Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Mảnh khiếm khuyết

0 bình luận ♦ 25.10.2013

 

 

 

1.

Người đàn bà mở tủ lạnh lấy ra lon nước ổi trao cho cô gái rồi lấy lon trà xanh không đường cho mình.

Hai người ngồi xuống ghế.

“Cháu lớn quá rồi!”, người đàn bà nhìn cô gái, buông lời nhận xét.

“Cháu đã lên đại học rồi, cô ”, cô gái nói.

Cô gái nhận ra người đàn bà tuy đã bước sang tuổi 40 vẫn còn son trẻ. Với dáng thon thả mà nảy nở cân đối, rắn chắc, màu da bánh mật, bà là hiện thân của người dân miền quê có cuộc sống đầy đủ, lao động vừa phải và biết chăm sóc bản thân.

“Cô vẫn trẻ và đẹp ạ”, cô gái nói thêm.

Nghiêng người soi mình trong cửa kính, người đàn bà vuốt mái tóc dài óng ả:

“Cô uốn quăn thế này trông được không cháu; tóc cô rụng nhiều, để suông thấy ít quá!”

“Vâng, tóc cô dày lên, trông cô trẻ ra ạ”, ngưng một lát cô gái nói tiếp, “ Cô vẫn…”

Không đợi cô gái nói hết câu, người đàn bà lên tiếng:

“Cô vẫn một mình. Cô sống cùng đứa cháu nhỏ. Nghỉ hè, ba nó đưa nó lên thành phố chơi ít bữa. À! Cháu học ngành gì?”

“Khảo cổ ạ”

Nghe tới đây, người đàn bà đứng lên, đến góc phòng ôm một cái thùng giấy mang đến đặt trước mặt cô gái: “Cháu xem này!”

Cô sinh viên rời ghế, quỳ trên gạch nền, nhìn vào thùng. Trong đó có nhiều mảnh gốm cũ to nhỏ khác nhau, màu đỏ thẳm, rất sạch sẽ được xếp cẩn thận.

Cô sinh viên ngồi bệch xuống nền gạch, lấy ra từng mảnh.

“Có vẻ là một chiếc bình vỡ, cô ạ”

Có một mảnh đáy. Cô sinh viên lật ngược xem xét mảnh này, thấy dấu khắc “VN1954-1975”

Ánh mắt sáng lên, cô sinh viên lần lượt cầm lấy 3 mảnh ngẫu nhiên, cảm nhận cảm giác cổ xưa, thuần phác, nhìn kỹ thấy màu sắc dịu nhẹ có những hoa văn trang trí hình trúc và sen. Cô ráp thử vài mảnh lại. Chúng khớp với nhau, ra hình dáng một chiếc chum.

“Đây là một chiếc chum cô ạ, với lớp men thúy hồng”, cô gái nói rồi hỏi người đàn bà tìm thấy những mảnh gốm này ở đâu.

Người đàn bà trả lời dưới đất, trong lúc đào lỗ trồng các bụi hoa hồng.

Cô sinh viên quay nhìn ra hiên nhà xuyên qua cửa kính. Ở đó có nhiều bụi hoa hồng cao chừng 1mét 5, nở nhiều bông đỏ thẩm.

“Là những bụi hoa hồng ấy ạ?”

“Giống hồng xx, một người bạn tặng cô”

Cùng lúc cô sinh viên ngửi thấy mùi thơm hoa hồng thoang thoảng. Cửa đóng, hương hoa hồng không vào được bên trong, có lẽ từ nước hoa bà cô đang xức, cô nghĩ.

Cô sinh viên hỏi người đàn bà giữ các mảnh gốm vỡ để làm gì. Người đàn bà trả lời bà không giữ, chỉ vì thấy chúng đẹp nên nhặt để đấy.

Cô sinh viên gợi ý:

“Cô cho cháu nhé!”

Người đàn bà vui vẻ:

“Cháu cứ lấy”

 

2.

Chờ cho các sinh viên khác ra về hết, cô sinh viên bước vội theo vị giáo sư trong hành lang trường đại học:

“Thầy! Thầy!”

Vị giáo sư dừng bước, quay lại:

“Em gọi tôi?”

Cô sinh viên cúi chào: “Vâng ạ”

“Gì thế em?”

