Trang chính » Sáng Tác, Tùy bút Email bài này

Văn nghệ, gặp nhau giữa quảng trường

 

 

Khi tôi đến nơi thì những tà áo dài vừa khép lại, những chiếc nón lá cũng ngả chào người xem rồi theo vũ công chạy nhanh vào phía sau sân khấu lộ thiên giữa tiếng vỗ tay của khán giả chưa đến một trăm người.

Chị Tô Lệ Hằng — tôi biết tên chị vì đã có dịp sinh hoạt với nhau qua các trung tâm Việt ngữ — trong chiếc áo dài nhiều mầu ra giới thiệu tiết mục kế tiếp.

Tôi đang ở Union Square. Trời hôm nay có nhiều mây xám và lạnh. Bốn bên đường vẫn tấp nập người qua lại, nhưng không mấy ai ghé xem văn nghệ Việt Nam, dù miễn phí. Những hàng ghế đã ít, khán giả còn ít hơn. Tôi nhận ra vài người quen trong cộng đồng, trong giới văn nghệ sĩ và các em học sinh.

Đi chơi San Francisco du khách thường đến quảng trường là tụ điểm của những trung tâm thương mại lớn. Hai tuần trước nhiều nghìn người đã đứng ngồi tại đây để xem lễ khai mạc và diễn hành xuân của người Hoa. Năm ngoái Đuốc Tự Do cũng dừng chân ở nơi này như là một sinh hoạt khác của những tổ chức nhân quyền để phản đối Đuốc Thế Vận Bắc Kinh 2008 sẽ được thành phố chào đón.

Chương trình văn nghệ hôm nay mang chủ đề “Tình Yêu” có sự phối hợp của anh Danny Nguyễn và chị Tô Lệ Hằng. Anh Danny là giáo sư môn vũ tại một trường đại học cộng đồng nơi tôi dạy thêm, còn chị Hằng là hiệu trưởng trường Việt Ngữ Âu Cơ ở San Francisco. Tuần trước nhà trường có thông báo về buổi biểu diễn nên hôm nay tôi ghé xem ủng hộ. Tôi hơi buồn vì khán giả không đông và đa số là người Việt. Văn hoá, văn nghệ Việt không có gì hấp dẫn người dân bản xứ? Hay qua tầm nhìn của những sắc dân khác thì người Việt cũng như người Hoa vậy thôi.

Tôi đã có dịp xem Vũ Đoàn Danny biểu diễn ở nhiều nơi, từ Diễn Hành Xuân của người Việt dưới Downtown San Jose, liên hoan đón Tết của Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam cho đến những buổi gây quỹ trong cộng đồng. Câu chuyện Danny chọn nghề múa đã một lần được báo chí nhắc đến vì anh là một người đồng tính và đã phải nói dối cha mẹ là anh theo học ngành y. Bây giờ nhắc đến những vũ điệu Việt, Vũ Đoàn Danny đã được nhiều người địa phương biết đến. Trong năm qua anh có đưa một số vũ công về Việt Nam để học hỏi thêm về truyền thống văn hoá Việt và làm việc từ thiện.

Hai tấm phông treo cao làm nền cho sân khấu. Một mái nhà tranh bên cạnh cô nữ sinh với mái tóc thề, tay cầm nón lá bước đi bên lũy tre làng. Đơn sơ. Nghèo nàn.

Nhìn lên sân khấu, giữa chốn văn minh hiện đại mà tôi lại nhớ về trường xưa ở quê nhà trong những ngày sắp hết niên học với văn nghệ bãi trường. Cũng một sân khấu đơn sơ, rất thủ công nghệ kiểu học sinh. Chúng tôi đã lên múa, hát cho nhau nghe.

Đến trễ nên phần văn nghệ còn lại mà tôi xem có những vũ điệu tango, salsa, có vũ điệu của công, có múa dù. Hai bài hát được các em học sinh thể hiện là về tình yêu, tình bạn nhưng là hát nhép.
 

001_DaMau_H01_Ensemble

001_DaMau_H02_TwoRopes

001_DaMau_H03_TwoGirls

 
Chấm dứt chương trình các em học sinh ra chào từ biệt. Một người Mỹ ngồi cạnh tôi la to “Encore. Encore” với mùi rượu thoảng toát ra. Chị Hằng như không nghe thấy và cho các em cúi đầu chào lần chót rồi giải tán.

