Trên lối đi trải đá người đàn ông dắt chiếc xe đạp cũ. Bên cạnh là một người đàn bà trẻ, da mặt căng và ửng hồng như quả mận trại Hầm. Hai người chậm chạp đi trên con đường dốc về phía căn biệt thự bỏ hoang. Chót cao một cây thông lớn, ngang tầm với mái nhà là Ngoạn Mục Đài, thế giới tuổi thơ tôi. Tôi cầm súng cao su ngồi vắt vẻo giữa hai thanh ván đóng vào trạc ba của nhánh thông. Từ tầm cao tôi nhìn qua mái nhà về phía tít xa trên lưng chừng một ngọn đồi đối diện là đường Trần Hưng Đạo có dinh cơ Bảo Đại mái ngói đỏ trên nền xanh của rừng thông. Tiếng kèn của cha tôi từ trong nhà vẳng ra lẫn vào tiếng bước lạo xạo của hai người phía dưới gốc thông trên con đường đá sỏi.
Đêm trăng vằng vặc. Từ cửa kính bể nát của căn nhà hoang chúng tôi nhìn xuống triền đồi thông. Ánh trăng lẫn trong sương như một dải sữa loãng. Cha tôi chĩa kèn ra ngoài cửa kính, phóng tiếng kèn sâu vào không gian tĩnh lặng của núi rừng Đà Lạt.
Tôi bước rón rén trên mặt sàn gỗ. Ở nhà dưới tiếng dấp nước bỗng ngưng bặt. Tôi linh cảm từ dưới nhà có đôi mắt nhìn lên. Khe khẽ tôi nằm bò xuống sàn, dán mắt vào khe ván. Qua một kẽ hở rất nhỏ tôi bắt gặp đôi mắt chị Dự ngước nhìn lên trần nhà. Đôi mắt to của chị. Đôi mắt ánh lên tia sợ hãi. Măc dù chỉ nhìn thấy gương mặt chị tôi biết ngay là chị Dự đang tắm. Quả tim tôi đập dữ dội trong lồng ngực. Tôi trườn qua một khe ván khác. Nhìn xuống…
… và tỉnh dậy. Tôi chui ra khỏi giấc mơ. Đúng vào cái lúc tôi cần đến giấc mơ nhất.
Giấc mơ đưa tôi về thuở năm tôi mười sáu. Về Đà Lạt. Về mùa hạ của năm 1957.
Mỉm cười trong bóng tối tôi nghĩ đến “hôm ấy”.
Sau “hôm ấy” tôi nhìn chị Dự bằng con mắt khác. Gần gũi hơn. Rạo rực hơn. Tôi không còn chú ý đến khuôn mặt và nước da rám căng như quả mận của chị nữa. Mỗi lần chị theo anh Dự đi qua nhà tôi tầm mắt của tôi đã hạ xuống một chút xíu. Chị Dự mặc chiếc áo len màu rất đậm nhìn từ xa tôi không biết đó là màu xanh hay đen. Hai cánh áo len không bao giờ khép kín hẳn phía trước ngực nơi bầu vú của chị chỉ hơi phồng căng. Và bao giờ cũng vậy ở trong mắt tôi nơi chỗ phồng đó là một hình ảnh sống động khác của chị. Sau cái “hôm ấy” tôi có cảm tưởng chị đã biết hết mọi chuyện, chị thấu suốt ngay cả cái cách nhìn của tôi với chị và cả cái lòng rạo rực ở trong tôi nữa.
Cha tôi dọn đến ở đó trước cái “hôm ấy” cỡ chừng một tháng. Tôi có cả một mùa nghỉ hè rộng trước mặt để đi khám pha vùng đất mới mới đầy hấp dẫn. Đầu mùa hè năm ấy tôi vừa học xong lớp Đệ Lục của một trường trung học công lập Đà Lạt. Căn nhà mới của chúng tôi nằm trên một đồi thông của đèo Prenn trên quốc lộ nối liền Sài Gòn – Đà Lạt. Ở đỉnh đèo ngay đầu đường Nguyễn Tri Phương dẫn vào trung tâm thị xã xe đò phải dừng lại trước một trạm kiểm soát. Sau cái trạm chừng vài trăm mét nơi một khúc đường cong lên dốc, cạnh căn nhà mang số 17 là một con đường nhỏ, cụt, trải sỏi có tên Đặng Thái Thân dẫn vào căn nhà mới của chúng tôi. Đó là một biệt thự khang trang duy nhất còn đứng vững trong một khu vực toàn những căn nhà bỏ hoang xây cất từ thời Pháp thuộc. Chủ nhân là những người Tây đã bỏ về nước từ nhiều năm trước đó, để lại những căn biệt thự hoang tàn ẩn hiện trong rừng thông. Trong ký ức thời niên thiếu của tôi toàn vùng này in dấu một vẻ đẹp vừa hoang dã lại vừa sang cả. Nhà chúng tôi ở là một căn nằm một mình trước một ngã ba. Tiếp tục đường sỏi lên dốc chừng vài trăm mét là một căn nhà bỏ hoang mà tôi đặt tên là Đỉnh Gió Hú. Đứng trên đỉnh đồi Gió-Hú nhìn xuống tứ phía là thung lũng thông xanh ngút