Home » Czeslaw Milosz, Món ăn suy ngẫm Email bài này

Đinh Từ Bích Thúy: Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài

(Trả lời phỏng vấn của Đỗ Lê Anh Đào về Czeslaw Milosz)

Trong nghề luật cũng như trong những bài tiểu luận/biên khảo viết cho Da Màu, tôi thường làm công việc so sánh và phân tích những khái niệm, lý thuyết, theo cấu trúc lô gích. Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định của nhà thơ Czeslaw Milosz, “Điều khác biệt giữa những nhà thơ Bắc Mỹ và những nhà thơ Đông Âu và Châu Mỹ La-tinh là những nhà thơ Bắc Mỹ dùng bản thân như một nguồn gốc, trong khi những nhà thơ kia dùng bản thân như một dụng cụ.” Qua kinh nghiệm của tôi—ngoài nghề luật (ban ngày) và nghề viết (về đêm)–cũng là một độc giả và con người thường của đời sống–thì khó có thể phân biệt, tương phản, thế nào là dùng bản thân như nguồn khai thác, và thế nào là dùng bản thân như một dụng cụ, nhất là tôi lại thuộc thành phần “dạng chân” giữa hai giòng văn hóa Đông/Tây.

Tôi nghĩ phần đông chúng ta, hay ít nhất những người trong thế hệ của tôi–là thế hệ sinh vào đầu thập niên 1960 và bắt đầu lớn lên ở miền Nam Việt Nam trước biến cố 1975, rồi di cư ra ngoài nước, dần dà thấm nhuần văn hóa Tây Phương–là những người viết coi kinh nghiệm bản thân mình vừa là nguồn khai thác trực tiếp (trong thể ký, nhận định, tiểu luận–gọi chung là tự truyện/non-fiction) vừa là dụng cụ phát biểu (trong thể sáng tác/hư cấu (fiction)). Như Đinh Linh đã phát biểu trong bài phỏng vấn với nhà thơ Đỗ Quyên, ‘vận mệnh” nước đôi này đã chọn những người như tôi, không phải là tôi chọn nó. Kinh nghiệm về chiến tranh, xa lìa xứ sở, hội nhập vào một xã hội mới, đã tự nhiên cho chúng tôi hai vai trò: vừa là nhân chứng, vừa là người hóa kim (alchemist): dùng văn chương như một khoảng cách để diễn tả kinh nghiệm.

