CHƯƠNG BA: CÁI BAO THƯ MÀU NÂU DÀY CỘM
Lời người dịch: Marina Lewycka ra đời (1946) trong một trại tị nạn ở Kiel, Đức Quốc khi Thế Chiến II chấm dứt và lớn lên ở Anh Quốc. Bà dạy tại Sheffield Hallam University và là tác giả của 6 tác phẩm văn chương và nhiều sách về chủ đề săn sóc các vị cao niên. Tiểu thuyết đầu tay A Short History of Tractors in Ukrainian (Lược Sử Máy Cày Bằng Tiếng Ukraine) được đề cử giải Man-Booker (2005) và vào chung kết Orange Prize for Fiction, đã được dịch ra 35 thứ tiếng. Đây là câu chuyện về hai chị em sau một thời gian dài không liên lạc với nhau, đã phải chung sức để chống lại “kẻ thù chung” là người đàn bà trẻ mà thân phụ hai người – một ông già goá vợ, kỹ sư về hưu đang soạn thảo bộ lược sử máy cày bằng tiếng Ukraine – dự tính cưới để giúp bà ta định cư ở Anh Quốc. Trong cuộc “chiến tranh” thu gọn ấy, họ dần khám phá ra những bí mật của gia đình, những thăng trầm của đời sống trong thời kỳ nạn đói ở Ukraine và cuộc thanh trừng của Stalin.
Bản Việt ngữ này là trích đoạn chương 3: A Fat Brown Envelope, từ tiểu thuyết nói trên, do nhà The Penguin Press xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2006.
“Vậy ba có nhận được thư của ông luật sư không?”
“Hừm. Có. Có.”
Rõ ràng là bố già không muốn tán dóc.
“Vậy thì ba nghĩ sao?”
“À ha, thì…” Ông ho. Giọng của ông có vẻ căng thẳng. Ông không thích nói chuyện trên điện thoại. “Thì ba cũng đưa cho Valentina xem.”
“Thế bà ấy nói gì?”
“Cô ấy nói gì à? Thì…” lại ho. “Cô ấy bảo luật pháp không bao giờ chia cách vợ chồng.”
“Nhưng ba không đọc cái thư của luật sư à?”
“Có. Không. Nhưng cô ấy nói thế. Cô ấy tin chắc như thế.”
“Nhưng bà ấy tin tầm bậy rồi ba à.”
“Hừm.”
“Còn ba thì sao? Ba nghĩ sao?” Tôi cố giữ giọng nhỏ nhẹ.
“Thì, tao nói thế nào bây giờ?” Có một cái nhún vai buông xuôi nhẹ nhàng trong giọng nói của ông, như thể ông đã đầu hàng số mệnh.
“Thì ba cứ nói là ba nghĩ rằng kết hôn là điều không nên. Được không nào?”
Bụng tôi thắt lại vì sợ. Tôi nhận ra rằng ba tôi đã nhất định làm đám cưới, còn tôi rán mà chấp nhận thôi.
“À há. Có. Không.”
“Ba nói cái gì mà có rồi lại không vậy?” Cổ họng tôi bắt đầu ngứa ngáy. Tôi cố nén cho giọng nói ngọt ngào.
“Ba không nói như vậy được. Tao không thể nói gì hết.”
“Ba à, làm ơn làm phước…”
“Nghe này, Nadezhda, chúng tao sẽ làm đám cưới. Không có gì phải bàn cãi nữa hết.”
Tôi có cảm giác là một tai họa khủng khiếp nào đó đang xảy ra, nhưng tôi thấy rất rõ là ba tôi vẫn còn sống và, lần đầu tiên từ khi mẹ tôi mất, ba tôi phấn khởi như thế.
Đây không phải lần đầu tiên ông nuôi trong đầu những ý nghĩ màu mè về việc cứu rỗi những người đồng hương tuyệt vọng. Ông đã từng lên kế hoạch truy tầm tất cả những bà con họ hàng mà ông không gặp cả nửa thế kỷ nay, và bảo lãnh tất cả qua Anh quốc. Ông viết thư đến toà thị chính và sở bưu điện trên khắp Ukraine. Hàng tá những thư phúc đáp từ những “thân nhân” xa lơ xa lắc đầy ranh mãnh nườm nượp đổ về để được ông bảo lãnh. Mẹ tôi phản đối kịch liệt.
Bây giờ tôi lại thấy ông tập trung tất cả năng lực của ông vào chị đàn bà và đứa con trai chị ta – họ sẽ là gia đình của ông. Ông có thể nói chuyện với họ bằng tiếng Ukraine. Một ngôn ngữ mượt mà mà ai cũng có thể trở thành thi sĩ. Một đất nước xinh đẹp có thể biến bất kỳ ai thành họa sĩ. Những ngôi nhà gỗ sơn màu xanh da trời, những đồng lúa mì vàng óng, những rừng bạch dương lá bạc; những con sông rộng chảy lững lờ. Thay vì hồi hương để gặp gỡ Ukraina, Ukraina tìm đến với ông.