ngàn. Ở ngã ba có một con đường đất đi sâu xuống thung lũng. Một bữa xách súng cao su mạo hiểm vào con đường mòn này tôi khám phá một thế giới nằm chìm khuất trong rừng thông là khoảng gần chục căn biệt thự bỏ hoang. Phía bên kia con đường sỏi đối diện căn nhà đá đơn độc của chúng tôi là một dẫy khoảng hai chục căn nhà tôn. Chính từ những căn nhà tôn lụp xụp ấy mà sự sống đã toát ra cho cả một vùng. Mỗi buổi chiều, trước màn đêm buông, khi làn sương tỏa lan núi đồi thì ở đó và từ đó xôn xao tiếng người gọi nhau, cả tiếng cãi vã. Trong mùi khói bếp thoảng qua không gian có lẫn cả mùi xào nấu. Cái sinh hoạt đời thường ấy từ những căn nhà tôn dóng sức sống vào căn nhà đá chúng tôi, trong đó thường là vắng lặng. Suốt mùa hè căn nhà rộng chỉ có ba cha con. Bố tôi, chị tôi và tôi. Ba cái bóng. Mẹ tôi và các anh tôi trong thời gian này sống ở Sài Gòn, thảng hoặc mới đùn đùn kéo lên mang theo cái bầu không khí sinh động náo nhiệt của đô thành.
Một tuần lễ sau ngày chúng tôi dọn đến đó ở thì tôi “dọn nhà” thêm một lần nữa, lần này chỉ độc mình tôi. Nói dọn nhà cho to chuyện chứ đồ đạc mang theo chỉ có độc một cuốn vở học trò. Tôi dọn đến ở Đỉnh Gió Hú, nơi có mối tình đầu của tôi. Tôi mê căn nhà hoang này ngay trong phút đầu gặp gỡ. Căn nhà hoang trên đỉnh đồi lúc đó chưa có tên gọi. Mãi sau một hôm tôi tình cờ đọc bản thảo của cha tôi dịch cuốn truyện của Emily Bronte thì căn nhà mới có tên Đỉnh Gió Hú. Đó là một cái nhà gỗ to lớn hai từng. Cả trên dưới dễ có đến trên 10 phòng. Phòng khách rất rộng, ba mặt kính, ở trên lầu chìa hẳn ra ngoài vực sâu. Từ ba mặt kính đã vỡ gần hết của căn nhà hoang nhìn ra là toàn cảnh núi đồi thông xanh trùng điệp của cao nguyên Langbian. Tôi chọn một căn bé nhất ở trên gác đã có sẵn một cái bàn gỗ cũ kỹ nhưng còn đứng vững làm giang sơn mới của mình. Tôi bê một khúc thân cây thông về làm ghế. Thế là tôi có một chỗ lý tưởng để “viết”. Ý tôi muốn nói viết văn. Chính ở trên cái bàn đó đã đẻ ra dòng văn đầu tiên của một “văn hào” là tôi. Nhưng giấc mộng văn chương tiêu tan rất nhanh khi tôi thấy tác phẩm đầu tay của mình không thể kéo dài hơn đúng một hàng chữ. Con đường nuốt tôi vào ruột một thế giới bí mật và kỳ quái… Tôi rất hài lòng với cái động từ “nuốt” nhưng hai tĩnh từ “bí mật” và “kỳ quái” thì tôi cứ sửa tới sửa lui đến cả trăm lần mà vẫn không vừa ý… Chả là hồi ấy tôi quan niệm đã là văn hào thì câu văn đầu tiên phải tuyệt hảo ngay. Rốt cuộc sau một tuần lễ thấy mình có cố lắm thì dòng văn cũng không thể kéo dài hơn một khúc kẹo kéo, tôi quyết định gác bút. Lễ giải nghệ nghề văn của tôi có con mèo mun chứng kiến. Con mèo hoang đen sì không biết từ đâu lâu lâu xuất hiện lặng lẽ bên tôi như một bóng ma. Vào những lúc bất ngờ nhất cái tiếng “meo” của nó thường làm tôi giật nẩy mình. Nói đến ma tôi lại phải nói thêm là tôi chỉ dọn đến ở Đỉnh Gió Hú ban ngày thôi. Ban đêm có các tiền tôi cũng không dám ở lại. Ngay cả ban ngày ban mặt mà mỗi lần một mình bước đi trên sàn gỗ ọp ẹp tôi còn rờn rợn như ở đằng sau gáy có cả trăm con mắt của hồn ma từ các ngóc ngách theo dõi tôi. Những con mắt xanh lè của những ông tây bà đầm… Tôi đếm kỹ Đỉnh Gió Hú có tất cả 11 buồng to nhỏ khác nhau và có đến bốn cái phòng tắm. Những bồn tắm men, những rô-bi-nê đồng, những vòi hoa sen, tất cả đã cũ nát han rỉ, nhưng cũng đủ gợi trong trí tôi ở cái tuổi mới lớn những con ma thân hình lồ lộ và đẫm ướt của các bà đầm đã một thời nằm nhễ nhại trong cái bồn đài các ấy. Một sự tưởng tượng gợi dục và rất kinh hãi.