 
girl-before-mirror
Cô gái trước gương (Girl Before Mirror) – Pablo Picasso
 
Thật sự thì tôi nghĩ những quan niệm tương phản giữa những biên giới, địa lý mà Czeslaw Milosz đề cập đến, giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ, giữa Đông và Tây, giữa “văn minh” và “mọi rợ,” nếu nói cho cùng, chỉ biểu tượng cho những dị biệt trừu tượng, ảnh hưởng bởi nhiều thành kiến chủ quan, và không dựa trên những mâu thuẫn hữu cơ nhưng hoàn toàn hiện thực trong đời sống, lịch sử của những quốc gia hay một cá nhân. Sử gia người Anh, ông Anthony Pagden, trong tác phẩm mới nhất vừa xuất bản, Những Thế Giới Trong Chiến Tranh (Worlds at War) đã tái tạo những giai đoạn xung đột trên chiến trường, cũng như trong những liên hệ ngoại giao,giữa một Phương Tây với ranh giới “luôn luôn di chuyển” và “một phương Đông cũng không kém phần mơ hồ,” mà có lẽ phát xuất từ thời đại của huyền thoại Hy Lạp, khi Paris bắt cóc Helen và gây ra chiến tranh Trojan. Tóm lại, sử gia và nhà văn đã sáng tạo những dị biệt và ranh giới khi họ không thể hòa giải hay hội nhập hai quan điểm, hai thế cực tương phản trong đời sống con người.
Sử gia Hy Lạp, Herodotus, như Milosz, nhưng sống trước nhà thơ Ba Lan khoảng 2,500 năm trước, đã nghĩ rằng người Hy Lạp tiến bộ, thông minh và nhân đạo hơn người Ba Tư vì xã hội Hy Lạp đã dùng kinh nghiệm bản thân như trung điểm của hành trình khai phá thiên nhiên và thế giới, trong khi Ba Tư–ngày nay được coi là một quốc gia Trung Đông–ở thời đại xa xưa biểu tượng cho cả một phương Đông lạc hậu, khó hiểu, với “đám dân nô lệ, u tối, a dua theo tập thể, chỉ biết mang thân [như dụng cụ] đi đánh nhau với Hy Lạp.” Nghĩ cho cùng, những danh từ định nghĩa phương Đông, chia tách khu vực này ra những vùng Cận Đông, Trung Đông, Viễn Đông, chỉ hợp lý khi được khẳng định từ địa lý và cái nhìn của Tây Âu—nhưng chúng không chính xác khi ánh nhìn quay ngược chiều. Và những danh từ chỉ thị phương hướng hay địa lý cũng mất đi ít nhiều ý nghĩa cổ truyền trong thế giới ngày nay, khi một người viết, như nhân vật Lãng Du trong tác phẩm Đi Tây của Nhất Linh, đã trở thành một “điểm di chuyển liên hồi” từ văn hóa này đến văn hóa khác.
Trở lại vấn đề: có lẽ kinh nghiệm bản thân, không phải môi trường trực tiếp (non-fiction) hay gián tiếp của nó (fiction), mới là điều đáng nói. Kinh nghiệm nhà văn, nếu ảnh hưởng bởi những biến cố lớn, sẽ làm cho văn chương của họ được vượt qua khuôn khổ địa phương cho dù nhà văn dùng bản thân mình như nguồn khai thác hoặc như một dụng cụ để phát biểu những luận đề chính trị và xã hội (như Nhất Linh đã dùng kinh nghiệm lưu vong bên Trung Hoa của ông trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến vừa như nguồn khai thác, vừa là dụng cụ để tạo dựng bối cảnh tiểu thuyết của Giòng Sông Thanh Thủy—một tác phẩm khai phá những đề tài phổ quát của thế giới, có liên hệ đến triết học, chính trị và xã hội, như ý niệm mâu thuẫn giữa lý thuyết và hành động, những xung đột giữa tình yêu cá nhân và trách nhiệm tổ quốc, giữa yếu tố thúc đẩy của hoàn cảnh và quyền tự do của con người.
