Trang chính » Hội Họa, Nghệ Thuật, Phỏng vấn Email bài này

Trịnh Cung và hội họa hiện thực trắng đen

Pic-1-chn-dung-TC_thumb.jpg

 

Pic 1 chân dung TC
Chân dung họa sĩ Trịnh Cung (Dung Gypsy’s Coffee)

Trong một buổi tổ chức sinh nhật 80 của mình tại tư gia ở Quận Cam, hoạ sĩ Trịnh Cung đã khai mạc một buổi triển lãm nhỏ cho bạn bè thân hữu đến thăm được thưởng ngoạn những bức tranh mới sáng tác của ông. Loạt tranh mới đã và đang được vẽ gần đây gây cho tôi và khách tới xem nhiều ấn tượng. Đó là những bức sơn dầu đen trắng vẽ theo lối hiện thực, tỏ rõ ông đang rẽ sang một bước ngoặc khác, trong hành trình làm mới của mình.

Những tấm ảnh đen trắng đã khởi đầu nghệ thuật nhiếp ảnh vào thế kỷ thứ 19. Cùng sự tiến bộ vượt bực của kỹ thuật, nhiếp ảnh màu ra đời và ngày nay nó đã thống trị toàn thế giới. Ngược lại nền nghệ thuật thị giác lại bắt đầu bằng những tranh vẽ có màu sắc. Thủa xa xưa, cách đây 40 ngàn năm, các bức vẽ có màu, khắc trên đá, trong các hang động cổ xưa từ thời đồ đá còn lưu lại vết tích đến ngày nay. Trong đời sống cũng như hội họa, sắc màu là yếu tố chính để diễn tả tư duy, cuộc đời hay nội dung của một bức tranh. Tuy nhiên, cũng không hiếm các nhiếp ảnh gia hay hoạ sĩ ngày nay, từ bỏ màu sắc để đi ngược về thế giới trắng đen của một thời đã qua, mà hoạ sĩ Trịnh Cung là một thí dụ điển hình.

TTT: T được biết anh vẽ tranh trừu tượng trong một thời gian dài, lý do nào đã khiến anh đổi qua vẽ tranh hiện thực, lối vẽ này có thích hợp và thể hiện được những tư duy hay cảm xúc của anh về cuộc sống không?

TC: Đúng hơn là tôi vừa chuyển sang vẽ Hiện thực sau hơn 50 năm vẽ theo hội hoạ Hiện Đại, mà trong đó 25 năm sau cùng tôi vẽ hẳn Trừu Tượng. Thật ra, tôi cũng không biết chắc mình có bỏ hẳn việc vẽ tranh Trừu tượng không. Tuy nhiên, sáng tạo nghệ thuật luôn đòi hỏi nhà nghệ sĩ phải tìm kiếm cái mới, một sự thay đổi, một sự canh tân phù hợp với bản thân và cả với thời đại. Điều này vốn không dễ, vì từ bỏ một điều gì đã làm nên thẻ căn cước nghệ thuật của mình là cả một sự khó khăn, thậm chí là bất khả. Cho nên, tôi đã phải kéo dài việc theo đuổi hội họa Hiện Đại đến sát tuổi 80 mới tìm được một hướng đi khác hẳn cho hội hoạ của mình. Đó là đến với hội họa Hiện Thực. Tôi đến chứ không phải trở về với Hiện Thực vì tôi chưa từng vẽ tranh theo trường phái này bao giờ, trừ mấy năm còn học ở Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. Thuở ấy chỉ là những bài tập, không phải là những sáng tác. Do đó nó rất mới với tôi, và có ý nghĩa như một sự thử thách. Và lại càng thử thách hơn khi tôi vẽ thứ hiện thực không màu bằng chất liệu sơn dầu trên canvas khổ lớn!

Hiện thực không màu là làm mất đi một phần quan trọng của hiện thực và như thế là đi ngược về với nhiếp ảnh của thời chưa tìm ra phim màu.

