Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Tuổi Thơ Em Thả Trên Đồng

 

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ em thả trên đồng

Hai câu thơ được phổ trong một bài hát không biết của ai tôi chỉ mới được nghe sau này, chứ tuổi thơ của tôi bắt đầu từ lâu lắm rồi, trước khi tôi được nghe hai câu thơ này. Nghe rồi nhớ mài mại không biết có nhớ trúng hay không. Tôi có cái tật đọc thơ người ta rồi tuy không cố ý nhưng vẫn nhớ; và vì không cố ý học thuộc nên thường khi nhớ sai. Biết đâu chừng cái vô thức của tôi có tính ăn gian nên biến thơ người ta cho hợp với tâm trạng mình. Cũng như hai câu thơ nói trên, vẫn biết, thả trên đồng là cánh diều biếc, nhưng tôi thả trên đồng cái tuổi thơ hoang dại của tôi.

Trong suốt cuộc đời dài, có biết bao nhiêu điều để nhớ; nhưng mỗi lần nghe ai nhắc đến hai chữ tuổi thơ là trí nhớ tôi ngay lập tức quay về quãng thời gian tôi với má tôi ở Tân Qui Đông. Nơi đây chỉ cách quận Tư của Sài Gòn một con sông nhưng lại là một vùng đất rất quê mùa chung quanh toàn là ruộng lúa. Bên kia sông là vùng Tôn Đản Khánh Hội. Bên này sông mỗi đêm nhìn qua bên kia sông thấy một vòm ánh sáng. Muốn qua sông phải dùng đò. Con đò mỏng manh nhỏ hẹp này chở tất cả mọi thứ từ người ta cho đến xe đạp, xe gắn máy Honda, và gà vịt ngỗng heo. Cạnh bến đò là trường Tiểu học nơi tôi đã học cho đến hết lớp nhất. Khu nhà của những người bị cháy nhà ở quận Tư, như má tôi, được đưa về đây định cư nằm rất sâu trong ruộng.

Khi về ở căn nhà này đã thấy má tôi trồng một ít cây ăn trái như dừa, ổi, và chuối; một ít hoa như trúc đào, hoa giấy, và dạ lý hương; còn rau cải thì có bầu, bí, khổ qua, mướp, và rau thơm, hành, gừng, tỏi và riềng. Trước nhà tôi là gia đình của ông cảnh sát tôi gọi là Bác Ba. Ông ta béo phục phịch. Bác Ba gái, nhỏ nhắn, ăn trầu, da trắng và rất thích đánh bài tứ sắc. Bà nợ như chúa chổm, có năm ba mươi Tết nợ đứng trước cửa nhà bà chửi bới um sùm. Hai vợ chồng này có bốn đứa con. Người con cả tên Hạnh chừng mười tám tuổi. Kế đến là Bé lớn, rồi đến Bé nhỏ, và đứa con út tên là Đông. Chị Bé lớn có lẽ mười sáu hay mười bảy, khá đẹp, mặt nhỏ, cằm nhọn, tóc dài, rất có duyên. Chị có giọng hát ru hồn. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ những đêm chúng tôi ra đình xem cải lương. Dẫn nhau về ngang qua vườn lài và những hàng dậu dạ lý hương, chị hát nho nhỏ bài Đêm Thu giọng quyện vào hương đêm đẫm ánh trăng trên những chiếc lá loang loáng. Chị Bé nhỏ rất đẹp, cái kiểu “em là con gái trời cho đẹp, tuổi mới mười lăm đã đẹp rồi.” Tôi không biết phải tả làm sao chỉ biết là chị giống như mấy cô tiên trên mấy cái hộp bánh trung thu bán ngoài chợ. Mắt to, lông mi dài và cong, đen mướt. Những điểm này càng nổi bật so với đôi môi có màu hồng tự nhiên của chị. Chân mày của chị mỏng và cong như hai vầng trăng cuối tháng. Còn chân mày của tôi thì giống như hai con sâu rọm đen thui vắt ngang mặt thiếu điều nuốt mất cặp mắt của tôi. Chị Bé nhỏ tuy đẹp nhưng rất đáng ghét. Chị không cho tôi chơi chung với Đông nên cứ đuổi tôi về. Đông chừng mười hay mười một tuổi gì đó. Bây giờ thì tôi gọi nó là Đông cho lịch sự chứ lúc ấy ai cũng gọi nó là thằng cu. Còn tôi lúc đó cũng đâu chừng mười một cao tay lắm là mười hai. Ở tuổi đó tôi đã biết, và điều này đeo đẳng tôi suốt đời, lúc nào tôi cũng là người ngoại cuộc kiễng chân ngó vào một cuộc chơi hay một tình thân nào đó.

