Trang chính » Biên Khảo, Phỏng vấn Email bài này

Nguyễn Vy Túy: Họ Trịnh hay dùng các ngôn từ lấp lửng và ẩn ý trong nhạc

6 bình luận ♦ 28.04.2011
BuiVanPhu_PhongVan_NguyenVyTuy_H01_Damau_thumb.jpg

Ông Nguyễn Vy Túy được người Việt định cư ở Úc gọi là "Nhà báo Nguyễn Vy Túy" vì ông đã làm chủ bút tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở đây khi ông đến tị nạn năm 1979. Hiện nay ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút Văn nghệ Tuần báo, tờ báo có số bán dẫn đầu trong các báo tiếng Việt ở Úc. Trước 1975 ông là học sinh trường Văn Đức và Thánh Giuse ở Ngã ba Ông Tạ và là cán bộ y tế của Caritas khóa 13, khóa sau cùng ở Sài Gòn.

 

BuiVanPhu_PhongVan_NguyenVyTuy_H01_Damau

1.  Thưa ông, ngày 30 tháng 4 năm 1975 ông đang ở đâu?

– Lúc ấy tôi đang “có mặt ở đằng sau lưng” những người lính Việt Nam Cộng hoà để ngăn chận một hướng tiến quân của bộ đội cộng sản Việt Nam từ Ngã tư Bảy Hiền vào thành phố. Lúc ấy tôi chỉ là một Liên toán trưởng Nhân dân Tự vệ.

 

2. Tin Việt Nam Cộng hoà đầu hàng đến với ông bằng cách nào?

– Khi Dương Văn Minh hạ lệnh cho quân đội buông súng đầu hàng, trên đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng 8), tôi thấy một người lính ôm chiếc máy truyền tin PRC-25 là người đầu tiên trút khỏi người chiếc máy nặng trình trịch bỏ xuống đường và chạy lại phía mấy người lính đang ngồi ôm súng cố thủ bên trong các ngõ hẻm. Họ nói nhỏ với nhau về lệnh buông súng của Dương Văn Minh và cứ thế họ rút về phía sau. Đám Nhân dân Tự vệ nhặt được máy truyền tin, nhưng không biết phải dùng nó vào việc gì. Tôi nhấc ống liên hợp lên và lần đầu tiên trong đời tôi nghe được những giọng nói the thé của Bắc quân: "Buông súng đi! Tổng thống của các anh ra lệnh đầu hàng rồi!" "Bọn Ngụy quân nghe đây. Hàng sống! Chống chết!"

Tiếng súng chống cự thưa dần. Cùng lúc tiếng gầm rú của những chiếc xe tăng còn lại của Bắc quân đã bắt đầu tiến vào Sài Gòn, theo sau là những chiếc xe vận tải sản xuất từ Trung Cộng chở đầy các tên bộ đội còn non choẹt, ngơ ngác nhìn ngắm tứ phía như những người đến từ các hành tinh khác.

Trên đường ngoài những đống vũ khí và xác người rải rác, còn có những đống quân phục đủ loại và những bộ lễ phục còn mới toanh được ném vội ra đường phố. Dân chúng e ngại một cuộc trả thù nên họ vội vàng tống khứ ra khỏi nhà bất cứ thứ gì có dính dáng đến chế độ cũ. Không ai nghĩ đến chuyện thu nhặt, vì không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới.

 

3. Lúc đó ông có nghe đài Sài Gòn và điều gì ông còn nhớ?

– Tôi không nghe, mà chỉ thấy những người lính vứt bỏ súng sau khi họ được báo tin từ cấp chỉ huy.

 

4. Nhắc đến ngày 30.4.1975 nhiều người Việt còn nhắc đến sự kiện nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên đài hát "Nối vòng tay lớn" và kêu gọi mọi người ở lại xây dựng đất nước. Ông nhìn sự kiện đó ra sao?

– Sau này ra được hải ngoại tôi mới biết đến chuyện này. Theo tôi, chuyện này không phải là chuyện lớn. Bởi những người bị kẹt ở lại Sài Gòn lúc ấy khó mà có những chọn lựa khác!

Ở đây, nhiều người kết án Trịnh Công Sơn đã “tự nguyện” chứ không phải bị ép buộc để lên đài phát thanh hát “Nối vòng tay lớn.” Nhưng nếu những người lãnh đạo miền Nam giữ được nước và nếu đồng minh không bỏ rơi thì làm gì Trịnh Công Sơn “bị” rơi vào hoàn cảnh gây tranh cãi này. Nó chỉ là cái cớ để làm rõ thêm luận cứ Trịnh Công Sơn là người đã được móc nối và “làm việc” với phe bên kia!

