Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 15, Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Truyện ngắn Email bài này

Nhà ăn lúc chiều tối và một hồ bơi trong mưa

0 bình luận ♦ 2.12.2006
Hải Ngọc dịch

 

 

(từ bản Anh văn The cafeteria in the evening and a pool in the rain do Stephen Snyder chuyển ngữ từ tiếng Nhật)
Nguồn:
The New Yorker, 06/09/2004

 

Lời giới thiệu của người dịch: Ogawa Yoko (viết theo tiếng Anh là Yoko Ogawa) sinh năm 1962 tại Okayama, Nhật Bản. Bà được xem là một hiện tượng độc đáo của văn học Nhật Bản đương đại.
Ogawa bắt đầu sự nghiệp văn học với tiểu thuyết đầu tay Khi con bướm rã cánh (Quand les papillon désagrège, 1988). Cuốn tiểu thuyết được nhận giải thưởng Kaien dành cho các nhà văn trẻ. Sau đó, cuốn Mang thai (La grossesse) của bà được nhận giải thưởng Akutagawa năm 1991, giải thưởng văn học danh giá nhất Nhật Bản. Các cuốn khác của bà cũng gây được tiếng vang như Những con ong (Les Abeilles), Tách trà chưa nguội (Un thé qui ne refroidit pas), Khách sạn Iris (L’hotel Iris), Hương kem (Parfum de glace)…
Ogawa tương phản với hầu hết các nhà văn trẻ Nhật Bản, những người đem vào trong tác phẩm của họ đầy những náo động, bạo lực và nỗi cuồng nộ của đời sống đô thị. Thay vào đó, bà tạo nên trong tác phẩm của mình một thế giới dường như không trọng lượng và im lặng. Một sự im lặng nặng nề ẩn chứa đầy nỗi bất an. Bạn đọc có lẽ cũng cảm nhận ít nhiều về điều này khi đọc Nhà ăn lúc chiều tối và một hồ bơi trong mưa.

 

