Home » Biên Khảo, Nhận Định, Phê Bình Email bài này

Nâng Cao Xà Nhà, Hỡi Những Nhà Phê Bình Nghệ Thuật: Đọc “Là Con Người” của Lê thị Thấm Vân

 

vagina painting Tôi nghĩ tựa đề tiểu thuyết “Những Người Đàn Bà Đến Từ Hỏa Tinh” của nhà văn Lê Thị Thấm Vân đã lấy ý từ quyển sách “tự luyện” (self-help) của John Gray, Men are from Mars, Women are from Venus (Những Người Đàn Ông Đến Từ Hỏa Tinh, Những Người Đàn Bà Đến Từ Vệ Nữ) xuất bản năm 1992. Mặc dù gây nhiều chú ý lúc mới xuất bản, quyển sách của John Gray hầu hết chỉ nêu lên những ý niệm sáo mòn về sự xung đột ngôn ngữ giữa đàn ông và đàn bà, rằng đàn ông đến từ Hỏa Tinh vì tính khí họ nóng nảy, thích gây sự, thích chiếm đoạt, thích đạt được kết quả, giống vị thần Mars (Hỏa Tinh) của huyền thoại Hy Lạp, cũng là vị thần tượng trưng cho chiến tranh. Đàn bà, theo John Gray, thường nhân nhượng, nhiều thương yêu, và chú tâm đến quá trình (process)  của một sự việc hơn là kết quả của sự việc đó, như thần Vệ Nữ là vị thần tượng trưng cho tình yêu trong văn hóa Hy Lạp.

Dù tôi chỉ mới có dịp đọc “Là Con Người,”một chương trích rời từ tiểu thuyết của Thấm Vân, tôi hiểu đây là một tiểu thuyết luận đề về kinh nghiệm/cái nhìn phụ nữ, và những nhân vật đàn bà của chị không… nhân nhượng, nhỏ nhẹ, và đầy “nữ tính” như thần Vệ Nữ, mà trái lại, có tính khí mãnh liệt, và khi cần, cũng có thể… bất cần như những người đàn ông có vận mệnh hỏa tinh.

Là Con Người” mô tả những xung đột giữa hai nhân vật phụ nữ: mẹ Ngân và Ngân, làm tôi nghĩ đến truyện ngắn “Bàn Tay Mưa” của Nhã Ca, xuất bản trong thập niên 1960, cũng về những xung đột giữa mẹ và con gái. Dưới mắt Phương, đứa con gái mới lớn, người mẹ trong “Bàn Tay Mưa” chỉ là một con đĩ già, lúc nào cũng trét phấn, tô son để che lấp “đôi môi tím ngắt … đôi môi [với] sự thật thê thảm, [vùi chôn] những chịu đựng … những câm nín.”[1] Tuy truyện của Nhã Ca không có ngôn ngữ trắng trợn về sex như truyện của Thấm Vân, Nhã Ca đã khai phá rất linh động sự giận dữ và uất hờn của phụ nữ qua hai thế hệ tuổi tác: ở tuổi 18 và ở tuổi 40. Trong truyện, thời tiết oi bức của thành phố Sàigòn trong những năm chiến tranh cũng giống như nỗi hận ngấm ngầm của một người đàn bà hay một xứ sở không có tương lai, không có khả năng tự định đoạt cho chính vận mệnh mình, vì phải theo tiếng gọi của đồng tiền, vì không được sự hướng dẫn về luân lý và nề nếp. “Là Con Người,” với ngôn từ thẳng thừng, đập vào mặt, ra mắt 34 năm sau ngày Sàigòn thất thủ, cũng là một truyện nói về sự giận dữ–female rage—của đàn bà. Chọn tư thế công kích, Thấm Vân đòi hỏi được quyền hiện diện trong cuộc đối thoại về giới tính, xã hội, tôn giáo và chính trị.

Theo nhà văn Vladimir Nabokov, có ba sự lựa chọn cho người viết: (1) kể chuyện để mua vui (story-teller/entertainer); (2) huấn luyện/truyền bá để độc giả tiếp nhận một khuynh hướng mới (teacher); và (3) dùng ảo thuật văn chương để mê hoặc độc giả (enchanter). Thấm Vân, trong tư thế phản kháng, đã chọn vai trò “huấn luyện” thay vì mê hoặc.[2] Những truyện của chị là những tác phẩm luận đề cố ý làm vỡ mộng người đọc. Đọc truyện của chị, người đọc có cảm tưởng như họ đang phải chiếu gương nhìn thẳng vào bộ phận sinh dục của mình. Trái với sự nhận định của nhiều độc giả khác, tôi chưa bao giờ nghĩ truyện hay non-fiction của Thấm Vân là dâm thư. Thấm Vân dùng văn chương để truyền bá thông điệp nữ quyền—một thông điệp gay gắt đòi hỏi sự tham gia và chứng kiến, một cái nhìn ngoái lại hang tối, ngoái lại sự chết cũng như cánh cửa chào đời, ngoái lại cõi âm của Eurydice.

Từ tầm nhìn này, văn chương của Thấm Vân …thấm rất nhiều mùi vị, “mùi lồn trộn mùi dầu bôi trơn như mùi nách mẹ giữa trưa hè,” mùi “tinh khí, nước dâm, nước đái, rượu mạnh, tàn thuốc lá, kem dâu, nước mắt, đờm, dãi, keo xịt tóc, phấn son, dầu thơm ….” Qua cách hành văn của chị, qua cách tương phản Lan, người vợ đi tu của Hòa, với bà mẹ đĩ điếm của Ngân (tên Ngân rất gần với chữ “nhân”), người đọc thấy dục vọng chính là oan nghiệp, một trạng thái bị đầy ải “vào nơi khóc lóc tối tăm,” nơi Thượng Đế không hiện diện. Chỉ đọc một chương trích từ truyện dài, tôi lờ mờ cảm nhận điều thử thách cho các nhân vật của chị là làm sao tìm được sự cứu rỗi ngay trong dục vọng, hay trong tình yêu nặng phần dục vọng.

Tuy tục, truyện của Thấm Vân cũng tạo dựng hình ảnh lý tưởng của người đàn ông Việt Nam hoàn toàn từ ánh nhìn feminine. Hòa, người tình của Ngân, là một người đàn ông tiến hóa, đã được “huấn luyện” rất chu đáo về nữ quyền. Anh cảm thông tâm lý trắc trở của phụ nữ; anh thích “bú lồn” người tình; anh cuồng nhiệt trong cách biểu lộ tình yêu:

Yêu cưng là anh fuck hết những gì thuộc về cưng. Fuck cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Fuck cả những căn phòng cưng đã ở, những người cưng từng yêu, những con đường cưng đã đi qua, những cuốn sách cưng từng đọc, những ngông cuồng cưng ưa làm, những tầm thường làm cưng bứt rứt, những ngớ ngẩn đáng thương của cưng, bi thảm, đớn đau, hoan lạc, tầm thường, thèm khát, tham vọng, bất an, lo sợ, dày vò, tủi nhục, tổn thương… cùng những gì anh đéo bao giờ hiểu nổi…” Hòa nói liên tu như kẻ mê sảng.