Người đàn ông tóc bù xù, mặt ửng hồng vì uống rượu. Ông giấu trong mình một chai rượu nhỏ, thỉnh thoảng lén lấy ra tu một hơi rồi lại giấu đi. Ông hỏi tôi:

Are you Vietnamese? [Anh là người Việt?]

I’m Vietnamese-American. [Tôi là người Mỹ gốc Việt.]

When did you come to America? [Anh đến Mỹ khi nào?]

I came here a long time ago. [Tôi đến đây từ lâu lắm rồi.]

I want an encore. They didn’t get that. [Tôi muốn họ múa hát nữa. Nhưng họ không hiểu ý.]

No. They did not get it. Sorry about that. They will learn. Hopefully next time. [Không. Họ không hiểu ý ông. Rất tiếc. Họ sẽ học hỏi. Hy vọng lần tới.]

I was a conscience objector during the Vietnam War. I did not want to go there to kill the Vietnamese, so they put me in federal prison. Vietnamese are nice people. When is the Vietnamese New Year? [Tôi đã phản đối chiến tranh Việt Nam vì trái với lương tâm. Tôi không muốn đến đó để giết người Việt, vì thế họ đã đưa tôi vào nhà tù liên bang. Người Việt rất dễ thương. Khi nào thì đến Năm Mới của người Việt?]

It was two weeks ago, the same as Chinese New Year. But we call it Tet. [Hai tuần trước, cùng ngày với Năm Mới của người Hoa. Nhưng chúng tôi gọi là Tết.]

Oh. I heard of it. Tet Offensive. [Ồ. Tôi có nghe đến. Tổng công kích Tết.]

That’s right. [Đúng rồi.]

Tôi muốn đứng lên tìm gặp vài người quen nên từ biệt ông.

Nice meeting you. I’ve got to go. Have a good day. [Hân hạnh được gặp ông. Tôi phải đi. Chúc ông một ngày vui.]

Good Bye. [Tạm biệt.]

*

Sau văn nghệ, nhà thơ Vương Ngọc Minh và tôi rủ nhau lại một quán ngay trên quảng trường. Hai năm trước chúng tôi đã gặp nhau trong một sinh hoạt văn học nghệ thuật của tienve.org tổ chức tại gia trang của luật sư Nguyễn Tâm ở San Jose. Thời gian qua, chúng tôi có đọc sáng tác của nhau trên mạng. Anh Minh hỏi lúc này công việc nhàn rỗi hay sao mà tôi viết nhiều. Nhịp độ viết của tôi xem ra cũng bình thường, không tăng tốc mà cũng không chậm lại. Cuộc đời luôn cho tôi nhiều hứng thú nên có thời gian tôi thường ghi xuống những cảm nhận về nơi chốn đi qua, những điều trông thấy, về buồn vui trong đời sống. Hạnh phúc nhất là những ý nghĩ của mình không lo sợ bị kiểm duyệt, bị dòm ngó hỏi thăm. Không phải chạy đúng lề.

Nhà thơ kể đầu năm anh định về nước ăn Tết nhưng xin visa họ không cho. Hỏi tại sao, anh nói có lẽ vì một lời phát biểu với nhà báo Trần Tiến Dũng, anh đã có nhận xét về văn học trong nước vắn gọn như sau: “Bàn đến nó là muốn đái ra quần.” Tôi chia sẻ với anh về một vài bài viết của tôi đăng trên talawas.org hay phát biểu mà báo trong nước cắt bỏ những chỗ không thích. Tôi đùa vui nói với nhà thơ rằng đối với nhà nước, trong anh và trong tôi mỗi người đều có một “vùng nhạy cảm” nhưng không biết nằm ở chỗ nào. Chỉ khi nhà nước sờ vào mình mới biết.

Nghề dạy học với cuối tuần rảnh rỗi nên tôi hay đi chơi. Hôm nay lại được nhìn khách qua lại, ngắm tranh của một họa sĩ đang triển lãm lưu động trên quảng trường. Được ngắm tranh hợp với mĩ cảm của mình là điều hạnh phúc rồi.