Ngược lại, trong xã hội Hoa Kỳ–ta cứ gọi theo định nghĩa của Milosz là xã hội Bắc Mỹ/Anglô-Sắc-Xông–những nhà văn bản xứ, nếu chưa bao giờ biết đến chiến tranh, những tranh chấp tử sinh giữa những đảng phái chính trị, hay những thiên tai nghiệt ngã, sẽ hướng về nội tâm để mô tả những khủng hoảng trong đời sống cá nhân của họ, và nhiều khi những khủng hoảng này chỉ có tính chất địa phương mà ngoài ranh giới của nó sẽ được coi là những chuyện … rởm hoặc hoàn toàn xa lạ với người đọc. Tuy dân New York nói riêng và dân Hoa Kỳ nói chung đã trải qua 9/11, nỗi bàng hoàng của họ hình như vẫn là một nỗi bàng hoàng của một đứa trẻ “của thế giới văn minh” trước một thế lực “u ám và mọi rợ.” Thí dụ, trong tạp chí New Yorker gần đây, truyện ngắn Playdate (Buổi Hẹn với Bạn) của Kate Walbert, tiêu biểu cho “cái rởm” của một xã hội thượng trung lưu thuộc thành phố Nữu Ước ở đầu thế kỷ 21. Hai người đàn bà gặp nhau trong một buổi hẹn cho hai bé gái học cùng lớp đến chơi nhà nhau. Họ ngồi uống rượu suốt một buổi chiều, lo sợ nhiều chuyện: lo không có một bản sắc riêng rẽ ngoài những liên hệ gia đình, chồng con; ngại những giây phút sống với chính mình; sợ chung chung về những mẩu tin thời sự, đe dọa khủng bố, nạn si-đa, nạn HIV trong thành phố, v.v…. Fran, người đàn bà đã ly dị chồng, thì dùng sự cứng rắn với đứa con gái như một cách che dấu những nỗi bất an trong tâm hồn. Trái lại, Liz, thì có vẻ lông bông vì quá nhàn hạ–nàng có chồng làm việc cho một đài truyền hình, bé gái 6 tuổi đi học cả ngày, và hai đứa bé sinh đôi (được thụ thai nhân tạo) thì có người giữ trẻ ở ngay trong nhà. Liz uống rượu khi nàng cảm thấy bị …tù túng trong hoàn cảnh đã cho nàng quá nhiều tự do. Trong truyện, ngoài những ly rượu khuây khỏa, hai người đàn bà thật sự không đạt được sự gần gũi trong tâm tưởng vì từ lâu họ đã không sống theo trực giác mà chỉ từ những thúc đẩy của giai cấp và xã hội.
Nếu đây là một tác phẩm tiêu biểu của xã hội Bắc Mỹ, và nhà văn Kate Walbert, nếu đã dùng kinh nghiệm bản thân (trong trường hợp này như “dụng cụ” mang vào truyện ngắn)—thì những phác họa trong truyện không cho ta một ấn tượng đời sống vượt ra ngoài khuôn khổ thành phố Nữu Ước, hay ra ngoài khuôn khổ một vùng ngoại ô giàu có ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Mặc dù những đe dọa thời sự có hiện hữu trong bối cảnh Nữu Ước/miền Bắc Mỹ sau 9/11, Liz và Fran không ở nơi mà cái chết lúc nào cũng rình rập chung quanh, tưởng chừng như chính cái chết có hơi thở của người. Hay do kinh nghiệm bản thân, tôi chỉ cảm thấy được thực sự sống khi đọc những tác phẩm mô tả sự xung đột man dã giữa trời và đất, giữa sống và chết, giữa giả và thật, và vì vậy những cái gì mà người da trắng coi là quá xa lạ, gần như siêu thực, tôi lại cảm thấy thật gần gũi, và cũng thật phổ quát, và ngược lại, những gì người da trắng coi là chuyện rối loạn tâm thần, thì tôi cho đó là chuyện rởm, hay chỉ là bản chất duy ngã của một dân tộc vẫn còn nhiều tính tình của một … đứa bé đồ sộ, chưa bao giờ bị lấn át?
