Tôi ngồi nhìn nước chảy dưới con mương nhỏ. Một cọng lá thông khô rơi xuống như chiếc thuyền trôi. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy biển hay sông hồ. Bị đày ải trên một vùng núi cao từ thuở chào đời, nước gây cho tôi niềm đam mê cùng nỗi kính sợ. Cũng bởi vì tôi không biết bơi. Thế là những lúc buồn, tôi ngồi nhìn con mương nhỏ chảy vòng quanh sân trường, tưởng tượng mình bé lại và con mương lớn lên như một trường giang rộng lớn. Chiều đó, tôi ngồi buồn nhìn cọng thông rơi trên dòng nước và nghe trong đầu nổ bụp một tiếng. Một vực thẳm đen ngòm cuốn lấy tôi và tôi không còn biết gì nữa. Tỉnh dậy đã thấy mình ngồi bên bờ một con sông. Nhưng sao trông có vẻ quen quen dù tôi chưa biết sông hồ là thế nào cả. Một con thuyền độc mộc đang trôi giữa dòng sông trong vắt. Thì ra là cọng rơm khô trôi trên con mương nhỏ quanh sân trường, còn tôi không hiểu sao lại bé đi như thế này nhỉ. Thôi thì cũng lên thuyền làm một chuyến chu du. Chiếc thuyền ghé sát bờ, tôi vội vàng nhảy lên. Dòng nước cuốn đi mãi. Nước càng lúc càng chảy mạnh, thuyền trôi ngày một nhanh. Lúc đầu tôi vô cùng háo hức thấy biển rộng sông dài và thú vui hồ hải. Nhưng rồi tôi mệt mỏi, muốn nhảy lên bờ và đi về nhà. Và tôi phát hiện một sự thực kinh hoàng. Dòng nước không bao giờ dừng lại. Thuyền cứ giữa dòng trôi nhanh. Không ghé vào bờ được, không còn trở về như cũ. Nhảy xuống nước thì chết đuối vì nước chảy mạnh và tôi cũng chẳng biết bơi. Không lẽ cứ trôi trong con mương nhỏ quanh sân trường đến hết đời? Còn làm sao khác được. Tôi gào rú lên thảm thiết. Nhưng tiếng hú chỉ vọng sang hai bên bờ một tiếng u u.
Nagoya, ngày 12/8/2010
“. . . cho người phụ ta,
Lời tha thiết cũng thành xa lạ . . .”
Trúc Phương
Sinh mạng giống một mảy bụi, đời người như một chuyến xe. Bụi bay trong gió trần gian, khi chìm khi nổi. Chuyến đi thường khi vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh. Phong cảnh ven đường có khác nhau nhưng rồi cũng chỉ chừng đó, với cây, với người, với nhà. Ba thứ quan trọng nhất của cuộc sinh tồn. Người thân để sẻ chia, nhà để trú ngụ và bóng cây để ẩn dật quên đời. Tâm ta lúc nào cũng vậy, không luyến tiếc, không đam mê, chỉ muốn thẳng đường tới trước. Dĩ nhiên cuối đường là vực sâu của cái chết. Pha một ấm trà, ta nhâm nhi chờ đợi. Ấm trà là thể phách, nước trà là tinh anh. Phẩm và lượng trà trong ấm là khả năng thiên phú. Thời gian dưỡng trà cũng là thời gian mài bén sắc tài năng. Nước trà đầu vị thanh, thứ hai vị đậm, thứ ba lắng sâu của tinh anh đến hồi tan rã. Nước thứ tư thì không còn uống được nữa. Cũng như đời, lão lai thì tài tận. Biết dừng đúng lúc thì vị ngọt hậu của trà còn mãi. Cứ cố mà viết thì thường là thứ hạ phẩm như nước trà thứ tư chỉ dùng để súc miệng người ta. Trà thường độc ẩm bởi đời ít bạn tri âm. Mời kẻ không biết thưởng trà thì vừa phí tâm cơ vừa mua lấy nhục. Cứ hăm hở nói chuyện văn chương với kẻ không hiểu hay cố lợi dụng mình thì thật rẻ tiền biết bao nhiêu. Có lẽ đỉnh cao của uống trà là tự mình pha, tự mình thưởng thức, tự mình rửa ấm chén trong cảnh hoang liêu tịch mịch. Đỉnh cao của văn chương có lẽ là tự mình nghiền ngẫm viết ra, tự mình đọc, rồi tự mình châm lửa đốt đi vậy. Cái phần lửa đốt không cháy hết để lại cho đời làm phần dư cảo cũng được chăng? Xét theo nghĩa nào đó, con người tự sáng tạo ra văn hóa để nuôi dưỡng chính mình. Khi hấp thụ hết tinh hoa văn hóa và chiêm nghiệm trong bình an thì cũng đến cuối đường. Như thể uống cạn chén trà cuối cùng rồi ấm trà vỡ nhưng vị ngọt còn trong tâm tư, thân xác rồi đến hồi rã nát ra khi chạm vào đáy vực lịch sử như một thân phận vô danh, không còn chút gì lưu dấu hiện hữu. Nhưng với ấm trà văn chương mà ta đã cạn, chắc cũng không buồn nỗi trắng tay?
Nagoya, ngày 11/8/2010
.