Má tôi đi bán hàng ngoài chợ từ sáng sớm. Bà có một gian hàng khá nhiều thứ lặt vặt đủ nuôi sống hai mẹ con. Tôi may mắn ở chỗ tuy là con nhà nghèo nhưng không biết mình nghèo bởi vì chung quanh tôi có rất nhiều người nghèo hơn tôi. Má tôi có thể mua vải và cho người may thành áo dài trắng cho tôi đi học nhưng có nhiều nhà trong xóm, con họ phải nghỉ học ở nhà vì không có tiền may đồng phục. Tôi đã vào trường Trung học công lập. Mỗi sáng phải đi bộ ra bến đò và từ bến đò có thể đi xe thổ mộ ra Tân Thuận Đông đón xe đò đi xuống Phú Xuân đến trường Trung học. Trưa tan học về tôi tha thẩn một mình. Má tôi bán hàng xong rồi đi chợ mua hàng và tiện thể đi thăm cháu ngoại đến tối mới về. Đói thì tôi ăn cơm nguội, chuối hay trái cây má bán còn thừa. Cơm nguội cứng và khô khốc nuốt không trôi. Suốt ngày và nhất là cuối tuần tôi chẳng biết làm gì, vì thế tôi long nhong chơi một mình trên đồng cỏ hay là đi tắm sông.

Khu vực này trước đây là ruộng lúa không có đường đi. Để giúp dân định cư người ta trải đất đỏ làm đường. Những con đường chạy song song ở giữa là hai dãy nhà đâu lưng lại với nhau vì thế nhà nào cũng có một con đường đất đỏ đủ rộng cho một xe hơi chạy trước mặt. Người ta cũng đào một con kênh rộng dẫn nước từ sông vào. Đây là vùng nước mặn ảnh hưởng từ biển Cần Giờ. Không hiểu vì lý do gì người ta đào con kênh đến qua khỏi con đường chạy ngang nhà tôi thì ngừng. Nếu người ta đào xa thêm một chút là có thể nối vào một con sông khác. Từ nhà tôi đến con kênh đào chỉ có mấy bước. Người ta xây bậc tam cấp bằng xi măng để giúp người muốn xuống sông tắm hay xách nước cho dễ dàng. Đáy sông toàn bùn. Tắm lâu một chút người mình đẫm đầy mùi đất sét và bùn. Dọc theo bờ sông là những cây cỏ lát, loại cỏ mọc trong nước mặn cao quá đầu người. Người ta cắt cỏ này phơi khô bện thành dây và làm chiếu gọi là chiếu lát. Thỉnh thoảng mưa nhiều thì nước hơi lợ đi một ít và trên ruộng mọc đầy rau đắng đất má tôi hay hái về luộc ăn. Rau đắng thì đắng thật, đắng kinh khiếp, luộc hay ăn sống gì cũng đắng.