Tôi đã từng viếng thăm Ukraine. Tôi đã thấy những khối nhà bê tông và bầy cá chết dưới sông.
“Ba à, Ukraina không còn như trong trí nhớ ba đâu. Bây giờ khác rồi. Con người cũng khác rồi. Họ không còn ca hát nữa – ngoài những bài ca ngợi Vodka. Người ta chỉ ham đi mua sắm. Hàng hóa phương tây. Thời trang. Đồ điện tử. Hàng hiệu của Mỹ.”
“Hừm. Mày cứ nói thế. Có thể là như thế. Nhưng nếu tao cứu vớt được một con người dễ thương…”
Ông già lại lẫn rồi.
Tuy nhiên, vấn đề là. Ba tuần nữa visa du dịch của cô ấy hết hạn, ba tôi giải thích.
“Và cô ấy còn phải có giấy ly dị của chồng cô ấy nữa.”
“Ý ba nói là bà ấy có chồng?”
“Chồng cô ấy ở Ukraina. Và cũng thuộc loại thông minh có hạng, giám đốc viện bách khoa đấy. Ba có liên lạc thư từ với ông ấy – còn nói chuyện điện thoại nữa. Ông ấy nói với ba là Valentina sẽ là một người vợ tuyệt vời.”
Có chút âm điệu du dương kín đáo trong giọng nói của ông. Ông chồng sắp ly dị sẽ đánh điện giấy tờ ly dị qua Lãnh Sự Quán Ukraine ở London. Trong khi ấy, ba tôi sẽ lo thủ tục đám cưới.
“Nhưng ba tuần nữa, visa của bà ấy hết hạn thì trễ quá mất rồi!” (Tôi hy vọng).
“Thì nếu cô ấy phải về nước, mình sẽ làm đám cưới khi cô ấy qua đây lại. Nhất định là như thế.”
Tôi thấy rõ “ba” đã thành “mình”. Tôi cũng nhận ra là kế hoạch này đã được nghiên cứu từ lâu, và tôi chỉ được phép biết khi đã đến giai đoạn cuối. Nếu chị ta phải về Ukraine, ba tôi sẽ viết thư cho chị ta và chị ta sẽ qua đây lại với tư cách vị hôn thê.
“Nhưng mà ba à,” tôi nói, “ba đọc thư ông luật sư rồi đó. Có thể người ta không cho bà ấy trở lại. Chẳng lẽ không còn ai khác, người nào đó trẻ hơn một chút để bà ấy cưới à?”
Có chứ, người phụ nữ tháo vát ấy có kế hoạch phòng hờ nữa chứ, ba tôi nói. Thông qua một cơ sở chăm sóc bệnh nhân nội địa cô ấy gặp một thanh niên bị liệt toàn thân sau một tai nạn xe. Thằng nhỏ ấy (ba tôi nói) là con nhà tử tế. Trước đây là thày giáo. Cô ấy săn sóc nó – tắm rửa, đút thức ăn, giúp làm vệ sinh cá nhân cho nó. Nếu chị ta không được công nhận là vị hôn thê của ba tôi thì chị ta sẽ thu xếp để được phép qua theo diện chăm sóc cậu thanh niên ấy. Luật di trú vẫn cho phép đi theo diện này. Trong thời gian chị ta được phép ở lại theo diện chăm sóc người bệnh, cậu ta sẽ đem lòng yêu chị ta và chị ta sẽ nhận lời kết hôn với cậu ta. Như vậy chị ta sẽ chắc chắn được ở lại xứ sở này. Nhưng như thế chẳng khác gì cô Valentina tội nghiệp ấy lãnh bản án chung thân để phục dịch chồng, bởi anh ta lệ thuộc vào cô ấy hai mươi bốn giờ một ngày, trong khi nhu cầu của ba tôi chỉ có chút xíu à (ba tôi nói thế).
Ba tôi biết điều này bởi vì chị ta đã mời ông lại nơi chị ta làm việc và đã chỉ cho ông thấy người thanh niên chị ta phải chăm sóc, và nói với ba tôi, anh coi làm cách nào em có thể cưới cái người như thế? Dĩ nhiên là chị ta nói với ông bằng tiếng Ukraine. Không, ba tôi muốn cứu chị ta khỏi một kiếp đời nô lệ. Ông sẽ hy sinh và cưới chị ta. Lòng tôi tràn ngập lo âu. Và đầy ắp tò mò.
