Home » Bàn Tròn: Nghệ Thuật & Chính Trị, Da Màu 3 tuổi, Kiểm Duyệt Văn Hóa Nghệ Thuật, Quan Điểm, Thư Tòa Soạn Email bài này

Vài Suy Niệm về Biên Giới và Sứ Mệnh của Da Màu

rothko white red on yellownhững làn da vội vã chia nhau mảnh đất vỡ
sâu thêm hạt hoa mầm cỏ cháy phủ đen ô
trắng từ hang lạnh lan xám mây trong óc
hơi thở cuối ngày thân níu lại bóng không còn

Vi Lãng, Đất Vỡ Bóng Không Còn

Bài tiểu luận Những Sai Lệch, Thiếu Sót trong Cuốn Sách “Trịnh Công Sơn, vết chân dã tràng”, của tác giả Nguyễn Hoàn đã giúp Da Màu, nay vừa tròn 3 tuổi, suy niệm về sứ mệnh “văn chương không biên giới” của mình.

Như trong phần chủ trương của Da Màu, một cách phá vỡ biên giới là nỗ lực “chấp nhận những dị biệt bắt nguồn từ văn hóa, ngôn ngữ, phái tính, màu da, lịch sử, địa lý, chính kiến… qua các hình thái văn học nghệ thuật.” Theo cái nhìn này, “chấp nhận” ở đây không có nghĩa là “chịu đựng một cách thụ động” những dị biệt, mà chính là quá trình chất vấn, khai phá những ngờ vực, thành kiến, làm vỡ đất, cho đến lúc, theo lời thơ của Vi Lãng, “hơi thở cuối ngày thân níu lại bóng không còn.”

Bài tiểu luận của ông Nguyễn Hoàn đã chứng minh rằng, ít nhất trong khuôn khổ (cũng là một biên giới) văn chương xuất bản trong tiếng Việt, khái niệm lịch sử vẫn chưa có thể phá vỡ hoặc san bằng những dị biệt giữa người trong và ngoài nước. Điều này cũng chứng minh rằng con đường trước mặt của Da Màu rất còn nhiều gian nan.

Alexis de Tocqueville, sử gia người Pháp đi quan sát xã hội Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19, trong quyển Nền Dân Chủ ở Nước Mỹ (Democracy in America), đã nhận xét rằng nước Mỹ thiết lập nền tảng dân chủ của họ trên công luận (public opinion), nhưng ông phê bình rằng đây cũng là một thể hiện của sự độc đoán dựa trên nhu cầu của đám đông, và phát biểu như sau:

Đối với tôi, khi tôi thấy cánh tay của sức mạnh đè nặng lên trán óc, tôi chẳng cần biết ai đã áp bức tôi; và tôi cũng chẳng dễ gì đeo cùm ách vào người chỉ vì cái cùm ách này đã được đưa đến tôi bởi những cánh tay của hàng triệu nhân dân.

(For myself, when I feel the hand of power lie heavy on my brow, I care but little to know who oppresses me; and I am not the more disposed to pass beneath the yoke because it is held out to me by the arms of a million men.)

Nhận định của de Tocqueville, xuất bản năm 1835, vẫn còn thích hợp cho xã hội Hoa Kỳ hiện đại, nơi mà nhu cầu tiêu thụ của đám đông đã từ lâu định nghĩa đời sống và văn hóa Mỹ. Nhưng điều thú vị hơn nữa là nhận định này cũng có thể áp dụng cho Việt Nam của ngày hôm nay, nơi những khái niệm “công luận,” “dân tộc,” và “khách quan” là uyển ngữ cho khuynh hướng của chính quyền (hoặc theo bài phản hồi Nguyễn Hoàn của ông Quán Như Phạm Văn Minh, là lối lý luận phê bình của ban “tuyên giáo”), được thể hiện qua Lời Tòa Soạn của bài “Những Sai Lệch, Thiếu Sót trong Cuốn Sách Trịnh Công Sơn, vết chân dã tràng”:

Như liên hệ giữa hình với bóng, khi nói đến những ca khúc Trịnh Công Sơn mà không nói đến chiến tranh Việt Nam, hay tệ hại hơn nữa là không hiểu đúng chiến tranh Việt Nam, là nói đến cái bóng mà không biết đến cái hình thực sự đã làm ra cái bóng đó, sẽ làm biến dạng lịch sử và méo mó thi ca. Thiếu tình tự dân tộc, người ta sẽ nhìn cuộc chiến với nhãn quan cục bộ, giai đoạn, thiếu tính cách liên tục của lịch sử.

