Trang chính » Biên Khảo, Giới thiệu tác phẩm, Nhận Định Email bài này

ĐỌC THƠ NGUYỄN LƯƠNG VỴ – THẤT HUYỀN ÂM TRONG GIÓ (*)

Bia_sach_BON_CAU_THAT_HUYEN_AMlargecontent_thumb_thumb.jpg

 

Bia_sach_BON_CAU_THAT_HUYEN_AM-large-content_thumb

Tôi gặp thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ lúc nào? Ai cứ mở miệng nói là bạn của thi sĩ, người đó nói dóc. Thi sĩ thứ thiệt nào cũng chỉ có mỗi một người bạn là chính hắn. Nhưng trong thế giới thơ luôn có nhiều chỗ hẹn để người thơ này đi qua rồi đi lại, sau đó đi lung tung với người thơ khác mà chẳng để làm gì khác ngoài chuyện nói về thơ. Nhờ có thơ mà thi sĩ nhận ra nhau, đọc lên những câu thơ của nhau như gọi tên những linh hồn, mỗi giây mỗi phút đời ta trôi qua nghĩa là đã chết, nhưng khi có thơ, chúng ta lại phục sinh và hoà ẩn vào đó một thế giới mới tinh khôi.

Nếu ai gặp Nguyễn Lương Vỵ mà nói. Ê! Tôi chợt nhận thơ ông có hình ảnh ngôn ngữ của núi, biển, tình yêu, tinh trùng, của tất cả các thứ giàu có nhất của một xứ gọi là xứ chữ cho không. Thơ, nếu thi sĩ không cho không thì là thi sĩ tồi, nhưng nếu ai đó nhận thơ mà không coi thơ là chân lý-cá nhân thì kẻ đó chắc ăn xuống địa ngục. Thơ như một vòng khép kín của không gian ngôn ngữ riêng mà giá trị của ngôn ngữ cá nhân được đốt sáng bằng nguồn năng lượng cô độc của thi nhân.

“…thơ bén gót trùng ngôn điệp ngữ
Mà bóng đời oan uổng chìm theo
Mà khắp nơi tinh âm đang reo
Mà réo rắt đời sau đang mọc…”

(Trích: Đồng Vọng Tinh ÂmTinh Âm – Nguyễn Lương Vỵ.)

Ở miệt đất Quảng Nam có một tờ khai sanh tên Nguyễn Lương Vỵ. Đúng, nhưng theo như tôi biết, thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ được sanh ra ở nhà-bảo-sanh-bia-ôm và học khóc học cười từ mọi quán nhậu.

“Ta chẳng biết vì đâu
Mà ngàn thâu lửa ngún
Cõi người lìa cuống rún
Cõi thơ lừng đỏ au…”

(Trích: Tinh Âm – Chẳng Biết – Nguyễn Lương Vỵ.)

Cảm xúc thi ca của ông khát thứ nước ở đó. Nước từ loài hoa đẹp nhất sanh ra con người, nước từ men ấm nóng nồng nàn nhất sanh ra cảm xúc người.

Và mỗi độ hoa huyết kinh nở, xuân về, thần linh ngụ khắp nhà bảo sanh, và các ngài hiện ra trong ánh đèn dầu của một xứ vào một thời tràn ngập khói lửa chiến tranh, và trong mùi hương hoa rau muống biển và mắt cá chết long lanh, trong chén cơm đầy cát. Vào khoảng ngày đó, cánh đồng đen ngòm bóng mặt trời, mắt người cố sức thâu lấy hình ảnh, không hình ảnh nào khác hơn là sự bôi bẩn của các thứ giáo điều chủ nghĩa. Và vì thế con người ở xứ sở này mong chờ sự cứu chuộc từ ánh nắng, ánh nắng của ngôn ngữ mẹ ru và thi ca, một thứ ánh nắng ngôn ngữ với màu sắc đọng giọt lung linh trên đầu lông mi, trên môi, trên từng nhịp cảm xúc. Nhưng ánh nắng đó cũng là thứ ánh nắng vô hiệu, phù phiếm.