Thế là tôi đành bỏ qua hai năm căng thẳng không thèm nhìn mặt bà chị tôi để gọi điện cho chị. Chị Vera thì nhất định không nhân nhượng trong khi tôi còn chút uyển chuyển. Chị tôi cương quyết. Còn tôi lưỡng lự.
“Trời ơi, Nadezhda, tại sao tới giờ mày mới nói với tao. Mình phải chặn đứng con mẹ ấy lại.”
“Nhưng lỡ chị ta đem lại được hạnh phúc cho ba mình…”
“Đừng có ngớ ngẩn. Dĩ nhiên nó không làm cho bố sung sướng được đâu. Mình phải tìm xem ý đồ của con mẹ ấy là gì. Mà mày nữa, Nadezhda ạ, tại sao mày luôn luôn đứng về phe với bọn tội phạm vậy.”
“Nhưng mà chị à…”
“Mày phải đi gặp con mẹ ấy ngay và dằn mặt cho nó sợ mà rút lui.”
Tôi điện thoại cho ba tôi, “Ba à, hay là để con lại gặp Valentina nhé?”
“Không, không, nhất định không thể được.”
“Tại sao không được?”
Ông lưỡng lự, ông không nghĩ ngay ra được lý do nào để từ chối. “Cô ấy không nói được tiếng Anh.”
“Nhưng con nói tiếng Ukraine được mà.”
“Cô ấy hay mắc cỡ lắm.”
“Con thấy bà ấy có vẻ gì là mắc cỡ đâu. Con sẽ nói chuyệnvới bà ấy về Schopenhauer và Nietzsche.” (Ha ha.)
“Cô ấy phải đi làm.”
“Thì con chờ khi hết làm việc thì con lại.”
“Không, đó không phải là điều quan trọng. Tốt nhất là mình không nói chuyện này nữa. Good bye.”
Ông bỏ điện thoại xuống. Chắc chắn là ông già đang giấu chuyện gì.
Vài hôm sau tôi lại điện thoại cho ba tôi. Tôi đổi chiến thuật. “Hello ba, Nadezhda nè ba.” Dĩ nhiên ông biết là tôi, nhưng mà tôi muốn làm ra vẻ thân mật.
“À há. Ừ. Ừ.”
“Ba à, cuối tuần này chồng con đươc nghỉ mấy ngày, hay là tụi con đến thăm ba nhé.”
Ba tôi rất quý trọng Mike, chồng tôi, bởi vì ông có thể nói chuyện dông dài với anh ấy về máy cày và máy bay.
“Ừ, được đó, chừng nào tụi con tới?”
“Chủ Nhật. Tụi con sẽ tới ăn trưa với ba vào Chủ Nhật, lúc khoảng một giờ.”
“Okay, tốt, để ba nói với Valentina.”
Chúng tôi tới trước một giờ, hy vọng gặp chị ta, nhưng chị ta đã đi rồi. Căn nhà có vẻ hoang vắng lạnh lẽo. Khi mẹ tôi còn sống nhà lúc nào cũng trưng hoa tươi, khăn trải bàn luôn sạch sẽ và căn bếp tỏa mùi thức ăn. Bây giờ thì không có hoa mà toàn những ly cốc dơ dáy, giấy tờ, sách vở, những thứ không được dọn dẹp. Chiếc bàn gỗ nâu lót mi ca bên trên rải đầy báo chí với một miếng bánh mì ăn dở dang và vỏ táo chưa được quăng bỏ. Căn phòng nồng mùi dầu mỡ.
Vậy mà ba tôi lại có vẻ hứng khởi. Ông có nét trẻ trung, sinh động. Tóc ông thưa, bạc màu và mọc dài ra, quăn ở sau gáy. Nước da ông sậm màu, có vẻ săn chắc hơn và có chút ít tàn nhang, chắc tại ông phơi nắng ngoài vườn nhiều. Mắt ông rực sáng. Ông mời chúng tôi ăn trưa – cá hộp, cà chua hộp, bánh mì nâu, sau cùng là táo Toshiba. Thực đơn đặc biệt của ba tôi đấy – táo hái trong vườn, lột vỏ, băm nát, ép vào đĩa Pyrex và nấu trong lò vi ba (cũng hiệu Toshiba) cho tới khi đặc keo lại. Hãnh diện với phát kiến của mình, ông mời chúng tôi ăn thêm, rồi ăn thêm nữa, lại còn gói bảo đem về nhà ăn.
Tôi lo lắng. Ăn toàn đồ hộp vậy có tốt không đây? Ba tôi có ăn uống đúng cách với đủ chất bổ dưỡng không? Tôi mở tủ lạnh và cái chạn thức ăn để kiểm tra. Có sữa, phó mát, sê-ri-ô, bánh mì và vô số đồ hộp. Không có trái cây tươi hay rau quả gì hết ngoại trừ vài trái táo Toshiba và mấy quả chuối đã lốm đốm ngoài vỏ. Tuy nhiên nhìn ông có vẻ khỏe mạnh.
