Home » Biên Khảo, Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 24, Nhận Định Email bài này

Kurt Vonnegut và Những Thành Phố của Tro Bụi


Đã bao lần con người sống rồi chết

Giữa hai thế cực của vĩnh cửu 

Giữa chủng tộc và tâm hồn …. 

Many times man lives and dies

Between his two eternities,

That of race and that of soul….

(William Butler Yeats, Under Ben Bulben)

 

Kurt Vonnegut sinh năm 1922. Ông chết vào tháng Tư, trong năm thứ 32 ở Hoa Kỳ của tôi.

Ngày còn là học sinh trung học, trong những năm cuối cùng của thập niên 1970s, khi ý niệm chiến tranh vẫn là vết thương còn tươi rói (nhưng lúc đó tôi đã chưa biết điều này), tôi không hiểu được văn của Vonnegut. Các bạn Mỹ tóc dài thượt học cùng lớp với tôi—những cô cậu choai choai 16, 17 tuổi, mặc quần jeans sổ gấu, hút thuốc sì ke lén lút trong nhà tắm khi nhà trường tổ chức buổi “pep rallies” cho những trận đá banh nhà, đã thích “cuốc” (dig) văn chương phản chiến hài hước của Vonnegut. Tôi thì khác, tôi buồn vì Gatsby không thể nào tạo dựng lại quá khứ với Daisy, và ngồi trong lớp tôi thầm rủa bố mẹ của Oedipus, đã vì sợ số mệnh và tương lai quá ghê khiếp về đứa con trai duy nhất của họ cho nên đã thí đứa con cho đi khuất mắt. Hai mươi năm sau nó vẫn trở về, vô tình giết bố, lấy mẹ làm vợ, lên ngôi vua, rồi cuối cùng, khi biết rõ hậu quả tày trời của việc mình làm, tự chọc thủng mắt rồi bỏ nước nhà đi lang thang khắp bốn bể.

Kurt Vonnegut

Kurt Vonnegut

Lạc lõng trong ngôn ngữ mới, tôi tìm giải đáp, hoặc nhìn thấy nỗi ray rứt của mình, trong những tác phẩm văn chương classic, của Sophocles, của Bronte, của F. Scott Fitzgerald. Trong những năm niên thiếu, tôi cố rời xa đề tài chiến tranh, rời xa ngôn ngữ Việt. Lúc đó, trong những văn chương tôi đọc được ở chương trình trung học, chưa có bóng dáng nạn nhân chiến tranh hay những con người bị xâu xé giữa hai giòng văn hóa. Cho nên tôi chỉ nhìn thấy sự mất mát của mình qua văn chương của những văn hào da trắng đã chết từ bao lâu đời.

Hơn một thập niên trôi qua sau những năm trung học. Trước khi đọc Mẹ Đêm (Mother Night) của Vonnegut, tôi đã chứng kiến cảnh chú tiểu Mizoguchi, cà lăm và xấu xí, đốt cháy ngôi chùa vàng Kinkaju-ki ở Kyoto (ngôi chùa mà Mỹ đã tránh bỏ bom trong Đệ Nhị Thế Chiến vì nó là “một di vật văn hóa” của Nhật Bản). Mizoguchi đốt cháy chùa vì không chịu được vẻ đẹp hoàn hảo siêu phàm của kiến trúc chùa trong truyện Kim Các Tự (The Temple of the Golden Pavillion) của Yukio Mishima. Vonnegut nghĩ khác về chuyện Đồng Minh bỏ bom Dresden năm 1945. Như dũng sĩ diệt yêu quái rồi cũng vô tình trở thành yêu quái trong truyện Cửa Tùng Đôi Cánh Gài của Thích Nhất Hạnh, Vonnegut giải nghĩa chuyện Đồng Minh bỏ bom Dresden như chuyện một thế lực “tốt” đã tưởng mình có hết những giải đáp cho tự do và hòa bình, nhưng oái oăm chỉ mang đến “sự bình đẳng vĩnh cửu” qua tan tành và giết chóc:[1]

Đây là chuyện duy nhất có bài học mà tôi hiểu rõ. Tôi không nghĩ nó là một bài học sâu sắc; nhưng tôi hiểu nó là gì: chúng ta là những gì chúng ta đã giả vờ trở thành, cho nên chúng ta phải hết sức cẩn thận về những gì mình giả vờ.