Đọc một bút ký trong Giải Khăn Sô cho Huế của Nhã Ca, tôi tưởng như mình đang được sống trong bối cảnh Mậu Thân năm 1968—bị dồn ép trong gian giữa của một căn nhà cổ ở Huế, ngột ngạt những mùi, mùi người, mùi hôi thối từ một cái bô bị ai sơ ý đạp đổ ra sàn, những tiếng súng chát chúa ở ngoài vườn …. Đây chính mới là “nguồn cội” của kinh nghiệm sống. Nhã Ca cho người đọc cảm thấy khái niệm mãnh liệt, có phần …nặng mùi của sự sinh tồn khi nó bị chèn ép song song với cái chết. Lúc này, tôi bỗng nhớ đến hai cái nhìn tương phản của Salman Rushdie và Nguyễn Ngọc Ngạn. Không như Salman Rushdie, người tin tưởng rằng văn chương Ấn Độ trong tiếng Anh đã giúp những nhà văn Ấn có một “cuộc đối thoại với thế giới,”[1] nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã phát biểu, “khi tôi viết văn trong tiếng Anh, tôi có cảm tưởng như mình phải giải nghĩa thân phận Việt Nam cho người da trắng, nhưng khi tôi viết văn trong tiếng Việt, tôi có thể viết về cả thế giới loài người.”[2]
Vì vậy, tùy theo cách nhìn, nếu kinh nghiệm/nội dung tác phẩm là yếu tố đánh giá hoặc định nghĩa tính chất địa phương/địa cầu của văn chương, thì ngôn ngữ, đi liền với kinh nghiệm, là một cách “mở cửa/nhân hóa” hoặc “đóng cửa/quỷ hóa”(demonize) những thế giới đối nghịch. Có những nhà văn Mỹ gốc Việt, viết trong tiếng Anh, đã “quỷ hóa” (demonize) hoặc lãng mạn hóa những điều theo tầm nhìn của mình, qua cách được hun đúc trong xã hội Tây Phương. Trong tác phẩm du ký Catfish and Mandala (Cá Trê và Bánh Xe Luân Hồi), Andrew X. Phạm kể lại hành trình về Việt Nam đạp xe đạp từ Nam ra Bắc. Sau cuộc hành trình, trên đường trở về Mỹ, tác giả kết luận chỉ có văn hóa Hoa Kỳ mới duy trì được những trong trắng, và dạy cho người ta sự nhạy cảm, còn văn hóa Việt Nam, lâu ngày quen nhiều khổ cực, lầm than, đã làm cho người ta chai đá, mất đi những nhạy cảm căn bản của loài người. Đoạn kết của truyện, tác giả, như một Walt Whitman tân thời từ máy bay nhìn xuống địa thế của miền Bắc California, ca tụng vẻ đẹp của bờ biển miền Tây và tinh thần bao dung của xã hội Hoa Kỳ:
Tôi nhớ mảnh đất hình ngón tay và con đường gian nan theo sát ven biển huyền hoặc. Tôi nhớ những đêm ngủ dọc đường. Trăm người bạn tôi gặp trên đường, những cựu chiến binh, những đám người híp-pi, các bà nội trợ, những người già về hưu mờ nhạt, u hoài. Tất cả những con người tầm thường, siêu thường đã mời tôi vào nhà, vào trong đời họ, dù chỉ một đêm. Tôi như nếm được lại những nỗi lo âu ngộp thở, nỗi hân hoan vô bờ của những tháng ngày leo dốc bờ biển [Highway 1 của California]. Ở dưới tầm mắt tôi là tất cả những kỷ niệm yêu dấu của Hoa Kỳ.
“Đây là Mỹ?” Người đàn ông [Hát-Ô] hỏi tôi với vẻ trân trọng, sùng bái, đôi mắt không rời cửa máy bay, mũi ép vào làn kính như đứa bé muốn được vào tiệm bánh.
 