Anh Minh và tôi trao đổi quan điểm và nhận xét về một vài sinh hoạt nghệ thuật gây ồn ào trong cộng đồng. Tôi thích những tác phẩm của Huỳnh Thuỷ Châu về tư tưởng hoà giải thể hiện trong đó. Nhà thơ nhắc đến tác phẩm bồn rửa chân với hình cờ vàng ba sọc đỏ là một sự sỉ nhục. Tôi không đồng ý với nhận xét đó mà hiểu được ý tác giả muốn nói lên sự cần cù của những người phụ nữ Việt đã lao động vất vả để nuôi gia đình và đó là một sự thực trong đời sống của nhiều bà mẹ Việt Nam đang sống trên đất Mỹ. Tôi không nhìn những tác phẩm của Huỳnh Thủy Châu riêng biệt mà nhìn toàn bộ những sáng tác vàng đỏ và những tư tưởng diễn tả trong đó. Anh và tôi không đồng ý về cách nhìn tác phẩm, nhưng anh Minh cho rằng biểu tình phản đối chỉ làm một vài lần để lên tiếng, chứ kiểu ăn vạ trước toà báo Người Việt như thế thì không chấp nhận được.

Nhà thơ tự nhận: “Tôi cực đoan lắm anh Phú ơi.” Nghe đến hai chữ “cực đoan” từ một bạn văn nghệ ở Mỹ, tôi không biết phải hiểu làm sao cho đúng.

Nhớ lại một lần về nước gặp một người quen gia đình là công an, ông hỏi tôi: “Ở Cali có nhiều người cực đoan lắm phải không cháu?” Tôi hỏi lại cho sáng nghĩa: “Cực đoan là người thế nào hả chú?” và được ông trả lời: “Là những người hay biểu tình.” Vỡ lẽ ra thế. Nếu thế tôi đã là người cực kì cực đoan, vì không những tôi đi biểu tình mà thời sinh viên tôi đã nhiều lần tham gia tổ chức biểu tình nữa. Tôi giải thích cho ông hay là ngày nào dường như cũng có người Mỹ xuống đường biểu tình, ít thì vài chục người muốn lên tiếng về vấn đề gì đó ở điạ phương. Khi có những vấn đề quan trọng như chống chiến tranh hay liên quan đến phá thai, di dân thì có nhiều chục nghìn, có khi cả trăm nghìn người biểu tình.

Hai chúng tôi bàn luận với nhau nhiều chuyện từ văn hoá văn nghệ, đến sinh hoạt chính trị người Việt trong và ngoài nước, trong khi đứa con trai ngồi cạnh chỉ chăm chú vào trò chơi trên màn hình máy PSP mà đi đâu cháu cũng thường đem theo.

Anh Minh cũng như tôi đã có dịp thăm Bảo Tàng Viện Châu Á ở đây và cảm thấy buồn cho sự nghèo nàn của nét văn hoá Việt trong đó. Không có gì ngoài vài món đồ gốm. Nước Việt mang danh với bốn nghìn năm văn hiến mà có gì phô trương cho thế giới biết đến. Trong khi đó Afghanistan, Bhutan dù nghèo hay có chiến tranh thì các quốc gia này cũng đã lần lượt trưng bày di sản văn hoá của họ tại đây.

Ngay cả người Mỹ gốc Việt cũng không có nhiều đóng góp nghệ thuật. Nhà thơ và tôi đã đọc qua tờ chương trình của Liên Hoan Phim của Người Mỹ gốc Á sắp diễn ra ở ba thành phố vùng Vịnh, nhưng không thấy có phim của người gốc Việt tham dự.

Nhìn những chuyến xe cable car chạy trên đường Powell, nhà thơ nói với tôi ông chưa một lần leo lên dù ở thành phố này đã 22 năm. Phía đó có khách sạn Westin với hai lá cờ to treo phía trước, cờ Hoa và cờ Đỏ. Nhà thơ bảo tôi sao lại có “cờ đỏ sao vàng” ở đó. Nhìn rõ lại, tôi nói đó không phải là cờ cộng sản Việt Nam mà là cờ Trung Quốc. Chẳng ai dại gì treo cờ đỏ sao vàng. Làm thế chỉ mời gọi người biểu tình, gây phiền phức. Nhà thơ tưởng chỉ dân Việt ở San Jose mới hay cực đoan, hò hét, còn dân San Francisco này hiền. Anh bảo nếu có một phái đoàn Việt Nam qua đây tham quan, ở khách sạn thì họ cũng treo cờ thôi. Tôi nói anh hiểu thế là lầm rồi. Người Việt ở San Francisco không đông như San Jose, nhưng khi ra phố thấy bóng dáng cờ đỏ là họ tìm cách phản đối ngay. Trước bin-đinh có văn phòng Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam mà cũng không cờ quạt, huống hồ những nơi khác.

