Trang chính » Bàn Tròn: Tôn Giáo & Chính Trị, Biên Khảo, Học Thuật, Lý Luận, Nhận Định, Tôn Giáo Email bài này

Điểm Thất Lợi của sự Phổ Biến Khái Niệm Phi Tôn Giáo Phi Tín Ngưỡng

clip_image002_thumb.jpg

clip_image002

 

Nhận xét và quan điểm của tôi về thực chất và giá trị của tôn giáo khá rõ ràng và giản dị.

Thí dụ, tôi cho rằng triết lý nền tảng của Thiên Chúa Giáo chỉ là các nhu cầu tâm lý và tâm linh dựa trên hiểu biết của một xã hội du mục Trung Đông hơn 2000 năm về trước. Triết lý tín ngưỡng nền tảng nầy do đó rất thô thiển và lỗi thời. Điều nầy biểu hiện ở chỗ nhiều tín điều Thiên Chúa Giáo không còn thích hợp với tiêu chuẩn đạo đức và kiến thức của thế giới ngày nay.

Tôi cũng chưa thấy có bằng chứng nào khách quan và vững chắc đủ để làm cho tôi tin vào sự trường tồn của một cá thể sau khi chết hay tin vào các khái niệm nhân quả, nghiệp phước, luân hồi, v.v. như nhiều cơ sở Phật Giáo truyền giảng. Cái gọi là Phật Giáo ngày nay theo tôi chỉ là những hệ thống mê tín dị đoan được đội lốt “Phật pháp”.

Tuy vậy, tôi tin rằng tôn giáo có nhiều ích lợi về mặt tâm lý đồng thời giữ một vai trò không nhỏ trong việc bảo trì an ninh trật tự trong xã hội. Hiện tượng nầy xảy ra ở bất cứ nơi chốn nào trong xã hội loài người, nhưng dễ thấy nhất ở những xã hội, hoặc những tầng lớp xã hội, với dân trí còn thấp kém.

Thí dụ như trong Thiên Chúa Giáo, tín đồ được dạy rằng“nếu tuân theo mười điều răn thì sẽ được Thiên Chúa thương yêu cứu rỗi, còn ngược lại sẽ bị trừng phạt nặng nề”. Trong Phật Giáo có những khái niệm như “nghiệp phước”, “luân hồi”, “nhân quả” cũng như ngũ giới cấm để gìn giữ Phật tử trong khuôn khổ đạo lý và đạo đức của họ.

Tôi tin rằng những hăm dọa và hứa hẹn trong các tín điều kể trên đóng một vai trò đáng kể trong việc khuyến khích đa số tín đồ cố gắng tránh làm việc ác. Tôi tin rằng trong một số trường hợp nào đó những người sùng tín nầy đã/sẽ thật sự ít làm ác hơn nếu họ không sùng tín. (Xin chú ý: điều nầy không có nghĩa là tôi tin rằng người sùng tín ít làm ác hơn người không sùng tín.)

Có những tín đồ Thiên Chúa Giáo hỏi tôi nếu không tin rằng có một sự sống vĩnh cửu dành cho người hiền lành, hay sự trừng phạt đời đời dành cho kẻ hung dữ, thì biết đâu nhiều người từ nay sẽ không còn thấy cần phải sống một cách lương thiện, chính chắn nữa? Cũng có Phật tử hỏi nếu tin rằng không có nhân quả và luân hồi, tức là “gieo nhân” mà không sợ phải “hái quả” và “chết là hết”, thì liệu sẽ có nhiều người tha hồ làm điều ác vì không còn sợ bị quả báo hay không?

Nói chung, những người nầy cho rằng nếu không có các tín điều trên thì có thể không ai còn làm việc thiện nữa vì sẽ không có lợi ích cho họ, cũng như nhiều người sẽ làm nhiều việc ác vì họ sẽ không sợ hậu quả gì cả trong tương lai.

Thật ra chính tôi cũng từng thắc mắc tương tự.