Cô sinh viên đưa chiếc thùng giấy ra trước mặt:

“Thầy có thể xem giúp em thứ trong này không ạ”

Vị giáo sư gật đầu, đón lấy chiếc thùng:

“Vào trong phòng tôi”

Cô sinh viên mừng rỡ: “Vâng ạ”

Trong phòng, giáo sư đặt chiếc thùng lên bàn, chìa tay về phía cô gái: “Mời em!”

Cô sinh viên mở nắp thùng, lấy ra một trong 3 mảnh vỡ đã khảo sát, trao cho vị giáo sư.

“Cám ơn em”, vị giáo sư cầm mảnh gốm nói với giọng trầm ấm.

 

Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chỗi đứng nghe. Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy. Đại bác qua đây, con thơ buồn tủi. Nửa đêm sáng chói, hỏa châu trên núi… (*)
…Ôi quê hương đã lầm than sao còn, còn chiến tranh. Mẹ già hết chờ mong
đã ngủ yên. Mẹ già mãi ngủ yên, buông lời ru cho muôn năm, buông vòng nôi cho hư không, cho hư không; buông bàn tay. Con đi hoang, con đi hoang một đời; con đi hoang phận này… (*)

Người nô lệ da vàng ngủ quên, ngủ quên trong căn nhà nhỏ. Đèn thắp thì mờ. Ngủ quên, quên nước quên non, ngủ quên, quên đã bao năm. Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc dân ta, bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc tự do…Người nô lệ da vàng bước đi, bước đi, đi về đồi hoang. Người nô lệ da vàng bước đi, bước đi, đi về đồi hoang. Đi cho thấy quê hương Việt Nam hai mươi năm liền, thịt xương rơi trên đôi miền. Đi cho thấy quê hương, đi cho thấy quê hương (*)

…Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa phận mình. Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm, trọn nợ lưu vong. Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương. Tuổi còn bơ vơ, thế giới hận thù, chiến tranh ngục tù (*)

Hò ho ho hó.. ho ho hò, con ngủ, ngủ đi con. Đứa con của mẹ ra đời trên môi vang vọng một lời đau thương. Hai mươi năm đàn con khôn lớn ra ngoài chiến trường, đứa con da vàng Lạc Hồng. Ngủ đi con … (*)

Ôi đêm dài và cơn bão rớt trên giải đất quê hương khô cằn. Ôi bom đạn cày trên những xác, trên đồng lúa hôm nay bỏ hoang. Ôi da vàng Việt Nam vỡ nát; xương thịt đó thiêng liêng vô cùng…(*)

 

Vị giáo sư lật qua lại mảnh vỡ một cách nhanh nhẹn, đưa ngón tay chà nhẹ lên hoa văn. Cô sinh viên biết hoa văn trang trí trên gốm sứ cổ dùng nguyên liệu khoáng sản thiên nhiên, vẽ xong rồi nung, độ bám rất cao, khó bị tróc. Tuy nhiên, do sự ăn mòn của độ ẩm và chất phèn dưới lòng đất, màu sắc của gốm sứ cũng bị tróc ở mức độ nhất định.

Mảnh gốm tróc đi một ít.

Vị giáo sư gật gù: “Là gốm thật”

Cô sinh viên vui mừng hớn hở, đưa ông mảnh thứ 2: “Còn mảnh này ạ”

Trong lúc vị giáo sư khảo sát mảnh vỡ, cô sinh viên nhìn ông với cái nhìn âu yếm, si mê.

Vị giáo sư 45 tuổi, góa vợ, có một đứa con trai 13 tuổi đang học nội trú. Với dáng người tầm thước, da dẽ hồng hào khỏe mạnh, đặc biệt mái tóc bồng kiểu cổ điển còn đen mượt, đôi mắt hai mí đẹp và sáng quắc không hề mang kính cộng thêm phong cách bặt thiệp, ông được nhiều nữ sinh viên để ý. Tuy vậy, ông không chú ý đặc biệt đến ai. Điều ấy càng thu hút các cô.

 

“…Nó đứng sững trong giây lâu, nhìn cái quang cảnh lạ lùng mà nó chưa được chứng kiến bao giờ. Một em bé bị trúng đạn còn sống sót nằm cạnh cụ già rên khe khẽ và quằn quại trong vũng máu. Cái chân nhỏ xíu bị gãy tới tận đùi, chỉ còn lại một chút thịt bầy nhầy.