Khi người ta đào kênh đất bùn được thổi thành một đồi đất cao màu xám xịt ở con đường đất đỏ phía sau nhà tôi. Lâu ngày đụn đất ấy xẹp xuống và cỏ mọc um tùm. Loại cỏ không hiểu bắt nguồn từ đâu. Có người kêu là cỏ u ru. Chúng mọc một thành một dề thật rậm đường kính chừng một vòng tay của người lớn. Giữa dề cỏ rậm này mọc lên vài cọng cỏ rất cứng có đường kính cở chừng chiếc đũa mọc rất thẳng, cao, và rất cứng. Trên đầu những ngọn cỏ này là những hoa có hình tương tự như vương miện. Lá cỏ rất sắc bén, cứa vào da có thể làm sướt da chảy máu. Bọn con gái cắt cọng cỏ cứng thành từng khúc để chơi đánh chuyền. Còn bọn con trai thì dùng roi để quất nhau. Roi cỏ u ru quất đau không kém gì roi mây hay cán chổi lông gà. Suốt ngày tôi chơi một mình trong cái đồng cỏ đó. Khi thì làm ngựa chạy nhong nhong, phi đủ kiểu. Khi thì dẫm nát một bụi cỏ u ru để làm chỗ gối đầu nằm, và dẫm thêm một bụi nữa để gác chân. Nếu chỗ nào cỏ mọc rậm thì dẫm lên vài bụi cỏ chung quanh đủ để làm một cái giường hẹp. Má tôi vẫn nhìn tôi thở dài mà than. “Sao mà nó hôi bùn, khét nắng, đen thui như con mọi con. Con không có cha nên khó dạy hoang đàng chi địa.” Đâu có phải lỗi tại tôi mà tôi không có cha. Đôi khi tôi tự hỏi nếu tôi có cha thì sao nhỉ? Ba của con Tiên thỉnh thoảng đến trường đón nó về tử tế cho tôi “có giang.” Nó cho tôi được ngồi giữa ôm lưng ông. Tôi tưởng tượng phải chi ông già này là ba mình thì sướng biết mấy. Nhưng liệu tôi có chịu vâng lời bố không hay lại càng nổi loạn vì cứng đầu. Bản tính tôi rất chướng khí kỳ đời. Hầu như tôi không biết vâng lời ai và những cái quyết định của tôi từ nhỏ đến giờ vẫn có gì đó không đi vào khuôn khổ.

Sau nhà là ao sâu, trước nhà là ao cạn. Tôi đi trên cây cầu khỉ trước nhà lóng cóng ngã xuống ao không biết bao nhiêu lần. Còn cái ao sau nhà và con kênh đào là nơi tôi suýt chết đuối một đôi lần không ai biết. Ngày dinh Độc Lập bị bỏ bom, hàng xóm túa ra đường xem còn tôi té xuống ao sau nhà ngụp lặn uống nước bùn may sao vớ được chân cầu bò lên bờ, nghĩ mình suýt chết mà không ai biết tủi thân ứa nước mắt. Chỉ lúc đó thôi rồi nhanh chóng quên đi. Tôi như trái bình bát hay trái nhàu mọc hoang. Chín rồi rụng xuống cá ăn hay trái thối rơi đầy gốc cũng chẳng ai biết đến. Vậy mà tôi không chết mới lạ. Tuy nhiên cũng có lúc rất hiểm nghèo mà ngu quá nên không biết.

Tôi nhỏ con lắm. Mười hai tuổi trông tôi quắt queo như một quả dưa đèo. Ai hỏi, học lớp mấy, tôi trả lời, lớp bảy, khen “sao nhỏ mà học giỏi vậy!” Trông dáng tôi chắc đoán chừng học lớp bốn lớp năm là cùng. Vốn một mình nên tôi hay lê lết chơi với chị em nhà thằng Đông. Phải là đứa nhỏ cô đơn thì mới thấy có anh chị em là hạnh phúc. Đám chị em thằng Đông chỉ cần chơi với nhau không cần có người chơi chung nên hay hắt hủi tôi. Bác Ba trai thì bảo rằng con nhỏ đó con nhà ai mà ngỗ ngược quá. Bác Ba gái mỗi khi đánh bài hết tiền hay mua chịu hàng của má tôi; muốn được lòng má tôi, bà bảo mấy đứa con cho tôi chơi cùng. Thằng Đông thì cỡ tuổi tôi nên không đến nỗi hành tỏi. Chị Bé lớn than thở suốt ngày muốn về Sài Gòn ở chứ ở đây nhà quê buồn quá. Chị Bé nhỏ, đẹp mà rất ác, cứ đuổi tôi về, không cho tôi chơi chung.

Tôi ít khi thấy anh Hạnh ở nhà, thỉnh thoảng anh mới về. Thằng Đông nói anh nó ở chỗ khác để trốn lính quân dịch. Tôi không còn nhớ nhiều về anh chỉ nhớ anh hớt tóc ngắn, đẹp trai, da rám nắng, cánh tay có bắp thịt rất to anh gọi nó là con chuột hay gồng tay cho con chuột chạy lên chạy xuống. Trên bắp tay có xâm hình con rồng xanh. Mỗi lần anh về, thằng Đông khoái lắm. Anh gồng tay cho tôi đeo một bên và Đông đeo một bên. Rồi anh khênh hai đứa tôi ra bờ kênh đào cho chúng tôi cùng tắm sông. Con kênh đào bình thường không rộng mấy, nhưng khi nước lớn nó trương phềnh lên nhìn rất mênh mông. Anh cõng thằng Đông bơi qua bơi về con sông vài chập, rồi anh hỏi tôi:

– Nhỏ! Mày có muốn tao cõng mày lội qua sông không?