Juju và tôi chuyển đến đây vào một buổi sáng đầu đông mù sương. Không có nhiều thứ phải chuyển tới – chỉ một cái tủ cũ, một cái bàn viết và một vài cái thùng. Khá đơn giản. Ngồi trên hiên nhà, tôi nhìn chiếc xe tải nhỏ rùng rình chạy khuất dần sau màn sương. Juju chạy quanh ngôi nhà khịt khịt mũi, nó muốn xem xét bức tường màu xám tro và tấm ván kính trên cửa ra vào như để chắc chắn rằng đây là ngôi nhà mới của nó. Nó vừa nhìn ngắm vừa sủa cấm cẳn, cái đầu cứ ngoẹo sang một bên.
Sương mù lan xa như những lớp sóng nhẹ. Không phải là loại sương mù dày đặc muốn nuốt vào mình mọi thứ mà là một thứ sương tinh khiết, gần như trong suốt, tựa hồ một tấm khăn trùm mát lạnh, mỏng manh, tưởng chừng có thể với tay chạm được. Tôi đứng dựa vào mấy cái thùng, bần thần nhìn lớp sương một hồi lâu cho đến khi có cảm giác dường như thấy được những lớp sương ấy nhỏ thành từng giọt sữa. Juju đã thấy mệt bởi trò đánh hơi, giờ nằm cuộn tròn dưới chân tôi. Thoáng rùng mình vì lạnh nơi sống lưng, tôi bóc lớp băng dính trên cái thùng mà tôi đang đứng tựa vào, lấy ra một cái áo len và mặc lên người. Một con chim đâm thẳng vào màn sương rồi mất hút.
Chồng chưa cưới của tôi có cảm tình ngay với ngôi nhà này.
“Anh không thấy ngôi nhà này theo kiểu hơi cổ sao?”, tôi hỏi, trong khi ngón tay cứ cọ mãi vào kính cửa chớp chống bão đã đục mờ.
“Ừ, đúng đây là kiểu nhà cổ, nhưng trông cũng tốt, lại vững chãi nữa”, anh vừa nói, vừa nhìn cây cột nhà thấy cũng dày dặn.
“Lò sưởi và bếp đun nước nóng ở đây vẫn theo kiểu cổ”, tôi nhận xét khi xoay xoay cái núm trên bếp lò. Nó tạo ra một tiếng lách cách, khô khốc. Lớp đá lát tường trước đó đã được cọ rửa cẩn thận, nhưng đây đó vẫn thấy có chỗ sứt mẻ, lớp vôi vữa bên dưới lộ ra như những hình thù ngoằn ngoèo.
“Hay thật”, anh nói với người phụ nữ môi giới nhà đất. “Cái lò sưởi này đúng là kiểu Đức, kiểu lò sưởi cổ. Hẳn là phải hiếm lắm.”
“Đúng vậy”, bà ta gật đầu xác nhận. “Nó do một anh sinh viên người Đức thuê ngôi nhà này cách đây mấy năm để lại. Đây là kiểu lò sưởi Đức chính cống.” Bà ta cố nhấn mạnh vào từ “Đức.”
“Thế thì nó chẳng bao giờ hỏng cả”, anh nói và nhìn tôi mỉm cười.
Chúng tôi đi xem phòng ngủ, buồng tắm và phòng khách, kiểm tra những cánh cửa, nhìn xem trên những ống dẫn có chút hoen gỉ nào không, đếm xem có bao nhiêu công tắc điện. Công việc này không mất nhiều thời gian lắm. Tất cả các căn phòng đều nhỏ nhưng ấm cúng. Khi chúng tôi đi ra phía hiên, anh đưa mắt nhìn qua khung cửa kính. Sân nhà hoàn toàn trơ trọi. Không một bụi cây, không một luống hoa, không có gì hết ngoại trừ một vạt cỏ mọc lơ thơ.
“Chúng ta chọn ngôi nhà này nhé”, anh nói, “đây sẽ là một nơi lý tưởng cho Juju.”
“Phải, ngôi nhà này rất hợp với Juju”, tôi tán thành.
Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã tìm được một nơi để có thể sống cùng với Juju. Ngoài điều đó ra, hầu như chúng tôi chưa làm được gì để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân của mình, nhất là trong khi tất cả những người mà chúng tôi biết đều phản đối cuộc hôn nhân này. Mỗi khi nói với ai đó rằng chúng tôi đang nghĩ đến việc lấy nhau, chúng tôi chỉ nhận được những ánh nhìn buồn bã và sự im lặng kéo dài. “Các bạn phải dành thời gian để cân nhắc thêm về chuyện này”, ai cũng bảo chúng tôi như vậy. Những lý do thì chẳng có gì mới. Anh ta đã ly dị. Anh ta đã thi vào đoàn luật sư đến lần thứ mười mà vẫn chưa đỗ. Anh ta bị huyết áp cao, lại còn mắc chứng đau nửa đầu. Tuổi tác của hai chúng tôi chênh lệch quá lớn, và chúng tôi đều rất nghèo.
Juju ngáp dài. Giờ nó đang nằm dài trên sân, trong cái tư thế nằm rất lịch lãm ấy, những đốm nâu đen của con chó nổi bật trên vạt cỏ. Sương mù mỏng dần, đây đó lác đác những tia nắng.
Tôi nghĩ mình nên làm một việc gì đó. Treo màn cửa mới, sơn lại phòng tắm hay đem lót băng phiến vào tủ buýp phê; có vô số việc phải làm để tân trang lại một ngôi nhà cũ. Ba tuần nữa, tôi và vị hôn phu của mình sẽ làm đám cưới – một buổi lễ nhỏ thôi, chỉ có hai chúng tôi – rồi sau đó anh sẽ chuyển tới đây. Bởi thế, ngay lúc này, tôi cần phải bắt tay dọn dẹp nhà cửa tử tế.
Thế nhưng bây giờ tôi chỉ muốn ngồi nhìn màn sương thôi. Không việc gì vội vã, tôi quyết định phải tận hưởng ba tuần cuối cùng còn lại trong quãng đời độc thân của mình.
Ngày hôm sau, trời đổ mưa. Khi tôi thức dậy, trời đã mưa rồi, mưa cả ngày không ngớt. Những giọt mưa bụi như những sợi chỉ chảy dài xuống cửa sổ, giọt nối giọt. Ngôi nhà bên kia đường, những hàng cột điện, cái cũi của Juju – tất cả đều sũng nước mưa, lặng lẽ.
Tôi gần như chẳng đụng gì đến mấy cái thùng. Suốt buổi sáng, tôi chỉ ngồi đọc lại những lá thư cũ và xem lại những album ảnh cho đến khi bất chợt nhận ra trời đã trưa tự bao giờ. Cần phải làm một chút gì để ăn nhưng tôi lại không có bát đĩa hay đồ làm bếp nào trong nhà bếp. Mà trời mưa thế này, phải đi ra ngoài để làm một việc gì đó thì rất ngại. Cuối cùng, tôi đun nước nấu súp ăn liền và nhấm nháp mấy mẩu bánh quy tôi để dành phòng những khi cần thiết. Cái bếp lò kiểu Đức lập tức nổi lửa.
Căn phòng xa lạ và tiếng rệu rạo của mấy mẩu bánh quy trong miệng tôi làm cho tiếng mưa càng thêm buồn da diết. Tôi thèm được nghe giọng của người yêu nhưng ở đây lại không có điện thoại. Không có ti vi, cũng chẳng có đài hay đĩa hát. Chẳng biết làm gì khác, tôi đi ra phòng ngoài, nơi Juju đang duỗi dài người trên sàn nhà, dựng nó dậy. Giật mình, con chó ngoe nguẩy đuôi hớn hở.
Buổi chiều, tôi quyết định sơn lại buồng tắm. Giống như những phòng khác trong ngôi nhà, căn buồng này cũng khá nhỏ – trong buồng chỉ có một cái bồn sứ, một vòi tắm bằng crôm và một cái giá treo khăn mặt. Tuy nhiên, nó không gợi cảm giác chật chội, có lẽ là vì trần nhà cao, lại thêm cửa sổ rộng. Căn phòng trước đó đã được quét một lớp sơn hồng lãng mạn, có lẽ anh sinh viên người Đức đã làm việc ấy, tôi đoán vậy. Có vài vết sơn lờ mờ dây ra bên rìa tường, nhưng đã bợt màu bởi hơi nước và xà phòng suốt bao nhiêu năm.
Tôi mặc lại đồ cũ và đi găng tay cao su. Tôi bật quạt thông gió và mở cửa sổ. Ngoài trời vẫn mưa.
Lớp sơn mới khiến bức tường nhìn bắt mắt hơn tôi tưởng, buồng tắm chẳng mấy chốc trông đã sáng sủa và sinh động. Thi thoảng một giọt mưa lọt qua cửa sổ, đậu xuống chỗ tôi vừa quét sơn xong. Tôi đưa chổi thật cẩn thận, tập trung làm sao để lớp sơn nhẵn bóng. Vừa làm được một nửa công việc thì có tiếng chuông réo ở cửa trước. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng chuông, nó làm tôi bất ngờ. Có cái gì đó thật hoang dã trong âm thanh của tiếng chuông, nghe cứ như tiếng kêu của một con thú vậy.
Khi mở cửa ra, tôi bắt gặp một cậu bé, có lẽ mới lên ba và một người đàn ông tuổi trạc ba mươi, có vẻ là cha của cậu bé. Họ mặc cùng một kiểu áo mưa bằng nhựa trong, mũ trùm đến tận trán. Nước mưa từ áo khoác ngoài của hai cha con rỏ giọt xuống sàn nhà.
“Chúng tôi xin lỗi đã làm phiền chị vào một ngày mưa gió như thế này,” người đàn ông nói, anh không hề giới thiệu gì về bản thân hay giải thích vì sao anh lại tới đây. “Chị mới chuyển đến đây?”
