Keith Weller Taylor
Lê Hồng Chương chuyển ngữ
Chiêu Ly nhuận sắc
Chùa Khai Quốc được xây dựng từ thời Lý Nam Đế ( Lý Bí) nay đổi tên thành Chùa Trấn Quốc, nằm trên bán đảo nhỏ của hồ Tây.
NHÀ LƯƠNG XUỐNG MIỀN NAM
Vào thế kỷ thứ 6, do việc kiểm soát lỏng lẻo của nhà Lương, hoài bão độc lập tự chủ của Việt Nam lại được trải nghiệm qua các động thái nhằm định hình tư thế chính trị thấm đậm màu sắc bản xứ của họ. Ngay khi Lương triều tìm cách tạo áp lực chính trị từ từ lên miền Nam thì họ đã vấp phải cuộc nổi dậy của Lý Bí vào những năm 540. Mặc dầu bị Trần Bá Tiên đánh bại nhưng phong trào độc lập do Lý Bí khởi xướng vẫn tiếp tục phát triển khi Trần Bá Tiên phải quay về phương bắc để lập triều đại nhà Trần của Trung Quốc và các vùng miền Nam lại được cai trị bởi các thế lực địa phương. Mãi đến cuối thế kỷ 6, khi nhà Tùy lên thay nhà Trần, bắc triều lại mở rộng quyền lực của họ xuống miền Nam.
Giữ ngôi được một thời gian dài (502-549), Lương Vũ Đế của Trung Quốc, nổi tiếng là một vị vua sùng đạo Phật và ưa thích văn chương, đã giao phần lớn công việc triều chính cho các quan cận thần. Vào lúc đó vấn đề chính yếu mà nhà Lương phải đối phó ở miền Nam là sự vô hiệu quả của các thứ sử vì sau khi được triều đình bổ nhiệm, các viên thứ sử này đã thông đồng với các gia đình có thế lực ở miền Nam nơi mà tư thế chính trị địa phương ngày một mạnh thêm bởi nền kinh tế phồn thịnh qua các quan hệ thương mại với các xứ ở vùng biển Nam Hải.
Năm 522, Lương triều ra lệnh đúc tiền mới vì thấy rằng ở Châu Quảng và Châu Giao, vàng và bạc vẫn được dùng làm bản vị trong mậu dịch thay vì dùng đồng tiền chính thức của triều đình đang lưu hành ở tất cả những nơi khác. Hơn 20 năm sau đó lại có lệnh đúc tiền mới khác nhưng tình trạng ấy vẫn không thay đổi và hai châu Quảng và Giao vẫn cứ tiếp tục sử dụng vàng và bạc trong mậu dịch. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu xét theo sự phân cách về địa lý của miền Nam so với những nơi khác. Tính cho đúng Quảng Châu và Giao Châu đều là đất ở ” bên kia những ngọn đèo” do đó kinh tế của hai châu này, theo thiên nhiên, đúng ra là một phần thuộc thế giới biển ở Đông Nam Á.
Vừa mưu toan đồng nhất hoá nền kinh tế của toàn vùng đô hộ bằng cách ban hành những đạo luật mới về tiền tệ, Lương triều còn tìm cách kiểm soát trực tiếp hơn nữa những địa phương xa xôi ở miền Nam bằng cách tăng thêm nhân số các thứ sử trấn nhiệm. Làm như thế thì các thứ sử có thể bị kém hiệu năng so với thời xưa; nhưng Lương triều cho rằng nếu tăng con số các thứ sử lên họ có thể duy trì được việc kiểm soát các miền hẻo lánh. Vì lý do đó Lương triều tìm mọi cách để dần dần nới rộng quyền lực xuống phương Nam và những châu cũ lại bị chia nhỏ hơn nữa để lập thêm những tỉnh mới. Nhìn bề ngoài, hệ thống cai trị mới có vẻ đã làm gia tăng được sự kiểm soát của Lương triều ở các địa phương nhỏ ấy, nhưng thật ra điều này giản dị chỉ là sự chính thức thừa nhận rằng có những trung tâm quyền lực mới mọc lên tại các địa phương.
Đầu năm 507, Quế Châu được thành lập ở phía Tây Quảng Châu. Nhưng phải đợi đến năm 523 thì việc cải tổ bằng cách chia nhỏ các châu mới thức sự rõ nét ở miền Nam với việc Quảng Châu lại bị chia ra nữa để lập thêm 4 châu mới; còn quận Cửu Chân và Cửu Đức ở phiá Nam, lại được tách ra để lập châu Ái. Có ít nhất là 13 châu mới đã được thành lập ở những nơi mà trước kia là Quảng Châu và Việt Châu trong mưu toan củng cố hệ thống chính trị của Lương triều. Năm 535, châu Hoàng lại được thành lập dọc theo bờ biển hoang vu tại phía Bắc đồng bằng sông Hồng. Quá về phía Nam, châu Đức bị tách ra từ quận Cửu Đức cũ, và thêm 2 châu nữa là châu Lý và châu Minh được thành lập ở mãi xa gần vùng biên giới với Lâm Ấp.