-Cái gì xảy ra vậy?Tại sao các anh cứ lúng ta, lúng túng thế này?

Viên trung úy hỏi to như không còn kiên nhẫn chờ đợi được nữa. Monila trả lời ngay:

-Tốt nhất là nên đi thôi. Đi thôi, trung úy. Cả một đống đang bị thương ở trong đó.

Bây giờ nó nghe thêm một cô bé rên rỉ. Cô bé bị thương nơi bụng, máu chảy ướt đầm tới sau lưng. Tòan là máu. Nhìn thấy máu chảy khắp nơi và không có gì khác hơn là tiếng thổn thức của trái tim. Nó cảm thấy bị xô xuống bờ vực của sự khủng hoảng. Nó đứng sững sờ cùng với mọi người, đôi mắt cúi gầm xuống nền đất. Nó như sống trong cơn mộng mị, không tin những gì vừa mới xảy ra là sự thực.

Rồi, đùng một cái, nó không còn bình tĩnh đứng nhìn được nữa. Bao nhiêu là người…trẻ có, già có…những người như nó…và họ đang xúm lại làm cái gì đó…Nó muốn cựa quậy, đến săn sóc họ. Nó cởi túi áo đeo lưng, lấy vật dụng cấp cứu và bông băng, kêu cả Monila đến giúp đỡ các nạn nhân. Nó qùi xuống giữa những con người đang run rẩy và băng bó cho họ, tìm mọi cách cầm máu cho họ. Hắn an ủi: “Rồi mọi việc sẽ qua đi…. Mọi việc sẽ qua đi…”Nó vừa khóc vừa săn sóc các nạn nhân. Nó đi từ người này sang người khác, sờ soạng bóng tối, tìm các vết thương do mũi đạn xuyên qua để băng bó với hai bàn tay đầy máu đỏ. Nó khóc tấm tức trong căn chòi. Chỉ có ngọn gió lạnh lẽo vuốt mặt nó khi nó đi từ người này sang người khác. Viên trung úy đến với họ. Nó la lên:

-Hãy giúp tôi. Phải có người giúp tôi một tay.

-Thôi đi, trung sĩ, mẹ kiếp, anh làm cái gì thế?Giết được bao nhiêu tên?

Nó gầm lên:

-Chỉ toàn là trẻ con thôi!

-Trẻ con và người già. Monila nói thêm.

Viên trung úy hỏi:

-Súng ống của chúng đâu?

-Không có gì cả.

-Hãy giúp nó một tay. Viên trung úy thét bảo mọi người, đang nằm, ngồi trên cửa ra vào, nhưng không ai động đậy.

-Mẹ kiếp! Hãy giúp nó một tay. Đó là mệnh lệnh!

Monila rên rỉ:

-Hãy tha lỗi cho chúng tôi…

Viên trung úy gầm to:

-Đúng dậy tất cả. Đồ quỉ. Tôi ra lệnh, đứng dậy hết.

Vài người chậm chạp đến chỗ các nạn nhân và họ bắt đầu cấp cúu bằng những cuộn băng còn sót lại.

Bây giờ dân làng đã tụ tập trước căn chòi. Nó nghe tiếng la của họ và không biết nên đối phó như thế nào. Một người nói to:

-Tốt nhất là nên gọi trực thăng.

-Máy truyền tin đâu? Hãy tìm máy truyền tin cho tôi. (**)

Trên lối vào căn chòi, nhiều binh sĩ đang ngồi khóc. Họ bất động, lặng thinh trước mệnh lệnh của viên trung úy . Họ ngồi dưới mưa-mưa nhỏ giọt qua mái lá, khóc thê thảm.

-Hừ, đồ hèn! Hãy nghe tôi nói đây. Đến bao giờ thì các người mới thôi khóc như đám trẻ con? Hãy tin vào mình như một người lính thủy.

Viên trung úy thôi nói chuyện qua máy bộ đàm, quay lại động viên đám lính,thôi thúc họ hành động.

-Này, các người nên làm một người lớn, thôi cái trò trẻ con này đi. Đây là một sự lỗi lầm nhưng không phải là lỗi của các anh.Tất cả đều sẽ qua đi. Hiểu chưa, đồ quỉ! Không nên tỏ ra ngu xuẩn trên con đường hành quân.