Tôi hơi ngỡ ngàng một chút. “Vâng,” tôi đáp một cách bâng quơ.
“Nơi này thật đẹp”, người đàn ông tiếp tục nói, vừa đưa mắt liếc nhìn Juju, lúc này đang nằm dài trên sàn nhà. “Ở đây tuy gần biển nhưng vẫn rất thanh bình.” Cậu bé vẫn đứng lặng, nắm chặt lấy tay cha mình. Đôi ủng vàng của cậu nhỏ như thứ ủng đồ chơi cũng đọng đầy nước mưa. Và rồi câu chuyện rơi vào khoảng lặng.
“Chị đang có một nỗi khổ tâm nào đó thì phải?”, người đàn ông bất ngờ hỏi. Nghe câu ấy, tôi nhận ra anh ta có lẽ thuộc một giáo đoàn nào đó. Mấy người truyền đạo của những giáo đoàn này thường chọn những ngày xấu trời đến gõ cửa nhà người ta và bọn họ thường đem theo một đứa trẻ – điều này luôn làm tôi phát bực. Tuy vậy, ở hai cha con họ có điểm gì đó khác với những người làm việc này mà tôi từng gặp trước đây. Thực sự có nét nào đó ở họ khiến họ tách hẳn với bất cứ người nào từng đặt chân trước cửa nhà tôi.
Trước hết, họ hoàn toàn đến tay không. Không có sổ, sách hay cassette gì cả. Thậm chí họ còn không mang theo ô. Hai người chỉ đứng trước cửa, cha con nắm tay nhau, cánh tay còn lại khẽ đong đưa bên mình. Họ có lẽ là những con người hiền lành giản dị.
Hơn nữa, cả hai cha con không ai nhoẻn cười – cái nụ cười vừa cả quyết vừa cả tin mà người ta thường bắt gặp trên khuôn mặt những kẻ cuồng tín. Mặt khác, trông hai người cũng không tỏ ra rầu rĩ hay chán đời. Tôi có cảm giác rằng họ có thể sẽ tan biến nếu như mình nhìn họ quá lâu. Song, dẫu có vẻ mong manh như thế, dáng vẻ của họ vẫn gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc.
“Đó là một câu hỏi rất khó trả lời”, tôi trả lời sau một hồi lâu do dự.
“Đúng vậy”, người đàn ông đáp.
“Trước hết, tôi không thật sự chắc chắn là mình hiểu rõ ý nghĩa của từ ‘khổ tâm’. Theo một cách nào đó thì một ngày mùa đông mưa, những đôi ủng ướt đẫm, hay con chó đang nằm dài ở đây bên cánh cửa, tất cả đều có thể xem là biểu hiện của nỗi khổ tâm.”
“Chị nói đúng”, người đàn ông trả lời, anh ta gật đầu mấy lần. “Hầu như bất cứ điều gì cũng sẽ trở nên rối rắm khi ta cố tìm cách định nghĩa chúng.” Sau đó, anh không nói thêm lời nào nữa. Đó là một sự im lặng bối rối mà người ta không thể không nhận ra. Tôi có thể mời họ đi, bảo với họ rằng mình đang bận. Thật sự thì tôi cũng đang dở việc quét sơn. Nhưng có lẽ tôi không thể làm gì được trước một mùi hương lạ kỳ dường như tỏa ra từ họ.
“Tôi có nhất thiết phải trả lời không? Tôi không rõ giữa anh, tôi và câu hỏi mà anh đặt ra có một mối liên hệ nào. Tôi ở đây, anh ở kia, và câu hỏi đó lơ lửng giữa chúng ta – tôi không thấy có một lý do nào để thay đổi bất cứ điều gì trong tình huống này. Giống như cơn mưa ngoài kia cứ rơi mà đâu cần phải nghĩ gì đến cảm xúc của con chó.” Tôi liếc nhìn xuống, lấy tay chà vào những đốm sơn trên quần áo mình.
“Mưa rơi mà chẳng nghĩ gì đến cảm xúc của một con chó”, anh nhắc thầm lại những từ ấy như là tự nhủ với mình. Juju ngoắc đầu lại, ngáp dài. “Theo tôi, chị muốn nói đây là một câu trả lời hoàn hảo, nên tôi không cần phải làm phiền chị nữa. Chúng tôi xin đi ngay bây giờ. Cảm ơn chị.”
Người đàn ông cúi chào một cách lịch thiệp và ngay lập tức, cậu bé cũng nhanh nhảu cúi đầu chào. Rồi họ mất hút trong màn mưa. Họ lên đường tức thì, chẳng ồn ào cũng không cần nói lời từ biệt dài dòng. Trong giây lát, tôi đứng lặng, băn khoăn không hiểu vì sao họ lại tới đây và họ sẽ đi đâu, nhưng rồi sực nhớ mình còn phải sơn phòng, tôi không nghĩ ngợi về điều đó nữa. Khi khép cửa lại, tôi nhận ra có hai vũng nước nhỏ đọng lại chỗ họ vừa đứng.
Tôi treo một chiếc giá đựng các lọ gia vị lên trên tường bếp, cọ rửa hành lang và trồng một luống hoa nơi góc sân trước khi nhận ra mấy ngày đã trôi qua. Tôi cứ lầm lũi loanh quanh trong nhà làm mấy việc vặt. Có quá nhiều việc để làm, hơn nữa, đám cưới đang tới gần đến nỗi tôi chẳng có lấy một phút nào cảm thấy lẻ loi dù đang ở một mình. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng dẫn Juju đi dạo lòng vòng một chút.
Chúng tôi thơ thẩn đi tìm những nơi chốn sẽ cần thiết cho cuộc sống của chúng tôi trong ngôi nhà mới – một nhà băng, một mỹ viện, một hiệu thuốc. Khó có thể nói cuộc sống ở vùng này sống động được, nhưng ở đây có những gì cơ bản nhất. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp một cụ già đang lặng lẽ tản bộ.
Một buổi chập chiều, sau khi đã lang thang qua cả một mê cung những dãy phố hẹp, chúng tôi leo lên một con dốc và bắt gặp cả một con đê vàng nắng chạy dọc theo bờ biển. Phía xa bờ, mặt biển như một đường thẳng mỏng mảnh nhập làm một với bầu trời xanh thẳm. Những con tàu chở hàng chỉ như những dấu chấm điểm phía chân trời. Juju lồng lên chạy và sải dây xích của nó bị kéo căng ra, lấp lánh dưới ánh nắng. Tất cả mọi vật dường như được sưởi bởi một thứ hơi ấm êm dịu.
Khi chúng tôi đi dọc theo bờ, mặt biển mới dần dần trải dài trước mắt. Những con hải âu bay ngang qua, rất gần, tưởng chừng tôi có thể rướn tay mà chạm vào chúng được. Một chiếc xe chuyển thư màu đỏ chầm chậm chạy ngang qua chúng tôi. Dưới chân đê có một ngôi trường tiểu học. Đó là một tòa nhà ba tầng bình thường xây bằng bê tông cốt sắt, trong trường có một phòng tập thể dục1, có những chiếc giá dùng để đựng giày dép của học trò đặt bên cửa và một chuồng thỏ trong một góc sân chơi. Juju bất ngờ lao xuống con dốc đầy cỏ, nhằm thẳng hướng cổng sau của ngôi trường. Tôi đành phải chạy theo nó và chính vì thế tôi đã gặp lại hai vị khách hôm nào, giờ đang đứng bên cạnh khung cửa sổ ở cổng vào.
Hai cha con trông vẫn vậy, chỉ có điều bây giờ hai người không khoác áo mưa. Họ nắm tay nhau và đứng rất lặng lẽ. Tôi chắc là họ không nhớ ra tôi, nhưng người đàn ông đã bắt chuyện ngay.
“Xin lỗi vì lại làm phiền chị”, anh ta nói, vẫn kèm với cái cúi đầu chào lịch thiệp.
“Không sao”, tôi vội cúi đầu chào đáp lại. Juju luấn quấn quanh chúng tôi, dây xích của nó lúc lắc rất vui tai. Cậu bé không rời mắt khỏi con chó. “Anh đang làm việc à?”, tôi hỏi, băn khoăn không biết chữ “làm việc” dùng ở đây có chính xác hay không.
“Không. Chúng tôi đang dạo chơi một chút”, người đàn ông trả lời.
Khi họ khoác áo mưa, tôi không biết nhận xét về họ ra sao, nhưng lúc này họ ăn mặc rất đẹp. Người đàn ông mặc bộ đồ màu xanh sẫm còn cậu con trai mặc áo len nguyên chất và đi vớ dài trắng tinh. Giữa một buổi chập chiều và ở một thị trấn chẳng có gì đặc biệt như thế này, trông hai người thật nổi bật.
“Con chó đẹp thật.”
“Cám ơn anh.”
“Tên nó là gì?”
“Juju. Con trai của anh cũng rất đáng yêu.”
“Cảm ơn.”
“Cậu bé bao tuổi rồi?”
“Ba tuổi hai tháng.” Sau câu trả lời ấy, dường như giữa hai chúng tôi chẳng còn gì để nói nữa. Một nỗi im lặng bất chợt đến như một cơn gió, và tôi nhớ ra điều duy nhất còn lại giữa chúng tôi là từ “khổ tâm.” Tôi định tìm cách tháo lui trước khi anh ta lại mở miệng nhắc đến từ ấy, nhưng bóng tối thoáng hiện trong mắt anh đã cầm chân tôi lại.
