Ông Thắng nằm trằn trọc không ngủ được. Ông cảm giác như có trăm nghìn con kiến đang bò trên da thịt mình. Khi ông gãi thì không hề thấy ngứa nhưng khi ông yên lại nghe râm ran ngứa ngáy đâu đó trên cơ thể. Đã hơn mười hai giờ rưỡi khuya, ông lắng nghe cái câm lặng của khu phố, không khí trầm mặc của ngôi nhà và sự tịch mịch đáng sợ của căn phòng ngủ. Không có tiếng động nào ngoài hơi thở không yên của ông và tiếng thở đều đặn của vợ ông say ngủ nằm bên cạnh. Bà Cẩm ngủ ngon lành và giấc ngủ bình yên thoải mái này của bà tự dưng làm ông khó chịu. Ông Thắng chợt cảm thấy mình khô cổ, khát nước. Nhẹ nhàng ngồi dậy, ông bước xuống nhà dưới để lấy nước uống.
Khi đi ngang qua chiếc tủ kiếng đựng chén bát kiểu, ông dừng lại đứng rất lâu trước chiếc bình đựng rượu thuốc bốn lít bằng gốm sứ trắng cổ cao có hình thằng bé đang đuổi bướm ngoài đồng. Nhận ra mình đang chăm chú nhìn mãi chiếc bình đựng rượu dưới ánh sáng lờ nhờ của bóng đèn ngủ màu vàng nhạt trong góc nhà, ông Thắng hiểu mình mất ngủ chỉ vì chiếc bình rượu thuốc này. Ông vừa nghĩ đến đó thì đèn phòng cũng vừa bật sáng, bà Cẩm vợ ông đang đứng ngay góc cầu thang nhìn ông hỏi:
“Sao ông không ngủ lại xuống đây làm gì?”
“Tôi khát nên đi lấy nước uống.”
“Nước uống dưới bếp chứ đâu tại tủ chén bát này?”
“Thì tôi đi lộn chỗ, vì …”
Không đợi ông giải thích thêm, bà Cẩm mỉm cười bảo:
“Không phải ông thèm rượu nên không ngủ được hay sao? Nếu tôi không thức giấc xuống đây có lẽ ông đã uống chục ly rồi!”
Ông Thắng hổ ngươi xua tay quay đi xuống bếp đến chỗ bình nước uống liên tiếp hai ly nước lọc mà vẫn không thấy đã khát. Bà Cẩm đến gần tủ chén bát lấy tay mở nắp nhìn vào chiếc bình rượu thuốc như để kiểm tra rồi nói với chồng:
“Không phải tôi cấm ông uống rượu nhưng chúng ta đã thỏa thuận với nhau hôm qua rồi. Ngày mai tôi sẽ mua chiếc khóa khóa tủ rượu và tôi chỉ mở ra mỗi ngày một lần, mỗi lần ông chỉ được uống một ly mà thôi.”
Trong lúc bà Cẩm nói, ông lẳng lặng lên lầu nằm xuống giường nhìn lên trần nhà. Ông lại nghe da thịt râm ran ngứa và ông biết mình thèm rượu, nói đúng hơn ông biết là mình đã nghiện rượu. Cơ thể ông đang lên cơn vì số lượng rượu vào cơ thể của ông hai ngày qua không đủ thỏa mãn cho những tế bào đang khát rượu. Từ hai xị xuống còn một ly xây chừng quả là sự trừng phạt; tuy vậy trong sự sáng suốt cuối cùng của lý trí, ông nghe nó bảo,
“Đáng đời, lỗi tại nơi ta!”
Ông Thắng lơ mơ trong cơn khát rượu lẫn buồn ngủ rồi cuối cùng cũng thiếp đi. Vợ ông quay sang thấy ông đã ngủ, bà mỉm cười rồi ngủ tiếp một cách dễ dàng.
Buổi sáng thứ bảy khu phố Hòa Hưng tưng bừng nhóm chợ. Từ ngã ba đầu đường nhìn vào khung cảnh sôi động của một con đường có tính lịch sử này ai cũng cảm thấy ít ra sự sống vẫn tưng bừng nhờ hai năm chính quyền bỏ lệnh ngăn sông cấm chợ. Ngày hôm nay người ta buôn bán tự do và thoải mái hơn. Người bán không phải nhìn trước ngó sau mới bày ra món hàng và người mua cũng dễ dàng mua những thứ mà hai năm trước đó bị coi là bất hợp pháp.
Ông Thắng ngồi trên chiếc bàn nhỏ trong góc phòng có đặt một chiếc máy may và chiếc máy vắt sổ được gọi là tiệm may Đại Thắng của vợ chồng ông vừa uống trà vừa nhìn ra đường. Ông quan sát diễn tiến con người sinh hoạt trong khu phố theo thói quen mỗi sáng.
Bên kia đường là tiệm hớt tóc của ông Canh, một cựu đại úy cảnh sát chế độ cũ sau tám năm học tập cải tạo về, mở ra để mưu sinh. Toàn bộ gia sản ở Đà Nẵng của ông Canh đã bị tịch biên, căn nhà làm tiệm hớt tóc này do bà vợ ông may mắn mua được trong những ngày cuối tháng tư năm 1975 chạy từ Đà Nẵng vào. Nhờ vậy nên sau khi ra trại trở về gia đình ông mới khỏi bị đi vùng kinh tế mới.
Quen nhau được một tháng, ông Canh tâm sự với ông Thắng:
“Tôi thực sự được tái sinh hai lần. Lần thứ nhất là vào được Sài gòn những ngày tháng tư trần ai di tản từ miền Trung và lần thứ hai sau khi ra trại được về với cái tam giác quí giá này chứ không phải đi vùng kinh tế mới.”
