Trang chính » Tiểu thuyết, Trích đoạn tiểu thuyết Email bài này

mùa địa ngục (kỳ 4)

0 bình luận ♦ 28.03.2023

Ở Bầu Thì Tròn Ở Ống Thì Dài

Hậu gọi một mùa địa ngục dân tộc, khi nhận ra mình triền miên sống trong một không gian hình ống như một đường hầm, và chỉ có một vài ngọn đèn cho chút ánh sáng leo lét để có thể đi lại sinh hoạt. Nếu những ngọn đèn lẻ loi này một ngày chịu đựng không nổi sự thật tắt đi, thì dân tộc lúc ấy sống trong tăm tối đui mù, và trạng thái này đã xảy ra một vài nơi trong cái đường hầm dân tộc hình ống này hôm nay.

Môi trường sống dân tộc chúng ta cong có hình ống. Hậu nói với Tu nhiều lần. “Mọi sự kiện xảy ra trên một mặt phẳng cong hình ống đều bị trượt, cuốn trôi và đi đến đâu chăng nữa cũng quay trở về mức độ khởi điểm. Bao nhiêu dữ kiện, biến cố lịch sử xảy ra trên, trong cái hình cong đó và cũng bởi bản chất tròn cong nên chúng nó tự phản ánh từ ngoài vào trong, trên nhiều góc độ khác nhau. Từ cơ cấu vật chất cho đến dữ kiện tinh thần, khiến ai cũng lầm lẫn những điều tưởng như mới lạ, thực ra chỉ là lập đi lập lại cái xưa cũ trước đó thành nền nếp, thâm căn cố đế tự bao giờ. Đặc tính ấy là tiền đề của truyền thống mang tính lịch sử. Nó từng bước biến thành truyền thống dân tộc.”

Hậu nói:

“Truyển thống dân tộc tôi hình ống cho nên mọi suy nghĩ cũng mang tính hình ống: trơn trợt và lòng vòng để cuối cùng trở về khởi điểm ban đầu. Đó cũng là lý do tại sao ông bà cứ bảo ‘ở bầu thì tròn, ở ống thì dài’ chỉ cốt nhắc nhở số phận chúng ta có được từ cái không gian hình bầu, hình ống như thế!”

Tu nghe xong hỏi lại, “Không lẽ điều lịch sử tự hào, bản chất lại cùn mòn tệ hại đến thế ư?” Hậu gật đầu, “Không sai, mọi dân tộc trên thế giới tự hào truyền thống của họ đều căn cứ trên sự phát triển, tiến bộ hiện tại của đất nước. Còn chúng ta tự hào kiêu hãnh mãi trên cái dẫm chân tại chỗ, nếu không nói đến sự thụt lùi của đất nước so với bước đi thời gian, tất phải biết hỏi tại sao chứ!”

*

Mười giờ sáng, Hậu nằm trên võng trong vườn của một người quen tại làng chài lưới Ngọc Hà, Bà Rịa chờ một chuyến ra đi. Hậu hiểu mình đang tìm cách thoát khỏi cái hình ống dân tộc lờ mờ ánh sáng ấy. Anh đang mò mẫm trong cái hình ống vì quãng đường anh đi đã tắt mất nhiều ngọn nến soi đường. Anh chờ và ý thức mình đang nín thở. Có tiếng xe gắn máy dừng trước nhà.

Căn nhà cuối xóm, khang trang mát mẻ dưới tàn cây mít, mãng cầu và vài gốc đào lộn hột. Chiếc võng Hậu nằm cột trên hai cành mít to mà bóng mát bao trùm to lớn như chiếc lưới chài. Hậu nhìn theo con chim chích đang chuyền trên cao tàn mãng cầu. Con chim vừa thong thả mổ ăn một quả mãng cầu chín bói vừa ngửng đầu nhìn về phía Hậu. Nó cúi đầu lên xuống như muốn khoe thành tích của mình. Hậu nghe tiếng mở cửa rồi nhìn thấy Nguyên bước ra vườn sau trên tay cầm chiếc thúng con. Nguyên nói:

“Mua được thúng bạch tuộc con để em đi nhúng dấm, chúng ta uống rượu.”

Nguyên đưa chiếc thúng trước mặt cho Hậu xem. Bạch tuộc màu xanh nước biển chỉ bằng lóng tay đang bò ngổn ngang trong thúng. Hậu gật đầu hỏi, “Có gì lạ không Nguyên?” Nguyên xuống giọng, “Chúng ta chờ tối nay, nếu không được ngày mai em đưa anh về Sài gòn.” Nói xong Nguyên vào nhà. Hậu chờ đã một tuần. Nguyên là cựu ủy viên an ninh xã quen gia đình chị của Hậu. Nguyên có em gái đang làm việc tại nhà chị hai Hậu. Cô Hiền, em Nguyên cho biết anh cô tham dự vào việc vượt biên từ khi còn là xã đội trưởng. Hai năm trước, Nguyên đã đưa được đứa em kế vượt biên hiện đang định cư tại Montana Hoa Kỳ. Việc này khiến Nguyên mất chức ủy viên an ninh. Nguyên trở lại nghề đánh cá và tiếp tục bí mật tham gia việc tổ chức vượt biên như công việc làm ăn thứ hai của mình. Mùa hè này có một chuyến ra đi và Nguyên dành một chỗ cho Hậu. Chị của Hậu chỉ căn cứ vào thành tích bị hạ tầng công tác của Nguyên nên tin tưởng, may ra Hậu có thể ra đi dễ dàng vì Nguyên tự hào mình quen biết tất cả công an làng Ngọc Hà. Nếu không đi được cũng có thể an toàn trở về. Nguyên hứa, “Nhà em an toàn, không thằng công an nào dám vào nhà thằng Nguyên lựu đạn này mà không thông báo trước. Anh yên chí!” Hậu chỉ biết gật đầu đồng ý vì đó là luân lý nín thở của anh, còn lập trường riêng thì “Việc gì cũng có thể xảy ra trong cái hình ống này.”