Tôi nghe nói bụng như mở cờ. Suốt ngày tôi tha thẩn một mình, im lìm như cái bóng của mình, nay có người cho chơi chung còn được hỏi muốn được cõng không làm sao không thích chứ. Tôi cố trả lời thật ngoan, thật lễ phép, vì vốn hay bị mắng là ngỗ ngược vô phép.

– Dạ có.

Anh cõng tôi bơi ra giữa sông. Tôi nói bên tai anh.

– Anh cõng em giống con ếch mẹ cõng con ếch con.

Anh cười phì:

– Mày nói gì lạ, tao với mày mà mẹ con nỗi gì. Mà mày ngu quá. Mấy con cóc con ếch cõng nhau không phải là mẹ con đâu.

Anh cõng tôi bơi một hồi rồi anh nói:

– Tao mệt rồi, mày ôm cổ tao ngộp thở quá. Thôi mày cầm cái bánh lái của tao đi.

Tôi ngơ ngác hỏi:

– Bánh lái nào?

Anh cầm tay tôi đặt vào chỗ thằng nhỏ của anh và bảo tôi nắm lấy nó.

– Nhỏ, mày nắm cho chắc nhé, tao sẽ bơi nhanh nên không muốn mày rớt ra. Mầy muốn tao quẹo bên trái thì bẻ nó qua bên trái, còn muốn tao quẹo qua tay mặt thì bẻ nó qua tay mặt.

Tôi vốn thích có anh để tôi được nhõng nhẽo. Tôi muốn có người thân đến độ tôi bảo nhỏ Nuôi, bạn học, thôi mày làm chị của tao đi rồi mày nói gì tao cũng nghe lời. Tôi muốn anh Hạnh làm anh của tôi nên tôi làm theo ý anh. Nếu mà tôi nghe lời má tôi buổi sáng thức dậy sớm phụ má tôi đẩy cái xe kéo chở hàng ra chợ chắc là má tôi thích lắm. Anh cứ dục tôi nắm cho chắc. Tôi càng nắm chắc cái bánh lái của anh càng lớn hơn, nóng hổi. Người anh nóng. Nước sông cũng trở nên nóng. Người tôi chùi trên lưng anh cũng nóng. Tôi bỗng đâm sợ mà không biết sợ cái gì. Chỉ cảm thấy bất an linh tính cho biết chuyện này không bình thường. Tôi nói:

– Thôi, anh mệt rồi để em bơi một mình.

Anh không chịu:

– Giữa sông thả mầy ra rủi mầy chết chìm má mày đốt nhà tao. Nắm cho chặt đi tao bơi vào.

Nhưng anh không bơi vào mà bơi xa hơn. Tôi buông tay. Anh chụp lại. Tôi không mặc áo, người tôi dính nước bùn nên trơn như lươn. Tôi uốn người lộn mèo đạp vào người anh một cái rất mạnh vọt lên xa và bơi vượt qua bờ bên kia. Anh đuổi theo nhưng vừa lúc đó thằng Đông nhảy xuống nước bơi về phía anh đòi cõng nên anh kêu vói theo.

– Ê nhỏ, trở lại đây, đừng sợ. Tao không làm gì mày đâu mà sợ. Đừng bơi qua sông chết chìm cho mà xem.

Nước sông đục ngầu, gió thổi ào ào, con nước lớn làm bờ bên kia lùi ra xa tắp. Tôi làm thinh bơi riết, qua đến bờ bên kia rồi đánh con đường vòng thật xa, băng qua rào nhà phía sau lưng, nhảy xuống cái ao sau nhà rồi leo lên vào nhà chứ không dám đi ngõ trước sợ gặp phải anh em thằng Đông. Rủi cho tôi là hôm ấy má tôi về sớm, nhìn thấy tôi la lên.