 

Không phải chỉ Hòa mà hầu hết những nhân vật trong truyện của Thấm Vân đều cuồng nhiệt. Cuồng nhiệt trong cách đối thoại tục tĩu, cuồng nhiệt trong cách biểu lộ tình cảm và triết lý đời sống. Nếu “Là Con Người” là một bức tranh trừu tượng, thì những nhân vật của Thấm Vân sẽ là những vệt đỏ lòm như máu, những vòng tròn có màu cam chói như gạch cua, những mảng xanh miết như da người chết hay đen thẫm như tro than. Dù sao, đọc truyện của chị, tôi nhớ đến cách nhà văn J.D. Salinger định nghĩa khái niệm sáo (sentimentality) trong truyện ngắn Raise High the Roof Beam, Carpenters (Nâng Cao Xà Nhà, Hỡi Các Thợ Mộc). Theo Salinger, vấn nạn sáo là chuyện người viết phó thác vào đối tượng/đề tài của tác phẩm quá nhiều âu yếm (tenderness) hơn chính Thượng Đế dành cho đối tượng/đề tài đó. Nếu cách ứng xử tàn bạo/thẳng thừng của một nhà văn về đối tượng/đề tài của mình chỉ là bề trái của cách ứng xử “âu yếm”/lãng mạn, thì ở khía cạnh này Thấm Vân vẫn chưa hoàn toàn thoát ra cái bẫy sáo khi mô tả những người đàn bà của chị qua lăng kính phản lại cái nhìn áp đảo của truyền thống phụ hệ. Qua chương truyện được trích, hình như chị chỉ đạp đổ một cực đoan rồi dựng lên một cực đoan khác. Những người đàn bà của chị đã trở thành những người đàn ông. Dường như Thấm Vân nghĩ chị phải biến ngòi bút của mình thành một “thằng buồi” thì mới có hiệu nghiệm trong cách “dạy dỗ” độc giả?

Tuy tôi không phủ nhận khía cạnh didactic của văn chương, chính sự tuyên truyền lộ liễu sẽ giới hạn tầm mức thuyết phục của nó, vì không một độc giả nào, nếu có khả năng suy nghĩ, sẽ muốn bị giật dây. Thông điệp “văn minh/bình đẳng” cần sự đối đãi nhẹ tay nhưng sâu sắc của nhà văn. Như nhà văn Joan Didion đã nhận xét, “văn chương biểu lộ nhiều bí ẩn khó có sự kết luận gọn ghẽ …vì văn chương phần nhiều đối nghịch với hệ tư tưởng” (“that fiction has certain irreducible ambiguities … for fiction is in most ways hostile to ideology”).[3] Trong vở kịch My Fair Lady của George Bernard Shaw, Eliza Doolittle, qua sự giáo huấn của Thầy Higgins, học được cung cách ăn nói, đối thoại văn minh của giới trung lưu ở Luân Đôn, và trên quy tắc đã coi như “bình đẳng” với Higgins, nhưng có phải cái “văn minh” mới sắm của nàng là chân lý của vở kịch? Tôi nghĩ Shaw rất tinh tế trong cách trình bày bề trái của văn minh và kiến thức. Ở một khía cạnh nào đó, Eliza đã bị “văn minh” tẩy não. Nàng đã cắt đứt một phần “trung thực” của mình khi chấp nhận toàn bộ những bài học ngôn ngữ của Higgins. Tương tự, tôi có cảm tưởng, trong sứ mệnh cải cách và huấn luyện, Thấm Vân chưa vượt qua chặng đầu. Cho dù, theo chị, đến một thời điểm tân tiến nào đó, Kiều có thể “nhìn thẳng vào mặt khách trả lời, ‘Làm đĩ là nghề tôi chọn. Trước là nuôi sống bản thân tôi, sau là giúp cho những người đàn ông, con trai không vợ, không bồ giải quyết sự dồn nén sinh lý,’”[4] thì ý thức này thay đổi được điều gì, hay cũng chỉ là một ngụy biện của lý thuyết?  Nói cách khác, có phải sự “tự quyết” biểu lộ qua lời đối thoại giả tưởng giữa Kiều và khách làng chơi cũng chỉ là cách tránh né khéo léo điều mà nàng không muốn đối diện, là nàng không có đủ óc sáng tạo hay phương tiện để kiếm được một nghề nghiệp mưu sinh khác? Tại sao “tự quyết” lại đồng nghĩa với chuyện bênh vực nghề làm điếm? Tại sao Kiều nghĩ mình phải đóng vai cứu độ cho những thằng đàn ông cần giải tỏa sinh lý? Tôi nghĩ khái niệm tự quyết của phụ nữ bao quát và sâu xa hơn chuyện người đàn bà đề cao dục vọng như một đường lối khai sáng và giải phóng vận mệnh.  Chúng ta không còn sống trong thập niên 1960, 1970, khi ý thức nữ quyền chỉ mới là một phản ứng, một thái độ reactive đối nghịch lại hiện trạng. Chúng ta đã đi qua thời “Me Decade,” khi tiểu thuyết Fear of Flying (Sợ Bay) (1973) của Erica Jong được tôn vinh không phải vì nó là một tuyệt tác văn chương, mà chỉ vì nhân vật chính trong truyện có cơ hội “tìm thấy mình” qua những phiêu lưu tình dục, mà không phải chết thảm như Anna Karenina hay Emma Bovary.

Thấm Vân đã phàn nàn rằng, Nguyễn Du, khi tả cuộc đời của Thúy Kiều trong suốt mười mấy năm lưu lạc, qua tay bao nhiêu tình nhân, lại không hề đả động đến chuyện nàng dùng những phương pháp ngừa thai nào để tránh chuyện mang bầu. Tôi hiểu đây là một cách Thấm Vân phê bình sự khiếm khuyết của những nhà văn đàn ông, vì muốn duy trì ảo tưởng về phụ nữ, đã chối bỏ những gánh nặng hiện hữu của người đàn bà. Nhưng chính trong vai trò muốn làm vỡ mộng, muốn chứng minh sự bình đẳng trong sức độ tình dục của đàn bà, Thấm Vân đã hơi …nặng tay với những nhân vật phụ nữ của chị, và kết quả của sự nặng tay này–nếu chỉ đọc chương “Là Con Người”–là hình ảnh máy móc, theo khuôn các-tông của mẹ Ngân. Trong truyện, mẹ của Ngân hình như chỉ là … cái máy đụ, đụ không màng hậu quả, đụ vì bị thúc đẩy hoàn toàn bởi nhu cầu xác thịt của mình, trái ngược hẳn với lời Ngân nhận xét về bà mẹ, “Một đời để sống, mẹ đã sống được theo ý …. Mẹ giải phóng mẹ, còn em tự trói buộc em.” Có thể đây là cách Thấm Vân muốn trình bày một irony—sự cách biệt giữa sự cảm nhận của Ngân và sự cảm nhận của đôc giả về nhân vật người mẹ, hoặc cách chị muốn nêu lên sự giằng co giữa khái niệm tự quyết (freewill) và yếu tố gia truyền cùng môi trường ảnh hưởng đến quá trình “là[m] người” (determinism) của Ngân, nhưng người đọc vẫn thấy có một cái gì áp đặt, thiếu hụt, không tự nhiên. Mẹ Ngân, và Ngân, dù thèm đói tình yêu, dù đầy dẫy những ham muốn dục vọng, hình như chỉ là những bản sao … méo mó của Dũng, của Ngọc, của những nhân vật đàn ông lãng mạn, đầy nhiệt huyết, nhưng gần như vô giới tính trong những tiểu thuyết luận đề của Nhất Linh.

portrait partial Tôi nghĩ đời sống và tâm lý đàn bà lúc nào cũng là một giang sơn phong phú và sâu sắc gấp bội lần lời nhận định của Freud về niềm “ghen tị thiếu cặc” (penis-envy) của phái nữ mà Thấm Vân đã đề cập trong truyện của chị. Freud nghĩ rằng một bé gái thường thù oán mẹ mình vì nghĩ người mẹ đã chịu trách nhiệm trong chuyện tước đoạt đi “dương vật”—hay khả năng tự quyết—của nó. Như bất cứ một lập luận nào, cái nhìn của Freud không bao hàm mọi xung đột, hay mọi bí ẩn trong những mối liên hệ gia đình và giới tính. Tuy chưa có dịp đọc những chương khác, tôi hy vọng tiểu thuyết Những Người Đàn Bà Từ Hỏa Tinh vượt ra khỏi khuôn khổ sáo của những lý thuyết thời thượng.