Khu vực quanh cổng sau của ngôi trường ngập trong những tiếng ồn ào: tiếng đồng ca cùng dàn nhạc vọng ra từ phòng nhạc, tiếng bọn trẻ chạy nhảy trong sân chơi, một ông giáo đang huýt còi và cả tiếng còi tàu i ỉ xa xăm vọng vào từ phía biển. Tôi nhìn xuống mặt đất, cố tách biệt từng thanh âm với nhau ra. Juju phát hiện ra có một chỗ thích hợp với nó, nó cuộn mình bên một trong những trụ cổng.
“Cháu chơi với con chó của cô được không?”, cậu bé bất ngờ hỏi. Lần đầu tiên tôi thấy cậu bé lên tiếng, giọng của nó vang và trong.
“Tất nhiên là được rồi”, tôi nói, lòng cũng thấy nhẹ đi khi cuối cùng cũng có ai đó phá vỡ sự im lặng. “Nó sẽ rất thích nếu như cháu vuốt ve nó ở chỗ này này”, tôi nói thêm, đồng thời dụi dụi tay vào vùng cổ của Juju. Juju nhắm mắt lại, đưa chiếc lưỡi phơn phớt hồng liếm má tôi. Cậu bé buông tay cha, với tay rụt rè vỗ vỗ phần thân sau của Juju. Những ngón tay còn búng sữa của cậu bé lẩn vào lớp lông đốm của con chó.
“Anh làm việc ở trường này à?”, tôi quay lại người đàn ông và hỏi.
“Không. Chúng tôi chỉ đứng nhìn cái nhà ăn này mà thôi”, anh ta phát âm từ “nhà ăn” thật chậm rãi như thể nó có một ý nghĩa đặc biệt, và anh đưa mắt nhìn vào khung cửa sổ lớn ngay bên cạnh chúng tôi.
“Nhà ăn tập thể này ư?”
“Phải”, anh gật đầu.
Cánh cửa sổ quả thật thuộc nhà ăn tập thể này. Bữa trưa rõ ràng vừa mới kết thúc và người ta đang rửa bát đĩa. Những chiếc rổ giống như những cái lồng chim lớn chất đầy những đĩa, bát, thìa đang được lưu chuyển trên băng chuyền từ từ như những con ngựa gỗ trên vòng đu quay. Khi một chiếc rổ đến nơi nhận, trong giây lát, nó sẽ biến mất bởi cả một đám mù hơi nước được xịt từ những chiếc vòi ở cả tứ bề, để rồi sau đó nó lại tái xuất hiện ở đầu bên kia băng chuyền, tất cả bát đĩa đều ướt nước và bóng loáng.
“Không hiểu vì sao nơi này lại lôi cuốn thằng bé. Nó có thể đứng ngắm nhà ăn tập thể này cả ngày mà không biết chán nếu tôi cho nó làm vậy.”
“Tôi không hiểu nó thấy cái gì thú vị cơ chứ?”
“Tôi không biết. Trẻ con bị ám ảnh bởi những thứ lạ lùng nhất.” Lần đầu tiên tôi thấy người đàn ông nở một nụ cười – không phải nụ cười của một kẻ sùng tín, hẳn thế rồi, mà ở nụ cười ấy có một điều gì đó giản dị hơn và tự nhiên hơn.
“Tôi không nghĩ là mình hiểu được giữa một cậu bé như thế này và một nhà ăn tập thể thì có mối liên hệ gì?”
“Có thể đó là một con đường vòng quanh co lạ lùng mà chúng ta không tài nào hình dung nổi”, người đàn ông thì thầm. Cậu bé nhanh chóng làm thân với Juju, giờ đây nó đang kéo đuôi con chó và ôm ghì lấy lưng Juju. Juju tỏ ra độ lượng một cách kiên nhẫn trước hành động của cậu bé.
Trong nhà ăn, những nhân viên mặc đồng phục trắng, khẩu trang và mũ lưỡi trai cũng trắng đi đi lại lại giữa dãy băng chuyền. Một người trong bọn họ điều chỉnh vòi nước trong khi một người khác lấy những bát đĩa đã được rửa sạch ở cuối băng chuyền xếp lên máy sấy. Họ hối hả trong im lặng và toàn bộ căn phòng – gồm máy móc, sàn nhà, cửa sổ – dường như đều sạch sẽ đến lấp lánh. Trông nơi này giống một nhà máy nhỏ, năng suất, hơn là một căng tin trong trường học.
“Thực ra nếu quan sát vào buổi sáng thì thú vị hơn rất nhiều”, người đàn ông nói.
“Thật ư?” Giờ đây chúng tôi đều đứng dựng lên, áp vào cửa sổ.
“Tất nhiên. Họ phải chuẩn bị bữa trưa cho cả hơn nghìn đứa trẻ – một nghìn ổ bánh cuộn, một nghìn con tôm rán, một nghìn lát chanh, một nghìn hộp sữa. Chị hình dung được không?”
Tôi gật đầu.
“Khi một khối lượng thức ăn lớn như thế trải ra trước mắt thì ngay cả một người lớn cũng không khỏi thấy ấn tượng.” Anh cọ cọ vào khung cửa sổ mờ hơi sương, khi ấy ngón tay của anh tiến gần đến mặt tôi đến nỗi tôi e anh có thể cảm thấy cả hơi thở của tôi. Ngón tay của anh dài và mảnh mai. “Một nghìn củ hành, mười cân bơ, năm mươi lít dầu thực vật, một trăm hộp mì ống. Tất cả đều được tính toán một cách hoàn hảo và công việc vận hành nhịp nhàng như đồng hồ. Họ có những thiết bị tối tân nhất; họ chỉ cần lập chương trình máy tính cho món tôm rán – tôi nghĩ phòng điều hành nằm ở tầng hai – và máy móc đang bắt đầu làm việc đó. Thậm chí còn có cả máy để làm sạch tôm nữa. Ngạc nhiên không?” Anh liếc nhìn tôi rồi quay lại nhìn nhà ăn tập thể.
“Tôm được sắp dọc theo dải băng chuyền, và đến một điểm nhất định nào đó, lưỡi dao bật lên và chặt đứt trúng lưng tôm. Không bao giờ nó phập trượt một sợi râu. Nếu nhìn quá lâu cảnh tượng này, chị sẽ hoa mắt đấy. Rồi tôm được chuyển đến một nơi khác, nơi nó được nhào với trứng, bột, ruột bánh mì; tất cả đều được sắp đặt một cách hoàn hảo sao cho những con tôm được bao kín, không có chút gì thừa thãi hết. Đến cuối dải băng chuyền, chúng rơi xuống dầu, ngoan ngoãn như thể bị thôi miên. Và cuối cùng chúng được vớt lên đúng lúc, những miếng tôm lúc này ngả sang màu vàng nâu hoàn hảo, chưa bao giờ chúng cháy hay sống cả.”
Người đàn ông lim dim mắt trong giây lát. Công việc rửa bát đĩa vẫn đang được tiến hành và dường như chẳng ai để ý đến chúng tôi. Lúc này tôi có thể nghe thấy tiếng phách và tiếng kẻng ba góc 2 vọng ra từ phòng nhạc.
“Anh tả hay thật”, tôi nói. “Tôi có thể mường tượng được cảnh ấy – một nghìn con tôm nối đuôi nhau.”
“Tôi rất mừng”, anh nói, tay vuốt nhẹ mái tóc. Tôi nhận ra một mùi nước hoa phảng phất, tựa như mùi hương thanh thoảng của biển.
“Nhưng việc rửa bát đĩa này sẽ còn kéo dài bao lâu?”, tôi hỏi khi nhìn thấy những chiếc rổ cứ nối đuôi nhau tuần tự.
“Cho đến lúc đám học trò tan trường.”
“Anh dường như rất rành về nơi này. Đúng là một chuyên gia thực thụ về các nhà ăn”, tôi nói.
“Không hẳn vậy”, anh nói đồng thời nở một nụ cười ngượng ngùng. “Chúng tôi đã đi quanh vùng này gần cả một tháng trời, hầu như ngày nào cũng dừng lại ở nơi đây. Chúng tôi đến đây khi nào thằng nhỏ cảm thấy buồn, hoặc thỉnh thoảng khi nào tôi muốn thư giãn. Trong ngôi trường ở vùng trước đây chúng tôi từng sống không có cái nhà ăn tập thể nào cả, có lẽ là hơi buồn. Trong số tất cả nhà ăn mà chúng tôi từng thấy, nhà ăn này thật sự là số một.” Không biết phải nói gì, tôi chỉ gật đầu. Tôi chưa từng bao giờ nghĩ đến chuyện ngay cả các nhà ăn tập thể cũng có những thứ hạng khác nhau.
“Thế là anh đi lang thang khắp vùng để vận động người ta theo đạo, hay thực hiện việc truyền giáo. Có phải vậy không?” Khi tôi nói, tôi cố gắng chọn những từ ngữ chính xác nhất có thể.
“Vâng, một việc gì đó giống như thế.” Ngay khi tôi đề cập đến công việc của anh ta, người đàn ông trở nên ít nói hẳn; dường như anh ta thấy thoải mái khi nói đến “nhà ăn tập thể” hơn là “sự khổ tâm.” Vuốt ve Juju đã chán, cậu bé đi đến đứng giữa hai chúng tôi. Những sợi lông tơ của con chó còn vương vào trước ngực áo len của cậu bé.
“Cha à, bữa trưa ngày mai họ sẽ ăn gì?”
“Chắc là bánh hamburger.”
“Làm sao cha biết?”
“Cha nhìn thấy người ta mang cối xay thịt từ nhà kho lên, cái trông giống như một chiếc máy bào đá cỡ lớn. Vì thế mà cha đoán chắc như vậy.”
“Thích thật!”, cậu bé reo lên. Người đàn ông lại lấy tay lau lau cửa sổ, trong khoảnh khắc ấy, tôi chỉ biết đứng nhìn hình bóng của họ phản chiếu trên qua khung kính.