 

5. Nhạc Trịnh Công Sơn đã đến với ông đầu tiên trong đời vào lúc nào và trong hoàn cảnh nào?

– Nhạc Trịnh Công Sơn tôi nghe lần đầu lúc tôi nhìn quanh và thấy bạn bè của mình bị gọi đi lính gần hết. Trong xóm tôi sống ở khu vực Ngã ba Ông Tạ có mấy chục nóc gia, mà chỉ còn mình tôi là đứa thanh niên còn xót lại! Rồi cứ lâu lâu lại phải cùng hàng xóm lên nghĩa trang Quân Đội để nhận xác những người đi không trở về! Trong đó có rất nhiều những đứa trước đó không lâu vẫn còn đánh cù đánh khăng với mình. Tôi nhớ bài “Gia tài của Mẹ” thường hát lúc đó vì có nhịp điệu dễ hát trong các đám đông. Khi có một người cất tiếng, là ai nấy đều cũng có thể hát theo. Tôi lúc ấy cũng có sinh hoạt trong một số hội đoàn tôn giáo và xã hội, nhiều lần tôi đã hát bài này, và cảm thấy bị nhập tâm bởi nội dung của nó.

 

6. Ngày đó các quán cà-phê hay có nhạc Trịnh, ở ngã ba Ông Tạ có quán Thăng Long nổi tiếng mà ông thường đến đây uống cà phê, nghe nhạc. Hồi tưởng lại ông có thể mô tả không khí ở đó?

– Quán cà-phê này nhờ nằm ẩn vào trong đầu đường nhỏ nên tránh được cái ồn ào và hỗn độn của xe cộ qua lại. Quán lại thấp hơn so với mặt đường, đi vào quán khách phải bước xuống mấy bậc thềm, đằng trước lại trồng dàn hoa giấy tươi tốt quanh năm, nên khách vào ngồi “đồng” ở đây bất cứ lúc nào cũng có cái cảm giác mát rượi so với không khí đang nóng bức bên ngoài. Đằng trước quán có một khoảng trống để cho khách dựng xe rất an toàn. Khách có thể ngồi bất cứ nơi nào trong quán cũng có thể nhìn thấy xe của mình.

Phần lớn khách vào quán đều gọi cà-phê phin, vì hương vị ở đây thật tuyệt vời và khác lạ so với các quán khác. Người uống nó phải có thì giờ rảnh rỗi và sành điệu bởi nguyên việc chờ đợi các giọt “sương đen” này chảy hết xuống chiếc ly sành thì cũng đã mất mươi mười lăm phút.

Dàn máy Akai phát nhạc của quán Thăng Long cũng là điều đáng nói. Ông chủ quán là người hiểu biết và khá chững chạc nên đã chọn toàn loại nhạc tiền chiến lẫn phản chiến, chứ không bao giờ chịu cho phát các bản nhạc thời trang, khiến khách vào quán của ông thường là những người từ tuổi trung niên trở lên. Dân Bắc di cư và những người mặc quân phục cũng là khách thường xuyên đến đây, nhiều khi chỉ gọi một ly cà phê mà ngồi hết cả ngày để thưởng thức nhạc, ngoài ra còn có số người cầm bút chọn nơi này để tán gẫu và giải khát vì gần đó là toà báo Xây Dựng của Linh mục Nguyễn Quang Lãm. Hay lui tới có nhà văn Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, có Vũ Bình Nghi, nay là chủ báo Thời Báo ở San Jose. Hồi ấy ông Cẩn chủ quán hay cho mở mấy bài như “Nỗi lòng người đi,” “Hướng về Hà Nội,” “Buồn tàn thu” hay “Bây giờ tháng mấy” hoặc những bài phản chiến như “Gia tài của Mẹ,” “Đại bác ru đêm,” “Người con gái Việt Nam da vàng” của Trịnh Công Sơn. Khách trong quán đều hạn chế tối đa các tiếng động để thưởng thức từng lời nhạc bổng trầm. Cái không khí ấy khiến nhiều người ưa chuộng lắm, vì họ tìm được những giây phút yên ắng để phì phèo điếu thuốc lá, để thả hồn về chốn xa xưa, về những kỷ niệm đã mất, và về thực tại hỗn mang.

