Home » Biên Khảo, , Nhận Định Email bài này

ĐINH LINH: NHÀ TU TRONG THẾ GIỚI MỞ

Linh-Dinh_thumb.jpg

Đăng lần đầu trên Việt Báo (bản in) số Xuân Nhâm Thìn, Tháng Giêng 2012

 

 

Linh-Dinh

 

Tôi đã đọc, viết nhiều về Đinh Linh, và cũng đã trích dịch nhiều truyện ngắn, thơ, các bài nhận định, phỏng vấn của anh. Tuy cùng họ Đinh, tôi không có liên hệ họ hàng gì với anh. Ở một khía cạnh nào đó, anh biểu hiệu cho khái niệm độc lập và tự do mà tôi luôn mong muốn cho chính mình.

Đinh Linh là một mâu thuẫn: anh độc lập trong cách nhìn và hoàn toàn tự do trong nếp sống anh đã tự chọn cho mình, chính vì anh là một nhà tu công giáo, theo đúng nghĩa nguyên thủy của chữ catholic.

Tự điển Merriam-Webster định nghĩa chữ “catholic” (không viết hoa) là “Including or concerning all humankind; universal”—bao gồm hoặc liên hệ đến nhân loại, phổ quát.”

Khái niệm phổ quát về những con người bất hạnh có lẽ đã thúc đẩy Đinh Linh đề tặng Nhà Ngụy (Fake House, 2000)- tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của anh- cho “những kẻ không được chọn” (“for the unchosen”). Anh chủ tâm chọn những phần tử đã bị “Chúa”- chính quyền, xã hội, văn hóa, diễm phúc – khước từ. Sự chọn lựa của Đinh Linh là một hành động chống trả: đó là cách anh thể hiện quyền công dân ở xứ sở thứ hai của mình. Đó cũng là cách anh thể hiện quyền làm người trong một thế giới tuyệt đối mở, nơi ngay những kẻ thua cuộc cũng có cơ hội được bẻ bánh và dự vào đêm tiệc trần gian. [1]

Trong bài phỏng vấn với Andrew Cox trên Tạp chí Da Màu về “Những Kẻ Khốn Cùng và Sự Vô Dụng của Thi Ca,” Đinh Linh khẳng định,

Lúc nào tôi cũng quan tâm đến bọn người bị coi là thua cuộc, hay không được ai chọn, bởi vì đó là tình trạng chung của con người, nếu không thua trong lúc này, thì thế nào mai mốt cũng thua. Chúng ta tất cả sẽ thua cuộc, nhưng trong sự thua cuộc cũng hàm chứa phẩm giá và nghị lực.

Hành động chống trả của Đinh Linh cũng là một cách chất vấn mọi nề nếp tự mãn, mọi hệ thống phè phỡn, hủ lậu. Nối tiếp Nhà Ngụy là các tuyển tập truyện ngắn Máu và Xà Phòng (Blood and Soap, 2004), Thư Lạ, 2007 (bản dịch Việt ngữ của Phan Nhiên Hạo), tiểu thuyết Yêu Như Ghét (Love Like Hate, 2010); các tập thơ Chung Quanh Mọi Tuôn Trào (All Around What Empties Out, Tinfish: 2003), Xăm Mỹ (American Tatts, Chax Press: 2005), Những Hình Thể Vô Biên (Borderless Bodies), Factory School, 2006), Những Ứng Tấu Nhiễu Động (Jam Alerts, Chax: 2007), Lĩnh Đinh Chích Khoái – tuyển tập thơ đầu tay trong tiếng Việt (Giấy Vụn: 2007), Cuộc Truy Hoan Trơ Tráo (Some Kind of Cheese Orgy, Chax Press: 2009). Qua những tác phẩm trên, Đinh Linh vinh danh đạo của người nghệ sĩ: anh chính là sự phối hợp giữa Narcissus và Goldmund. Anh hiểu rằng trác táng và khổ hạnh là hai khía cạnh đi đôi trong hành trình siêu thoát, không những cho Siddhartha mà cũng áp dụng cho mọi nghệ sĩ chân chính. Qua những tác phẩm của Đinh Linh, cuối cùng tôi đã hiểu nỗi băn khoăn sâu kín của Hermann Hesse. Hesse bị phân tán bởi hai thế cực, giữa xác thịt và tâm hồn, vì ông mang dòng máu của một sắc tộc Baltic Đức lâu đời bén rễ trong lãnh thổ của Đế quốc Nga, đày ải bởi sự cô lập của văn hóa Đức, và đồng thời bị thu hút bởi sắc thái linh hoạt của phong tục Estonia.