Ông Canh gọi cái tam giác quí giá tức chính là cái nhà hình ba góc mà ông đang ở mặc dù lúc nghe ông nói như thế ai cũng buồn cười. Đứng ngay cửa, nơi đặt chiếc ghế hớt tóc duy nhất là cạnh đáy của một tam giác cân dài bốn thước rưỡi. Tại đây nhìn thẳng vào thấy ngay đỉnh của tam giác nơi ấy đặt một chiếc bàn như chiếc ghế đẩu to, trên mặt đặt một chiếc hỏa lò nấu cơm bằng than và một cái chạn tre đựng chén bát. Ngôi nhà tam giác chật hẹp này được vợ ông sáng kiến ngăn thêm tầng hai lót ván làm phòng ngủ và muốn lên phải leo bằng một cầu thang, loại thang tre hái trái cây ở quê. Tuy nhiên đâu cũng vào đấy, ông Canh tự an ủi, “Ăn nhiều chứ ở bao nhiêu! như nói lên nhân sinh quan của một người được tái sinh hai lần trong cuộc đời chưa quá năm mươi năm của mình.
Ông Canh kể với ông Thắng
“Vợ tôi mua cái rẻo tam giác này hai cây vàng cuối tháng tư năm 1975.”
Ông Thắng nghe ông Canh nói xong bèn tiên tri,
“Anh đừng coi thường, cái tam giác này sẽ đến vài chục cây, vợ chồng anh không có lỗ đâu, rồi anh sẽ thấy.”
Và thật vậy, ông Canh đã lời ngay năm đầu tiên về ở cái nhà này. Bà vợ nhỏ hơn ông mười lăm tuổi đẻ cho ông một cậu con trai. Vợ ông gốc là một y tá phụ sản vì thế rất khéo nuôi con, thằng bé bụ bẫm dễ thương nên cả khu phố ai cũng thích nựng nịu nó. Tình bạn của hai người gắn bó hơn qua mỗi chiều uống rượu thuốc, khề khà chuyện đời với nhau. Thời gian này mỗi chiều ngay tại nhà ông Thắng, phía sân hông bên phải nhà có một chiếc bàn đóng bằng gỗ tạp và bốn chiếc ghế đẩu thấp, ông Thắng, ông Canh, ông Trạc và ông Hinh là bộ tứ đại biểu của những con người giang hồ trôi nổi xa quê tụ họp.
Ông Thắng, ông Canh cùng quê Quảng Nam, trong khi ông Trạc là người Bắc di cư năm 1954 và ông Hinh quê Vĩnh Bình chuyển về Hòa Hưng này sinh sống đã hơn hai mươi năm. Bốn người ấy nghề nghiệp khác nhau, trừ ông Trạc sáu mươi hai, ba người còn lại tuổi tác tròm trèm năm mươi. Ngồi với nhau là cái cớ nói lên nỗi niềm thân phận của mình. Thực ra họ rất khác nhau về gốc gác, nghề nghiệp nhưng lại chia sẻ chung một hoàn cảnh. Ông Thắng rót đầy bốn ly rượu. Họ nâng ly nhìn mặt nhau im lặng, vài giây sau một tiếng “khà” đồng bộ vang lên. Khi bốn cái ly đặt xuống họ đều liếc nhìn ra đường. Thỉnh thoảng một hồi còi hụ và một đoàn xe bít bùng chạy vào khám Chí Hòa, cả bốn người đều thở dài. Ông Hinh bảo:
“Sắp có xử bắn.”
“Ừ!”
Tiếng “ừ” thường là của ba người còn lại. Đấy là một thói quen nhịp nhàng đồng bộ.
Đoàn xe chừng chục chiếc xe con, có còi hụ dẫn đầu thường là ủy ban an ninh bộ nội vụ miền Nam. Họ họp quyết định đóng hồ sơ những phạm nhân bị án tử hình để chuyển sang ban thi hành án. Và, ngay ngày hôm sau vào sáng sớm, lại một đoàn xe bít bùng chở phạm nhân ra trường bắn Long Thành.
Những buổi sáng như thế, khi tiếng còi hụ cất lên, bà Cẩm vợ ông Thắng lại ra sân sau thắp một cây nhang trên chiếc trang thờ cô hồn ở góc sân. Bà thầm cầu nguyện cho người bị tử hình, bất kể là ai, hoặc phạm tội gì, bà bảo với chồng,
“Khi chết ai cũng đáng được siêu thoát để có một bắt đầu mới.”
Nghe vợ nói như thế, ông Thắng tự hỏi,
“Không phải mình cũng đã qua bao lần bị tử hình hay sao?”
Tiếp theo ông nói với vợ,
“Chúng ta đã bắt đầu nhiều lần rồi phải không?”
Bà Cẩm không nói tiếng nào nhưng sự im lặng của bà như thầm đồng ý câu hỏi của chồng.
Buổi chiều ông Thắng lập lại câu hỏi từ đáy sâu cõi lòng câm nín với ba người bạn. Cả ba cùng lặng thinh nhưng đồng bộ gật đầu. Thế rồi rượu được rót ra ly và sau đó bốn tiếng “khà” lại đồng bộ cất lên. Cả bốn người ngồi uống rượu nói chuyện với nhau như những người láng giềng thân quen nhàn nhã.
Ông Hinh mua giấy vụn bán lại cho công ty Cogido để làm giấy tái sinh. Nhà ông Hinh ở cùng phía với ông Canh, cách nhà ông Trạc sáu căn và cách nhà ông Thắng chừng hai trăm mét. Ông Trạc sống bằng nghề cung cấp trang thờ thần tài, thổ địa, thỉnh thoảng ông viết liễn câu đối chữ Hán. Trang thờ bằng gỗ bằng lăng sáu, bốn, tám tấc đóng từ một xưởng mộc ở Hóc Môn, được chở xuống nhà ông theo yêu cầu. Sau đó ông sơn đỏ, trang trí trong ngoài với câu đối và tượng thần tài, thổ địa. Trước năm 1975 ông sống an ổn với nghề nghiệp này. Chiều hôm ấy sau khi uống chừng nửa bữa rượu, ông Hinh nói với các bạn:
“Vợ tôi mới cho một người cháu xa về ở hai tuần rồi.”
Ba người lắng nghe nhưng không thấy ông Hinh nói tiếp, ông Trạc hỏi:
“Thì thêm người bà con vào ở có gì đáng nói?”
