Home » Biên Khảo, Translations, Nghiên Cứu, Phỏng vấn, To Vietnamese, Tưởng Niệm Tạ Chí Đại Trường Email bài này

SỬ HỌC TỐT, SỬ HỌC TÁO TỢN VÀ SỬ HỌC TỒI: ĐỐI THOẠI VỚI GIÁO SƯ LIAM KELLEY (Phần 2)

Kelley-picture_thumb.jpg

 

Kelley picture

Giáo sư Liam Kelley

(Xin bấm vào đây nếu muốn tham khảo nguyên bản tiếng Anh của bài phỏng vấn)

(10) Nếu, như ông đã viết trên blog, “Cả hai Kim Định và Lévi-Strauss đều cố phát hiện những ý nghĩa bí ấn đằng sau những văn bản và mặt tiền xã hội loài người bằng cách đưa ra những khuynh hướng táo tợn và mới mẻ để diễn giải các xã hội loài người và quá khứ [của họ], thì điều đó thật sự có ghê gớm lắm không? Tôi nghĩ một vài nhà văn, nhà phê bình hay độc giả sắc bén của Việt Nam cũng có thể làm được việc này? Trong lĩnh vực văn chương – vì luôn luôn có sự bất bình đẳng giữa quyền thế chính trị và nghệ thuật ở Việt Nam – đã có những nhà văn hiện đại cũng như từ nhiều thế kỷ trước tránh né sự kiểm duyệt của nhà nước bằng cách viết những tác phẩm có chiều hướng “phản động” nhưng giả dạng như truyện tình cảm hay là hỗn hợp của nhiều thể loại văn chương và ảnh hưởng văn hóa. Thí dụ, tôi nghĩ Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều hay Kim Vân Kiểu của Nguyễn Du có thể được diễn giải như những văn bản đối lập, để bày tỏ tâm trạng của nhà nho, trong vai vợ, người tình hay vợ lẽ, đã bị ngược đãi hoặc bị ép buộc, “hãm hiếp” hay thỏa hiệp trong quan điểm chính trị. Nói rõ hơn, Kim Định có thực sự “độc đáo” không nếu tính chất úp mở của một văn bản đã được chấp nhận từ lâu như hình thể và phương thức của khuynh hướng đối lập?

Tôi nhìn nhận quan điểm của bà nhưng tôi nghĩ Kim Định độc đáo vì tuy ông ta vượt qua những giới hạn của tiêu chuẩn học thuật, ông ta dù sao vẫn sáng chế những tư tưởng trong khuôn khổ hàn lâm của thế kỷ 20, và trong thời điểm hóa giải chủ nghĩa thực dân. Tôi sẽ phải cắt nghĩa hơi dài dòng, nên mong bà thông cảm.

Không ai ở Đông Á sẽ diễn giải một bài thơ cổ trong Kinh Thi ra ngoài khuôn khổ mà nó đã được diễn giải từ bao nhiêu thế kỷ trước nếu Marcel Granet đã không đưa ra lý luận xã hội học tiềm ẩn trong nội dung của bài thơ. Thí dụ, người ta đã đọc những bài thơ trong Kinh Thi từ khuynh hướng đạo lý trong nhiều thế kỷ, nhưng Granet nói ta cũng có thể thấy những bài thơ này chính ra là những bài hát tỏ tình trong khung cảnh nông thôn hay lễ hội mùa màng. Chưa ai trước Granet đã đọc những bài thơ này từ quan điểm đó, nhưng những học giả Trung Hoa đã bắt đầu thẩm định chúng [trong khuôn khổ xã hội học] sau khi đọc những phân tích của Granet.

M.Granet

Marcel Granet – một trong những học giả đầu tiên áp dụng khuynh hướng xã hội vào chuyên khoa Trung Hoa học

Lévi-Strauss đi một bước xa hơn bằng cách lập luận rằng chúng ta có thể khảo sát nhiều dữ kiện tương tự từ những xã hội “man dã” trên khắp hoàn cầu và đưa ra những đặc điểm căn bản chung cho những xã hội này, như khái niệm ghét tởm chuyện loạn luân. Cho nên chỉ nói là Kim Định hay Levi-Strauss khảo sát những “ý nghĩa tiềm ẩn” chưa thể hiện đầy đủ cách mà họ đã cống hiến cho học thuật, nó chỉ là “tín hiệu” mà tôi đã dùng để khai triển những vấn đề phức tạp hơn.

Riêng về Kim Định, mặc dù ông ta đã chịu ảnh hưởng từ phương pháp quan sát những xã hội loài người của Granet và Lévi-Strauss, ông ta cũng rất quan tâm về những vấn đề thời đại lúc đó. Ông theo môn triết và Trung Hoa học vào thập niên 1950 khi xứ sở ông đang chuyển mình, qua những biến cố hỗn độn và ác liệt, để trở thành một lãnh thổ bị chia đôi vì chính trị sau thời đại thực dân.

Từ quan điểm một chuyên gia triết, dĩ nhiên Kim Định tin rằng triết học giữ vị trí cốt yếu trong xã hội loài người. Triết học Tây Phương (từ cái nhìn của người phương Tây là nền triết học “đáng kể” độc nhất vào lúc đó) tuy nhiên đang trong thời kỳ khủng hoảng. Tư tưởng Khai Sáng đã gây ra bao nhiêu chết chóc và hủy diệt trong hai thế chiến. Sự kỹ nghệ hóa của xã hội hiện đại đã chia cắt con người ra khỏi nền tảng văn hóa nhân bản. Những phân khoa trong các ngành học thuật, với phương pháp và ngôn ngữ riêng trong mỗi phân khoa, cũng chia cắt hiện thực thành vô số những mảnh nhỏ để rồi không ai có thể giải thích toàn diện một vấn đề. Cho nên học thuật lúc đó đã bị cơn khủng hoảng, và triết học Tây Phương dĩ nhiên đã không còn là cứu cánh.

Kim Định tuy nhiên nghĩ rằng đã có một lối thoát để tiến lên, và đường tiến lên chính là hành trình về phương Đông. (Sau Đệ Nhị Thế Chiến, với nhiều quốc gia thuộc địa tranh đấu cho độc lập, đã có một nỗ lực xây dựng cuộc trao đổi triết lý Đông -Tây, với chứng cớ đầu tiên là cuộc hội đàm của các Triết Gia Đông-Tây tại Đại học Hawaii vào năm 1939, nơi các triết gia Tây Phương và Á Đông [Wing-tsit Chan, Charles A. Moore and Gregg Sinclair] nhìn nhận họ cần phải nghiên cứu nghiêm trọng những truyển thống triết học của Đông Phương).

Trong thời điểm mà người Tây Phương đang khám phá triết học Đông Phương, Kim Định cũng khám phá một giải pháp cho sự bế tắc mà triết học Tây Phương đã đối đầu lúc đó, đồng thời vạch ra một lối đi cho Việt Nam thời hậu thuộc địa.

Tôi nghĩ chúng ta có thể phác họa tiến trình lô gích trong tư tưởng Kim Định như sau:

1. Việt Nam cần một triết lý hướng dẫn, nhưng lúc đó “triết lý” chỉ giới hạn trong truyền thống Tây Phương.

2. Triết lý Tây Phương đang trong thời khủng hoảng.

3. Triết lý Đông Phương, lúc đó đang bắt đầu được các học giả Tây Phương chú ý, có thể giúp triết lý Tây Phương.

4. Nền tảng của triết lý mới [kết hợp Đông và Tây] có thể trở thành triết lý hướng dẫn cho Việt Nam (và trên nguyên tắc có thể thành một triết lý cho mọi dân tộc trên thế giới).

