Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Trở thành

0 bình luận ♦ 13.09.2017

 

 

1

Chiếc bàn gỗ được trải khăn hoa, bình hoa hồng được đặt ở giữa, cạnh đó là dĩa trái cây gồm nho, táo.

Cạnh chiếc bàn là một chiếc xe nôi.

Rồi xuất hiện một người đàn bà ngoài bốn mươi, da trắng, dáng gầy, mặc áo dài hoa vàng, tóc ngắn tới gáy, mang tới một dĩa thịt bò bít-tết. Theo sau là một người đàn ông tay bưng dĩa bánh kem xinh xắn-loại bánh sinh nhật, tay cầm một chai rượu Tây không rõ nhãn hiệu. Khung cảnh thật đầm ấm.

Bỗng cô bé giật mình suýt kêu lên: người đàn ông chính là cha cô!

Cửa kính ngăn không cho cô bé nghe họ nói gì. Nhưng qua thái độ ân cần của cha cô, cô nghĩ ông rất quan tâm chăm sóc người đàn bà xa lạ.

Bây giờ cô nhận ra tất cả màn cửa trong nhà; cả khăn trải bàn nữa, đều cùng loại với gia đình. Chắc hẳn cha cô đã tặng cho người đàn bà nhiều thứ. Cô bé nghe nhói ở tim.

Bất chợt người đàn ông ngẩng lên, nhìn qua cửa sổ.

Nhưng cô bé đã kịp buông tay khỏi cành mimosa.

“Làm sao bây giờ?”, cô bé tự hỏi, “Có nên gõ cửa, có nên vào trong ấy? Nếu vào sẽ nói gì với cha cô? Nếu mẹ ở đây nhìn thấy cảnh này mẹ sẽ nghĩ gì?” Cô bé phân vân.

Vừa lúc cô bé đưa tay thận trọng níu cành mimosa ngó vào nhà lần nữa thì có một bàn tay của ai đó đặt lên vai cô.

Cô giật mình quay lại.

Đó là người đàn ông, là cha cô.

Người đàn ông chưa kịp lên tiếng, cô bé đã vụt chạy.

Người đàn ông bước mấy bước đến cửa ra vào, xoay tay nắm, mở cửa. Ông thò đầu vào nhà, nói gì đó với người bà rồi chạy theo cô bé.

Cô bé trạc chừng 15 tuổi, đeo kính cận, mặc váy rộng, chân mang giày chạy như bay trên bãi cỏ giữa rừng thông. Hai chiếc nơ trông như đôi bướm chờn vờn quanh đầu cô.

Người đàn ông chừng 45 tuổi, người hơi gầy, mang kính trắng, mặc sơ- mi trắng ngắn tay, thắt cà vạt, quần tây xám, giày đen, vừa đuổi theo cô bé vừa gọi cô dừng lại.

Mỗi lần nghe cha gọi tên mình, cô bé hét to lên: “Không! Không! Con ghét bố”

Bỗng cô bé vấp chân, ngã chúi xuống cỏ. Chiếc kính cận văng ra xa.

Người đàn ông bắt kịp cô bé, sửa lại kính trên mũi mình, đỡ cô đứng lên, hỏi: “Con có sao không?”

Cô bé im lặng.

Ông xem xét, phủi vết dơ trên tay, áo váy cô bé. Rồi đi nhặt kính cho cô.

Ông rút khăn tay, lau kính, dẫn cô đến băng ghế gần đấy.

Ngồi xuống ghế cô bé quay mặt đi, đưa tay quẹt nước mắt, thút thít khóc.

Đặt tay lên vai con gái, người đàn ông nói:

“Con của ba! Con nghe ba nói đây!”

Quay lại, cô bé nhìn cha hờn dỗi. Hai hàng nước mắt lăn dài trên má:

“Không! Ba đừng nói gì hết! Con biết ba sắp nói gì…Vậy mà ba đã thề với mẹ…”

Người đàn ông lặng đi. Ông không ngờ cô đã biết tất cả. Thì ra cô bé đã vờ ngủ nhưng thao thức lắng tai nghe cha mẹ cãi nhau ở phòng bên cạnh. Thì ra cô bé học sa sút là vì lo âu. Có nghĩa cô bé đã âm thầm đau khổ.

Cảm thấy có lỗi, người đàn ông trao cho cô chiếc khăn tay, nói:

“Không, ba không biện hộ, không tìm cách giải thích. Con đã lớn và con có quyền biết sự thật. Ba chỉ muốn kể cho con nghe một câu chuyện…”

Lần đầu cô bé nghe những lời ấy từ cha. Sự thú nhận của ông làm cô xúc động. Sự xúc động làm trôi đi nỗi buồn, cơn giận. Cô cầm lấy khăn tay lau nước mắt rồi mang kính vào. Cô sẳn sàng lắng nghe.

