Home » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 23, Sáng Tác, Truyện thình lình Email bài này

Hoshomon

 

HCM

HCM by C. David Thomas

Gần đây Việt Nam, vì đã được chấp nhận vào WTO, tự nghĩ phải trở nên văn minh và lỗi lạc hơn lúc trước. Bộ giáo dục tạo ra một phân khoa mới, là phân khoa phê bình văn chương giả tưởng. Những sinh viên lấy phân khoa này, mặc dù đã phải biết đọc và biên khảo trong ít nhất ba thứ tiếng, tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Quan Thoại, sau khi đã lấy bằng cử nhân vẫn phải học qua một khóa “Tiếp Tục Khai Sáng” (Continuing Education) rồi qua một kỳ thi viết rất gay go mới đuợc chính thức nhận vào Bộ của Những Nhà Phê Bình Giả Tưởng Tại Gia. Bộ này có trang bị máy lạnh, mạng wireless, tủ lạnh cá nhân, và những văn phòng có những cửa kính “khung tranh” (picture windows) trong một tòa nhà cao ốc đứng ngất ngưởng sáng choang phía bên kia Văn Miếu lụp xụp, ẩm ướt mùi hủ nho. 

Vào mùa Xuân năm 2007, Hà Nội đưa ra đề thi cho phân khoa phê bình giả tưởng như sau:

Phần I:

(1) Hãy định nghĩa ý niệm “phê bình văn chương giả tưởng.” Giả tưởng ở phần “văn chương” hay ở phần “phê bình”? Giả tưởng là “hư cấu” hay “siêu hư cấu”?

Phần II:

(2) Hãy thảo luận tính chất đa dạng của Hồ Chí Minh qua ánh nhìn từ truyền thống văn chương Việt Kiều lưu vong. Hồ Chí Minh chính là:

(a) Người đàn ông “đứng giữa cầu” mà nhân vật Bình trong Sách Muối của Monique Trương đã gặp gỡ trong một đêm ở Paris vào cuối thập niên 1920s. Người đàn ông đã nói với Bình rằng, “tất cả mọi cái cầu là tượng đài của thỏa hiệp. Không có ai sở hữu chủ một cái cầu.”[1] Sau đó người đàn ông dẫn Bình đi ăn tiệm ở một nhà hàng Việt Nam hạng sang ở Paris. Hình như sau bữa ăn Bình đã làm chuyện của dân thành Sodom với người đàn ông lạ trong vườn Luxembourg.

(b) Người đàn ông trong một toa xe điện ngầm từ Porte Maillot đến Epinet mà nhân vật kể chuyện trong Hai Nhà Vua của Đinh Linh đã gặp vào năm 1923 và đinh ninh ông là vua Khải Định. Theo lời người kể chuyện, thì người đàn ông y gặp trên xe lửa có bộ mặt “giữa màu vàng và xám, như chanh bủng, với cổ tay “mảnh khảnh như que diêm [như] cổ tay một công chúa …đeo chiếc đồng hồ mặt vuông to tướng hiệu LeCoultre rẻ tiền.”[2] Người đàn ông này cũng “nói tiếng Pháp với giọng miền Trung đặc sệt khiến để lộ gốc gác ngay lập tức.”[3]

(c) Lãng Du trong hồi ký Đi Tây của Nhất Linh. Lãng Du thực tập làm bồi rượu, say túy lúy, rồi leo lên tầu thủy. Tầu càng ra xa khỏi Việt Nam, Lãng Du càng thấy con người văn minh hơn, và không khí cũng dễ thở hơn. Lãng Du sang Tây cũng vào thời điểm mà Bình gặp “người đàn ông trên cầu.” Có lẽ người đàn ông này không phải là “Nguyễn Ái Quốc” như Bình đã nghĩ, mà chính là người sáng lập ra Tự Lực Văn Đoàn? (Và lúc đó ông cũng trẻ, đẹp trai, lịch lãm và cao ráo hơn nhà cách mạng?)

Khi viết câu trả lời, xin thí sinh hãy tận dụng trí tuởng tượng phong phú và nên cởi mở triệt để, nhưng đồng thời cũng đề phòng những nguy hiểm về ngôn ngữ, như chuyện hút thuốc lá, sẽ có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe hoặc tính mạng.