Tôi bắt đầu làm một danh sách.
“Ba nên ăn nhiều trái cây tươi và rau quả, ba ạ,” Tôi nói. Ông đồng ý ăn thêm rau cải và cà rốt. Ông không ăn đậu đũa hay đậu hột đông lạnh nữa bởi vì ăn vào là ho.
“Valentina có nấu cho ba ăn không?” Tôi hỏi.
“Thì thỉnh thoảng cô ấy cũng nấu.” Có vẻ như ông muốn tránh né.
Tôi nhặt một tấm khăn lau và bắt đầu lau chỗ dầu mỡ đóng. Chỗ nào cũng phủ đầy bụi, với những vũng loang lổ dính nhơm nhớp vì cái gì đó đổ ra mà không chùi đi liền. Sách vở quăng bừa bãi – sách lịch sử, tiểu sử cá nhân, sách học về vũ trụ – vài cuốn ông tự mua còn lại là mượn từ thư viện công cộng. Trên bàn ngoài phòng trước tôi thấy vài trang giấy chi chít nét chữ nguyệch ngoạc của ông, với những chỗ viết thêm, những đoạn gạch bỏ. Chữ Ukraine mà viết tay thì tôi đọc một cách khó khăn, nhưng tôi có thể đoán qua cách câu văn xuống hàng rằng đó là thơ. Năm mười bốn tuổi ba tôi đã xuất bản tập thơ đầu tay. Đó là bài điếu ca cho một trạm thuỷ điện được xây trên dòng sông Dnieper năm 1927. Khi học trường kỹ sư ở Kiev, ông gia nhập một nhóm bí mật những nhà thơ Ukraine, những người bị đặt ra ngoài vòng pháp luật khi nhà nước tiến hành việc sử dụng tiếng Nga như ngôn ngữ chính thức của Liên Bang Xô Viết. Tôi vui khi thấy ông vẫn làm thơ. Chẳng những vậy tôi còn thấy tự hào ít nhiều. Tôi xếp gọn xấp giấy và lau bàn.
Ở phòng kế bên, ngồi lọt thỏm trong lòng chiếc ghế có chỗ dựa tay, mắt hé mở và một ly rượu táo trong tay, Mike đang dũng cảm duy trì nét chăm chú lắng nghe trên khuôn mặt trong khi giọng nói của ba tôi rì rầm bên tai.
“Thật là một bi kịch cho đất nước xinh đẹp này. Bọn Phát Xít và bọn Cộng Sản là hai đứa sinh đôi gian ác đã ăn tươi nuốt sống trái tim của Ukraine.”
Trên tường phía trên lò sưởi có treo một bản đồ Âu châu. Nước Nga với nước Đức bị gạch đầy những vạch đặm nét mạnh bạo đến rách cả giấy. Những dấu chữ Vạn, hình con chim đại bàng vương giả, và hình búa liềm bị gạch xóa bằng những nét bút giận dữ. Giọng của ba tôi cất cao và run rẩy khi ông nói tới cái điều quan trọng nhất.
“Nếu như ba có thể cứu một mạng người – một mạng người – ra khỏi cái chốn hãi hùng ấy, con không nghĩ rằng đó là điều hợp đạo lý hay sao?”
Mike lẩm bẩm đáp lời theo phép lịch sự.
“Mikhail à, con thấy đó,” giọng nói của ông đượm nét tâm sự, giữa hai người đàn ông với nhau, “một đứa bé chỉ có thể có một bà mẹ, nhưng một người đàn ông có thể có nhiều người tình. Điều đó hoàn toàn hợp lý. Con đồng ý không nào?”
Tôi cố vểnh tai nghe xem chồng tôi trả lời thế nào, nhưng chỉ nghe được anh lẩm bẩm gì đó.
“Ba có thể hiểu vì sao con Vera và con Nadia không vui. Chúng nó mất mẹ. Nhưng rồi chúng nó sẽ phải công nhận Valentina là loại người sáng giá.” (Ồ, nhắm chừng chúng tôi có nhận ra nổi không?) “Dĩ nhiên, người vợ đầu của ba, Ludmilla, cũng xinh đẹp khi ba gặp bà ấy lúc còn trẻ. Ba cứu bà ấy đấy, con biết không. Mấy thằng con trai xúm vào để giật lấy cái đồ trượt băng của bà ấy, ba nhào vô cứu. Từ đó trở đi hai người thành bạn thân. Vâng, thì bản năng tự nhiên của đàn ông là biết che chở cho phụ nữ.” (Ô, thôi đi bố già ơi!) “Bây giờ, với Valentina, số phận đẩy đưa cho ba gặp một phụ nữ đẹp đang trông chờ sự giúp đỡ của ba. Làm sao ba có thể bước tránh qua bên kia đường cho được.”