Dần dà mọi sự cũng đi vào ổn thỏa. Vài người bạn gửi cho chúng tôi một tấm chăn thay cho quà cưới, những hàng bát đĩa trắng phau được sắp gọn gàng trên giá, máy giặt cũng đã được lắp đặt. Tất cả những vật dụng này đều đang lặng lẽ chờ đợi đến ngày chúng tôi bắt đầu một cuộc sống mới.

Chồng chưa cưới của tôi đến vào một ngày chủ nhật, anh nới rộng mái hiên để làm cái giá phơi đồ. Anh tìm được mấy thanh gỗ xẻ giá rẻ để dựng cột trụ, cột được trồng vào mấy cái hố sâu trong sân. Khi xong việc, chúng tôi ngồi trên hiên nhà một chút mà ngắm cái công trình anh đã vất vả dựng lên.
Chúng tôi không đủ tiền để nối điện thoại, vì thế chúng tôi đành phải đánh điện khi nào muốn liên lạc với nhau. Một vài bức điện có những thông tin quan trọng – “Buổi tập dượt cho lễ cưới ở nhà thờ, thứ bảy tuần tới, 10 giờ sáng”, “Giấy tờ cho việc thay đổi địa chỉ nhà. Hồi âm gấp” – còn lại đều là những tin nhắn đơn giản. Có một bức chỉ có ba từ: “Chúc ngủ ngon.” Bức điện này đến đúng lúc tôi chuẩn bị đi ngủ, điều ấy lại càng làm cho bức điện này có ý nghĩa đặc biệt hơn. Vẫn mặc nguyên bộ đồ ngủ để ra nhận điện, dưới ánh đèn lờ mờ nơi hành lang, tôi đã nhẩm đọc ba chữ này đến năm mươi lần. Từng chữ một như thấm sâu vào tâm trí tôi. Juju, khi ấy bị khuấy động bởi việc nhận điện đúng lúc nó đang ngủ ngon, nhìn tôi với con mắt ngái ngủ như có vẻ bất mãn.
Sau cuộc gặp gỡ hôm ấy, tôi có thói quen đi dạo trên con đê nằm bên trên ngôi trường mỗi khi dẫn Juju ra ngoài. Nhưng tôi không nhìn thấy bất cứ ai ngoài cánh cổng nữa. Tôi cũng không thể nhìn thấy cửa sổ nhà ăn trong ngôi trường từ trên con đê, dù có cố gắng nhìn ngắm đến đâu. Dường như có một cái gì đó mờ mịt phong tỏa nơi này, mặc dù tôi không thể nào biết được đó là bởi hơi nước, bụi nước hay một cái gì khác. Một lần, tôi thấy một chiếc xe tải có gắn logo của một công ty sản xuất thịt gà đỗ lại gần cổng trường. Tôi cứ vừa đi trên bờ đê vừa hình dung đến những con chim nằm phơi bụng trên dải băng chuyền, mắt đờ đẫn, chúng được lưu chuyển từ từ qua rất nhiều khâu đã được tính toán cẩn thận để cuối cùng bị biến thành món chim rán.
Cuối cùng thì mười ngày sau tôi cũng gặp lại người đàn ông và cậu con trai của anh ta vào một buổi chiều. Họ đang ngồi trên mấy cái thùng giấy bị bỏ lại bên dưới cửa sổ nhà ăn. Cậu bé đội một chiếc mũ len ấm áp trên có đính một cái núm. Chân cậu bé vắt vẻo trên mép thùng. Người đàn ông đang nhìn chăm chú về phía xa xa, cằm chống trên tay. Juju nhận ra họ trước tiên và lao nhanh xuống chân đê, vẫy đuôi rất mạnh.
“Juju kìa!”, cậu bé reo lên, vẫn với cái giọng trong lanh lảnh ấy, và nhảy bổ từ thùng xuống. Cái núm đính trên mũ của cậu bé lúc la lúc lắc.
“Xin chào!”, tôi thở dốc, tưởng chừng hết hơi vì bị Juju kéo theo sau cả một đoạn.
“Chào chị!”, người đàn ông cất tiếng chào, vẫn kèm theo một nụ cười khó hiểu. Cái thùng giấy mà hai cha con họ đang ngồi lên vốn là thùng đựng cà rốt, trên mặt thùng có vẽ một trái cà rốt màu vàng cam tươi tắn. Những chiếc hộp khác còn chất đống lại vốn là những thùng đựng mực ống, bánh pudding, ngô và nước sốt Worcestershire.
Học sinh trong trường đã tan học về nhà cả, phòng nhạc lẫn sân chơi đều yên ắng. Bóng chiều trùm lên sân trường; một nỗi im lìm dâng ngập ngôi trường như một làn nước lặng lờ. Những con thỏ nằm rúc vào nhau tận trong góc chuồng.
Cả nhà ăn cũng vắng hoe. Bây giờ cửa sổ trông đã sáng rõ và tôi có thể nhìn thấy tất cả những chi tiết trước kia vốn tù mù: độ bóng sáng của khay thức ăn bằng thép không gỉ, nếp gấp cổ áo bộ đồng phục trẳng treo trên tường, màu của những nút bấm trên dải băng chuyền.
“Hình như họ đã đến giờ nghỉ của ngày hôm nay rồi thì phải”, tôi vừa ngồi xuống bên người đàn ông vừa nói.
“Phải, họ vừa mới xong việc”, anh trả lời.
Juju chạy quanh để tận hưởng những tia nắng cuối cùng trong ngày, kéo theo cả dây xích của nó, trong khi cậu bé chạy theo, cố tìm cách tóm được đuôi nó. Phía xa, mặt trời đang lặn dần xuống biển, nhuộm nước biển thành màu hổ phách rực rỡ, tưởng chừng ánh dương muốn nuốt chửng mọi lớp sóng, mọi con thuyền, ngọn hải đăng và tất cả những thứ khác. Hải âu bay qua những cột buồm trên bến thuyền vắng không.
“Tôi xin lỗi vì thằng bé cứ đùa với con Juju.”
“Không sao cả. Có vẻ Juju thích như thế.”
“Chị đã nuôi nó được bao năm rồi?”
“Mười năm. Thế là gần nửa đời mình tôi đã gắn bó với nó, nó là một phần trong những ký ức quan trọng nhất của đời tôi. Giống như những bức ảnh có in ngày tháng chụp lên trên đó vậy – tất cả những gì tôi phải làm chỉ là nhớ xem Juju nặng bao nhiêu, đeo loại vòng cổ gì, khi đó tôi có thể hình dung được chuyện gì đã xảy ra.”
“Tôi hiểu”, anh nói, đồng thời vừa lấy mũi giày, chiếc giày màu nâu nhạt, đá một viên cuội đi.
Sau đó chúng tôi nói chuyện về chó một lát. Tôi kể với anh mình đã phát hiện ra có một công viên chó ở khu suối nước nóng vùng núi, cả chuyện một con chó giống Malta từng ở cạnh nhà tôi trước kia bị rối loạn sinh lý lúc mang thai. Anh hỏi nhiều câu hỏi khác nhau, gật đầu một cách lịch thiệp trước mỗi câu trả lời của tôi, đôi lúc anh cũng mỉm cười.
“Mỗi khi thấy một nhà ăn tập thể lúc chiều tối là tôi lại nghĩ đến một hồ bơi trong mưa.”
Chúng tôi đã hết chuyện để nói về chó và cả hai đành im lặng một lúc, cho đến khi anh bắt đầu cái chủ đề mới và rõ ràng là bí hiểm này. Câu mở đầu nghe cứ như thể nó được lẩy ra từ một bài thơ hiện đại nào đó hoặc từ một bài đồng dao xưa cũ.
“Một hồ bơi… trong mưa?”, tôi nhắc lại, cố nói rõ từng từ một.
“Phải – một hồ bơi trong mưa. Chị đã bao giờ ở dưới một hồ bơi trong lúc trời đang mưa hay chưa?”
“Tôi không rõ.”
“Khi nghĩ về một hồ bơi trong mưa, điều đó làm tôi gần như không thể chịu đựng nổi.”
Những đám mây đã tãi ra thành những gợn phơn phớt, làm da trời dần dà nhuốm một màu hồng thẫm. Bóng tối đã rủ xuống trong lúc chúng tôi chuyện trò tự bao giờ. Khuôn mặt anh kề sát mặt tôi, nhìn anh, tôi có thể nắm bắt được cái thần của con người anh. Tôi có thể cảm nhận được hơi thở của anh, nhịp tim của anh, hơi ấm từ cơ thể anh. Anh khẽ ho và lấy ngón trỏ ấn vào thái dương trước khi tiếp tục câu chuyện.
“Hồi học tiểu học, tôi không biết bơi, vì thế mỗi lần lớp tôi ra hồ bơi là mỗi lần tôi thấy rất đau đớn. Chị có tin không khi tôi nói là mình đã nếm trải tất cả những gì có thể biết được về sự khổ sở chính từ cái hồ bơi ấy. Trước hết là nỗi sợ hãi. Nước trong hồ dường như muốn đánh gục tôi bằng một sức mạnh tàn bạo ghê gớm. Thật khủng khiếp. Rồi cả sự hổ nhục nữa. Những đứa không biết bơi phải đội một chiếc mũ tắm đặc biệt màu đỏ, khiến chúng tách biệt ra hẳn với tất cả những đứa trẻ khác đội mũ sọc đen trắng. Vì bọn tôi không biết bơi nên chỉ có thể đứng lập cập ở mép hồ chỗ nước nông. Thế rồi tôi đã quyết định học bơi và chứng tỏ mình, nhưng thật ra điều tôi thật sự muốn là tránh gây ra sự chú ý. Đó là một điều khác nữa mà tôi đã học được từ hồ bơi: sự quyết tâm.”