Thế mà… mùa hạ năm ấy có hai người lại dám ngủ nhiều đêm trong Đỉnh Gió Hú. Hai kẻ không nhà không cửa đã tìm đến căn nhà hoang làm nơi trú ngụ. Nhưng họ có nề hà gì ở nơi thiếu tiện nghi và đầy bóng ma như Gió Hú. Bởi vì họ là hai kẻ yêu nhau. Trong trí tưởng của tôi họ là hai kẻ yêu nhau trong truyện Gió Hú đúng hai thế kỷ sau đầu thai vào anh chị Dự. Tông tích của hai người này thật là mù mờ. Hai người đến ở Đỉnh Gió Hú và lặng lẽ ra khỏi đó ba tuần lễ sau như hai hình bóng. Mãi mãi sau này tôi nghe đồn trong thành phố Đà Lạt vào thủa ấy có một cô nữ sinh đã bỏ nhà ra đi theo một vị thầy giáo lớn hơn cô gần hai mươi tuổi. Người ta còn đồn (chuyện này thì tôi cho là thất thiệt) là cô gái sau này tự tử ở thác Pongour. Hỏi ra thì vị thầy đó mang một tên khác, nhất định không phải tên Dự. Điều này càng khiến tôi hoang mang.
Trước khi Đỉnh Gió Hú của tôi bị xâm phạm bởi hai tay vô gia cư thì một đêm trăng rằm tôi thuyết phục được bố tôi mạo hiểm đi thăm căn nhà mới của tôi. Phải có hai người tôi mới dám đặt chân tới đó ban đêm. Hồi đó tôi đang thụ huấn bố tôi học thổi kèn clarinet. Cha tôi nói chơi kèn để thổi đúng nốt nhạc thì dễ. Luyện cho tiếng kèn hay mới khó. Theo ông tiếng kèn điêu luyện thì phải “tròn” và “đanh”. Người mới tập, tiếng kèn nó bè bè, nghe biết ngay (ý ông cụ muốn phê bình tôi một cách kín đáo). Thú thật là tôi học mau chán. Thổi kèn được một chặp thì cái môi dưới của tôi nó rất mỏi. Khi đã mỏi rồi thì cái hơi tôi thổi nhất định không chịu chui vào trong kèn, nó cứ theo đường mép mà phì ra ngoài, phì lẫn cả nước bọt, trông thật tởm. Đúng là số kiếp tôi cũng cố tập tành theo con đường nghệ sĩ của ông cụ chứ không phải là không thử. Tôi xách kèn clarinet dẫn cha tôi đến Đỉnh Gió Hú. Con đường trải đá dài vài trăm mét dẫn đến căn nhà hoang dưới ánh trăng bóng lá thông loáng thoáng dưới đường trông rất huyền ảo. Hai người yên lặng đi trên đường. Cha tôi không biết lúc ấy óc tôi đang làm việc lung lắm. Chả là vào thời điểm đó tôi vẫn còn là văn hào. Con đường (con đường đang đi này) nuốt tôi vào ruột một thế giới bí mật và kỳ quái…Trí tôi đang chộn rộn lựa chọn giữa những tĩnh từ… Đêm đó cha tôi rất có ấn tượng với căn nhà mới của tôi, cả cái tên gọi của nó nữa (mà tôi cứ lờ đi như thể chính tôi nghĩ ra). Lúc hai bố con đứng ở trong nhà kính của Đỉnh Gió Hú ông giựt lấy cây kèn clarinet trong tay tôi. Ánh trăng vằng vặc chiếu qua cửa kính tỏa sáng gian phòng rộng nơi sàn gỗ quay cuồng những hình bóng ma. Hình bóng những ông tây bà đầm từng cặp từng cặp nhún người theo điệu nhạc luân vũ và tiếng clarinet vui tươi của bố tôi trong bản Dòng Sông Xanh cất lên. Những cô em tươi môi… Ngồi giặt yếm ven sông… Đời là khúc nhạc… Đời là tiếng thơ… Căn phòng sáng rực lên. Từ những chùm đèn pha lê trên trần cao ánh sáng lộng lẫy soi những chiếc váy lướt đi sột soạt. Ôi ! Tóc em hoe như mây chiều… Rơi… Rơi…Vào lòng người… Ôi ! Mắt em xanh như đêm dài… Để… Người… Quên kiếp mai… Vẫn điệu valse quay cuồng Les beaux Jours nối tiếp theo Le Beau Danube Bleu. Tiếng kèn vẫn tươi thắm. Les beaux jours sont si courts… Amoureusement… Gardemoi… Près de toi… Tendrement… Dans tes yeux si profonds… Si pleins de douceur… Je lirai… Tout aufond… Mon bonheur… Rồi tiếng kèn trầm xuống, lặng đi. Ông thổi cho một đám cưới vô hình. Ánh đèn pha lê tắt lịm. Ánh trăng tràn vào. I went to your wedding… Although I was dreading… The thought of losing you… The organ was playing… My poor heart kept saying: your dreams you dream are true… Rồi qua mảnh kính vỡ của căn nhà hoang bố tôi thò cây clarinet ra phía ngoài phóng sâu vào không gian tĩnh lặng của Đà Lạt những tiếng kèn đanh thép và tha thiết. You came down the aisle… wearing a smile… a vision of loveliness… The tears drop were falling… Because we were losing you… Từ rất xa đưa về. Nghe như tiếng đáp lại của núi rừng… Because we were losing you…