Ngay thời điểm này, thật hiếm còn người biết nghe, biết nhận thức về nhạc điệu thuần khiết của ngôn ngữ thơ. Tôi thấy cần phải nói về cái cách mà ngôn ngữ tạo ra hiệu ứng âm thanh trong thơ của Nguyễn Lương Vỵ. Với những khúc hát hay của ông, người đọc có thể tin rằng Sài Gòn, đô thị này vẫn còn đó, không bao giờ gián đoạn tinh âm ngôn ngữ.

Đừng khiên cưỡng ép tính nhạc trong ngôn ngữ thơ vào khung tân hay cổ, cũng đừng nhìn vào hình thức văn bản là lục bát, ngũ ngôn, tứ tuyệt hay thơ tự do, thơ văn xuôi mà cho rằng nhạc thơ là do thể loại thơ định đoạt.Thiệt nhảm nếu tưởng viết được một mớ chữ có ý nghĩa cao siêu, triết lý trong hình thức văn bản thơ thì được nâng cấp thành thơ, nhà thơ. Thi sĩ, trước tiên và sau cùng là người sáng tạo được giai điệu cho tiếng Việt của mình. Chỗ tuyệt đối của thi ca chính là cái cách mà thi sĩ sáng tạo ngôn ngữ riêng thành khúc hát riêng mà không cần canh kê đồ rê mi fa sol, hay hò xự xang xê cống … Xin mời nghe những khúc hát mới tinh Nguyễn Lương Vỵ:

7.

Khi cố cựu trở mình trong gió
Là thanh tân ngát hương đầu ngõ
Cảm động quá nên ta vờ quên
Nhặt vội một âm trên ngọn cỏ…

8.

Khi cố cựu trở mình trong ngực
Là thanh tân thức với tri âm
Ngần sương hát, khát tình non nước
Vách khuya im, lắng tiếng thạch cầm…

9.

Khi cố cựu trở mình trong đá
Là thanh tân gọi gió trên sông
Lời nức nở với niềm thâm tạ:
Màu thiên thâu ửng sắc cầu vồng…

10.

Khi cố cựu trở mình trong huyệt
Là thanh tân chôn âm dưới tuyết
Trời đất vốn chẳng nói điều chi
Thì cứ tiếp tục mần thơ đi!!!

(Trích: Bốn Câu Thất Huyền Âm.)

Thơ của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ, với tôi, đó là một khúc tụng bằng ngôn ngữ thi ca gần gũi với tâm hồn nhạy cảm. Tính nhạy cảm của con người là không gian lớn duy nhất cho phép người ta chán ghét văn học giả dối. Thơ không được tạo ra để giam cầm thi sĩ hay người yêu thơ vào nhà tù của ngôn ngữ. Thơ đích thực, dù là trong phạm vi hẹp hay không gian rộng cũng trao cho con người quyền tự do.

13.

Nhớ. Mãi mai! Ai cài lục trúc
Giọt ngần sương, cúc áo xanh ngời
Giọt ngất tạnh, lời trao rấm rức
Sương kêu thương bóng mộ bên trời…

14.

Tình cũ mèm mà sao mới tinh?!
Thơ điên róc máu giữa lặng thinh
Thiên cao rờ rỡ mưa tràn mộng
Ngồi xổm trông lên hú một mình…

15.

Hú một mình vì khô nước mắt
Cô liêu. Trời đất ác vô cùng!
Cô độc. Ta nổi khùng hú gắt
Gặt mút mùa muôn đóa hồng chung…

(Trích: Bốn Câu Thất Huyền Âm.)