“Có chứ!”
Ông Canh lại hỏi,
“Có gì nào?”
Ông Thắng im lặng không nói nhưng khuôn mặt rõ đang chờ câu trả lời của ông Hinh. Ông Hinh bảo,
“Người cháu này trước sống ở ngoài Bắc, là đảng viên.”
Nghe xong cả ba nín thinh rồi thở dài đồng bộ. Rót rượu được thêm hai lần, ông Trạc lại bảo:
“Nhà tôi cũng có đứa cháu mới từ Hà Nội vào công tác, đang xin ở tạm hai tháng.”
Không nghe ai nói gì, ông Trạc tiếp:
“Nó là con của người chị không đi di cư vào Nam năm 1954 và cũng là đảng viên.”
Ba người nghe lại thở dài. Tiếp theo cả bốn người đều nhìn ra đường.
Nắng vàng buổi chiều tháng sáu còn sót lại trên đầu những mái nhà một vệt vàng bềnh bồng trải suốt một quãng dài hết sức mỏng manh. Cuối cùng vệt nắng cũng biến mất và khu phố như âm u hơn sau khi bốn người thở dài chia tay nhau. Ông Thắng nhìn ba người bạn vừa quay lưng nói bâng quơ,
“Đất nước thống nhất, thanh bình trở về, vui lên nào!”
Nói xong, ông nhìn mãi theo bóng ba người bạn nhạt nhòa dần như nhìn chính hình ảnh của mình rồi đi đến chiếc trang thờ cô hồn ở góc sân chăm chú ngắm nghía chiếc bát nhang. Ông Thắng đếm được mười ba chân nhang, có nghĩa từ đầu năm đến giờ đã có mười ba vụ xử bắn.
Ông Hinh trở về nhà gặp ngay cô cháu gái bốn mươi tuổi còn độc thân của vợ mình. Cô Báu là người mà ông Hinh vừa mới nói với các bạn. Dĩ nhiên, ông nói nhưng không hề nhắc đến bề ngoài hoặc khoe khoang chức vụ của cô cháu như đa phần các gia đình có thân nhân đi tập kết trở về, hay có bà con từ bên kia vĩ tuyến 17 chuyển vào miền Nam làm việc hoặc thăm viếng người thân. Cô Báu được vợ chồng ông cho ở căn phòng đầu nhà, phía trước phòng là khoảng sân nhỏ giáp mặt đường dẫn vào khu chợ nhỏ.
Ông Hinh nói với các bạn về người cháu hiện diện trong nhà như trình bày một sự kiện, đúng hơn là kể về một biến cố. Không thể nói ông thích hay không thích vì khuôn mặt ông không biểu cảm gì lúc đề cập. Đối với chế độ chính trị mới sau tháng tư năm 75, ông lúc nào cũng im lìm như khu phố lúc nửa đêm.
Thấy cô Báu ngồi ngoài sân trên chiếc ghế bằng đá hoa cương cạnh cây hoa kiểng với khuôn mặt có nét giận dữ, ông Hinh hỏi,
“Cô làm sao thế?”
Cô Báu trả lời ngay:
“Cháu rất buồn, xã hội miền Nam bị đế quốc Mỹ xâm lăng, để lại di sản dơ dáy hết sức. Họ không biết sạch sẽ là gì!”
“Di sản dơ như thế nào?”
“Họ vứt rác, thậm chí vứt cả phân vào sân nhà khiến cháu phải ngày nào cũng dọn dẹp. Không có cô chú ở nhà thì cháu phải dọn chứ ai vào đây làm. Mà cháu còn phải lên phường làm việc, có đâu ngày nào cũng phải quét trước sân nhà vài ba lần như thế!”
Buổi tối vợ về, ông Hinh kể với vợ chuyện này, vợ ông dù rất mệt nhọc sau một ngày làm việc tại nhà thương nhi đồng, vẫn cố cười,
“Cô Báu quá quan trọng hóa vấn đề. Để ngày mai em nói chuyện với cô ấy.”
Ông Hinh an tâm và tin mọi chuyện đâu sẽ vào đấy. Tuy nhiên, trong cơn mơ đêm ấy ông đã lảm nhảm hỏi, “Không biết ai chơi xấu như thế này?” làm vợ ông giật mình thở dài rồi nhìn ông hết sức lạ lùng.
Sáng hôm sau, lúc ông Hinh thức dậy thì vợ và cô cháu đã đi làm. Ông ăn uống qua loa rồi bằng chiếc xe thùng Daihatsu của mình lái đi chở giấy từ các hợp đồng với những ban ngành hành chánh trong thành phố. Ông làm việc chăm chỉ và luôn tin rằng mình không có gì sai đối với xã hội, gia đình lẫn bản thân. Buổi chiều rảnh ông nấu cơm cho vợ và cô cháu về ăn. Xong việc nhà ông lang thang xuống nhà ông Thắng uống rượu.
Lần này về nhà, ông lại thấy cô Báu đứng trước nhà chửi đổng:
“Đứa nào lén lút vứt rác vào nhà bà mà không dám ra mặt thật là hèn. Chúng mày phải biết bà đây suốt một đời đấu tranh cách mạng mới có được chiến thắng hôm nay. Đã vô ơn còn phản động. Bà bắt được sẽ đưa chúng mày vào trại cải tạo.”
Ông Hinh nhìn chung quanh nhà, chỉ có cô cháu cán bộ cách mạng của vợ ông đang cô đơn đứng chửi. Ông mong thấy ai đó đồng tình với người cháu để ông hỏi chuyện nhưng không thấy người nào, nhìn mãi tận cuối hẻm ông thấy ông Bổn bán khô bò gỏi đu đủ lấp ló sau cánh cửa cổng. Hình như cảm tưởng ông Hinh đang nhìn mình, ông Bổn đóng nhanh cánh cửa. Ông Hinh quay lại thấy cô Báu vẫn đang lầm bầm chửi. Bấy câu ấy lập đi lập lại nhiều lần, ông lặng lẽ lên lầu vào phòng ngủ đóng cửa lại. Lên giường nằm ông vẫn nghe cô cháu chửi mãi khiến ông lại tự hỏi,
“Không biết ai lại đi vứt rác vào nhà mình làm gì thế nhỉ?”