Mục đích của Lương triều khi lập những châu mới ở những vùng mà học chưa kiểm soát được, trước là gián tiếp xác nhận chủ quyền cai trị những vùng đó, và kế đến là khuyến khích dân địa phương tuân theo luật pháp bắc triều chứ không dựa trên căn bản về diện tích và dân số nếu ta đem so sánh Giao Châu với Ái Châu hoặc Đức Châu. Còn châu Hoàng và hai châu Lý và Minh, thì không cần bàn đến vì rõ ràng các châu này không thể coi như là các đơn vị có tầm quan trọng ngang nhau.
Quyền hành ở hững châu có tính cách chiến lược nhất được giao cho những người trong hoàng tộc bắc triều. Năm 541, hai người cháu của Lương Vũ Đế được phong làm thứ sử hai châu nòng cốt là Giao và Quảng. Những châu kém quan trọng được giao cho những người ở cấp thấp hơn, kể cả những người thân thuộc hoặc vây cách của các gia đình thế lực ở địa phương. Hậu quả của chính sách này là sự xung đột, tranh chấp về quyền lợi mà trước đây thường xảy ra giữa các gia đình địa phương với triều đình thì nay trở thành một định chế với sự thừa nhận những lãnh đạo địa phương là thứ sử các châu nhỏ. Vũ đài chính trị xưa cũ khi một ông thứ sử do bắc triều đình bổ nhiệm phải đối đầu với một hay nhiều gia đình địa phương có thế lực nay biến thành sự cạnh tranh giữa các ông thứ sử lớn và nhỏ.
Một mục đích nữa của việc thành lập thêm nhiều châu nhỏ đó là làm dân chúng quên đi các mong mỏi giành độc lập cùng với việc khuyến khích họ đi tìm các địa vị và bổng lộc trong vòng trật tự tại Lương triều. Nhưng ngặt một nỗi là bắc triều không có đủ các công việc và chức tước để thoả mãn tất cả những tham vọng đang lên của các địa phương miền Nam. Đã không lấp được khoảng trống giữa triều đình và địa phương thì chớ, phương thức mới này còn làm gia tăng ý tưởng nổi loạn. Khi quen thuộc với thể chế bắc triều nhiều rồi, những lãnh đạo địa phương lại cảm thấy không có gì đáng phải sợ hãi nữa và lại còn có ý muốn thay cái đang có bằng cái khác của chính họ.
Để tránh nguy hiểm này, các khu vực quân sự đặc biệt ở miền Nam được thành lập và được giao cho các vị tướng bắc triều để thực thi luật pháp triều đình. Trước nhất là ông thứ sử của quận quan trọng nhất nằm trong địa khu nào thì kiêm luôn chức vụ quân sự ở địa khu ấy. Một thí dụ là vào năm 509, thứ sử Quảng Châu kiêm luôn quyền cai quản quân sự bốn châu thuộc miền Nam là Quảng, Quế, Việt, và Giao. Nhưng về sau, việc chỉ huy các khu quân sự này lại được đổi thành các bộ chỉ huy riêng rẽ do các tướng giỏi chỉ huy.
Những tướng chỉ huy các khu quân sự này thường là tay chân bộ hạ của các vị hoàng thân được bổ vào chức vụ thứ sử các châu quan trọng nhất. Trong các vị tướng chỉ huy đó có Trần Bá Tiên đến miền Nam cùng với Tiêu Ánh là cháu của Luơng Vũ Đế. Tiêu Ánh trở thành Thứ Sử Quảng Châu và Trần Bá Tiên thành quan Đốc Hộ cai trị vùng sông Tích và đặt bản doanh ở Quảng Tây ngày nay. Trần Bá Tiên là một tướng giỏi và đầy tham vọng. Từ những công trạng lập được ở miền Nam mà sau này Trần Bá Tiên lập ra triều nhà Trần, triều đại cuối cùng trong số các triều đại của Trung Quốc đóng đô ở Hoa Nam.