5. Để dân tộc Việt Nam có thể chấp nhận triết lý Đông Phương như nền tảng xã hội, ta phải vượt qua những thành kiến dân tộc bằng cách chứng minh rằng Kinh Dịch và những tư tưởng Khổng giáo không phải là của “Trung Hoa.”

6. Kim Định đọc sách khảo cứu của những nhà chuyên gia Trung Hoa học ở phương Tây như Herrlee Creel và Wolfram Eberhard trong đó họ nói rằng văn minh Trung Hoa thời cổ thật ra có tầm mức nhỏ hơn nhiều (chỉ giới hạn chung quanh sông Hoàng Hà) so với những gì mọi người đã tưởng trước đó. Từ đó Kim Định đưa ra lập luận, nhưng không hề dựa trên những bằng chứng chắc chắn, rằng có những dân tộc [thuộc dòng giống Việt] trong khu vực sông Hoàng Hà đã sáng tạo những tư tưởng mà về sau trở thành nền tảng cho Kinh Dịch và Khổng giáo.

Tóm lại, tôi nghĩ Kim Định chú trọng gần như hầu hết vào những lĩnh vực hàn lâm chuyên môn trong thời đại ông để không còn thì giờ để ý hay so sánh phương pháp của ông với cách sáng tác hay diễn giải của các nhà văn, nhà phê bình văn học về những tài liệu văn chương. Sứ mệnh của ông là phải thuyết phục đồng bào ông rằng Kinh Dịch và truyền thống văn hóa Đông Phương có một vị trí cốt yếu trong xã hội Việt Nam — điều mà những người trẻ theo phong trào cải cách xã hội thời bấy giờ không quan tâm mấy.

Sach Kim Dinh

Những tác phẩm của Kim Định xuất bản tại Sài Gòn trước 1975

(11) Ông đã phát biểu trên blog rằng “Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã áp dụng những tư tưởng của Kim Định cho những ý đồ rất khác với việc ‘đẩy mạnh bước tiến của học thuật’ vì Trần Ngọc Thêm xuyên tạc những tư tưởng đề cập trong sách của Kim Định, như trường hợp về Will Durant.” Nhưng qua những bài tôi đã được đọc của Trần Ngọc Thêm, ông ta có vẻ ôn hòa và cũng khá sáng tạo, như trong bài học thuật phân tích văn hóa ngồi và văn hóa đi. Các đồng nghiệp của Trần Ngọc Thêm, trái lại, có vẻ kém giáo dục và hung hăng hơn nhiều, khi họ thảo luận về quan điểm sử học của ông [Liam Kelley] hoặc của Tạ Chí Đại Trường.

Tôi đồng ý với bà là có những người “kém giáo dục và hung hăng” hơn Giáo sư Trần Ngọc Thêm, nhưng tôi nghĩ quyển sách giáo khoa [Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam] của Trần Ngọc Thêm có những khiếm khuyết trầm trọng trong cách sách này coi giống nòi Việt Nam là một giống nòi đặc biệt, hơn hẳn những chủng tộc khác. Tôi đã viết hàng loạt những bài viết về đề tài [kỳ thị chủng tộc] này, bắt đầu với bài sau đây:

https://leminhkhai.wordpress.com/2016/03/02/racism-in-vietnamese-scholarship-part-1/.

Nói cho cùng, mọi cuốn sách giáo khoa ở một khía cạnh nào đó là thể hiện của nền học thuật đã được chính trị hóa. Câu hỏi cần được đặt ra là mục đích của một cuốn sách giáo khoa có hiệu lực cho thời đại mà chúng ta hiện sinh sống hay không.

Cách đây 50 năm, lớp căn bản mà các sinh viên sử ở Hoa kỳ học là “Văn Minh Tây Phương.” Hiện nay lớp sử được dạy thường xuyên ở các đại học là “Lịch sử Thế Giới.” Yếu tố nào đã tác động sự thay đổi này? Nghĩ cho cùng thì đó là một quyết định chính trị. Mọi người đã đồng tâm là Mỹ và thế giới sẽ trở thành tốt đẹp hơn nếu những công dân Mỹ được mở rộng kiến thức về thế giới, thay vì nghĩ rằng họ là phần tử của một tiến trình lịch sử đặc biệt và siêu cường đã tạo nên “Văn Minh Tây Phương.”

Lý lẽ chính trị nào đằng sau sách giáo khoa [Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam] của Trần Ngọc Thêm? Tôi sẽ để người khác bàn luận về chuyện này, nhưng chắc chắn là có một mục tiêu chính trị.

(12) Ít nhất Trần Ngọc Thêm cũng nhìn nhận những khuyết điểm trong dòng tư tưởng của Kim Định, http://www.vanhoahoc.edu.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-co-trung-dai-o-viet-nam/2253-tran-ngoc-them-kim-dinh-voi-viec-nghien-cuu-van-hoa-viet-nam.html

Tôi nghĩ sẽ thú vị hơn nếu bà đọc cách Trần Ngọc Thêm “tôn vinh” Kim Định. Ông ta phàn nàn chuyện nhân dân Bắc Việt trong quá khứ đã bị khối cộng sản quốc tế bắt buộc không được biểu lộ văn hóa dân tộc. Rồi ông ta ca ngợi Kim Định là người yêu nước, yêu dân tộc, đồng thời thành quả của Kim Định trong công cuộc quảng bá giá trị tinh thần đặc thù của dân tộc. Như ai cũng thấy, đây cũng là những tuyên truyền của chính quyền Việt Nam từ thập niên 1990.

Ở khía cạnh này, Việt Nam rập khuôn Trung Hoa trong cách là cả hai quốc gia, bắt đầu từ các thập niên 1980-1990, đã ngoảnh mặt với chủ nghĩa xã hội để tôn vinh dân tộc chủ nghĩa và truyền thống văn hóa. Một số học giả đã gọi hiện tượng này là “thời kỳ cuối của Xã hội Chủ Nghĩa.”

Tôi đề cập đến điểm này để chứng minh rằng ta không thể tin những gì Trần Ngọc Thêm viết về Kim Định, vì mọi lập luận của ông ta có nội dung chính trị hay bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng chính trị của thời điểm ông soạn sách. Ông ta không thể thảo luận về Kim Định trong một bối cảnh hàn lâm chuyên môn nào. Ông ta bảo ưu điểm của Kim Định là chuyện Kim Định có bằng tốt nghiệp chuyên ngành triết Tây, nhưng Trần Ngọc Thêm chưa hề thảo luận về truyền thống tư tưởng Tây Phương mà Kim Định đã được ảnh hưởng, như cách Kim Định khai triển những khám phá của Marcel Granet và Claude Lévi-Strauss. Trần Ngọc Thêm không có một ý kiến nào hết (hay ít nhất chưa bao giờ bày tỏ trong những bài viết của ông ta), trong khi những tư tưởng của [Granet và Lévi-Strauss] có tầm mức vô cùng quan trọng đối với Kim Định và những tác phẩm của Kim Định.