Là Con Người” cũng làm tôi liên tưởng đến tiểu thuyết Siddhartha của Herman Hesse. Trong truyện, Đức Phật trải nghiệm hai thái cực, từ khổ hạnh thể xác cho đến những buông thả nhục dục, để nhận thấy rằng sự thèm khát dục vọng và khái niệm khổ hạnh là trạng thái đi đôi của thân phận làm người. Có lẽ Thấm Vân cũng đã khai thác sâu xa hơn về đề tài này trong tiểu thuyết của chị (nhưng vì chưa được đọc những chương khác nên tôi không biết rõ). Trong “Là Con Người,” Lan (tên gọi với “âm thanh ngắn, [khác với tên Ngân] có âm thanh dài”), tượng trưng cho thái cực tôn giáo, tương phản với mẹ Ngân là tiêu biểu của những thèm khát thể xác. Lan, vợ Hòa, “gốc tu hành,”chối bỏ tình yêu xác thịt trong hôn nhân để đáp lại tiếng gọi của nhà Phật, làm Hòa bất mãn vì chàng phải miễn cưỡng “là[m] Điệp cho Lan đóng tuồng cải lương.” Đây là một đảo ngược khá hóm hỉnh và nhiều sáng tạo theo cái nhìn nữ quyền của Thấm Vân, vì trong truyện chị cho một nhân vật đàn ông—người chồng—là người bị cô vợ sùng đạo bỏ lại thế gian. Trái lại, trong Kinh Thánh, các tông đồ của Chúa bỏ vợ và gia đình để đi theo tiếng gọi của tôn giáo. Đức Phật cũng bỏ vợ để đi tìm chân lý siêu hình. Tương tự, trong Heart of Darkness (Tâm Điểm của Đen Tối) của Joseph Conrad, Kurt bỏ vị hôn thê để đi theo tiếng gọi của cõi rừng rú sơ khai.

Lẽ dĩ nhiên, có những độc giả, vì bị dị ứng bởi cách hành văn của Thấm Vân mà không cần đọc kỹ hay phân tích những tư tưởng mà chị đã nêu lên trong chương truyện, sẽ vẫn kết tội tôi là người phê bình hồ đồ, chủ quan, “dám” so sánh truyện của Thấm Vân với những tác phẩm nghệ thuật đã “tự khẳng định cho chúng một chỗ đứng trên văn đàn.” Vâng, mọi nhận định về văn chương đều chủ quan, và một người phê bình dù sao cũng chỉ là sản phẩm của thời đại và những ảnh hưởng văn hóa xã hội xung quanh họ. Tuy nhiên, tôi nghĩ, một phê bình gia có tín nhiệm cũng là một độc giả … biết đọc, và biết biện minh sự chủ quan của mình qua những trích dẫn thích hợp ở ngay bên trong cũng như ở ngoài văn bản. Cách đọc kỹ văn bản, với ý nguyện xây dựng và óc sáng tạo cùng với phương thức lô-gích, là những yếu tố bảo trì khái niệm tự do ngôn luận trong địa hạt văn chương và nghệ thuật.

Nabokov đã phát biểu rằng một độc giả mẫu mực là một độc giả không chỉ đọc “thử chơi,” “đọc lướt qua” một tác phẩm mà là người đọc đi đọc lại nhiều lần. Theo Nabokov, đọc sách không giống như chuyện xem tranh. Người xem tranh có thể dùng thị giác để tiếp nhận toàn bộ bức tranh cùng những chi tiết trong tranh trong một khoảnh khắc, nhưng đọc một tác phẩm văn chương đòi hỏi nhiều thời gian thanh lọc, vì

“đôi mắt [người đọc] đi từ trái sang phải, từ dòng này sang dòng khác, từ trang này qua trang kia. Quá trình hấp thụ văn bản, qua những giới hạn của không gian và thời gian, do đó sẽ chi phối, ngăn chặn chúng ta [lúc đầu] trong cách cảm nhận tận tường khía cạnh nghệ thuật của nó. [Vì vậy, ta cần [thêm] thời gian để làm quen với văn bản. Sau lần đọc thứ hai, hay thứ ba, thứ tư, ta sẽ có những cảm nhận về một quyển sách tương tự như cách ta thu nhận một bức tranh. Nhưng đừng lầm lẫn khả năng thị giác …với tâm trí. Một tác phẩm văn chương [cần sự áp dụng] của tâm trí. Tâm trí là dụng cụ duy nhất dùng để đọc một quyển sách. [5]

 

Nabokov liệt kê hai thành phần kết cấu “tâm trí” của một độc giả, (a) sự sáng tạo khách quan (impersonal imagination) và (b) mức sảng khoái nghệ thuật (artistic delight). Theo ông, hai thành tố này sẽ quân bình hóa cách một độc giả tiếp nhận một tác phẩm văn chương. Vì một nhà phê bình “quá sảng khoái” (hay quá dị ứng) sẽ bị lệch lạc khi phân tích một tác phẩm, họ cần những xét đoán khách quan để làm thăng bằng khía cạnh tình cảm. Nabokov cũng phán đoán rằng, nếu một độc giả “hoàn toàn thiếu vắng sự cuồng nhiệt của người nghệ sĩ và lòng kiên nhẫn của một nhà khoa học, thì có lẽ độc giả đó sẽ khó biết thưởng thức những tác phẩm văn chương có giá trị.”[6]

Tuy mức “sảng khoái nghệ thuật” của tôi với văn của Lê thị Thấm Vân có lên, xuống tùy tác phẩm, tôi không ngờ vực chuyện chị sáng tạo văn chương. “Là Con Người” đưa ra rất nhiều đề tài thử thách, đầy tham vọng, đan chéo từ nhiều khuynh hướng, khuynh hướng phụ nữ, di dân, lịch sử, xã hội, văn hóa, màu da và ngôn ngữ. Tóm lại, đó là những đề tài chính yếu mà từ ngày thành lập cho đến giờ Da Màu vẫn hằng khai phá và mổ xẻ.

