Trang chính » Biên Khảo, Dịch Thuật, Học Thuật, Lịch Sử, Sang Việt ngữ, Văn hóa Email bài này

việt nam khai quốc: Đường-Việt đối đầu (chương 6, phần 1)

PhungHungtemple_thumb.jpg

Những nỗ lực tái lập quyền uy của nhà Đường ở Giao châu

Đầu thế kỷ 9 thì tình hình chính trị ở Trung Quốc đã ổn định và nhà Đường được hưởng một thời kỳ tương đối yên bình dưới thời Đường Hiển Tông (806-820). Đường Hiển Tông gặt hái được ít nhiều thành công trong việc cắt giảm quyền lực của các Đô Đốc và thực thi quyền hành của ông trên phần lớn lãnh thổ đế chế. Thời Đường Hiển Tông trị vì, các viên Tiết Độ Sứ có thế lực đã biến tiềm năng sẵn có của Việt Nam thành một trung tâm quyền lực địa phương tầm cỡ. Chiếc cầu nối giữa thời đại Phùng Hưng và kỷ nguyên mới này của vương triều nhà Đường chính là Triệu Xương.

Triệu Xương cầm quyền ở Việt Nam được tổng cộng 15 năm. Trong suốt thời gian cầm quyền, thay vì tìm cách đè bẹp hay can thiệp vào những thức tỉnh từ tư duy nhạy cảm của người bản xứ, Triệu Xương đã chính thống hoá quyền hành của ông dựa vào chính bối cảnh của những tư duy ấy.

Theo một nguồn sử liệu Việt Nam, Triệu Xương thường đi thăm thú các vùng nông thôn để tìm hiểu các phong tục và tập quán thờ cúng của dân chúng địa phương. Một trong những nơi ông thường lui tới là làng Từ Liêm, cách La Thành một quãng ngắn về phía Tây mà theo truyền thuyết là quê hương của Lý Ông Trọng, một người Việt có vóc dáng khổng lồ được cống nạp sang Trung Quốc dưới thời Tần Thủy Hoàng (246-10 TCN), và đã có công giúp nhà Tần đánh thắng rợ Hung Nô ở biên giới phía Bắc. Triệu Xương rất quan tâm đến sự tích Lý Ông Trọng và cho biết, trong một lần viếng thăm Từ Liêm, ông đã nằm mơ thấy Lý Ông Trọng hiện về và hai ông đã cùng nhau mạn đàm thế nào là cách tốt nhất để cai trị dân, một đề tài trong kinh Xuân Thu, một cuốn sách được viết từ thời Trung Quốc cổ đại. Sau đó, Triệu Xương đã đến tận nơi Lý Ông Trọng sinh ra và cho xây tại đó một ngôi đền thờ và dâng đồ cúng lễ. Việc thờ cúng Lý Ông Trọng được thịnh hành từ đó (1). Là một vị anh hùng địa phương đất Việt lại có công lao bảo vệ thiên triều, nên Lý Ông Trọng đúng là một nhân vật thích hợp để một quan Đô Hộ đích thân chủ trì cúng tế.

Việc nhắc đến kinh Xuân Thu khiến ta nhớ lại những điều răn dạy được các bậc thức giả và danh sĩ đời Đường rất chú trọng và thường xuyên đem ra mổ xẻ. Sự chú trọng ấy bắt nguồn từ thái độ hoài nghi về những điều giải thích trước đó đối với các kinh cũng như mong ước muốn sửa đổi hay truy nguyên ý nghĩa đích thực của kinh Xuân Thu. Những học giả thức thời ấy đôi khi lại còn đi xa hơn bằng cách bênh vực sự khôn ngoan của các bậc trưởng thượng ở trong làng xã khi đem so sánh với những giáo điều trong các kinh (2). Cách Triệu Xương diễn giải kinh Xuân Thu có thể phản ánh một cái nhìn phi chính thống và giải thích tại sao ông lại coi trọng phong tục tập quán địa phương.