Ở Đỉnh Gió Hú được một tuần thì một buổi chiều từ trên Ngoạn Mục Đài tôi thấy hai người đi ngang qua nhà tôi. Người đàn ông đứng tuổi đạp xe đạp đèo một người đàn bà trẻ. Đến gần nhà tôi, chỗ đường bắt đầu lên dốc và có trải nhiều đá sỏi, cả hai xuống xe. Người đàn ông dắt chiếc xe đạp. Hai người đi bộ lên con đường dốc. Chờ đến tối mịt tôi cũng không thấy họ trở ra. Như vậy là hai người phải ngủ qua đêm ở Đỉnh Gió Hú. Không thể khác. Đặng Thái Thân là con đường cụt và căn nhà hoang đó ở cuối đường. Sáng sau đến Đỉnh Gió Hú tôi điều tra xem có dấu tích của hai người ngủ ở đó không. Lần này tôi xông vào hết tất cả các phòng, mở toang hết ngăn tủ. Tôi tìm được một bọc vải rất lớn trong một closet thuộc một căn buồng tươm tất nhất nhưng trước đây tôi không chọn chỉ vì nó rộng quá. Khi xuống nhà, ngay dưới nhà kính lại có một cái thùng nước dấu sau cầu thang. Bên cạnh có hai khăn mặt và một cục xà-phòng. Như vậy là quá rõ ràng. Ban ngày Đỉnh Gió Hú thuộc về tôi. Ban đêm nó thuộc về hai người lạ.
Cho đến “hôm ấy”.
Trời ấm áp và có nắng to. Tôi đến Đỉnh Gió Hú vào lúc giữa trưa. Bình thường tôi đi thẳng cửa trước lên cầu thang gỗ để vào nhà kính. Nhưng tôi khựng lại vì thấy một cái xe đạp gác ở cầu thang. Tôi đã tính quay về nhưng nghĩ sao tôi lại đi vòng phía sau. Tim tôi đập mạnh vì tôi vừa có ý nghĩ là sẽ lén lút quan sát hai người lạ xem họ làm cái trò trống gì trong Đỉnh Gió Hú “của tôi”. Vì căn nhà xây trên sườn gần đỉnh đồi nên dù là hai từng một số phòng trên ở phía sau có thể vào thẳng không cần cầu thang. Tôi trèo cửa kính vỡ vào trong cái phòng nhỏ của tôi. Tôi đi rất chậm rãi và rón rén trên sàn gỗ. Nhà bỏ hoang đã lâu lớp vec-ni bong hết, trơ những thanh ván mục, nhiều chỗ lộ những khe hở, ở những chỗ hở lớn tôi có thể nhìn xuyên qua sàn xuống từng dưới. Bước một bước tôi lại dừng lại nghe ngóng. Căn nhà tuyệt nhiên không một tiếng động. Cho đến lúc tôi bước đến gần nhà kính thì có tiếng va chạm khẽ vào cái thùng nước ở từng dưới chân. Rồi có tiếng dấp nước nhè nhẹ. Tôi dón rén bước. Tiếng dấp nước ngừng. Đứng y một vị trí rất lâu tôi nghe tiếng dấp nước trở lại. Nhưng hễ tôi cất bước thì tiếng nước lại im. Và lần này im lâu lắm. Bỗng nhiên tôi có linh cảm từ dưới nhà có đôi mắt nhìn lên. Tôi khẽ nằm bò xuống dán mắt vào khe ván. Qua một kẽ hở rất nhỏ là một vẹt sáng mỏng chữ nhật cắt xéo cặp mắt của người đàn bà trẻ mở to ngước nhìn trần nhà. Đôi mắt ánh lên một tia sợ hãi. Tôi biết ngay là người đàn bà đang tắm! Quả tim tôi đập dữ dội trong lồng ngực. Tôi trườn qua một khe ván khác nhìn xuống. Qua khe này vẹt sáng chữ nhật nở rộng thêm chiều ngang cắt xéo một bầu vú trắng nọt nà ướt nước. Dướn thêm một khe ván vẹt sáng lại đi quá đà, cắt ngang cặp đùi người đàn bà với chiếc quần lĩnh đen ướt nhẹp dính chặt vào làn da. Đúng lúc ấy ở phía sau tôi có tiếng một con mèo nhẩy xuống sàn và kêu rên một tiếng khẽ. Tôi trở lùi lại khe ván trước và bắt gặp đôi mắt của người đàn bà dịu hẳn xuống.