Đối với Đinh Linh, khái niệm về Việt Nam là một khái niệm quảng bá, mơ hồ, không có hình dáng hay bờ cõi rõ rệt: Việt Nam có thể là Mỹ, là Anh quốc, là Ý Đại Lợi, là Philadelphia, hoặc với địa thế cũng na ná như một Estonia trần tục của Hesse.

Tôi nghĩ mỗi nhà văn di dân vừa là một hòn đảo, vừa là một đại dương. Mỗi một đại dương chuyển hóa, di động, xen kẽ, hòa mình, hợp lưu với hình thể vô biên của vô vàn đại dương khác, đã hiện hữu từ những thời đại xa lắc xa lơ.

Cũng cùng trong bài phỏng vấn với Andrew Cox, Đinh Linh thố lộ,

Dù sao, tôi luôn luôn là một người thích lang thang, một tên thích đi bộ. Lúc bé ở Sài Gòn, tôi đi khắp nơi. Khi tôi sống ở Ý và Anh, tôi thường đi thăm viếng nhiều thành phố, thị xã, làng ấp xa lạ và chỉ đi bộ. Dự án [Tình trạng Liên Bang] hiện nay cũng là cách tăng cường một thúc đẩy mà tôi vẫn hằng có.

Đinh Linh nói với tôi rằng không có gì thật trong văn chương của anh, vì viết văn là một trò chơi chú trọng trên hết vào sự bấp bênh và giả tạo của ngôn ngữ. Có lẽ trò chơi này cũng không khác gì cỗ quan tài rỗng trong “Thị Trấn Cỗ Quan Tài Bí Ẩn” (“The Town of the Hidden Coffin”) luôn luôn đi lùng xác người nhưng lại “không muốn có thai”(!)[2] Tuy vậy, Đinh Linh chất vấn mọi khái niệm nghệ thuật và lập luận chính trị đã ly thân ra khỏi trải nghiệm. Trong “A Cultured Boy” (“Thằng Lịch Lãm”), nhân vật kể truyện, một nữ sinh viên đại học, quyết định dùng dao “thiến” người tình của mình vì “thằng bồ lịch lãm” của cô tuy am tường về nghệ thuật nhưng không nhận thức được sự tương quan mật thiết giữa thể xác và tâm hồn.[3]

Thật ra, chính đặc tính bấp bênh và có vẻ giả tạo trong văn chương Đinh Linh đã giúp tôi cảm nhận được những sự thật về anh. “Ông Nội Ngoại Hạng”(“My Grandfather the Exceptional”) là chân dung tự họa, đồng thời là quá khứ, hiện tại, và tương lai của nhà văn hoàn vũ:

Đây là chuyện có thật về ông nội tôi: bỏ làng đi bộ một ngàn dặm. Ông không định đi xa. Lúc đầu chỉ vài dặm, cuối cùng không ngờ đã đi cách làng ngàn dặm. Cứ vài dặm lại gặp làng mới, hoàn toàn khác làng trước đó. Đến đâu ông cũng ở lại cho tới khi bị đe dọa hoặc lễ độ yêu cầu rời khỏi làng …. Ở một làng khác ông được phong tước nhà thơ công huân mặc dù không biết ngôn ngữ của họ ….

Cuối cùng ông đến một làng, nhìn quanh cảm thấy nhẹ nhàng vì mình không còn khác biệt. Tất cả lão già đều giống hệt nhau, kinh tởm và bị kinh tởm, ông được đón chào vào hội những kẻ chờ chết.[4]

“Ngoại hạng” (dịch từ chữ “exceptional” trong tiếng Anh) là một từ đa nghĩa, rất tiêu biểu … Đinh Linh: nó vừa là cái ở ngoài tầng lớp chỉ định, không được chọn vào cùng nhóm, vừa là cái vượt bậc, xuất chúng. Do đó, một sinh vật ngoại hạng có thể là một hình thể / tiềm năng vô giới hạn.