Con cháu chúng ta có thể nào thể [sic] chấp nhận được rằng trong một đoạn lịch sử nào đó, cha ông của chúng trong hai miền Nam Bắc “bỗng dưng” ngu khờ đến độ bị hai thế lực đối nghịch ngoại bang “ủy nhiệm” để đánh nhau cả 21 năm?  Thế hệ cha ông đó thực sự có thật ngớ ngẩn đến thế không? Hoàn toàn không. Xin đừng bôi nhọ lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân Việt như thế. Bài viết của tác giả Nguyễn Hoàn sau đây là tiếng nói quyết tâm, với những lý luận minh bạch, thái độ nghiêm chỉnh và âm điệu tha thiết của lời kêu gọi này.

Những ẩn dụ về sự chia lìa giữa “hình” với “bóng,” về “sự không hiểu đúng,” về “nhãn quan cục bộ,” “giai đoạn,” “thiếu tính cách liên tục” trong phần giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Hoàn hiển nhiên coi rằng sự thừa nhận những mảnh vỡ của lịch sử là một lỗi lầm trầm trọng ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ/sĩ diện của giới lãnh đạo, vì nó sẽ để lại thế hệ sau một hình ảnh “ngớ ngẩn” và “ngu khờ” về thế hệ cha ông đã tham dự vào cuộc chiến. Để tránh có sự “bôi nhọ lịch sử đấu tranh,” người ta phải bài trừ những “méo mó’ vì nó làm gián đoạn cái nhìn về lịch sử. Khuynh hướng của tòa soạn sachhiem.net và của ông Nguyễn Hoàn là một suy luận bế tắc cho mọi môi trường: lịch sử, xã hội, chính trị, văn chương và văn hóa. Để có một cái nhìn “liên tục” giữa “trong” và “ngoài,” trước tiên những bức tường phải được thừa nhận. Từ đó ta mới có thể đạp đổ chúng. “Văn chương không biên giới” là cách thừa nhận (đượm tính cách hiện sinh, nhưng vẫn tràn đầy hy vọng) rằng không còn một điều gì “thần thánh” hay taboo để đáng tôn thờ hay bảo vệ triệt để. Tất cả mọi quan niệm sẽ bị phân tích, so sánh và chất vấn qua môi trường văn chương, một môi trường “thông suốt” cho những địa hạt liên hệ khác.

Vì vậy, lời nhận xét của nhà phê bình Ban Mai trong “Tạp chí Da Màu Phỏng Vấn Ban Mai” do Lê Đình Nhất Lang thực hiện cũng chưa “phá vỡ” được những biên giới cần phá vỡ, mà ở một khía cạnh nào đó, vẫn khuyến khích chuyện bảo vệ ranh giới khiên cưỡng giữa những phạm trù văn hóa:

… Vẫn còn nhiều bạn đọc, thậm chí người viết phê bình chưa phân biệt được giữa chính trị và văn chương. Trong khi, đây là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Đối tượng của chính trị là lịch sử, đối tượng của văn chương là tác phẩm.

Cụ thể bài viết “Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam” là một bài viết nghiên cứu văn học, vì vậy đối tượng nghiên cứu của đề tài là tác phẩm. Chất liệu tạo nên tác phẩm ở đây là ngôn ngữ nghệ thuật. Cụ thể là ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. (những chỗ nhấn mạnh của Ban Mai)

Thật ra, đối tượng của chính trị không chỉ là lịch sử, mà còn là kinh tế, nhân văn, xã hội, triết lý, và hàng ngàn những lĩnh vực hoặc yếu tố khác, ít nhất trong một xã hội thực sự dân chủ và tự do. Và đối tượng của văn chương, ngoài tác phẩm, có thể là bất cứ điều gì trên thế gian mà trong đó bao gồm chính trị. Lịch sử và văn chương, chính trị và nghệ thuật là những cái gương chiếu rọi vào nhau, phán xét lẫn nhau—sự tương tác hay đối nghịch của những khía cạnh này là điều cần thiết cho một xã hội mở. Vì vậy, không có gì sai trái nếu ta phân tích văn chương qua lăng kính lịch sử, hay ngược lại. Điều đáng chỉ trích là thái độ độc đoán hay sự phủ định trâng tráo về những cái nhìn khác nhau cho cùng một sự việc. Ông Nguyễn Hoàn đã “khơi khơi” viết:

Thực ra, với từ “nội chiến” nhạy cảm này, một người bạn thân của Trịnh Công Sơn là chị Trần Tuyết Hoa đã từng đề nghị Trịnh Công Sơn sửa lại thành từ “chinh chiến” và Trịnh Công Sơn đã đồng ý cho bạn sửa, bút tích bản nhạc được sửa này hiện còn lưu (*ghi chú). Phải nói rằng, vượt qua chính ý niệm “nội chiến” này, nhạc Trịnh đã mở rộng diện quan tâm đến nỗi đau chiến tranh Việt Nam không chỉ ở miền Nam mà cả ở miền Bắc khi chiến tranh Mỹ lan ra cả miền Bắc ….

Ở đoạn này, ông Nguyễn Hoàn đã điềm nhiên lướt qua hai “bức tường” sừng sững của lô-gích mà không phân tích tận … tường: (1) tại sao lời bài hát “Gia Tài của Mẹ” được phổ biến hiện nay vẫn giữ nguyên danh từ “nội chiến,” cho dù theo ông, có bút tích bản nhạc đã được sửa lại theo “lời đề nghị” của người bạn Trịnh Công Sơn, và (2) chuyện “nỗi đau chiến tranh không chỉ ở miền Nam mà cả ở miền Bắc” gây ra bởi bom oanh tạc của Mỹ và diễn tả qua nhạc Trịnh Công Sơn không hẳn loại trừ cái nhìn về cuộc chiến như sự tranh đấu tương tàn giữa anh em trong nhà. Do đó, ý niệm “nội chiến” vẫn chưa có thể vượt qua, hay xóa bỏ dễ dàng, như ông quả quyết.

Trong tiểu thuyết Chân dung của Dorian Gray (The Portrait of Dorian Gray), nhà văn Oscar Wilde đã thừa nhận sự cách biệt/gián đoạn giữa chân dung nghệ thuật và đời sống, giữa “tuyên giáo” và “hiện thực,” không phải để bôi nhọ nghệ thuật hay hiện thực, mà chính để cổ võ một cái nhìn nhân nhượng và toàn bích hơn về khái niệm bản sắc của một con người. Là một nhà văn đồng tính luyến ái, nhưng bị ép buộc phải chế ngự, hay ít nhất, không được phô trương “khuynh hướng phản thiên nhiên của mình,” cuộc sống của Oscar Wilde là một cuộc sống đày ải: những đam mê sâu kín, nhưng “thật” nhất của ông bị ém nhẹm như tệ trạng xã hội, không khác gì bức chân dung bị giấu kín trong kho gác của Dorian Gray đã trở nên già xấu trong khi bộ mặt ngoài đời của y được trẻ và đẹp mãi. Áp dụng trường hợp Dorian Gray/Oscar Wilde vào vấn đề trước mặt, để chấm dứt sự ly thân giữa lý tưởng và hiện thực, việc thừa nhận những khuynh hướng “phản tuyên giáo” về cuộc chiến Việt Nam, song song với quan điểm “chính thể” về chiến tranh “chống Mỹ cứu nước,” sẽ giúp các thế hệ sau có một cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử Việt Nam, và tránh chuyện kéo dài sự méo mó, phản thiên nhiên và phản khoa học thật sự qua cách sửa sắc đẹp ngôn ngữ và cách lập luận xuyên xéo, nhìn nghiêng, thay vì nhìn thẳng.