Tóm lại, tôi chưa bao giờ đọc bất cứ một bài viết nào của Trần Ngọc Thêm, kể cả bài bà vừa dẫn ở trên, mà trong đó ông chứng tỏ là ông đã thực sự hiểu những tư tưởng của Kim Định.

(13) Ở trên ông nói rằng, “Chưa một sử gia nào của Việt Nam đã có một trình độ kiến thức tinh vi về những tư tưởng và lý thuyết hàn lâm trong bối cảnh học thuật quốc tế như Kim Định, và xứ sở Việt Nam cũng chưa bao giờ có một văn hóa hàn lâm thực sự quan tâm đến việc tăng cường kiến thức về lịch sử Việt Nam.” Ông không nói tới Giáo sư Nguyễn Thế Anh, thầy cố vấn của Tạ Chí Đại Trường, người đã dạy sử Việt ở đại học Sorbonne và cũng là thầy của rất nhiều các sử gia danh tiếng trên thế giới. Và ông cũng quên không nhắc đến cố học giả Hoàng Xuân Hãn, một nhà trí thức kỳ cựu của Việt Nam.

Nguyễn Thế Anh là một sử gia kỳ cựu, và cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng là một sử gia kỳ cựu, nhưng cả hai đều thuộc về một “týp” sử gia. Họ không tham gia vào những tranh luận về lý thuyết, và cả hai cũng không khái niệm hóa về quá khứ với phong thái linh động như Kim Định. Kim Định linh động vì ông đã có cái nhìn “đa khoa” và nhu nhuyễn về lý thuyết từ nhiều năm trước khi khuynh hướng này trở nên thịnh hành. Còn theo tôi thì Nguyễn Thế Anh và Hoàng Xuân Hãn ít khi nào thảo luận những tư tưởng của những nhà nhân chủng học, ngôn ngữ học, hay triết học khác ….

(14) Trở về di bút của Tạ Chí Đại Trường, trong đó sử gia bàn về Bình Nam đồ và bài viết năm 2004 của Huỳnh thị Anh Vân trong tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử. Bài viết của Huỳnh thị Anh Vân lại đề cập tới những diễn giải của học giả Li Tana và David Bulbeck về Bình Nam đồ. Tại sao Tạ Chí Đại Trường lại đề cập tới bài viết của Huỳnh thị Anh Vân, trong khi bài viết ấy đã xuất bản 11 năm trước khi Tạ Chí Đại Trường viết di bút?

Tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta thấy Tạ Chí Đại Trường bắt đầu với bài luận án tiến sĩ đệ trình tại đại học Michigan [của Brian Zottoli]: Reconceptualizing Southern Vietnamese History from the14th to 18th Centuries: Competition along the Coasts from Guangdong to Cambodia. Một người bạn chuyển cho Tạ Chí Đại Trường bài luận án này, làm tác động dòng tư tưởng của sử gia … và những ý nghĩ của ông nhảy từ điểm này qua điểm khác, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể thấy vấn nạn chính trong những tư tưởng mà ông phát biểu – là lĩnh vực lịch sử Việt nam thời tiền hiện đại, đã, và cũng sẽ tiếp tục là một lĩnh vực rất yếu kém trong nước cũng như ngoài nước.

Tại sao lại có chuyện này? Thứ nhất, sẽ không ai hiểu được lịch sử Việt Nam thời tiền hiện đại nếu không đọc được chữ Hán. Và cũng không ai hiểu được chữ Nôm nếu không biết chữ Hán. Trong những lĩnh vực khác đó là điều hiển nhiên. Không một sử gia nào của văn minh cổ La Mã hay văn minh cổ Hy Lạp có thể kiếm được việc làm hay có cơ hội xuất bản nếu họ không biết đọc chữ La-tinh hay chữ Hy Lạp cổ. Nhưng không hiểu sao chuyện [không đọc được chữ Hán hay chữ Nôm] đã được dung túng ở hậu bán thế kỷ 20, trong và ngoài Việt Nam, và vì thế lĩnh vực lịch sử Việt Nam thời tiền hiện đại đã bị sa sút từ đó.

Tôi không biết rõ về kinh nghiệm sử học thời sinh viên của Tạ Chí Đại Trường. Nhưng trong quãng đời sau này ông ít khi nào có cơ hội được trực tiếp truy cập những tư liệu trong nguyên văn Hán cổ, cho nên ông đã phải dựa vào những bản dịch hiện đại của những văn bản cổ. Dù sao thì trong một lúc nào đó ông đã đạt được một căn bản Hán tự vững chắc để giúp ông đọc những bản dịch với tầm hiểu biết chính xác hơn những học giả đã bài bác ông.

Tạ Chí Đại Trường lớn lên trong thời điểm mà những vị quan cũ của triều đại nhà Nguyễn hấp thụ văn hóa Nho giáo vẫn còn tồn tại. Nhưng khi những vị quan này dần dần qua đời trong thập niên 1960, kiến thức ngôn ngữ và văn hóa của họ cũng bị phôi pha. Bị rẻ rúng trong nước sau đó như biểu hiện của “văn hóa lạc hậu phong kiến” và bị coi là không nguyên chất “Đông Nam Á” tại nhiều đại học ở Mỹ, chữ Hán cổ và truyền thống Nho giáo ở Việt Nam đã không còn được coi như những yếu tố cốt yếu để tìm hiểu về quá khứ dân tộc Việt, không như kiến thức La-tinh cho văn minh cổ La Mã hay văn minh thời Trung Cổ ở Âu Châu. Những sinh viên lịch sử trong nước hiện nay chỉ học Hán tự trong một thời gian rất ngắn, chỉ khoảng một, hai học kỳ. Sự nới lỏng về điều kiện kiến thức ngôn ngữ cho những nguồn tư liệu chính đã suy giảm phẩm chất môn sử học về thời tiền hiện đại, cả trong và ngoài nước.

Cộng vào đó là những yếu tố chính trị, bất kể về tình hình Việt Nam, trong môi trường hàn lâm hay ở phương diện cá nhân đã ảnh hưởng tới lĩnh vực sử học của Việt Nam, và ta có thể tưởng tượng được nỗi buồn thấm thía của Tạ Chí Đại Trường về hiện trạng học thuật thời tiền hiện đại, nhất là ông lại là một trong số rất ít các sử gia vào ngành trong hậu bán thế kỷ 20 vẫn còn trung thực với nghề nghiệp và sứ mệnh sử gia của mình. Đây là cách mà tôi đã thấy sự liên kết giữa Bình Nam đồ và những vấn đề khác trong di bút. Tất cả những điều này đã làm Tạ Chí Đại Trường suy niệm về sự yếu kém mãn tính trong lĩnh vực sử học tiền hiện đại, cũng như chuyện ông đã bị đẩy vào vị trí bên lề, trong khi ông là một sử gia ngoại hạng.

(15) Xin ông vui lòng cho một lời kết về “mối tương giao tri âm tri kỷ” với Tạ Chí Đại Trường.

Khi tôi mới nhận được tin ông qua đời, tôi rất ân hận đã không cố gắng hơn để gặp mặt ông lúc ông còn sống. Nhưng đồng thời tôi cũng rất hân hạnh đã có “mối tương giao tri âm tri kỷ” với ông. Chuyện tình bạn này được dựa hoàn toàn trên tư tưởng thay vì những thứ khác đã chứng minh sức mạnh của khối tư tưởng mà chúng tôi đã chia sẻ.