Anh hít một hơi thở sâu và nhắm mắt lại. Juju có lẽ đã thấy mệt nằm phục xuống, mõm tì vào chân trước. Cậu bé ôm ghì lấy cổ con chó, điệu bộ giống như khi nó đang ngồi thu lu trên ghế bành.
“Khi trời mưa, hồ bơi trông càng buồn bã hơn. Mưa để lại những vết bẩn trên thành hồ và mặt hồ dường như sôi lên bởi những hạt mưa, như thể một đàn cá nhỏ đang đợi ăn bữa tối. Bao giờ tôi cũng nhúng mình xuống nước thật chậm. Khi đó bạn cùng lớp với tôi đã ở trên đường bơi sang phía bên kia hồ. Hồi ấy, tôi là một đứa trẻ ốm yếu. Xương sườn, xương bả vai cứ nhô ra, đến cả hai bên hông và xương đùi cũng vậy. Bộ đồ bơi của tôi cứ nhăn lại phía sau lưng. Cứ trời mưa là tôi lại thấy lạnh cóng, kể cả khi đang mùa hè. Suốt giờ giải lao, tôi cứ run lẩy bẩy trước cái vòi nước mà chúng tôi sử dụng để rửa mặt, xương xẩu trong cơ thể tôi cứ lập cà lập cập. Khi tiết học bơi cuối cùng cũng kết thúc, tôi mới có thể tháo cái mũ ra, tóc tôi lúc đó đã bị nhuộm đỏ hoe.” Anh lặng im một lát, mân mê sợi băng dính trên chiếc thùng giấy rồi kết luận: “Tôi biết điều này có thể chẳng thú vị gì đối với chị.”
“Không phải”, tôi trả lời rất thật lòng. “Nhưng anh vẫn chưa cho tôi biết chuyện về cái hồ bơi trong mưa thì có dính dáng gì đến chuyện về cái nhà ăn tập thể lúc chiều tối. Anh không thể dừng lại chừng nào chưa kể xong chuyện ấy!” Chúng tôi nhìn nhau trong giây lát và bật cười. Một con thỏ trong chuồng nhìn chúng tôi trong khi đang nhấm nháp một chiếc lá bắp cải.
“Hồi đó tôi chưa bao giờ bị chòng ghẹo vì mình không biết bơi. Hay chí ít thì tôi không còn nhớ chuyện gì như thế. Xét cho cùng, đó là vấn đề phức tạp của riêng tôi. Tôi nghĩ người ta ai cũng phải trải qua giai đoạn tạm gọi là “nghi thức chuyển tiếp” 3 trong đời, ít nhất là một lần, rồi người ta mới có thể hòa đồng được. Chỉ có điều thời kỳ ấy đối với tôi kéo dài hơn mức bình thường. Tôi cho rằng vấn đề của mình là ở chỗ đó.”
“Tôi nghĩ mình có thể hiểu được điều anh nói”, tôi nói và lại nhìn khuôn mặt nghiêng nghiêng của anh.
“Vậy đó, mỗi lần nhìn thấy một nhà ăn tập thể lúc chiều tối, tôi lại không thể nào không nhớ lại cái khoảnh khắc đau đớn trong đời mình ấy – cái thời quá độ kéo dài đằng đẵng của tôi. Song tôi nghĩ ngay cả điều ấy cũng không giải thích được gì cả.” Anh cúi xuống và lại đá một viên cuội khác.
Nhà ăn bắt đầu tối dần. Mọi thứ đã được lau khô cẩn thận và sắp xếp ngăn nắp: vòi hoa sen dẫn nước được quấn lại, rổ bát đĩa được chất lại một góc, bình được đặt trên giá. Tôi dường như có thể mường tượng ra tiếng mưa gõ trên mái tôn của phòng thay đồ ở hồ bơi. Tôi có thể hình dung thấy những đôi chân gầy gò đạp nước dưới lòng hồ như vô số con những con cá yếu đuối, và cậu con trai có mái tóc bị nhuộm màu đỏ hoe. Hình ảnh này nối tiếp hình ảnh kia lơ lửng hiện lên trên khung kính cửa sổ nhà ăn.
“Đúng vào lúc ấy, lại có một chuyện nữa xảy đến với tôi”, anh nói. “Tôi không thể ăn được nữa.”
“Nhưng tại sao cơ?”
“Có lẽ do nhiều lý do. Thể trạng phức tạp của tôi, tính cách nhút nhát, rồi gia đình… nhiều thứ lắm. Nhưng nguyên nhân trực tiếp thì đấy là tại cái nhà ăn trong trường.”
“Vậy là cuối cùng chúng ta cũng nói đến nó.”
“Vâng. Chuyện bắt đầu từ một ngày tôi nhìn trộm vào nhà ăn của trường trước giờ ăn trưa. Tôi không thể nhớ tại sao tôi lại ở đó vào giờ ấy – tại sao tôi không ở trong lớp học – nhưng có lẽ vì cơn cớ nào đấy, tôi lại đứng ở cửa sau và quan sát cái cảnh náo động của các nhân viên phòng ăn đi chuẩn bị cho bữa trưa. Trước đó chưa bao giờ tôi để ý đến cái nhà ăn này. Chuyện xảy ra cách đây hơn hai mươi lăm năm rồi, vì vậy cái nhà bếp thời ấy hoàn toàn khác với bây giờ. Đó là một khu nhà gỗ, chật chội và tối tăm, trông nó giống một kho thóc nhiều hơn. Tôi vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết. Thực đơn cho hôm đó là thịt hầm và salad khoai tây và điều đầu tiên làm tôi ấn tượng là mùi của chúng. Nó khó chịu và ngạt thở, không giống bất cứ thứ gì mà tôi từng được ngửi trước đó. Trên thế giới này có rất nhiều thứ mùi khủng khiếp, nhưng cái mùi này rất khác và không thể xác định nổi vì nó gắn liền với những món mà tôi sắp sửa phải ăn. Mùi của những nồi thịt hầm rất to và salad khoai tây trộn lẫn với nhau bốc lên trong nhà ăn, vừa lên men vừa biến chất.”
Tôi tựa người vào chiếc thùng giấy. Juju cụp hai cái tai nhòn nhọn lại. Cậu bé vẫn ôm con chó, có lẽ nó đang ngủ gật.
“Cảnh tượng trước mắt tôi hoàn toàn hiện thực, nhưng đồng thời trong lúc đó nó lại vượt ngoài tất cả những điều tôi có thể tưởng tượng ra, đến nỗi dường như đấy là một sự kỳ dị. Những người đàn bà làm việc trong nhà ăn đều béo, thịt của họ lồi ra dưới cổ tay áo đồng phục vốn được may bằng chất liệu co giãn, phần phía trên đôi ủng của họ cũng núc ních những thịt là thịt. Bọn họ giống như những cái phao, nếu bị quẳng xuống nước thì có lẽ họ cũng sẽ nổi lềnh bềnh. Một người trong số họ đang dùng một cái xẻng để đảo nồi thịt – loại xẻng kim loại mà người ta dùng trong xây dựng ấy. Mặt bà ta đỏ bừng và bà ta đặt một bàn chân lên miệng chiếc nồi vĩ đại ấy để làm việc. Và rồi bà lấy cái xẻng đầy gỉ sắt đó khuấy lớp nước trắng trắng đặc sánh, những miếng thịt mỡ và từng lát hành, lát cà rốt được xới tung lên trước mắt tôi. Món salad ở cái nồi lớn bên cạnh. Một người đàn bà khác trèo vào cái nồi rất lớn đó, nghiến khoai tây bằng chính đôi ủng cao su đen của mình. Mỗi lần bà ta nhấc chân lên, tôi lại thấy có một ít khoai tây dính vào gan ủng. Bà ta càng nghiền, đám khoai tây lại càng chẳng trông ra hình thù gì.”
Anh hắng giọng ho rồi lại kể tiếp.
“Tôi không sao rời mắt được. Ước gì tôi có thể giải thích được cảm giác của tôi lúc bấy giờ, nhưng không thể được. Nếu đó là một thứ cảm xúc mà người ta có thể thâu tóm bằng những từ phổ biến như “đáng sợ” hay “ghê tởm” thì tôi chắc rằng mình đã có thể quên được chuyện này từ lâu rồi. Nhưng trước khi tôi cảm thấy kiệt quệ bởi những cảm xúc ấy thì những hình ảnh không thể nào hiểu được ấy đã tạc vào trong óc tôi – những giọt mỡ thịt rỏ xuống từ cái xẻng đào đất, những đôi ủng vùi trong đống khoai tây bị nghiền nát.”
“Và sau đó anh đã không thể ăn được?”, tôi khẽ hỏi, cố gắng đoán xem câu chuyện sẽ đi đến đâu.
“Thậm chí đến bây giờ, tiếng lạo xạo của bát đĩa nhựa hay bước chân của ai đó báo thực đơn cho nhà bếp cũng có thể gợi lại cho từng chi tiết của cảnh tượng ấy. Thật kinh khủng; và sau đó, các nhà ăn tập thể cũng để lại tác động tương tự đến tôi như những hồ bơi. Tôi hiểu dù có quẫy đạp đến đâu đi nữa thì mình vẫn đang chìm dần xuống đáy hồ, cũng như mỗi lần định ăn một chút thức ăn do nhà ăn tập thể làm, những bà làm bếp béo ị, với những cây xẻng, những đôi ủng của họ lại hiển hiện ở đó làm tôi buồn nôn. Khi không thể chịu đựng hơn được nữa, một buổi sáng tôi rời nhà, ba lô trên vai, thay vì đến trường, tôi lại đi lang thang khắp thị trấn. Tất nhiên, đó là ngày mà cả lớp tôi phải đến hồ bơi. Tôi cứ vừa đi vừa lấy chân đá cái túi xách đựng đồ bơi và cái mũ tắm màu đỏ của mình, làm nó nẩy lên trên đầu gối. Tưởng chừng mình đã đi lang thang một hồi lâu nhưng hóa ra ông tôi đã tìm thấy tôi chỉ sau vài tiếng đồng hồ.”