Hiện hữu trong bất cứ một cách đọc nghiêm túc nào cũng là một hứa hẹn, một cánh cửa hé mở, vì sự đọc nghiêm túc này có chiều hướng uyển chuyển, bao quát. Ngược lại, bất cứ một cách đọc sai lệch nào cũng là một cái chết, một sự đày ải, vì nó chỉ biết khẳng định những tuyệt đối. Trong bài nhận định, “A Fine Pickle” (“Một Tình Thế Khó Xử”), nhà văn Salman Rushdie thảo luận khái niệm đọc/“phóng tác” văn chương nghệ thuật:

Toàn thể một xã hội có thể đi lạc đường qua quá trình phóng tác dở tệ. Trong nỗ lực muốn cứu rỗi chính họ, họ đàn áp người khác. Trong ước nguyện muốn bảo vệ cộng đồng, họ làm thiệt hại chính những nhân quyền mà họ nghĩ đang bị lấn át. Nhân danh chuyện bảo vệ tự do, họ giảm tự do của chính họ và những người khác …Hoặc, để trấn an những kẻ nóng nảy bạo động trong cộng đồng, một xã hội sẽ cố thương lượng với đám bạo động, và làm đám bạo động tưởng rằng những phương pháp của họ đã có kết quả. Những xã hội trên đà tiến hóa, ở thời điểm phải đương đầu với nhiều thay đổi cấp tốc của ngày hôm nay, sẽ thành công– như những bản kịch phóng tác mẫu mực từ tiểu thuyết–nếu biết rõ yếu tố nào là tinh chất, yếu tố nào là yếu tố không thể thương lượng, yếu tố nào là yếu tố mà mọi người dân phải chấp nhận như một giá phải trả khi sống trong xã hội. Bao nhiêu năm qua, tôi ân hận chuyện chúng ta đã phải trải qua một thời đại của những phóng tác dở, một bên là những nhân nhượng, những qui hàng, bên kia là những áp đặt, những điều quá mức ngạo mạn .[7]

 

Tôi nghĩ: khả năng biết điền vào chỗ trống là tinh chất đa nguyên, bất khả thương luợng của một xã hội tự do, và cũng là tiêu chuẩn của một nhà phê bình nghệ thuật có trách nhiệm.

 

Chú Thích:

[1] Nhã Ca, “Bàn Tay Mưa,” trích từ tập truyện Ba Miền, Mười Khuôn Mặt (Kim Anh: 196?), tr. 24.

[2] Vladimir Nabokov, Good Readers, Good Writers (Độc Giả Mẫu Mực/Người Viết Mẫu Mực), Lectures on Literature (Harcourt Brace Jovanovich: 1980), tr. 5.

[3] Katie Roiphe, “Writing Women,” New York Times Book Review, tr. 16 (Sunday, March 9, 2009).

[4] Lê thị Thấm Vân, “Thúy Kiều, Nỗi Ám Ảnh Bất Hạnh.”

[5] Nabokov, Good Readers, Good Writers (Độc Giả Mẫu Mực/Người Viết Mẫu Mực), tr.3.

[6] Như trên, tr. 5.

[7] Salman Rushdie, “A Fine Pickle,” The Guardian (February 28, 2009).

Articles by Đinh Từ Bích Thúy

Comments


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

11 Comments

  • Tu Phong says:

    Kính gửi chị Đinh Từ Bích Thúy
    c
    1. Cám ơn những kiến giải của chị.
    Mong được đọc nhiều hơn nữa những bài viết của chị!
    2. Tôi cũng cho rằng cái gọi là “tục”, “dâm” là những kiến tạo văn hóa (cultural construction) theo cách nói của Foucault hơn là có ý nghĩa thực thể. Cái gọi là “tục” thực ra chỉ là nạn nhân của việc quy phạm hóa cái “thanh” và cấp cho cái quan niệm về “thanh” này quyền bãi trừ với những gì không phù hợp với quy chuẩn của chúng. Tự thân nó chẳng có gì là thanh hay tục. “Thanh” – “tục”; “đẹp” – “xấu”; “bình thường” – “bất bình thường” … đều chỉ là những cặp nhị phân cho thấy đằng sau nó những tương quan quyền lực. Nếu hiểu như thế thì việc đọc tác phẩm của Lê Thị Thấm Vấn sẽ bớt được những dị ứng quá khích mang màu sắc đạo đức.
    Lí thuyết về diễn ngôn (discourse) của Foucault, theo tôi nghĩ, có thể giúp chúng ta có cách đọc bình tĩnh hơn với những hiện tượng gây sốc như sáng tác của Lê Thị Thấm Vân.

  • Hoàng thị Mỹ Ly says:

    Kính chào chị Đinh Từ Bích Thủy.
    Thật hết sức thú vị khi đọc “Là Con Người” của Lê thị Thấm Vân. Tình yêu chứa đựng dục tính cũng chỉ là khía cạnh rất đời thường của con người, tôi hoàn toàn không bị allergique bởi đề tài nầy. Tuy nhiên cũng như một số độc giả khác,tôi cho rằng vấn đề ở đây là ngôn từ. Ngôn ngữ bình dân của nhân vật được khai thác tận cùng làm tôi e rằng người đọc có thể lầm lẫn tác phẩm văn chương với “dâm thư”. Tôi chuộng những gì thuộc về sensualité hơn là sexsualité. Mặc dù vậy tôi cũng có thể cảm thông được sự đau khổ của Ngân trong quá trình tìm hiểu chính mình. Ngân yếu đuối, nhu nhược, không tự vượt qua được những mâu thuẫn của bản thân. Ăn nói tục tĩu, hay la hét cũng chỉ là hành động che dấu sự yếu hèn một cách tội nghiệp. Ngân đáng thương hay đáng trách? Cũng như chị Bích Thúy tôi hy vọng Ngân sẽ hóa giải được tình yêu và tình dục trong quá trình tìm hiểu con người. Thật mong lắm thay!
    Hoàng thị Mỹ Ly. Houston TX.

  • Mến chào hai bạn Phương Nguyễn và Paul Hồ,

    Cám ơn hai bạn đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể về “Là Con Người” cùng những lời bàn chân thành, quân bình và xây dựng. Như hai bạn và các độc giả khác đã biết, “Là Con Người,” chỉ mới là một chương trích từ tiểu thuyết Những Người Đàn Bà Từ Hỏa Tinh của Lê thị Thấm Vân (chưa xuất bản). Ở lúc này, dựa trên những chi tiết được trình bày trong chương trích, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán. Tôi nghĩ có 3 quan điểm khả thi về Những Người Đàn Bà Từ Hỏa Tinh:

    (a) Vì nhu cầu tình dục là một yếu tố bất khả kháng, Ngân thấy rằng nàng không khác gì mẹ.

    (b) Nhu cầu tình dục của những nhân vật như mẹ Ngân, Ngân, và Hòa, chỉ là mặt trái của sự hy sinh và khổ hạnh (được thể hiện qua nhân vật Lan, vợ Hòa).

    (c) Ngân sẽ biết cách hòa giải tình dục và tình yêu trong quá trình tìm hiểu con người/cuộc đời trước của mẹ mình, hiện đang bị bệnh Alzheimer’s.

    Một lần nữa, xin cám ơn hai bạn đã tích cực đóng góp vào quá trình đọc và phân tích “Là Con Người.” Mến chúc hai bạn vui, khỏe.

    Đinh Từ Bích Thúy

  • Paul Hồ says:

    Chào chị Đinh Từ Bích Thúy,

    Tôi đã đọc truyện “Là Con Người” của Lê Thị Thấm Vân, đọc bài “Nâng Cao Xà Nhà, Hỡi Những Nhà Phê Bình Nghệ Thuật” của chị cùng những phần chị trả lời độc giả. Truyện “Là Con Người” của Thấm Vân và các bài viết của chị để lại cho tôi vài suy nghĩ và xin được bày tỏ cùng chị.