…. Khi chiến tranh đến, tôi cũng là phần tử trong đó, tôi bị bắt làm tù binh, và tôi có dịp được biết chút ít về nước Đức trong khi chiến tranh vẫn tiếp tục. [Trước khi bị bắt] tôi là binh nhì, đi dẫn đường cho đội, và, theo đạo luật của Hội Nghị Geneva, tôi được cho phép làm việc để tự nuôi thân, đó là điều tốt, không phải là điều xấu. Tôi không phải ở tù suốt ngày ở chỗ nào đó thuộc về vùng quê. Tôi được đến một thành phố, đó là Dresden, để nhìn thấy người Đức và những điều họ làm thường ngày.

Chắc có khoảng trăm người trong nhóm chúng tôi là bọn lính tù đi làm, và chúng tôi được coi như những công nhân lao động giao ký đến một xưởng máy làm xi-rô mạch nha pha với sinh tố cho phụ nữ thai nghén. Xi rô mạch nha có vị như mật ong quyện với mùi khói của gỗ hồ đào. Thật ngon. Tôi ước gì tôi được nếm nó bây giờ. Thành phố thì thật đẹp, trưng diện lộng lẫy, không khác gì Paris, và không bị chiến tranh đụng đến. Dresden được hiểu như một thành phố “mở cửa,” không bị gây hấn vì không có lính đóng quân ở đó và cũng không có những kỹ nghệ liên hệ đến chiến tranh.

Nhưng những quả bom hydrô cực mạnh đã được quân đội Mỹ và Anh Quốc bỏ xuống Dresden vào đêm 13 tháng Hai, năm 1945 …. Không có một tiêu điểm nào rõ rệt cho những quả bom này. [Quân Đồng Minh] chắc hy vọng rằng những quả bom này sẽ tạo ra vô số những mồi nhóm lửa, làm lính chữa lửa phải chạy trốn xuống hầm trú dưới mặt đất.

Rồi trăm ngàn bom lửa tí xíu được rắc lên những mồi nhóm, như những hạt giống trên đất mùn vừa được xới. Thêm những quả bom được bỏ xuống, giữ kịt bọn lính chữa lửa trong những lỗ đào sâu dưới đất. Rối tất cả những ngọn lửa lớn dần, kết tụ lại, thành một bùng lửa ngày Tận Thế. Trong khoảnh khắc: một trận bão lửa. Có thể đó là một sự tàn sát lớn nhất trong lịch sử Âu Châu. Thì đã sao?

Bọn chúng tôi không được chứng kiến bão lửa. Lúc đó chúng tôi núp trong một hầm thịt đông lạnh nằm dưới lò sát sinh với sáu tên cai ngục, chèn ép với những hàng ngũ xác gia súc, heo, ngựa, cừu. Chúng tôi nghe những quả bom đi bộ trên đầu. Thỉnh thoảng nghe tiếng rào rào của những bức tường bị sụp đổ, với những mảng vôi trắng rơi xuống như mưa. Nếu chúng tôi đã ngoi lên trên đất để quan sát, chúng tôi cũng sẽ trở nên những đóm củi dài hai, ba đốt tay—những con người quá nhỏ bé đến tức cười, hay chỉ là những con châu chấu nướng khổng lồ, nếu nói một cách khác.

Nhà máy làm xi-rô mạch nha đã biến mất. Tất cả mọi thứ đều biến mất trừ những căn hầm chứa nơi 135,000 cô cậu Hansel và Gretel[2] bị nướng chín như những thằng người bánh gừng. Khi loi ngoi ra khỏi lò sát sinh trú ẩn, chúng tôi bị bắt làm quân đào “quặng” người chết, khai quật hầm trú, kéo xác lên trên mặt đất. Và tôi đã nhìn thấy hầu hết mọi týp dân Đức trong cái chết, với những gia bảo, đồ trang sức quý giá trên người. Đôi lúc họ hàng người chết cũng đến chỗ coi chúng tôi đào xới. Họ cũng là những người có duyên.

….

[Là người Mỹ gốc Đức], nếu tôi giả thử đã sinh ra ở Đức, chắc tôi cũng sẽ là một tên Đức Quốc Xã, bộp tát bọn Do Thái, Ba Lan, tụi dân Gípxi hoang đàng, mặc kệ những đôi bốt cứng đờ trồi chọc ra từ những bờ tuyết đông giá, trong lòng tôi sẽ ấm áp với sự đoan chính của một chủng tộc hoàn hảo. Và rồi, câu chuyện lại tiếp nối.

