Trang chính » Biên Khảo, Lý Luận, Nghiên Cứu Email bài này

Quan Điểm của Thiên Chúa Giáo về An Tử

clip_image002_thumb.jpg

clip_image002

Các lý luận khi tranh cãi về đề tài “an tử” nói chung thường xoay quanh các phương diện như triết lý, nhân quyền, pháp lý, và áp dụng trong thực tế. Trong bài nầy, tôi sẽ trình bày về các tranh luận dựa trên quan điểm của Thiên Chúa Giáo.

Tại sao tôi chú trọng đến Thiên Chúa Giáo mà không đến các tôn giáo khác? Đó là vì giới lãnh đạo Thiên Chúa Giáo, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo, thường xuyên lớn tiếng chỉ trích quan điểm an tử. Và cũng tại vì một số người thuộc ngành lập pháp trong thế giới Tây Phương thường dựa trên các giáo điều Thiên Chúa Giáo khi cân nhắc về vấn đề hợp thức hóa việc nầy.

Thiên Chúa Giáo nói chung phản đối việc hợp thức hóa an tử. Họ lập luận rằng:

– Sự sống là sản phẩm và là món quà của Chúa Trời ban bố cho con người. Sự sinh ra cũng như sự chết đi của mỗi người là một phần trong quá trình sống định đoạt bởi Chúa Trời. Chúng ta phải tôn trọng điều đó và không được can dự vào. Không ai có quyền kết liễu sự sống của một người vô tội khác, ngay cả khi chính người đó muốn chết.

– Sự sống và mạng sống của mỗi người mang ý nghĩa và giá trị thiêng liêng vì nó được sáng tạo dựa trên hình thể của Thiên Chúa. Do đó, mọi người phải luôn quý trọng mạng sống của họ để họ có thể thực hiện sứ mạng chia sẻ và biểu hiện cuộc sống thánh thiện của Thiên Chúa.

– Quan điểm an tử vì vậy đi ngược lại các nguyên tắc trên. Áp dụng an tử vào bất cứ một người nào, ngay cả tự chính mình, là cho rằng sự sống và mạng sống của người đó không có giá trị gì cả. Làm điều đó là xúc phạm đến Thiên Chúa.

Hơn nữa, Tòa Thánh Công Giáo cũng cho rằng:

– Dựa trên điều răn “Không được giết”, quan điểm an tử là vô đạo đức. Giáo Hoàng John Paul II tuyên bố “không ai có quyền sử dụng bất cứ phương cách nào để đưa đến việc giết chết một mạng người vô tội, bất kể đó là một bào thai, một hài nhi hay một kẻ trưởng thành, một người già yếu, hay một người mang bệnh nan y, hay một người đang trong tình trạng cận tử.”

– Tự chính sự sống và sự hiện hữu của nó đã có giá trị; giá trị của nó không cần phải tùy thuộc vào những niềm vui sướng hay an lành của nó mang lại. Có nghĩa là những đau đớn và đau khổ trong đời không làm giảm giá trị của sự sống, và không phải là lý do để chấm dứt sự sống.

– Sự sống của mỗi người là món quà của Thiên Chúa mà chúng ta chỉ có nhiệm vụ chăm giữ chớ không nắm chủ quyền tuyệt đối. Sự sống con người là một "tài sản tín thác" chứ không phải là "tài sản sở hữu" để ta có quyền hoàn toàn định đoạt.

– Tuy Thiên Chúa ban cho mỗi người quyền tự do định đoạt cuộc đời của mình, nhưng quyền tự do đó không bao gồm quyết kết liễu mạng sống của mình. Tự tử và an tử là chối bỏ quyền ngự trị tối thượng của Thiên Chúa trong lãnh vực sống và chết. Ai cho rằng họ có quyền chết là chối bỏ mối quan hệ cơ bản giữa họ và Thiên Chúa. Ai giúp đỡ người khác chết là một vi phạm một điều trái đạo đức.

– Mỗi người đến lúc cuối đời nên bước đến đối mặt sự chết đầy huyền bí với trọn niềm tin vào Thiên Chúa.

Những lý luận trên thường được xem là “lập trường chính thức” của Thiên Chúa Giáo dùng để chống đối quan điểm an tử.

Tuy nhiên, không phải tín đồ Thiên Chúa Giáo nào cũng đồng ý với lập trường trên.