    Theo chị, định nghĩa tiểu thuyết luận đề là tiểu thuyết trong đó nhà văn đẩy mạnh các thông điệp xã hội, chính trị, tình dục, nữ quyền… Và cũng theo chị truyện của Thấm Vân mang tính luận đề. Tôi nghĩ truyện này cũng lờ mờ chuyên chở một thông điệp nào đó nhưng không rõ ràng và những giá trị của nó còn rất kém cỏi. Điểm tích cực duy nhất tôi tìm thấy trong truyện này là ý tưởng của người con gái: “Ngân phải sống khác mẹ, suy nghĩ khác mẹ, hành động khác mẹ.”

    Như chúng ta đã biết mẹ Ngân là một con người sống hoàn toàn buông thả trong bản năng dục vọng không kềm chế. Như vậy về mặt nhận thức Ngân không chấp nhận lối sống ấy của mẹ mình và tự nhủ là chính mình sẽ tìm cách vượt thoát. Thêm vào đó với cái tuổi thơ bất hạnh, bị lạm dụng tình dục, chứng kiến nhiều kiểu tình dục của mẹ, Ngân-có lẽ trong suy nghĩ- càng muốn vùng vẫy nhiều hơn để nỗ lực làm khác mẹ. Tuy vậy ý nghĩ tích cực này không thấy đưa ra một hành động cụ thể nào. Cô luôn luôn bị những thèm muốn nhục dục chi phối – giống như người mẹ của cô – khởi đầu từ sự thể nghiệm thân xác với người anh họ năm mười lăm tuổi, rồi ăn nằm với người tình đầy lông lá, rồi nằm mơ thấy mình đóng phim sex, rồi mơ được ăn nằm với nhiều người, rồi tới Hòa… Như vậy, bản năng nhục dục trong con người Ngân luôn luôn thắng thế cho đến cuối cùng Ngân thú nhận:” Em không khác gì mẹ cả anh ạ.” Sự thú nhận này của Ngân cho thấy sự thua cuộc của ý chí con người trong việc cưỡng chống lại sức mạnh vô song của bản năng nhục dục. Phải chăng đó chính là cái yếu đuối trong bản chất của con người, LÀ CON NGƯỜI theo cái nhìn của Thấm Vân. Phải chăng đây là thông điệp tác giả này muốn gởi tới?

    Theo ý tôi truyện này quá nặng về tình dục, coi tình dục như yếu tố bất khả kháng và chấp nhận sự bất lực của con người trước nó. Xét về nhân vật Ngân, không thấy cô ta có một hành động nào chứng tỏ sự cố gắng của mình để làm khác mẹ. Điều này cho thấy sự kém hợp lý của câu chuyện (ý nghĩ không đưa đến hành động) và làm câu chuyện thiếu tính xây dựng, chỉ buông xuôi theo một chiều. Vì vậy, nếu cho rằng đây là tiểu thuyết luận đề thì tôi e hãy còn quá non kém, chưa hội đủ những điều kiện phải có cho một tiểu thuyết luận đề. Và hơn nữa, với ngôn từ tục tĩu bao trùm từ đầu cho tới cuối truyện, cộng thêm những mô tả nhục dục quá nhiều, người đọc có cảm giác toàn bộ câu chuyện này là một bầu không khí hết sức sa đọa, không mang một giá trị lành mạnh hay một phẩm chất tốt đẹp nào. Chẳng lẽ NHÂN TÍNH, bản tính của con người chỉ có tình dục?

    Xin chào chị Bích Thúy và cám ơn tạp chí Da Màu đã cho tôi có dịp bày tỏ ý nghĩ của mình.

    Paul Hồ

  • phương nguyễn says:

    Gửi hai tác giả Đinh Từ Bích Thúy và Lê Thị Thấm Vân

    Trước hết tôi xin gởi lời cám ơn chị Bích Thúy với những phân tích rất cặn kẽ, khúc chiết và công phu trong việc giải thích từ ngữ “vô giới tính” mà chị dùng cho nhân vật Ngọc và Dũng trong tiểu thuyết luận đề của Nhất Linh. Việc chị Bích Thúy so sánh Thấm Vân với Nhất Linh nhằm mục đích cho thấy hai tác giả này có những điểm tương đồng là họ dùng văn chương để chuyển tải những tư tưởng hoặc thông điệp của họ đến người đọc khiến tôi đọc kỹ lại và tìm hiểu sâu hơn về truyện “Là con người” của Thấm Vân.
    Người con gái tên Ngân với dự định ban đầu là phải sống khác mẹ, khác với người đàn bà sống trong dục vọng nhầy nhụa đã sản sinh ra cô. Hãy xem thử cô ta làm gì để khác mẹ: Năm 15 tuổi cô ăn nằm với người anh họ như một thử nghiệm, rồi sau đó có một người tình lông lá như vượn. Người tình này dan díu với mẹ cô nên cô bỏ. Sau một thời gian cô gặp Hòa và sống tràn trề trong dục vọng với Hòa. Cô còn mơ thấy mình đóng phim sex và muốn ăn nằm với nhiều người. Cuối cùng cô nhìn nhận cô cũng không có gì khác mẹ. Cô bị kềm tỏa trong dục vọng như chính mẹ cô. Rốt cuộc cô là một sự lặp lại của chính người mẹ mà cô ghê tởm. Như vậy thông điệp của Thấm Vân có phải muốn nói lên một điều rằng: Là con người, nhiều khi phải đầu hàng những ham muốn nhục thể của chính mình. Con người thoát ra không nổi thú vui nhục dục, vì những thú vui đó làm cho họ sướng, nên sau cùng họ thất bại, họ chấp nhận thất bại, họ đành để cho cái sướng đánh gục ý chí của mình. Nói một cách nôm na là “sướng cu mù mắt”.
    Tôi hiểu chuyện của Thấm Vân là vậy, không biết có đúng không?
    Đây là một đề tài lý thú nhưng sự thể hiện thành tác phẩm văn chương của Thấm Vân gây nhiều tranh cãi. Vấn đề lớn nhất là về phương diện ngôn từ. Theo như một độc giả nhận định, có lẽ Thấm Vân muốn thử nghiệm một cách viết mới, với sự vận dụng tối đa những từ ngữ tục tĩu. Cách này làm mất rất nhiều cảm tình của người đọc, làm mờ những giá trị tích cực của tác phẩm, và làm cho tác phẩm của Thấm Vân mang màu sắc sa đọa. Chi tiết Ngân lúc bé bị kéo vào nhà tắm cũng quá ghê tởm, khó chấp nhận. Thành ra theo thiển ý của tôi, truyện của Thấm Vân bị cái nặng nề của những ngôn từ tục tĩu này kéo trì xuống thay vì thăng hoa lên như mong muốn của tác giả.
    Ít hàng gởi tới chị Đinh Từ Bích Thúy và Lê Thị Thấm Vân. Có gì sơ sót xin hai vị bỏ qua.

    Phương Nguyễn

  • Mến chào Phương Nguyễn,

    Chân thành cám ơn Phương Nguyễn đã gửi ý kiến và đưa ra những nhận định tinh tế và hợp lý. Vì thế, tôi nghĩ mình cũng cần đào sâu thêm về những vấn đề mà Phương Nguyễn đề cập.

    Không, trong bài viết, tôi không hề có ý nói là “sex’ có tầm cỡ như Hòa của Thấm Vân thì mới gọi là có giới tính hay có “giá trị văn chương.’” Nếu Phương Nguyễn đọc kỹ hơn, sẽ thấy tôi nói là Thấm Vân tuyên truyền hơi “nặng tay” về vấn đề tình dục trong truyện của chị, và vì thế, những nhân vật của chị chỉ là những bản sao méo mó (imperfect copies) xuất phát từ tiền đề mà Nhất Linh đã khai phá từ trước.