Ông nghĩ vẩn vơ mãi cuối cùng kết luận rằng cán bộ cách mạng rất sạch và thích sạch trong khi đó ông là người dân miền Nam, vùng chịu ảnh hưởng đế quốc rất xô bồ, ồn ào và dĩ nhiên không thể nào sạch sẽ được. Suy nghĩ của ông cứ như thế đi thẳng vào cả giấc mơ. Ông thấy hai vợ chồng ông ngủ trên một đống rác khổng lồ đầy ruồi nhặng. Nửa đêm giật mình thức giấc mồ hôi vã đầy mình, tuy minh chứng chỉ là cơn ác mộng nhưng ông Hinh dường như còn nghe thoang thoảng mùi rác đâu đấy.
Buổi chiều ông Trạc về nhà đã thấy thằng Đông cháu ông chễm chệ ngồi hút thuốc lào trên ghế sa lông. Thấy ông nó đưa tay lên chào rồi lim dim mắt thưởng thức cái say thuốc đang kéo đến. Trên bàn cơm tấm kính tráng thủy có hình Bà Chúa Xứ và hai câu liễn ông viết sáng nay, Kim Chi Sơ Phát Diệp, Ngân Thụ Chánh Khai Hoa, vẫn chưa khô hẳn. Đi xuống bếp, thấy nồi cơm còn một nửa, ông Trạc xới một chén rồi chậm rãi ngồi ăn với cá nục kho ngay tại chiếc ghế đẩu cạnh chiếc lò đun củi.
Sau bữa rượu về nhà, ông Trạc vẫn thường ăn thêm chén cơm vì ngay tại bàn rượu ở nhà ông Thắng mỗi chiều, ông không bao giờ tham gia như một kẻ ăn nhậu thực thụ. Ông đến để họp bạn và lắng nghe ý kiến cùng thái độ của mọi người. Ông chủ ý uống rượu và mỗi lần nâng ly đổ rượu vào miệng làm như ông nuốt nỗi hận lòng dù nỗi hận thù hằn học này ông không rõ hình thù ý nghĩa ra sao. Có lần nhìn ông Trạc uống rượu với nét mặt khó coi như thế, ông Canh hỏi thì được ông trả lời:
“Tôi thích yên ổn, nhưng bây giờ cảm thấy không yên chút nào nữa nên tôi khó chịu vậy mà!”
Nghe ông Trạc nói, ông Canh lắc đầu nói như với tất cả mọi người,
“Thì ai cũng cầu bình yên, phải không?”
Ngồi ăn chiều nay, ông Trạc nghĩ đến thằng cháu rồi thở dài.
Thằng Đông vào sống với ông được ba tuần lễ cũng làm cuộc sống vốn không được bình yên của ông xáo trộn hơn nữa. Nó là con trai duy nhất của người chị ruột ông sau năm 1954 ở lại Nam Định trong khi ông Trạc theo tàu há mồm di cư vào Nam. Bà chị duy nhất ấy của ông đã chết năm 1972. Tuy ông nhớ thương người chị của mình nhưng khi sống với Đông chừng hai tuần lễ, ông Trạc cảm giác ông và Đông không hề có chút liên hệ ruột thịt nào.
Ngày đầu tiên nhìn những chiếc trang thờ ngổn ngang ngoài sân, Đông hỏi,
“Sao cậu đóng nhiều chuồng chim câu như thế?”
Không chờ ông cậu trả lời, nó nói tiếp,
“Ở trong này chiếc chuồng chim câu sao sang trọng không kém cái lâu đài, chim đế quốc có khác!”
Ông Trạc giải thích mãi nó mới hiểu, nhưng khi hiểu rồi nó lại phê bình ông Trạc tiếp tay gieo rắc sự mê tín cho nhân dân. Từ đó nó luôn phê bình người cậu, làm như nó có bổn phận cứu giúp ông thoát khỏi sự tha hóa của cả một vùng đất bị tạm chiếm bởi đế quốc. Người cháu nói gì thì nói, ông Trạc vẫn im lặng không hề phản đối hay đồng tình.
Những ngày sau đó, Đông không ngừng đi tới đi lui dò xét từng ngóc ngách căn nhà nhỏ bé bề ngang bốn thước, bề dài mười tám thước của cậu mình.
“Căn nhà bề thế thế này, cháu cảm tưởng thiếu thốn thứ gì đó.”
Ông Trạc suy nghĩ mãi câu nhận xét của Đông nhưng vẫn không nghĩ ra. Thiếu cái gì? Trong hơn hai mươi năm làm việc, ông mua được căn nhà này. Tiền bạc để dành ông gửi tất cả vào ngân hàng. Sau ngày thống nhất, các trương mục ngân hàng bị phong tỏa, tiếp đến là đợt đổi tiền, ông không còn gì ngoài hai trăm đồng cơ bản mà mỗi gia đình miền Nam được phép giữ. Ông Trạc vốn không có nhu cầu gì ngoài cuộc sống của một người góa vợ khắc khổ. Khi vợ chết, ông mới ba mươi chín tuổi nhưng không tục huyền mà tiếp tục sống như một nhà tu. Năm nay ông sáu mươi hai tuổi, hai lá phổi của ông không tốt, mùa đông trở trời ông ho liên tu bất tận. Bệnh viện nói rằng bệnh lao phổi tuy đã chữa khỏi nhưng hai lá phổi bây giờ rất mỏng manh, có thể vỡ tan bất kỳ lúc nào. Ông được khuyên phải vui và phấn khởi may ra tình trạng tâm lý giúp ông sống lâu hơn.