Mấy bữa sau một buổi sáng tôi chạm trán với chị Dự lần đầu. Câu nói đầu tiên của chị là một lời trách: “Sao em ác thế?”. Chị đặt con chim vào lòng bàn tay của chị. Bàn tay kia chị vuốt khẽ lưng con chim và ru nó vào cõi chết. Con chim nằm nghẹo đầu. Một giọt máu từ trong mỏ vấy vào lòng bàn tay. Năm ấy tôi đã bắn hạ không biết bao nhiêu con chim ở xung quanh nhà. Nhưng đây là lần đầu tôi chứng kiến một con chim dẫy chết. Bình thường hạ xong một con là trò chơi của tôi chấm dứt. Tôi không hề quan tâm đến số phận của nó. Con chim này bị trúng đạn mà không chết ngay. Bị thương nó đâm vào cửa kính của Đỉnh Gió Hú và rớt xuống chân chị Dự. Hôm đó lần đầu tiên tôi ý thức về sự độc ác và hơi hối hận. Nhưng tôi không thú nhận điều này với chị Dự. Kể từ hôm đó tôi được làm bạn với chị nhưng với một điều kiện là tôi không được bắn chim nữa. Chị hỏi tên tôi rồi chị nói: “Em kêu chị là Dự. Dự là tên của ảnh”. Rồi chị Dự nói tiếp: “Bữa nào em lại chơi buổi tối gặp ảnh”. Tôi gật. Sau bữa gặp chị tôi lén trở lại Đỉnh Gió Hú. Tôi đi ngã sau trèo vào căn phòng nhỏ qua cửa sổ kính vỡ. Tôi mở ngăn kéo lấy hết tập bản thảo của tôi mang về nhà. Nói là bản thảo cho oai chứ thật ra chỉ là cuốn vở học trò chứa toàn giấy trắng, có đúng một hàng chữ thì lại sửa chữa lung tung. Tôi dấu không cho anh chị Dự biết tôi là nhà văn. Lúc trèo qua cửa sổ tôi nhớ tới cái “hôm ấy”. Lạ nhỉ? Trong lần gặp mới đây tuyệt nhiên chị không tỏ một vẻ gì khác lạ, nhưng sao tôi vẫn có cảm tưởng như là chị đã biết tỏng tôi nhìn trộm chị tắm.
Mấy hôm sau cơm chiều xong thì trời choạng tối. Tôi đến Đỉnh Gió Hú. Anh chị Dự đang ăn cơm ở trong bếp. Bếp ở từng dưới, cạnh cái cầu thang lên nhà kính và cũng là cái chỗ tắm của chị Dự. Dưới hai ngọn đèn dầu tù mù tôi nhìn bữa ăn thanh đạm của dân vô gia cư. Bàn ăn là ba cái khúc thân cây. Ở trên để ba cái nồi nhỏ, nồi cơm, nồi canh và nồi… chắc là cá kho. Anh chị Dự ngồi trên hai thành cửa sổ cầm bát lùa cơm vào miệng, lâu lâu lại rời cửa sổ đến chỗ khúc cây gắp một miếng cá bỏ bát. Anh Dự hình như lớn tuổi hơn chị Dự nhiều. Dưới ánh đèn dầu gương mặt anh trông khắc khổ nhưng ngay lập tức được cái miệng cười thật tươi của anh xóa đi. Cái cười thật dễ mến khi anh nói chuyện. Anh hỏi chuyện học hành của tôi. Anh có vẻ biết rất nhiều. Ví dụ như anh nói tới những vị thầy giáo của tôi một cách thân ái như thể anh đã quen biết rõ họ, đến độ, nếu không vì chị Dự còn quá trẻ, tôi đã gọi anh Dự bằng thầy. Anh lại còn như có vẻ biết cả cha tôi nữa. Anh cứ hỏi tôi cái ông thổi kèn trong căn nhà đá có phải là cha tôi không. Còn tôi, tôi chỉ trả lời anh ậm ừ. Tôi bận nhìn chị Dự. Tối hôm đó chị không nói một lời nhưng qua ánh mắt chị tôi biết chị theo dõi câu chuyện. Tôi mê đôi mắt của chị từ đó. Ở trong con mắt của chị, từ trong lòng con ngươi, phản chiếu ánh ngọn đèn dầu, thỉnh thoảng lóe lên một tia vui có ngầm một vẻ gì rất trẻ thơ và nghịch ngợm. Tôi nhìn xuống đôi má ửng hồng của chị như hai quả mận chín căng, nhìn cái cổ trắng ngần, nhìn hai cánh áo len khép trước ngực chị, nhìn cái ngực phẳng lì ấy và tôi không thể nào hình dung tại sao ở ngay chỗ đó lại có bầu vú căng cứng nó lồ lộ ra trước mắt tôi mấy hôm trước.