– Trời ơi, con quỉ nhỏ, mặt mày đóng rong đóng rêu mắt đỏ ngầu như vậy. Đi đâu về, ở trần ướt nhẹp vậy?

Tôi kể má nghe tôi đi tắm sông với thằng Đông. “Còn có ai nữa?” má hỏi. Tôi nói thật: “Anh Hạnh.”

– Má thấy thằng Hạnh và thằng Đông về trước lâu rồi sao giờ này con mới về?

Tôi thật tình kể hết đầu đuôi. Anh Hạnh bảo tôi cầm bánh lái như thế nào, tôi lội qua sông như thế nào, kể hết. Bất thình lình má tôi nổi nóng tát tai tôi một cái thật mạnh.

– Sao mà mày ngu thế! Suýt tí nữa nó làm thịt mày.

Tôi hết hồn, mặt rát rạt tá hỏa, đau mà không dám khóc òa. Thuở nay, má tôi có giận thì chỉ đánh bằng roi, chưa bao giờ tát tai. Tôi ứa nước mắt thút thít. Má tôi hỏi gặn. “Nói tao nghe, nói hết, không tao đánh chết!” Tôi nghĩ thầm, “Má ơi đừng đánh con đau. Để con bắt ốc hái rau má nhờ.” Trời, ước gì tôi là đứa con ngoan hiền lo bắt ốc hái rau chớ đừng nông nổi tắm sông với con trai thì làm gì đến nỗi má tôi phải đánh.

– Nó còn làm gì nữa không?

Tôi trả lời cộc lốc. Không. Má bắt tôi kể đi kể lại mấy lần. Người má tôi run bần bật. Bà nhìn tôi từ trên xuống dưới nghiến ngầm.

– Con gái con đứa gì mà… hết biết! Đúng là cái thứ không cha mất dạy. Mười hai tuổi vú đã dậy như hai trái cau mà đi tắm sông với con trai.

Tôi tức bực nghĩ thầm. Con vịt con gà còn có cha mà sao má cứ nói tôi không có cha. Tại má ghét ba nên má bỏ ổng chứ đâu phải lỗi tại tôi. Má hỏi:

– Tại sao dám đi tắm sông? Không sợ chết chìm sao chứ?

Tôi thấy nét mặt giận dữ của má không dám trả lời, lạng quạng là ăn thêm cái tát nữa. Nói thầm. Chết sao được mà chết. Tôi bơi như rái. Nội xóm này tôi là một trong những đứa bơi giỏi nhất. Thằng Phát, con nhà giàu khoe học bơi ở Câu Lạc Bộ, chê tôi là con ròm, bơi như chó bơi, bơi trước mặt tôi rồi lỡ chân đạp trúng mặt tôi bị tôi kẹp cổ trấn nước suýt chết mà không dám mét má tôi vì mắc cở, chớ không thôi tôi bị ăn đòn nứt đít. Nhìn vẻ mặt chờ đợi của má, tôi nói lí nhí:

– Con biết bơi.

– Ai dạy mà biết bơi?

– Con tự dạy con.

– Tự dạy thì làm sao?

– Ban đầu con ôm cái thau, nắm hai bên vành, đập chân. Sau con bỏ cái thau rồi đập chân quạt tay, bơi riết rồi quen.

Má tôi bắt tôi nằm lên giường khám xét người tôi lật chỗ này chỗ kia để xem. Bắt tôi dạng chân chàng hảng, lấy ngón tay chọc nhè nhẹ chỗ nầy, nhấn nhấn chỗ kia luôn miệng hỏi đau không, rát không, nhức không, có chỗ nào chảy máu không. Tôi mắc cở nhưng không dám hó hé. Nước mắt chảy cay xè trên mắt. Mũi tôi nghẹt cứng. Má hỏi thêm.

– Đi tắm sông thì mặc đồ gì?

– Không mặc áo, chỉ mặc quần xà lỏn. Có khi bơi vướng con cởi quần xà lỏn luôn, nếu không nó cũng tuột.

Má tôi lắc đầu ngao ngán lấy ngón tay chọc thẳng vào ngực tôi. Hai cái vú bắt đầu sưng, đau nhói.

– Con gái đã dậy vú rồi mà không biết mắc cỡ. Từ rày sắp tới không được la cà với đám con trai nữa. Thằng Hạnh nó tính làm thịt con mà sao con khờ quá.

