Trang chính » Câu chuyện Nghệ thuật, Hội Họa, Nghệ Thuật, Tạo hình Email bài này

Họa sĩ Cao Bá Minh trong thế giới “Vô hạn”

Pic1.chandungtuhoa_thumb.jpg

 

Pic1.chandungtuhoa

Tranh ông lần này khác, vì tranh ông đi về trừu tượng. Lâu nay ta quen với lối tranh hình tượng. Thấy một hoạ sĩ vẽ mèo, ta thấy rõ là hoạ sĩ vẽ con mèo chứ không phải con chó. Trong khi nhìn vào 1 bức tranh trừu tượng, ta thấy khác. Khi một hoạ sĩ vẽ trừu tượng họ gạt bỏ những gì không cần thiết , điều họ gạt bỏ đầu tiên là hình tượng….”

Đó là một phần trong bài hoạ sĩ Ann Phong phát biểu bên dưới, trong buổi triển lãm tranh Cao Bá Minh. Tôi dự nhiều buổi triển lãm tranh mà chưa lần nào khách thưởng ngoạn được hướng dẫn tỉ mỉ và kỹ càng trong thể thức xem tranh trừu tượng như thế.

Vào hai ngày 19, 20 tháng 11 năm 2016 vừa qua, khách thưởng tranh đã được mời đến để tìm hiểu và thưởng lãm một loạt tranh mới của họa sĩ Cao Bá Minh. Buổi triển lãm được khai mạc vào ngày thứ sáu 18 tại phòng sinh hoạt Việt Báo, có tiệc trà và chương trình nhạc thính phòng. Các pianist Đỗ Bằng Lăng, Ngô Diễm Uyên, Guitarist Nguyễn Thái Minh và ca sĩ Bích Liên cùng đến phụ giúp khiến bầu không khí phòng tranh phong phú hơn. Mắt người thưởng ngoạn không những được ngập sâu trong nghệ thuật thị giác mà tai còn được vỗ về khoan thai với nghệ thuật âm thanh và cung nhạc cổ điển, tiền chiến. Các tác phẩm của Phạm Duy, Cung Tiến, và một số nhạc phẩm cổ điển Tây Phương được trình diễn.

Ngay từ phút phòng tranh mở cửa, đã có rất nhiều quan khách và thân hữu ghé qua phòng tranh. Trong giới hội hoạ có hoạ sĩ Ann Phong, ông bà Nguyên Khai, Nguyễn Việt Hùng… Bên văn nghệ sĩ ghi nhận được có, Ông bà nhạc sĩ Cung Tiến, nhà văn Nhã Ca, tài tử Kiều Chinh, Ông bà Y Sa, Vũ Quí Hạo Nhiên, và các nhà văn Đặng Phú Phong, Đặng Thơ Thơ, Hồ Như, Nguyễn Thị Ngọc Lan .v.v…

Họa sĩ Cao Bá Minh sinh năm 1942 tại Hải Dương, Việt Nam. Ông tự học hội họa, không qua trường lớp mỹ thuật nào.  Cao Bá Minh đã từng triển lãm nhiều nơi tại Việt Nam trước 1975.  Sau khi định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1991, ông tiếp tục sống với hội họa.  Cao Bá Minh đã từng triển lãm tại trường Truman College, Chicago, Illinois, ở Orientations Gallery và The Campagna Center của thành phố Alexandria, Virginia, và ở Nhà Bảo Tàng Nghệ Thuật Chicago, Illinois, và nhiều phòng tranh tại quận Cam, nơi  ông đang cư ngụ.  Bức “Chân Dung Của Một Người Lính Sau Chiến Tranh” (“Portrait of a Soldier After War”) của Cao Bá Minh vẽ năm 1993, hiện nay thuộc bộ sưu tập của Nhà Bảo Tàng Cựu Chiến Binh Việt Nam ở Chicago.  Lần triển lãm gần đây nhất của hoạ sĩ Cao Bá Minh do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức vào năm 2013.