Triệu Xương cũng đã thu thập và tìm hiểu các phong tục tập quán Việt Nam và viết thành một cuốn sách nhan đề là “Giao Châu Ký”. Đây là cuốn sách duy nhất có nhắc đến Phùng Hưng cùng những chuyện kể về Lý Thường Minh trong những năm 650. Mặc dù Giao Châu Ký nay đã bị mai một, nhưng một phần của nó đã được chép lại sau này trong một tác phẩm khác viết vào thế kỷ 14 (3).

Sau khi cai trị An Nam được 10 năm, Triệu Xương đã bước vào tuổi thất thập, viện cớ đau chân ông xin về hưu. Mùa hè năm 802, Hàn Lâm Viện Học Sĩ Bùi Thái được bổ nhiệm xuống để thay ông (4). Nhưng Triệu Xương vừa mới đi khỏi thì lập tức Việt Nam lại rung chuyển trong cảnh bị xâm lăng và bạo loạn.

Cuối năm 802, quân Hoàn Vương (Lâm Ấp) đã chiếm được châu Hoan và châu Ái. Hai tháng sau, bất bình vì Bùi Thái ra lệnh bồi đắp lại những công sự phòng thủ ở xung quanh La Thành, một tướng quân tên là Vương Quý Nguyên đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy và đánh đuổi Bùi Thái ra khỏi Đô Hộ Phủ. Việc viên Đô Hộ Bùi Thái có thái độ coi thường các quan chức địa phương, hoặc là việc ông bắt nhân công lao động sửa sang thành lũy đã là nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi dậy.

Mặc dù cuộc nổi dậy của Vương Quý Nguyên đã bị Binh Mã Sứ Triệu Quân dẹp tan ngay nhưng Đường Đức Tông cũng giao động nhiều vì những biến động ấy nên đã đòi Triệu Xương làm một bản tâu trình về tình hình ở Việt Nam. Rất hài lòng về óc sáng suốt và trí thông minh của Triệu Xương qua bản tâu trình mà tiếc thay nay không còn giữ được, nên Đường Đức Tông đã yêu cầu Triệu Xương quay trở lại cương vị cũ. Sách chép rằng khi Triệu Xương trở lại Việt Nam vào đầu năm 804, “nhân dân rất vui mừng và cuộc nổi dậy chấm dứt ngay” (5).

Trong vai trò Tổng Quản Triệu Xương đã tạo được nhiều thiện cảm nhờ tài năng cũng như sự lưu tâm đến dân chúng địa phương. Vì tuổi tác đã cao nên ông cũng chẳng chú tâm đến chuyện vơ vét cho đầy túi hay đến chuyện phô trương quyền hành; đó chính là lý do tại sao dân chúng địa phương đã tín nhiệm ông. Điều khác thường là một viên Đô Hộ như thế mà vẫn được nhà Đường tín nhiệm. Năm 804, khi trở lại Việt Nam Triệu Xương được phong một tước đầy đủ là “An Nam Đô Hộ, Bác sĩ Ngự Sử đài, Kinh Lược Sứ”. Phần lớn các viên Đô Hộ ở Việt Nam vào thế kỷ 9 chỉ cao lắm là lên tới chức “Kinh Lược Sứ”, nhưng Triệu Xương là người duy nhất được phong chức Bác sĩ Ngự Sử đài, tức là ông được quyền tự do hành động, quyền mà xưa nay vẫn thuộc triều đình.