Thí dụ như về lập luận cho rằng quan niệm an tử vi phạm đến “tính chất thiêng liêng của sự sống”. Linh mục Trevor Bensch, một trong những người sáng lập Hội Thiên Chúa Giáo Ủng Hộ An Tử đặt trụ sở tại thành phố Adelaide, tiểu bang Nam Úc, cho biết chữ “tính chất thiêng liêng của sự sống” không hề xuất hiện ở đâu trong Kinh Thánh. Theo ông, người ta đề cập đến từ nầy khi nói về Kinh Thánh chẳng qua là vì họ diễn giải những câu đoạn nào đó theo cảm nghĩ và ý tưởng của cá nhân riêng họ.

Tương tự với nhận định trên của linh mục Bensch, các đoạn Kinh Thánh sau đây thường được dùng để gọi là dẫn chứng cho quan điểm rằng “sự sống quý giá vô cùng và bất khả xâm phạm”:

Thi thiên 36:9– “Nguồn sự sống ở nơi Ngài; Chúng con được thấy ánh sáng nhờ ánh sáng Ngài”.

Công vụ 17:28 – “Bởi nhờ Ngài mà chúng ta có sự sống, hoạt động và tồn tại. Ngay cả một số thi sĩ của quý vị đã nói: ‘Vì chúng ta cũng là con cái Ngài.’”

Phục truyền luật lệ 22:8 – “Nếu anh em xây một ngôi nhà mới thì phải làm lan can trên sân thượng để không có ai bị ngã từ trên đó xuống và anh em không gây tội đổ máu cho nhà mình.”

Xuất Ai Cập 20:13 – “Ngươi không được giết người.”

1 Giăng 3:15 – “Ai ghét anh em mình là kẻ giết người, và anh em biết rằng không kẻ giết người nào có được sự sống vĩnh cửu."

Tuy nhiên, khi đọc kỹ các đoạn kinh kể trên thì rõ ràng là không có chỗ nào nói rằng “Thiên Chúa cấm đoán sự việc chủ định kết thúc sinh mạng một người vì lý do nhân đạo, hoặc sự tự kết thúc mạng sống của chính mình, để cắt giảm tình trạng đau đớn hay khổ sở vô vọng không cần thiết." Vì đó chính là định nghĩa của “an tử”. Có nghĩa là người ta chỉ diễn giải các đoạn Kinh Thánh trên một cách lỏng lẻo để đi đến các kết luận họ cần có.

Một thí dụ nữa: những đoạn Kinh Thánh khác cũng thường được nhắc đến là 1 Sa-mu-ên 31:3, 4 và 2 Sa-mu-ên 1:6-16. Đây là câu chuyện của vua Y-sơ-ra-ên là Sau-lơ. Khi bị trọng thương gần chết ở chiến trường, vua bảo người phụ tá giúp vua chấm dứt sự sống. Nhưng người phụ tá không chịu làm theo. Tuy nhiên, sau đó một người khác nói dối rằng mình đã giết Sau-lơ theo ý nguyện của vua, và đã bị Đa-vít kết án là phạm tội đổ máu. Đa-vít được xem là người phản ảnh quan điểm của Chúa Trời về vấn đề này.

Câu chuyện trên thường được dùng để cho rằng Kinh Thánh không chấp nhận việc chấm dứt sự sống của một người bị bệnh ở giai đoạn cuối cùng mặc dù người ấy rồi chắc chắn cũng sẽ chết.

Tuy nhiên, những người nầy có vẻ không nhận thấy rằng hoàn cảnh một thủ lãnh bị trọng thương ở chiến trường hơn 2000 năm về trước khác biệt rất nhiều hoàn cảnh một bệnh nhân cận tử nằm chịu đựng sự đau đớn khổ sở dai dẳng và vô vọng trong xã hội ngày nay. Nguyên do việc yêu cầu trợ tử trong hai trường hợp nầy hầu như hoàn toàn khác hẳn nhau. Vì thế đây cũng là một sự diễn giải và gán đặt lên câu chuyện trên trong Kinh Thánh những ý nghĩa người ta cần và muốn thấy.

Nói một cách chính xác, không có lời kinh nào trong Kinh Thánh cụ thể lên án khái niệm an tử cả. Tất cả những lập luận gọi là dựa trên giáo điều Thiên Chúa Giáo ở trên thật ra chỉ là định kiến của những người bất đồng ý kiến với quan niệm an tử, kể cả giới cầm quyền các giáo phái Thiên Chúa Giáo, và cụ thể nhất là Tòa Thánh La Mã.

Một điều cần biết là sách Huấn Ca (Ecclesiasticus) 30:17 trong Cựu Ước nói: “Chết còn hơn là sống cay cực, yên giấc ngàn thu còn hơn bị bệnh suốt đời”. Đây là một lời diễn tả gần đúng nhất với ý nghĩa hiện đại của an tử. Và lời diễn tả nầy cho thấy rõ ràng một sự ủng hộ chớ không phải chống đối.