Những điều bệnh viện nhắn nhủ chỉ là gió thoảng bên tai. Ông Trạc mất ngủ kinh niên, cuộc sống cô độc đã bó chặt ông trong sự tù đày tâm lý. Ông sống không hề có dự phóng, buổi sáng thức dậy ông biết mình còn sống và phấn đấu cho đến khi hoàng hôn. Dù giấc ngủ khó khăn nhưng ông vẫn mong được bình an nhắm mắt lại để rồi ông không còn nhận ra mình ngủ hay thức nữa. Thường giấc ngủ muộn màng buổi sáng xác định cho ông biết sự tồn tại của mình. Sau khi đất nước thống nhất, ông Trạc trước kia vốn im lìm bây giờ lại câm nín hơn. Ông không tin vào bất cứ điều gì xuất phát từ biến cố lớn lao này của đất nước. Ông Trạc nói với ông Thắng,
“Không ai giúp tôi ngoài không khí. Nếu không có không khí thì tôi chết. Tôi chỉ tin vào không khí…”
Nghe ông Trạc phát biểu lạ lẫm như thế, ông Thắng lại mỉm cười như đồng tình rồi bảo,
“Tôi cũng thế!”
Và có lẽ không ai hiểu những lời nói như vậy ngoài thâm tâm của chính hai ông.
Hôm Đông vào thăm cậu của mình. Anh mang theo một chục chén Bát Tràng biếu cậu. Nhìn chục chén cháu bày trên bàn, ông Trạc thở dài, sau đó chảy nước mắt khi biết người chị thân yêu của mình đã mất ba năm trước. Ông nhìn tấm hình chị mình ố vàng hơn nửa thế kỷ trước trong khuôn hình đang treo trên vách rồi nhìn tấm hình do Đông mang vào như so sánh. Với ông Trạc quá khứ là chút ánh sáng còn sót lại trong tâm khảm mờ mịt của ông. Nó dường như chiếu rọi ra chút hi vọng, nhưng lần này sau khi nghe Đông báo tin chị mất, rồi nhìn chục chén Bát Tràng trên bàn, chút hi vọng ấy biến mất tăm luôn. Thay vào đó, ông chỉ thấy một quãng không gian hình ống màu đen kịt. Lặng lẽ đứng lên ông lấy một chiếc chén Bát Tràng đổ gạo vào đặt trên bàn thờ rồi cắm lên đấy nén nhang như để tưởng nhớ người chị thân yêu ngày xưa. Ông đứng im lặng trước bàn thờ cha mẹ, vợ và giờ thêm người chị ruột của mình như đang tâm sự với họ. Thực ra không biết ông tâm sự hay chính nỗi tủi thân vô bờ đang gào thét bên bờ vực sự cô đơn cô lập ông với cái thế giới đầy rẫy xáo trộn này. Ông chỉ muốn yên dù ông biết chính sự yên lặng đang giết mòn dần từng phút giây bản thân ông.
Nhìn dáng vẻ độc thoại của ông cậu, Đông như thông cảm. Nó đứng lên vỗ vai ông,
“Cậu phải mạnh mẽ, rồi đây cuộc sống của cậu sẽ khá hơn với sự giúp đỡ của chính quyền cách mạng.”
Ông Trạc không nghe Đông nói. Ông đang nhìn ngắm khoảng không gian hình ống đen kịt của mình, nó không phải quá khứ cũng chẳng là tương lai. Nó là chiếc quan tài của chính ông đang từng bước đưa ông về khởi điểm cát bụi ban đầu.
Ông chợt lắc đầu, sau đó lại gật đầu như nghe chị của mình ngày xưa từng bảo,
“Em cố gắng lên, cha mẹ dù mất sớm nhưng chị tin rằng hai chị em chúng ta sẽ khá hơn nếu biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau.”
*
Sáng nay cô Lý con gái ông bà Thắng về thăm nhà. Cô đi vào nhà bằng chiếc xe Honda Cub mới bóng loáng. Bà Cẩm ôm con gái bảo,
“Con gầy ốm quá, bộ công việc nhiều lắm hay sao?”
Lý lắc đầu:
“Con làm việc theo giờ hành chánh, tám giờ một ngày thôi. Có lẽ do con ít ngủ nên hơi gầy. Chỉ anh Dũng mới đầu tắt mặt tối mẹ ạ!”
Dũng là chồng của Lý, giảng dạy vật lý ở Đại Học Khoa Học. Dũng cũng còn dạy học vài trường trong thành phố nữa nên phải chạy đông chạy tây. Hôm nay nghỉ lễ, trong khi Dũng đi thăm một người bạn cùng dạy học đang bị bệnh nằm ở bệnh viện Nguyễn Trãi, Lý tranh thủ về thăm cha mẹ.
Lúc Lý đưa xe vào nhà, ông Thắng thấy phía trước xe của con gái có một thùng giấy dài. Ông chưa kịp hỏi Lý đã khệ nệ mang nó xuống bảo:
“Công ty cho một thùng bia ngoại, con mang về cho ba vì con biết ba thích uống bia.”
Bà Cẩm nghe cau mặt trong khi ông Thắng nói theo thói quen, “Bia nhạt phèo, ba thích rượu hơn!” Nghe chồng nói, bà Cẩm nổi nóng nói với con:
“Con mang về cho chồng con uống, ba con đang trong thời kỳ cai rượu!”
Thấy mẹ nói giọng nghiêm trọng, cô Lý quay sang cha hỏi,
“Ba nghiện rượu thật hay sao?”
Ông Thắng nhăn mặt miễn cưỡng gật đầu nói nhỏ,
“Ba đang cai rượu, nhưng con cứ để thùng bia cho ba, ba sẽ dùng để đãi khách khi cần.”
Bà Cẩm lắc đầu tỏ ý phản đối nhưng vẫn không nói gì, trong khi Lý nói thêm:
“Trước kia con thấy ba có uống rượu thường đâu mà nghiện.”
Cô Lý lấy chồng đã hơn năm năm. Thời kỳ ngăn sông cấm chợ có tiền đâu mà uống rượu đến nghiện được. Cha cô chỉ mới uống hai năm gần đây, khi xã hội bắt đầu thời kỳ mở cửa dung nạp những thành phần kinh tế nhỏ lẻ, cha mẹ cô mở tiệm may Đại Thắng vì vậy cũng có đồng ra đồng vào.
