Trang chính » Biên Khảo, Phỏng vấn Email bài này

Tấm áo ngắn của người yêu và chiếc bành tô của lịch sử

0 bình luận ♦ 15.12.2009

Ghi chú của người dịch:

Nhân kỷ niệm 20 năm bức tường Bá Linh sụp đổ (09/11/1989), tạp chí “Literaturen” số 10/09 có cuộc phỏng vấn hai tác giả đã thành danh ở Đông Đức trước 1989 và hiện nay – Christoph Hein và Ingo Schulze- về tình hình văn họ Đức, được giới báo chí văn học Đức mệnh danh là “Văn học bước ngoặt”- Wendeliterarur- từ 1989 đến 2009

Christoph Hein[1] và Ingo Schulze[2] (giới thiệu CH và IS do người dịch) nói về mùa thu 1989, sự chờ đợi lâu lắc cuốn “tiểu thuyết bước ngoặt” và vai trò của văn học.

LIT. Sự chờ đợi cuốn “tiểu thuyết bước ngoặt vĩ đại” (tiếng Đức “Wenderoman”, ghi chú của người dịch) đã là một môn thể thao dai dẳng của mục văn học trong báo chí . Trong lúc ấy, thật không có chi rõ rệt về cái gọi là “một tiểu thuyết bước ngoặt” cả. Mặt khác từ giữa thập niên 90, đã có vô số tiểu thuyết được viết, trong số đó đôi cuốn được cho rằng chúng là loại tiểu thuyết ấy – như cuốn “Landnahme” và “Willenbrock” của ông và của Ingo Schulze, nhất là hai cuốn “Simples Storys” và “Neue Leben”. Các ông có chấp nhận sự xếp đặt này không? Hay là các ông nhất thiết phản đối nhãn hiệu “Tiểu thuyết bước ngoặt”?

CH. Tôi không bao giờ phản đối điều gì cả. Đúng như những nhà viết trang văn học trong báo chí tưởng tượng, điều ấy cũng như thế. Thường thường tôi điểm tâm tương đối sớm, rồi ngồi vào bàn viết, khoảng 8 giờ sáng, và nói với mình: Thế đấy, Hein, hôm nay mình viết cuốn tiểu thuyết bước ngoặt nhé. Rồi tôi bắt đầu. Nó như thế đấy. Khái niệm ấy đến từ kỹ nghệ vải vóc. Kỹ nghệ ấy có lần phát minh ra cái áo khoác hai mặt (gọi là Wendejacke, ghi chú của người dịch). Khi cái áo trở nên dơ bẩn, lộn áo ngược lại và có thể mang nó thêm vài tuần nữa với màu khác lộn ra ngoài. Tương tự, một cuốn tiểu thuyết bước ngoặt sẽ là một cuốn tiều thuyết mà người ta có thể đọc từ đàng truớc và từ đàng sau.

IS. Vấn đề của tôi không phải là “tiểu thuyết bước ngoặt”, mà là từ ngữ “bước ngoặt”. Tôi còn nhớ khá rõ, Egon Krenz đã phát biểu “Phòng chính trị đã dẫn nhập bước ngoặt”. Đó không thể là khái niệm của tôi. Tôi cũng đã không thấy điều ấy đúng. Tôi hiểu “bước ngoặt” trên lãnh vực chính trị từ Bonn, khi đảng FDP bỏ SPD đổi sang hợp tác với CDU. Để gọi những năm 1989/90 tôi thích dùng những từ như “thay đổi thế giới”, “”sụp đổ” (Umbruch) hay “cách mạng hoà bình”. Chữ “Wende” thích hợp cho một thứ tàu buồm. Còn về “tiểu thuyết bước ngoặt” thì theo tôi, việc xếp loại văn học theo đề tài luôn luôn đáng đặt nghi vấn. Khi tôi được hỏi vấn đề nằm ở đâu thì tôi trả lời: nơi mọi thứ, nơi tất cả. Trong giọt nước phải có cả thế giới nằm trong ấy. Cho một cuốn tiểu thuyết về 1989 thì thế giới trước đó và sau đó đều phải được gói vào và cả sự thay đổi của những liên hệ phụ thuộc. Bởi thế cho nên tôi luôn luôn chống lại việc xem “Simples Storys”như là cuốn tiểu thuyết bước ngoặt. “Sống hôm nay” có lẽ thoả mãn đều ấy hơn. Nhưng thật sự tôi không muốn du mình vào trong thắc mắc ấy. Đó là một cách đơn giản hoá, mà ta sẽ nhận trả lại, khi nghe kêu, ô Thượng đế, bây giờ ông ấy lại viết về bước ngoặt. Khái niệm ấy chễm chệ ngồi trên như một con cóc mập! – tôi không chống cóc -, nhưng rồi người ta không nhìn kỹ được một chút gì ẩn núp ở bên dưới.