Còn một bài học nữa, qua kinh nghiệm của tôi: khi một người chết, là chết.

Và còn một bài học nữa mà tôi vừa chợt nghĩ đến: Làm tình khi mình còn thời gian. Chuyện đó rất tốt.

Chuyện Dresden bị bỏ bom trong Đệ Nhị Thế Chiến đã ám ảnh Kurt Vonnegut trong suốt cuộc đời của nhà văn, và là đề tài cho thêm sáu tiểu thuyết khác của ông, với truyện nổi tiếng nhất là Lò Sát Sinh Số Năm (Slaughter House Five). Trong tiểu thuyết châm biếm, có nhiều tính chất khoa học giả tưởng, Billy Pilgrim bị một nhóm người ở hành tinh khác bắt cóc, mang y từ cảnh điêu tàn của thành phố Dresden vừa bị bỏ bom vượt thời gian, qua hơn 20 năm sau, đến chiến trường Việt Nam. Như một nhân chứng của tất cả mọi thời đại, Billy đã không còn bị giam hãm bởi thời gian, mà có thể đi qua nhiều chặng đời trong cảm giác nửa tỉnh nửa mê.

Chiến tranh cũng đã xóa đi những mốc thời gian trong tôi.

Tôi còn nhớ năm lên ba, được bố giắt đi chơi phố ở quãng đường Tự Do-Nguyễn Huệ trong Sài Gòn. Một lúc tôi đang đứng mân mê quyển sách bìa cứng gần quầy trả tiền, rồi ngay sau đó, không hiểu tại sao, tôi và bố nằm dẹp dưới đất. Trong một khoảnh khắc đủ để bố kéo dí tôi xuống đất, cửa kính trước tiệm đã rơi xuống tan tành, và tòa nhà trước mặt đã bị bom nổ làm lẹm đi mặt tiền. Tôi đứng dậy, phủi áo đầm và theo bố rời cửa tiệm sách. Lúc về nhà, bố chỉ nói với mẹ tôi mấy câu, “Hôm nay, anh và con bé suýt chết.”

Tôi còn nhớ những con chuột sơ sinh đỏ hỏn, được bố lôi ra từ giữa những bao cát xếp chồng trong hầm trú Tết Mậu Thân. Chuột đã lẻn vào nhà từ căn bếp và làm ổ trong những hang góc của bao cát trong hầm trú. Sau biến cố Mậu Thân, những bao cát được khuân đi khỏi, và những con chuột đỏ hỏn bị thiêu cháy sau nhà, gần rãnh cống.

Vượt qua nhiều chặng thời gian. Năm 1987, khi còn là sinh viên trường Luật, giáo sư dậy lớp Đạo Luật về Uy Quyền Chiến Tranh (The War Powers Act) đến nói với tôi sau khi lớp vừa tan:

–“Tôi thành thực muốn cho cô được biết, tôi là một trong những Thượng Nghị Sĩ miền Nam của đảng Dân Chủ đã bầu chống lại Nghị Quyết Vịnh Tonkin năm 1964. Đối với tôi, lúc đó và bây giờ, nghị quyết này đã phản hiến pháp Hoa Kỳ.”

Tôi biết nói gì với ông. Đối với ông, đó là một hành động tinh thần và lương tâm làm ông hãnh diện suốt đời. Ông là một trong những thượng nghị sĩ đối lập thiểu số dưới thời Johnson. Sau năm 1964 ông không tái ứng cử, mà bỏ đi dạy học, coi chuyện ra khỏi chính trị cũng là một hành động phản đối của lương tâm. Còn đối với tôi, chiến tranh Việt Nam đã được Hoa Kỳ hợp thức hóa, và nó cũng không vớt vát được điều gì. Không như Bắc Việt, tôi không coi chiến tranh này như chiến tranh xâm lăng của người Mỹ, và tôi cũng thấy khó chịu khi người Mỹ bày tỏ mặc cảm tội lỗi và cố xin lỗi tôi về những gì họ đã mang đến cho quê hương và xứ sở tôi. Tuy nhiên, tôi cũng không thể tránh nỗi căm phẫn khi còn nhớ, cách đây 30 năm trước, Jimmy Carter (một vị Tổng Thống Hoa Kỳ được ca ngợi qua nhiều thành tích nhân bản của ông), đã tuyên bố: “Chúng ta không nợ Việt Nam chuyện gì nữa. Sự tàn sát đã nghiêng ngửa ở hai bên.”[3]

Là “nạn nhân” tị nạn chiến tranh, tôi không có mặc cảm tội lỗi hoặc lương tâm “đoan chính” của người Đồng Minh đi độ thế. Nhưng tôi căm phẫn cho những mất mát mà tôi, những người thân và xứ sở tôi đã phải chịu đựng. Vì tất cả những lỗi lầm và mù quáng của tất cả mọi diễn viên trong cuộc chiến.