Ai cũng biết rằng mạng internet, tự nó, vẫn chưa hẳn là một môi trường không biên giới. Vấn nạn tường lửa là điều cụ thể nhất. Ngoài ra còn những yếu tố khác như tuổi tác, thế hệ, giai cấp, kinh tế, địa lý, sự thoải mái trong cách xử dụng máy tính để đọc thông tin, văn nghệ, vân vân. Trong khuôn khổ văn chương mạng, một nhà văn được xuất bản trên mạng nhưng bị đe dọa hay bị cấm xuất bản ở ngay môi trường sinh sống của họ cũng là một hình thức bị đày ải: họ đã trở nên những nhà văn lưu vong trên chính xứ sở họ, và họ không có quyền “sở hữu” hoặc nói chuyện trực tiếp với những độc giả sống cùng địa thế và cảnh ngộ với họ. Vì vậy, những lời an ủi, khuyến khích nhà phê bình Ban Mai từ các độc giả trên diễn đàn Da Màu, cho rằng dù sao, quyển “Trịnh Công Sơn: vết chân dã tràng …” hoặc những chương trích từ sách của chị đã được phổ biến rộng rãi trên mạng và như thế đã đủ, thật ra vẫn … chưa đủ, và vẫn chưa giải quyết được vấn đề.

Văn chương không biên giới, thiết nghĩ, là văn chương cần phải được trần truồng và có mặt khắp nơi, ảnh hưởng đến tất cả mọi lãnh vực liên hệ. Tương tự, lịch sử không biên giới cũng là lịch sử nên được tái diễn qua nhiều lăng kính, vượt thoát sự câm lặng lố bịch của truyện ngụ ngôn “Ông Vua Không Quần Áo.”

Ở thế kỷ 19, các tác giả như Charles Dickens, Honoré de Balzac và Guy de Maupassant là những thượng đế của thế giới hư cấu. Họ áp dụng cái nhìn của một người kể chuyện có mặt khắp nơi (omnipresent narrator) để phô bày, tương phản và kết hợp mọi bộ mặt của xã hội và tâm lý con người. Ở đầu thế kỷ 21, “thượng đế” đã chết, những đế quốc và chủ nghĩa đã suy sụp, để lại những mảnh vỡ trong tiểu thuyết cũng như trong hiện thực và tâm cảm con người. Nhưng hành trình để đạt đến chân thiện mỹ vẫn không thay đổi. Những mảnh vỡ của các quan điểm đối nghịch vẫn chứng minh điều mong muốn được tìm hiểu sự thật, dùng kinh nghiệm cá nhân và những giới hạn cá nhân để đạt đến một sự thật phức tạp nhưng phổ quát. Không có sự tìm hiểu từ khuynh hướng cá nhân này, văn chương, và lịch sử, không thể vượt qua những biên giới, và không thể thoát qua sự đày ải.

Đinh Từ Bích Thúy
Thành viên BBT Da Màu

_______________________

Hình bìa: Bức tranh “Trắng, Đỏ trên Vàng” (“Red, White on Yellow”) (1950) của Mark Rothko (họa sĩ Hoa Kỳ sinh ở Latvia, 1903-1970) biểu hiệu điều ông gọi là “sự diễn tả giản dị về một ý nghĩ phức tạp.” Sự giản dị hóa của môi trường và cấu trúc tranh, theo ông, không hẳn là một thử nghiệm về hình thể, mà là một phương tiện giúp người xem tranh cảm nhận những tình cảm và định giác mạnh mẽ. Những hình thể trong tranh Rothko được trừu tượng hóa, nhưng chúng không phải là những trang trí hình học, với những góc nhọn. Trái lại, chúng có những ranh giới mềm mại, lúc nhìn gần là những khối màu sờn cạnh, cọ sát, như lẩn quyện vào nhau, nhưng khi nhìn xa một chút thì hình như vẫn gìn giữ bản sắc đặc thù.   

Articles by Đinh Từ Bích Thúy

Comments


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

3 Comments

  • BBT Da Màu says:

    Mến chào bạn Trịnh Trung Lập,

    Cám ơn bạn đã góp ý về quan niệm “văn chương không biên giới.” Da Màu mong bạn sẽ khai triển thêm về đề tài này.

    Da Màu chân thành xin lỗi tác giả Đinh từ Thức và bạn Trần Trung Lập chuyện BBT đã sơ ý quên không “mở” phần bình luận dưới bài “thú tội roma 1633, hà nội 2009.” Hiện nay đã có phần bình luận ở dưới bài này, xin mời bạn Trần Trung Lập và các độc giả khác vào bình luận.