LÝ BÍ
Chân Dung Lý Bí (Lý Nam Đế)
Lý Tắc, người nắm quyền kiểm soát Giao Châu năm 505 và sau đó đánh bại các đối thủ của ông vào năm 516, đã duy trì được quan hệ chặt chẽ và hữu nghị với bắc triều. Vào thời gian đó có nhiều người thuộc các gia đình địa phương danh giá ở miền Nam được khuyến khích tiến thân bằng cách xin vào làm việc cho Lương triều ở miền Bắc. Trong những người này có Tinh Thiệu là người văn hay chữ tốt nhưng Thái Tông, viên quan lo về nhân sự Lương triều, lại không giao Tinh Thiệu chức vụ mà ông xin, viện lẽ trong gia đình Thiệu chưa có ai là danh sĩ nổi tiếng! Thay vào đó Thái Tôn cho ông giữ chân giám sát một trong những cổng ra vào Hoàng Thành. Tinh Thiệu cho rằng mình bị coi thường nên bỏ về Giao Châu cùng với một người cùng cảnh ngộ là Lý Bí vào khoảng năm 523 khi mà các châu mới đang được thành lập ở miền Nam.
Tổ tiên Lý Bí thuộc trong số những người Trung Quốc di cư tị nạn xuống miền Nam để trốn những rối ren bất ổn do loạn Vương Mãng (9-23 SCN). Đến thế kỷ thứ 6, thì họ Lý đến định cư ở bờ Bắc sông Hồng, tại Vũ Bình gần Tân Xương, dưới chân núi Tam Đảo. Đây là vùng chiến lược nằm gần vùng biên giới đất cao của đồng bằng sông Hồng. Từ nơi này họ Lý đã củng cố địa vị và trong số họ đã có người lên tới chức “Phụ Tá Quân Sự”. Cũng giống như Tinh Thiệu, lúc bắt đầu sự nghiệp, Lý Bí lên miền Bắc và được cho giữ một chức vụ ở triều đình, nhưng vẫn “không được thoả mãn ước vọng”. Thế là Lý Bí trở về Giao Châu và được bổ làm Giám Quan ở Cửu Châu để rồi sau đó ông theo các vị anh hùng của các châu khác nổi dậy đòi quyền độc lập từ tay bắc triều.
Những ước vọng của Lý Bí lúc đó được nhiều người hậu thuẫn và có nhiều ưu thế bởi tình hình chính trị rối ren ở Giao Châu. Thứ Sử Giao Châu lúc ấy là là Tiêu Tư, cháu của Lương Vũ Đế, bị dân chúng địa phương rất oán ghét vì những hành động vơ vét, bóc lột và tàn bạo của y. Năm 541, Lý Bí được Triệu Túc, một trong số những thủ lãnh ở Chu Diên, khâm phục tài đức của ông nên đem quân bản bộ về theo. Biết được chuyện này, Tiêu Tư vội vã tìm cách hối lộ Triệu Túc để có đường chạy lên Quảng Châu, nơi cháu ông là Tiêu Ánh đang làm Thứ Sử.
Nhắc lại vùng Chu Diên, thời nhà Hán, nằm ở khoảng giữa sông Đáy và sông Hồng nơi mà hai sông này phân nhánh. Tương truyền Thi Sách, chồng của Bà Trưng cũng quê ở đó. Qua bao thế kỷ cái tên Chu Diên dường như cứ dần xuôi mãi xuống vùng hạ lưu và đến thế kỷ 6, thì nó đã đến gần bờ biển, nơi mà sông Hồng gặp thủy triều lên xuống. Phần lớn đất Chu Diên là đầm lầy, không trồng trọt gì được vì hệ thống đê điều chưa được đắp xuống đến đấy. Tuy nhiên những tập tục từ thời Bà Trưng, mặc dù chỉ còn là những ký ức không rõ nét, nhưng vẫn tiềm tàng trong số những huyện được lập ở quá về phiá Bắc. Do đó các thủ lãnh địa phương ở Chu Diên vẫn có thể khơi dậy trong lòng toàn thể dân chúng của họ một ý chí quật khởi theo tinh thần Hai Bà Trưng khi cần đến.
Sử Trung Quốc đã không nhắc đến Triệu Túc mà chỉ ghi lại các sự việc liên quan đến Lý Bí và cố vấn của ông là Tinh Thiệu, vì xét về mặt chính trị người Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng đây là hai quan chức của bắc triều đình đứng lên nổi loạn chứ không phải dân địa phương. Nhưng uy quyền của Triệu Túc rõ ràng được căn cứ trên tài học của ông điều mà vượt ra ngoài tầm nhận thức của Trung Quốc. Theo sử liệu Việt Nam, việc Triệu Túc nổi lên là lý do trực tiếp buộc Tiêu Tư phải bỏ trốn ngay khỏi Giao Châu.