    Tôi định nghĩa tiểu thuyết luận đề là loại tiểu thuyết trong đó nhà văn đẩy mạnh những thông điệp xã hội, chính trị, tình dục, nữ quyền, v.v… Có thể nói đề tài tình dục và nữ quyền cũng là những đề tài chính trị, vì các nhà tranh đấu cho quyền phụ nữ trong những thập niên 1960, 1970 đã nói “Điều riêng tư cũng là vấn đề chính trị.” (the personal is also political). Nhà văn người Anh gốc Zimbabwe, Doris Lessing, là một nhà văn viết tiểu thuyết luận đề, cũng như Susan Sontag của Hoa Kỳ. Tóm lại, một nhà văn viết tiểu thuyết luận đề dùng văn chương như một phương tiện để truyền bá thông điệp của mình, thay vì coi văn chương chỉ là một trò chơi nghệ thuật với những quy luật hiện hữu của chính nó. (Nhưng có ai trong thời đại hôm nay chỉ coi văn chương hoàn toàn như một trò chơi nghệ thuật?) Thấm Vân dùng văn chương của mình để “huấn luyện” cái nhìn của độc giả (nên nhớ tôi dùng chữ “huấn luyện” trong ngoặc kép) vì dư luận có thể vẫn coi những truyện sex là điểu cấm kỵ. Sự dùng ngôn từ và những màn tả cảnh tục tĩu do đó có mục đích chính trị, như cách “chích ngừa” hay “giải độc.” Lẽ dĩ nhiên, một độc giả có quyền quyết định là họ có chịu “chích ngừa/giải độc” hay không. Tôi đưa ra những lý lẽ trong bài viết, không phải để dạy đời, mà chỉ để cống hiến một cái nhìn khác cho truyện của Thấm Vân, một truyện mà ngôn ngữ của nó khó lòng được số đông độc giả cảm nhận.

    Tôi đã so sánh Thấm Vân với Nhất Linh vì tôi muốn nói rằng tuy những truyện của Thấm Vân thiên về tình dục, chị muốn những tư tưởng của mình–sự tự quyết của người đàn bà, những bất công của họ, được nhìn nhận như chuyện Nhất Linh trước đây đã tranh đấu cho quyền tự quyết của một xứ sở. Nhất Linh là một tác giả cũng dùng văn chương để truyền bá những tư tưởng chính trị của ông. Ở đây, tôi không có ý so sánh khả năng nghệ thuật của Lê thị Thấm Vân với Nhất Linh, hay đánh giá thông điệp của chị với thông điệp của Nhất Linh, mà chỉ nói đến cách Thấm Vân, cũng như Nhất Linh, đã dùng văn chương như một phương tiện chính trị. Dù sao đi nữa, mức độ, phẩm chất nghệ thuật trong cách Thấm Vân diễn tả thông điệp của mình chưa hẳn phủ nhận giá trị văn chương của nó, mình chỉ có thể nói, đó là một truyện hay, hay là một truyện chưa đạt, nhưng có lẽ không công bằng, nếu nói rằng truyện của Lê Thị Thấm Vân không có một giá trị văn chương nào mà lại không đưa ra những phân tích hay chứng dẫn rõ rệt ngoài cái dị ứng và khái niệm luân lý của người đọc.

    Trở lại chuyện Nhất Linh. Xin công nhận với Phương Nguyễn chữ “vô giới tính” của tôi khi nói về Dũng và Ngọc là chưa được rõ và có thể gây hiểu lầm cho người đọc. Thật sự, Nhất Linh rất tinh tế khi mô tả những “tăng xông” tình dục của những nhân vật trong truyện của ông, qua những tác phẩm như Lạnh Lùng (về một góa phụ, vì muốn duy trì “tiếng thơm” ở giá, chỉ dám vụng trộm với người yêu mà không dám công khai bước một bước nữa); Đoạn Tuyệt (trong cảnh Dũng lái xe thật nhanh lúc đưa Loan, lúc đó đã lập gia đình, từ ga xe lửa về nhà, như một cách giải tỏa tình cảm/tình dục bị căng thẳng, và cũng làm Loan cảm thấy kích thích bởi tốc độ cũng như cám dỗ của cái chết gần kề); Giòng Sông Thanh Thủy, về mối tình tương đắc, tuy nhiều đè nén dục vọng giữa Thanh và Ngọc. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ chính Nhất Linh chưa giải quyết được những vấn đề giới tính trong văn chương của mình. Ông, như Khái Hưng, không tin vào sự bình đẳng giữa linh hồn và thể xác. Ông và Khái Hưng có thể cổ võ chuyện san bằng giai cấp, thành kiến xã hội, nhưng sự khác biệt giữa trình độ cảm thông của đôi trai gái vẫn là một chia cách lớn lao, như sự ly thân giữa hai cảnh đời, giữa sự sống và sự chết. Đây là một mâu thuẫn mà tác phẩm luận đề của Nhất Linh và Khái Hưng chưa thông giải, vì nó cũng là mâu thuẫn trong cuộc đời. Trong truyện ngắn Nước Chảy Đôi Dòng của Nhất Linh, chàng sinh viên Sinh, mặc dù lôi cuốn bởi sắc đẹp lộng lẫy của cô lái đò Duyên, vẫn chán nản nhận định rằng, tâm hồn nàng quá mộc mạc, thô sơ, như “cái áo nâu rách phủ lấy tấm thân ngà ngọc.” Hiền, trong Trống Mái của Khái Hưng, mặc dù ngưỡng mộ tấm thân “tượng thần Hy Lạp” của Vọi—hiện thân cho một Trương Chi thời đại—không thể yêu cái tâm hồn quá chất phác của chàng đánh cá. Ngọc, trong Giòng Sông Thanh Thủy, mặc dù mê nét đẹp mềm mại gợi cảm của Phương, không thấy trong cô gái thuần thục này nét tinh xảo liêu trai của Thanh, người bạn đồng hành trí thức với tài ứng biến trong đời sống gián điệp. Chính trong lúc bị quyến rũ bởi sắc đẹp của Phương, Ngọc đã thấy hết cái trần tục của vẻ đẹp này—Phương sẽ già đi, và dần dà sẽ to phình như bà Vĩnh (một người đàn bà trung niên tốt bụng đã giúp Ngọc và các bạn đồng hành trên đường cách mạng). Đồng thời, những nhân vật phụ nữ lý tưởng trong truyện của Nhất Linh đều như những hiện thân đàn ông của tác giả, được Nhất Linh giải phóng ra khỏi những tục lụy của đời sống phụ nữ. Trong Đoạn Tuyệt, con trai của Loan bị bệnh chết và chồng Loan bị Loan giết trong lúc tự vệ. Trong Giòng Sông Thanh Thủy, tiểu thuyết xuất bản cuối cùng của Nhất Linh về cuộc đời gián điệp của những nhân vật quốc gia chống Việt Minh, Thanh cũng là một nạn nhân xã hội. Nàng không có con nhưng cũng bị người chồng thủ đoạn lừa lấy hết của hồi môn rồi đem ra tòa ly dị. Tóm lại, Loan và Thanh là những nhân vật của luận đề giải phóng, nhưng họ không đưa ra một lối thoát nào cho người đàn bà của thực tại, từ đời của Nhất Linh cho đến đời của thế hệ hải ngoại, vẫn còn bị dằn vò bởi những xung đột giữa cũ và mới. Mối tình của Loan với Dũng, cũng như Thanh với Ngọc, hoặc “chú tiểu” Lan với Ngọc trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, là một mối tình mãi mãi trong trạng thái thiếu niên, của hai mảnh hồn đi tìm nhau để thành “một điệu nhạc.”