Ông bắt đầu liệt kê một loạt những thứ hãi hùng mà ông cứu chị ta ra khỏi. Trong cộng đồng Ukraine người ta xì xào là tiệm thực phẩm hết sạch. Họ bảo, bây giờ ai trồng trọt được thứ gì thì ăn thứ ấy, hệt như thuở xa xưa vậy. Tiền thì càng lúc càng mất giá. Ở Kharkiv thì mới có một trận dịch tả. Donbass thì tràn lan bệnh bạch hầu. Ở Zhitomyr một người đàn bà đã bị hành hung thật dã man ngay giữa thanh thiên bạch nhật và lũ cướp chặt phăng ngón tay bà ấy để lấy mấy cái nhẫn. Ở Chernigov, cây trong rừng chung quanh Chernobyl đầy chất phóng xạ bị đốn về làm đồ dùng, rồi bán đi khắp nước, để người ta bị nhiễm phóng xạ ngay trong nhà họ. Mười bốn thợ mỏ bị thiệt mạng trong một vụ nổ ngầm ở Donetsk. Một người đàn ông bị bắt ở nhà ga xe lửa Odessa và người ta phát hiện ra trong va li của hắn có một cục uranium. Ở Lviv, một chị đàn bà tự xưng là Đấng Cứu Thế và phán truyền rằng sáu tháng nữa là tận thế. Tồi tệ hơn sự sụp đổ của luật lệ trật tự xã hội là sự suy sụp của những nguyên tắc lý luận và đạo đức. Một ít người chạy lại Nhà Thờ Cổ, nhưng số đông hơn ùa đến những nhà thờ màu mè, kiểu cọ họ đem về từ phương Tây, hoặc tìm đến bọn thày bói, bọn tán chuyện viễn vông, bọn vẽ chuyện hão huyền để làm giàu, bọn tự hành xác. Không còn biết tin được ai, và tin được điều gì nữa.
“Nếu tôi chỉ có thể cứu được một con người…”
“Thôi mà, ba ơi!” Tôi ném cái khăn lau về phía ông. Nó rơi đúng vào lòng ông. “Ba à, chẳng phải là ba cũng có ý thức rõ ràng về chế độ chính trị hay sao? Valentina và chồng bà ấy là đảng viên. Họ có tiền và có thế lực. Họ sống thoải mái dưới chế độ cộng sản. Chẳng phải bà ấy chạy trốn chế độ đâu. Ba vẫn thích chủ nghĩa tư bản, phải không nào?”
“Hừm.” Ông nhặt cái khăn lên và lơ đãng đưa lên lau trán. “Hừm.”
Tôi nhận ra rằng chuyện của Valentina không dính líu gì đến ý thức hệ hết.
“Vậy thì chừng nào tụi con có thể gặp chị ta?”
“Khi tan ca cô ấy sẽ đến đây, khoảng năm giờ,” ba tôi nói. “Ba có cái này cho cô ấy.” Ông với tay lên kệ lấy một bao thư màu nâu dầy cộm giấy tờ ở bên trong.
“Nào, sao ba lại không đi rảo bên ngoài một chút trong lúc tụi con đi chợ nhỉ? Rồi chừng nào cô ấy về tới thì mình ngồi uống trà với nhau.” Giọng ông ấm áp, vui tươi. Bằng tiếng Anh đàng hoàng. Âm hưởng ấy khiến tôi cảm thấy nỗi đau và sự điên rồ là cái gì đó xa lơ lắc.
Trên đường từ chợ về nhà, tôi đậu xe bên ngoài nhà dưỡng lão nơi Valentina làm việc. Đó cũng là nhà dưỡng lão mà mẹ tôi đã ở một thời gian ngắn trước khi qua đời, thành ra tôi biết hết đường ra lối vào.
Tôi đậu xe ngoài đường, và thay vì vào cửa chính, tôi đi vòng ra phía bên hông và nhìn qua cửa sổ nhà bếp. Một người đàn bà trung niên mập mạp đang quậy thứ gì đó trên bếp lò. Phải chị ta đây không? Bên cạnh nhà bếp là phòng ăn, nơi có một vài vị cao niên đang ngồi uống trà. Vài đứa thiếu niên mặc đồng phục đang uể oải đẩy xe lăn cho họ đi vòng quanh.
Có những người khác nữa bên khay thức ăn nhưng họ đứng xa quá tôi nhìn không rõ. Bây giờ một hai người đi qua cửa chính về phía trạm ngừng xe buýt. Họ là nhân viên hay người nhà vậy ta? Mà tôi đang tìm cái gì đây mới được chứ? Tôi đang tìm cái người ăn khớp với điều ba tôi mô tả – một phụ nữ tóc vàng xinh đẹp với bộ ngực đồ sộ.