Điều này dễ hiểu nếu ta nhớ lại rằng cuộc nổi loạn của Lý Bí bắt đầu từ Cửu Đức, nơi mà ông làm Giám quan. Có lẽ Lý Bí đã từ đó tiến lên phía Bắc qua châu Ái. Chu Diên ở trên biên giới với châu Ái và là cửa ngõ tiến vào đồng bằng sông Hồng. Khi Triệu Túc mở cửa Chu Diên để Lý Bí kéo quân vào đồng bằng sông Hồng thì Lương triều hiểu ngay rằng họ không còn hy vọng gì nữa nên Tiêu Tư phải mua chuộc để tìm đường chạy trốn khỏi Giao Châu. Trong khi Trung Quốc nhìn thấy những rắc rối về chiến lược trong sự lãnh đạo của Triệu Túc họ lại cố tình làm ngơ không biết ông là ai để chỉ nói đến Lý Bí là loại nguời đã được phân hạng theo đường lối chính trị có lợi cho Bắc triều.
Phản ứng của Lương triều đình về cuộc nổi loạn của Lý Bí rất mau chóng. Tôn Chung, Thứ Sử Cao Châu, và Lư Tử Hùng, Thứ Sử Tân Châu được lệnh đem quân đi dẹp Lý Bí. Cao Châu và Tân Châu là hai trong số những châu mới được lập ra từ châu Quảng cũ mà nay nằm về phiá Tây Quảng Châu. Tôn Chung và Lư Tử Hùng đều là dân địa phương và Lương triều tìm cách đẩy họ vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan một bên là phải biểu dương lòng trung thành với triều đình bằng cách tiến quân một bên biết rằng việc tiến quân vào miền biên giới này nhất định có nhiều rủi ro.
Đầu xuân năm 542 khi mùa mưa sắp bắt đầu, Tôn Chung và Tử Hùng yêu cầu được hoãn binh đến mùa Thu, khi những nguy cơ về sốt rét và những chứng bệnh khác do gió mùa gây ra giảm bớt. Nhưng lời yêu cầu của họ lập tức bị Tiêu Ánh bác bỏ, và Tiêu Tư lại thúc dục tiến quân. Đội quân miễn cưỡng này tiến tới Hợp Phố thì bị chặn đường và khoảng từ 60% đến 70% quân sĩ bị thiệt mạng, không rõ là vì sơn lam chướng khí hay vì bị quân Lý Bí phục kích. Quân Lương triều chạy tan tác và hậu quân hỗn loạn không dám tiến tới.
Tôn Chung và Lư Tử Hùng rõ ràng là nạn nhân của một sự chuẩn bị vội vàng do cấp trên bắt buộc. Có lẽ vì muốn gỡ lại danh dự bị tổn thương nên Tiêu Tư báo cáo về triều đình là hai tướng cầm quân thông đồng với giặc nên dẫn đến thảm bại. Sau khi báo cáo, Tiêu Tư được lịnh triều đình triệu hồi Chung và Hùng về Quảng Châu để xử tử hình.
Việc xử tử hai tướng này đã gây một làn sóng phản đối rất mạnh mẽ. Các con và cháu của Tôn Chung và Tử Hùng chiêu tập được một đạo quân bản bộ rất lớn, bắt được viên Đốc Hộ địa phương và tấn công Quảng Châu với ý định giết chết Tiêu Tư và Tiêu Ánh để báo thù. Nhưng Trần Bá Tiên đã kéo quân bản bộ 3.000 người đến kịp thời nên cứu thoát được Tiêu Ánh và tái lập trật tự ở Quảng Châu.
Sau chiến thắng này Trần Bá Tiên được tưởng thưởng với những chức vụ mới và ngày càng nổi tiếng hơn khi Tiêu Ánh qua đời sau đó không bao lâu. Còn tông tích Tiêu Tư thì không thấy nhắc đến nữa. Tình hình bấp bênh ở khắp miền Nam sau những biến cố trên không cho phép Lương triều mở một chiến dịch lớn lao nào khác để đánh dẹp Lý Bí ở Giao Châu trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên Lương triều vẫn gửi đi những lực lượng nhỏ để dọ thám và quan sát tình hình Giao Châu.
Đầu mùa hè năm 543, quân Lâm Ấp lại xâm nhập Cửu Đức, không biết có phải là do nhà Lương xúi dục hay chỉ là một phản ứng tự nhiên của Lâm Ấp những sự rối ren chính trị ở phía Bắc. Lý Bí sai tướng Phạm Tu xuống Cửu Đức đánh quân Lâm Ấp nhưng thua phải rút về.
Thấy tình hình có vẻ sáng sủa hơn vì những đe dọa từ Bắc xuống và từ Nam lên đã tạm yên nên đầu năm 544 Lý Bí bắt đầu tổ chức giang sơn bằng việc tự xưng là hoàng đế Nam Việt. Nam Việt là nghĩa tiếng Việt từ chữ Nan Yueh. Lý Bí muốn gợi nhớ lại hình ảnh của Triệu Đà mà 7 thế kỷ trước đã bất chấp triều Hán, tự xưng là hoàng đế Nan Yueh. Lý Bí đặt tên nước là Vạn Xuân, và lấy niên hiệu là Thiên Đức. Ông thiết lập hệ thống triều đình và xây cung Vạn Thọ. Tinh Thiện được giao cho phụ trách dân sự và Phạm Tu phụ trách quân sự; Triệu Túc làm Thái Phó.
