họ nhiều hơn là sức hút năng lực (bởi năng lực lúc này dựa vào và được đánh đồng với kinh tài).
Trong sinh quyển mà con người chỉ cần biết “phát triển, phát triển và phát triển” nhưng kỳ thực lại không có tiến bộ, nghĩa là phát triển chưa hề song hành với tiến bộ. Mọi thứ trương nở, phình to nhưng nhận thức con người lại nặng về vật dục, nó cho thấy đây là hệ lụy của một quá trình rất dài, được tác động bởi kinh tế, văn hóa và chính trị quốc gia.
Và khi mọi thứ đều quy vào vật dục, thì đương nhiên vật dục có sức mạnh lay chuyển của nó, thậm chí nó thay đổi, làm méo mó bản chất thiện lương của con người. Lúc đó, mọi tiếng gọi vật chất trở nên sinh động và hấp dẫn con người. Người ta trở nên mất bình tĩnh và thiếu hẳn sự tĩnh tại trước thế giới vật chất. Mọi xao động, náo loạn và bất an do vật dục gây ra với con người cho đến lúc này là bằng chứng không thể chối bỏ của chúng ta.
Và sâu xa hơn, dường như thói quen “tích cốc phòng cơ” của người Việt xưa đã mất. Đây là thói quen của ông bà chúng ta, của những người dân sống trong một đất nước có nhiều thiên tai, dịch họa và khó khăn, thiên nhiên không thuận lợi cho sản xuất. Thói quen này giúp cho người ta giữ được bữa ăn khi có biến cố xảy đến, và nó cũng giúp người ta giữ được thể diện, danh dự và lòng tự trọng trước cái đói. Đây là một thói quen mà cũng là đạo lý của người Việt xưa.
Nhắc đến tích cốc phòng cơ, tôi phải xin lỗi những tộc người thiểu số ở những vùng núi hẻo lánh, khó khăn, khốn khổ, họ không là đối tượng nhắm đến của bài viết này. Mà vấn đề tôi muốn nhắc đến ở đây là những người dân ở các vùng lũ. Thử đặt một câu hỏi: Đàn ông các gia đình trong vùng lũ, có người nào một tháng không đến quán nhậu, một năm không nhậu vài lần? Đó là chưa kể các bữa rượu ở cuối ngày lao động do chủ thuê đãi. Và chỉ cần người ta tiết kiệm vài bữa nhậu thôi, thì đã có thể đủ lương thực cho mùa mưa. Không cần cao lương mỹ vị, gạo, mắm, muối thì không quá cao. Nhưng khi trời nắng, khi vui vẻ, người ta chẳng bao giờ nghĩ tới lúc phải đói run để nhận quà cứu trợ, (đó là chưa muốn nói đến một số người khi nước lớn, vẫn không lo giữ gìn lương thực mà chèo ghe đi đánh chim, bắt dế để nhậu, chuyện này không phải hi hữu). Và người ta càng không bao giờ nghĩ đến mùa mưa. Nói như vậy không phải trách hay bắt lỗi hay quy xếp họ vào diện không tự chủ, ham vui… Mà kỳ thực, vòng xoáy vật dục, sự hấp dẫn của đời sống, dòng chảy Ăn – Mặc – Ở đã quyến dụ họ.
Bởi xã hội, đời sống và giá trị bạn bè, làng xóm của họ được định nghĩa và đính kèm những hoạt động trên. Để rồi, đến hẹn lại lên, năm nay thiên tai, có nhà từ thiện, năm sau thiên tai, có nhà từ thiện. Nhà từ thiện chạy đua với thiên tai, với thời gian. Hệ quả của việc năm này qua năm khác bị thiên tai, nhận từ thiện rồi lại thiên tai, từ thiện… sẽ dẫn đến tính ì tâm lý và người ta mặc định rằng sự khó khăn, đói khổ do thiên tai gây ra phải có tha nhân chịu trách nhiệm.
Giả sử quý vị đi cứu trợ, thử yêu cầu những ai trong năm không nhậu dưới năm lần do tự bỏ tiền túi thì hãy đến nhận quà, chắc chắn sẽ không có mấy người nhận nếu như người ta thật thà! Cũng như quý vị đặt tiếp câu hỏi liệu không có các món quà từ thiện, người dân vùng lũ có chết đói hay không? Chắc chắn không có ai chết, cũng không có ai lụn bại. Món quà từ thiện, cho dù có giá trị mười triệu, hai mươi triệu đồng vẫn khó mà giúp người ta thay đổi cuộc đời. Trừ khi bạn xây nhà tránh lũ cộng đồng, đầu tư một vùng kinh tế để thay đổi cung cách làm ăn và đầu tư văn hóa để người ta thay đổi nếp nghĩ. Nhưng việc ấy rất khó thành hiện thực bởi cơ chế hiện nay không cho phép.