Ở đây chả thấy ai như vậy.
Khi tôi về nhà, ba tôi đang có vẻ thất vọng lắm. Chị ta gọi điện thoại nói là không đến. Chị ta về thẳng nhà. Ngày mai chị ta sẽ đáp máy bay về Ukraine. Ba tôi cần phải gặp chị ta trước khi chị ta lên đường. Ba tôi cần trao món quà của ông cho chị ta.
Cái bao thư không dán kín, và từ chỗ tôi ngồi tôi có thể thấy những tờ giấy có chữ viết nguyệch ngoạc nhét trong ấy, cùng với một cọc tiền giấy. Tôi không đoán được là bao nhiêu. Nhưng tôi bừng bừng cơn phẫn nộ. Máu đỏ loang lòe loẹt trước mắt tôi.
“Ba à, tại sao ba lại cho bà ấy tiền? Tiền hưu của ba còn không đủ sống nữa mà.”
“Nadezhda, chuyện này tuyệt đối không ăn nhằm gì đến con hết. Tại sao con phải nhì nhằng việc ba xài tiền của ba? Mày sợ mất phần của mày hay sao, hở?”
“Ba không thấy là bà ấy đang lừa tiền ba hay sao? Chắc con phải đi báo cảnh sát thôi.”
Ba tôi nín thở. Ông ngán cảnh sát, sợ hội đồng thành phố, ngay cả người đưa thư mặc đồng phục đến trước cửa cũng làm ông giật mình. Tôi đã đánh trúng tim đen của ông.
“Nadezhda, tại sao mày lại tàn nhẫn như thế? Không ngờ tao lại nuôi một con quái vật có trái tim gỗ đá như mày. Ra khỏi nhà tao ngay. Tao không bao giờ muốn thấy mặt mày nữa (Ông nói vẫn nói want thành vant như thói quen – “I never vant to see you again”). Mày không phải là con gái tao.” Bỗng dưng ông bật cơn ho. Hai đồng tử con mắt ông giãn ra. Một vẩy nước bọt dính trên môi ông.
“Đừng la làng ba ơi. Chính ba hồi trước đã nói với con – ba còn nhớ không? Khi con còn là sinh viên và ba nghĩ là con thiên tả.”
“Ngay cả Lenin còn viết rằng chủ nghĩa cộng sản tả khuynh là ấu trĩ,” (Ông lại ho.) “Hỗn loạn ấu trĩ.”
“Ba nói con theo đám Trotsky. Ba bảo, ‘Ra khỏi nhà tao. Tao không muốn nhìn thấy mặt mày nữa!’ Nhưng ba xem đấy, con vẫn ở đây. Chịu đựng đủ thứ kỳ đời chướng khí của ba.”
“Mày đã từng theo Trotsky. Lũ sinh viên cách mạng chúng mày với đống cờ quạt, biểu ngữ ngu ngốc. Mày có biết Trotsky làm gì không? Mày có biết nó đã giết bao nhiêu người không? Và giết như thế nào không? Mày có biết không? Trotsky là con quỷ dữ, tệ hơn Lenin. Tồi tệ hơn con chị Vera của mày nữa.”
“Ba à, cho dù con có theo Trotsky, mà thực ra thì con không theo, nhưng rủa sả con gái của ba như thế là quá đáng.”
Ấy là chuyện hơn ba mươi năm trước vậy mà tôi vẫn nhớ cái cảm giác bị tổn thương – Tôi, cái đứa cho tới lúc ấy vẫn luôn tin tưởng rằng tình yêu cha mẹ tôi dành cho con cái là vô điều kiện. Nhưng thực ra tình yêu ấy không bị chi phối bởi chính trị; mà bởi ý chí – ý chí của ông đối chọi với ý chí của tôi; quyền hạn của ông chi phối tôi trong vai trò ông bố.
Mike nhảy vào. “Này, ba ơi, con không nghĩ là ba có ý nói vậy. Còn em, Nadezhda à, khơi lại chuyện cũ cũng chẳng ích lợi gì. Cả hai người ngồi xuống đây, mình nói chuyện.”
Chồng tôi rất khéo trong chuyện này.
Ba tôi ngồi xuống. Ông run lên, cằm bạnh ra. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ấy từ thời thơ ấu, và tôi chỉ muốn đấm cho ông một cái, hoặc bỏ nhà đi bụi.
“Ba à, con nghĩ Nadezhda nói cũng đúng. Giúp bà ấy di dân sang Anh là một chuyện còn bà ấy hỏi xin tiền lại là chuyện khác.”
“Tiền để cô ấy mua vé. Nếu muốn cô ấy về lại Anh quốc, thì phải có tiền mua vé chứ.”