Thái Phó là một trong các tước gồm ba vị vương hầu có từ thời đại nhà Châu thời thượng cổ để cố vấn cho nhà vua về những điều tốt xấu trong nước. Đến thời Hậu Hán thì chỉ còn một người được phong chức Thái Phó. Nhưng đến thời nhà Tấn, lại quay lại lề lối cũ là có cả ba vị, và tất cả những triều đại về sau ở miền Nam cũng đều theo lệ đó. Sự xuất hiện của chức vị Thái Phó ở Việt Nam thế kỷ 6 cho thấy Triệu Túc được coi như quân sư hàng đầu của Lý Bí.
Xuất thân là giám quan ở biên thùy khi rời miền Nam lên kinh đô Lương để tìm một vị trí trong bắc triều, nhưng Lý Bí đã bất mãn quay về để lại làm việc cũ. Xét sự thông thạo của những người như Lý Bí và Tinh Thiện về triều đình và chính quyền Lương, lẽ tự nhiên là họ muốn được độc lập nhưng rập theo khuôn mẫu Trung Quốc. Ý tưởng có một vị hoàng đế, môt niên hiệu và một cái tên văn vẻ để đặt cho đất nước đều bắt nguồn từ những gợi ý từ triều đình Trung Quốc cả.
Trong khi đó, Triệu Túc rõ ràng là người gốc ở vùng đất thấp trong đồng bằng sông Hồng. Không có chứng cứ gì chứng mình rằng ông là một quan chức của triều đình Lương cả nhưng chắc chắn ông là chủ một gia đình địa phương có thế lực và có ảnh hưởng mạnh ở Chu Diên. Mặc dù Chu Diên nằm ở ven phiá Nam của một trung tâm nông nghiệp, nhưng chắc cũng đã bị bao trùm bởi văn hoá Phật Giáo của Việt Nam.
Họ Đỗ từng cai trị Việt Nam trong nửa cuối của thế kỷ 4 và đầu thế kỷ 5, thiết lập cơ ngơi ở Chu Diên. Đến cuối chương này, chúng ta sẽ thấy xuất hiện nhà sư Phật Giáo, danh tiếng nhất của Việt Nam ở cuối thế kỷ 6, là người gốc ở Chu Diên và cũng mang họ Đỗ. Vậy chúng ta có lý để tin rằng Triệu Túc tiêu biểu cho nền văn hoá Phật Giáo ở đồng bằng sông Hồng.
Là Thái Phó, Triệu Túc có thể đã gây được ảnh hưởng của Phật Giáo lên triều đình Lý Bí. Có bằng chứng cho thấy là một ngôi chùa Phật Giáo với bức tượng “Amitabha”, cao gần 2 mét rưỡi, ngồi trên bệ, được tạc bằng đá, và xây dựng bởi Lý Bí. Kiểu dáng của tượng Amitabha mà nay vẫn còn, rất giống với những tượng được thấy ở Long Môn, Bắc Trung Quốc thuộc thế kỷ 6.
Ông Nguyễn Phúc Long, một sử gia Việt Nam đương đại, cho rằng người như Tinh Thiệu đã từng phục vụ ở triều đình Lương tại Nam Kinh tất đã đem kiểu này từ Trung Quốc về Việt Nam. Bức tuợng vĩ đại được tạc nên để khánh thành triều đại Lý Bí đầu tiên ở Việt Nam. Tượng được đặt ở trong một ngôi chùa tên là Vạn Phúc mà không đề ngày tháng xây dựng, nhưng sử gia Nguyễn Phúc Long cho là ngôi chùa này được xây đựng cùng thời với cung Vạn Thọ. Phúc và Thọ là những danh từ tốt đẹp được dùng nhiều trong văn chương Việt Nam và Trung Quốc thời thượng cổ. Dù sao thì việc lấy Phật Giáo làm nền tảng hậu thuẫn cho một truyền thống quân chủ và độc lập là một trong những chủ đề quan trọng trong lịch sử Việt Nam sau này, đặc biệt là từ thế kỷ 10 đến 14. Chủ đề này có thể đã bắt rễ từ các phong trào độc lập trong thế kỷ 6 và cũng có thể được truy nguyên từ thời Sĩ Nhiếp.