Về sau, tin loan rằng sinh viên X đã đoạt giải hạng nhất trong kỳ thi viết và ít lâu sau được cấp học bổng sang Hoa Kỳ, với tư cách một độc giả thăm viếng tại một viện đại học nổi tiếng về quá trình sưu tầm và học hỏi hậu quả chiến tranh. Sinh viên này đã viết hai câu trả lời cho Phần I và Phần II như sau:

(1) Vấn đề “giả tưởng” ở phía “văn chương” hay phía “phê bình” chẳng khác gì tích cổ của Trang Tử. Người mơ hóa bướm, hay bướm hóa người, người nói hươu, kẻ khác nghĩ là vượn, đó là triết lý mà ta nên áp dụng vào cách dẫn giải và sưu tầm văn chương, vì nó cũng đi sát với tất cả những phong trào văn chương hiện nay, từ Tân Hình Thức, siêu thực, đến hậu hiện đại. Triết lý này cũng là một phương thức bảo hiểm không lỗi cho nhà phê bình giả tưởng, hễ chẳng may có “đụng” phải lỗi lầm trong việc biên khảo thì cũng không cần phải dừng lại đính chính dài dòng mà có thể chạy thẳng.

(2) Có thể ví con người đa dạng của Bác Hồ như Tam Thể Nhất Thái Hồ, nói theo cách diễn tả trong thơ Đường, hoặc trong ngôn ngữ bất Mác (cũng có thể hiểu là Big Mac) đã tôn kính gọi là Ba Ngôi Thiên Chúa. Bác Hồ cũng như ba anh em nhà Karamazov, hiện thân của ba khía cạnh con người nhân bản trong thời hiện đại: (a) bác Hồ, khi nói ví von về cái cầu, là tượng trưng của siêu kỷ (super-ego); (b) bác Hồ, khi đáp lại câu hỏi của người kể chuyện với giọng miền Trung đặc sệt, đã, như Đinh Linh tả, khẳng định “cái tôi” (ego) của mình ở xứ lạ; (c) bác Hồ, với dáng dấp hào hoa cách mạng của Lãng Du, khi cần, cũng là người sành điệu, biết ăn uống, là nhà thơ, đã tỏ ra khía cạnh vô thức cần thiết của con người trữ tình (id) trong quá trình cách mạng cho độc lập tự do. Còn chuyện cô gái điếm Grushenka phải lòng anh hùng siêu kỷ Alyosha trong ba anh em nhà Karamazov thì trong phút này ta chưa có thể áp dụng cho trường hợp Bác Hồ. Ta cũng thấy, như nhà văn Đinh Linh rất tinh tế đã nhận rằng nhân vật trên toa xe lửa từ Port Maillot đến Epinet không đeo nhẫn cưới. Người yêu của bác Hồ là tổ quốc Việt Nam. Bác đã hy sinh hạnh phúc cá nhân để mang đến hạnh phúc và hòa bình cho quần chúng.

Sinh viên X, vì là một học giả rất tận tâm và chu đáo, cũng chú thích dưới bài thi: “Còn việc có hay không chuyện Bình làm với Nguyễn Ái Quốc trong vườn Luxembourg thì ta cũng chẳng nên bận tâm làm gì. Nhà văn nữ Monique Trương đã mắc vào phong trào mà nhiều nhà văn nữ Việt Kiều hiện nay mắc phải, là thích viết về tình dục để chứng tỏ nữ quyền của mình. Đây chẳng qua là ‘mốt’ thời trang của thứ văn chương ngoại lai nửa nạc nửa mỡ, chẳng có gì ảnh hưởng đến đề tài Bác Hồ cho nên chỉ được coi như một phương thức ‘màn khói’ hoặc loại cá trích dùng như mồi đỏ để đánh lạc hướng các thí sinh không thận trọng.”


[1] Monique Trương, The Book of Salt (Houghton Miflin: 2003), tr. 92, “A bridge belongs to no one because a bridge has to belong to two parties, one on either side. There has to be … a mutual consent, otherwise it’s a useless piece of wood, a wasted expanse of cement. Every bridge, is, in this way … a monument to an accord.”

[2] Đinh Linh, Hai Nhà Vua, bản dịch Phan Nhiên Hạo, trích từ tuyển tập Thư Lạ (Văn Mới: 2007). Nguyên bản Two Kings, trích từ Blood and Soap (Seven Stories Press: 2004), tr. 135, “The color of his face was between yellow and gray, like a rotting lemon … On his delicate, matchstick wrist, the wrist of a princess, was a large square watch, a cheap LeCoultre.”

[3] Như trên, nguyên văn, “He spoke French with a thick Central accent that gave his origin away immediately.”

 

Articles by Đinh Từ Bích Thúy

Comments


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

@2006-2023 damau.org ♦ Da Màu Magazine
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)