“Nhưng nếu bà ấy thực sự quan tâm đến ba, thì trước khi đi bà ấy cũng phải đến gặp ba chứ? Ít ra cũng để chào tạm biệt,” Mike nói.
Tôi không nói gì thêm nữa. Tôi đứng ngoài chuyện này. Cứ để ông già ngu ngốc xuống địa ngục đi.
“Hừm. Có thể là như thế.”
Ba tôi có vẻ giận dữ. Được. Cứ để mặc cho ông ấy giận.
“Ý con muốn nói là việc ba bị bà ấy mê hoặc thì có thể hiểu được,” chồng tôi nói. (Cái gì thế này? Cái gì có thể hiểu được chứ? lát nữa tôi sẽ hỏi tội anh.) “Nhưng con thấy nếu bà ấy muốn kết hôn với ba mà lại không muốn gặp người nhà nào của ba thì thật khả nghi.”
“Hừm.” Ba tôi không tranh luận với Mike cái cách mà ông vẫn tranh luận với tôi, bởi vì Mike là đàn ông, đàn ông thì phải được tôn trọng mà.
“Bà ấy có việc làm, sao không dùng tiền ấy mua vé máy bay? Chắc chắn là đủ mà.”
“Cô ấy còn thiếu nợ một vài chỗ. Nếu ba không cho cô ấy tiền, biết đâu cô ấy không trở lại đây nữa.” Có một cái gì đó như sự mất mát vô vọng in đậm nét trên mặt ông. “Ba có viết cho cô ấy mấy bài thơ, ba muốn cho cô ấy đọc.” Tôi nhận ra, và Mike cũng nhận ra cùng một lúc, là ông đã thực sự phải lòng người đàn bà ấy. Lão già ngu ngốc.
“Nào, nhà bà ấy ở khu nào trong thành phố Peterborough?” Mike hỏi, “Mình có thể ghé qua nhà bà ấy.” Anh ấy cũng lo lắng hệt như tôi bây giờ. Và hẳn là rất muốn biết rõ chuyện này.
Chúng tôi chui vào xe, cả ba người. Ba tôi choàng cái áo khoác đẹp nhất lên người và nhét bao thư màu nâu vào túi áo ngực bên trong, gần chỗ trái tim. Ông chỉ đường cho chúng tôi tới một con đường hẹp đầy những ngôi nhà gạch đỏ có sân thượng gần trung tâm thành phố. Chúng tôi đậu phía ngoài một căn nhà có cổng xoay, lối đi rải nhựa đường dẫn vào cửa chính. Ba tôi chui ra khỏi xe trong chớp mắt và vội vã rảo bước trên lối vào, tay nắm chặt cái bao thư trước ngực.
Trong một thoáng, tôi thấy ông có vẻ bình thản, và lòng tôi chợt nhói lên khi thấy nét già nua, tướng đi lảo đảo chúi về phía trước của ông. Nhưng tia nhìn trong mắt ông thì rạng rỡ. Ông bấm chuông. Không có ai trả lời. Ông lại bấm chuông. Bấm nữa. Bấm nữa. Càng lúc bấm càng lâu. Mãi sau mới có tiếng cọ từ một tấm chắn cửa sổ được kéo lên. Ba tôi hăng hái ngước lên nhìn. Tay cầm cái bao thư. Tay ông run rẩy. Tất cả chúng tôi cùng nín thở, trông chờ một phụ nữ tóc vàng với bộ ngực đồ sộ, nhưng thay vào đó, một gã đàn ông ló đầu ra khỏi cửa sổ. Anh ta khoảng bốn mươi, mái tóc nâu xù và áo sơ mi trắng hở cổ.
“Cút đi cho khuất mắt, cút xéo ngay đi!”
Ba tôi á khẩu. Ông đưa cái bao thư ra trước bằng bàn tay run rẩy. Gã đàn ông tóc nâu không chút bận tâm.
“Ông làm phiền người ta như thế chưa đủ sao? Hết đưa thư của luật sư lại đến quấy rầy người ta ở chỗ làm, bây giờ còn theo về tận nhà người ta nữa. Ông làm phiền cô ấy. Đi cho khuất mắt và để yên cho người ta sống!” Gã đóng sập cánh cửa sổ.
Ba tôi co dúm lại như tờ giấy bị vò nát ngay chỗ ông đang đứng. Mike đặt cánh tay lên vai ông và dìu ông về chỗ xe đậu. Về đến nhà, ông vẫn không thốt nên lời.
Mike nói, “Con nghĩ ba vừa mới may mắn thoát nạn ở đàng đó. Ngày mai ba bỏ tiền vào nhà băng lại, và quên cô ấy đi.”
Ba tôi lặng lẽ gật đầu.
“Con có nghĩ là ba ngu ngốc lắm không?” ông hỏi Mike.