“Vậy là anh đành phải quay về trường vào giờ ăn trưa?”
“Không, tôi thật may mắn. Ông tôi không hề giận dữ và dường như ông chẳng bận tâm nghĩ đến việc phải đưa tôi trở lại trường. Hồi trước ông vốn là một thủy thủ giỏi nghề nhưng khi về hưu, ông uống rượu quá nhiều và dính vào đủ chuyện rắc rối. Đến mức không có ai trong gia đình muốn làm việc gì có dính dáng đến ông. Ông đánh lộn, ngủ ở ngoài đường, đập phá cột đèn giao thông, và nhiều chuyện đại loại như thế. Tôi tin chắc là sáng hôm đó thực ra ông không định đi tìm tôi; có lẽ ông vừa mới uống rượu và đang ngật ngưỡng đi trên phố. “Nào, nào”, ông nói. “Hay thật, lại gặp cháu ở đây. Ông cháu mình đâu có nhiều dịp như thế này, vì thế ông sẽ dẫn cháu đến một nơi bí mật.” Rồi ông nắm lấy tay tôi, dẫn tôi đi về hướng ngược với đường về trường.
Tôi vốn không cảm thấy thoải mái lắm khi đi cùng ông, hơi thở của ông lúc nào nồng mùi rượu, bàn tay ông thì thô ráp, nhưng hôm ấy, tôi đã nắm chặt lấy tay ông và đi theo ông. Tay kia của ông cầm một lon bia, thỉnh thoảng lúc đang đi trên đường, ông lại nhấp một ngụm. Cuối cùng thì chúng tôi đến một khu nhà kho nằm bên rìa thị trấn, một khu phế tích của một tòa nhà xây bê tông. Trông nó giống như là phần còn lại của một nhà máy đã đóng cửa từ lâu vậy. “Đây rồi”, ông tôi cầm lon bia chỉ vào nơi đó. Cửa của ngôi nhà đã bị bung bản lề và trên tường có những lỗ hổng. Khi đi vào trong nhà tôi có thể cảm nhận được gió đang lùa thẳng vào. Nhìn lên trần tôi thấy lác đác những mảnh trời, như thể có một cây kéo nào đấy đã cắt vụn nó. Trên sàn nhà bụi bẩn tích lại thành lớp dày, ngả sang màu đỏ lẫn với cả gỉ sắt khiến tôi có cảm giác mỗi bước chân đều dính sạn. Nơi nào cũng thấy những thứ bị vứt lại: đinh ốc, bu lông, dây nhợ, những cục pin, những chai soda bỏ không, một cái lô cuốn tóc bằng nhựa, một cây kèn harmonica, một cái nhiệt kế, tất cả đều như đang ngủ yên trong bụi bẩn. Có vài cỗ máy trông cũng nặng nề nhưng cũng bị phủ bởi một lớp bụi và gỉ sắt ken dày, một tấm biển “An toàn là hàng đầu” đã long khỏi tường.
Ông dẫn tôi đến trước một cỗ máy có nhiều hàng nút bấm và những thanh đòn bẩy, rồi bảo tôi ngồi ở đó. Nó nhìn giống một cái máy in hoặc có lẽ là một cái máy sấy kiểu cũ nhưng dù có là gì thì cỗ máy này cũng không còn chạy được nữa. Tôi treo cái túi của mình lên đầu một thanh đòn bẩy.
Ông tôi lúc đó có lẽ đã uống gần cạn lon bia, bởi vì tôi thấy ông bắt đầu săm soi nhìn vào trong lon giữa mỗi lần nhấp và ông cũng uống từ từ hơn. “Cháu có biết trước đây người ta dùng cỗ máy này để làm gì không?”, ông hỏi. Khi ông nói, bọt bia trên miệng ông bắn ra tứ tung. Yên tâm vì không thấy ông hỏi mình vì sao lại bỏ học, tôi mạnh dạn lắc đầu.
“Sô cô la”, ông nói như thể muốn khoe vậy.
“Sô cô la? Thật chứ ông?”, tôi hỏi.
“Đúng thế. Họ bỏ hột ca cao, sữa, đường vào cỗ máy ở chỗ kia và trộn lẫn chúng lại, tẩm sô cô la ở dạng lỏng. Cho đến khi nó được đưa sang cỗ máy kế tiếp, nó đã lạnh đi một chút, nhìn giống như là nước đường mật vậy. Thế rồi cuối cùng nó được đưa đến chiếc máy cán này, đến đây nó được làm thành những miếng kẹo lớn.” Ông dấn chân lên cỗ máy mà tôi đang ngồi lên. “Một thanh sôcôla khổng lồ, kích thước bằng hai tấm chiếu tatami 4, nếu còn muốn nó to đến mức nào nữa, cháu chỉ cần để cho cái máy cán này chạy là được!”
“Ông nói thật chứ?”, tôi hỏi. Tôi thật sự hào hứng khi ông miêu tả thanh kẹo kỳ diệu đó.
“Nếu nghĩ ông nói dối thì cháu cứ thử ngửi xem.”
Thế là tôi đứng trên bệ máy, dí sát mũi vào thanh cán, nhắm hờ mắt để có thể cảm nhận mùi hương ấy rõ hơn. Tôi như bị mê đi trong một cảm giác lâng lâng, tựa hồ như được bao phủ bởi một cái gì đó rộng thoáng và dễ chịu. Xa xăm đâu đó, râm ran tiếng ve kêu. Thoạt đầu tôi chỉ ngửi thấy mùi sắt, một thứ mùi kim khí khô khốc. Nhưng rồi cứ đứng ngửi như thế, tôi bắt đầu cảm nhận được một mùi hương mơ hồ ngọt ngào, thân quen, tựa như một giấc mơ nào đó vừa lướt qua.
“Thế nào?”, ông hỏi.
“Ông nói đúng”, tôi đáp, vẫn còn cố níu lại mùi hương trong giây lát, tay tôi đặt lên thanh cán kẹo thô ráp.
“Khi nào thấy thèm sô cô la không chịu nổi, cháu cứ đến nơi này. Cái máy này đã làm nhiều sô cô la đến nỗi nếu cháu thỉnh thoảng có đến đây để ngửi thì mùi của nó cũng vẫn chưa bay đi hết.” Sau khi dốc cạn lon bia, ông vứt cái lon xuống sàn nhà. Khi cái lon lăn đi, nó tạo ra một thanh âm buồn, trống rỗng. Tôi nhận ra có thể ông đã hết tiền để mua rượu. Để ngăn ông không uống quá nhiều, gia đình chỉ cấp cho ông một khoản chi tiêu tối thiểu. Tôi lần tìm trong ba lô và rút ra một cái phong bì trong có nhét tiền đi tham quan mà tôi định nộp cho cô giáo.
“Ông có thể lấy chỗ này của cháu mà mua thêm rượu”, tôi bảo ông.
“Cảm ơn cháu”, ông nói, và tôi nhìn thấy nơi khóe mắt đỏ hoe của ông lấp lánh niềm vui.”
Khi người đàn ông chấm dứt câu chuyện, bóng tối đã trùm lên chúng tôi. Nét mặt của anh dường như tan vào trong bóng tối. Cậu bé nãy giờ vẫn áp mình lên con Juju, ngủ yên với vẻ buồn thiu.
Tôi muốn nói với anh một điều gì đó, rất muốn, như thể trong ngực tôi có một khối nặng. Nếu tôi không nói ra, có lẽ khuôn mặt của anh sẽ tan biến thật sự.
“Đó là đoạn kết của câu chuyện?”, tôi hỏi, cố gắng chọn từng từ cẩn thận.
“Vâng.” Anh khẽ vuốt mái tóc xòa trên trán.
“Nhưng chuyện gì đã xảy ra với lớp học bơi của anh, và cái nhà ăn của trường?”
“Chẳng có gì để kể lại cả. Tôi học bơi, ông tôi thì qua đời vì một khối u ác tính. Thế là hết.” Chúng tôi ngồi lặng một lúc nhìn ánh ngày le lói rồi đứng dậy. Dường như lúc anh kể chuyện, thời gian đã ngừng đọng lại, nhưng bây giờ nó đã phục hồi.
“Đến lúc về nhà rồi.”
Nghe thấy giọng cha, cậu bé mở mắt. Nó dụi mắt một lát như thể muốn tìm lại giấc mơ của mình. Juju vẫy đuôi, dụi đầu vào má cậu bé.
“Tôi nghĩ là chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đây”, tôi nói, trong khi tay cầm xích Juju.
“Ngày mai chúng tôi sẽ đến một vùng mới. Một thị trấn lớn hơn, gần vùng núi hơn.” Cậu bé chạy đến bến cha và nắm lấy tay cha. “Chúng tôi phải nói lời tạm biệt với cái nhà ăn này.” Bên trong cửa sổ, nhà bếp cũng đang từ từ tan biến, tựa hồ nó đang chìm xuống một đầm lầy.
“Tôi hy vọng ở thị trấn mới nơi anh đến cũng sẽ có một nhà ăn đẹp.”
Anh mỉm cười nhưng không gật đầu. “Chào chị”, anh nói. Cậu bé vẫy chào Juju, và cái núm trên mũ cậu lại lúc la lúc lắc.
“ Hai cha con anh đi nhé”, tôi cũng vẫy tay chào.
Họ bước đi, bóng họ nhòa dần trong dải ánh sáng lờ mờ. Juju và tôi cứ nhìn theo họ mãi cho đến khi hai người chỉ còn là một dấu chấm nhỏ xíu phía xa rồi tan biến. Bất giác tôi muốn đọc bức điện “Chúc ngủ ngon” của mình một lần nữa. Tôi có thể hình dung chính xác bức điện được trình bày thế nào, có thể nhìn thấy từng con chữ, cảm giác lại cái đêm bức điện được chuyển đến. Tôi muốn đọc đi đọc lại nó, đến khi nào những con chữ tan ra thì thôi. Nắm chặt lấy dây xích cổ Juju, tôi bắt đầu chạy về hướng ngược lại.
 