Max Charlesworth, một triết gia và học giả Úc chuyên về tôn giáo lý luận rằng nếu tin là Chúa Trời ban cho con người khả năng suy nghĩ, chọn lựa và nhận lãnh trách nhiệm cho hành động của mình thì tại sao lại cấm không cho họ quyền quyết định về cái chết của họ. Sử dụng quyền tự do để quyết định phương hướng sống và cách thức chết của chính mình không phải là tiếm quyền Thiên Chúa. Theo ông, bỏ phế mặc “định mạng” điều khiển cuộc đời mình mới chính là hành động của những kẻ khinh thường ý Chúa.

Hans Kung, một linh mục và luận thuyết gia Công Giáo nổi tiếng người Thụy Sĩ cũng có ý nghĩ tương tự. Theo ông, “Thiên Chúa cho con người quyền tự do và trách nhiệm trong cuộc sống của họ, do đó cũng cho những bệnh nhân cận tử trách nhiệm để lựa chọn sáng suốt về phương cách và thời khắc chết của họ. Đây là một trọng trách không có chính quyền, giáo hội, giáo sĩ hay chuyên gia y khoa nào có thể tước đoạt”. Ông còn cho biết chính vì ông tin rằng sự chết không phải là điểm kết thúc của tất cả mọi thứ nên ông không quan tâm mấy đến việc kéo dài dằng dai đời sống nầy, nhất là khi mà điều kiện và phẩm chất của sự sống không còn thích hợp với phẩm giá con người nữa.

Canon Harper, nữ linh mục Anh Giáo của tỉnh Buckingham, Anh Quốc từ lâu đã công khai ủng hộ việc thay đổi luật pháp Anh Quốc để hợp thức hóa trợ tử. Lập trường của bà đối nghịch hẳn với lập trường của giáo hội Anh Giáo. Bà là một trong 3 lãnh đạo của 3 tôn giáo khác nhau ủng hộ Dự Luật Trợ Tử khi dự luật này được đưa ra Thượng Viện Anh vào năm 2014.

Bà Harper kể về cái chết của chú bà bằng cách trợ tử ở Thụy Sĩ: “Chú tôi nhờ có trợ tử đã được chết một cái chết an lành, với gia đình tề tựu chung quanh, có nhạc hay, có rượu ngon và không còn bị đau đớn… Ông ấy không có lựa chọn về cái chết xảy đến cho ông, nhưng ông đã có thể lựa chọn về cách thức ông chết. Và Dự Luật Trợ Tử sẽ cho nhiều người khác sự lựa chọn nầy.”

Bà nói bà không tin rằng rằng Thiên Chúa đòi hỏi sự đau khổ cùng cực ở bệnh nhân cận tử để biểu lộ quyền lực của mình. Bà cũng không tin rằng mục tiêu tối thượng của con người là phải nắm níu sự sống với bất cứ giá nào. “Sự kiện Chúa Giê-su tự nguyện bị đóng đinh chết trên thánh giá cho thấy trong đời một người có những thứ khác quan trọng hơn nhiều so với sự bảo tồn mạng sống của họ”.

Bà tiếp tục: “Nếu Chúa đặt niềm tin vào mỗi người chúng ta và cho chúng ta tự chịu trách nhiệm trong suốt cuộc đời về linh hồn của chúng ta thì chắc chắn Ngài cũng đặt niềm tin vào sự lựa chọn của mỗi người ở cái thời khắc quan trọng nhất trong đời về cách thức chấm dứt sự sống của mình”. Bà còn lý luận rằng lập trường của giáo hội về “tự sát là tội lỗi” chỉ là một quan niệm được giàn dựng lên sau nầy mà thôi. “Có cả thảy 9 vụ tự sát trong Kinh Cựu Ước và Chúa Trời không lên án vụ nào cả. Chúng ta cũng có thể lý luận một cách hữu lý rằng việc Chúa Giê-su lên thánh giá cũng mang một nguyên tố tự sát trong đó. Đó là vì Chúa Giê-su tuy biết rõ chuyện gì sắp xảy ra nhưng Ngài đã lựa chọn con đường chết để thực hiện công việc Ngài muốn làm.”

Giáo Sĩ Anh Giáo Paul Badham, cựu Giáo Sư Thần Học của Đại Học Wales, một thành viên của phong trào Dignity in Dying (“Chết Trong Phẩm Giá”) ở Anh Quốc cho rằng Giê-su dạy tín đồ phải yêu thương mọi người chung quanh như chính mình. Nếu như vậy tại sao những người tự xưng là con Chúa lại ngăn cản các bệnh nhân đang chịu đựng đau đớn cực độ không cho họ lối thoát để chấm dứt cực hình đó?