“Không, không,” Mike nói. “Đàn ông nào cũng mất hết hồn vía trước một người đàn bà đẹp.” Anh bắt gặp tia nhìn của tôi và mỉm cười chuộc lỗi.
Ba tôi có vẻ phấn khởi một chút. Nam tính của ông vậy là vẫn còn nguyên vẹn.
“Ừ, con nói đúng, ba không còn dính líu gì tới cô ấy nữa.”
Đã muộn. Chúng tôi từ giã ông và chuẩn bị chuyến lái xe đường dài về Cambridge. Vừa bước ra cửa chúng tôi nghe điện thoại reo, và tôi nghe ba tôi nói chuyện bằng tiếng Ukraine. Tôi không đoán được ông nói gì nhưng có cái gì đó trong giọng nói của ông làm tôi nghi ngờ – một cái gì đó lãng đãng, dịu dàng. Tôi nghĩ là mình không nên vội về, phải lắng nghe và can thiệp; nhưng tôi mệt, chỉ muốn về nhà cho rồi.
“Em có biết trong bao thư ấy có bao nhiêu tiền không?” Mike hỏi.
Chúng tôi lái xe trong bóng hoàng hôn, nửa đường về nhà, đầu óc rối bù vì những chuyện xảy ra trong ngày.
“Em thấy đó là một cọc tiền dầy. Có thể là một trăm bảng Anh không chừng.”
“Anh thấy tờ giấy bạc trên cùng là tờ năm chục. Khi mình rút tiền ở ngân hàng, người ta đâu có đưa cho mình giấy năm mươi, họ cho mình giấy mười đồng hay hai chục, trừ khi nào mình rút ra một số tiền lớn.” Trán anh nhăn lại khi xe chạy trên khúc đường quanh co. “Anh nghĩ mình nên tìm hiểu xem sao.”
Anh đột ngột ngừng xe cạnh một cột điện thoại công cộng màu đỏ ở một ngôi làng dọc lối đi. Tôi thấy anh lục lọi tìm tiền cắc, quay số, nói chuyện, rồi nhét thêm tiền vào khe máy, tiếp tục nói chuyện thêm một lúc. Rồi anh trở lại xe.
“Một ngàn tám trăm Anh kim.”
“Cái gì?”
“Trong bao thư. Một ngàn tám trăm Anh kim. Bố già tội nghiệp.”
“Ông già ngu ngốc. Chắc cả đời để dành được chừng ấy.”
“Rõ ràng là Valentina đã gọi điện cho ông bảo ông bỏ tiền vào trương mục bà ấy.”
“Vậy là chị ta chả quan tâm gì đến thơ của ông già hết?” (Ha ha.)
“Ba nói là ông sẽ bỏ tiền vào ngân hàng ngày mai.”
Chúng tôi tiếp tục lái xe. Đêm Chủ Nhật, vắng xe cộ trên đường. Hoàng hôn đã đổ xuống, với những vạch ánh sáng vắt ngang bầu trời nơi mặt trời vừa lặn phía sau những đám mây. Chúng tôi quay cửa sổ xuống và gió đưa hương đồng nội phả vào mặt chúng tôi – mùi táo gai, ngò tây bò, cỏ ủ.
Khoảng mười giờ đêm chúng tôi về đến nhà. Mike điện thoại cho ba tôi. Tôi lắng nghe ở đường dây phụ.
“Tụi con muốn báo cho ba biết là tụi con đã về nhà an toàn. Ba có chắc là ngày mai ba tới nhà băng được không? Để số tiền lớn như vậy trong nhà con thấy không yên tâm. Ba có thể giấu ở chỗ nào đó an toàn được không?”
“Được… Nhưng mà…” Ba tôi có vẻ nôn nóng. “Hay là ba đưa hết cho cô ấy cho rồi?”
“Không ba à. Con nghĩ không nên. Con thấy ba cứ bỏ vào trong ngân hàng như ba nói, là tốt nhất.”
“Nhưng nếu như đã trễ rồi thì sao? Nếu như ba đã lỡ đưa cho cô ấy hết rồi thì sao?”
“Ba đưa cho bà ấy hồi nào?”
“Ngày mai.” Ba tôi lẩm cẩm mất rồi, và câu chữ cứ đâm sầm vào nhau.
“Ngày mai. Hôm nay. Có gì quan trọng đâu?”
“Khoan, ba chờ chút.”
Mike khoác áo choàng lên người và vồ lấy chùm chìa khóa. Trông anh phờ phạc thấy rõ. Sáng sớm hôm sau, anh về đến cùng với bao thư và đút một ngàn tám trăm Anh kim vào ngăn tủ, chỗ để bí tất để lát nữa lại nhà băng. Tôi không biết anh có đem mấy bài thơ của bố già về không nữa.