Lý Bí tổ chức triều đình theo phong cách Trung Quốc và có lẽ chính ông là vị vua Việt Nam đầu tiên đỡ đầu cho Phật Giáo vì có nhiều bằng chứng cho thấy nhà vua rất tôn trọng tinh thần thờ phụng của toàn dân chúng. Những di sản và tài liệu về các đình chùa cho thấy Lý Bí đã cho xây một ngôi đền thờ và truy phong chức tước cho Bà Triệu, người nữ anh hùng lãnh đạo cuộc nổi dậy giành độc lập vào năm 248. Ngôi đền thờ này vẫn còn tọa lạc ở vùng đất xưa kia là Cửu Chân hay Ái Châu. Có lẽ Lý Bí cũng biết rằng muốn bắc tiến thì phải đi qua châu Ái như Bà Triệu đã làm trước đó nên sau khi dựng cờ khởi nghĩa ông đã cho xây ngôi đền này, trước là ghi nhớ công lao người nữ anh hung, sau là kích thích tinh thần quân sĩ.
Mặc dù trị vì vỏn vẹn chỉ được vài năm, điều vua Lý Bí luôn quan tâm là trấn thủ chặt chẽ vùng biên thùy và giữ cho dân chúng thái bình. Tài liệu còn sót lại duy nhất nói về việc này là vài dòng ngắn ngủi sau đây viết về Lý Phục Man, một trong các tướng lãnh của Lý Bí:
“Ông (Phục Man) phụ tá vị vua ở phương Nam này với tư cách là một đại tướng quân và nổi tiếng là một người trung thành và dũng cảm. Ông được giao phó cai quản hai vùng thung lũng Đỗ Động và Đường Lâm; bọn Lao [man di] rất sợ ông và không dám gây rối, ông đã giữ được thái bình trong khắp vùng”.
Lý Phục Man được dân chúng thờ phụng sau khi ông mất và được truy phong sau này bởi một vị vua Việt Nam ở thế kỷ 11. Đỗ Động và Đường Lâm được nhắc đến trong các sử liệu Việt Nam ở thế kỷ 10 như là một khu vực nằm dọc theo bờ nam sông Hồng, tây bắc Hà Nội ngày nay. Nhiệm vụ quan trọng của Lý Phục Man là canh giữ bờ nam sông Hồng và bên kia sông là quê hương của Lý Bí nơi ông có trách nhiệm canh giữ bờ phiá bắc để cả hai cùng chung lưng khoá chặt con đường chiến lược dẫn vào vùng núi non và chế ngự vùng đồng bằng khỏi bị các bộ lạc trên núi xuống quấy rối. Những bộ lạc kể trên này được người Trung Quốc và Việt Nam thời đó gọi là Lao; nhưng chân tướng đích thực của họ thì không được rõ, dù được cho là có liên hệ đến các dân tộc thuộc ngữ hệ Thái.
Kinh đô của Lý Bí không được nói rõ trong sử liệu, nhưng chúng ta có thể đoán chính là vùng Gia Ninh, nằm cạnh quê nhà của Lý Bí nơi mà sông Hồng được các sông nhánh khác đổ vào. Tương truyền rằng Gia Ninh, một trung tâm chính trị thiên nhiên ở ngay cửa ngõ vào đồng bằng sông Hồng, là nơi các vị vua Hùng đã từng cai trị Việt Nam rất lâu trước đó.
Trong khi Lý Bí và phụ tá Lý Phục Man canh giữ vùng núi và duy trì thanh bình ở miền đồng bằng thì những tướng quân tin cẩn khác như Phạm Tu, canh giữ vùng biên thùy giáp Lương và giáp Lâm Ấp. Nền hành chánh ở vùng đồng bằng có thể do Tinh Thiệu giám sát từ trị sở của ông trong thành Long Biên. Còn gia đình Triệu Túc, chắc chắn là một gia đình có thanh thế khắp vùng đồng bằng sông Hồng.
Không may cho Việt Nam những hoạt động đầu tiên nói trên của họ để tiến tới độc lập đã bị phá vỡ bởi tài cung kiếm và những tham vọng đế vương của Lương tướng Trần Bá Tiên. Tuy bị bắc triều đè bẹp như thế các phong trào nổi dậy giành độc lập vẫn tiếp tục hoạt động nhiều chục năm sau để luôn nhắc nhớ người Việt rằng họ là một dân tộc riêng biệt. Chính tinh thần độc lập luôn được hun đúc ấy đã đóng góp vào việc giành lại nền độc lập cho Việt Nam sau này.