Ông lớn tiếng phản đối quan điểm của Giáo Hoàng John Paul II cho rằng “sự đau đớn của mỗi người trong trần thế nầy là do Thiên Chúa ban định cho nên tín đồ ngay cả trong lúc cận tử cũng nên hạn chế thuốc giảm đau để có thể cảm nhận và chia sẻ sự khổ đau của Giê-su.”

Ông cũng lý luận thêm, “Nếu chỉ có Thiên Chúa mới có quyền quyết định ngày giờ chết của mỗi người thì tại sao tín đồ lại sử dụng phương tiện y khoa những khi bị đau bệnh ngặt nghèo để kéo dài sự sống cho mình? Chủ tâm kéo dài sự sống có khác gì với chủ tâm rút ngắn sự sống nếu nói về xúc phạm đến quyền quyết định của Thiên Chúa?”

Thống kê bởi phong trào Dignity in Dying (“Chết Trong Phẩm Giá”) cho thấy 78% tín đồ Thiên Chúa Giáo ủng hộ việc hợp pháp hóa an tử. Giáo Sư Rob Warner sau khi thăm dò ý kiến của sinh viên Thiên Chúa Giáo của Đại Học Wales thấy rằng họ bác bỏ quan điểm của Giáo Hội Anh Giáo vì lý do đạo đức. Những sinh viên nầy tin rằng an tử tự nguyện là một giải pháp nhân đạo vô kể so với giáo điều đòi hỏi bệnh nhân cận tử phải chịu đựng đau đớn kéo dài của Giáo Hội.

Theo nhận xét của những người có cái nhìn nghiêm khắc hơn thì vấn đề an tử chẳng qua cũng chỉ là một thí dụ nữa về các hình thức thống trị và kềm chế của Thiên Chúa Giáo áp đặt lên hầu như tất cả lãnh vực sinh hoạt lớn, nhỏ, công cộng, riêng tư của tín đồ. Như cho thấy ở đây, không chỉ linh hồn của các tín đồ đã hoàn toàn nằm trong tay của giới gọi là lãnh đạo tâm linh mà cả thân xác họ- từ phương cách sống cho đến sự chết- cũng phải bị kiểm soát và điều khiển đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất.

Một điều khó bỏ sót khi nói về sự chết trong Thiên Chúa Giáo: đây là tôn giáo đặt nặng vấn đề lên nỗi sợ hãi sự chết. Trong Kinh Thánh có nhiều lời răn cho thấy sự chết là một sự kiện kinh khủng đáng ghê sợ cần phải chế ngự. Thí dụ như:

– Kinh Thánh gọi sự chết là “kẻ thù địch cuối cùng sẽ bị hủy diệt” (1 Cô-rin-tô 15:26).

– Câu chuyện Giê-su sống lại 3 ngày sau khi bi đóng đinh được ca tụng rầm rộ như là một chứng minh cho thấy cho thấy Thiên Chúa có huyền năng chiến thắng được sự chết (1 Cô-rinh-tô 15:54-55).

– Lời hứa hẹn có thể nói là quyến rũ nhất trong Thiên Chúa Giáo là: tất cả ai tin thờ Thiên Chúa sẽ được sống đời đời, và những ai đã chết rồi cũng sẽ sống lại (Giăng 11: 25-26).

– Và đi đôi với hứa hẹn trên là lời hăm dọa: những ai không tin thờ Thiên Chúa sẽ bị giết chết. (Lu-ca 19:27)

Trong khi đó, đối với Phật Giáo chẳng hạn, sự chết tuy là một sự kiện đáng kể trong đời người nhưng không phải là một biểu tượng gì to lớn để dùng chứng minh huyền lực thần thánh của ai cả. Thí dụ, đến cuối đời Thích Ca Mâu Ni cũng đã chết (theo truyền thuyết vì ăn phải nấm độc) giống như bao nhiêu người bình thường khác. Điều đó, trong Phật Giáo, không làm giảm giá trị thiêng liêng cho cá nhân Thích Ca, hay ảnh hưởng thất lợi cho lời huấn dạy của ông.

Phật Giáo cũng cho rằng sự chết chỉ giản dị là một bước chuyển tiếp giữa một cuộc sống nầy và một cuộc sống mới. Và chu kỳ nầy của mỗi người lập đi lập lại vô số lần cho đến khi họ giác ngộ đủ để giải thoát. Nên chú ý, trong Phật Giáo, điều cần chinh phục và tiêu trừ là sự đắm chìm trong vòng sinh tử bất tận chớ không phải là sự chết trong những quá trình sinh tử đó.