Ăn xong, trong lúc chị Dự dọn dẹp ở dưới nhà, anh Dự cầm một ngọn đèn dầu, rủ tôi lên gác. Vào nhà kính, anh đặt ngọn đèn dầu trên một bệ gỗ, móc túi lấy ra bao thuốc lá, dí điếu thuốc vào thông đèn châm hút rồi đứng cạnh cửa kính vỡ, thở khói ra ngoài. Đêm đó trời nhiều sao. Không nhớ bắt đầu bằng chuyện gì, tôi chỉ biết là qua những vì sao trên trời anh giải thích tôi nghe về thiên văn học, một đề tài hoàn toàn mới mẻ với tôi. Anh giải thích về sự vô tận của vũ trụ, về thuyết tương đối, tôi không thể nào nhớ hết được. Nhưng có một chuyện tôi nhớ. Trong lúc nói về ý niệm của thời gian, anh bảo là ngay trong lúc này, trong lúc anh và tôi đang nói chuyện đây, rất có thể là hàng triệu năm đã trôi qua mà cả hai người đều không hay biết. Anh giải thích tôi nghe lý thuyết “vũ trụ ngưng đọng” của anh. “Đây này!” – Anh nói – “Khi anh đưa cánh tay thế này này… thì đột nhiên vũ trụ ngưng đọng… anh đứng im, bất động, em cũng bất động, vạn vật đều bất động, gió ngừng bay…mây ngừng trôi… cho đến một triệu năm sau hay hơn nữa, vụ trụ hết ngưng đọng, lúc ấy cánh tay anh lại tiếp tục vươn ra, thế gian không một ai biết là một triệu năm đã qua mà cứ tưởng như là một chớp mắt…”. Câu chuyện của anh Dự đã đi vào giấc ngủ của tôi đêm hôm đó. Tôi mơ thấy một vũ trụ ngưng đọng. Chỉ khác là trong lúc tất cả nhân loại đều ngủ hết, chỉ có một mình tôi thức. Đi lang thang trong cái thế giới bất động ấy tôi đã làm nhiều điều bất chính. Chẳng hạn như tôi đã cởi áo quần của chị Dự… Tôi còn làm nhiều chuyện xằng bậy hơn nữa. Vào trường học tôi tụt quần những ông giáo tôi cho là hắc ám giữa lúc ông đang giảng bài và khoái chí tưởng tượng một triệu năm sau, nghĩa là chỉ một chớp mắt sau… vũ trụ thức dậy… Tỉnh dậy. Tôi vụt thấy đôi mắt của chị Dự tối hôm trước, tia mắt chứa đầy một niềm vui tinh nghịch như thể chị đã đọc suốt được giấc mơ của tôi. Từ đó trở đi tôi mê say thiên văn học. Nó quả có kích thích trí tưởng tượng của tôi.
Những ngày diễm ảo ngắn ngủi của tôi là những ngày cuối cùng của mùa hạ năm đó. Liên tiếp trong mấy hôm chúng tôi dắt tay nhau vượt qua nhiều ngọn đồi của Đà Lạt đi thám hiểm một vùng rộng lớn của đèo Prenn. Chị Dự nói với tôi anh Dự đi dậy học tư, chiều tối anh mới về. Còn chị nghỉ hè, giống như tôi. Chị thuộc thế giới Đệ Nhị Cấp. Tôi nhìn những người lớn học Đệ Nhị Cấp như một thế giới xa cách. Có lần hai đứa tôi đi bộ dọc theo đèo Prenn đến cây số bốn thăm thác nước Datala. Đi xuôi dòng suối thác tôi chỉ cho chị Dự một cái vực sâu trông rất ghê hồn. Cái vực này nằm giữa hai vách đá dựng đứng và sâu thăm thẳm.
Ngày đi chơi sau cùng với chị Dự mới thật là một ngày đáng nhớ nhất. Sáng hôm đó tôi rủ chị Dự đi thám hiểm con đường mòn ở cạnh nhà tôi, con đường mà hồi mới dọn tới tôi đã đi bắn chim và khám phá nhiều căn nhà hoang. Thấy chị có vẻ không phấn khởi, tôi bịa: “Mấy căn nhà đó có nhiều ma lắm! Chính mắt em trông thấy…”. Tôi thấy mắt chị sáng lên: “Thế hả? Thế thì phải đi xem…”. Đến trước nhà tôi, tôi bảo chị Dự chờ tôi một phút. Tôi chạy vội vào nhà tìm khẩu súng cao su đút túi. Tôi thấy mình cần có vũ khí để bảo vệ chị Dự chống lại những con ma vô hình trong trí tưởng tôi. Nhưng tôi không nói cho chị biết vì tôi đã hứa với chị không bắn chim. Lúc hai người đi vào đường mòn, chị Dự hỏi tôi: “Cái ông già trồng hoa ở trước nhà em có phải là ba của em không?”. Tôi nói ừ. Chị bảo:
“Anh Dự nói ba của em là ông Nhất Linh”
“Nhất Linh nào?”