Nhưng lý tưởng “ngoại hạng” bắt buộc người nghệ sĩ lúc nào cũng phải di chuyển/biến thể (có lẽ cũng không khác nhân vật trong tác phẩm du ký Đi Tây của Nhất Linh, trở nên dạn dĩ và quên đi trạng thái nô lệ của mình khi con tàu càng gần phía Tây, nhưng lại trở thành nhút nhát, ngô nghê như một đứa trẻ khi tàu càng xa hải cảng Tây Phương đi về hướng Đông). Sự di chuyển/biến thể này dĩ nhiên gây hậu quả không mấy khả quan về phần vật chất.

Tôi tôn trọng Đinh Linh như một thầy tu vì anh có vẻ chai lì với sự khắc khổ đi liền với sáng tạo, hay dù sao anh đã khắc phục phần nào những yếu tố vật chất. Vào cuối thập niên 1990, khi còn làm phóng viên thiện nguyện cho tờ báo song ngữ Viet Magnet (hiện đã đình bản), tôi được tòa soạn giao cho việc phỏng vấn Đinh Linh-lúc đó vừa bắt đầu khuấy động làng văn Mỹ ở ba mặt: thơ (anh nhận giải Pew Fellowship vào năm 1993); dịch thuật (vì anh vừa hoàn tất công trình dịch tuyển tập Night, Again –lấy hứng từ tựa truyện “Đêm Đêm” của Võ Phiến) bao gồm những truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam trong thời đổi mới); sáng tác–một vài truyện ngắn “rất ấn tượng” của Đinh Linh được xuất bản trên các tạp chí văn học Anh ngữ có tiếng như Three Penny Review, New American Writing New York Stories. Tôi gọi cho Linh qua số điện thoại với area code khu Philadelphia nhiều lần, nhưng không gặp, và hơi ngạc nhiên là anh không có máy thu message. Bẵng đi nhiều hôm, tôi gọi lại. Sau độ 10 lần chuông kêu, anh nhắc máy, nói xin lỗi vì anh mệt nên ngủ say quá, không nghe chuông reo. Cho dù mới gặp, và lúc đầu chỉ đối thoại qua điện thoại, Đinh Linh rất cởi mở, vui vẻ. Anh nói rằng anh làm nghề thợ sơn nhà vào ban ngày, nhiều khi túng quá thì hãng telephone cúp điện thoại. Khi nào có ít tiền, anh lại nhờ hãng “mở” điện thoại. Anh kể rằng để tiết kiệm tiền nhà, anh đã có lúc ở trong một căn phòng thuê không có hệ thống dẫn nước. Muốn đi tắm, anh đứng trong một cái thùng rác nhựa lớn và xối nước lên người.

Lúc đó vì chưa có máy vi tính, anh đánh máy những truyện ngắn –sau này xuất hiện trong Nhà Ngụy—dán nhiều tem và gửi Priority Mail đến địa chỉ tôi ở Washington DC. Có lẽ lúc đó anh tưởng lầm tôi là một nhà phê bình điêu luyện, nhưng thật ra tôi chỉ là dân tài tử cũng mới vào nghề viết. Ban ngày tôi vào sở “đội lốt” luật sư. Buổi tối tôi về nhà đọc đi đọc lại những truyện của anh như “555,” “Fritz Glatman,” và “Boo Hoo Hoo.” Tôi hoàn toàn không hiểu anh muốn nói gì, vì những trải nghiệm lô gích từ nghề nghiệp trở nên vô dụng trước văn phong của anh. Tôi cũng bị sốc vì cách viết coi bộ rất thẳng thừng về thể xác của anh. Tôi lo anh tiêu hết tiền lương sơn nhà mua tem gửi truyện cho tôi đọc, rồi cũng thành … công cốc. Sự thất bại trong cách đọc Đinh Linh kéo tôi về quá khứ, làm tôi nhớ lại hết những lần tôi đã hoàn toàn bất lực trước ngôn ngữ, ngay cả sau thời mà Anh ngữ không còn là một thử thách. Một sự thất bại đầy đe dọa, vì nó tước đi mọi thứ mà tôi tưởng mình đã hiểu, đã biết rõ.

