Trang chính » Chụp và Chép, Du lich, Email bài này

Giáng Sinh ở nơi xa nhà

1 bình luận ♦ 24.12.2011
BuiVanPhu_20111222_GiangSinh_H01_HoatCanh_thumb.jpg

 

BuiVanPhu_20111222_GiangSinh_H01_HoatCanh

Hoạt cảnh đón Chúa Hài Đồng do các em Thiếu nhi Thánh Thể thực hiện (ảnh Bùi Văn Phú)

 

Giáng Sinh đầu tiên tôi xa gia đình là ở miền đất cách quê hương một đại dương bao la. Xa cả nửa vòng trái đất.

Năm đó người trong giáo xứ bảo trợ đưa mấy anh em vào rừng chặt thông đem về nhà trưng. Ra cổng trả tiền theo chiều cao của cây. Hai mét, giá 20 đô-la. Lần đầu tiên lạc vào rừng thông, mùi nhựa và hương thông thoang thoảng trong gió se lạnh cho tôi cảm giác lâng lâng. Mơ mộng. Nhớ nhà. Sài Gòn gần độ Giáng Sinh có năm trời se lạnh, trên nhiều con phố cũng bày bán thông, nhưng hầu hết là thông kim tuyến. Không chút hương thơm.

Năm đó tôi dự lễ nửa đêm đầu tiên nơi xứ lạ. Giáo đường vang vang thánh ca. Tiếng Anh còn lõm bõm, chưa nghe ra ca từ của “Silent Night, Holy Night”. Qua điệu nhạc quen thuộc tôi theo giọng ca đoàn ngân nga trong đầu: “Đêm Thánh vô cùng. Giây phút tưng bừng. Đất với Trời. Se chữ đồng…”.

Xanh của thông. Trắng của tuyết. Đỏ của Santa Claus. Đèn mầu rộn ràng nhấp nháy. Bên cạnh cây thông lòng tôi không reo vui mà buồn xám ngắt. Nỗi nhớ nhà buốt như cắt da.

 

BuiVanPhu_20111222_GiangSinh_H02_GiaoDan

Người tị nạn ở Galang đón mừng Giáng Sinh (ảnh Bùi Văn Phú)

 

Thập niên sau tôi lại đón Giáng Sinh xa nhà, nơi một vùng đất mới. Xa nước Mỹ. Xa cả Việt Nam.

Năm đó tôi công tác tại xứ Togo bé nhỏ ở châu Phi. Dạy học ở tỉnh, những kì nghỉ lễ thường về thủ đô Lomé ở chơi với đôi vợ chồng bạn thân đồng hành.

Một dịp, chị bạn có mẹ từ bang Oregon qua thăm và muốn đi lễ đêm Giáng Sinh. Cả ba chúng tôi đều là người Ki-tô giáo, gia đình bạn đạo tin lành còn tôi công giáo. Đã lâu không ai đi lễ đêm Giáng Sinh. Phần tôi vì thời tiết lạnh ở Hoa Kỳ nên nhiều năm qua ngại không ra đường lúc đêm khuya. Đôi vợ chồng bạn, trước khi sang Togo đã làm việc nhiều năm tại một làng nhỏ bên xứ Nepal nên cũng không có cơ hội đi lễ. Tối nay theo đề nghị của người mẹ muốn có những hiểu biết hơn về đời sống, sinh hoạt tôn giáo của dân Togo nên chúng tôi rủ nhau đi lễ nửa đêm mừng đón Giáng Sinh nơi xứ lạ.

Togo có dân số hơn 5 triệu, đa số theo đạo thờ cúng vật tổ, 51%; Thiên Chúa giáo 30%, Hồi giáo 19%.

Trời ấm áp. Bên ngoài nhà thờ chính toà hai bên giăng đèn màu từ tháp cao đổ xuống. Bên trong đã đông giáo dân. Đang ngó tìm chỗ trống, một ông quản thấy chúng tôi là người ngoại quốc nên mời lên ngồi vào những hàng ghế đầu dành cho quan khách và người nước ngoài, ngay trước tượng Chúa Hài Đồng.

Thánh lễ bằng tiếng Pháp. Tôi đủ khả năng hiểu và vì cũng quen với nghi thức phụng vụ công giáo nên dễ hiệp thông, hướng tâm hồn lên cầu nguyện. Ca đoàn hát tiếng Pháp và tiếng địa phương, Ewe hay Mina tôi không rõ. Khi điệu nhạc quen thuộc của bài thánh ca trổi lên, âm vang tiếng Pháp và tiếng địa phương hoà vào nhau, lòng tôi lại reo lên lời ca tiếng Việt: “Đêm Thánh vô cùng. Giây phút tưng bừng…”

Tan lễ, chúng tôi về nhà bạn ăn uống, kể cho nhau nghe những kỉ niệm Giáng Sinh. Bạn bỏ vào máy một băng nhạc với nhiều bài ca mà tôi đã quen thuộc. Khi nghe Anne Murray hát “I’ll be home for Christmas” lòng tôi chùng xuống những nỗi nhớ nhà.

Anh chị kể về những ngày làm việc ở Nepal, từ làng quê ra thị xã phải di chuyển bằng lừa, tốn đến 8 tiếng. Ở đó không có nhà thờ mà chỉ có ngôi chùa. Tôi kể cho bạn nghe về những làng quê công giáo theo linh mục di cư vào nam năm 1954, trong đó có bố mẹ tôi, và lập nên những họ đạo mới ở vùng Hố Nai, Gia Kiệm, Ngã ba Ông Tạ. Nơi đây tôi được sinh ra và đã tham gia nhiều cuộc rước kiệu quanh những xóm ngõ khi còn nhỏ.