Thu nhập được từ việc may cắt do bà Cẩm một tay quán xuyến mà nên. Bà ngày xưa từng may cho một tiệm may thời trang phụ nữ nổi tiếng ở Đa Kao trong khi ông Thắng là thợ cắt âu phục của một tiệm may ở đường Lê Thánh Tôn Sài Gòn. Từ khi lập gia đình ông bà ra mở một hiệu may trên đường Hiền Vương. Sau biến cố cuối tháng tư năm bảy lăm, hai người về Hòa Hưng mua căn nhà hai tầng ở đầu đường này của người bà con xa. Số lượng vải tồn kho của tiệm may ngày trước vợ chồng ông giấu kín mãi đến thời kì mở cửa, hai người quyết định mở một tiệm may nhỏ tại nhà. Ai cần may vá mang quần áo hoặc vải đến vợ chồng ông cắt may hay khâu vá ăn tiền công. Sáng kiến này đã khiến cuộc sống dễ thở và gia đình ông Thắng sống thoải mái sung túc hơn.
Lý kết hôn với Dũng năm 1979. Trước khi lấy nhau cả hai đều là sinh viên Khoa Học. Năm 1971 Lý học chứng chỉ SPCN thì Dũng học năm cuối cùng cử nhân vật lý. Trong những lần hội thảo nhóm sinh viên phản chiến Bừng Sống, Dũng quen Lý. Một lần Dũng bị bắt vào Nha Cảnh Sát Đô Thành, Lý đã nhờ cha mình can thiệp vì ông Thắng có người bạn cùng quê Quảng Nam làm đại úy cảnh sát đặc biệt ở đó. Nhờ vậy Dũng không bị tra tấn chỉ làm tờ khai có ông Thắng đứng ra bảo lãnh nên anh được thả về.
Dũng về ở tạm gia đình của Lý, anh thú nhận với ông Thắng là chỉ hoạt động giúp người bà con ở Sài Gòn vốn là nơi Dũng thường đến nhận tiền của gia đình ngoài Quảng Nam gửi vào. Khi nghe ông Thắng hỏi, “Con đã vào mật khu lần nào chưa?” Dũng lắc đầu hứa sẽ từ bỏ việc đấu tranh cách mạng, cố gắng học để thi xong cử nhân vật lý. Dũng tính tình kín đáo, hiền lành thật thà, mang đầy đủ phẩm chất tốt của một sinh viên miền Trung xa gia đình, anh tham gia phong trào phản chiến của sinh viên có lẽ chỉ vì sự nông nổi của tuổi trẻ. Ở nhà Lý ba tháng Dũng xin ra ngoài ở riêng để tiện việc học. Thời kỳ này Dũng và Lý bắt đầu yêu nhau.
Xin ra ngoài cũng là cái cớ để Dũng tiếp tục tham gia phong trào sinh viên tranh đấu. Dũng thành thật nói với Lý,
“Cử nhân chỉ là cái bằng, học lúc nào cũng được, nhưng thời điểm cách mạng chín muồi chỉ đến một lần. Không nắm bắt cơ hội thì đất nước cứ mãi nô lệ ngoại bang, lúc bấy giờ sẽ mất hết.”
Trong thâm tâm Lý rất kính phục Dũng dù cô không hiểu rõ lắm chữ nô lệ mà Dũng thường nói có ý nghĩa như thế nào. Đôi khi, Lý còn thấy cha mẹ mình sao ngu ngơ khờ khạo quá chừng không hề nhận ra được sự chuyển biến của lịch sử. Lý âm thầm giúp đỡ Dũng mang truyền đơn đến những bộ phận sinh viên tranh đấu của các đại học Văn, Y, Dược, Luật Khoa, Sư Phạm hay Nông Lâm Súc.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Dũng xuất hiện là một cán bộ trí vận cộng sản tiếp thu Đại Học Khoa Học khiến ông Thắng bề ngoài tỏ ra vui vẻ nhưng bên trong vô cùng thất vọng. Buổi trưa ông đi tới đi lui trong phòng khách, khuôn mặt buồn bã trong lúc vợ ông may cờ giải phóng miền Nam để treo. Ông Thắng đến gần nhìn chăm chú vợ mình đang đạp máy may rào rào để may năm mươi lá cờ giải phóng miền Nam cho khu phố rồi tự nói:
“May cái màu xanh kia làm gì cho tốn vải. Tất cả chỉ có nền đỏ và sao vàng mà thôi, bày đặt làm gì!”
Bà Cẩm nhìn chồng không hiểu ông nói gì, cắm cúi may tiếp. Ông Thắng suy nghĩ mãi về quê nhà Quảng Nam và những lá cờ. Nhà của ông ở tận một vùng quê xa đã từng treo lên hạ xuống bao thứ cờ. Những lá cờ này không hề đơn giản là biểu tượng mà còn đẫm máu, nước mắt của gia đình ông. Ông hiểu ý nghĩa lá cờ nên thâm tâm rất sợ hãi nó. Vì sợ hãi mà ông mới chạy vào tận nơi này. Bây giờ thấy vợ may cờ, ông nhớ đến một quãng ký ức đen tối rồi nhớ ngay đến Dũng và tình cảm con gái ông dành cho một cán bộ cách mạng. Không biết lòng ông suy nghĩ gì mà cứ lắc đầu rồi gật đầu liên tục. Bà Cẩm vợ ông khó chịu bảo:
“Ông làm gì mà như gà mắc đẻ vậy?”
“Tôi đang nghĩ việc nước đây.”