Mãi hằng chục năm sau, tôi mới dần dà giải được những ẩn dụ trong văn chương Đinh Linh, và phát hiện rằng những điều mà tôi tưởng rất thẳng thừng về thể xác thực ra liên hệ đến lĩnh vực metaphysics. Đinh Linh là một nghệ sĩ nối gót Rimbaud, nhưng anh lại ngụy trang như một nhà realist. Đọc văn của anh người đọc lúc nào cũng phải ở trong tình trạng cảnh báo, với hai con mắt mở căng.

Một nhà tu chân chính, ở một khía cạnh nào đó, sẽ trở nên một tên tù với quyển tự điển nếu y nhất định không chịu phá giới. Đó cũng là một mâu thuẫn rất ư Đinh Linh. Tôi luôn luôn bị/được ngạc nhiên về những hành vi phá giới của anh. Từ hội họa, anh chuyển sang thi ca, văn chương, video, và hiện nay chuyên về nhiếp ảnh. Tuyên bố rằng thi ca đã trở thành vô dụng vì không thể đáp ứng những nhu cầu của xã hội hiện đại, Đinh Linh trở thành một nhân chứng cho thời kỳ khải huyền –thời anh gọi “là sự tận cùng của nền kinh tế chính trị Hoa kỳ.” Tuy tôi hy vọng lời tiên đoán của anh sẽ không trở thành sự thực, tôi cảm kích trách nhiệm cảnh giác của anh—đó là trách nhiệm của một nhà tu, cũng là trách nhiệm của một người viết theo đúng nghĩa “viết.”

“Đứa Con Gái Xấu Nhất” (“The Ugliest Girl”) đã nói thay cho Đinh Linh từ hơn một thập kỷ trước:

Nếu tôi không có ở đó [một đứa con gái xấu xí khác] sẽ có cơ hội được quên đi, trong khoảnh khắc, cái nhan sắc [dưới trung bình] của nó. Trong đám người diễm kiều, đứa con gái có thể lầm tưởng rằng nó là một người trong bọn họ, rằng nó thuộc về họ thay vì thuộc về chính cái dung diện xấu xí của nó.

Nhưng với tôi trong phòng, ảo tưởng này sẽ bị dập tắt. Bỗng nhiên có một nhóm, một thiểu số với hai mạng người, một hiệp hội [đề xướng] sự xấu xí.[5]

“Sự xấu xí” của Đinh Linh đồng nghĩa với “Tự do”, vì “sự xấu xí” luôn luôn “sáng tạo, bồn chồn, mạo hiểm, phóng đãng.”[6] “Sự xấu xí” nằm bên ngoài khuôn phép, nhưng nó cần được mọi người chứng nhận, như bề trái của sự hiện hữu.

Như Rimbaud, Đinh Linh “dấn thân” mọi ngày. Anh tin thuốc độc sẽ trị độc. Như một nhà tiên tri, anh cảnh báo thời của những kẻ giết lén.[7]

 


[1] Mượn tựa truyện của Nguyễn Đức Sơn, một nhà thơ/nhà tu chính trực mà người viết cũng ngưỡng mộ.

[2] Đinh Linh, “Thị Trấn Cỗ Quan Tài Bí Ẩn,” bản dịch Phan Nhiên Hạo, từ tuyển tập Thư Lạ (Văn Mới: 2007), tr. 144.

[3] Đinh Linh, “A Cultured Boy,” từ tuyển tập Fake House (Seven Stories Press: 2000), tr. 31.

[4] Đinh Linh, “Ông Nội Ngoại Hạng,” bản dịch Phan Nhiên Hạo, từ tuyển tập Thư Lạ, tr. 105.

[5] Đinh Linh, “The Ugliest Girl,” từ tuyển tập Fake House, tr. 31-32 (người viết trích dịch sang tiếng Việt).

[6] Như trên, p. 32.