Trong tương lai sẽ không ai tranh cãi chuyện những vua Hùng là một truyền thống được phát minh trong thời đại trung cổ, và đã được dùng như dụng cụ mị dân bởi các nhà cầm quyền của những thế kỷ sau này. Những bài mà Tạ Chí Đại Trường và tôi xuất bản về đề tài này là những tài liệu sử học vững mạnh nhất từ trước tới nay. Chuyện một sử gia của miền Nam Việt Nam và một sử gia đã lớn lên ở một chỗ rất xa Việt Nam – một vùng quê của tiểu bang Vermont – lại là hai cá nhân trên thế gian đồng ý về một hiện tượng lịch sử và cũng chứng minh được nó đã làm tôi hứng khởi về tương lai sử học tiền hiện đại, và nó cũng cho tôi thấy rằng nền học thuật tốt luôn cần những sử gia nắm vững kinh nghiệm nghề nghiệp và trung thực với những nguồn tài liệu của mình. Tôi vô cùng hân hạnh được sử gia Tạ Chí Đại Trường coi tôi là một đồng nghiệp như vậy, và tôi hết mình tôn trọng ông cũng ở tư cách đó.

TCĐT

Sử gia Tạ Chí Đại Trường

Chân thành cám ơn Giáo sư Liam Kelley đã dành cho Da Màu nhiều thời gian quý báu để trả lời bài phỏng vấn.

Articles by Đinh Từ Bích Thúy

Comments


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

15 Comments

  • Ngọc Hoàng ngồi tựa ngai dzàng
    Thấy con uống rượu hai hàng luỵ rơi
    Tưởng rằng con uống con chơi
    Ai dè con uống con rơi xuống sình !
    (Ca dao miền Nam)

    Bài ca dao trên bất cứ đệ tử Lưu Linh nào ở miền Nam trước đây cũng đều biết. Nhất là khi xảy ra trường hợp một anh nào đó đang say xỉn bước đi chân Nam đá chân Xiêu ngã lăn quay dọc đường.

    Không hiểu sao, GS Kim Định lại đem bài nầy vào sách của ông một cách rất trang trọng. Ông cho rằng chỉ có trong xã hội Việt Nho mới tìm thấy sự liên hệ giữa Trời và Người ngộ nghĩnh như vậy. Chuyện nầy không thể tìm thấy nơi nhiều tôn giáo thờ kính Thượng Đế tối cao. Bài ca dao trên, xem ông Trời là cha. Người là con (dù là con hư). Chỉ có tình cha con thôi, chẳng có uy lực gì khác. Trời còn phải rơi luỵ mà. Bài ca dao vừa bi vừa hài. Vừa tương kính nhưng cũng tương nhường trong mối liên hệ giữa Thần Quyền và Nhân Quyền.

  • Võ Tấn Phong says:

    Trích phản hồi của ông Nguyễn Thiếu Dũng:

    “Tôi cùng thế hệ với TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG, Tôi rất ngưỡng mộ văn phong của ông, nhưng những gì ông đánh giá về thời đại HÙNG VƯƠNG thì tôi cho là khiếm nhã và bất kính đối với tổ tiên, TCĐT tự thị là mình đủ kiến thức để nhạo báng thời đại này, nhưng ông đã lầm vì sở học của ông về thời đại này quá hạn chế. Tôi sẽ không bàn cãi với ông vì ông đã đi về cảnh giới khác, tôi sẽ thảo luận với KELLEY, người đồng quan điểm với ông.”

    Đây không phải là cách tranh luận. Tôi có thể đứng về phía ông Tạ Chí Đại Trường hỏi ngược lại: Ông Nguyễn Thiếu Dũng và những người bịa chuyện Hùng Vương là khiếm nhã và bất kính với tổ tiên.

    Các nhà sử học như ông Nguyễn Thiếu Dũng chứng minh chưa thuyết phục, giới làm sử còn nghi ngờ, thì các ông đã kéo tổ tiên vào cho thêm nặng ký. Sử học cũng như mọi khoa học khác không bao giờ bất biến, những phát hiện sau có thể đánh đổ những quan niệm cũ. Nhưng chỉ có thể dùng lý luận, bằng chứng khảo cổ, bằng chúng di truyền học, v.v. để chứng minh quan niệm của mình, dù nó có đi ngược lại tinh thần yêu nước hay những tình tự dân tộc đi nữa.

  • Kinh Dịch là một nền văn minh

    Riêng đối với VN, những học giả lớn như Phan Bội Châu, Kim Định, Nguyễn Hiến Lê cũng đều xem Kinh Dịch là một nền văn minh, như học giả thế giới. Kim Định đặc biêt hơn, ông đề ra hẳn một học thuyết để trước tác sách. Ý kiến của Kim Định về thuyết người Bách Việt từng đóng dấu ấn lên bộ Kinh Dịch, là đồng tác giả (với người Hán) của nó, là một phát kiến độc đáo và thú vị. Chỉ có thế. Nó hoàn toàn trình bày trên bình diện học thuật và nghiên cứu.

    Vì xem là một nền văn minh thì không cần thiết phải tốn công tuyên bố ai làm chủ. Người VN hiện tại dùng chữ Quốc Ngữ thì người Pháp có cần chứng minh dân tộc France là sở hữu đầu tiên của chữ QN hay không. Chả cần. Người Anh cũng chẳng cần dành phần ngôn ngữ đối với văn hào Mark Twain của Mỹ.

    Trong thực tế đời sống, có rất nhiều cái cần phải xác định chủ quyền rõ ràng. Như lằn ranh biên giới. Một hòn đảo. Một vùng trời. Như tác giả một trang sách, một bài thơ. v.v… Còn một nền văn minh thì hầu như là tài sản chung của nhân loại. Nó là một tiến trình kéo dài và biến hoá. Trước đây có ý kiến ở VN cho rằng thơ lục bát xuất xứ là của người Chăm. Tôi thấy ý kiến này rất thú vị về mặt ngiên cứu. Ngay cả nếu người ta đưa ra được bằng cớ như vậy thì vẫn không thể từ chối được giá trị của Truyện Kiều Nguyễn Du hay kho tàng ca dao của người Việt. Ngoài ra, theo tôi, chẳng có tự hào hay không tự hào gì ở đây cả. Vấn đề là anh trước tác được cái gì có giá trị để góp phần vào tài sản chung văn minh đó.

  • Khách Quan says:

    Nhân chuyện tranh cãi giữa ông Nguyễn Thiếu Dũng và Black Raccoon,tôi tự nhiên liên tưởng tới những bài học mà tôi đã phải “học” trong trại “tù cải tạo” ở VN.
    Giới cán bộ tuyên truyền CS đưa ra những bài học đại loại như “Đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân VN và loài người tiến bộ trên thế giới” và họ chứng minh cũng có bằng cớ hẳn hoi,chứ không phải kiểu “trời ơi đất hỡi”!
    Tiếc là họ ngụy biện vì bài học đó được coi như một định đề (áp đặt) mà họ coi là chân lý và tù nhân phải lý luận trong “khuôn khổ” định đề này.
    Nếu ông Nguyễn Thiếu Dũng chứng minh được rằng “Kinh Dịch là của người VN “thì thật
    đáng phục”!