Người đàn ông ngẩng nhìn nắng trải vàng ngọn đồi xa, cất tiếng, giọng bùi ngùi:

“Năm năm trước ba có đến thành phố này công tác. Một tối sau khi uống bia với người bạn, trên đường về tình cờ ba gặp một người đàn bà ngoài ba mươi, vẫn còn đẹp, cử chỉ lả lơi, mời gọi. Bà ta theo ba về khách sạn. Sau đêm ân ái- ba thật hư hỏng phải không, người đàn bà không nhận tiền của ba, trái lại tát ba một cái thật đau trước khi bỏ đi.

Người đàn ông ngừng kể nhìn con gái, hỏi:

“Chắc con biết vì sao ba đưa tiền nhưng không biết vì sao người đàn bà tức giận, phải không?”

Cô bé lắc đầu: “Con không biết sao bà ấy lại tát ba.”

“Rồi con sẽ biết”, người đàn ông nói rồi tiếp tục kể, “ Định mệnh dun rủi ngày hôm sau ba gặp lại người đàn bà ở chợ. Bà gánh rau đi bán. Ba theo bà về nhà. Câu duy nhất bà nói là đừng theo bà. Nhưng ba nhất quyết đi theo, đến tận nhà bà. Đó là một ngôi nhà khang trang bằng gỗ, rộng rãi, cất theo lối cổ. Ba không được mời vào. Tìm hiểu ở hàng xóm ba được biết trong ngôi nhà ấy có một gia đình lớn gồm chín người, theo đạo Phật. Người đàn bà ba gặp là con trưởng trong gia đình, vẫn còn độc thân. Người thứ hai đã có vợ bốn con. Ông bà gia trưởng đều là giáo viên về hưu, khó tánh. Một gia đình nề nếp, lễ giáo và có uy tín trong vùng. Năm sau ba trở lại, láng giềng của họ cho biết người đàn bà đã bị gia đình ruồng bỏ. Ba tìm khắp nơi; cuối cùng nhìn thấy bà đi lên một ngọn đồi, ba liền đi theo. Không biết có phải vì sự nhọc nhằn, nỗi khổ đau, người đàn bà bây giờ khác hẳn lần gặp đầu tiên: má hóp, tay chân khẳng khiu, da tái nhợt, tóc thưa và ngắn.

Cửa nhà đóng sầm lại trước mặt ba. Gõ mãi cửa vẫn không mở, ba nhìn quanh, thấy gần đấy có một ngôi nhà liền đến hỏi thăm. Chủ nhà cho biết đó là một người đàn bà kỳ lạ. Lúc bị đuổi phải sống trong căn chòi bên vườn rau, ngày nào cha bà cũng đến đặt điều kiện nếu bằng lòng phá thai ông sẽ cho trở về. Đổi lại ông đồng ý để bà xin một đứa con nuôi; nhưng bà nhất định không chịu. Không được gia đình giúp đỡ, một mình bà sới đất trồng rau, cất lại căn chòi, mua vải về cắt may chuẩn bị sinh nở, bất chấp dư luận. Nghe kể xong, ba gõ cửa lần nữa, nhưng cửa vẫn đóng. Ba nói vào bên trong:

“Tôi xin lỗi, tôi không hề biết là cô có mang.”

Tiếng người bà từ trong vang ra:

“Ông không có lỗi gì cả, ông là người bị tôi lợi dụng.”

Ba và bà ấy tiếp tục nói chuyện như vậy, kẻ ngoài người trong.

“Tôi biết tôi không là gì của cô cả; nhưng cô là mẹ của con tôi.”

“Đứa bé không phải là con ông, ông không hề muốn có nó.”

 

2

Với đôi tay gầy, nổi gân bấu chặt chiếc giỏ đệm, khăn đầu đội lệch, trán đẫm mồ hôi, răng cắn môi, người đàn bà bước vội vàng, thỉnh thoảng liếc nhìn xung quanh.

Ra khỏi cổng bảo sanh viện, người đàn bà thở hổn hển, đi chậm lại, nhăn nhó sau mỗi bước chân. Tuy nhiên, bà không dừng lại, cố gắng rời khỏi khu vực phố chợ càng nhanh càng tốt.

Nắng chợt tắt. Mây bốn phương kéo về giăng trên bầu trời thành phố. Mây tiếp tục kéo về. Tay giữ chặt chiếc giỏ, người đàn bà bước nhanh hơn.

Một lát, có tiếng động cơ, tiếng còi xe từ phía sau. Chiếc tắc-xi cũ vượt qua người đàn bà một quãng, dừng lại. Tài xế đẩy cửa, chờ. Một tia chớp ngoằn ngoèo xẹt xuống chân trời. Người đàn bà bước vào tắc-xi. Mưa buông xuống, nhẹ nhàng, đều khắp thành phố cao nguyên.