(**)

Vị giáo sư gật đầu: “ Ừ! Em giỏi đấy: mảnh này cũng là gốm thực…”

Cô sinh viên trao cho giáo sư mảnh cuối cùng trong 3 mảnh cô đã xem qua và tin là thực. Cô hỏi âu yếm: “Còn mảnh này thì sao ạ?”

 

Ngày 19 tháng 9 năm 1968

Đại hội huyện đoàn Thanh niên, sống giữa niềm vui của lớp thanh niên lớn lên trong chiến đấu. Được gặp và nghe các em thiếu nhi báo cáo điển hình.

Em Hoàng 14 tuổi trong 6 tháng đầu năm giết được 6 lính Mỹ, đánh lật 2 xe tăng bằng vũ khí tự tạo, lấy được 7 súng giặc trong đó có 2 cối cá nhân và các loại khác.

Em An Phổ Châu lấy 5 súng, có 2 cối cá nhân, một đàiRC.

Các em đã anh hùng từ trứng nước (***)

Ngày 28 tháng 4 năm 1969

…Biết nói sao đây hở các đồng chí.Biết nói gì khác hơn một câu triết lý bất di bất dịch của mỗi người dân VN là “Không có con đường nào hơn là phải đánh cho không còn một tên đế quốc Mỹ nào trên đất nước chúng ta, lúc đó mới có thể có hạnh phúc… (***)

Ngày 1 tháng 1 năm 1970

..Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là độc lập, tự do của đất nước. Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến và tuổi trẻ qua đi giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Tuổi trẻ của mình đã thắm đượm mồ hôi nước mắt máu xương của những người đang sống và những người đã chết…tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt…(***)

Ngày 5 tháng 5 năm 1970

Cuộc chiến tranh lan rộng trên dải đất Đông Dương. Thằng chó đểu Nixon đã liều lĩnh điên cuồng mở rộng thêm cuộc chiến. Chúng ta sẽ phải đương đầu với một khó khăn ghê gớm hơn nữa đây. Nhưng tao đã thề cùng các đồng chí của tao rồi, dù có chết cũng quyết đánh cho đến cùng…Ôi căm thù đến bầm gan tím ruột. Tại sao cũng là con người mà lại có những con người độc ác tàn tệ muốn lấy máu đồng bào để làm nước tưới cho gốc cây vàng của nó như vậy? (***)

 

Sau khi xem xét vị giáo sư liếc nhìn cô sinh viên, lắc đầu: “Tôi rất tiếc phải nói đây là đồ giả”

“Lạ thật! Thật giả nằm chung một chỗ” cô gái nghĩ. Và chờ đợi vị giáo sư vất mảnh gốm giả vào sọt rác. Nhưng lần này ông không làm thế, mà cẩn thận đặt nó vào thùng giấy. Rồi ông giảng giãi cho cô sinh viên phân biệt giả-thật.

“Đồ sứ cổ thường bị làm giả bởi giá trị cao của đồ thật và bởi kỹ thuật làm giả khá đạt. Không phải là người chuyên môn khó nhận biết gốm cổ thật hay giả cổ. Này nhé! Đầu tiên, những món đồ sứ bình thường sẽ được ngâm axit để bong bớt lớp mới bên ngoài. Sau đó, người ta rửa sạch và bôi thật nhiều nhựa cây đu đủ lên, rồi ngâm dưới ao một thời gian dài đủ lâu để cho ốc bám vào ăn hết lớp nhựa ấy” Nói đến đây, vị giáo sư nhìn sâu vào mắt cô sinh viên hỏi, “Cuối cùng là gì em biết không?”

Cô sinh viên chớp đôi mắt to nhìn vị giáo sư, chờ đợi với quả tim đập mạnh.

Tuy nhiên, không đợi câu trả lời, vị giáo sư hạ giọng nói tiếp, vẻ khôi hài: “Người ta chỉ việc vớt lên, rửa sạch. Món đồ bây giờ y như đã trải qua nhiều lớp thời gian; và những tay buôn đồ giả cổ có thể mạnh miệng quảng cáo là “đồ cổ vớt từ biển lên”

Nói xong, vị giáo sư đưa tay vào thùng cầm lên một mảnh khác, xem xét.