  • HÃY NHỚ MỘT ĐIỀU GS KIM ĐỊNH CHỈ MỚI ĐƯA RA VIỄN KIẾN KINH DỊCH LÀ CỦA VN CHỨ CHƯA CHỨNG MINH ĐƯỢC, TÔI MỚI LÀ NGƯỜI CHÚNG MINH VỚI ĐỦ MỌI BẰNG CHỨNG, ÔNG B R HÃY TÌM ĐỌC NHŨNG CHỨNG MINH CỦA TÔI … (NTD)

    @ Nguyễn Thiếu Dũng

    Rất tiếc tôi chưa bao giờ có ý tìm hiểu “Trung Thiên Đồ” gì đó của ông. Cho nên cám ơn ông về lời khuyên nên tìm đọc nó. Tôi xin chúc mừng ông vì lời ông nói rằng đã chứng minh được Kinh Dịch là của VN. Tôi thì chưa bao giờ nghĩ rằng chuyện của VN hay của ai là quan trọng. Tôi nghĩ đơn giản về mặt trước thuật, ai xuất bản công trình có giá trị, hoặc hay ho thì mọi người sẽ tìm đọc. Xin ông cứ xuất bản sách nghiên cứu của mình, biết đâu sẽ vang danh bốn biển đấy.

    Chúc ông vui khoẻ
    br.

  • CÁM ƠN ĐINH TỪ BÍCH THÚY

    Xin lưu ý tôi là người nghiên cứu độc lập nên nhận xét này không liên hệ đến tôi

    “người đọc nghĩ đây cũng là một trường hợp bất đồng tiêu biểu giữa quan điểm sử học của học giả trong nước và ngoài nước?”

    Tôi không đại diện cho họ và họ cũng không cùng lý tưởng với tôi, mọi việc trùng hợp nếu có chỉ là ngẫu nhiên.

    Giữa tôi và ông KELLEY chỉ có một vấn đề, sử học phải là sự thật, nói phải có chứng cớ, phải chứng minh tài liệu sử học của mình có đúng sự thật không, nếu không chứng minh được chỉ là sử học của người mù sờ voi, sờ đâu nói đó.

    Khi ông Kelley khẳng định “chuyện những vua Hùng là một truyền thống được phát minh trong thời đại trung cổ”, mà họ không phản ứng lại là thuộc về lương tâm và trách vụ của họ, không phải là chuyện của tôi. Tôi chỉ vì danh dự của người tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên bắt buộc phải lên tiếng mà thôi.

    Khi Keith Weller Taylor đưa ra quan điểm này “ Tôi nghĩ sứ mệnh của sử học [tốt] là việc độc lập khảo sát những di tích lịch sử từ nhóm người đã có sự hiện hữu [ở khu vực này], thay vì dùng di tích về giống người này để chứng tỏ họ là tổ tiên của con người hiện đại. Lịch sử Việt Nam không cho ta thấy một diễn tiến quy củ, lô-gích giữa quá khứ và hiện tại” tôi muốn hỏi tại sao ông muốn đưa ra cách nhìn đơn côi về một sự kiện lịch sử mà không đặt nó vào trong cái nhìn liên hợp.

    Ông sẽ giải quyết thế nào về mối liên hệ KINH DỊCH của VN tức tổ tiên ta có liên hệ với KINH DỊCH, trên văn hóa di chỉ PHÙNG NGUYÊN VÀ TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN đều có khắc quẻ DỊCH vậy những di chỉ đó có liên hệ với tổ tiên ta không, ta đang giữ TRUNG THIÊN ĐỒ bảo vật chứng minh KINH DỊCH CỦA VN, Vậy ta có mối liên hệ với KINH DỊCH với tổ tiên ta không, hay ta ở từ TRUNG CỔ ngoi lên.

  • BBT Da Màu says:

    BBT Da Mau
    1:32 PM, May 15 (6 hours ago)

    Kính thưa ông Nguyễn Thiếu Dũng,

    BBT xin lỗi ông đã gặp rắc rối khi gửi ý kiến qua phần comment. Nếu có thể, xin ông vui lòng gửi ý kiến qua email tới tòa soạn, bietntap@damau.org. Chúng tôi sẽ cho hiển thị ở phần comment sau khi nhận được.

    Đôi khi nếu ý kiến có nội dung dài, khi gửi qua phần comment sẽ nhận được error message — có thể vì trang comment hay “captcha code” ở cuối comment cần refresh. Trong những lần sau, có lẽ cách tốt nhất là soạn trước lời góp ý trong Word, rồi copy (cắt dán) vào phần comment dưới một bài viết, như vậy trang comment không bị “đợi” quá lâu, và như thế cũng tránh chuyện comment bị “biến mất” sau khi gửi vì error message. Nhưng lần này xin ông cứ gửi comment qua email tòa soạn.

    Chân thành cám ơn ông,
    BBT Da Màu

    BBT Da Mau
    1:40 PM (6 hours ago)

    Kính ông Nguyễn Thiếu Dũng,

    Xin lỗi ông, ở thư trước chúng tôi sơ ý có typo trong địa chỉ tòa soạn. Xin ông gửi lại ý kiến về địa chỉ bientap@damau.org

  • NGUYỄN THIẾU DŨNG says:

    quí vị có chấp nhận những dị biệt như tuyên bố của quí vị hay là quí vị làm như nhận xét của TT THIỆU, CHẬN ĐỨNG VÀ KIỂM DUYỆT NHƯ BỘ 4T.
    TUY BẤT ĐỒNG VỚI KELLEY NHƯNG TÔI VẪN PHỤC ÔNG NÀY, MỘT NGƯỜI HAM ĐỌC GIÀU KIẾN THỨC VÀ HÀNH XỬ RẤT DÂN CHỦ, KHÔNG BAO GIỜ NGĂN CHẬN NHỮNG PHÁT BIỂU CỦA NGƯỜI ĐỐI THOẠI DÙ CHO CÓ HẠI CHO ÔNG.
    CAC VỊ Ở NƯỚC NGOÀI THỞ HÍT BẦU KHÍ TỰ DO DÂN CHỦ NHƯNG TẠI SAO LẠI KHIẾP SỢ SỰ THẬT, HÀNH XỬ NHƯ QUÍ VỊ THÌ BAO GIỜ DÂN TRÍ VN MỚI NGÓC ĐẦU LÊN ĐƯỢC, CÁC BẠN CÒN TRẺ HÃY CỐ GẮNG HỌC TẬP PHONG CÁCH CỦA GS KELLEY ĐI
    BÌNH LUẬN VỪA RỒI CỦA BLACK RACCOON HOÀN TOÀN SAI LẦM ẤU TRĨ, NÓI HÀNG HAI CHO ĐƯỢC LÒNG NGOẠI NHÂN CHƯA THOÁT ĐƯỢC CĂN TÍNH NÔ LỆ. HÃY NHỚ MỘT ĐIỀU GS KIM ĐỊNH CHỈ MỚI ĐƯA RA VIỄN KIẾN KINH DỊCH LÀ CỦA VN CHỨ CHƯA CHỨNG MINH ĐƯỢC, TÔI MỚI LÀ NGƯỜI CHÚNG MINH VỚI ĐỦ MỌI BẰNG CHỨNG, ÔNG B R HÃY TÌM ĐỌC NHŨNG CHỨNG MINH CỦA TÔI ĐÃ RỒI HÃY PHÁT BIỂU VỀ NGUỒN GỐC KINH DỊCH, ÔNG ĐANG DÙNG NHỮNG TÀI LIỆU SỬ HỌC TỒI NHƯ KELLEY NÓI ĐẤY.