Lúc ông nói, thành phố đang sục sôi ngọn lửa cách mạng. Con gái ông suốt ngày ở Đại Học Khoa Học phụ Dũng giải quyết nhiều vấn đề trong đó có việc tham gia tổ chức chiến dịch X1. Đám sinh viên đi lùng sục mọi nơi tìm bất cứ thứ gì có thể ngăn cản bánh xe lịch sử đang chạy thì đều nhất quyết không tha. Dĩ nhiên lúc này miền Nam như cây bắp cải trụng nước sôi vậy. Nếu sinh hoạt chính trị là nước sôi thì quần chúng phải là bắp cải. Những hoan hô đả đảo là thứ nước sôi xối lên bắp cải và bắp cải tất sẽ phải ỉu xuống, co rút lại. Người dân miền Nam thực sự ỉu xuống, điều này bản thân ông Thắng thấm thía hơn hết. Tại sao? Cũng không khó hiểu vì nếu cách mạng là nước sôi, gia đình ông là bắp cải thì cây bắp cải này đã bị trụng nhiều lần rồi. Từ đời ông nội ông cho đến ông, gia đình ông đã trải qua ba lần bị luộc chín.
Ông nội ông Thắng là một trong những trí thức cuối cùng của phong trào Cần Vương đầu thế kỷ hai mươi, ông chết khi tổ chức nghĩa quân kháng Pháp. Ông Nghè Bổng đã thảo hịch hạch tội thực dân và triều đình Huế về những hòa ước nhường đất cho Pháp của thế kỷ trước. Ông Nghè bị Pháp bắt và tử hình.
Cha ông Thắng, máu kiên cường không kém người cha, ông gia nhập Quốc Dân Đảng, bị chính những người mang danh yêu nước thuộc Đảng Cộng Sản thanh toán. Chú ông còn lý tưởng hơn nữa, dù anh ruột đã bị các đồng chí bức hại, ông thấy mình có bổn phận cần phải thanh minh cho những người cộng sản bằng cách chứng minh anh mình chính là Việt Gian, đã âm thầm cộng tác với Pháp nên không bị oan chút nào! Lúc cha bị giết, ông Thắng bảy tuổi. Tuy còn rất nhỏ ông vẫn không hề tin những lời nói của chú mình. Lớn lên với bóng tối quá khứ gia đình đè nặng, ông Thắng chỉ biết đọc sách, nghiền ngẫm lịch sử như nghiền ngẫm thánh kinh tôn giáo. Càng tìm hiểu lịch sử ông càng sợ hãi chính trị. Trong lúc chú ông tập kết ra Bắc, năm 1958 ông Thắng quyết đưa mẹ già vào Nam sinh sống, tiếp tục niềm tin vào sự quyết tâm của chính mình là độc lập với mọi khuynh hướng chính trị của đất nước.
Thái độ của ông Thắng chẳng là do ông đã từng trải qua những lần lột xác tái sinh nên ông hiểu rõ bản chất của nó. Lý do ông hỏi Dũng ngày trước và thái độ hôm nay của ông khi nhìn bà vợ may cờ cũng chỉ là sự lặp đi lặp lại câu chuyện lịch sử. Ông đau đớn nhưng không can đảm dứt bỏ mảnh đất quê hương vì ông lỡ sinh ra trên một vùng đất cay nghiệt. Ông thà chết chứ không để mang tiếng bỏ quê hương, phản dân tộc dù ý nghĩa của nó không thật như những gì đã xảy ra. Điều ông cay đắng rõ ràng nhất là lịch sử sao cứ mãi lập đi lập lại nỗi oan khiên, lầm than, đau khổ đó mà chưa hề thấy dấu hiệu nào chấm dứt cả. Mỗi lần xảy ra là mỗi lần tai ương hoạn nạn hơn nữa. Đó là thứ ông sợ hãi, ông chân nhận ra biến cố này đã lập đi lập lại trên hai nghìn năm lịch sử của dân tộc và đã biến thành truyền thống. Ôi, thứ truyền thống lịch sử bao bọc bao biến cố để trở thành chiếc kén vàng thiêng liêng thì thế nào mà cởi bỏ được! Ngày hôm nay người ta đang nhảy múa trên xác chết đồng bào mình và đang tự hào kiêu hãnh về điều đó. Ông Thắng nghĩ như thế.
Dũng sinh hoạt đoàn thanh niên rồi tham gia công tác trí thức tại Viện Đại Học Sài Gòn. Sau khi cưới Lý, Dũng vừa đi học vừa công tác tại Viện Đại Học với chức vụ Trưởng phòng Hành chánh kiêm Ủy viên Chi bộ của Viện Đại Học. Hai năm sau khi tốt nghiệp cử nhân vật lý, Dũng học tiếp cao học đồng thời rút chân ra khỏi cấp ủy. Những người bạn cùng công tác ngạc nhiên, Dũng giải thích, “Tôi chỉ thích khoa học, công tác chính trị không phải chuyên môn của tôi.” Những người bạn thân thì đoán biết Dũng có lý do nào đó mới hành động như thế vì con đường tương lai của Dũng rất thênh thang nếu tiếp tục tham dự công tác trong vai trò cấp ủy đảng. Sáu tháng sau Dũng tự động ngưng sinh hoạt đảng, điều kiện tiên quyết để từ bỏ đảng sau này. Lý được chồng khuyên chuyển qua làm việc ở một cơ quan thương nghiệp thay vì đi dạy trung học như trước.
Hai vợ chồng Dũng mất dần những quyền lợi trước kia chỉ dành cho những đảng viên. Điều đặc biệt là suốt thời gian năm năm họ không hề về thăm vợ chồng ông Thắng. Mà cả ông Thắng lẫn bà Cẩm cũng không hề thắc mắc chuyện kỳ lạ này. Làm như họ thỏa thuận với nhau trước. Người quen gặp vợ chồng ông nếu hỏi thăm vợ chồng Lý thì được bà Cẩm trả lời, “Hai vợ chồng tụi nó ra Hà Nội làm việc rồi, lâu lâu mới có thư.” Cách nói úp mở không làm ai hài lòng nhưng lúc bấy giờ hình như có ai hài lòng điều gì đâu, họ như con ốc cái đinh của một bộ máy khổng lồ. Máy chạy thì họ phải chạy theo, muốn đứng lại làm thế nào được cơ chứ.
Nghe tin Dũng từ bỏ cấp ủy đảng, ông Thắng nói vào tai vợ,
“Có lẽ chỉ sáu tháng nữa thôi Dũng sẽ văng ra khỏi bộ máy cách mạng!”