 

…Chủ nghĩa đế quốc Mỹ, tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng vẫn mang đầy đủ bản chất phản động của chủ nghĩa đế quốc. Nó ra đời và phát triển theo đúng quy luật của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, nhưng vẫn có những đặc trưng riêng của nó. Một mặt, về cơ sở chính trị, xã hội Mỹ có sự du nhập rất mạnh, trong nhiều thời kỳ khác nhau của các loại chủ nghĩa cực đoan (phát xít, sôvanh, quân phiệt, phân biệt chủng tộc, phục thù, v.v…) làm cho bản chất phản động, tàn bạo, độc ác, hung hãn, hiếu chiến của nó trong bành trướng, xâm lược và thôn tính trở nên cực đoan hơn.

…Công cuộc xây dựng đất nước ở các nước khác trong hệ thống xã hội chủ nghĩa từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến giữa thập kỷ 50 đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp, mặc dù gặp nhiều khó khăn.
Các nước Đông Âu như Tiệp Khắc, Ba Lan, Đông Đức, Hunggari, Bungari, Rumani, Anbani… là những nước bị tàn phá nặng nề trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sau khi hoà bình được lập lại, với sự giúp đỡ của Liên Xô, nhân dân lao động ở những nước này xây dựng lại đất nước, khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân với tốc độ khá nhanh.

…Nước Mỹ có tiềm lực mạnh về kinh tế và quân sự, nhưng lại yếu về chính trị trên phạm vi thế giới. Không nhận ra điều đó, Mỹ thường bị động đối phó với phong trào chống Mỹ nổi lên trong nhân dân các nước châu Âu, châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Mặc dù trong những năm 50, trọng điểm chiến lược toàn cầu của Mỹ được xác định là châu Âu nhưng Mỹ phải phân tán khá nhiều lực lượng ra những nơi khác, đặc biệt ở châu Á. Tiến hành chiến tranh xâm lược ở Triều Tiên, can thiệp ngày càng sâu rộng vào cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam, Lào và Camphuchia.

…Nhân dân Việt Nam với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã đoàn kết thành một khối thống nhất, kiên quyết kháng chiến. Bằng việc kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao, đánh địch bằng ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược và biện pháp chiến lược của Mỹ, tiến đến mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, làm rung chuyển nước Mỹ, làm hiện lên trước mắt chính quyền Giônxơn và cả nhân dân Mỹ hình ảnh quân đội Mỹ đang bị đánh bại trong cuộc chiến tranh. Kinh ngạc vì cuộc tiến công Tết Mậu Thân, bị bối rối vì trận Khe Sanh và bị thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, tập đoàn hiếu chiến trong bộ máy cầm quyền nước Mỹ dao động ý chí. Xã hội Mỹ khủng hoảng sâu sắc, nội bộ chia rẽ. Nhiều tầng lớp nhân dân Mỹ phản đối kéo dài chiến tranh, đòi rút quân Mỹ về nước. Cả thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ leo thang chiến tranh. (****)

 

Vị giáo sư nhanh chóng đặt mảnh này vào thùng, nhặt lên một mảnh khác nữa.

 

Lượng:

“ ..theo quan niệm của những tên cầm đầu nước Mỹ, biên giới của Hoa Kỳ bắt đầu từ bờ nam sông Bến Hải” (*****)

Khuê: “cái thằng Mỹ đầu tiên Khuê gặp, bị một nhát lê anh đâm xuyên qua hông, có lẽ phải cao hơn Khuê một mét là ít. Đến khi chết hắn vẫn giữ nguyên tư thế như lúc đầu tiên hắn thoạt trông thấy Khuê: hai con mắt xám trợn ngược trên cặp lông mày bạc như lông mày một người mắc bệnh hủi, cái mồm méo xệch đi nom rất khủng khiếp. Đó là một trận đánh sảng khoái nhất, hoàn toàn chỉ có lính Mỹ, những tên lính Mỹ lấc xấc, nhũng tên lính Mỹ ngờ ngệch, những tên lính Mỹ hung hãn…” (*****)

…Anh dừng lại giây lát, nhìn vết đạn để lại trên khuôn ngực tên địch như một lỗ khoan. Một dòng máu đen đặc quánh như hắc ín chảy loang một bên khuôn ngực và đọng quanh chiếc dây chuyền buộc một đồng tiền.