  • 嶺南摭怪列傳
    Lĩnh Nam Trích Quái Liệt Truyện

    Kim Định và LNTQ

    – Lĩnh Nam Trích Quái nghĩa là tuyển chọn những truyện kỳ quái trong dân gian Lĩnh Nam, tác giả Trần Tế Pháp vào cuối nhà Trần
    – Kim Định đề nghị chỉ nên xem 15 truyện đầu của LNTQ, và đây chính là quyển kinh gối đầu của dân tộc VN. Một loại huyền sử hay tiềm thức cộng thông collective unconscious của người Việt.
    – Ông cũng đề nghị viết là chữ 摘 thay vì 摭. Trích 摘 là hái trái trên cây, trích bao hàm nghĩa chọn lựa như trích dẫn. Trong khi chích, trích 摭 chỉ là nhặt lên như nhặt củi, nhặt trái cây trong rừng.

    Đúng là nội dung nhiều truyện trong LNTQ, 15 truyện đầu, được viết vận hành theo triết học Âm Dương Ngũ Hành của Kinh Dịch. Nhưng khẳng định như đinh đóng cột rằng Kinh Dịch của VN không phải của TH thì khá võ đoán – assume. Ngay Kim Định cũng chỉ gợi ý người Bách Việt là đồng tác giả với tộc Hán hình thành bộ Dịch Kinh như ngày nay. Theo Kim Định, Phục Hi & Nữ Oa thuộc Việt Tộc khơi mào Âm Dương 2 nét liền đứt trước, sau đó Văn Vương hệ thống lại và Khổng Tử san định cũng như chú giải. Kim Định cho rằng Khổng Tử người nước Lỗ là đại diện xuất sắc của Vương Nho. Thời Đế Nghiêu Đế Thuấn là Đế Nho. Các thuật ngữ này hoàn toàn do Kim Định đề ra.

    Ngoài ra, theo thiển ý của tôi, sách LNTQ được viết vào thời nhà Trần, cũng chưa chắc nội dung bàng bạc Kinh Dịch có nghĩa tác quyền Kinh Dịch thuộc Việt Tộc. Bởi vì chuyện cũng có thể nguợc lại: Trần Thế Pháp là nho sĩ hậu thế sẽ dựa vào tinh thần Dịch Kinh để viết. Người Bách Việt rất có thể đã sở hữu âm dương 2 nét song trùng liền đứt. Nhưng từ 2 nét đó để trở thành bộ kinh điển đầy đủ biểu tượng và hào từ là một khoảng cách rất xa. Nếu cứ lý luận kiểu dành lấy “tác quyền” theo con đường tắt như vậy thì người TQ họ cũng có thể nói họ chính là chủ nhân ông của khoa học hàng không ngày nay vì họ đã từng có Tôn Ngộ Không … bay được đấy ! Hoặc giả, người Ấn Độ cũng có thể cho rằng âm dương ngũ hành nước lửa đất trời vốn của Ấn Giáo từ khuya. Theo tôi, tranh nhau “thương hiệu” không bằng chứng tỏ phẩm chất. Người Nhật là ông tổ của Judo nhưng họ cũng bị mất chức vô địch vào tay người nước khác như thưòng.

    http://sachxua.net/forum/index.php?topic=286.525
    https://trandinhhoanh.wordpress.com/linh-nam-chich-quai/

  • NGUYỄN THIẾU DŨNG says:

    TÔI GỞI Ý KIẾN KHÔNG ĐƯỢC

  • Hùng Vương 雄王

    Thật ra GS Lương Kim Định cũng chưa bao giờ khẳng định 18 đời Hùng Vương theo nghĩa của biên niên sử – chronicle dựa trên sự kiện. Bởi vì chỉ cần làm con tính đơn giản, 18 dời chia cho 2600 năm (2879 TCN – 258 TCN), vị chi mỗi ông dzua thọ tới 140 tuổi hay sao. Cái dzì dzữ dzậy? Nói đùa cho vui thôi.

    龍君曰:「我是龍種,水族之長,你是仙種,地上之人。雖陰陽氣合而有子,然水火相剋,種類不同,難以久居。今相分別,吾將五十男歸水府,分治各處。五十男從汝居地上,分國而治。登山入水,有事相聞,無有相廢。」(嶺南摭怪列傳 – 鴻龐氏傳)

    Long Quân viết: [Ngã thị long chủng, thuỷ tộc chi trưởng, nễ thị tiên chủng, địa thượng chi nhân. Tuy âm dương khí hợp nhi hữu tử, nhiên thuỷ hoả tương khắc, chủng loại bất đồng, nan vi cửu cư. Kim tương phân biệt, ngô tương ngũ thập nam quy thuỷ phủ, phân trị các xứ. Ngũ thập nam tùng nhữ cư địa thượng, phân quốc nhi trị. Đăng sơn nhập thuỷ, hữu sự tương văn, vô hữu tương phế. ] (Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện – Hồng Bàng Thị Truyện)

    The Dragon Lord said, “I am of dragon stock, and am the leader of the water lineage. You are of immortal stock, and are an earthly being. Although the khí/qi of yin and yang coalesced to produce sons, water and fire contradict each other. We are of different types, and it would be difficult for us to live [together] for long. We should now part. I will take fifty sons and return to the water palace where they will each be allotted a place to rule. fifty sons will follow you to live on the land, and will divide the kingdom and rule. Whether one ascends the mountains or enters the waters, all will know if others have difficulties and will not abandon each other.” (Liam Kelley translated)

    Phiên dịch:

    Long Quân nói: “Tôi là loài Rồng, sinh trưởng dưới nước, em là giống Tiên, con người trên mặt đất. Tuy là khí âm dương hợp nhau nên có con (trai), nhưng nước lửa vốn khắc nhau, chủng loại cũng không giống, khó mà cùng sống với nhau lâu. Nay đến lúc rời xa. Tôi sẽ đem năm mươi con trở về thuỷ phủ, chia nhau các nơi mà cai trị. Năm mươi đứa con theo nàng ở đất liền, lập thành quốc gia mà trị vì. Lên núi xuống biển, có chuyện thì cùng nghe, không được bỏ nhau.”

    50 con theo mẹ Âu Cơ về đồng bằng đó là Hùng Vương lập nước tên và Văn Lang chia thành 15 bộ, và kéo dài 18 đời. Theo GS Kim Định, đoạn huyền sử trên được viết vận hành trong triết học Âm Dương Ngũ Hành của Kinh Dịch (sau này). Những con số 18, 15 đều là huyền số của triết học. Kiểu 3 hồn chín vía, nam thất nữ cửu, Cửu Thiên Huyền Nữ v.v… Hùng Vương 雄王, mà tại sao lại Hùng? Hùng 雄 vì đó là kết quả đương nhiên của non nước. Trí giả nhạo thuỷ nhân giả nhạo sơn. Cha trí lấy mẹ nhân thì sinh ra con hùng. Thuỷ và sơn còn có một tên trong Kinh Dịch gọi là Sơn Thuỷ Mông 蒙. Mông 蒙 là mông lung mờ mịt, tượng của bao la bát ngát. Trẻ con cũng gọi là mông vì trí óc của chúng đầy sự tưởng tượng bao la. Người bình dân VN ngày xưa hay thờ Tổ Tiên với bức tranh sơn thuỷ và 2 câu thơ:

    Công cha như núi Thái Sơn
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

    GS Lương Kim Định đề xướng học thuyết Việt Nho là vì thế. Một mặt ông trước tác khá nhiều sách để giới thiệu một cách hàn lâm (và cả văn học). Một mặt ông vẫn để ngỏ một chủ đề rất cần quảng diễn và tiếp tục. Rất tiếc, vì biến động thời cuộc VN, một phần nữa đúng như Mr. Liam Kelley nhận xét: dường như chưa có ai tiếp tục đủ sức trình bày (hoặc phản biện) học thuyết của Kim Định một cách đúng đắn trên tinh thần học thuật.