Trong những thập niên gần đây có một số tác giả (hầu hết là người Tây Phương) đã viết nhiều đề tài về bản chất cùng nguồn gốc thật sự của tôn giáo tín ngưỡng và những tệ nạn tai hại liên quan đến chúng. Một số những tác giả nầy tin rằng con người có thể sống một đời sống đạo đức không lệ thuộc vào tín điều của tôn giáo nào cả. Nói cách khác, họ cổ động một xã hội phi tôn giáo phi tín ngưỡng. Số tác giả nầy ngày càng gia tăng cũng như số lượng các tác phẩm, trang mạng của họ ngày càng phổ biến rộng rãi hơn.

Tôi đã có lần tự hỏi không biết việc phổ biến quan niệm phi tôn giáo tín ngưỡng của những tác giả kể trên (và những bài viết của tôi, dù là chỉ ở một mức độ nhỏ nhoi mấy đi nữa) có ích lợi hay tai hại gì nói chung cho xã hội và nhân loại? Tôi đã thường phân vân không biết có bao nhiêu người chịu ảnh hưởng của những tư tưởng nầy rồi tin rằng không có Thiên Đàng Địa Ngục hay nhân quả luân hồi nữa và sau đó chuyển qua một đời sống ích kỷ, tham lam, độc ác vì họ không còn sợ hậu quả của những hành vi xấu của họ nữa.

Dưới đây là vài phân tích, lý luận có thể giải đáp ít nhiều cho thắc mắc và nỗi phân vân kể trên.

Theo hiểu biết của tôi thì chưa hề có nghiên cứu hay thống kê về vấn đề nầy. Một lý do rõ rệt nhất có lẽ là vì đây là một vấn đề cực kỳ khó khăn để nghiên cứu hay thống kê theo phương pháp khoa học. Do đó ở đây tôi chỉ dựa vào kiến thức tâm lý, sinh lý và nhân chủng học sẵn có của tôi để đưa đến một cách giải thích khả dĩ hợp lý, theo tôi và cho tôi.

Trước hết, như tôi đã nói trong các bài tiểu luận khác, đạo đức là một sản phẩm phát xuất từ quá trình tiến hóa tự nhiên trong các chủng loại; tôn giáo không phải là nền tảng của đạo đức. Sự kiện nầy dựa vào định luật tiến hóa tự nhiên của chủng loại, một kiến thức khoa học tự nhiên đã được kiểm chứng và xác nhận qua những quan sát và thử nghiệm lâu dài khởi xuất từ khi Charles Darwin đưa ra một lý thuyết mang cùng tên vào đầu thế kỷ 19.

Con người và thú vật đều có những lề lối đạo đức riêng của mỗi chủng loại. Lề lối đạo đức nói chung là khi một cá thể chủ động làm những điều tốt đẹp cho các cá thể khác; nhất là khi những điều đó không mang đến ích lợi, hoặc có khi còn có hại, trực tiếp cho chính cá thể chủ động ấy.

Dĩ nhiên bản năng sinh tồn tự nhiên của một sinh vật lúc nào cũng thúc đẩy nó phải làm lợi cho chính nó càng nhiều càng tốt, ngay cả nếu cần phải làm hại các sinh vật khác để đạt được cái lợi trên. Tuy nhiên, những chủng loại nào có nhiều cá thể dạng nầy thì sẽ dễ tự phân rẽ, tự hủy hoại và cuối cùng sẽ tàn lụn dần đi. Trong khi đó, những chủng loại có càng nhiều cá thể làm nhiều điều tốt đẹp cho những cá thể khác thì sẽ thường càng vững chắc hơn, và do đó càng có nhiều cơ hội sống còn hơn.

Cái khuynh hướng làm những điều tốt đẹp trên nằm trong cấu trúc DNA của những chủng loại tồn tại qua hàng triệu năm tiến hóa.

Trong xã hội loài người từ thời sơ khai, cái đạo đức tự nhiên nầy nằm sẵn trong DNA của mỗi người và được truyền đi từ đời nầy sang đời khác. Một điều cần nhớ ở đây là những “DNA thiện ác” nầy không hoàn toàn giống nhau trong tất cả mọi người. Có nghĩa là mức độ tỉ lệ thiện ác nằm trong bản chất bẩm sinh của mỗi cá nhân đều mỗi khác nhau.