Lúc Lữ nhấc cao đầu gối bước qua xác tên Mỹ, mấy ngón chân sây sát của anh thò ra bên ngoài mủi giày vải vô tình chạm phải cái bàn tay của nó. Cái bàn tay nhợt nhạt đã hơi ngả sang màu xám và cứng phèo như vùa truyền sang anh một luồng điện. Bất giác tận nơi sâu kín nhất của tri giác, anh cảm thấy ghê tởm cái bàn tay ấy. Tất cả nhũng gì diễn ra trong tâm hồn anh mà anh không kịp nhận thấy khi nhắm bắn nó, tất cả lòng căm thù sâu xa của anh đối với nó, cái thằng Mỹ ăn cướp ấy lại bùng dậy một cách âm thầm: Chính chúng nó là những đúa đã gieo bao cảnh tàn phá và chết chóc xuống đất nước anh khiến nhiều lần trái tim anh như thắt lại vì đau đớn. Bọn ăn cướp Mỹ ấy, chính chúng nó đã muốn đem sự dã man của thú vật và sức mạnh của máy móc đè lên dân tộc anh. Vì thế mà anh đã giết nó, chính bàn tay anh đã cầm khẩu súng trường bắn chết nó.” (*****)

Cũng như mảnh vừa rồi, nhìn sơ qua mảnh này, vị giáo sư đặt trở lại vào thùng.

Rồi ông nhặt lấy mảnh đáy chum xem xét, chau mày suy nghĩ.

Quay sang cô sinh viên, ông nói: “Em đã nhặt được được một cái chum độc nhất vô nhị”

Gốm sứ cổ thật bao giờ cũng có một không hai. Cô sinh viên vui vì nghĩ câu nói của giáo sư chỉ nhằm lấy lòng mình. Nhưng giọng nói của ông lại hết sức nghiêm trang khiến cô có chút hoang mang. Hơn nữa cái chau mày của ông khiến cô thắc mắc. Cô sinh viên định hỏi nhưng chưa kịp lên tiếng thì vị giáo sư mở ngăn kéo bàn: “Nào, chúng ta hãy xem kích thước của vật này”

Họ ráp lại, rồi đo. Cái chum có kích thước cao 33cm, đường kính miệng 23cm, đường kính vòng bụng 96cm.

Đứng lên, vị giáo sư nói, vẫn giọng trầm ấm:

“Tuy có những mảnh là đồ giả nhưng cái chum này vô giá nếu tìm được tất cả các mảnh của nó”

Cô sinh viên không hiểu tại sao vị giáo sư đánh giá lạ lùng như thế. Một chiếc bát cổ với họa tiết hai đóa hoa sen triều vua Khang Hy thời Nhà Thanh Trung Quốc đã được Nhà bán đấu giá Sotheby’s bán với giá 9.5 triệu USD tại Hongkong; một chiếc bình màu xanh lục trang trí hoa văn có niên đại từ thế kỷ XVII đã được một người mua giấu tên, mua với giá 32,5 triệu USD. Nhưng đó là những đồ gốm cổ thật, và nguyên vẹn.

“Vô giá ạ ?”, cô sinh viên hỏi lại.

Vị giáo sư vuốt mái tóc bồng ra sau:

“Nó quý vì chúng ta nhận ra nó gồm những mảnh thật giả lẫn lộn, nó quý vì chưa từng có một sản phẩm gốm sứ nào trải qua quá trình chế tác dài đến 20 năm. Nó là lịch sử em ạ, không thể định giá nó bằng tiền”

 

3.

Cô sinh viên mặc áo pull dài tay màu đen, quần jeans xanh (chiếc quần cô đã xé rách hai đường ngang ở đùi từ khi thấy vị giáo sư mặc sơ mi bỏ ngoài quần jeans cũ bạc màu; rất tình cờ ông cũng mặc bộ đồ ấy hôm nay).

Dọc đường, cô sinh viên để xe chạy tự động, trò chuyện cùng giáo sư.

Cô sinh viên thuật lại cuộc đối thoại của hai cha con trước ngày cô lên đường.