LIT: Những tác giả (như các ngài) không thể đưa lý do sở dĩ họ không thích khái niệm ấy bởi họ cảm thấy điều ấy tuồng như để làm thoả mãn lối đơn đặt hàng có tính văn học báo chí, mà bỏ qua hay lánh xa không viết về “bước ngoặc”. Nếu thế thì quả là trẻ con.

CH: Tôi luôn luôn chỉ viết về tôi và thế giới nhỏ bé mà tôi biết. Trong đó có toàn thể nước Cọng Hoà Dân Chủ Đức DDR, hay đúng hơn những phần của DDR, nơi tôi đã hiện diện. Tôi viết về “bước ngoặt” thay đổi nằm ở lý do vì tôi đã đi lang thang trong khoảng thời gian này và đã ghi lại những điều tôi đã thấy và trải nghiệm. Điều ấy độc lập với chuyện chính trị. Trong đời sống của một xã hội, của một quốc gia có nhiều điểm quan trọng, nhưng không vì thế mà chúng nhất thiết là khả dụng cho văn học.

Chúng ta không có cuốn tiểu thuyết lớn nào của người Tây Đức vào thập niên 68, mặc dù 1968 đối với xã hội Tây Đức chắc chắn có tầm quan trọng. Trong lịch sử của mỗi quốc gia có những mốc điểm hoài niệm đáng kể, nhưng cho văn học thì lại không có gì cả – bởi vì chúng không thể đứng vững đối đầu với cái hôn của người yêu. Chuyện như thế đấy, cái áo ngắn của người yêu thì gần hơn là cái áo choàng của lịch sử rầm rộ đi qua.

LIT: Friedrich Christian Delius có viết một câu chuyện với tựa đề “Căn nhà Mỹ và điệu nhảy chung quanh đàn bà”. Ở đó đúng là đề cập đến sự bất đồng giữa đòi hỏi chính trị và trải nghiệm cá nhân. Có thể là, bao lâu ta ở trong đó, thì ta không thể hiểu được lịch sử đang diễn ra, và vì thế mà mỗi cuốn tiểu thuyết nào về sau làm ra vẻ như thấu triệt hết lịch sử đều trớt qua sự thật?

CH: Vào mùa thu 1989 sự chia cắt thế giới thành thế giới thứ nhất, thứ hai và thứ ba chấm dứt và bắt đầu giai đoạn mà chúng ta gọi là toàn cầu hoá. Sự kết cuộc của xáo trộn này vẫn chưa dự đoán được. Nó chỉ xảy ra, nếu khắp nơi trên thế giới chúng ta cùng có một cách thức và những điều kiện sống đồng đều. Những điều ấy sẽ không ở trên tầng thứ nhất mà ở trên tầng thế giới thứ hai hay thứ ba. Như thế sẽ có những thay đổi lớn cho mỗi chúng ta, ngay chính ở Âu châu.. Điều mà chúng ta đang quen thói và quen thuộc sẽ tuột mất. Điều đó chúng ta vừa thấy (ở thí dụ 1989, ghi chú của người dịch). Đối với những nước như Trung Hoa và Ấn độ, lục địa Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh điều ấy là lý do hi vọng. Sự kiện khởi đầu vào ngày 9 tháng 11 năm 1989, có thể sẽ còn kéo dài 200 năm nữa và sẽ thay đổi thế giới dữ dội. Trong chừng mực ấy những bình luậ gia văn học nhỏ bé, dễ thương đang muốn có một cuốn tiểu thuyết bước ngoặt ngay lúc này, e phải còn chờ thêm một tí nữa.

LIT: Tuy vậy chúng ta đang sống hôm nay và viết về thời đại hiện nay của chúng ta. Nếu những điều mà ông nói là đúng, thì tốt hơn chúng ta nên để tâm vào những câu hỏi tương lai và nên nhìn vượt qua cái vành dĩa của tỉnh lỵ Đức thay vì đi lui nói về “bước ngoặt?