(Trong bài nầy, chữ “ác” cần được giới hạn ở ý nghĩa là “việc làm có lợi cho người chủ động nhưng có hại cho người khác”. Một điều “ác” ở đây không nhất thiết phải là một điều bất hợp pháp hay bị nghiêm cấm bởi tôn giáo nào cả. Tương tự ngược lại cho chữ “thiện”.)

Kế nữa, dựa theo nhân văn và xã hội học thì bản chất đạo đức, cũng như tâm tính, của một người chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố chính: 1/ bẩm sinh (tức là từ cấu trúc “DNA thiện ác” của họ), và 2/ trải nghiệm hấp thụ từ môi trường xã hội và đời sống chung quanh, nhất là ở những năm đầu tiên trong đời họ.

Yếu tố nào có nhiều ảnh hưởng hơn yếu tố nào là tùy vào cá nhân cũng như tùy vào hoàn cảnh xã hội, điều kiện sinh sống, ảnh hưởng gia đình, trình độ giáo dục, v.v. của người đó. Thí dụ như các tỉ lệ khuynh hướng “thiện ác” của dân chúng trong một quốc gia nghèo đói đang trải qua chiến tranh ở Phi Châu sẽ khác hẳn với một quốc gia giàu có, thanh bình ở Âu Châu.

Về mặt đạo đức tự nhiên kể trên, có thể tạm chia con người làm ba nhóm tổng quát: 1/ Nhóm người có bản năng nói chung toàn thiện, 2/ Nhóm người có bản năng nói chung toàn ác, và 3/ Nhóm người có bản năng pha trộn thiện lẫn ác dưới những tỉ lệ khác nhau.

Dựa vào nhận xét của các môn học về xã hội và nhân chủng, cũng như thống kê tội phạm trong các quốc gia trên thế giới hiện nay, tính chất của những người trong mỗi nhóm ở trên có thể được diễn tả như sau:

– Nhóm 1 là những người có khuynh hướng luôn làm điều thiện vì họ cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi làm những điều tốt đẹp cho kẻ khác, ngay cả khi chính họ phải hy sinh ít nhiều khi làm những việc nầy. Sinh vật học cho thấy có những hóa chất gọi là endorphin tiết ra trong nội tạng của những người nầy mỗi khi họ giúp đỡ kẻ khác làm cho họ có các cảm giác trên. Số người nầy rất ít, có lẽ chỉ vài phần vạn trong toàn thể nhân loại (đây chỉ là một tỉ lệ phỏng đoán có giá trị biểu tượng nhiều hơn là chính xác).

– Nhóm 2 là những người có khuynh hướng thường làm điều ác vì họ cảm thấy thỏa mãn khi làm hại người khác. Sinh vật học cũng cho thấy các chất endorphin trong những người nầy là nguyên nhân của hiện tượng trên. May mắn thay, số người nầy cũng rất ít, có thể rất ít hơn cả nhóm 1 kể trên.

– Nhóm 3 là phần còn lại gồm những người có khi làm điều ác có khi làm điều thiện. Khuynh hướng làm nhiều hay ít bao nhiêu những điều thiện hay ác của mỗi người, như đã nói ở trên, tùy thuộc vào cấu trúc “DNA thiện ác” bẩm sinh và môi trường sinh sống của họ. Tuy nhiên, cũng theo lý thuyết tiến hóa tự nhiên vừa đề cập ở trên, vì con người là một chủng loại thành công trong việc sống còn nên có thể cho rằng tỉ lệ DNA “thiện” của nhóm người nầy nói chung có phần lớn hơn tỉ lệ “ác” của họ.

Một điều đáng kể cần nhận thấy ở đây là lịch sử xưa nay đã cho thấy rõ ràng rằng tôn giáo nói chung không có khả năng ngăn cấm hoàn toàn con người trở thành “ác”.

Như đã nói ở trên, hầu như trong bất cứ tôn giáo nào cũng có những giáo điều về đạo đức kèm theo những đe dọa và hứa hẹn thí dụ như“ tuân lời Thiên Chúa sẽ được ơn lành” hay “làm ác sẽ gặp ác” hay “siêng năng tu hành sẽ được vào Niết Bàn”, v.v. Tôn giáo nói chung đóng một vai trò “cảnh sát lương tâm” khá hữu hiệu, nhất là trong các xã hội sơ khai khi đời sống khó khăn và đa số người ta thiếu thốn kiến thức khoa học lẫn khả năng lý luận.