Lại nhắc lại chuyện Lý Bí, vào năm 545, Lương triều đã phần nào ổn định được tình hình ở phuơng Nam nên lại chuẩn bị để tấn công Lý Bí. Dương Phiêu được phong Thứ Sử Giao Châu và Trần Bá Tiên chịu trách nhiệm về quân sự. Một đội quân gồm phần nhiều là các chiến binh dày dạn kinh nghiệm được tập hợp tại châu Quảng và tiến về phiá Tây để nhập chung với quân của Tiêu Bột, Thứ Sử Định Châu, nay là Quảng Tây. Vì cha của Tiêu Bột là anh em họ với vua Lương nên lời nói của ông rất có ảnh hưởng. Hơn nữa, ở Định Châu đã lâu, Tiêu Bột lại được ở vào địa vị để có thể hiểu biết rõ tình hình ở miền Nam xa xôi, nênTiêu Bột nhắc lại những nỗi sợ hãi của các quân sĩ khi phải tiến vào miền xa xôi ấy và khuyên Dương Phiêu hãy bỏ cuộc viễn chinh và tìm mưu lược khác. Dương Phiêu bèn triệu tập một cuộc họp để hội ý các quan quân nhà Lương. Chính những phát biểu cương quyết của Trần Bá Tiên trong hội nghị này đã dẫn đến quyết định tiếp tục đem quân tấn công Lý Bí và chứng tỏ rằng mộng đế vương của Trần Bá Tiên sẽ thành hiện thực sau này:
Giao Chỉ đã nổi dậy làm loạn và chống lại triều đình, gieo rắc hoang mang và rối loạn sang nhiều châu khác mà vẫn không bị trừng trị năm này qua năm khác. Định Châu muốn hưng binh bí mật tiễu phạt để giải quyết tình hình thay vì tấn công trực tiếp nhưng chúng ta đã nhận được lệnh vua để trừng phạt một tội phạm thì chúng ta phải thi hành lệnh ấy dù chết cũng cam. Nếu chúng ta cứ loanh quanh mãi mà không tiến quân thì càng làm tăng uy thế của loạn quân và làm mất tinh thần quân sĩ chăng ?
Thuyết phục bời những lời lẽ hùnng hồn của Trần Bá Tiên, Dương Phiêu phong y làm tướng tiên phong và ra lệnh tiến quân. Gần cuối mùa hè năm 545, quân Lương tiến vào giang sơn Vạn Xuân. Lý Bí huy động quân lên tới 30.000 người để nghênh chiến khi địch tiến tới đồng bằng sông Hồng. Quân Lương triều tiến vào vào bằng đường nào không thấy ghi trong sử, nhưng dựa theo các chi tiết của cuộc chiến, có thể là bằng đường thủy.
Bị Trần Bá Tiên đánh bại ở vùng đất thấp dưới Chu Diên, Lý Bí liền rút về cửa sông Tô Lịch, vùng ven biên Hà Nội bây giờ. Nơi đây, ông tìm cách chận đánh Bá Tiên với một hệ thống phòng thủ xây đắp vội vàng nên lại thua và phải rút về cố thủ và sau đó bị quân nhà Lương bao vây trong thành Gia Ninh.
Đến năm 546, thành Gia Ninh bị hạ. Nhưng Lý Bí đã chạy thoát được vào vùng núi gần đó, tá túc với các bộ lạc Lao. Từ đây ông lại cố gắng tập hợp một số quân sĩ cùng với một số các thủ lãnh bộ lạc Lao để đến mùa thu năm ấy, ông lại kéo 30.000 quân xuống đồng bằng quyết một trận sống mái với quân nhà Lương.
Lý Bí đóng quân ở bờ hồ Điển Triết trên biên giới quận Tân Xương giữa vùng núi và đồng bằng. Hồ Điển Triết là một hồ điều tiết nước thiên nhiên, cung cấp nước cho các con sông nằm quanh trong mùa cạn và nhận nước từ những sông này vào mùa lũ. Để chuẩn bị, Lý Bí cho quân sĩ đóng nhiều thuyền đậu đầy mặt hồ. Quân Trần Bá Tiên đóng ở vùng cửa hồ và quan sát các hành động chuẩn bị của Lý Bí mà thêm sợ hãi. Cảm thấy giờ phút quyết liệt đã đến, Trần Bá Tiên vội họp các tướng sĩ lại và nói:
Ta cầm quân đã bao lâu nay rồi và quân sĩ hết sức mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác. Hơn nữa, chúng ta ở đây trơ trọi không có quân cứu viện mà lại tiến quá sâu vào đất địch. Nếu không chiến thắng được trận này nữa, làm sao có thể hy vọng sống mà về? Nay vì lẽ địch đã mấy lần thua chạy, tinh thần của chúng tất giao động và bọn man di Lao lại không có kỷ luật và không tin cậy được, nên sẽ dễ dàng cho chúng ta tận diệt. Chúng ta chỉ còn một cách là đánh cho đến hơi thở cuối cùng, tập trung tất cả sức mạnh của ta để chiến thắng. Không có lý do gì trì hoãn nữa. Giờ quyết liệt đã điểm.