[7] Rimbaud, trích từ “Matinée D’ivresse” (“Sáng Say”) trong Illuminations (đi cùng với bản dịch Anh ngữ của John Ashberry) (Norton: 2011): “Nous avons foi au poison. Nous savons donner notre vie tout entire tous les jours. Voici le temps des Assassins.

Articles by Đinh Từ Bích Thúy

Comments


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

7 Comments

  • thường mộng says:

    Tôi thích đoản văn “Đinh Từ Bích Thúy viết” nầy.

    “xen kẽ, hòa mình, hợp lưu với hình thể vô biên của vô vàn đại dương khác.” (1)

    “xen kẽ, hòa mình, hợp lưu với hình thể vô biên của vô vàn đại dương khác, đã hiện hữu từ những thời đại xa lắc xa lơ.”(2)

    (1)-Từ “vượn lên người”

    (2)-Từ “người xuống vượn”

    Tôi thích sự “xét lại”, (chữ không phải là ngôn ngữ), nhưng “chữ” có khả năng trải dài đến vô biên…

  • Kính thưa các quý độc giả góp ý:

    Thưa nhà thơ Nguyễn Đức Tùng—cám ơn anh đã đọc bài viết về Đinh Linh, rồi cũng đọc bài “Cạnh Sườn Đế Quốc: Lựa Chọn Nghệ Thuật của Chinua Achebe, V.S. Naipaul và Nhất Linh.” Trong bài “Cạnh Sườn Đế Quốc” có chữ “trung điểm” dịch từ bài thơ “The Second Coming” của W.B. Yeats mà Chinua Achebe đã làm tựa cho tiểu thuyết “Things Fall Apart” của ông. Vâng, như anh nói, chữ này người viết phải dịch là “tâm điểm” (“centre”) mới đúng.

    Thưa nhà thơ Quỳnh Thi–như đã thảo luận trong bài, tôi định nghĩa chữ “catholic” (không viết hoa) và chữ “nhà tu” theo nghĩa rộng nhất, khi nói về Đinh Linh.

    Từ “catholic,” như đã trích từ tự điển Webster, có nghĩa là “bao gồm hoặc liên hệ đến nhân loại, phổ quát.” Tuy dịch ra tiếng Việt cũng là “công giáo”—nhưng không phải nghĩa hẹp là Catholic (viết hoa)–là nghĩa được hiểu như Hội Thánh Công Giáo–mà là hướng đi, lối nhìn khái quát của Đinh Linh trong văn chương và đời sống. (Dĩ nhiên, khi các vị lãnh đạo của Hội Thánh Công Giáo tự xưng mình là “Catholic,” thì cũng đã có chủ tâm tôn vinh tôn giáo này như Tôn Giáo Hoàn Cầu, và là Tôn Giáo “duy nhất, chính hiệu” cho mọi người—nhưng người viết không theo nghĩa này).

    Tương tự, khi so sánh với Đinh Linh như một “nhà tu,” tôi không có ý định nói anh là một con người sống độc thân, không gia đình (celibate) theo đòi hỏi của tôn giáo, mà chỉ muốn nói anh là người theo đạo của lương tâm, mang “chính nghĩa” của cá nhân trong một cộng đồng đa diện. Chữ “vocation” dịch sang tiếng Việt là “thiên nghiệp,” như nghĩa trong Anh ngữ hàm ý cao và sâu hơn chữ “career” (“sự nghiệp”) vì vocare có nguồn từ gốc La-tinh là tiếng gọi thiêng liêng (của lương tâm hoặc của Tạo Hóa) đòi hỏi sự cam kết trách nhiệm từ một cá nhân hoặc một nhóm người. Tôi nghĩ Đinh Linh coi trách nhiệm làm “người viết” như một thiên nghiệp—do đó, anh là một “nhà tu” cho hướng đi của cá nhân anh.