zpfile001 

Sau buổi tiệc trà tiếp tân, Bà Lê Đình Y Sa, giám đốc điều hành hội VAALA – Vietnamese American Arts & Letters Association, đã giới thiệu hoạ sĩ Cao Bá Minh và bà Ann Phong, chủ tịch hội đồng quản trị của VAALA lên nói chuyện về hoạ phẩm và tác giả.

zpfile005

Họa sĩ Cao Bá Minh đã nói về Chủ đề “Vô hạn” của loạt tranh mới sáng tác lần này. Sự gợi hứng đến từ mối tương quan giữa con người và vũ trụ mênh mông. Con người là một tế bào trong vũ trụ, không thể tách rời khỏi vũ trụ. Chính vì thế giới mênh mông không có giới hạn nên chúng ta hoà nhập vào một không gian mới và từ đó con người mình không bị giới hạn nên vấn đề sáng tác còn mãi. Ông thêm, nếu mọi người thích loạt tranh này trong vài năm nữa ông sẽ có một cuộc triển lãm mới khác.

Phần giới thiệu và phân tích tranh Cao Bá Minh của hoạ sĩ Ann Phong đã khiến cử toạ tán thưởng và theo dõi một cách say mê. Ngoài công việc giảng dạy hội hoạ ở trường đại học Cal Poly- Pomona, bà còn là một hoạ sĩ sáng tác. Bài phân tích của bà kỹ lưỡng, dễ hiểu và có tác dụng hướng dẫn cùng giáo dục khách thưởng ngoạn cách để xem tranh, nhất là tranh trừu tượng, một cách sâu sắc.