Người mẹ đến từ nước Mỹ xa xôi tỏ vẻ vui vì được biết đến nhiều sinh hoạt tôn giáo và hài lòng vì đã tham dự thánh lễ nửa đêm ở Togo. Còn chúng tôi sẽ không bao giờ quên được kỉ niệm Giáng Sinh này, vì đã lâu rồi không đi lễ đêm, tối nay tình cờ lại được đón tiếp trịnh trọng khi vào thánh đường.

 

BuiVanPhu_20111222_GiangSinh_H03_SantaClaus

Santa Claus phát quà cho trẻ em trong trại tị nạn (ảnh Bùi Văn Phú)

 

Hai năm sau tôi công tác ở Galang, Indonesia. Những ngày cận lễ, chiều chiều trên loa nhà thờ phát ra những bản tình ca Giáng Sinh quen thuộc thuở nào. Giữa đảo tị nạn, giọng hát Khánh Ly, Thanh Lan, Sỹ Phú, Lệ Thu đưa tôi về khung trời kỉ niệm xa xưa:

Mùa Giáng Sinh xưa anh hẹn anh sẽ về

Ngày đó Noel bên hội sao trần thế
Anh có nhớ không anh
Em mặc màu áo xanh lam
Xanh như liễu Đà Lạt
Một chiều đông Giáng Sinh…

Lại một Noel nữa
Mấy mùa giáng sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thương về một khung trời
Chắc Đà Lạt vui lắm
Mimosa mimosa nở vàng
Anh đào khoe sắc thắm
Hương ngào ngạt không gian…

Sân nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm đông nghẹt giáo dân đứng, ngồi. Hành lang trước cửa nhà thờ được biến thành khán đài cho các em Thiếu nhi Thánh Thể, các bạn Thanh niên Công giáo và ca đoàn trình diễn thánh ca, làm hoạt cảnh, đóng kịch mừng đón Chúa Hài Đồng.

Sinh hoạt đêm nay như ở một họ đạo nơi quê nhà. Galang tuy xa quê hương nhưng không khí đón Giáng Sinh rất giống Việt Nam trong những ngày trước năm 1975. Đèn, sao lấp lánh. Hình ảnh máng cỏ, hang đá, những tiếng hát, tiếng đàn gợi lại cho tôi nỗi nhớ nhà:

Đàn ôi cứ rung những điệu réo rắt

Hát khen con một Chúa Trời, rày sinh xuống cõi đời
Hỡi người dương thế lặng nghe cung đàn
Mau tìm cho tới thờ kính Vua giáng trần…

Thánh lễ do cha Hùng và cha Padmo chủ tế. Bài giảng gợi lên ý nghĩa hai chữ “tị nạn” trong tinh thần Phúc âm đã là niềm an ủi và hi vọng cho thuyền nhân trên đảo. Đó là hình ảnh thân quen của gia đình Nazarét, một gia đình tị nạn khi Giuse và Maria phải bế con bỏ quê hương Do Thái trốn sang Ai Cập vì Vua Herôđê đang tìm cách giết Giêsu.

Tôi hoà mình cùng cộng đoàn, hướng tâm hồn cầu nguyện cho tự do trên quê huơng Việt Nam, cho hoà bình thế giới, cho gia đình còn ở quê nhà được an vui, cho những người tị nạn sớm được định cư.

Hơn mười năm xa nhà, nhiều khi chỉ thầm hát trong lòng những bản thánh ca quen thuộc khi Giáng Sinh về. Đêm nay tôi cất giọng cao, cùng hoà ca với ca đoàn: “Đêm thánh vô cùng. Giây phút tưng bừng. Đất vời trời se chữ đồng. Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ. Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa…”

*

Sau hơn hai chục năm xa quê hương, tôi có dịp về lại Việt Nam dịp Giáng Sinh. Năm đó gia đình dự lễ nửa đêm ở nhà thờ chính toà Phủ Cam. Vì quen với một linh mục nên chúng tôi được đưa lên ngồi cùng với các tu sĩ và khách nước ngoài trong đó có hai thiện nguyện viên từ Hoa Kỳ đang dạy tiếng Anh tại Đại học Huế. Lòng tôi hân hoan vì được một lần mừng đón Giáng Sinh trên quê hương với các nghi thức thuần Việt qua những điệu múa, lời ca tiếng nhạc, câu kinh phụng vụ.

Tan lễ ra, sân nhà thờ không còn chỗ chen chân. Đèn màu trang trí trên hai tháp chuông chỉ đủ toả mờ sáng nhưng mọi người hình như từ nhiều con ngõ đang đổ về đây để chứng kiến một điều gì đó. Chúng tôi phải vất vả chen chân mới ra đến phố Lê Lợi cũng đông người qua lại. Người công giáo chiếm chưa đến 10% dân số Việt Nam, nhưng hình như ở thành phố cổ kính này đêm nay ai cũng ra đường vui chơi như thể Giáng Sinh là lễ hội của mọi người.

Vào nhà hàng trong khách sạn Century Riverside ăn tiệc mừng Giáng Sinh. Nhìn chung quanh có người Việt từ nước ngoài cùng nhiều khách ngoại quốc. Nhạc phát ra toàn những ca khúc tiếng Anh. Khi lời ca của “I’ll be home for Christmas” vang vọng bên tai, tôi bỗng nhớ nhà ở Mỹ vì bên đó bây giờ bố mẹ, anh em và bạn bè cũng đang mừng lễ mà thiếu vắng gia đình tôi.

Tôi cảm thấy mình lại như đang đón Giáng Sinh ở một nơi xa. Rất xa nhà.

bài đã đăng của Bùi văn Phú

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

1 Pingbacks »

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)