Các tổ chức tôn giáo đã dồn nhét tín điều vào đầu nhiều người, có khi ngay từ thuở thơ ấu, để đào tạo ra những tín đồ có khi cực kỳ mù quáng trong niềm tín ngưỡng của họ. Tuy vậy các quá trình tẩy não trên vẫn không thành công trong việc hoàn toàn ngăn cản con người làm việc ác.

Ai cũng thấy rằng có vô số trường hợp ngay chính những tín đồ sùng đạo nhất cũng phạm các điều tội lỗi mà tôn giáo của họ đã nghiêm cấm. Theo tôi đó là vì ở những hoàn cảnh, những thời điểm nào đó thì cái cấu trúc “DNA thiện ác” trong mỗi người sẽ chiến thắng các giáo điều trên, và những quy chế xã hội khác, để điều khiển hành động của họ.

Nói cách khác, thông thường thì tôn giáo có thể kềm giữ đa số tín đồ trong khuôn khổ đạo đức nào đó trong một số hoàn cảnh. Tuy vậy vẫn có nhiều thời điểm, nhiều hoàn cảnh mà một tín đồ sẽ gạt bỏ các tín điều và lề thói xã hội qua một bên để tuân theo bản năng tự nhiên của họ.

Như đã nói, điều nầy giải thích tại sao nhiều tín đồ làm việc ác phản lại tín điều dạy việc thiện. Thí dụ như nhiều tăng ni Phật tử vẫn vô tình hay cố ý thường xuyên phạm ngũ giới cấm. Tương tự, điều nầy cũng giải thích tại sao nhiều tín đồ làm việc thiện phản lại tín điều dạy việc ác. Thí dụ như nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo ngày nay không tuân theo lời dạy trong Kinh Thánh phải trừng phạt, tiêu trừ những kẻ ngoại đạo.

Diễn giải thêm từ đây, theo tôi thì:

– Những người có nhiều cấu trúc “DNA thiện” trong người sẽ có khuynh hướng làm nhiều điều thiện bất kể các giáo lý trong tôn giáo họ có dạy họ như vậy hay không. Nói cách khác, những người có khuynh hướng thiện sẽ thường làm thiện bất kể họ có theo tôn giáo gì hay không.

– Tương tự, những người có nhiều cấu trúc “DNA ác” trong người sẽ có khuynh hướng làm nhiều điều ác bất kể các giáo lý trong tôn giáo họ có nghiêm cấm bao nhiêu đi nữa. Những người có khuynh hướng ác sẽ thường làm ác bất kể họ có theo tôn giáo nào hay không.

– Việc truyền bá khái niệm “phi tôn giáo phi tín ngưỡng” chỉ thuyết phục được và thay đổi vị thế tâm linh của một số ít người. Đó là vì tôn giáo tín ngưỡng luôn luôn có một sức quyến rũ mãnh liệt có thể thỏa mãn các nhu cầu tâm linh sâu kín nhất của con người. Vì vậy, số người từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng sẽ luôn luôn rất nhỏ so với số người mới gia nhập hay vẫn còn bám víu chúng.

– Trong số người từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng rất nhỏ kể trên, rất có thể là khi nhận biết rằng không có Thiên đàng Địa ngục hay nhân quả luân hồi gì cả thì có một số người sẽ có khuynh hướng làm nhiều điều ác hơn khi họ còn tin sợ vào các tín điều trên. Tuy vậy, rất khó có thể xác định chính xác được tỉ lệ số người nầy và ảnh hưởng của sự thay đổi của họ là bao nhiêu trên xã hội và nhân loại.

– Như đã đề cập ở trên, vì con người là một chủng loại thành công trong sự sống còn cho nên tỉ lệ DNA “thiện” trong đa số nhân loại nói chung có phần lớn hơn tỉ lệ “ác”. Và vì vậy, có thể ước đoán rằng chỉ một số nhỏ (khá nhỏ hơn 50%) những người vì ảnh hưởng triết lý phi tôn giáo tín ngưỡng mà từ bỏ niềm tin của họ sẽ thay đổi khuôn cách sống từ “thiện” trở thành ra “ác”.

