Tác giả
Emily Bronte (1818-1848)
và
Wuthering Heights
*
Emily Bronte sinh năm 1818, con một vị mục sư nghèo và nghiêm khắc người Ái-nhĩ-Lan, mẹ là người Anh. Nữ sĩ là người thứ tư trong số sáu chị em, năm gái một trai, trong đó chị là Charlotte và em gái là Anne đều là văn sĩ danh tiếng. Gia đình ở Thornton, một làng xa xôi khuất nẻo thuộc tỉnh Yorkshire, Anh quốc. Mấy chị em sinh trưởng ở đấy như những cô gái cấm cung ít được tiếp xúc với đời.
Emily Bronte rất ít có cơ hội đi học, và tuy sự học chẳng đi đến đâu, cô cũng có thời gian đi dậy học tại Halifax năm lên 18 tuổi. Nhưng sáu tháng sau cô trở về vì cảm thấy nghề làm cô giáo vất vả quá. Không kể một vài lần đi thăm viếng những thành phố lân cận, Emily suốt đời quanh quẩn ở nhà, kéo dài những ngày tháng nghèo nàn bệnh hoạn giữa khung cảnh thê lương của miền hoang dã. Năm ba mươi tuổi, nữ sĩ chết vì bệnh lao sau khi đã tận tụy làm việc để cứu giúp người em trai nghiện rượu và thuốc phiện. Để đền bù lại, người em trai này đã chết trước Emily ba tháng.
Thoạt tiên ba chị em chung nhau xuất bản một tập thơ nhưng không thành công, và xoay sang viết tiểu thuyết. Charlotte viết cuốn JANE EYRE (Kiều Giang) và được hoan nghênh ngay. Emily viết cuốn WUTHERING HEIGHTS tức Đỉnh Gió-Hú này dưới bút hiệu là Ellis Bell và xuất bản vào cuối năm 1847, một năm trước khi nữ sĩ qua đời tại Haworth vào ngày 19 tháng chạp năm 1848.
Mới đầu ít người biết thưởng thức tác phẩm này. Đối với thời cổ xưa ấy người ta cho là thô lỗ, tục tằn. Nhưng rồi càng ngày người ta càng nhận thấy chân giá trị của nó và hoan nghênh nhiệt liệt. Chua chát thay, Emily đã không còn sống để biết mình nổi tiếng.
Nhà văn W. SOMERSET MAUGHAM đã chọn Đỉnh Gió-Hú là một trong mười cuốn tiểu thuyết ông cho là hay nhất thế giới.
Ông viết: Đỉnh Gió-Hú không phải là một cuốn sách để chúng ta đàm luận, nó là một cuốn sách để chúng ta đọc… Nó chứa đựng một thứ mà rất ít tiểu thuyết gia có thể cho chúng ta, ấy là Năng-Lực. Tôi chưa thấy một cuốn tiểu thuyết nào mà nỗi buồn rầu thống khổ, niềm vui sướng điên cuồng, tính độc ác vô tình, sự ám ảnh của ái tình được diễn tả một cách kỳ diệu như trong Đỉnh Gió-Hú.
*
Dịch giả
NHẤt LINH (1906-1963)
và
ĐỈNH GIÓ-HÚ
*
Đỉnh Gió-Hú là tác phẩm dịch thuật duy nhất của văn hào Nhất Linh.
Nhất Linh đã dành những giờ rảnh hiếm hoi trong cuộc đời rất bận rộn của ông để dịch cuốn Wuthering Heights này từ nguyên tác Anh ngữ phối hợp với bản Pháp ngữ Les Hauts de Hurle-Vent của dịch giả Frédéric Delebecque. Đầu tiên ông đặt nhan truyện dịch là MỎM GIÓ-HÚ sau mới sửa thành ĐỈNH GIÓ-HÚ trước khi đăng một phần trên Nguyệt san Tân Phong (Sài Gòn-Việt Nam) vào năm 1960.
Trong bản thảo viết tay mà chúng tôi hiện giữ có ghi những mốc thời gian từ lúc khởi dịch cho đến khi kết thúc: 19-12-1952, 21-8-1953, 27-6-1960 và 18-1-1962. Như vậy, sau khi viết xong cuốn tiểu thuyết sau cùng Giòng Sông Thanh Thủy vào năm 1961, Nhất Linh đã cố gắng mà không dịch xong Đỉnh Gió-Hú trước khi ông qua đời vào ngày 7-7-1963.
Để hoàn tất và xuất bản tác phẩm giá trị này chúng tôi dịch tiếp một số chương cuối từ nguyên tác Anh ngữ. Chúng tôi cố gắng theo sát tinh thần dịch thuật của văn hào Nhất Linh để giữ cho văn phong toàn tác phẩm được thuần nhất.
Về phương diện khả năng ngoại ngữ, có thể văn hào Nhất Linh không phải là trội bật so với nhiều dịch giả khác, nhưng về mặt thận trọng và nhất là qua tâm hồn tinh tế của một nhà văn sâu sắc như Nhất Linh, chúng tôi có thể đoan chắc ông đã diễn đạt được, qua bản Việt ngữ, những ngõ ngách thâm sâu nơi tâm hồn những nhân vật trong tác phẩm kỳ lạ này của nữ văn hào Anh quốc Emily Bronte.
Dịch giả Nhất Linh đã ca tụng Đỉnh Gió-Hú như là một trong những cuốn truyện hay nhất thế giới. Trong cuốn biên khảo của ông Viết và Đọc Tiểu Thuyết, Nhất Linh đã xếp Đỉnh Gió-Hú vào những sách hay của nhân loại, đời đời công nhận, có giá trị bền mãi với thời gian, như những cuốn Chiến tranh và Hòa bình, An-Na Kha-Lệ-Ninh, Tình nghĩa vợ chồng, Một bản đàn của Tolstoi, cuốn Những linh hồn chết của Gogol, cuốn Mấy anh em Karamazov, Những người bị ám ảnh của Dostoievsky… và độ hơn trăm cuốn sách khác.
Cũng trong cuốn biên khảo đó, Nhất Linh còn viết: Trong cuốn sách lạ lùng của nữ văn hào Anh quốc Emily Bronte, cuốn Đỉnh Gió-Hú, xuất bản năm 1847, tác giả đã để một người vú già kể chuyện lại. Một vú già kể chuyện thì còn làm gì có những chỗ giảng giải về tâm hồn, ý nghĩ nhân vật nữa, tuyệt nhiên không có, tuyệt nhiên vú già chỉ là người đứng ngoài thôi. Thế mà chỉ bằng một giọng kể chuyện rất thường, bằng những chi tiết, vú già đó đã cho người ta thấy tất cả cái sâu xa của tâm hồn người trong truyện.
Nguyễn Tường Thiết