  • Cám ơn quý ông Black Raccoon và Nguyễn Thiếu Dũng đã góp ý.

    Kính thưa ông Nguyễn Thiếu Dũng – BBT Da Màu đã kiếm được một số thông tin về “Kinh Dịch là của Người Việt” của ông trên internet. Để tiện việc tra cứu cho các độc giả, chúng tôi xin được liệt kê dưới đây:

    http://www.baomoi.com/nguoi-chung-minh-kinh-dich-co-nguon-goc-viet/c/10069500.epi

    vansisagiang.com/Articles/TRUNG%20THIEN%20DICH%20SO.pdf

    Chúng tôi nhận ra đường dẫn (link) trong phần góp ý của ông về cuộc tranh luận giữa ông và giáo sư Liam Kelley không phải là link tốt, nên đã liên lạc với giáo sư Kelley, và được ông Kelley gửi lại hai links sau đây:

    https://leminhkhai.wordpress.com/2013/11/29/the-yijing-kinh-dich-and-alien-messages/ (version Anh ngữ)

    https://leminhkhaiviet.wordpress.com/2013/11/30/kinh-dich-va-nhung-thong-diep-lac-long/ (bản dịch Việt ngữ)

    Bản Anh ngữ trình bày khá đầy đủ bối cảnh tranh luận về đề tài kinh dịch giữa ông Nguyễn Thiếu Dũng và giáo sư Kelley, cùng các trao đổi/comment của những độc giả khác. Bản Việt ngữ chỉ bao gồm hai comments chính – của ông Nguyễn Thiếu Dũng và giáo sư Kelley.

    Đọc những trao đổi của ông Nguyễn Thiếu Dũng về Kinh Dịch với người trong nước, và với giáo sư Kelley, người đọc nghĩ đây cũng là một trường hợp bất đồng tiêu biểu giữa quan điểm sử học của học giả trong nước và ngoài nước?

    Sử gia Keith Weller Taylor, trong quyển A History of the Vietnamese (Cambridge University Press: 2013) có lẽ cũng đồng quan điểm với giáo sư Kelley, vì ông Taylor đặt nghi vấn về khái niệm “bản sắc” dân tộc Việt xuất xứ từ thời thượng cổ.

    Ông Taylor viết trong phần Giới Thiệu:

    Những học giả Việt Nam đã cố gắng thiết lập một khái niệm về bản sắc dân tộc bắt nguồn từ thời đại càng xa càng tốt. Trong thời hiện đại, học giả Việt thường khẳng định quan điểm về lịch sử dân tộc bắt nguồn từ 4000 năm trước – thời điểm mà các nhà khảo cổ đánh dấu các di tích lịch sử mà họ đã thu thập là thuộc vể Văn Hóa Phùng Nguyên …. Nhiều học giả Việt thường phác họa một tiến triển liên tục trong lĩnh vực văn hóa và ngôn ngữ bản tộc từ thời Phùng Nguyên tới thời hiện đại của Việt Nam. Nỗ lực này, tuy nhiên, đã diễn giải chứng tích một cách khá phóng khoáng.
    ….
    Tôi nghĩ sứ mệnh của sử học [tốt] là việc độc lập khảo sát những di tích lịch sử từ nhóm người đã có sự hiện hữu [ở khu vực này], thay vì dùng di tích về giống người này để chứng tỏ họ là tổ tiên của con người hiện đại. Lịch sử Việt Nam không cho ta thấy một diễn tiến quy củ, lô-gích giữa quá khứ và hiện tại. Trái lại, [Việt sử] biểu hiện một loạt thử nghiệm thiết kế bởi những thế hệ đi sau như giải pháp cho các vấn nạn kinh niên về tổ chức xã hội và chính trị
    .”

    (“Vietnamese scholars have endeavored to project a sense of national identity back into the past as far as possible. In the modern period, it became common for Vietnamese to affirm a national history going back to four thousand years to when archaeologists date artifacts that they have assembled and categorized under the name of Phung Nguyen Culture …. Many Vietnamese scholars are inclined to draw a line of continuity in cultural, and even ethno-linguistic, development from Phung Nguyen to modern Vietnam. This inclination, however, makes an exuberant use of evidence.
    ….
    I believe that the task of historical scholarship is to look at what survives from the past as coming from people with their own existence, not as evidence of people who attain significance primarily as precursors of people today. The Vietnamese past does not display an internal logic of development leading to the present. Rather, it reveals a series of experiments designed by successive generations as solutions to perennial problems of social and political organization.”)

    Da Màu rất mong được tiếp nhận những bài viết về phương pháp khảo sát sử học của các sử gia Việt Nam hiện đang sinh sống trong nước cũng như ngoài nước. Thí dụ, những đòi hỏi trong lĩnh vực huấn luyện nghề nghiệp, quá trình thẩm định (peer review) về những lập luận sử học.

    Trân trọng,

    Đinh Từ Bích Thúy
    Ban Biên Khảo
    Thay mặt BBT Da Màu

  • Tại sao lại có chuyện này? Thứ nhất, sẽ không ai hiểu được lịch sử Việt Nam thời tiền hiện đại nếu không đọc được chữ Hán. Và cũng không ai hiểu được chữ Nôm nếu không biết chữ Hán. Trong những lĩnh vực khác đó là điều hiển nhiên. (Liam Kelley)

    Đúng thế. Kim Định đã viết về chuyện này theo một tầm mức to lớn hơn. Ông đề ra hẳn một học thuyết: Việt Nho. Thuật ngữ Việt Nho làm không ít người trong giới hàn lâm (và cả văn học) dị ứng. Thật ra, nó cũng khá đơn giản và dễ hiểu: Việt và Nho, Nho của người Việt.

    Kim Định có lối viết đào sâu nhưng mở rộng nhiều đề tài. Vì ông chủ trương và diễn giải “triết” theo nghĩa căn bản, như là chất keo dính trong cấu trúc xây cất. Dĩ nhất quán chi. Nhất huyền thông vạn vật của cây đàn bầu muôn điệu.

    Việt Nho thì như thế, trong đó “chữ Nho” (mà Liam Kelly rất tinh tế khi viết là original classical Chinese) là phương tiện trước hết. GS Kim Định đưa ra chương trình học ngôn ngữ “Tam Giác Ngữ” (Thiên Địa Nhân). Ông đề nghị cho trẻ em học lại chữ Nho (Thiên) bên cạnh chữ Quốc Ngữ ( Nhân) và Anh hoặc Pháp (Địa). Học Nho ( Việt Nho) theo lối mới chứ không phải lối nệ cổ tầm chương trích cú chi hồ giả dã.