– Nói cách khác, các tác phẩm phổ biến khái niệm “phi tôn giáo phi tín ngưỡng” nếu có làm gia tăng số người có khuynh hướng làm ác thì sự gia tăng nầy cũng sẽ không đáng kể lắm so với các khuynh hướng chung sẵn có trong xã hội.

– Bù lại trong lúc đó, việc phổ biến khái niệm “phi tôn giáo phi tín ngưỡng” rất có thể đem lại một ích lợi rất thực tế và dài lâu; đó là sự hiểu biết cần thiết để hạn chế phần nào các tệ nạn tai hại như mê tín dị đoan, đàn áp, khống chế, kiểm soát, lừa gạt, lợi dụng, v.v. đang tràn lan trong mọi tôn giáo.

Tóm lại, theo sự phân tích và lý luận ở trên, tôi có khuynh hướng cho rằng việc phổ biến khái niệm “phi tôn giáo phi tín ngưỡng” một mặt có thể mang đến một tai hại với tính chất và tầm vóc khó xác định chính xác được, đồng thời ở mặt khác chắc chắn kèm theo một ích lợi thực tế với tính chất và tầm vóc có thể xác định tương đối rõ ràng.

Theo niềm hy vọng chủ quan của tôi, cái ích lợi vừa kể sẽ lớn hơn nhiều so với cái tai hại tương ứng.

Thêm một điều nữa, tất cả mọi sự việc và hiện tượng trong vũ trụ đều thay đổi không ngừng và trải qua các giai đoạn sinh, tiến, thoái, diệt; trong đó có nhân loại. Đây là một khái niệm cơ bản trong vũ trụ quan của Phật Giáo. Đây cũng là một nhận xét có kiểm chứng được trong khoa học hiện đại.

Có nhiều quan điểm khác nhau về tình trạng tiến hóa của nền văn minh hiện tại của nhân loại. Có quan điểm cho rằng con người vẫn còn đang trên đường thăng tiến lên những đỉnh cao mới về mặt nhân văn lẫn khoa học kỹ thuật. Có quan điểm cho rằng dân số và áp lực môi sinh ngày càng gia tăng của con người trên địa cầu đang dẫn đường cho nhân loại đi dần vào ngõ cụt diệt vong. Có quan điểm cho rằng sự hiểu biết mở mang ngày nay về xã hội và thiên nhiên đang giải phóng con người ra khỏi những tệ nạn xuất phát từ định kiến và hủ tục. Có quan điểm cho rằng tư tưởng hưởng thụ vật chất đang đem đến sự suy đồi của đạo đức và cuối cùng là sự tự huỷ hoại của nền văn minh hiện có.

Nói cách khác, dù muốn dù không thì nhân loại cũng vẫn luôn nằm trong một quá trình biến đổi không ngừng và hầu như không ai có thể điều khiển được. Cho nên nếu việc phổ biến các ý tưởng vô tôn giáo tín ngưỡng có thật sự đưa đến những thay đổi đáng kể trên tư duy và đời sống của con người thì đây cũng chỉ là một hiện tượng bé nhỏ trong chu kỳ tồn vong của nhân loại dưới định luật vận hành của vũ trụ.

bài đã đăng của Nguyễn Nhân Trí

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • Thu Phong says:

    Cánh cổng cuối cùng
    Hắn yên tâm vì đã thủ tiêu vật chứng, không có nhân chứng.
    Một mình trong phòng, thấy móng tay mình còn dính ít máu nạn nhân, hắn nghĩ cắt ngắn, rửa sạch là xong.
    Trên đường tìm nạn nhân kế tiếp bỗng hắn nghe giọng nói dù không thấy ai: “Ngươi khôn lanh quỷ quyệt vượt qua được 2 cánh cổng nhưng ngươi không thể vượt qua được cánh cổng cuối cùng”.
    Hắn chột dạ, nhưng rồi lấy được bình tĩnh: “Ta không sợ, chết là hết chứ gì!”
    Giọng nói vang lên: “Dù chết ngươi cũng không thoát được”
    Nghe giọng nói rõ ràng từ chính bản thân mình vang ra, hắn sợ hãi quay lui.
    Thu Phong

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)