*

Hai bố con đến tiệm Forever 21 tìm bà xã, cô con gái và đám bạn. Một người giảng đạo vẫn ngồi bên cạnh tấm bảng NO SEX thật to mà tôi đã thấy hôm cuối năm khi rong chơi ở đây. Trong khi đứng chờ gia đình, hôm nay tôi mới nghe ông nói rõ:

Sex is only between a virgin man and a virgin woman. Otherwise a woman is only a whore.

Tình dục chỉ có giữa một người đàn ông đồng trinh và một người đàn bà đồng trinh. Nếu không người đàn bà chỉ là một con điếm.

Khách qua đường không biết có ai để ý nghe ông nói gì không?

*

Tôi đã đến nơi diễn văn nghệ trễ vì bị tắc xe trên cầu. Nhiều lúc phải dừng hẳn lại. Khi đó tôi đã chụp được vài tấm hình thành phố nhìn từ một góc cạnh ít khi có. Rất lạ.

 

001_DaMau_H04_BayBridge

bài đã đăng của Bùi văn Phú

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

3 Bình luận

  • thuy says:

    Người Việt mà ông Phú hỏi NVHN cực đoan lắm phải không? Tôi thấy thật là, sao ông ấy không tự hỏi mình câu đó. Có chăng vì NVHN đã học một bài học qua đắt tại VN. Những ai từng học VN sau 75 đều phải học qua những khóa chính trị về nền chuyên chính vô sản và bạo lực Cách Mạng với cặp phạm trù : Đúng Và Sai, Bạn và Thù. Không hề có cái màu xám chính giữa.Bạo lực Cách Mạng và chuyên chính Vô Sản sẽ đập tan tất cả các kẻ thù, cho dù đó là những người yêu nước như Cù Huy Hà Vũ.
    Cái màu xám có chăng chỉ có ở những người qua Mỹ, hải ngoại trước 75, họ còn mù mở về đường lối CS, còn thấy những bài thơ quê hương của con nít “Quê hương là gì hở mẹ” mà thấy người CS đã đổi thay.
    Vâng, họ đã đổi thay về mặt chính trị, hiện nay không phải là chế độ CS, hay XHCN nhưng họ vẫn áp dụng cái chính sách : chuyên chế và bạo lực.
    Không, họ không thể ru ngủ NVHN bằng những giọng nói cải lương khi chính họ đang ngồi trên đống gia tài kếch xù, bằng vũ khí là bạo lực và chuyên chế.
    Sorry, nobody listens to you any longer.
    Màn đã buông từ lâu !

  • Chào lhk,

    Tôi, cũng như nhiều người Việt ở miền Nam, còn nhớ rõ những kinh hoàng của Tết Mâu Thân. Nhưng sống ở Mỹ đã lâu, khi nói đến chữ “Tết” của tiếng Việt, tôi thấy nhiều người Mỹ, nhất là ở tuổi 60 trở lên thường hay có liên tưởng đến “Tet Offensive” vì trong sách sử của Mỹ thường được nhắc đến như thế.

    Dĩ nhiên, nếu thảo luận thì tôi sẽ nói những gì mình hiểu biết về biến cố này. Còn ghi nhận trong bài viết chỉ là trong thoáng chốc. Lúc đó tôi muốn đi gặp bạn, còn ông Mỹ thì ngà ngà say, nên đâu phải là lúc để bàn luận chuyện lịch sử Việt Nam. Bạn đồng ý chứ.

    – Bùi Văn Phú

  • lhk says:

    Tôi không biết ông Bùi văn Phú có biết gì về Tết Mâu Thân không?Có nghe gì về chuyện CS chôn người dân vô tội năm 68,nghe ông trả lời khi người Mỹ hỏi “Tet Offensive” ông trả lời “that’s right” có nghĩa Tết VN là Tết Mậu Thân?Mà sự thật người Mỹ muốn hỏi “Tết” là New Year của người VN phải không?
    Đúng ra ông phải trả lời “Không phải đâu” vì “Tet Offensive” là cái Tết mà CS vi phạm thỏa ước hưu chiến đã tấn công và đã giết nhiều thường dân ở Huế.
    Nhiều khi vì sự không hiểu rỏ hoặc trả lời “ởm ờ” gây ngộ nhận cho những người ngoại quốc vốn ít hiểu biết “sự thật một cách công bằng ” về chiến tranh VN.Điều này sẽ mang tội với vong linh những người đã nằm xuống vì lý tưởng bảo vệ Tự Do cho Miền Nam.Mong có dịp ông nói lại cho đúng.Cám ơn ông.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)