Điều đáng chú ý hơn nữa là sau thời đại Phùng Hưng, lại có một lão trí giả như Triệu Xương, thay vì một đạo quân, được đưa đến để dẹp yên các cuộc nổi dậy ở Việt Nam. Số phận của Vương Quý Nguyên có ra sao đi nữa, người Việt Nam rõ ràng nhận thấy rằng họ đã đoạt được phần thắng trong cuộc tranh chấp với nhà Đường. Họ hân hoan khi thấy người bạn già của họ trở lại. Triệu Xương có thể đã tạo dựng được một hình ảnh như là “cha mẹ dân” trong lòng dân chúng Việt Nam thời đó. Ngược lại với Triệu Xương là Bùi Thái, một viên Đô Hộ xấc xược và luôn cho rằng người Việt Nam phải phục tùng mệnh lệnh. Bùi Thái không hiểu rằng người tiền nhiệm của ông ta đã cai trị thành công Đô Hộ Phủ vì biết gác sang một bên những lề thói vương triều để hòa nhập vào thế giới văn hoá bản địa nhằm thu phục được lòng dân.

Phung Hung templeĐền thờ Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) ở làng Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

Quyền Đức Dư, một thi sĩ và đồng thời là một quan lớn trong triều Đường thời đó (6) đã làm một bài thơ nói về cảnh Bùi Thái phải bỏ chạy khỏi Việt Nam. Bài thơ mô tả sự thất vọng của Trung Quốc không thu phục nổi nhân tâm tại Việt Nam:

Vừa nhận ấn tín Giao Chỉ xong
Từ biệt các quan tại những chặng dừng chân kế tiếp
Đừng nhắc đến việc phục vụ ở nơi xa xôi
Số mệnh con người có lúc vui lúc buồn
Phong ba đường xuống Chu Diên
Cỏ bay, chim lượn vòng theo hộ vệ
Chiến thuyền lướt sóng trên Trướng Hải
Cờ xí cuộn lại trong sương mù
Phóng mắt qua rèm là vùng biên giới xa xa
Lửa trên triền thung lũng đượm mùi cỏ cháy
Nhớ ngày phương Bắc còn giao hảo với người Việt
Một thời gian dài, đôi bên đều được nuôi dưỡng
bằng hương đồng nội phương Nam
Than ôi! Ý hiệp tâm đầu nay còn đâu
Hoan hỉ khi thấy hôn nhân bất đắc dĩ đã kết thúc
Chẳng còn thèm muốn gì nữa khi trở lại
Phải chăng người quân tử còn phiền lòng vì hạt cỏ (7)

“Phong ba đường xuống Chu Diên” là có ý nói đến những con sông quanh co chạy ra biển qua ngả Chu Diên. “Hương cỏ cháy” và “hương đồng nội phương Nam”, là có ý luyến tiếc những đồ xa xỉ quý hiếm của miền Nam trong đó có hương nhang và khói trầm. Đây là sự tiếc nuối vì quan hệ Bắc Nam không còn gì nữa, nhưng dẫu sao cũng được an ủi rằng cuộc “hôn nhân bất đắc dĩ” đã chấm dứt. Câu thơ cuối cùng hàm ý rằng người Việt Nam nổi giận vì Bùi Thái đã can thiệp quá thô bạo vào các sinh hoạt và tập tục địa phương, hoặc cũng có thể hàm ý rằng những cố gắng của Trung Quốc để thống trị Việt Nam thực ra lợi bất cập hại.

Triệu Xương trở lại Việt Nam trong một tình thế vô cùng khó khăn. Ngoài việc cần lấy lại niềm tin của dân chúng ở các châu vừa nhất thời nổi loạn, ông còn cần phải làm cái gì đó cho châu Hoan và châu Ái đang bị Hoàn Vương chiếm đóng. Nhận thấy rằng cần phải có một bàn tay trẻ trung hơn và mạnh dạn hơn để làm những công việc ùn ùn trước mắt nên năm 806, Triệu Xương quyết định trở về Bắc sau khi giao An Nam lại cho người phụ tá tài năng của ông là Phó Kinh Lược Sứ Trương Chu (8).