“Nhất Linh Tự Lực Văn Đoàn đó! Em không biết à?”
“Em biết sơ sơ thôi…”
“Khi nào em lên lớp Đệ Nhị học Tự Lực Văn Đoàn em sẽ biết…”.
Chúng tôi theo một con đường mòn xuống một triền dốc sâu đi khoảng chừng gần cây số tới một khúc suối thì đến khu vực có khoảng mười căn biệt thự. Lần này, chắc là vì có chị Dự bên cạnh, khung cảnh hiện trước mắt tôi đột nhiên khoác một vẻ khác hẳn. Những căn nhà trước đây trông ma quái và hoang dã nay như tươi mới, lại nhiễm một vẻ đẹp thật là diễm ảo. Chị Dự nắm lấy tay tôi và hình như chị cũng đang ngây người ngắm cái thế giới mới: những căn biệt thự tráng lệ nằm chìm khuất trong rừng sâu. Trí tôi lúc ấy lóe lên một khung cảnh êm đềm. Hai cha con tôi dắt tay nhau đi lên con đường dốc Yagut. Chúng tôi rẽ trái vào đường Trần Bình Trọng qua sân của một trường tiểu học đến một khu vực gồm toàn những căn nhà diễm lệ và sang trọng nhất của thành phố Đà Lạt, khu Bellevue. Con đường chúng tôi đi vòng vo nhiều từng trên đó là hàng chục những ngôi biệt thự kiến trúc không căn nào giống căn nào nằm cao thấp trên một triền đồi thông. Cha tôi bảo tôi mỗi lần đi vào khu vực này ông như sống lại những ngày xưa cũ ở một cái làng nhỏ bên Pháp. Ông còn bảo tôi thử lựa một căn mà tôi thích nhất. Tôi chỉ một căn biệt thự sơn màu trắng, ba từng, phía trước có vườn hoa rất đẹp. Ông nhìn một căn nhà nằm ẩn dưới hàng cây và nói với tôi ông chỉ thích những căn nhà một từng.
“Chạy! Chạy!”.
Chị Dự bỗng nắm chặt lấy tay tôi kêu to. Rồi vùng một cái chị kéo mạnh tay tôi chạy ngược lại con đường mòn. Ở xa có tiếng “Gâu! Gâu!”. Từ một căn nhà hoang tôi thoáng thấy màu vàng của một con chó berger lớn vụt chạy ra. Tôi vùng lên chạy trước và đến lượt tôi kéo chị Dự. Chúng tôi chạy băng băng bất kể những bụi gai, những nhánh cây chĩa ra đường mòn. Ở đằng sau chúng tôi lẫn với tiếng chó sủa còn có tiếng quát tháo. Tiếng quát giọng ồm ồm nghe như từ miệng một ông Tây. Hai người chạy bạt mạng. Hồi lâu tiếng chó sủa nhỏ lần rồi mất hẳn. Chúng tôi chạy chậm dần rồi đến một thân cây thông đổ chắn ngang đường mòn chị Dự quỵ xuống lả người đi. Tôi cũng thở dốc ngồi tựa thân cây cạnh chị. Thật ra quãng đường chạy không dài lắm nhưng vì lên dốc nên hai đứa đều mệt nhoài. Chị Dự nhắm mắt lại đưa tay lên chặn ngực, chị thở hắt mấy cái, rồi bỗng chị mở to cả hai mắt ra, ngước mặt lên nhìn tôi, ánh mắt chị lại lóe lên một tia vui tinh quái. Chị nghe ngóng lồng ngực mình một lát rồi nói:
“Nghe nè… Tim nó đập dữ nè… Dữ nè…”.
Bất thần chị quay hẳn sang tôi chụp lấy bàn tay tôi đặt úp vào ngực chị:
“ Em thấy không… Nó đập nè…”.
Tôi rùng mình. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi tiếp xúc với phần thân thể thân mật nhất của một người đàn bà (thật ra thì chỉ đứng hàng thứ nhì thôi nhưng lúc đó trí óc tôi chỉ ngắn đến cái mức ấy). Qua làn vải chiếc áo cánh của chị tôi sờ thấy và cảm giác cái phồng lên mềm mại của bầu vú chị. Tôi không nghe thấy tiếng tim đập của chị như chị muốn tôi nghe thấy. Bên tai tôi tiếng dấp nước. Ánh nắng lọt qua khung cửa sổ chiếu sáng cái vai trần của chị. Đôi mắt chị dịu xuống theo với tiếng kêu của con mèo. Chị cúi xuống dấp khăn mặt vào thau nước chậm rãi lau hai bầu vú của chị, hai bầu vú trắng nõn và tròn cứng dưới ánh nắng. Rồi chị lấy một đầu ngón tay của mình rà xung quanh cái đầu nâu hồng của núm vú chị.
“Sao, em có nghe tim chị đập không?”.
Tôi nghe tiếng tôi lạc đi:
“Không nghe gì cả…”
“Đây nè…”.