 

7. Nhắc đến Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, ông còn nhớ gì về những cuốn băng “Hát cho quê hương Việt Nam” của Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly?

– Gần đây, khi trở về Việt Nam tôi cố tìm mua cho bằng được những cuốn cát-sét “Hát cho quê hương Việt Nam” của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly. Tôi mua được và cái làm tôi nhớ nhất là nghe lại tiếng đàn thùng ghi-ta và giọng hát đặc biệt có chất quyến rũ như ma tuý của Khánh Ly vào thời ấy.

 

8. Có người cho rằng nhạc viết về quê hương của Trịnh Công Sơn mang tính phản chiến, thân cộng. Riêng ông nghĩ thế nào?

– Chuyện này cũng dễ hiểu, bởi ngay chính tôi lúc ấy chỉ là một cậu học trò nhưng cũng đã có những chán nản lẫn ưu tư khi nghe nhạc họ Trịnh. Còn thân cộng ư? Chắc chắn rồi, vì nếu người nghe chịu khó phân tích một số ca từ của Trịnh Công Sơn thì sẽ thấy ngay điều này. Họ Trịnh hay dùng các ngôn từ lấp lửng và ẩn ý trong nhạc, để nói về những người từ núi rừng… vào thành phố, về bà mẹ nuôi quân, ém quân để chờ ngày… chiến thắng v.v… Nếu không bị “móc nối” hay tin tưởng vào phía bên kia thì chắc chắn các ca từ của Trịnh Công Sơn sẽ phải rõ ràng và minh bạch hơn.

9. Nghe những ca từ:

Một ngàn năm nô lệ giặc tàu
Một trăm năm đô hộ giặc tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn…

Lúc đó ông nghĩ gì hay có lý giải gì?

– Tôi chỉ nghĩ ngay là nếu có hòa bình thì hạnh phúc quá! Điều mong ước này không phải vì tôi sợ đi lính, bởi tôi lúc ấy đã được cấp giấy hoãn dịch gia cảnh với lý do tôi là con trai duy nhất còn lại trong gia đình, có cha chết vì tổ quốc, và anh đang tại ngũ.

 

10. Đã tham gia sinh hoạt văn nghệ, làm báo ở Úc trong mấy thập niên qua, xin ông cho biết người Việt ở Úc có những nhận xét, cảm nhận ra sao về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

– Vào năm 1982 khi chúng tôi tổ chức đưa Khánh Ly sang Úc cùng nhạc sĩ Hà Thúc Sinh để hát trong các chương trình mang tên “Hát cho quê hương lao tù.” Chính vì Khánh Ly hát nhạc Hà Thúc Sinh nên mới được Cộng đồng người Việt tị nạn tại Úc lúc ấy chấp nhận. Chúng tôi cũng phải cam kết không cho Khánh Ly hát nhạc Trịnh. Thế nhưng trong một chương trình ở Melbourne, cô vẫn hát vài bản nhạc của Trịnh Công Sơn và nại cớ là do khán giả yêu cầu. Thế là bạo động xảy ra, một nhân viên an ninh bị đâm vào đùi và chương trình phải giải tán vào lúc giữa. Bây giờ, gần hai thập niên sau, chuyện ấy đã phần nào phai nhạt. Nữ ca sĩ Khánh Ly nay đã có thể hát bất cứ nhạc phẩm nào của Trịnh Công Sơn mà không còn sợ phản ứng từ phía khán giả, kể cả những khán giả vẫn còn giữ lập trường Trịnh Công Sơn và Khánh Ly là hai tay phản chiến “làm nản lòng chiến sĩ.”

Dù có người oán ghét và không muốn nghe nhạc Trịnh, nhưng nhiều người Việt khác ở Úc cũng công nhận rằng nếu thời ấy không có Trịnh Công Sơn thì chắc cũng chẳng có ai có khả năng ghi lại nhiều điều về cuộc chiến bằng người nghệ sĩ tài hoa này.

 

11. Năm nay giỗ 10 năm Trịnh Công Sơn, những nơi có đông người Việt ở Úc có sinh hoạt tưởng niệm nhạc sĩ không?

Chắc chắn là không. Bởi trước đây khi nghe tin nhạc sĩ qua đời, có một nhóm muốn tổ chức “Đêm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn” đã bị chống đối quyết liệt đến độ phải hủy bỏ chương trình.

Nghe nhạc Trịnh, hoặc hát vài bản của Trịnh Công Sơn trong một chương trình đại nhạc hội thì chẳng sao. Nhưng nếu tổ chức thành một buổi như để “vinh danh” thì khó mà thu hút được sự tham dự đông đảo, cũng như sẽ có kẻ phá rối.