Chiếc xe chạy vòng vèo, lên đồi, xuống dốc, vượt qua những ngôi biệt thự cổ kính, những rừng thông, cuối cùng dừng lại trên một ngọn đồi có nhiều thông cao vút.

Người đàn bà cởi áo ấm phủ lên chiếc giỏ đệm, bước xuống.

Tài xế nghiêng mái đầu hoa râm nhìn theo lắc đầu và cho xe chạy đi.

Người đàn bà khập khễnh đi trong mưa, cố gắng bước lên đỉnh đồi, biến vào một trong ngôi nhà gỗ lụp xụp dưới hàng thông, sau những bụi mimosa dày.

Mưa mỗi lúc một dầy, rộng, trùm cả vùng núi đồi rộng lớn.

Trong nhà, người đàn bà khuôn mặt trắng bệt, tóc rũ rượi, áo quần ướt sũng dán vào thân hình gầy gò, run lẩy bẩy đặt giỏ đệm lên giường.

Rồi bà mở nắp một va-li gỗ chứa đầy tã lót, áo quần trẻ sơ sinh- tất cả đều mới tinh, cẩn thận bế từ trong giỏ đệm ra một hài nhi bất động, câm lặng. Áp sinh linh nhỏ xíu ấy vào lòng một lúc, người đàn bà mặc đồ, mang vớ, bao tay, đội mũ cho nó, đặt nó vào nôi.

Xong việc ấy, người đàn bà đi đốt những cây nến, đặt sát bên nôi. Ánh lửa của hàng nến chập chờn, nhảy múa trên thân thể hài nhi, tạo nên vẻ sống động, cổ tích.

 

3

Sau cơn mưa, bầu trời lộ những mảng không gian xanh thẳm. Nắng chiếu xuống một góc thành phố. Người ta vẫn không vội vã. Họ đã quen. Họ không cởi áo mưa, không bỏ mũ.

Người đàn bà bước xuống đồi. Tóc đã cắt ngắn, mặc áo dài đen, quần đen, theo con đường từ bảo sanh viện về nhà trước đó ba ngày để xuống phố.

Bước trên vỉa hè, đi qua những cửa hàng, người đàn bà lẩm bẩm “Mẹ đã lắng nghe, cố gắng chịu đựng, đè nén cơn đau để lắng nghe tiếng con. Con ơi, tại sao con không khóc? Tại sao im lặng? Tại sao người ta không muốn con chào đời? Khi con chỉ mới tượng hình người ta đã buộc mẹ phải bỏ con, nhân danh đạo đức, danh dự. Mẹ đã bất chấp tất cả, sao con lại từ bỏ mẹ? ”

Người đàn bà tiếp tục vừa đi vừa độc thoại. Thỉnh thoảng dừng bước, ngắm nhìn một cô gái, một đứa trẻ. Bổng mắt bà sáng lên khi nhìn thấy những con búp bê trong một quầy kính. Bà bước vội đến đó, lẩm bẩm: “Không! Người ta không giết được con. Con của mẹ đây rồi!”

Dán mắt vào con búp bê một lúc lâu, người đàn bà mỉm cười nói: “Buồn cười thật! Người ta bắt cóc con và đòi tiền chuộc! Người ta cho rằng mẹ không có đủ hai mươi ngàn để chuộc con ư?”

Bà chỉ vào con búp bê mặt đồ đầm, tóc cột nơ, trao cho cô bán hàng xấp giấy bạc hai mươi ngàn gói trong chiếc khăn tay. Cô bán hàng trao búp bê, lấy một tờ, trả những tờ còn lại, nhìn người đàn bà với ánh mắt tò mò.

Người đàn bà hôn lấy hôn để con búp bê, ôm nó vào ngực, tiếp tục cất bước.

Trên bầu trời cao nguyên lúc này, nắng lại tắt. Một con chim đang vỗ cánh bay mãi, bay mãi về phương Nam nắng ấm.

 

4

Người đàn ông đứng lên, bước đi mấy bước, hai tay thọc vào túi quần, đầu gục xuống, im lặng.

Ánh nắng buổi chiều xuyên qua rừng thông, hắt lên mái tóc óng ả của cô bé.

Mắt long lanh cô nhìn người đàn ông đang ủ rũ bất động. Lòng cô chợt thay đổi, trước khi đến nơi này tình cảm cô với cha đã mất đi gần hết. Bây giờ nó đang trở lại. Cô nhận ra cha cô là người đàn ông có tâm hồn quảng đại, trách nhiệm. Và cô bắt đầu có cảm tình với người đàn bà xa lạ can đảm, bất hạnh.