“Vâng, thưa anh,” Tôi mỉm cười, “Mừng anh về nhà.”[3]
 
(Ở đây, không hiểu Andrew Phạm, hay một độc giả Mỹ, có thể nhận ra điều mâu thuẫn ngẫu nhiên (unintended irony) trong đoạn cuối của tác phẩm, vì đoạn tả nét đẹp của bờ biển California và Highway 1 cũng có thể áp dụng cho bờ biển và quốc lộ 1 của Việt Nam.)
Ở một tầm nhìn khác, cũng của một nhà văn Mỹ gốc Việt, nhân vật Bình trong Book of Salt (Sách Muối) của Monique Trương dùng kinh nghiệm bản thân vừa như cách định nghĩa thế giới chung quanh, vừa như một cách …lật đổ cái nhìn Tây Hóa của hai bà chủ nhà là Gertrude Stein và Alice B. Toklas. Bình định nghĩa quả dứa là một quả “không phải là lê”[4] và tình yêu “không phải là “những quả mộc qua đang vàng chín trong một bát sứ xanh và trắng, được nhìn mà không được đụng tới” mà là “những quả mộc qua đun trong soong nước đường pha mật, chăm sóc trên bếp lửa để nhỏ.”[5] Tuy vậy, ở đoạn cuối tiểu thuyết, Bình, một người Việt cô đơn, nói tiếng Pháp bồi, sống bơ vơ trong một thành phố kỳ thị chủng tộc, đã quyết định ở lại Paris thay vì trở về Việt Nam chỉ vì đã gặp và yêu “người đàn ông đứng trên cầu” là Nguyễn Ái Quốc—người làm Bình nghĩ rằng “hạnh phúc không phải là điều bất khả thi.” Trong một buổi đọc và thảo luận Sách Muối vào mùa hè năm 2006, Monique Trương nói cô phân biệt Nguyễn Ái Quốc với con người lịch sử Hồ Chí Minh. Đối với cô, Nguyễn Ái Quốc là một nhân vật tưởng tượng, lãng mạn, ở thời kỳ chưa bị “ô nhiễm” bởi lịch sử và chính trị.
Tôi sinh năm 1962, trước Andrew X. Phạm 5 năm và Monique Trương 6 năm. Chỉ 5, 6 năm cách biệt cũng có thể ảnh hưởng tầm nhìn, hay cách một người viết áp dụng kinh nghiệm và ngôn ngữ của họ vào tác phẩm, nhất là khi khoảng cách tuổi tác được đối chiếu với biến cố 1975. Những nhà văn lớn hơn tôi 5, 10 tuổi, sinh ra trong thập niên 1950 và hiện sống ở ngoài nước có lẽ có một khái niệm rõ rệt hơn tôi về bản sắc văn hóa/văn chương Việt Nam, và những nhà văn sinh ra 5, 10 năm sau tôi chắc gắn bó nhiều hơn với xã hội Mỹ hoặc Âu Châu. Tôi đứng ở giữa, có cả hai văn hóa nhưng cũng không có hẳn là một. Địa lý, phương hướng, như đã nói, đã trở thành những khái niệm mơ hồ, bao rộng, có thể nhìn từ hai phía, hay xếp chồng lên nhau, trong khi lịch sử cá nhân, ảnh hưởng giáo dục, và khả năng tiếp nhận/khai thác ngôn ngữ là những yếu tố thôi thúc.
Nói cách khác, tôi không phủ nhận tinh thần “lấy bản thân làm trung điểm” của văn hóa Tây Âu, nhưng tôi nghĩ tinh thần này không chỉ hiện hữu ở phương Tây, hay Bắc Mỹ, mà cũng đã xuất hiện ở Nam Mỹ/Châu Mỹ La tinh và những nơi khác trên hoàn cầu—nếu ta áp dụng cái nhìn ngược lại của tấm gương. Hơn nữa, ngày hôm nay, phương Tây, Bắc Mỹ, không còn là trung điểm của vũ trụ nữa. Cuối cùng, tôi cũng không nghĩ tiếng Anh là một ngôn ngữ duy nhất có thể diễn tả những kinh nghiệm của tôi, vì ngoài tiếng Việt, tôi cũng đã học tiếng Pháp (để được gần gũi hơn với ông ngoại tôi trong quãng đời niên thiếu, khi ông thích dạy tôi những bài thơ của Lamartine, Paul Valéry và Victor Hugo). Lorca (Romance de la Luna, Luna) và Neruda (Hai Mươi Bài Thơ Tình và Một Bài Thơ Tuyệt Vọng (Veinte Poemas de Amor y Una Canción Desesperada), khi đọc trong tiếng Tây Ban Nha, đã làm tôi xúc động nhiều hơn khi tôi đọc họ trong bản dịch tiếng Anh.
Có lẽ cái thế đứng nước đôi của tôi, giữa “Đông và Tây,” cũng là một hoài bão, một sự lãng mạn hóa, vì người đứng dạng chân (theo cách ví von của Hồ Xuân Hương, “giơ tay với thử trời cao thấp, xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”) là con người không bị chi phối bởi một ảnh hưởng hay một thế lực nào, mà chỉ …bình chân như vại? Có lẽ nếu chỉ định nghĩa mình là một người viết Việt Nam hay Hoa Kỳ là đã tự đóng khung tầm nhìn và ngôn ngữ của mình? Không cần biết mai sau tôi có thể đóng góp đuợc gì cho văn học Việt Nam, hay văn học Hoa Kỳ, tôi chỉ biết một điều: loại văn chương đã gây ấn tượng nhiều nhất cho tôi, đã thôi thúc tôi thức trắng đêm để đọc miệt mài, loại văn chương sẽ ám ảnh tôi đến lúc già, là loại văn chương luôn luôn chất vấn, dằn vặt, nhưng đồng thời cũng tạo cho tôi một cái nhìn nhân nhượng về ranh giới trong lúc kéo tôi ra khỏi vùng mụ mị u mê của những thành kiến thoải mái nhưng khắc nghiệt. Vì đã trót … lơ lửng trong cái nhìn, loại văn chương mà tôi đam mê cũng ở trong một trạng thái không hòa giải, mãi mãi giằng co, hoặc xoay vòng.


Chú thích:
[1]Salman Rushdie, Damme, This is An Oriental Scene for You, tạp chí New Yorker, tr. 50 (June 23, 1997)
[2] Theo lời kể của Dan Duffy với người viết, Nguyễn Ngọc Ngạn đã nói với Dan Duffy, “When I write in English, I feel like I have to explain myself to white Americans, but when I write in Vietnamese, I can write about the world.”
[3] Andrew X. Pham, Catfish and Mandala (Farrar, Strauss & Giroux: 1999), tr. 342. (Người viết dịch đoạn trích trong bài từ tiếng Anh).
[4] Monique Trương, Book of Salt (Sách Muối) (Houghton Miflin: 2003), tr. 35. Người viết dịch từ bản tiếng Anh.
[5] Như trên, tr. 40.

Articles by Đinh Từ Bích Thúy

Comments


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

@2006-2023 damau.org ♦ Da Màu Magazine
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)