Trương Chu lập tức được phong Đô Hộ và Kinh Lược Sứ nhằm tránh cái lỗi lầm năm 802 khi Bùi Thái được phái thẳng từ kinh đô xuống. Việc trước mắt là xây dựng lại quân đội Đô Hộ Phủ ngõ hầu thu hồi hai châu Hoan và Ái. Trương Chu chẳng trông mong được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ miền Bắc vì nhà Đường đang phải đem hết sức mình đương đầu với cuộc nổi dậy của “Man Hoàng Động” tại Quảng Tây ngày nay (9).

Việc đầu tiên là Trương Chu cho nới rộng bức tường thành mà Trương Bá Nghi xây năm 708 và sau đó Triệu Xương cũng đã cho sửa sang lại một lần sau khi tới La Thành vào năm 791. Bây giờ, Trương Chu lại xây thêm một tường thành rộng lớn hơn gọi là Đại La. Bức tường thành này cao khoảng 6 mét gồm tất cả 11 cửa ra vào; 5 ở phía Nam; 3 ở phía Đông và 3 ở phía Tây. Những chòi canh được xây ngay ở bên trên 11 cửa ấy, và bên trong thành thì 10 toà nhà lớn được xây thêm (10).

Trong 3 năm, Trương Chu bành trướng quân đội, từ 8.000 quân chính quy lên 300.000 người gồm cả dân binh và những quân tuyển mộ từ những bộ lạc lân cận; xây thêm 30 kho vũ khí để cung cấp cho quân đội. Thủy quân được tăng từ 10 chiến thuyền cũ kỹ, chậm chạp trước đây lên đến 32 chiến thuyền. Mỗi chiến thuyền được bố trí 25 chiến binh, 23 tay chèo và 2 cung thủ (11).

Năm 809, Trương Chu đem quân Nam chinh đánh bại quân của Hoàn Vương và bắt sống được 30.000 tù binh. Trong số tù binh, có cả con trai vua Chàm và 59 quân hầu cận. Trương Chu cũng bắt được hai “Thứ Sử” của châu Hoan và Ái đã bỏ nhà Đường theo Hoàn Vương trước đó. Sau cùng Trương Chu cho xây lại hai thành tại châu Hoan và châu Ái đã bị Hoàn Vương phá hủy. Để thừa nhận uy quyền của nhà Đường tại vùng biên cương, Hoàn Vương và Chân Lạp phải gửi sứ giả lên tận Đại La để bày tỏ thiện chí (12).

Những cố gắng của Trương Chu đã giúp tái lập hữu hiệu quyền uy của nhà Đường tại Đô Hộ Phủ kể từ loạn An Lộc Sơn nửa thế kỷ trước đó. Triệu Xương đã cai trị không bằng sức mạnh mà bằng một tinh thần hợp tác với các quyền lợi địa phương. Đây là giai đoạn chuyển tiếp cần thiết sau khi nhận thấy rõ những cảm nghĩ địa phương trong kỷ nguyên Phùng Hưng. Một mặt họ Phùng đã có thừa thông minh để hiểu rằng bằng quân sự họ không thể thắng được một nhà Đường đang hồi phục. Một mặt Triệu Xương cũng nhận thấy rằng ông ta không thể muốn đẩy người Việt Nam đi đâu thì đẩy. Cuộc phục hồi càng tiến triển, uy thế của nhà Đường ở địa phương càng tăng. Hơn thế nữa dưới áp lực của quân xâm lăng từ bên ngoài, Việt Nam ở cái thế phải chấp nhận sự bành trướng sức mạnh vương triều. Việc hai “Thứ Sử” bỏ theo Hoàn Vương ở châu Hoan và Ái chứng tỏ rằng không phải tất cả người Việt Nam đều ưa thích sự phục hồi của nhà Đường tự đáy lòng; nhưng dù sao sự phục hồi ấy cũng phải dựa vào sự cộng tác liên tục của các quyền lợi địa phương mới được.

Nỗ lực của Triệu Xương và Trương Chu đã giúp xây dựng được một nền móng vững chắc trong quan hệ Đường-Việt. Hai ông cũng giúp tạo được thế quân bình giữa một bên là quyền lực Đường triều và một bên là ý hướng của dân chúng địa phương. Người kế vị Trương Chu là Mã Tổng cũng đã không làm gì để gây nguy hại đến thế quân bình này.