Nghe thấy thế các quan quân nhà Lương đang lo lắng đều lấy làm sững sờ và không biết trả lời ra sao vì họ biết rằng, mặc dầu Lý Bí đã thua mấy trận nhưng tài lẩn tránh của ông thật tài tình, nên rất có thể Lý Bí sẽ tồn tại được lâu hơn sức mạnh tấn công của Lương quân. Việc Trần Bá Tiên khẳng định rằng “tinh thần dân quân [ của Lý Bí] giao động” là duy ý chí vì chỉ dựa trên lòng trung thành của ông với bắc triều.
Về phía vua Việt Nam Lý Bí, vì thời gian trị vì quá ngắn ngủi nên chưa tạo được lòng trung thành sâu đậm trong dân chúng Việt. Hơn thế nữa, ý tưởng độc lập đối với triều đình phương Bắc có lẽ còn quá mới để có thể nhiều người lĩnh hội được. Gần một năm đã trôi qua từ khi Lý Bí phải rút lui vào vùng núi nên sự trở về của ông chắc đã nâng cao được tinh thần của người Việt và họ hy vọng rằng cuộc phản công lần này có thể sẽ quét sạch được đạo quân Lương đơn độc ra khỏi bờ cõi.
Đoạn trích lời hiệu triệu của Bá Tiên ở trên cho thấy ở một mức độ nào sự thành công của Lương quân tùy thuộc vào tư cách của một cá nhân và cũng ở một mức độ nào đó các lời hiệu triệu này đã giúp Lương quân vượt qua được những thử thách của các cuộc nổi dậy đang dấy lên như sóng cồn ở miền Nam. Những cái gọi là “sự thất bại” của Lý Bí được ghi trong sử liệu Trung Quốc thật ra có thể chỉ là những lần rút lui chiến lược của ông nhắm mục đích nhử cho quân Trung Quốc vào thật sâu trong nội địa, xa hẳn các căn cứ tiếp tế, để rồi đánh cho chúng bị hao mòn vì mệt mỏi. Nếu kế hoạch của Lý Bí đúng là như thế thì sự lì lợm của Bá Tiên chỉ đưa y đến chỗ thất bại mà thôi. Nói theo Ngô Sĩ Liên, có lẽ lòng Trời chưa thuận cho Lý Bí và nước Việt non trẻ, ngay cái đêm mà Trần Bá Tiên hiệu triệu tướng sĩ thì mưa đổ rất nhiều, mực nước sông đột nhiên dâng cao làm cho nước từ các sông tràn thật nhanh vào hồ Điển Triết khiến các ghe tàu của Lý Bí bị rối loạn. Nắm ngay lấy cơ hội ấy, Bá Tiên cho quân xuống thuyền và kéo tràn vào trong hồ giữa bao tiếng hò reo vang trời. Vì không ngờ là nước sông lại tràn vào hồ nhanh như thế nên quân sĩ của Lý Bí bị rối loạn, tan rã hàng ngũ. Lại một lần nữa Lý Bí chạy thoát vào miền núi giữa các bộ lạc Lao và tập hợp lại quân sĩ trong thung lũng Khuất Liễu ở thượng lưu sông Hồng để tiếp tục chiến đấu. Nhưng lần này một trong các bộ lạc người Lao đã bị Trần Bá Tiên mua chuộc nên đã ám hại và gửi thủ cấp Lý Bí về cho Bá Tiên. Năm 547, sau cái chết của Lý Bí, anh lớn của ông là Lý Thiên Bảo trốn thoát được và chạy về bờ biển ở phía nam Cửu Đức. Nơi đây, với sự hậu thuẫn của một thủ lãnh địa phương là Lý Thiệu Long, ông triệu tập được một đạo quân lên tới 20.000 người. Sau khi tiến quân vào Cửu Đức và giết được Trần Văn Giỏi, Thứ Sử của Lương triều, Thiên Bảo tiếp tục đem quân tiến đánh Ái Châu nhưng Trần Bá Tiên đã kéo viện binh đến kịp thời và Lý Thiên Bảo lại phải chạy vào miền núi. Qua các sự kiện trên chúng ta thấy rằng vì tính cương quyết của Bá Tiên nên vương quốc Vạn Xuân non trẻ của Lý Bí đã bị dẹp tan, nhưng vì những rối loạn bùng nổ ngay sau đó ở miền Bắc đã khiến Trung Quốc không thể tiếp tục kiểm soát Việt Nam được nữa.
2 Bình luận
2 Pingbacks »
[…] Nam khai quốc – Chương 4 phần 1 (sách trang […]
[…] – việt nam khai quốc: địa phương tự chủ trong thế kỷ VI (Da màu) […]