Chị nói cùng lúc chị đè mạnh bàn tay chị trên lưng bàn tay tôi. Tự nhiên tay tôi bóp thêm và cảm nhận bầu vú chị Dự như cưỡng lại, nở ra. Chính giữa lòng bàn tay tôi cái đầu núm vú cứng của chị Dự đâm vào. Chị nhắm mắt lại và dướn người lên cao. Đôi môi tôi lướt qua má chị, mắt tôi sát gần trông rõ cả mấy đường gân đỏ trên má như vết nứt của một quả mận đã chín căng và hơi thở dồn của chị Dự phà lướt bên tai tôi.
Bỗng tôi buông tay khỏi ngực chị Dự. Tôi đứng lên nói:
“Em không sợ chó berger. Em đã có cách trị nó”.
Chị Dự mở mắt ra. Lặng yên một lát rồi chị nhướng mắt lên hỏi:
“Cách nào?”
“Cách này hay lắm. Chó to thế nào cũng trị được. Để em biểu diễn chị xem!”
Tôi rút giây lưng. Hai tay tôi cầm hai đầu thắt lưng căng ra. Tôi quỳ xuống chống chân trước chân sau:
“Đây này, mình phải căng cái thắt lưng trước mặt như thế này này. Con chó nào cao như con lúc nãy thì giây cũng phải đưa cao. Muốn cắn mình con chó phải ngoạm cái thắt lưng trước. Đúng lúc đó là mình phải hết sức bình sinh đá vào dưới cầm nó cho nó bật ngửa ra. Một cú là đủ chết nó rồi. Nhưng dùng cách này chị phải đi giầy. Đi chân đất hay đi guốc mà đá thì hỏng kiểu”.
Thấy chị Dự có vẻ khâm phục, tôi bèn rút súng cao su ra:
“Con nào một cú đá chưa tởn thì mình bồi thêm một phát súng nữa!”
“Ghê nhỉ! Nhưng chị không có thắt lưng. Chị lại đi guốc… Ờ nhưng mà… em có cả hai thứ vũ khí đó sao hồi nãy em không dùng?”.
Tôi không biết là chị Dự nói sỏ tôi nên tôi vẫn cứ nói cứng:
“Em cũng định thế đấy. Nhưng tại chị nhát quá. Chưa chi chị đã kéo em chạy trước…”.
Les beaux jours sont si courts…
Những ngày vui qua mau. Mấy ngày sau đó tôi bị một tai nạn phải nằm nhà thương. Tôi bị té xe đạp khi xe đổ dốc Lê Đại Hành gần đập Ông Đạo. Tỉnh dậy tôi thấy mình ở nhà thương có bố tôi bên cạnh. Cảnh binh đã đến nhà báo tin cho cha tôi hay. Ông vội vã đến nhà thương trên xe jeep của cảnh sát không kịp thay quần áo. Ông chỉ khoác vội cái áo choàng ra ngoài bộ pyjama. Tôi bị gẫy xương ở cổ tay trái phải nằm bệnh viện hai tuần. Cha tôi ra phố mua cho tôi bộ truyện Thủy Hử để tôi đọc trong thời gian nằm nhà thương. Khi tôi trở về nhà với cánh tay còn băng bột, tôi đến Gió Hú, ôm theo bộ truyện Thủy Hử cốt để khoe với chị Dự. Nhưng anh chị Dự đã dọn đi không để lại một dấu vết.
Không hiểu tại sao lúc ấy tôi có ý nghĩ và ý nghĩ đó không sao xóa đi được trong suốt mùa hạ năm ấy là chị Dự phải để lại một cái gì đó cho tôi trước khi chị rời khỏi Đỉnh Gió Hú. Chẳng hạn một dòng chữ nguệch ngoạc nào đó chị để ở đâu đây trong căn nhà rộng mênh mông. Tôi để cả một tuần lễ moi hết cả mọi ngóc ngách của căn nhà hoang và sau cùng buồn rầu nhận thấy là chị đã rời Đỉnh Gió Hú không mang theo hình bóng tôi. Tôi mang tập bản thảo về lại căn phòng cũ trong Đỉnh Gió Hú và tiếp tục viết…lần này tôi viết cho chị. Con đường nuốt tôi vào ruột một thế giới… kéo dài thêm được một trang vở học trò. Rồi tôi bỏ ngang… cho đến tận bây giờ… non một nửa thế kỷ trôi qua…
Buổi đi chơi đáng ghi nhớ của tôi với chị Dự ngày hôm đó không ngờ lại là kỷ niệm sau cùng của tôi với chị. Tôi không bao giờ gặp lại chị Dự nữa. Tôi tin rằng những lời đồn đãi về anh chị Dự chỉ đúng một phần. Không bao giờ tôi tin rằng cái người đàn bà đầy sức sống ấy, cái sức sống vui trẻ của chị vẫn lóe lên trong ánh mắt kia lại là người đàn bà đã tự tử ở thác Pongour.
Nguyễn Tường Thiết