Mã Tổng đến Việt Nam vào mùa Thu năm 810 và tự xưng là hậu duệ của Mã Viện, người đã chinh phục Việt Nam năm 42-43. Hình ảnh của Mã Viện còn tiềm tàng trong ký ức dân chúng Việt Nam nên Mã Tổng đã tìm cách đem uy danh của tổ tiên để tô điểm thêm cho uy danh của chính ông đối với người Việt. Bắt chước Mã Viện, Mã Tổng cho dựng hai cái trụ đồng để đánh dấu biên giới đế quốc của ông ở phía Nam. Sách Trung Quốc kể lại rằng ông là người rất liêm khiết và không hề nhũng lạm. Một bài thơ nói về ông có 2 câu :

Lá cờ đỏ (tượng trưng vương quyền) rực rỡ tung bay ngoài biển cả
Đem luật pháp và trật tự đến cho biên cương phía Nam.” (13)

Nghe đúng là thời thái bình!

Mùa Thu năm 813, Mã Tổng bị thuyên chuyển về Bắc, và Trương Miễn thay thế ông. Nhưng Trương Miễn đã quá già nua không đảm đương nổi nhiệm vụ, nên chỉ một tháng sau ông lại bị thay thế bởi Bùi Hành Lập (14), một viên Đô Hộ không biết thoả hiệp dẫn đến sự chấm dứt kỷ nguyên giao hảo Đường-Việt.

Về thời Bùi Hành Lập, sách chép rằng vì các quan Đô Hộ tiền nhiệm đã không đủ nghiêm khắc hoặc là quá buông thả, nên dân chúng và các quan chức ngày càng vô kỷ luật, cứng đầu cứng cổ. Một lần Bùi Hành Lập đã cho chém đầu một võ quan và cử con trai người đó lên thay vì ông ta đã không tuân thủ lệnh cấm du ngoạn sông nước. Sau việc này, quyền hành được củng cố và không khí oai nghiêm lúc nào cũng ngự trị. Hành xử cứng rắn kiểu ấy cũng được áp dụng cả với bên ngoại giao. Một thuộc hạ phản nghịch của Hoàn Vương đến xin Bùi Hành Lập cứu viện, nhưng thủ cấp của y được đem gửi trả ngay cho vua Chàm (15).

Tuy nhiên, chính sách hà khắc đó đã gây bất mãn dẫn đến thái độ bất phục tùng trong số các quan chức địa phương mà chính quyền trung ương lúc ấy phải dựa vào. Tầng lớp này đã vươn lên được là nhờ sự hướng dẫn che chở của những viên Đô Hộ như Triệu Xương, Trương Chu, và nó đã phát triển mạnh mẽ ngay cả dưới hình thức đế quốc mềm dẻo hơn dưới thời Mã Tổng. Chính sách cứng rắn của Bùi Hành Lập đã làm hiện nguyên hình bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Đường triều đối với Việt Nam đồng thời bộc lộ mâu thuẫn rõ nét giữa một bên là tham vọng của đế quốc và một bên là truyền thống bản địa. Một cuộc nổi dậy mạnh mẽ là điều không thể tránh khỏi trong tương lai.

**************

Ghi chú:

(1) Việt Điện U Linh Tập (VĐULT), 15-16.

(2) William Nienhayser, Bì Nhật hưu (P’i Jih-hsiu), trang 19, 45, 66.