Trở lại ghế đá, người đàn ông ngồi xuống kể tiếp:

“Lần thứ ba đến ngôi nhà gỗ trên đồi, ba đã đứng ngoài hiên từ sáng đến trưa. Cuối cùng, đúng như ba nghĩ. Và cũng thật đau đớn thay, trái tim băng giá của bà vẫn còn chút máu nóng: cửa mở!

Đối diện với bà lần ấy, ngoài vóc dáng tàn tạ của bà, ba chú ý đôi mắt bà. Đôi mắt ấy không chỉ buồn khôn tả mà còn hơn thế nữa. Nó sâu hun hút, thất thần. Bà hỏi ba đến để chế giễu hay để tỏ lòng thương hại? Ba trả lời ba muốn được xem như một người bạn. Bữa đó, ba chỉ nói về hoa mimosa lần đầu ba nhìn thấy, về những khóm tường vi quanh nhà bà, ba đóng giúp bà cái bản lề cửa bị sút ốc vít. Bà ấy không nói gì, chỉ im lặng may quần áo- những bộ đồ trẻ con…”

Người đàn ông vuốt mái tóc dài óng ả của cô bé. Họ im lặng, một lát người đàn ông đứng lên nói:

“Ta quay lại ngôi nhà ấy chứ?”

“Thưa ba, vâng.”

Người đàn ông dừng lại nơi một ngôi mộ nhỏ. Chen trong cỏ xanh um trên mộ là vài bông hoa dại.

Người đàn ông cúi xuống nhổ cỏ trên mộ, nói với giọng đượm buồn:

“Đây là mộ của con bà ấy.”

Cô bé trố mắt nhìn người đàn ông, rồi chợt hiểu ra, nói:

“Là em cùng cha khác mẹ với con!”

Người đàn ông im lặng gật đầu.

“Em là trai hay gái vậy ba?”

“Là trai.”

Cô bé ngả đầu vào vai người đàn ông, nói:

“Con thương ba, thương mẹ, thương bà ấy, thương em.”

Rồi hai cha con tiếp tục cất bước.

“Sao con biết được ba ở đây?”

“Con bảo bác tài chạy theo xe đò của ba.”

Người đàn ông lắc đầu. Cô bé đã âm thầm vượt hơn 300km để theo ông.

“Mẹ biết con đi?”

“Không, mẹ không biết!”

Người đàn ông nghiêm nét mặt:

“Mẹ sẽ lo đấy!”

Cô bé nghiêng đầu làm nũng:

“Ba xin phép cho con đi!”

“Thôi được, ba sẽ điện thoại về cho mẹ.”

Nhìn con gái, người đàn ông thầm nghĩ: “Nó đã lớn, thực sự đã lớn…” rồi nói:

“Hôm nay là sinh nhật của bà ấy.”

Cô bé trố mắt:

“Ấy chết! Con không có…”

Người đàn ông mỉm cười, nhìn quanh:

“Con nhìn thấy không, ở đây hoa dại mọc đầy lối đi.”

Và rồi hai cha con ngắt những bông cánh bướm, ngũ sắc, dã quỳ dọc đường quay về ngôi nhà gỗ trên đồi.

Trao cho cô bé những cánh hoa của mình, người đàn ông nói:

“Bó hoa sẽ đẹp. Nhưng con chính là món quà sinh nhật quý nhất của bà ấy năm nay đấy!”

E thẹn, cô bé hỏi:

“Lúc còn trẻ bà ấy không có người yêu sao hả ba?”

“Có! Vào năm hai mươi tám tuổi. Họ là một cặp xứng đôi. Bà ấy là một thiếu nữ đẹp, giỏi giang, đức hạnh. Ông ấy là một công chức đứng đắn, cần mẫn. Mối tình kéo dài đến ba năm họ mới cho gia đình hai bên biết. Nhưng do khác đạo, họ bị ngăn cấm, hôn nhân không thành.”

“Tại sao bà ấy không chịu xin con nuôi hả ba?”

Dừng lại, người đàn ông nhìn cô bé:

“Con biết không, trong mỗi một người phụ nữ có một người mẹ.”

Cô bé nhìn xa xăm tỏ vẻ suy nghĩ, rồi nói, giọng hớn hở:

“Ba! Ba! Bây giờ con hiểu sao bà ấy tát ba rồi!”

Người đàn ông kéo cô bé sát vào mình, vỗ vỗ vào vai cô.

Hai cha con đã tới cổng. Ở ngưỡng cửa người đàn bà đợi họ với một con búp bê trong tay.

Người đàn ông nghiêng đầu sang con gái nói nhỏ:

“Con búp bê chính là con của bà ấy.”

“Con biết, thưa ba!”

Cô bé giơ bó hoa, người đàn ông đưa tay, cùng vẫy chào người đàn bà .

Người đàn bà đáp lại họ bằng một nụ cười tươi.

 

TP

bài đã đăng của Thu Phong

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)