Tôi nghĩ chuyện này thật quái đản. Tôi đâu có phải con vịt con gà đâu mà làm thịt. Anh Hạnh bảo tôi cầm bánh lái, nếu có đánh thì đánh ảnh chứ sao đánh tôi. Hoặc là mách ba má ảnh chứ sao lại tát tai tôi như thế.

Má tôi bắt tôi đi tắm lại nước sạch, cho ăn cơm rồi bắt đi ngủ sớm. Má tôi trăn trở thở dài suốt đêm không ngó đến mặt tôi, không ôm tôi. Tôi thèm dụi mặt vào giữa ngực má như vẫn thường làm, hít hít mùi mồ hôi của má trên cái áo túi màu nâu. Tôi muốn nghe má nói tối nay con gội đầu bằng xà bông thơm nên không có mùi nắng khét. Ước gì má cho tôi ôm như mỗi khi bà chạy ra ngoài hứng nước mưa ban đêm rồi kêu lạnh, tôi ôm cho ấm lại. Sáng hôm sau bà mang tôi qua nhà anh tôi ở Sài gòn bắt ở đó đi học. Má nói với anh Hào “Để nó ở với má thế nào cũng có ngày xảy ra tai nạn.” Những ngày ở với anh tôi là những ngày tôi cô đơn nhất. Tôi nhớ những đêm gió lướt thông thống trên mái nhà tôi rúc vào lòng má tôi cố co người cho thật nhỏ lại tưởng tượng ngày nào mình còn nằm trong bụng má. Tôi nhớ cánh đồng cỏ u ru nơi tôi làm ngựa chạy long nhong, hai cánh tay bị cỏ cứa thành sẹo. Tôi nhớ con sông cỏ lát mọc đầy hai bên bờ mỗi lần nước ròng tôi nhìn thấy hang cá kèo, hang rắn, hang cua. Tôi không bao giờ gặp lại anh Hạnh. Có ai kể là anh bị bắt đi quân dịch và chết ở chiến trường. Có lần tôi nằm mơ thấy thằng Đông. Trong giấc mơ tôi thấy tôi giận nó đến độ tôi đánh nó. Tôi leo lên người nó dậm chân thật mạnh, đá đạp đến độ nó ói máu và biến thành bụi cỏ u ru. Tôi nằm lên bụi cỏ u ru. Tôi thấy nắng chói chang, trời xanh lơ thật cao, gió thổi qua mấy bụi cỏ u ru cao quá đầu người, lay phất phơ. Tiếng gió vi vu. Tôi thấy lại những đám mây bay trên trời xanh đủ thứ hình voi, cọp, công chúa, hiệp sĩ; mấy đứa mây này, cũng chờ má đi bán về đến mỏi mòn. Vẫn cái nắng chói đến độ mắt tôi cay, làm tôi nhắm mắt lại, và ngủ thiếp đi cho đến mặt trời chiều sụp xuống mới quay về nhà. Tôi không biết chắc tuổi thơ, hay trí nhớ về tuổi thơ, của tôi bắt đầu ghi nhận từ lúc nào nhưng tôi biết từ khi bị bắt về Sài Gòn ở với anh tôi, đó là lúc tuổi thơ của tôi chấm dứt. Cánh đồng cỏ ngày xưa cũng không còn.

bài đã đăng của Nguyễn Thị Hải Hà

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

8 Bình luận

  • Nguyễn thị Hải Hà says:

    Xin thành thật cám ơn. Hải Hà rất cảm động trước sự ưu ái của Thái Hồng. Thái Hồng nên viết về tuổi thơ của mình rồi gửi cho Da Màu để chia sẻ với độc giả. Thật ra mà nói đây là phần vui nhất trong tuổi thơ của Hải Hà đấy.

  • nguyễn thị thái hồng says:

    Đọc ngậm ngùi quá !Tuổi thơ của chị sao cô đơn, buồn bã giông giống của tui..Đọc bài này sao tui thấy kí ức tuổi thơ tui tái hiện

  • Nguyễn Thị Hải Hà says:

    Xin cám ơn anh đã có lời ưu ái.