Từ khi mở tiệm may, ông Thắng từng bước chiêu dụ người đồng bệnh tương lân với mình để dần dần hình thành bộ tứ Thắng, Hinh, Canh, Trạc. Có thể bảo đấy là ban tứ ca, mỗi chiều ngồi với nhau uống rượu tại sân hông nhà may Đại Thắng. Họ trình diễn chỉ một bài hát qua cử chỉ đồng bộ nhịp nhàng dù chưa bao giờ tập với nhau trước. Nâng ly, đổ rượu vào miệng, gắp mồi đều chỉ một nhịp. Một người cất tiếng, có khi chỉ mỗi hai từ mà bất kỳ kẻ bàng quan nào cũng chịu thua không hiểu được thì ba người còn lại như đi trong gan trong ruột của nhau, đồng bộ gật đầu hay phản đối, trên khuôn mặt họ sự biểu cảm cũng đồng bộ không kém. Buồn vui hay lãnh đạm như xuất phát từ chung một khuôn thước. Một người nhìn ra đường tất ba người còn lại không thể nhìn chỗ khác. Tiếng thở dài đồng bộ của bộ tứ như tiếng xuống nhịp của một trường canh hay như một quả bóng to bị xì hơi.
Bộ tứ ca này sinh hoạt được hơn hai năm thì bắt đầu có dấu hiệu khách quan thoái hóa. Chả là họ uống rượu và tửu lượng theo ngày tháng tăng dần. Nhưng tửu lượng hoàn toàn tỉ lệ nghịch với sức khỏe. Ông Trạc ngã ngựa trước tiên. Một buổi chiều tháng tám sau cuộc nhậu về đến nhà không kịp ăn bát cơm tối, ông ngã lăn bất tỉnh. Trong căn nhà thênh thang trống trải vì thằng Đông sau ba tháng dòm ngó đánh giá đã xin ông cậu mang đi tất cả những gì có giá trị về Bắc, ông Trạc nằm đè trên cái trang thờ đang sơn dở. Ông nằm sóng soài, tư thế giống hệt trong một vở kịch cách mạng từng được diễn ở phường với chiếc áo xanh bộ đội dính sơn đỏ như máu. Ông như một chiến sĩ cách mạng can trường hi sinh trong trận chiến một mất một còn với đế quốc. Buổi tối nhà bên cạnh không thấy ông Trạc lên đèn như thường ngày bèn sang hỏi thăm mới phát hiện ông ngã gục như thế. Người láng giềng vội báo với ông Thắng và ông Canh gần nhà, cả hai chạy sang dù đang trong cơn say xỉn vẫn cố gắng mướn xe xích lô máy chở ông Trạc vào bệnh viện.
Bác sĩ vất vả hơn ba giờ đồng hồ cứu chữa cho ông Trạc đã ra khỏi phòng cấp cứu tuyệt vọng báo cho hai ông Thắng và Canh hay rằng ông Trạc đã chết vì phổi ứ tràn đầy nước. Cuộc giải phẩu không kết quả bởi bệnh nhân được mang đến bệnh viện quá trễ.
“Không khí không vào được thì thế nào thở để quả tim vận hành được!”
Bác sĩ giải thích sơ sài như thế, hai ông Thắng và Canh chỉ biết nhìn nhau rồi đồng bộ lắc đầu thở dài. Trong đầu của hai người hình như đều nhớ đến câu nói của ông Trạc ngày nào,
“Tôi chỉ tin vào không khí, chỉ có không khí mới giúp tôi sống.”
Hôm nay, đến cả không khí cũng bỏ ông Trạc mà ra đi nên ông phải chết, thế thôi! Mười phút sau ông Hinh lái xe Daihatsu đến bệnh viện, sau đó cả ba đồng bộ ký vào giấy nhận xác ông Trạc chở vể nhà vì ông Trạc chỉ có thằng Đông là thân nhân duy nhất thì đang sống ngoài Nam Định.
Sau đám ma ông Trạc, bộ ba còn lại mới khám phá ra cả ba người đều đồng bộ nghiện rượu để rồi quyết định giải tán ban tam ca, mạnh ai về nhà nấy để lo kế hoạch cai nghiện. Cả ba sinh hoạt dưới sự giám sát của ba bà vợ nên nửa tháng sau đã thấy có biến chuyển tốt. Sáng sớm hôm nay ông Thắng nhìn thấy ông Hinh đạp xe đạp phía sau chở một thanh kiếm gỗ chạy ngang trước nhà ông rồi dừng lại trước nhà ông Canh bên kia đường. Ông Canh cũng đi một chiếc xe đạp nhưng chở một thanh côn gỗ. Cả hai ra công viên tập dưỡng sinh, họ chăm chỉ luyện Thái Cực Kiếm và Bát Quái Côn Pháp. Ông Thắng được mời đi nhiều lần nhưng ông từ chối. Ông sợ cả ba khi ngồi với nhau có thể uống rượu trở lại. Thêm nữa, bà Cẩm vợ ông răn đe nhiều lần nếu ông không cai rượu bà sẽ vượt biên bỏ ông ở lại một mình.
Đứng ngoài hàng hiên nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng đang phất phới trong gió, ông Thắng nhớ lại cái vòng lẩn quẩn trớ trêu mà dân tộc đã trôi nổi mù lòa theo màu cờ sắc áo. Trí ông chững lại khi nghĩ đến truyền thống với những vòng hào quang vinh danh trên núi xương sông máu chồng chất tiếp nối theo từng biến cố lịch sử, không khác một cơn nghiện rượu mà chủ thể không hề có điều kiện để cai nghiện. Tuy nhiên, ông đang vui vì hai vợ chồng Dũng và Lý đã vượt biên thành công, đang chờ lên đường định cư ở nước thứ ba.
“Chúng nó thực sự thoát khỏi cơn nghiện truyền thống điên rồ.”
Ông Thắng cười nhớ đến ly rượu xây chừng mà vợ ông sẽ rót cho ông chiều nay vào bữa cơm tối.
(Trích trong tập truyện "Nửa Vầng Trăng Ký Ức" – NXB Sống, 01.2016)