“Ba không hiểu tại sao con lại thích ngành Khảo cổ. Đất đá có gì thú vị chứ?”

“Ba cũng như con chứ có khác gì ạ”

“Kẻ trên trời người dưới đất mà con nói là không khác ư?”

“Ba theo ngành Khoa học vũ trụ, nghiên cứu thứ đã hình thành hàng tỷ năm trước. Ba lên sao Hỏa chẳng nhặt đất đá là gì!”

“Thôi được, ba sẽ lấy trực thăng đưa con và ông ấy đi”

“Thôi, ba. Vì chiếc xx của thầy quá chậm, con đã thỏa thuận với thầy sẽ đi bằng chiếc xxX của con ạ”

Kể xong, cô sinh viên hãnh diện hỏi: “Thầy thấy em hay không?”

“Ừ hay”

“Em gọi cho thầy ngay khi nhận được điện thoại của bà dì ạ”

“Tôi đã rút ngắn bài tham luận của mình ở buổi hội thảo. À! Dì em tìm được bao nhiêu mảnh nữa?”

“Dì ấy chỉ nói một số ạ”

“Cũng ở chỗ cũ chứ?”

“Vâng, cũng ở chỗ ấy khi dì trồng bụi hồng mới vào đấy”

Cô sinh viên hỏi vị giáo sư có thích hoa hồng đỏ. Ông gật đầu.

“Em cũng thế, em không thích hoa hồng đen hay xanh”

Họ mang theo cái chum đã được ráp gần như nguyên vẹn, chỉ còn một lỗ rỗng tương ứng với một hoặc hai mảnh vỡ.

Họ không muốn nó lọt vào tay kẻ trộm. Đối với đồ gốm quý bị sứt, vỡ mất một phần, họ biết kẻ trộm có tay nghề cao có thể dùng xi măng trắng hoặc bột đá trộn với một loại keo đặc biệt tạo ra phần thiếu hụt y như nguyên gốc ban đầu của sản phẩm.

 

4.

Cô sinh viên nhận thấy sau khi nói về độ sâu tìm thấy các mảnh vỡ, lịch sử mảnh đất, vị giáo sư và bà dì của mình nói chuyện về gia thế, ý thích cá nhân của nhau một cách thân mật.

“Hai người ấy mới gặp nhau mà cứ như là nhân tình của nhau vậy. Ông ấy chẳng thèm xem qua các mảnh vỡ nữa!”

Lòng ghen tức nổi lên, cô sinh viên bỏ ra ngoài, đi loanh quanh. Một lát khi trở lại cô thấy vị giáo sư và bà cô mình hôn nhau.

Cơn giận lại dâng trào, một lần nữa cô sinh viên quay ra, bước đến một bụi hồng, đưa tay bứt một bông. Cô vò nó trong lòng tay, không hay biết những giọt máu rỉ ra trên lòng bàn tay mềm mại trắng muốt của mình.

“Sao ông ấy lại si mê bà cô ấy chứ? Mình đẹp đâu kém bà ấy! Lại trẻ nữa”

Một lát, cô sinh viên nghĩ thêm: “Sao lại có chuyện tiếng sét trong thời đại này chứ?… Chẳng lẽ vì ông ấy là dân khảo cổ? Còn bà cô mình nữa! Ai đời đi tranh giành với cháu mình. Chán thật! Mình sẽ không nhìn mặt hai người ấy nữa”

Cô sinh viên bước nhanh đến chiếc xxX, lái ra về.

Chạy được một quãng, cô dừng lại: “Ông ấy sẽ về bằng gì nhỉ?”. Nhưng rồi cơn ghen tức khiến cô đạp ga, cho xe tiếp tục chạy về thành phố.

Dọc đường cô sinh viên sực nhớ chưa xem xét các mảnh vỡ người dì mới tìm thấy, lái xe quay trở lại.

Cô dừng xe ngay chỗ cũ, đi vào nhà vừa lúc người đàn bà mang các mảnh gốm vừa tìm được cho vị giáo sư xem.

Họ cùng chọn các mảnh có hình dáng lỗ trống, lần lượt ráp các mảnh ấy vào chiếc chum.

Cuối cùng cả ba người đều mừng rỡ vì có một mảnh khớp với chỗ còn thiếu.