    Thưa quý độc giả “Một Bạn Đọc” và “Buôn Phan”: Tôi nghĩ những kỷ niệm mà ông Quỳnh Thi gợi lại về Đinh Linh và chị Diễm, vợ anh, chắc cũng chỉ để chứng minh rằng Đinh Linh không phải là “thầy tu” (nghĩa đen) chứ không có ý tán gẫu, gossip. Những điều nhà thơ Quỳnh Thi nói về Diễm đều là những điều tốt đẹp và ở một khía cạnh nào đó, cũng cho ta biết rằng đằng sau những nghệ sĩ, tuy “độc lập” trong cuộc sống và tư tưởng, cũng có cả một “support system”—những hỗ trợ nồng hậu, từ các người thân yêu, như cha mẹ, vợ, chồng, anh, em, con cháu, v.v. Vì vậy, một người viết lưu vong vừa là một hòn đảo, vừa là một đại dương “xen kẽ, hòa mình, hợp lưu với hình thể vô biên của vô vàn đại dương khác.” Ở đây tôi cũng đã mượn ý của John Donne, thi hào, luật sư, và mục sư miễn cưỡng của giáo hội Anglican (ông có vợ và 12 con), từ bài thơ/bài giảng nổi tiếng “Meditation XVII” nhắn nhủ tân vương Charles I của Anh quốc:

    “Không ai là một hòn đảo, tự tạo, bơ vơ. Mọi người là một phần của lục địa, của đất liền. Nếu một cục đất bị nước biển cuốn trôi đi, Âu Châu sẽ mất đi một phần như bị mất đi cả một trái núi, cũng như khi căn nhà của người hay bạn người [bị phá hủy]: bất cứ cái chết của ai sẽ làm ta giảm sút, vì ta có liên quan đến nhân loại, và không sống để chất vấn điều chuông gọi hồn ai; [vì] chuông gọi hồn người.”

    (No man is an island, entire of itself; every man is a piece of the continent, a part of the main. If a clod be washed away by the sea, Europe is the less, as well as if a promontory were, as well as if a manor of thy friend’s or of thine own were: any man’s death diminishes me, because I am involved in mankind, and therefore never send to know for whom the bells tolls; it tolls for thee.)

    Trân trọng,

    Đinh Từ Bích Thúy

  • Quỳnh Thi says:

    Chào bạn đọc vô danh.

    Bài viết của cô Bích Thúy viết về Đinh Linh nói ông là một nhà tu Công giáo, nhưng tôi là một người bạn(vong niên) văn chương, đã được uống bia trên căn gác nhà của diễm là người yêu của Đinh Linh sau này anh lấy làm vợ. Đó cũng là một thông tin về một nhà văn nhà thơ có chỗ đứng trên văn đàn của Hoa Kỳ chứ sao! Không những tôi mà còn nhiều anh em văn nghệ sĩ khác hiện đang sống ở Sàigon như Nguyễn Đạt, Nguyễn Quốc Chánh, Huy Tưởng. . .cũng không lạ gì người phụ nữ khả ái có một cái tên rất đẹp là Diễm đó, bạn à.

    Ký ức đáng nhớ thường thì trầm lắng tiềm ẩn rất sâu,nhưng khi có gì gợi lại thì nó lại hiện về, rõ mồn một. Phải thế không người vô danh? Dòng ký ức thân thương của tôi đang muốn viết một tạp bút về thời gian đó đây này.

    Những cuộc gặp gỡ của một người đi xa. Những cuộc gặp gỡ giữa một người bạn văn nghệ chưa bao giờ gặp, mà gặp một lần đầu thân thiết thì nhớ lắm bạn ạ.

  • Buôn Phan says:

    Tôi cũng không hiểu được: có một ẩn ý gì chăng trong ý kiến độc giả của độc giả (“nhà thơ thứ thiệt”) Quỳnh Thi ? Theo tôi, ý kiến độc giả thì không nên mang ẩn ý. Còn nếu không có ẩn ý gì mà chỉ đơn thuần nhắc lại một kỷ niệm nào đó, thì tôi hy vọng có sự đồng ý của Đinh Linh. Nếu không, tôi phản đối những ý kiến đem chuyện cá nhân, tên người không liên quan đến bài viết (như “Diễm”) để tránh tình trạng “nhạy cảm” nếu có. Có thể Đinh Linh xuề xòa và chẳng quan trọng hoá vấn đề, nhưng những loại ý kiến này không bổ sung gì cho bài viết, nhất là câu trích đầu về Công Giáo? Tôi cũng đề nghị BBT Da Màu thiển ý những người liên quan khi được/ bị nhắc đến mà không biết trước.
    Buôn Phan