(3) Xem Phụ lục J (Các nguồn về thời đại Phùng Hưng) và Émile Gaspardone, “Thư mục An Nam”, trang 129. Theo một truyền thuyết, được tăng bổ dưới thời Tự Đức (nửa đầu thế kỷ 19), chép trong VĐULT, Triệu Xương đã lập ra “Đông Giao Hương hiệu” ở phía Đông trị phủ Giao châu, cách La Thành khoảng 25 dặm về phía Đông; chỉ trong một thời gian ngắn trường đã trở nên nổi tiếng. “Học trò đông như mây nhóm, thành nơi đô hội, ban đầu còn xưng là Độc thôn, sau biệt ra làm xã Đơn Luân, học trò trường này đến sau có rất nhiều người thành đạt, làm quan vinh hiển.” Sau khi Triệu Xương mất, người ta đã xây một đền thờ ông và thường xuyên cúng tế (VĐULT, 52-53). Trong thời Việt Nam độc lập, khu vực nhà trường trước kia trở thành một trung tâm đào tạo lớn, đã sản sinh ra một số lớn học giả và quan chức cho chính quyền Việt Nam. Sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề (thế kỷ 18) có liệt kê nhiều dòng tộc và địa phương có truyền thống sản sinh ra nhiều học giả và quan chức; trong số nhiều chính khách nổi tiếng xuất thân từ địa phương này có Phạm Công Trứ, người đã điều khiển công việc của nhà Trịnh trong hơn hai mươi năm, vào khoảng giữa thế kỷ 17.

(4) Cựu Đường thư (CĐT), 13, 196 và Tân Đường thư (TĐT) 170, 8b-9a.

(5) Về cuộc xâm lăng của Hoàn Vương, xem TĐT, 7, 10a. [Biên niên sử trong] CĐT (13, 206) chỉ nói qua rằng một viên tướng địa phương là Vương Quý Nguyên đã đánh đuổi Bùi Thái về nước. Tiểu sử Triệu Xương cũng có chi tiết này nhưng không nêu tên Vương Quý Nguyên (TĐT, 170, 9a). TĐT (7, 10a) chép thêm rằng Binh mã sứ Triệu Quân đã dẹp yên viên tướng nổi loạn. Tư trị thông giám (TTTG), 236, quyển 12, 698 mở rộng hơn, nói rõ Triệu Quân chặt đầu Vương Quý Nguyên và đưa Bùi Thái trở lại. An Nam chí lược (ANCL), 99, chỉ nói răng Vương Quý Nguyên đánh đuổi Bùi Thái. Việt Sử Lược (VSL) 1, 106, còn chép không đúng rằng Bùi Thái bị Vương Quý Nguyên giết chết và sau đó Triệu Quân được cử làm Đô Hộ. Đại Việt Sử ký toàn thư (ĐVSKTT), 5, 6b-7a không đề cập đến việc hồi chức của cả Bùi Thái lẫn Triệu Quân, nhưng có đưa ra nguyên do của cuộc binh biến.

(6) Tiểu sử Quyền Đức dư trong CĐT, 148, 8a-11a, và TĐT, 165, 8b-10a.

(7) ANCL, 157.

(8) TĐT, 170, 9a; CĐT, 14, 10b. Triệu Thường đã giữ chức Tiết Độ sứ tại Quảng Châu, trước khi trở về phương Bắc và mất ở đó vào tuổi 85.

(9) CĐT, 14, 8a; TTTG, 237, quyển 13, 19, 31.

(10) Đại Việt Sử ký Toàn thư (ĐVSKTT), 5, 6b; ANCL, 99-100.

(11) ANCL, 100, là nguồn chủ yếu chép về những cải cách quân sự của Triệu Xương. ĐVSKTT, 5, 7a, chỉ đề cập đến những chi tiết của thủy binh và nói ba trăm thuyền mới, thay vì 32 thuyền.

(12) CĐT, 14, 15a; TĐT, 7, 13a, và 222c, 16a-b; TTTG, 238, quyển 13, 47; ANCL, 100; ĐVSKTT, 5, 7a.

(13) CĐT, 14, 17a; ANCL, 100.

(14) CĐT, 15, 4a-b.

(15) ANCL, 100.

bài đã đăng của Keith Weller Taylor

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)