Với tôi và cho tôi, sự thay đổi này là một “biến cố” thích hợp nhất để giúp tôi ra khỏi cuộc khủng hoảng sáng tạo đã kéo dài trong tôi cả nhiều năm gần đây, đồng thời nó cũng rất phù hợp với hoàn cảnh phải bắt đầu một cuộc sống xa lạ trên một đất nước khổng lồ về mọi thứ như Hoa Kỳ. Chỉ có thứ hội họa này tôi mới viết một tự truyện về những gì đang làm thay đổi, đang gây ra những ám ảnh, những cảm xúc mà tôi chưa từng trải qua khi còn ở trong nước.

 

Pic 2 Một gia đình
Họa phẩm “Một gia đình” (Trịnh Cung, sơn dầu trên bố)

TTT: Trong lịch sử hội họa, tranh sơn dầu đen trắng không phải mới, những họa sĩ nổi danh như Duchamp, Picasso, Dali từng có những tác phẩm nổi danh trong lãnh vực này. Anh bước vào trắng đen như một tìm tòi, thử nghiệm mới. Theo anh, để gọi là mới, loạt tranh mới này có gì khác biệt với những tác phẩm của các danh họa?

TC: Tranh họ rất khác với tranh tôi hiện nay. Thứ nhất, ví dụ như tranh của Marcel Duchamp, nhà danh họa này không vẽ theo Hiện thực mà chỉ vẽ hữu hình hiện đại với rất ít sắc độ và bỏ qua nhiều chi tiết cơ thể con người. Tranh Dali thì không theo Hiện thực và không phải là một giai đoạn. Còn những họa sĩ khác cũng không ngoài việc vẽ về người khác, không ai kể câu chuyện về mình bằng hội hoạ Hiện Thực với chất liệu sơn dầu. Đó là chỗ khác biệt với tôi.

TTT: Với nhiếp ảnh, trong một tấm ảnh màu, màu sắc chi phối bố cục và nội dung. Ở một bức hình trắng đen, người xem nhìn thẳng vào chủ đề và người ta thấy sự khác biệt về sự tương phản trong sắc độ. Do đó người chụp ảnh trắng đen chụp theo đường nét, phối cảnh và tập trung vào nội dung của tấm ảnh. Khi chụp ảnh trắng đen, sắc độ đậm lợt của màu sắc ánh sáng từ đen tới trắng rất quan trọng. Grayscale trong nhiếp ảnh tương tự như các phím đàn dương cầm miêu tả được âm thanh từ thấp đến cao. Trong hội họa trắng đen, chỉ đơn thuần hai màu, khi dùng sơn dầu làm chất liệu, anh có kỹ thuật pha màu đặc biệt nào mô tả được những sắc độ hay điều phức tạp anh muốn nói trong nội dung bức tranh?

TC: Trong nhiếp ảnh đen trắng, nghệ thuật của nó là làm sao những tình cảm của nhà nhiếp ảnh phải được đọc một cách tinh tế bằng mắt của người xem chỉ qua ngôn ngữ của ánh sáng được tác giả phân bổ làm sao để mọi sự vật, câu chuyện trong bức ảnh được nhận ra từng vai trò của nó, nhân vật chính và các yếu tố phụ đã phối hợp như thế nào mà tác phẩm trở nên sinh động, cuốn hút, mà không cần đến vai trò của xanh- đỏ -tím -vàng. Đó là thứ thẩm mỹ không màu và ngày nay, khuynh hướng này đang được các nghệ sĩ nhiếp ảnh trên thế giới quay lại.

Trong bộ tranh sơn đầu đen trắng có chung tên “Câu chuyện của một di dân mới ở Cali”, tôi cũng áp dụng kỹ năng phân bổ các sắc độ để diễn tả các sự vật và nhân vật làm sao để không làm lẫn lộn các vai trò, tình tiết, mà kịch bản chú trọng. Chỉ khác với nhiếp ảnh là một bên cần công cụ là máy hình và buồng tối và bên kia là vẽ bằng tay hoàn toàn.

TTT: Loạt tranh mới anh lấy tựa đề là “Câu Chuyện của Một Di Dân Mới ở Cali” giống như anh vẽ tự truyện hay hồi ký về cuộc đời mình bằng tranh. Tuy câu chuyện di dân của anh tương tự như bao nhiêu câu chuyện của người Việt tị nạn khác, anh có nghĩ đến vấn đề thương mại là tranh có bán được không, khi mình vẽ cho mình và chính mình?