  • Một bạn đọc says:

    Kính chào quý vị,
    Tôi không quen ông Đinh Linh, nên tôi có thể nói một cách chắc chắn rất thật với lòng mình mà không sợ mất lòng nhà thơ là tôi thích đọc những bài du ký của ông hơn thơ. Và cũng như Quỳnh Thi, tôi không hiểu ông QT muốn nhắc về cuộc gặp giữa ông và Đinh Linh để làm gì? Vì chuyện rất riêng trong tình bạn, Đinh Linh mời ông về nhà rồi đãi bia, hướng dẫn thuê khách sạn có giúp ích gì cho bài của ĐTBT?

    Trân trọng,
    Một bạn đọc vô danh

  • Quỳnh Thi says:

    Đinh Từ Bích Thúy (ĐTBT) viết: “Đinh linh (ĐL) là một mâu thuẫn: anh độc lập trong cách nhìn và hoàn toàn tự do trong nếp sống anh tự chọn cho mình, chính vì anh là một nhà tu công giáo, theo đúng nghĩa nguyên thuỷ của chữ catholic.”

    Tất cả đoạn trên bần tăng đều đồng ý với ĐTBT, riêng đoạn” chính vì anh là một nhà tu công giáo, theo đúng nghĩa nguyên thủy của chữ catholic.”

    Bần tăng không rõ ý của tác giả muốn biểu thị ý tưởng gì về Đinh Linh. Nhưng mùa hè năm 2000 bần tăng từ Houston về Sàigòn chơi và đến gặp Linh. Lúc đó Linh từ Mỹ về sống ở Sàigon để dạy Anh văn, căn gác của gia đình một người phụ nữ có tên là Diễm sau này được biết Diễm là người yêu của Linh, Diễm lo cho Linh từng ly từng chút. Nhất là trong tủ lạnh lúc nào cũng có bia trong thời gian SG còn nghèo khó, rồi họ đã kết hôn với nhau rồi năm sau ĐL đưa Diễm về Mỹ sinh sống. Bần tăng đã được nhà thơ đưa lên gác chơi, vì nơi đó là thế giới riêng tịch mịch của một hàn sĩ, bần tăng được Linh mời uống bia ngay sau khi chân ướt chân ráo từ phi trường đến đó, rồi buổi chiều Diễm chở ĐL và bần tăng trên một xe Honda tới nhà trọ (hình như ĐL không dám chạy xe máy, nên muốn đi đâu thì Diễm chở đi).

    Hồi đó, chính ĐL đã hướng dẫn bần tăng đi thuê khách sạn ở đường Phạm Ngũ Lão để trú ngụ trong thời gian lưu lại Sàigon, vì con đường này có nhiều Tây balô đến ở, giá nhà rẻ và mang phong thái phóng khoáng nghệ sĩ. Tối hôm đó thật vui vì có nhiều bạn hữu văn nghệ tụ tập tới chơi.

    Bần tăng dăm năm trước đó, đâu lạ gì con đường này, vậy mà bây giờ về đây thấy tất cả đều thay đổi. Và lạ nhất là thấy một anh nhà thơ rặt Mỹ lại rành rẽ về Sàigon như dân thổ địa làm hướng dẫn cho mình.

    Hồi đó Linh rủ mình đi Campuchia thăm Angkor bằng xe hơi nhưng bệnh tiểu đường tăng đột ngột phải trở về Mỹ trước thời hạn tuy đã thuê xe. Cho đến nay đã gần 12 năm, chưa gặp lại bạn!

    Thân chào quí bạn.

  • Nguyễn Đức Tùng says:

    Bài viết thật hay.
    Tuy nhiên “centre” chị Bích Thúy có thể dịch là tâm điểm (hay trung tâm).
    Tâm điểm và trung điểm là hai chữ khác nhau.
    Ngoài ra, thời của những kẻ giết lén? le temps des Assassins?

    Nguyễn Đức Tùng

@2006-2023 damau.org ♦ Da Màu Magazine
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)