IS: Điều ấy không loại trừ cái kia. Người ta cũng có thể trải nghiệm sự đổi thay thế giới ngay trong tỉnh lỵ nước Đức. Thời đó tôi đi qua nước Nga với tư cách là người kinh doanh hạng tồi. Tôi đã không có ý định viết về chuyện ấy. Thế nhưng những kinh nghiệm mà tôi đã có trước đó tại DDR, tôi lại thấy ở nước Nga một lần nữa còn phóng lớn hơn và với cái nhìn của một người đứng ngoài, tôi sống lại trong xứ lạ điều mình đã sống. Ở xứ chúng ta thì không có thời quá độ. Đó là 40 năm dài DDR, rồi có cuộc gia nhập và với nó mọi chuyện xong xuôi. Ở Nga sự tiến triển không thể tiên đoán được, và cho đến hôm nay, người ta còn chưa biết được sẽ đi về đâu. Thật sự người ta phải tư duy trong những chiều kích tương tự như đối với sự tàn lụi của đế quốc La mã. Nếu người ta quan sát những cuộc chiến ở Jugoslawine, ta nhận ra rằng chúng chạy dọc theo biên giới, chia vương quốc La mã thành một phần đông và một phần tây, phía đông nam biên giới này kinh nghiệm về Byzanz[3] và về vương quốc Thổ nhĩ kỳ (Osmanisch) đã là quan trọng. Điều ấy vẫn còn ảnh hương tiếp. Dĩ nhiên điều ấy không cho ta một giải thích cho những xung đột ngày nay, nhưng chúng thuộc vào nhau. Ngày nay chúng ta nên biết rằng chúng ta phải trả nợ cho quá khứ và những người trong tương lai sẽ dọn đống phân của chúng ta. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử hay khoa học giả tưởng, nhưng trước hết tôi quan tâm đến thời đại riêng của tôi – và những thời đại khác đã ảnh hưởng lên thời đại của tôi như thế nào

CH: mỗi tiểu thuyết lịch sử là một tiểu thuyết xã hội. Khi H. Mann viết “Henri Quatre” , thì đó là một tiểu thuyết của thời ông. Và trong “Julius Caesar” của Shakespeare nhiều người Anh lũ lượt diễu qua sân khấu. Đều là giống nhau, hoặc là một tiểu thuyết diễn ra trong tương lai hay trong quá khứ: luôn luôn nó vẫn là thời đại của tác giả.

LIT: Thật không hoàn toàn đáng tin, nếu các tác giả nói rằng thật quá sớm để đề tài hoá 1989. Một mặt họ viết về những kinh nghiệm riêng tư, mặt khác họ bảo phải đợi 200 năm trôi qua. Vậy thì khoảng cách bao nhiêu là cần thiết?

IS: Sự khó khăn lớn nhất khi viết đối với tôi luôn luôn là làm sao có được khoảng cách với các nhân vật. Nếu những nhân vật có đời sống riêng, nếu chúng một mình tự khởi động, thì tôi có thể bồi thêm máu của con tim dành riêng cho chúng. Tôi đã trải nghiệm năm 1989 hoàn toàn từ xa. Khi tôi từ St Petersburg trở về, tôi đã muốn viết điều gì về Đông Đức 1989. Đó đã là thời gian, trong đó tôi ngồi trọn vẹn và trong đó tôi cảm thấy yên ổn nhất. Thời ấy đã là sự kiểm duyệt lớn trong đời riêng của tôi. Thế rồi tất cả đều thay đổi. Thời gian này thật kinh dị, nhưng quá gần gủi. Rồi tôi thử viết về Dresden trong những năm 70, 80, nhưng lại thấy rằng điều ấy trở nên giả hiếm hoi và mang tính phản chính thống .Tôi không thể viết về DDR từ những năm 90, làm như đã không có 1989 và những kinh nghiệm theo sau. Điểm lý thú, tôi nghĩ, chính là sự thay đổi những lệ thuộc, từ lệ thuộc này sang lệ thuộc khác mà thôi. Như thế tôi đã nghĩ, có lẽ tôi nên viết một tiểu thuyết về Dresden, nếu trên trang sau của bản thảo tôi lấy cái gì khác – tương tự như E. T. A. Hoffmann đã làm trong”Kater Murr”. Thành ra hai quyển sách trong một cuốn.

CH: như thế là ông có quyển “tiểu thuyết bước ngoặt” mà người ta có thể đọc từ phía trước và từ phía sau.