Và một khi đời sống cứ quanh quẩn ở chuyện ăn mặc ở, thì chắc chắn vấn đề dân trí cũng khó mà vượt thoát. Giả sử người ta có vượt thoát bằng con đường học tập, thì cơ hội đi đến dân khí là một giấc mơ xa vời. Bởi lẽ, vấn đề Dân Khí là câu chuyện được hun đúc, tích tập mỗi ngày trong đời sống, đó là mối tương tác hai chiều, giữa cá nhân với xã hội và xã hội với cá nhân. Trong một sinh quyển đặt nặng vấn đề vật dục và chiều hướng phát triển của con người cũng theo vật dục thì khó có thể hy vọng về một đời sống tinh thần phong phú, cởi mở và bay bổng, khó mà hy vọng đến vấn đề Dân Khí. Bởi Dân Khí lại là thành tựu của Dân Trí. Và không phải ngẫu nhiên mà Cụ Phan Châu Trinh lại đặt Dân Sinh ở cuối cùng: “Hậu Dân Sinh”.
Bởi vì khi có đủ nền tảng dân trí, dân khí thì chuyện dân sinh là câu chuyện đương nhiên, nó là quả, là thành tựu trên một cái cây đã có bộ rễ và cơ địa vững chắc. Việc ép một cái cây ra trái khi nó chưa đủ độ trưởng thành, thân cây còn nhỏ, cành lá chưa đủ, rễ chưa đủ vững thì khó mà bền. Tình trạng hiện nay của người Việt là một cái cây cho rất nhiều trái sau khi người ta ép phân tro, chất kích thích, nhưng rễ và thân cây lại không vững, thậm chí mang sâu bệnh.
Hơn bao giờ, ngay lúc này, vấn đề Dân Trí và Dân Khí cần phải được đặt lên hàng đầu. Và những câu hỏi như: “Khi các nghệ sĩ không làm từ thiện nữa, thì lấy ai làm?” Hoặc những câu đại khái nói đến hoạt động từ thiện, nên bỏ đi, nên vứt ngay vào sọt rác. Mà thay vào đó, tức là thay vào hoạt động từ thiện, hãy mở ra các hoạt động Tương Hỗ Đời Sống, tức thay vì cho con cá, hãy chỉ người ta cách câu và tặng người ta cây cần. Lâu nay người ta cho cần cũng nhiều nhưng quên bày cách câu. Và đã có nhiều cây cần bị bẻ gãy, vứt bỏ một cách uổng phí. Và làm sao để người ta hiểu rằng: Với cây cần này, nếu không câu được cá thì ta chấp nhận đói chứ không thể chấp nhận xin bất kỳ con cá nào nữa, bởi ta cũng là con người, có đầy đủ năng lực và sinh mệnh của một con người! Đây lại thuộc về Dân Trí và Dân Khí!
Lúc này, tôi mở Google và tìm đọc về cụ Phan, có đoạn viết: “Mùa hè năm 1906 Phan Châu Trinh về nước. Việc làm đầu tiên là gửi một bức chữ Hán (quen gọi là Đầu Pháp chính phủ thư) cho Toàn quyền Paul Beau vạch trần chế độ quân chủ chuyên chế thối nát, yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải thay đổi thái độ đối với sĩ dân nước Việt và sửa đổi chính sách cai trị để giúp người Việt từng bước tiến lên văn minh.
Sau đó, với phương châm “tự lực khai hóa” và tư tưởng dân quyền, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận để vận động cuộc duy tân. Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Phương thức hoạt động của phong trào là bất bạo động, công khai hoạt động nhằm khai hóa dân tộc, giáo dục ý thức công dân – tinh thần tự do, xây dựng cá nhân độc lập – tự chủ – có trách nhiệm với bản thân và xã hội, thay đổi tận gốc rễ nền văn hóa – tâm lý – tính cách – tư duy – tập quán của người Việt, phổ biến các giá trị của nền văn minh phương Tây như pháp quyền – dân quyền – nhân quyền – dân chủ – tự do – bình đẳng – bác ái, cải cách trên mọi lãnh vực. Phong trào thực hiện mục tiêu cải tạo con người và xã hội Việt Nam bằng cách khuyến khích cải cách giáo dục (bỏ lối học từ chương, xóa mù chữ bằng cách phát động phong trào học Quốc ngữ), mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, thay đổi tập quán (cắt tóc ngắn, cắt ngắn móng tay)…”.
Đọc người xưa để nhớ rằng, suốt hơn trăm năm nay, chúng ta đã phát triển nhưng chưa hề tiến bộ, chúng ta là một cái cây cho nhiều trái nhưng bộ rễ và thân cây của chúng ta chưa đủ sức để chịu bão bùng. Chúng ta hay nổi nóng, hay giận dữ, hay bất mãn và soi xét người khác nhưng chúng ta thiếu tĩnh lặng, thiếu tư lự để nhìn sâu vào nội thể bản thân, để chiêm nghiệm và hỏi rằng Dân Trí, Dân Khí, Dân Sinh chúng ta có hay không? Lớn hay nhỏ? Chúng ta đang đứng ở đâu trên mặt đất nhân loại?!
(Phần tiếp theo: Dẹp bỏ như thế nào? Thế nào là tương hỗ đời sống)