Thành phố Sàigòn của tôi không bị tiêu hủy như thành phố Dresden, hay như ngôi chùa nguy nga trong tiểu thuyết của Mishima. Nó vẫn trơ trơ, sừng sững, với một cái tên khác mà suốt cuộc đời còn lại của tôi sẽ không bao giờ thốt lên hoặc nhìn nhận.

Kurt Vonnegut–nhân chứng của Đệ Nhị Thế Chiến và thần tượng của những nhà văn trung học tóc dài đi đất—đã nghĩ rằng chết là hết. Mọi sự đều vô nghĩa, Tôi không nghĩ thế. Tôi nhớ đến nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngày tôi còn bé. Những ngôi mồ như những lâu đài, những chỏm obélisque nguy nga, với những bài thơ Đường và những chân dung người chết tuyệt đẹp được khắc trên bia đá. Tôi còn nhớ thấy ngôi mồ của Ngô Đình Diệm được quét vôi hồng màu xác pháo. Có lẽ văn hóa Việt Nam là văn hóa của những nguời yêu chuộng nghệ thuật trong sự chết. Và cái chết cũng không bình đẳng hóa con người.

“Làm tình khi mình còn thời gian. Chuyện đó rất tốt.” Hình như người Mỹ hay cổ võ chuyện làm tình vì họ không làm chuyện này thường xuyên. Làm tình như một cách chia trí. Tôi không cảm thấy phấn khởi trong lời khuyên hời hợt của Vonnegut. Tại sao làm tình thay vì viết? Hay viết lách cũng thành vô dụng và vô nghĩa?

Kurt Vonnegut được coi như một nhà văn lớn của thế kỷ 20. Ông được những nhà trí thức khuynh tả tôn vinh như giọng nói của lương tâm. Ông chết khi chiến tranh Iraq vẫn chưa hạ màn.

Lời nhận định lãng mạn của Salman Rushdie, “Ta gần như có thể nói kinh nghiệm di dân là một huấn luyện căn bản cho tất cả những con người yêu chuộng dân chủ tự do.”[4] Nước Mỹ là một nước của những nguời di dân. Họ đã học được những bài học gì về dân chủ và tự do? Hay như Kurt Vonnegut đã dè bỉu, “[Chính quyền Bush] chỉ là những tên học trò ‘C’ nhếch nhác.”[5]

Sự “kinh khiếp” ở đây là những bài học vẫn chưa được thuộc lòng, trong khi mồi lửa tiêu hủy vẫn còn cháy ngoài chiến địa, và âm ỉ trong lòng những nạn nhân của chiến tranh.

Sự kinh khiếp là những số mệnh đã có thể nhưng chưa được thay đổi, mà vẫn bị cuốn theo đường mòn lịch sử . . . .

Tháng Tư 2007


[1] Trích dịch từ bài giới thiệu Mẹ Đêm (Mother Night) (Dial Press: 2006), tr. v-viii.

[2] Hansel và Gretel là hai anh em trong truyện cổ tích Đức bị bố mẹ, vì không đủ ăn, mang vứt bỏ vào rừng.

[3] Noam Chomsky, Dominoes, tr. 129-133 (Granta, Vol. 15, 1985). Nguyên bản, “[We owe Vietnam no debt], because the destruction is mutual.”

[4] Salman Rushdie, On Gunter Grass, tr. 184 (Granta, Vol. 15). Nguyên bản, “One might almost say that migration ought to be essential training for all would-be democrats.”

[5] Phỏng vấn giữa Kurt Vonnegut và Joel Bleifuss trong In These Times (01-27-03), ở http://www.inthesetimes.com/

 

Articles by Đinh Từ Bích Thúy

Comments


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

@2006-2023 damau.org ♦ Da Màu Magazine
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)