Bà The mẹ của Nguyên õng ẹo bước ra sau hè gọi Hậu lên ăn cơm trưa. Bà vốn là một bà nạ dòng năm mươi tuổi, không có chồng. Sáu đứa con của bà trừ ba anh em Nguyên, ba đứa con trai sau đều khác cha. Bà sống thoải mái nhờ tiền căn nhà có hai phòng cho hai người cháu đánh cá thuê, và sự đài thọ của hai anh em Nguyên. Hôm đầu tiên xuống ở nhà bà, Hậu được bà The xem như khách quí. Nói chuyện thân mật, bà hứa sẽ giúp Hậu hết lòng những ngày còn tạm trú nhà bà chờ chuyến vượt biên. Bà cho biết, “Chuyến này rất ngon lành nhờ chiếc ghe to, máy lớn nhưng số người khách rất giới hạn bởi chủ ghe không cần khách.” Bà đưa tay ra dấu năm mươi người cho chiếc ghe có thể chở đến 120. Hậu được ở căn phòng cuối cùng đang trống. Anh ra vào rất hạn chế vì lý do an ninh. Nhưng nhà Nguyên rất hiếm người ra vào. Ba đứa con sau của bà chỉ có thằng Sáng mười bảy tuổi đen đúa đang ở với mẹ, nghe đâu bà đẻ nó trên Nam Vang. Hai đứa còn lại ở với Nguyên cách nhà bà chừng sáu trăm mét. Chúng nó còn đi học.

Hậu ngồi ăn bạch tuộc nhúng dấm với Nguyên. Lần đầu tiên được ăn, Hậu có chút e ngại nhưng ăn vài con mới thấy bạch tuộc giòn ngọt ngon hơn mực ống. Hai người uống một xi rượu đế, Hậu ăn thêm bát cơm với cá mú kho tộ ngon lành rồi vào giường làm giấc ngủ trưa. Năm giờ chiều anh ra võng nằm đong đưa, nhìn mây trời hoàng hôn đang sà xuống đầu nguồn sông sau nhà. Hậu nghe có tiếng kêu, anh đứng dậy vào nhà thấy Nguyên mang súng AK-47 đứng sau cánh cửa đóng nói nho nhỏ với anh, “Chuẩn bị, tối nay em sẽ đưa anh ra bến.”

Hậu vào phòng thu dọn chiếc bao vải nhỏ có dây đeo vào vai. Anh không buồn mở ra xem, vì không có gì quan trọng với anh lúc này. Anh chỉ nghe theo Nguyên vì Nguyên thường nhắc, “Lối thoát duy nhất khỏi làng Ngọc Hà chính phía cửa sau nhà em. Nó đưa anh xuống bến ghe phụ nằm sau lùm tre. Đến đó sẽ có người đưa ra khỏi làng lên con đường lộ 51 đón xe về Sài gòn.” Hậu ngẩm nghĩ, lần này là lần thứ tư. Hai lần đầu xuất phát ở cửa Cần Giờ đều không đi được, nhưng may mắn không bị bắt. Lần thứ ba xuống tận Cà Mau cũng chỉ chờ trên một bãi đá hoang của một đảo nhỏ. Chiếc ghe chính ra đi, nhưng không thèm ghé rước Hậu vì đã quá khẳm. Hậu mất hai chỉ vàng đóng tiền cọc của cha cho, và xem như chuyến du lịch đắt giá. Anh ở trên đảo mười ngày, ngắm mây trời và ăn hải sản từ một thương phế binh chiến tranh kampuchia còn trẻ, chân khập khiễng nhưng tay nghề nấu nướng cao. Lần này không biết thế nào, Hậu lại đưa bàn tay trái lên ánh đèn điện săm soi, mấy chỗ sóng tay mà mẹ của một người bạn, giỏi xem chỉ tay phán, “Số anh xuất ngoại ngon lành. Anh không muốn đi cũng phải đi.” Hậu bấy giờ hỏi, “Xuất ngoại kiểu gì? Vượt biên phải không?” Bà cụ lắc đầu xua tay, “Bác không biết, nhưng vượt biên cũng chính là đi ra nước ngoài không phải hay sao?” Hậu chỉ biết cười, nhưng lòng cay đắng vì anh muốn thở, muốn thoải mái hô hấp với bầu trời xanh cao, và mảnh đất tự do dưới chân mình. Anh muốn thoát khỏi cái không gian đen tối hình ống.

(còn tiếp)

bài đã đăng của Lê Lạc Giao

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)