    Xin chia buồn với anh. Tân Quí Đông ít ai ngờ là nơi xảy ra nhiều cuộc bắn giết của người mình với nhau vì nó gần với Sài Gòn quá. Tôi nghĩ có lẽ gia đình nào ở VN cũng có người bị chết vì chiến tranh, anh nhỉ?

  • đỗ xuân tê says:

    Tưởng chỉ 4 lời bình là đủ. Nay mới đọc lại truyện này trên một tạp chí văn học (TV) tôi lại phục chị Hải Hà. Nếu quả thật có một tuổi thơ một thời như thế mà nay bỗng thành một nhà văn nữ và dịch giả văn học thì số phận dạng này xem ra rất hiếm. Khu Tân quí Đông, một vùng ngoại ô của ‘những đóm mắt hỏa châu’ với kinh rạch chằng chịt đã cướp của tôi một thằng em khi đi kích đêm ‘do hỏa lực bạn pháo kích nhầm’. Ôi chiến tranh một thời, tuổi thơ lãnh đạn. Chúc chị sáng tác đều và thêm những bài viết mới. Kính. đxt

  • Nguyễn Thị Hải Hà says:

    Ở Tân Qui Đông nhà tôi gần một trạm Cảnh Sát. Có đêm mấy ổng về tấn công đồn đạn bắn chí chéo rớt lên nóc nhà tôi đồm độp. Đang ngủ nghe bắn là tự động lăn xuống đất tránh đạn, muỗi cắn quá lại leo lên bị má tôi độp cho một cái. Rồi sau trận tấn công đồn là tin người này bị bắn chết tin người kia bị bắt sống dẫn đi rồi tìm ra xác chết ở mé ruộng xa. Tôi đi học tiểu học trường học ở sát bến đò. Có một hôm đến trường thấy người ta bu đông ở khoảng đất trống cạnh bờ sông nên cũng đến xem. Thấy để nằm la liệt là cả chục xác chết đi chân không, người dính đầy bùn đất, chân còn bị cột dây để kéo. Có người mặt còn nguyên nhưng đầu là một lỗ trống chỉ còn miếng da gió thổi phập phều.
    Năm 68, Tết Mậu Thân anh tôi chết. Ngày anh tôi chết tôi theo má tôi về Sài Gòn làm đám tang cho anh. Nhờ đám tang anh tôi mà tôi và má tôi thoát được trận bom người ta dội ở Tân Qui Đông, mái nhà tôi bị miểng bom một lỗ tang hoác.
    Cắt một khúc tuổi thơ ra đăng trên Da Màu chứ tuổi thơ của tôi không phải chỉ có chuyện vui.
    Cám ơn Minh Ngọc đã đọc và comment. Một người bạn của tôi đã ví những comment của độc giả cũng như những gợn sóng lan trên mặt nước để đáp lại hòn đá được người viết ném xuống mặt hồ.
    Cái vui là ít ra mình biết có người đọc những lời mình viết.

  • Nguyễn Thị Hải Hà says:

    Nào là Kinh xáng Bốn Tổng, nào là lui cui coi sắp nhỏ đi cắm câu dìa rồi, anh Hai Trầu nói nghe y như thiệt vậy. Cắm câu ở đâu? Câu ở mấy con sông con suối ở Texas hả anh Hai Trầu? Anh nói vậy thì tui nghe vậy chứ anh nói trật tui cũng không biết đâu á. Nhưng cũng xin cám ơn anh đã chỉ bảo cho hai lần, lần nào thấy anh cũng “nhà quê hơn” thiệt. Thấy anh giỏi mấy cái chuyện nhà quê tui tính xin làm lễ bái sư, mà anh một điều thưa, hai điều thưa thiệt là khách sáo quá. Lần sau mà còn thưa kiểu đó là không trả lời nghe anh Hai Trầu.
    Cám ơn BBT đã chịu khó post hình và cám ơn anh Hai Trầu đã cung cấp hình. Rất đẹp.

  • Hai Trầu says:

    Vài hàng về “U-ru”

    Kinh xáng Bốn Tổng ngày 26-8-2009

    Thưa chị Nguyễn Thị Hải Hà,

    Tui lui cui coi sắp nhỏ đi cắm câu dìa rồi vô ngồi đọc ba cái vụ “u-ru của chị; tiện thể có vài hàng này cùng chị. Ở miệt trên chị thì chị gọi cây u du thành “u-ru”, nhưng miệt kinh xáng tụi tui thì ai ai cũng kêu giống cỏ này là u du không hà.