 

12. Những lời ca viết cho quê hương của Trịnh Công Sơn thì gây tranh cãi, nhưng nhiều người yêu thích tình ca họ Trịnh. Có một vài bài ca nào của Trịnh Công Sơn mà ông yêu thích? Tại sao ông lại thích những ca khúc đó?

Tôi thích bài “Diễm xưa” và bài “Biển nhớ.” Có lẽ vì ngày xưa tôi có cái thú đội mưa để ra quán cà-phê Thăng Long nghe nhạc Trịnh nên thấm bài “Diễm xưa.” Còn bài "Biển nhớ" thì bất kỳ một người tị nạn nào từng ở đảo thì sẽ phải nghẹn ngào mỗi khi bài hát này được trổi lên để thay lời chia tay giữa người được lên đường đi định cư và kẻ còn ở lại.

 

13. Nhận xét của riêng ông về con người Trịnh Công Sơn?

– Dù là người gây ra nhiều tranh luận, tôi vẫn xem Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ lớn của nền âm nhạc Việt. Nhiều tác phẩm của ông sẽ còn sống mãi bởi những chữ nghĩa, trau chuốt, lạ lùng, và quyến rũ người nghe. Nếu người nghe có thể tách con người yếu đuối và nhập nhằng của Trịnh Công Sơn ra khỏi các bản nhạc của ông – thì đó là một điều tuyệt vời.

 

© 2011 Buivanphu

bài đã đăng của Bùi văn Phú

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

6 Bình luận

  • Thanh Bình says:

    @Nguyễn Lãm Thúy viết:

    Xin Thanh Bình cho biết ông Nguyễn Hữu Thái nói lời trong nhạc phẩm Kinh Việt Nam là lời của ông trong bài viết nào?

    Tôi đã nhớ lầm. Thật ra là ông Nguyễn Hữu Đống. Ông Đống được coi là người đã gợi ý cho TCS viết Kinh Việt Nam. Tôi nhớ có đọc đâu đó là ông Đống có viết lời cho tập nhạc này nhưng truy tìm lại không ra bài viết đó. Xin chân thành cáo lỗi.

  • Nguyễn Lãm Thúy says:

    Xin Thanh Bình cho biết ông Nguyễn Hữu Thái nói lời trong nhạc phẩm Kinh Việt Nam là lời của ông trong bài viết nào?

  • 1mitee says:

    Ngoài các ca từ mà black racoon đã trưng dẫn, bản nhạc “Huế, Saigon, Hà nội” của TCS cũng có những câu rất “rất rõ” nội dung cộng sản như:

    “Triệu chân anh, triệu chân em,
    Hỡi ba miền vùng lên cách mạng…”

    Ngoài ra, sau 30/4/1975 sinh viên Huế phải học chính trị và Trịnh Cộng Sơn(TCS) nhiều lần cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường(HPNT) đến nói chuyện với sinh viên. Cả hai đều mặc bà bà đen, đội mũ tai bèo. Những điều TCS thường đề cập là:

    – TCS đã “giác ngộ cách mạng” từ lâu nhưng chỉ tập trung sáng tác những bài phản chiến sau Mậu Thân ’68, do chỉ thị của “tổ chức” thông qua HPNT là cán bộ hướng dẫn của TCS rất lâu trước đó. Trong thời gian TCS làm giáo viên ở Blao thì HPNT là “người dìu dắt” TCS đến với cách mạng.

    – TCS cho rằng cuộc đời anh trước 30/4/1975 là “bóng tối” còn sau 30/4/1975 là “ánh sáng” theo lập luận “Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng.”

    – Lê Hiếu Đằng là người đã dọa “tận tay xử tử” TCS vì lập luận “nội chiến” trong bài “Gia tài của Mẹ” và đó cũng là lý do TCS phải ra Huế, không ở lại Saigon sau 30/4/1975.

    – Khi nhạc sĩ Trần Hoàn là chủ tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Thừa Thiên phê bình TCS và yêu cầu viết kiểm điểm, thì HPNT báo cho TCS là bài viết kiểm điểm không đạt yêu cầu và TCS cần chứng tỏ thiện chí phải “đi thực tế” tham gia lao động sản xuất khoai sắn. TCS quá sợ bị thủ tiêu phải nhờ người quen xin Võ Văn Kiệt can thiệp cho về lại Saigon.