zpfile003

“Tranh ông lần này khác, vì tranh ông đi về trừu tượng. Lâu nay ta quen với lối tranh hình tượng. Thấy một hoạ sĩ vẽ mèo, ta thấy rõ là hoạ sĩ vẽ con mèo chứ không phải con chó. Trong khi nhìn vào 1 bức tranh trừu tượng, ta thấy khác. Khi một hoạ sĩ vẽ trừu tượng họ gạt bỏ những gì không cần thiết , điều họ gạt bỏ đầu tiên là hình tượng. Cái đẹp của một bức tranh trừu tượng là cách họ đi vào tranh họ. Cái đẹp và những yếu tố chính nằm trong đường nét, màu sắc, độ đậm lợt, kết cấu của một bức tranh. Khi Ann hỏi CBM tại sao lại chọn chủ đề “Vô hạn” . Ông trả lời, vô hạn đối với ông có nghĩa là “Thời gian”. Trời cho ông bao nhiêu thời gian thì bấy nhiêu thời gian ông có thể dùng nó để vẽ, nên nó vô hạn. Tuy nhiên, riêng đối với Ann thì, Picasso có nói “Điều mình vẽ không quan trọng bằng tiến trình lúc mình vẽ”. Nghĩa là cách ông vẽ như thế nào. Ông chọn những phong cách khác nhau. Lần này ông chọn trừu tượng. Khi nhìn vào một bức tranh trừu tượng bạn không thấy Phật, không thấy chủ đề, nó không phải là điều họa sĩ muốn nhấn mạnh. Mỗi đường đi, mỗi nét cọ và màu sắc ông dùng chính là cái đẹp mà ông ta đã chọn lựa. Do đó khi bạn nhìn vào tranh ông trong những thời kỳ khác nhau, chúng ta thấy ông sáng tác những bức tranh lợt màu trước những bức tranh đậm màu. Khi nhìn những bức tranh của CBM, Ann thấy được cái “Vô hạn”, không những trong thời gian như anh nói mà Ann còn thấy được cái “Vô hạn” trong không gian của bức tranh. Tức là khi quí vị đứng gần một bức tranh, quí vị sẽ thành một phần tử ở trong tranh đó. Bởi vì bức tranh ấy không có hình, không có dạng, mọi góc cạnh trong tranh biến thành một điểm tụ. Khi quí vị lưu động thì điểm tụ của mắt quí vị di chuyển khi nhìn theo bức tranh. Bố cục của tranh được gọi là bố cục mở có nghĩa là không có điểm chính, không có điểm phụ. Chỗ nào quí vị nhìn vào đó là điểm chính. Có người nhìn vào tranh CBM nói là khó hiểu. Thực ra tranh trừu tượng không phải để hiểu. Do đó khi xem tranh trừu tượng không nên tìm hiểu về câu chuyện đằng sau bức tranh mà phải đi theo cảm hứng của người hoạ sĩ khi họ cầm cọ họ xài màu như thế nào , đường đi của nét cọ ra sao. Trong tranh CBM có chiều sâu của nét cọ, cái không gian trong bức tranh. Một bức tranh khi nhìn gần, quí vị sẽ thấy những màu sắc đằng trước. Nếu để ý, quí vị sẽ thấy những màu sắc đằng sau sẽ hiện ra, tạo nên chiều sâu của bức tranh. Những chiều sâu này có được, zpfile004do CBM đã cạo màu mà thành. Tỷ như trong màu xanh, ẩn màu vàng, trong màu xanh ẩn màu cam, trong màu xanh ẩn màu trắng. Thế nên khi xem tranh trừu tượng, ta nên đi theo cảm xúc của mình. Khi một người hoạ sĩ hay CBM vẽ, ông không nhắm vào người, cảnh, vật hay một cái gì hết. Nếu hỏi ông, khi vẽ ông có thấy trước bố cục bức tranh ra sao không? Ông nói, ông không thấy gì hết, chỉ thấy trước mặt tấm canvas trống và ông bắt đầu bỏ màu lên, bỏ bao nhiêu và kéo nó bao xa, ông sẽ quyết định vào lúc đó. Khi ông vẽ, cái màu trước nói chuyện với cái màu sau và màu sau nữa. Đó là cuộc đối thoại giữa hoạ sĩ và tranh ông. Còn quí vị? Khi đối thoại với tranh ông, có người thấy một cánh rừng, người thấy một bình bông hay đám mây. Nếu hỏi CBM ông sẽ nói không, đó là do quí vị thấy, chứ không phải ông ấy thấy. Vì vậy loạt tranh trừu tượng quí vị xem hôm nay thuộc loại mở, tức cánh cửa nghệ thuật mở mời quí vị đi vào. Quí vị muốn bắt tay ai, người nào trước, người nào sau, tùy quí vị. Xong quí vị đứng lại, lúc đó sẽ thấy màu sắc nói chuyện với mình. Nó rất mở rộng. Khi quí vị xem tranh, cứ để lòng mở rộng. Mỗi người có một cảm xúc khác nhau. Khi người hoạ sĩ vẽ thì đó là cảm xúc riêng của ông ta, nhưng khi mình xem tranh lúc đó là cảm xúc riêng của mình.

Những bức mới hôm nay có màu đậm hơn. Đối với Ann đó là cách ông đã bỏ đường cũ để tìm một con đường mới. Khi tìm con đường mới ấy, ông đã có can đảm bỏ những gì đã làm ông nổi tiếng, vì ông đã nổi tiếng với những màu nhẹ. Sự thay đổi màu sắc đi đôi với cảm xúc mới. Người xem tranh mỗi người có một cảm xúc riêng biệt. Nghệ thuật tạo hình đương đại hôm nay hay ở chỗ đó, nhất là mỗi người xem tranh có con mắt và kinh nghiệm sống khác nhau nên cảm xúc khác nhau. Ann hy vọng khi xem tranh mọi người thấy được điều đó”.

Khách xem tranh ra về lòng phơi phới, được xem, mua tranh, nghe nhạc thưởng trà, rượu, bánh và tấm lòng yêu nghệ thuật được vỗ về thật trìu mến.

Trịnh Thanh Thủy

 

Pic 1- Chân dung tự hoạ Cao Bá Minh, sơn dầu

Pic 2- Hoạ sĩ Cao Bá Minh đứng cạnh bức Trường Thành, sơn dầu

Pic 3- Hoạ sĩ Ann Phong phát biểu trong buổi triển lãm

Pic 4- bức “Hương Tàn”, sơn dầu

pic 5- bức “Bài thơ không đoạn kết”

bài đã đăng của Trịnh Thanh Thủy

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)