Khốn cùng và mặt trời, là hai diện sắc của huyệt mộ các thi nhân tự do, những nghệ sĩ chọn chủ nghĩa văn nhân làm người tình. Thơ Sài Gòn đến đầu thế kỷ này còn lại rất ít thi sĩ giữa các sư đoàn nhà thơ được trang bị và vỗ béo để hô khẩu hiệu. Dù thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ có sống và có thể chết ở nước Mỹ. Nhưng trái tim thơ ông vẫn thuộc về và đập mãi ở Sài Gòn. Huyệt mộ thơ ông ở Sài Gòn, góc thi ca sắc như lưỡi dao tự đâm vào ngực mình để hồi sinh dòng máu sáng tạo thanh tân và mở hết cánh cửa tâm hồn, mở với cảm thức như đang sợ không kịp nhìn thấu hết những nguồn mạch thơ.

20.

Vậy nhé! Xé câu thơ đứt ruột
Vẫn chưa bưa cái buốt giang hà
Vẫn hận mãi một lời đã vuột
Vẫn trông vời hồn cốt trôi xa

21.

Vậy nhé! Xé câu thơ trắng tủy
Để còn nghe rền rỉ mưa âm
Âm đỏ ngực một bầy ngựa hí
Thây ma trôi. Thế kỷ tím bầm…

(Trích: Bốn Câu Thất uyền Âm)

Tôi chỉ giữ cho mình một chỗ gặp thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ, mọi chỗ khác tôi sẽ quên, mọi việc khác mà ông làm tôi cũng quên luôn, từng thời chính kiến của ông tôi cũng quên tuốt. Tôi chỉ thấy ông mỗi một chỗ, chỗ mà ông từ Mỹ về ngồi mỗi ngày. Chỗ đó mùa nào cũng có đầy bông giấy, màu tím chòm ra ngoài vỉa hè tránh xa các biệt thự của bọn chủ đỏ, vỉa hè với xác hoa và xác lá trông như một khu vườn muốn chia sẻ sức sống với các cuộc đời và ngôn ngữ dân Sài Gòn.

Từng hòn đá và gạch vỉa hè Sài Gòn lúc nào cũng hừng hực nóng. Vào lúc thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ bước đi. Tôi như nhìn thấy một đống vỏ chai bia, vỏ chai rượu đuổi theo ông và khua lên những âm thanh kỳ quái. Ông không về Quảng Nam, không trở lại Mỹ, tôi giả đò chỉ biết có vậy, nhưng thiệt bụng tôi biết ông đang đi tới nơi ông sẽ lập lại mãi một điều mà định mệnh đã tặng cho ông: Cứ tiếp tục mần thơ đi!

35.

Lạy em đẹp mãi cho ta mừng
Mần thơ ào ạt như chưa từng
Cái chi cũng đẹp, cũng ứng mộng
Cỏ áy hừng đông, mượt quá chừng…

36.

Lạy em đẹp mãi cho ta vui
Mần thơ ngùn ngụt ngún một nùi
Chẳng sợ hồn tan hay vía nát
Rất vô tư nhậu với ngậm ngùi…

37.

Lạy em đẹp mãi cho ta sướng
Mần thơ cộng hưởng với âm u
Chẳng sợ đầu non hay cuối vực
Rất hồn nhiên dụng cái mịt mù…

(Trích: Bốn Câu Thất Huyền Âm)

Với tập thơ mới: Bốn Câu Thất Huyền Âm. Thơ, với ông, không làm điên đảo nữa mà chỉ khiến cho có đủ nhịp mạch tinh tế để trọn vẹn chia sẻ. Nghệ thuật thơ lúc này của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ là một thứ mùi hương của khoảng không gian rộng, chan hòa với những góc khuất nơi dành cho những nhiều thế hệ thi sĩ, độc giả đồng cảm với thơ ông và cả những ai xa lạ đang một mình im lặng trong gió.

08.2011

Trần Tiến Dũng

(*) Bốn Câu Thất Huyền Âm – Tập thơ thứ Sáu của Nguyễn Lương Vỵ – Q&P xuất bản – California – 08.2011.

bài đã đăng của Trần Tiến Dũng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)