    Kim Định khuyên người lớn học chữ Nho, đại ý: đừng tham, học mỗi ngày một ít, vài chữ, 2 năm 3 năm sau, tự nhiên thấy mình đọc được hồi nào không hay.
    Hồi đó đã manh nha có phong trào học chữ Nho trong giới quân nhân, công chức, sinh viên học sinh. Sách chữ Nho như bộ Chữ Nho Tự Học của Đào Mộng Nam in tuyệt đẹp với lối dạy khá mói. Đào Mộng Nam hay dùng thi ca VN để dạy. Kiểu:

    Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc
    Phận liễu sao đà nẫy nét ngang
    (Hồ Xuân Hương)

    Đêm thu gió lọt song đào
    Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời
    (Nguyễn Du)

    Tiếng Việt và chữ Nho có một cấu trúc xoắn xít rất kỳ lạ. Kinh nghiệm cho thấy nếu biết một số vốn căn bản chữ Nho thì tự dưng tiếng Việt sẽ được hiểu và viết dễ dàng, phong phú hơn. Nó cũng chính là diều kỳ lạ xảy ra với tiếng Hàn tiếng Nhật khi họ vẫn duy trì Hán Tự Kanji và Hanja trong chương trình giáo dục trẻ em.

  • NGUYỄN THIẾU DŨNG says:

    Hiện nay trong nước có nhiều người nghiên cứu về thời đại HÙNG VƯƠNG, nhưng không hẳn họ có cùng quan điểm với nhà nước
    Cũng có nhiều người không đồng quan điểm với LIAM KELLEY và TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG về vua HÙNG nên bà ĐINH TỪ BÍCH THÚY cần chỉ đích danh những người tranh luận với hai ông này là kém văn hóa và hung hăng, không nên nói chung chung không tốt.

    Tôi cùng thế hệ với TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG, Tôi rất ngưỡng mộ văn phong của ông, nhưng những gì ông đánh giá về thời đại HÙNG VƯƠNG thì tôi cho là khiếm nhã và bất kính đối với tổ tiên, TCĐT tự thị là mình đủ kiến thức để nhạo báng thời đại này, nhưng ông đã lầm vì sở học của ông về thời đại này quá hạn chế. Tôi sẽ không bàn cãi với ông vì ông đã đi về cảnh giới khác, tôi sẽ thảo luận với KELLEY, người đồng quan điểm với ông.

    Hiện nay sức khỏe tôi không được tốt, tôi đang chạy thận nhân tạo, nên việc thảo luận dài hơi có lẽ phải đành gác lại chờ dịp thuận tiện hơn.

    Trước đây tôi có thảo luận với LIAM KELLEY về KINH DỊCH nhưng tôi không tiếp tục vì ông KELLEY cứ xa rời tâm điểm để bàn đến những chuyện khác nên tôi chấm dứt (xin thamkhảo http://leminhkhai.wordpress.com/…/the-yijing-kinh-dich-and…/)

    Theo tôi KELLEY nói câu này hơi tự phụ “Trong tương lai sẽ không ai tranh cãi chuyện những vua Hùng là một truyền thống được phát minh trong thời đại trung cổ, và đã được dùng như dụng cụ mị dân bởi các nhà cầm quyền của những thế kỷ sau này. Những bài mà Tạ Chí Đại Trường và tôi xuất bản về đề tài này là những tài liệu sử học vững mạnh nhất từ trước tới nay.”

    Tôi ở ngoài biên chế ngay từ tháng 5 /75, tự nghiên cứu độc lập không lệ thuộc ai cả.

    Tôi đã khám phá TRUNG THIÊN ĐỒ ẩn chứa trong truyền thuyết LẠC LONG QUÂN –ÂU CƠ, đồng thời chứng minh được TRUNG THIÊN ĐỒ là la bàn để viết nên quái từ, hào từ KINH DỊCH mà từ KHỔNG TỬ về sau không ai biết được, nên những người VIỆT thời TRUNG CỔ không ai đủ khả năng tạo ra TRUNG THIÊN ĐÔ rồi mã hóa trong HỒNG BÀNG THỊ TRUYỆN, nên cho HBTT được sáng tác vào thời trung cổ là chuyện không tưởng, quan điểm của KELLEY hoàn toàn phá sản, nói như KELLEY những bài viết cuả hai ông về đề tài này là những tài liệu sử học tồi nhất từ trước đến nay có lẽ đúng hơn. Tôi đã thách Kelley phá đổ TRUNG THIÊN ĐỒ thì lập thuyết của ông mới khả thể, nhưng thời gian cũng khá lâu rồi ông vẫn chưa làm được chuyện đó.

  • Người làm sao chiêm bao làm vậy
    Giấc mơ, dream, trong sách Kim Định

    Giấc mơ, dream, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng follow your dreams. Kim Định khi trước tác cũng không thể không tham khảo những tư tưởng học thuật lớn. Ngoài Lévi-Strauss – cơ cấu luận, KĐ còn tham khảo và chịu ảnh hưởng các người khác. Phương Đông như Khổng Tử (mà ông gọi là dại biểu xuất sắc của Vương Nho) và Lão Tử (với khái niệm Nữ, Huyền Mẫu). Phương Tây, triết gia Martin Heidegger với Being and Time – Hữu Thể và Thời Gian. Hoặc, một người khác, nhà tâm lý học trứ danh có nhiều ảnh hưởng của thời đại Carl Gustav Jung với khoa Tâm Lý Học các miền sâu thẳm Depth Psychology. Jung là người, sau Freud, nghiên cứu giải thích tiềm thức vô thức của giấc mơ dream hay nhất. Giấc mơ của cá nhân, và cả giấc mơ của một cộng đồng – Tiềm Thức Cộng Thông Collective Unconscious.

    Tôi thật sự ngạc nhiên về nhận xét của Mr. Liam Kelley đối với Kim Định. Nó chứng tỏ ông đã đọc rất kỹ KĐ dưới khía cạnh hoàn toàn thuộc trí thức của học thuật. Ông Liam Kelley đã nhận xét rất hay. Chẳng những vậy, ông cũng đã nhận ra nhiều người, do mưu cầu chính trị, họ có khi đã “lợi dụng” triết thuyết của Kim Định cho mục tiêu khác của họ. Và như thế, họ không thể có cái “Phong Thái An Vi” được như Kim Định.

    Tôi chợt liên tưởng tới một ví von của nhà văn Hong Kong Kim Dung trong tác phẩm võ hiệp kỳ tình Xạ Điêu Anh Hùng Truyện. Trong đó, khi viết về Cửu Âm Chân Kinh, với những ai tâm cơ chân chính thì họ mới hiểu được. Mai Siêu Phong ăn cắp CACK, rồi bà ta cũng chỉ phát triển thành Cửu Âm Bạch Cốt Trảo. Từ Chân Kinh biến thành Bạch Cốt Trảo. Một cái là triết học, văn học, y học, võ học, biến thành món kung fu rất tầm thường để giết người. Vì sao ? Vì nguồn gốc Mai Siêu Phong từng là người sói sống trong rừng.

    Kính bút.
    br.

@2006-2023 damau.org ♦ Da Màu Magazine
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)