So với Thiên Chúa Giáo, và hai tôn giáo lớn khác cũng xuất phát từ cùng nguồn gốc Trung Đông là Do Thái Giáo và Hồi Giáo, kinh sách Phật Giáo có thể được cho là trung lập về quan niệm an tử. Thật ra kinh sách Phật Giáo có nói đến 2 trường hợp có thể được gọi là an tử của 2 tăng sư và cho thấy Thích Ca Mâu Ni lúc sinh thời không hề lên án 2 sự kiện nầy. Cái nhìn của các tôn giáo xuất phát từ Ấn Độ khác (như Ấn Độ Giáo, đạo Jain, đạo Sikh) cũng giống như Phật Giáo, họ không có quan điểm gì rõ rệt về an tử. Tuy vậy, trong truyền thống Phật Giáo, nhất là Phật Giáo Nhật Bản, có rất nhiều câu chuyện về tăng sư tự chấm dứt sự sống của mình, tức là một hình thức tự sát, ở những thời điểm mà họ cho là thích hợp để đạt đến Giải Thoát. Vì vậy, nhiều tác giả Phật Giáo diễn giải rằng chỉ có các tăng sư (vì họ được cho rằng đã thấu đạt Phật pháp) mới có thể thực hành các hình thức tự sát, hay an tử, như kể trên, còn mọi người khác (vì được cho rằng chưa thấu đạt Phật pháp) không được làm những điều đó.

Vì tôn giáo là những khái niệm tâm linh được hệ thống hóa từ nhiều nguồn tư tưởng khác nhau, quan điểm tôn giáo chỉ có giá trị tương đối trong phạm vi của mỗi nguồn tư tưởng đó. Quan điểm tôn giáo xuất phát từ một nguồn tư tưởng không nhất thiết thích hợp hay hữu lý đối với các nguồn tư tưởng khác. Vì lý do nầy, quan điểm tôn giáo không nên được sử dụng như kim chỉ nam trong những lãnh vực liên quan đến hành chính và lập pháp của quốc gia.

Trong thực tế, quan điểm tôn giáo của một người mặc dù không sùng đạo vẫn có ảnh hưởng ít nhiều đến quan điểm cá nhân của họ. Một thống kê ở Úc cho thấy cái nhìn về an tử và trợ tử chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi tôn giáo và trình độ học vấn. Trong giới chuyên gia y khoa, những bác sĩ tự xem mình không thuộc vào một tôn giáo nào cả thường ủng hộ an tử tự nguyện, và cho biết họ đã từng thực hành việc nầy, nhiều hơn những bác sĩ tự xem mình thuộc vào một tôn giáo nào đó. Quan điểm và thái độ về an tử của những người Tin Lành thường nằm ở khoảng giữa mức độ khắt khe của người Công Giáo và mức độ cảm thông của người vô tôn giáo. Tuy vậy, lúc nào cũng có những ngoại lệ: 18% những bác sĩ Công Giáo được phỏng vấn thú nhận họ đã từng được bệnh nhân yêu cầu và đã “có hành động chủ định để gây đến cái chết cho các bệnh nhân đó.”



Nguồn:

Từ nhiều tài liệu, trong đó có:

– Free and Faithful in Christ, Vol. 3. (New York: Crossroad Publishing Co., 1981) – tác giả: Bernard Haring, C.Ss.R.

– Assisted dying: a Christian argument – tác giả: John Cartwright.

Professed Religious Affiliation and the Practice of Euthanasia (J Med Ethics 1995) – tác giả: Baume P, O’Malley E, Bauman A.

– Terminal Choices: Euthanasia, Suicide, and the Right to Die. (Michigan: William B. Eerdmans Publishing Co., 1989) – tác giả Robert N. Wennberg. https://www.jw.org/vi/kinh-thanh-giup-ban/thac-mac/an-tu

– Death is enemy or friend? https://www.thegospelcoalition.org/article/death-enemy-or-friend

– Christians Supporting Choice for Voluntary Euthanasia https://christiansforve.org.au/bible-facts

– A Christian Case for Assisted Dying – tác giả: David Pearce https://www.dignityindying.org.uk/blog-post/christian-case-assisted-dying

– Campaing for Dignity in Dying – https://www.dignityindying.org.uk/assisted-dying/public-opinion

– Ảnh minh họa: https://www.pinterest.com

bài đã đăng của Nguyễn Nhân Trí

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)