    Tóm lại, Nhất Linh ghê sợ cái “thể xác feminine” trong cuộc đời. Ông nói về sự biến chuyển và mục rữa thân thể của người đàn bà tầm thường, như tình duyên trần tục, như những xâu xé thủ đoạn của hai phe Việt Minh-Quốc Gia trong Giòng Sông Thanh Thủy. Trong tác phẩm cuối đời, tâm hồn của văn hào vẫn là một phản kháng trước sự hỗn loạn của đời sống. Nhất Linh bị cầm tù trong mâu thuẫn nhưng ông không thể chấp nhận mâu thuẫn—ông chỉ có thể hướng về một lý tưởng, một vẻ đẹp, một chân lý. Ông không nhận ra, hay không hòa hợp được với, hay quá mệt mỏi chịu đựng cá tính “phụ nữ” trong tinh thần phản kháng. Ông yêu quốc gia cũng như ông yêu gia đình, nhưng ít sống với vợ con vì không chịu được không gian ồn ào gần chợ của ngôi nhà mà cũng là địa điểm buôn bán của bà vợ. Ông tưởng ông có thể làm thầy tu, nhưng qua tiểu thuyết và một tài liệu biên khảo gần đây, ông cũng có nét “đài điếm” của một kẻ ăn chơi sành điệu, một con người hiểu thấu cảm xúc trần tục. Trong Giòng Sông Thanh Thủy, xen kẽ với cái nhìn triết lý bi quan, với cái nhìn về tình yêu platonic trong một thế giới cổ kính vĩnh cửu, là nhiệt huyết cho cuộc sống sensual đa hóa, với những đoạn văn gợi hình nói về hình ảnh đẹp, món ăn ngon: quả lựu rám nắng với cánh hoa như lụa nõn trong góc vườn Mông Tự; màu hoa đào sáng trắng dưới đêm trăng Côn Minh; phở cừu thấm thía ngọt trong khí hậu buốt rét ở Vân Nam; cơm Hồi thanh bùi; cá trê kho dưa, cơm cháy mỏng, đậu rán, ruốc rang mặn tình An Nam; song song với cái đắng tỉnh người (hay cũng chết người, nếu pha với cyanure de potassium) của cà phê đen, vừa là vị, vừa là hương, quấn quít qua nhiều chương tiểu thuyết của tác phẩm cuối đời. Như tiểu thuyết Narcissus và Goldmund của Hermann Hesse, Nhất Linh thật sự là tinh tú feminine, là Goldmund háo sắc bụi trần nhưng lại thầm yêu thầy tu Narcissus.

    Tôi rất thích những tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng. Có thể nói, “gu” cá nhân của tôi gần với Tự Lực Văn Đoàn hơn là với những tác phẩm đươc coi là “quá sống sượng” hay “hậu hiện đại,” nhưng trong cách đọc văn chuơng, tôi cố gắng không để sở thích văn chương cá nhân của mình tôn sùng thái quá một tác phẩm, hay để khuynh hướng văn chương cá nhân làm lung lạc hay chi phối cách tiếp nhận một tác phẩm với nội dung hay bút pháp khác biệt.

    Một lần nữa, cám ơn Phương Nguyễn đã gửi lời nhận xét, để tôi có dịp nói rõ hơn những ý của mình trong bài.

    Thân mến,

    Đinh Từ Bích Thúy

  • phuong nguyen says:

    Thưa chị Bích Thúy,

    Em nghĩ truyện của cô Thấm Vân ai thích đọc thì đọc, ai không thích thì thôi. Việc truyện ấy có phải là “tiểu thuyết luận đề” hay không thì cứ để cho những người phê bình văn học nhận xét. Em chỉ cảm thấy thất vọng khi chị bảo Ngọc và Dũng là những người đàn ông lãng mạn, đầy nhiệt huyết nhưng gần như vô giới tính. Mỗi một giai đoạn, quan niệm của con người khác nhau, sự thể hiện qua văn chương cũng khác nhau. Chẳng lẽ phải “sex” có tầm cỡ như Hòa của Thấm Vân thì mới gọi là có giới tính??????? Thật buồn khi thấy chị viết như vậy.

  • Trực Nguyễn says:

    Thưa Bà Đinh Từ Bích Thúy,
    Một người đọc sách, đọc truyện có cần phải biết tất cả những điều bà viện dẫn từ Đông qua Tây, từ cổ chí kim để cảm nhận một tác phẩm không? Ngoài ra tôi xin hỏi bà, nếu bà có con, bà có chấp nhận cho con bà nói những từ ngữ như là “bú lồn”, “đụ”, “đéo”, “cặc” hay không?
    Chi tiết người đàn ông lôi đứa bé gái vào nhà tắm, đứa bé tiểu ướt nền nhà, ông ta le lưỡi liếm sạch. Rồi đứa bé thấy một sợi lông xoắn đen cũng le lưỡi liếm luôn. Đọc những cái thế này tôi hỏi thật bà cảm giác của bà là gì?
    Tôi không phải là nhà phê bình văn học. Tôi chỉ nhận thấy nếu mình lọt vào một đám đông mà trong đó người ta nói chuyện với nhau toàn những tiếng tục tĩu thì tôi sẽ lập tức lảng ra xa ngay. Tôi nghĩ nhiều người cũng sẽ có thái độ tương tự. Còn bà thì sao? Bà có tiếp tục ngồi nghe và “nâng cao xà nhà” để hòa đồng hoặc lý giải cho đám người đó?
    Vài lời thô thiển. Xin cáo lỗi nếu có phiền lòng bà.

    Trực Nguyễn

  • Kính thưa ông Minh Nguyện,

    Trước hết, xin được báo với ông tôi là “bà” Đinh Từ Bích Thúy.

    Vâng, thưa ông, người đọc có toàn quyền phát biểu “gu” văn chương của mình, vì như tôi đã viết trong bài, mỗi người trong chúng ta là sản phẩm của môi trường văn hóa và xã hội đã hun đúc họ. Họ có thể nói, “tiểu thuyết đó thật dở tệ,” “bài thơ đó không ngửi nổi.” Tóm lại, họ có thể đo lường phẩm chất của một tác phẩm, nhưng nếu chỉ gạt phắt rằng một tác phẩm văn chương hay nghệ thuật–có nghĩa là những tác phẩm được sáng tạo từ trí tưởng tượng của một người, và trên nguyên tắc theo những tiêu chuẩn sơ đẳng mà phương tiện diễn đạt (medium of expression) đòi hỏi–không phải là văn chương hay nghệ thuật, thì e rằng rất khó để có một cuộc đối thoại cởi mở về đề tài này. Khi người ta theo cách phán xét tuyệt đối, rằng một thứ chỉ là “nó,” hay không là “nó,” họ chối bỏ sự hiện hữu của vô số những thứ “vừa không và vừa có “nó.” Tôi nghĩ đời sống sẽ hào hứng và phong phú hơn nếu mọi người nhìn thấy những mức, sắc, độ trong mọi vật. Trích dẫn nhà văn Nabokov cũng chỉ là cách tôi muốn chứng minh kinh nghiệm đọc và thưởng thức văn chương/nghệ thuật là một kinh nghiệm phức tạp, đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và thời gian. Ngược lại, thành kiến của người đọc khó cống hiến vào một cuộc đối thoại nghiêm túc về văn chương và nghệ thuật, nhất là ở thời đại mà ai ai cũng biết rằng không có gì là tuyệt đối.