IS: Nhà văn trong chế độ DDR đã là một hình tượng trung tâm. Và nó bị giải tán bởi người quản lý. Tôi ở trong nghệ thuật sân khấu, từ năm 1989 làm nhà phê bình kịch nghệ ở một sân khấu tỉnh lị, nơi mà chúng tôi cảm thấy mình là trung tâm của xã hội. Chúng tôi luôn luôn đã nghĩ, bây giờ thế nào cũng sẽ có một lần họ cấm buổi diễn, nhưng chưa bao giờ đến mức đó. Mùa thu năm 89, bên cạnh nhà thờ, sân khấu là một địa điểm quan trọng. Thế rồi vào cuối tháng 11 không có chi buồn chán như kịch nghệ. Tôi đã thành lập một tạp chí cùng với bạn bè., tờ báo này gần với tờ “Neue Forum”, chúng tôi đã không xài phí tư duy cho chuyện tiền nong, cho đến lúc chúng tôi nhận ra, rằng để làm báo chúng tôi phải làm kinh doanh. Thế là tôi trở nên nhà kinh doanh – cũng đã thú vị kinh khủng khi làm ra tiền, bao lâu nó còn chạy việc. Thật là một cuộc thay đổi mẫu dáng! Trước đó tất cả là kịch, nghệ thuật, văn chương, phim – và bỗng nhiên tất cả đều xoay quanh một chuyện: chúng ta kiếm được bao nhiêu? Có bao nhiêu quảng cáo? Chúng ta bán bao nhiêu?

CH: Sau ngày 9 tháng 11 quyển sách duy nhất còn gây quan tâm là tập Katalog của Quelle. Hôm nay người ta cũng nên nhớ chuyện ấy, khi chính thương hiệu Quelle đang gặp khó khăn. Năm 1989 mọi chuyện đều chưa được nhìn rõ hết. Bấy giờ chỉ xoay quanh chuyện, làm thế nào để đừng lọt dưới bánh xe và tìm mọi cách để được một vết cắt vàng.

LIT: Nhưng không phải là văn học trước đó ít nhất đã có chức năng mở cửa hay sao?

CH: Nhân đây tôi muốn nhắc lại một câu của H. Mann, ông ta nói: 100 năm văn học Nga trước cách mạng tháng mười là cuộc cách mạng trước cuộc cách mạng. Tôi nghĩ điều ấy thuộc vào văn học. Thật là khó để mô tả DDR sau cuộc chấm dứt DDR. Sau cuộc săn bắn đã chấm dứt thì con gấu luôn luôn lớn hơn, hung hăn hơn và đáng sợ hơn. Những mô tả về DDR sau khi nó sụp đổ đôi lúc thật quá đáng một cách lố bịch, đôi lúc lại dưới mức (untertrieben). Trong chừng mực ấy văn học đến từ DDR, cỡ chừng của các tác giả như

Stephan Heym, qua hàng thập niên vẫn là một điểm quan trọng cho năm 1989. Lời nói của H. Mann đúng cho mọi thời đại.

IS. Tôi còn nhớ rõ, năm 1985 có ba quyển sách. Đó là cuốn “Hinze-Kunze-Roman” của Volker Braun, “Neue Herrlichkeit” của Guenter de Bruyn và “Horns Ende” của Christoph Hein. Thật là dữ dội! Với mỗi quyển ấy, không gian lý luận được mở rộng. Thế rồi khi tôi nghe Hein phát biểu trong radio vào tháng 10 năm 1989, tôi biết rằng tham gia vào việc ấy thật sự có ý nghĩa. Quả là người ta đã không nghĩ rằng người ta có thể thay đổi cả hệ thống qua những cuộc biểu tình. Từ những lý do đạo đức người ta tham gia vào và thật là quan trọng có được những quyển sách như thế, và nhiều người như Hein đã trực tiếp tham gia.

LIT: Sau đó, diễn tả lại một cách chính xác chuyện xảy ra như thế nào sao lại khó đến thế?

CH: Tính cách đặc biệt của nghệ thuật nằm ở chỗ tôi phải có màu sắc, mùi vị, âm thanh. Điều đó dính líu đến sự tưởng tượng. Cuối cùng câu hỏi không phải để được trả lời. Mà chính là công việc cần thực hiện.