Pic 3 TC đang hoạ
Ảnh chụp Trịnh Cung đang hoàn tất một bức trong "Câu chuyện của một di dân mới ở Cali"

TC: Với loạt tranh này, tôi hoàn toàn không nghĩ đến chuyện buôn bán vì nó không phải là thứ tranh treo cho đẹp nhà cửa, thậm chí là nó còn mang màu u ám theo cách nhìn và suy nghĩ thông thường. Và nếu có ai muốn mua một bức trong số này thì tôi cũng xin lấy làm tiếc là không thể tách bức đó ra khỏi “gia đình” của nó vì mỗi bức là một chapter. Tôi hy vọng là nó sẽ góp mặt trong cuộc triển lãm nào đó với chủ đề về “Di Dân” chẳng hạn. Cầu cho tôi có đủ sức khoẻ để hoàn tất vào mùa thu năm 2018 bộ tranh “Câu Chuyện của Một Di Dân Mới ở Cali”.

TTT: Nhắc đến câu chuyện của những người di dân, đó là cả một thiên trường ca của người tị nạn Việt Nam, viết biết bao nhiêu chương cũng không hết. Người di dân trôi dạt ra hải ngoại từ 1975 đến giờ có lẽ đã an cư lập nghiệp và bỏ những kinh nghiệm đau thương, thống khổ (nếu có) vào ngăn kéo quá khứ và tạm quên đi. Anh là người di dân mới, muốn kể chuyện mình bằng tranh, hội hoạ trắng đen lại quá cô đọng và hạn chế màu sắc, làm sao anh có thể kể cho đầy đủ và đi vào chi tiết những gì anh muốn nói?

TC: Câu hỏi này của chị rất quan trọng. Sở dĩ tôi chọn vẽ hiện thực không màu là vì tôi muốn khác đi, không muốn lập lại cách vẽ truyền thống của hiện thực. Tôi muốn tự làm khó mình khi không sử dụng màu và tôi nghĩ làm như thế nó gần với văn chương, ngôn ngữ chữ viết. Nghệ thuật nhiếp ảnh đen trắng vẫn rất thành công trong diễn đạt kia mà. Lẽ dĩ nhiên như chị đã nêu trong câu hỏi và tôi cũng đã nêu vấn đề này trong phần trả lời ở một trong những câu hỏi đầu tiên là tôi muốn Thử Thách, tôi thử nâng độ khó trong diễn đạt lên một mức. Tôi chọn sự giản dị nhưng không được sơ sài, chân thật nhưng không thô thiển và với cách vẽ này tôi kể được câu chuyện  thật cuộc sống mới hiện nay của tôi và gia đình riêng.

Pic 4 Nàngshopping
Họa phẩm “Nàng shopping” (Trịnh Cung, sơn dầu trên bố)

Việc này cũng gần giống với cố thi sĩ Thanh Tâm Tuyền khi từ trại tù “cải tạo” về, ông đã không làm thơ như thời của những “Liên đêm mặt trời tìm thấy”, ông dùng thể thơ lục bát để kể chuyện những ngày nhọc nhằn lao động khổ sai.

Mỗi cuộc đời, hạnh phúc và đau khổ, thành đạt và thất bại, lưu giữ hay quên lãng, nói ra hay cất dấu,… đều không ai giống ai. Bên văn chương có thể các nhà văn VN di dân hay tị nạn đã viết nhiều về đề tài Di Dân, nhưng hội họa, có lẽ không ai làm như tôi. Nhưng trên hết, đó là sự chọn lựa một cách vẽ rất khác tôi của những năm tháng trước mà tôi đã ít nhiều được đánh giá, được yêu thích.

pic 5 Giai đoạn vẽ phác thảo
Họa phẩm “Trong giai đoạn vẽ phác thảo” (Trịnh Cung, sơn dầu trên bố)

Có thể, với loạt tranh này, tôi tìm lại một cách trọn vẹn, đã ngộ ra cái nguyên bản hội hoạ của mình sau hằng chục năm sôi nổi hoài bảo và mộng mị.

Trịnh Thanh Thủy thực hiện

bài đã đăng của Trịnh Thanh Thủy

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)