Cuối năm 1949 ở Nhà trắng, trong cuộc đàm đạo với Rotxo-giám đốc CIA, Tổng thống Truman nói:“ Chúng ta không thể ủng hộ ông Hồ. Vai trò lãnh đạo giỏi và nghị lực nổi tiếng của ông ấy, kỷ luật sắt và khả năng chiến đấu của Việt Minh có thể khiến chủ nghĩa Cộng sản bành trướng ra toàn cõi Đông Dương; rồi liền sau đó có thể đến lượt Thái Lan, Malaysia, Singapore và cả Indonesia. Đông nam á đang đứng trước nguy cơ bị nhuộm đỏ. Chúng ta đang đối diện bàn cờ domino; chúng ta phải chặn làn sóng đỏ lại.”

 

Tài liệu của HĐANQG Mỹ số N.S.C. 48/1 tháng 6-1949 ghi: “Nếu Đông dương bị mất vào tay Cộng sản thì các quốc gia còn lại ở Đông Nam Á sẽ không tránh khỏi bị Cộng sản xâm nhập và thôn tính theo một phản ứng dây chuyền”

 

Năm 1968, Tổng thống Johnson tuyên bố : “ Trãi qua những năm tháng đau khổ và hy sinh, chúng ta đã giữ lời hứa với Đông Nam Á. Chúng ta đã chống lại và đánh bại hành động xâm lược, đúng như chúng ta đã hứa, nhằm tạo cho 17 triệu người Nam Việt Nam một cơ hội để xây dựng đất nước và các thể chế của họ. Bằng của cải và bằng máu của mình, chúng ta đã chứng minh rằng chúng ta đã chiến đấu, đã đứng vững…”

 

Vị giáo sư, nhận thấy mảnh này có độ tơi xốp, khá nhẹ, đưa lại gần mắt, chau mày quan sát kỹ, thấy có những lỗ thoát khí nhỏ.

Cuối cùng ông đưa lên mũi ngửi, trao lại cho cô sinh viên:

“Em ngửi xem”

“Có mùi đất nhẹ ạ”

“Đúng, đồ giả có mùi rất gắt”

“Còn cả dấu tích của bộ rễ thực vật ạ”

“Đúng, và nó không bị lõm, chìm trong bề mặt sản phẩm”

“Mảnh này là gốm cổ thật”, giáo sư kết luận.

Cô sinh viên mừng rỡ choàng tay ôm lấy vị giáo sư. Người đàn ông cúi hôn cô gái, rồi quay mặt nhìn người đàn bà, làm một cử chỉ như muốn nói: “Chúng tôi rất vui”

 

5.

Vị giáo sư và cô sinh viên mang chiếc bình lúc này gần như nguyên vẹn quay về.

“Thầy sẽ quay lại chứ?”

Vị giáo sư gật đầu: “Với đầy đủ nhân lực và dụng cụ đào bới”

“Vì mảnh cuối cùng còn thiếu ạ?”

Vị giáo sư gật đầu: “Vì mảnh khiếm khuyết cuối cùng”

Họ đều biết mảnh cuối cùng là mảnh giá trị nhất; thiếu nó vật này không thể là một sản phẩm, chỉ là vật vô giá trị.

Cô sinh viên nhấn ga. Chiếc xxX chồm lên, tăng tốc. Mái tóc dài của cô gái tung bay song song mặt đất.

Cả hai người đều có thể nhìn thẳng về phía trước; họ có mang kính chống nắng, gió.

 

 

Ghi chú:

(*): Trích các nhạc phẩm Đại bác ru đêm, Du mục, Đi tìm quê hương, Ca dao mẹ, Ngủ đi con, Đêm bây giờ đêm mai của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

(**): Trích truyện “Sinh ngày 4 tháng 7” của tác giả Ron Kovic, do Trần Công Diếu và Hoàng Liên dịch, NXB Trẻ 1995)

(***): Trích các trang 83,148, 206, 241 nhật ký “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, NXB Hội nhà văn 2007.

(****): Trích bộ sách“Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975” – Tập 1 NXB Chính trị Quốc gia.

(*****): Trích các trang 114,150, 256 tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của tác giả Nguyễn Minh Châu, NXB xx.

bài đã đăng của Thu Phong

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)