IS: Tôi có cảm tưởng, tôi đã hiểu được điều gì trong những quyển sách của CH, ví dụ trong “Landnahme”. Ở đâu nếu không phải từ đó tôi biết được điều gì về DDR? Ai nói cho chúng ta rằng thế giới đã có diện mạo như Balzac đã diễn tả? Văn học hiện diện ở đó để cho ta không còn lại một mình với những kinh nghiệm riêng mình. Với mỗi kinh nghiệm, bức tranh của quá khứ cũng thay đổi. Người ta cũng không nên chỉ nhìn về phía Đông, mà nên hỏi: bên Tây đã phát triển như thế nào sau 1989. Nó thay đổi ra sao sau khi Đông Đức không còn? Nếu tôi viết về DDR tôi phải đưa điều ấy vào. Người ta không thể nói về một bên còn im lặng không nói về bên kia, cũng giống như ta không thể viết về đàn bà mà không nói gì về đàn ông. Luôn luôn mọi thứ đều là tương quan.


[1] Với những vở kịch và ký của ông, CH là một trong những nhà văn đáng kể của văn học hiện đại Đức. Ông sinh ngày 08.04. 1944 tại Heizendorf/ Schlesien (ngày nay thuộc Ba Lan). Bởi vì cha ông là mục sư nên ông không được nhận vào trường trung học ở DDR, do đó CH qua Tây Bá Linh năm 1958 và học nội trú tại trường trung học nhân văn ở Tây Bá Linh. Đúng vào lúc bứ tường Bá Linh được dựng lên, ông sang Đông Bá Linh thăm cha mẹ nên kẹt tại đó không về Tây Bá Linh và bỏ dở cuộc thi Tú tài. Sau đó đi học lại và học Triết, Luận lý tại Leipzig và Bá Linh. Từ 1971-1974 chủ nhiệm sân khấu nhân dân Volksbuehne Berlin, được bổ nhiệm là tác giả chính cho Volksbuehne Berlin, 1979 nhà văn tự do, 1980 thành tựu cuộc bức phá giao thương văn học tại Đông và Tây Đức. 1987 cùng với Guenter de Bruyn đòi bãi bỏ kiểm duyệt tại DDR. Nhận nhiều giải thưởng văn học tại Đông Đức, 1982 giải văn học Heinrich Mann của Hàn Lâm Nghệ thuật DDR, 1986 giải Văn học của Hội Văn Học Mới Hamburg. Sau thay đổi năm 1989 Hein nhận chức giáo sư về Thi ca tại trường cao học Folkwang Essen…bầu cử vào chức Chủ tịch Hội PEN thống nhất, 2002 giải thưởng quốc gia Áo về Văn học, 2004 giải thưởng Schiller-Gedaechtnis. 2008 giải thưởng văn học Walter- Hasenclever. Hiện sống tại Berlin.

CH tìm thấy chất liệu viết trong những liên hệ trực tiếp giữa người và người. Ông đặt câu hỏi những nhân vật của ông có thể gây tác động gì, bằng cách chính nhân vật tự thay đổi mình hay thay đổi thực tại. Hein chỉ cho ta lịch sử như là kinh nghiệm cá nhân, bằng cách ông cho những nhân vật của mình nói nhiều hơn là ông kể về họ. Thường họ hay làm nhiều cuộc đối thoại hay độc thoại dài. Cách viết này có lẽ đến từ công việc kịch nghệ của ông.

Những nhân vật chính của CH thường là những trí thức, những kẻ không tìm lại được chính mình trong lân cận hay cố ý tự cô lập. Trong vở “Einladung zum Lever Bourgeois” nhân vật chính, nhà trí thức Racine chiến đấu với bệnh táo bón của mình nhưng rốt cuộc phải nhận lời mời đến triều đình – với tác phẩm này năm 1980 C. Hein đã đạt được trên toàn nước Đức công cuộc bức phá biên giới Đông Tây bằng văn học –

[2] IS sinh 15. 12. 1962 tại Dresden (Đông Đức), tú tài 1981, 1988 học ngữ học cổ điển tại Đại học Jena. Sau đó làm chủ nhiệm khoa kịch nghệ sân khấu 2 năm ở sân khấu Altenburg, tiếp theo hành nghề phóng viên. Từ nửa thập niên 90 viết sách, tiểu thuyết, tiểu luận vv, cùng gia đình tại Berlin. Từ 1995 đến 2008 đã nhận nhiều giải thưởng văn học Đức. 2009 tiểu thuyết “Neue Leben” đứng trong Longlist des International IMPAC Dublin Literary Award với bản dịch Anh ngữ.

[3] Kinh đô cổ của vương quốc vùng đông, Thổ Nhĩ Kỳ (ghi chú của người dịch)

bài đã đăng của Thái Kim Lan

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)