    Hãy hỏi các sinh viên Huế thì rõ ngay thái độ, ngôn từ của TCS những ngày sau 30/4/1975 thì đúng là của một T(ên) C(ộng) S(ản)!

  • Thanh Bình says:

    Nhạc Trịnh Công Sơn, nhất là những ca khúc về “cách mạng” như Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời, có nhiều người cho rằng lời ca không phải do ông viết, mà của các cán bộ “nằm vùng” viết rồi ông “phổ nhạc”. Điều này không biết thực hư ra sao nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì ông Nguyễn Hữu Thái trong một bài viết đã nói rằng lời ca của Kinh Việt Nam là do ông soạn!

  • Còn thân cộng ư? Chắc chắn rồi, vì nếu người nghe chịu khó phân tích một số ca từ của Trịnh Công Sơn thì sẽ thấy ngay điều này. Họ Trịnh hay dùng các ngôn từ lấp lửng và ẩn ý trong nhạc, để nói về những người từ núi rừng… (NVT)

    Nghe những ca từ:

    Một ngàn năm nô lệ giặc tàu
    Một trăm năm đô hộ giặc tây
    (BVP)

    Trước đây, tui cũng nghĩ những ca khúc phản chiến của TCS trước 75 hai mang. Hiểu sao cũng được. Mới đây, coi lại tập “Ta phải thấy mặt trời” thì thấy rõ hơn. Rõ thiệt rõ. TCS đâu có chối. Ổng là người của CS, nếu như tác phẩm chính là chân dung là tim óc của người nhạc sĩ.

    Một ngày mai đây nhìn đất nước
    Reo vui cờ thống nhất
    Chân bước đi trên ba miền
    (Những ai còn là Việt nam)

    Em đã thấy các anh lên đường
    Những tay trần làm cơn bão lớn
    Cùng đứng bên nhau
    Triệu bước nôn nao
    Biểu ngữ giăng cao
    (Chính chúng ta phải nói)

    Ta đi trong cách mạng tự hào
    Ta sẽ chiếm trăm công trường
    Ta xây nên nghìn phố hòa bình
    Ðã đến ngày dựng núi đứng lên
    Khắp nước nhà nở trái vinh quang
    (Việt Nam ơi vùng lên)

    Tập nhạc TPTMT này, xuất bản 1969 tại Sài Gòn. Bài nào cũng như bài nào. Hừng hực khí thế cách mạng. Có đấu tranh, có kêu gọi, có biểu ngữ, có thống nhứt, có đòi lại áo cơm…Rõ quá còn gì? (Tui không nói là TCS có tự chối mình hay không).

    Đặc biệt, quý vị có thể nghe lại nhạc TCS vào thời điểm ấy. Rất sục sôi hào hùng. Có vài tiếng hát lạ lạ, the thé. Tui không rõ là ai.

    Nếu tui là TCS, nói thiệt, tui sẽ đường hoàng và tươi cười nhận mình là một người CS. Sợ gì ai? Đất nước thống nhứt, chánh quyền nhân dân, hòa bình tái lập. Đó há chẳng phải là mơ ước của người nhạc sĩ từng hạ tay viết xuống trang giấy trắng mực đen đó sao?

    Người Âu Mỹ, trong những lúc trả lời một câu hỏi. Họ dứt khoát : Yes or no. Điều này thật hay. Nó đở tốn nhiều thứ cho người ta lắm. Thà là vậy. Đau đớn, hay mừng vui thì cũng biết được. Lền lền, đều đều, cũng khó …lòng.

    http://www.tcs-home.org/songs/albums/T06

  • vui nguyen says:

    Không phải là “fan,” cũng không phải là kẻ thù.

    Tôi chỉ thấy “vấn đế” nhạy cảm của TCS gần đây, và tính ngay từ bài viết “vạch tội TCS” của Trịnh Cung năm ngoái, nói như người Mỹ, quá nhiều người đã “beat it to death” rồi. Tôi nghĩ không cần thiết phải kéo dài thêm. Mỗi người đều có những cảm nhận riêng về vấn đề này và sẽ chẳng thể dung hoà. Tôi thấy nhiều người chống TCS, chống những người bênh vực TCS, hay chống những “events” sau cái chết của TCS, chống sự xưng tụng TCS, chống Đảng, chống VN …

    TCS coi như không phải “chết 2 lần,” mà chắc đã phanh thây mấy bận.

    Nếu đã beat to death, thì tôi rón rén tạm xin: xin dừng!

    Vui Nguyen

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)