    (Tiện đây, cũng xin nói thêm: nhà văn Vladimir Nabokov (1899-1977) công nhận ông là một nhà văn Hoa Kỳ, có quốc tịch Hoa Kỳ, không phải ở “tuốt bên Nga.” Ông là con trưởng trong một gia đình quyền thế ở Nga, và phải rời Nga năm 1917 vì cuộc cách mạng Bolsheviks. Trong 60 năm, ông sống ngoài nước Nga, ở nhiều nơi trên Âu Châu, Hoa Kỳ, và mất ở Montreux, Thụy sĩ. Bài giảng văn của Nabokov mà tôi trích dẫn trong bài viết là một trong số những bài giảng văn cho lớp dạy văn chương Anh mà ông dạy ở Đại Học Wellesley (Massachusetts) và Cornell (Nữu Ước), vào thập niên 1940. Có thể nói, mặc dù Nabokov là nhà văn Hoa Kỳ, ông nên được coi như một nhà văn xuyên quốc gia và xuyên ngôn ngữ vì ông thông hiểu và sáng tác ít nhất trong ba ngôn ngữ, Nga, Anh và Pháp. Do kinh nghiệm này, Nabokov hiểu và tôn vinh khái niệm bấp bênh/mơ hồ/ảo của văn chương, nghệ thuật, quốc gia, tâm lý, chính trị, v.v….)

    Trở lại vấn đề. Mấy năm trước, tôi có dịp đọc một bản dịch tiếng Anh của quyển Cổ họa phẩm lục (Bình phẩm hội họa xưa) của Tạ Hách, nhà sáng tác và phê bình hội họa đời Nam Tề (đời Tùy) vào cuối thế kỷ thứ 5-đầu thế kỷ thứ 6 ở Trung Hoa. Tạ Hách đưa ra sáu phép (lục pháp) về nghệ thuật: (1) Khí vận sinh động (sự vận chuyển của chi hay lực của họa sĩ để tạo ra nét sống hay tâm hồn cho tác phẩm). (2) Cốt pháp dụng bút (cách dùng bút vẽ như “xương tủy” (cốt) để truyền được chí khí của họa sĩ). (3) Ứng vật tượng hình (tái tạo khuôn hình theo cách họa sĩ “nhìn” và “thấu hiểu” được hình dạng của sự vật mô tả). (4) Tùy loại truyền thái (dùng màu sắc tùy theo thể chất của đối tượng mô tả. Màu đen được coi là một màu (trái với quan niệm Tây Phương cho rằng màu đen “là sự vắng bóng” của những màu), và dưới bút vẽ của bậc thầy, sẽ tiết tạo ra nhiều sắc thái đậm, nhạt trung thực với thể chất của sự vật được mô tả). (5) Kinh doanh vị trí (sắp đặt vị trí, bối cảnh). (6) Truyền mô di tả (vẽ theo mẫu của các bậc thầy). Cùng với 6 phép này là cách một họa sĩ được chấm điểm, theo 3 tiêu chuẩn sau đây: (1) Sự tinh xảo/nét linh hoạt–đây là trình độ tối thiểu (hay “C” theo cách chấm điểm Tây Phương) mà một tác phẩm có thể được công nhận là “văn chương” hay “nghệ thuật,” vì người nghệ sĩ phải hội đủ những điều kiện căn bản mà phương tiện nghệ thuật của họ đòi hỏi. (2) Sự kỳ diệu—(có thể hiểu là tương đương với B hoặc B plus) một tác phẩm nghệ thuật phải mang lại sự phấn khởi, hay tạo một khuynh hướng, thử thách mới, cho người xem; (3) Sự siêu phàm–đây là “A”, tiêu chuẩn cao nhất cho một tác phẩm nghệ thuật, nó làm đối tượng cảm thấy như đang chiêm ngưỡng thể chất của thần thánh trong tác phẩm.

    Những tiêu chuẩn trên, như bài giảng văn của Nabokov, chỉ là cách khai mạc cuộc đối thoại. Tôi nghĩ có rất nhiều cách để đo lường kinh nghiệm cảm nhận của một người đọc hay một người xem tranh khi đối diện một tác phẩm, vì những tranh cãi về nghệ thuật đã kéo dài từ mấy ngàn năm qua, ở Đông cũng như Tây. Ngày xưa, ở Hy Lạp, Plato phán quyết rằng “người nghệ sĩ chỉ toàn là những kẻ sao chép Thiên Nhiên rất vụng về, thô kệch, và vì họ chỉ toàn thêu dệt chuyện hư cấu gây rối loạn trật tự, chúng ta nên tống cổ họ ra khỏi cộng đồng cho được việc.” Plato nghĩ rằng mọi kinh nghiệm hay kiến thức là điều có thể nắm được qua cách suy giải tuyệt đối. Trái lại, Socrates lại nói rằng, “người nghệ sĩ không dựa sự sáng tạo của họ trên khả năng rập khuôn hiện thực. Họ không sao chép lại Thiên Nhiên như bọn thợ thuyền, mà tái dựng Thiên Nhiên/hiện thực từ nguồn hứng khởi, từ thiên tài, không khác gì những nhà tiên tri hay người lên đồng.”

    Da Màu rất mong ông sẽ góp ý và giải thích tại sao truyện “Là Con Người” của Lê Thị Thấm Vân “không có chút gì gọi là “văn chương”, ‘học thuật’ gì ráo.” Ít nhất, những lời giải thích của ông cũng sẽ công bằng hơn cho tác giả, vì từ đó nhà văn Lê thị Thấm Vân mới có thể “tự vệ,” hay tu sửa.

    Kính thư,

    Đinh Từ Bích Thúy

  • Ca Dao says:

    Cám ơn Ông/Bà Minh Nguyện về lá thư gởi tác giả Đinh Từ Bích Thúy. Cám ơn Ông/Bà Minh Nguyện đã nói hộ tôi những ý nghĩ này :

    – “là một người đọc bình thường, tôi thấy không cần thiết phải học cách đọc sách như vậy ”

    – “có giải thích cách nào thì cách, tôi vẫn nghĩ đây chính là một sản phẩm không có chút gì gọi là “văn chương”, “học thuật” gì ráo”

    Kính
    CaDao

  • minh nguyện says:

    Kính thưa ông/bà Đinh Từ Bích Thúy,
    Cảm ơn Ông/Bà đã dẫn cách đọc sách tuốt bên Nga, ông Vladimir Nabokov; riêng tôi, là một người đọc bình thường, tôi thấy không cần thiết phải học cách đọc sách như vậy, thưa Ông/Bà! Riêng “là con người” của tác giả Lê Thị Thấm Vân, dù Ông/Bà có giải thích cách nào thì cách, tôi vẫn nghĩ đây chính là một sản phẩm không có chút gì gọi là “văn chương”, “học thuật” gì ráo. Rất tiếc, tôi phải thưa với Ông/Bà như vậy.
    Trân trọng,
    Minh Nguyện

@2006-2023 damau.org ♦ Da Màu Magazine
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)