    Như chị nhìn tấm hình dưới đây, đây là loại u du có lá rất bén như trong bài chị kể, không khéo nó cắt đứt tay chảy máu như chơi.

    clip_image002

    Bông lục bình và u du phía sau nhà tui

    Còn tấm hình phía dưới là loại u du dường như không có lá hay còn kêu là u du tròn.. Thiệt tình ra, nó cũng có lá nhưng hình dáng nó rất nhỏ và mịn đăm ra từ những chum bông nên khó phân biệt được cái nào là bông và cái nào là lá.

    Hai giống này thì miệt ruộng tụi tui hồi còn làm lúa mùa thì ôi thôi nó mọc nhiều vô số kể; nhứt là thời kỳ mở lâm khẩn đất làm ruộng mấy cái giống đưng, năn, lác, u du này nó chiếm đa phần trong các loài cỏ đa niên nơi các cánh đồng hoang vu thuở trước. Nay thì làm lúa thấn nông nên lác, u du gì cũng đành chịu chết ráo trọi chị à.

    clip_image004

    Lục bình, bông súng và u du tròn sau nhà tui

    Thưa chị,

    Đó là tui nói theo kiểu nhà quê tụi tui, và gọi giống cỏ đa niên này như vậy. Chứ hồi nhỏ tụi tui hồi còn đi học, có đọc sách của thầy Phạm Hoàng Hộ thì tui nhớ, nếu không lầm, thì u du có cả thảy bảy loại khác nhau, như trí nhớ mang máng của tui như sau:

    1/ U du (Cyperus elatus)

    2/ U du tay (Cyperus đigitatus)

    3/ U du Ohwi (Cyperus Ohwii)

    4/ U du cao (Cyperus exaltatus)

    5/ U du kết lợp (Cyperus imbricatus)

    6/ U du cát (Cyperus alopecuroides)

    7/ U du thưa (Cyperus distans)

    Còn dân chơi cây kiểng gọi loại u du này là thủy trúc; tui cũng nghe nói tuốt bên Mỹ dân chơi cây dưới nước gọi loại u du này là cỏ dù (Umbrella plant), gốc gác từ bên Phi châu, vì lá và bông của chúng giống như cây dù giương ra để che mưa che nắng vậy. Người ta kêu cái tên này như vậy cũng hợp với câu ca dao của mình:

    “Bồng em tới đám u du,

    Mua một cây dù che nắng che mưa.”

    Vài hàng về “u-ru”, xin thưa cùng chị vậy.

    Nay thư,

    Hai Trầu

  • Minh Ngọc says:

    Hình như bài thơ này cũng được chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết trích dẫn khi đến Nam Cali cách đây vài năm cùng họp với một số Việt Kiều yêu nước tại khách sạn sang trọng vùng San Clemente cách Little Sài Gòn khoảng 100 cây số với bên ngoài khách sạn là hàng ngàn người Việt từ Little Sài Gòn xuống biểu tình. Nhưng giống như chị Hải Hà, đâu phải tuổi thơ của người dân Việt Nam đều êm đềm như thế. Tuổi thơ của tôi chúng kiến những cái chết của các cán binh CS mà tuổi đời chỉ khoảng mười lăm, mười sáu với quần cụt và áo bà ba đen, với hình ảnh khóc lóc thảm thương của những người thân nhân bị chôn sống tại Huế trong Tết Mậu Thân, là những cuộc biểu tình xuống đường của các sinh viên học sinh trong Nam, là cảnh cả nhà chui xuống gầm giường vào hôm ba mươi tết. Và rồi sau đó sau 75 là những ngày dầm mưa dãi nắng trên vùng kinh tết mới Đồng Xoài điạ danh đã được Trịnh Công Sơn viết trong một bản nhạc phản chiến tại miền Nam khi xưa.
    Nói như vậy để thấy, tuổi thơ của tôi hay nhiều người không cần phải êm đềm đẹp đẽ ngây thơ trong sáng mà chúng tôi vẫn thương yêu nước Việt, một nỗi thương nhớ không nguôi cho dù đã có cuộc sống tương đối thành công bên xứ người .

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)