    Nếu có thể, xin bạn Trần Trung Lập vui lòng liệt kê những bài đã đăng trên Da Màu mà không có phần bình luận, vì những trường hợp này, nếu có, là những trường hợp đặc biệt hoặc ngoại lệ, hoặc cũng có thể hoàn toàn do sự sơ ý của BBT, như trường hợp bài “thú tội roma 1633 ….” ở trên. Phần đông bài đăng trên Da Màu đều có phần bình luận.

    Một lần nữa, xin cám ơn bạn Trịnh Trung Lập. Da Màu luôn sẵn sàng đón nhận những cơ hội được trao đổi với bạn đọc, hầu rút kinh nghiệm và tu sửa những khiếm khuyết.

    Trân trọng,

    BBT Da Màu

  • Trinh-Trung Lap says:

    Tôi nghĩ rằng “Văn chương” tự nó vốn đã là “không biên giới”. Đặc tính này thể hiện qua tính chất địa lý, thời gian, mức độ truyền cảm đối với người đọc,…của 1 tác phẩm.

    Vấn đề “biên giới” chỉ tồn tại trong quan điểm của từng người.

    Lấy 1 ví dụ vui về từ “nội chiến” ?
    2 vợ chồng nhà nọ giận nhau lắm nhưng sợ hàng xóm láng giềng biết cuộc “nội chiến” này, nên hẹn nhau đến 1 địa điểm bên ngoài “giải quyết” !
    -Đối với hàng xóm, ông Tổ trưởng dân phố : Gia đình này không có “nội chiến” !
    -Đối với 2 người trong cuộc : Cuộc “nội chiến” giữa tôi với anh phải “trắng ra trắng, đen ra đen”, hiiii …hiii

    Như vậy chỉ mới xét về địa điểm xảy ra chiến tranh thôi đã có 2 báo cáo tình hình khác nhau rồi. Còn bao nhiêu yếu tố khác nữa như tác nhân gây ra (kẻ xúi giục),…..vô số kể.

    Về cuộc chiến tranh Việt nam :
    – Đối với người lính miền Bắc: Đây là cuộc chiến tranh chống ngoại xâm (đế quốc Pháp, Mỹ) để giải phóng người anh em miền Nam lầm đường lạc lối.
    – Đối với những người “lầm đường lạc lối” : chắc chắn họ lại có lý tưởng của họ. Tôi là thế hệ hậu sinh sau chiến tranh, không thể khẳng định điều này.
    – Đối với Trịnh : Tôi “cảm nhận” Ông muốn chiến tranh phải chấm dứt bằng mọi giá. Nếu phải viết điều gì, làm điều gì để đạt được mục tiêu đó, Ông cũng sẵn sàng. Đó là cảm nhận của “Tôi” qua tác phẩm của Ông. Tôi có “sai” gì không ? khi có “cảm nhận” như vậy.

    Cũng như tôi không biết vì sao có những bài viết trên damau rất thú vị nhưng lại không cho phép độc giả “bình luận”. Đọc xong 1 bài thấy “bài này không có phần bình luận”. Tôi cũng rất ngạc nhiên về tính cách “không biên giới” ở đây. Mong BBT Damau cho biết thêm. (ví dụ như bài mới nhất “toà án roma 1633, hanoi 2009” gì đó).

    Tôi nghĩ văn chương không biên giới phải là diễn đàn cho con người nói ra suy nghĩ của riêng mình. Còn sự thật phải để lịch sử với những con số cụ thể, với những màn bi, hài kịch khẳng định.

    Tất nhiên khi tham gia diễn đàn đó phải tuân thủ theo những giới hạn của công luật.

  • vanthanh says:

    Tôi nghĩ mình không đủ là một nhà văn, nhưng dường như tôi rất thích văn học – nó có thể mang lại những cái nhìn mới, chân trời mới trong suy nghĩ của chúng ta trong cuộc sống này. Liệu rằng ai đó ở đây (Việtnam) hay ở đâu đó ngoài Viêtnam cùng chung cảm nhận về một nỗi đau của nhân loại đang trải qua. Chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai…? Tôi nghĩ rằng có, vì thế chẳng những ai đang cố gắng mang lại tiếng nói chung – tiếng nói của sự thực cho đời phải vất vả, mà chính những độc giả của trang web này, của những cuốn sách kia . Họ có thể suy nghĩ về chúng.
    Tôi hi vọng, một tấm lòng như thế sẽ thành hiện thực

@2006-2023 damau.org ♦ Da Màu Magazine
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)