 
chú thích:
 
1 Gymnasium, hay nhà tập thể dục.
2 Tiếng Anh: triangle, nhạc cụ gõ gồm một thanh thép uốn thành hình tam giác, đánh bằng một thanh thép khác
3 Nghi thức chuyển tiếp (rite de passage) là một khái niệm quan trọng trong xã hội học và văn hóa học do Arnold Van Gennep (1873-1957), nhà văn hóa học Pháp xây dựng nên. Có nghi thức chuyển tiếp trong không gian như các “thủ tục” vào ra các vùng lãnh thổ. Có nghi thức chuyển tiếp trong thời gian như các nghi lễ vào mùa, cuối năm đầu năm. Nhưng các nghi thức chuyển tiếp quan trọng nhất xảy ra trong vòng đời của một con người: sinh đẻ, trưởng thành, chết… Trong đó, có lẽ lễ nhập môn (ở Việt Nam là lễ thành đinh) là đáng lưu ý hơn cả. Ý nghĩa triết học và văn hóa vô cùng sâu sắc và phong phú của nó đã được V.Ia. Propp nghiên cứu và coi đó là “những gốc rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kỳ.”.. Trong xã hội hiện đại, các nghi thức chuyển tiếp mất dần ý nghĩa triết học và tâm linh, nhưng vẫn còn là những thử thách quan trọng và thiêng liêng trong mỗi con người. – [Theo Nicolas Journet, bản dịch của Trần Minh Tâm].
4 Tatami: chiếc chiếu cói trải trên sàn trong căn nhà truyền thống của người Nhật. Tatami có nhiều kích thước khác nhau, nhưng thông thường là 3 x 6 feet (khoảng 90 x 180 cm). “Tatami” cũng được người Nhật sử dụng như một đơn vị đo lường diện tích khi nói về nội thất
 

*Hải Ngọc dịch từ bản Anh văn The cafeteria in the evening and a pool in the rain do Stephen Snyder chuyển ngữ từ tiếng Nhật

Nguồn: The New Yorker, 06/09/2004

bài đã đăng của Yoko Ogawa

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)