Trang chính » Biên Khảo, Tiểu thuyết Ai Email bài này

chữ tình trong “ai” của đặng thơ thơ

0 bình luận ♦ 9.05.2024
Ai_Đặng Thơ Thơ

Một trong các nghĩa của từ gốc Hán Ai là “ái” (yêu thương), và vì gốc Hán nên cũng là “ái” trong tiếng Nhật, ngôn ngữ được nhắc đến trong tác phẩm. Diễn dịch này không được nêu lên trong tác phẩm, nhưng hiện diện suốt tác phẩm. Có thể đó là cố ý, cũng có thể là ngẫu nhiên, và hoàn toàn bình thường; vì lẽ, có tác phẩm nghệ thuật nào của loài người mà có thể thiếu chữ “tình”?

Ai đặt người mẹ là nhân vật chính, và như thế chữ “tình” trong tác phẩm thuộc về quan hệ mẹ và con. Tình yêu giữa người mẹ và con vẫn luôn được diễn tả bằng nhiều từ ngữ đẹp đẽ như “thiêng liêng”, “bao la”, được xem là thuần khiết và vô kỷ bậc nhất trong số những tình cảm con người. Trong tác phẩm Ai tình yêu này phức tạp, mang nhiều mâu thuẫn và xung đột, có mặt sáng và tối. và sức mạnh hủy diệt không kém khả năng tạo dựng.

Tình yêu người mẹ (chủ âm) dành cho đứa con trong Ai nêu lên những câu hỏi về chính bản chất và nguồn cơn của nó: tình yêu của người mẹ dành cho con, phải chăng khởi đi từ tình yêu chính mình, yêu một tạo dựng, một sở hữu của mình? Quả đúng là thoạt tiên đứa con chính là tạo dựng của người mẹ, từ mầm mống di truyền cho đến dinh dưỡng để tạo thành và phát triển sự sống, không khác gì một tác phẩm là tạo dựng của tác giả. Điều khác biệt là một tác phẩm, sau khi đã hoàn thành, không thay đổi hoặc thay đổi rất ít, trong khi đứa con thì thay đổi rất nhiều, đến mức ra ngoài tầm uốn nắn và ảnh hưởng của người mẹ.

Nhận thức của người mẹ rằng con mình đang thay đổi, không còn hoàn toàn lệ thuộc vào mình và tình yêu của mình nữa khiến người mẹ cảm thấy như đang mất đi đứa con, đưa đến một chủ đề chính khác của tác phẩm: sự mất tích, hay nói rộng hơn là sự mất mát qua nhiều hình thức khác nhau. Chủ đề “mất tích” này dẫn đến một chủ đề khác: sự níu giữ. Người mẹ biết mình nên mừng vì con đang khôn lớn, trở thành độc lập, nhưng mặt khác bà muốn con mãi mãi là đứa bé chỉ nhận diện mình là “con của mẹ” thay vì một “cái tôi” riêng biệt. Suy nghĩ (hợp lý) của người mẹ không thắng nổi sự níu kéo, chiếm hữu trong tiềm thức: những hành vi của bà sẽ đẩy đứa con xa hơn, đến sự cắt đứt, hay mất tích.

Ngược lại, với người con, tình yêu mẹ là tình yêu đầu tiên nó nhận biết trong sự nương tựa, đúng ra là lệ thuộc hoàn toàn. Trong thế giới mới khởi đầu của đứa con, người mẹ là thượng đế, là khuôn mẫu, là tất cả những gì toàn bích và tuyệt đối. Thế nhưng, cũng như người mẹ, đứa con còn có tình yêu cho chính bản thân, và với thời gian, cho dù mối quan hệ với mẹ vẫn là những điều quan trọng nhất, mối quan hệ đó không còn là mối quan hệ duy nhất, tình yêu mẹ không còn là tình yêu duy nhất. Khi người mẹ tìm cách níu kéo ảnh hưởng và quyền lực của mình đối với con, chẳng hạn như dùng cái chết của mình làm một hình thức cảnh cáo, đe dọa, thì lòng tin của đứa con vào tình yêu của mẹ đối với mình bắt đầu rạn nứt. Tổn thương của đứa con có nhiều thành phần: vì mẹ không yêu mình như mình nghĩ, vì mình đã sai lầm trong việc lý tưởng hóa mẹ, vì chỉ trích mẹ cũng như chỉ trích chính mình, vì mình chính là một phiên bản, một hình phản chiếu của mẹ. Hơn nữa, từ những giây phút ấy, người con bắt đầu cảm thấy đã mất đi người mẹ, bị bỏ rơi, hoặc chính mình đã biến mất trong tầm nhìn của người mẹ, tức chính mình đã bị chết.

Trải nghiệm cái chết giả vờ của mẹ, một biểu tượng về sự trấn áp tinh thần, đã khiến tình cảm và biểu lộ tình cảm của người con thui chột, hoặc ít ra là bị kềm nén không phát triển và phát biểu được. Tuy tác phẩm có nhiều ghi nhận về tình cảm của người mẹ, và tuy trải nghiệm tâm lý của người con được diễn tả tỉ mỉ trong phần đối âm, sau đó không còn ghi nhận nào về tình cảm của người con. Có thể người con cũng nhận ra điều mày, trong cách cấu tạo tác phẩm của riêng mình là hành động đi mở tất cả các cửa, nói theo cách khác là tìm ra một không gian nào đó, một thứ gì đó người con biết có hiện hữu. Sự vô cảm của người con kéo dài cho đến cuối tác phẩm, ngay cả khi nghe những chuyện thương tâm trong cuộc sống những người lao động biệt xứ ở Nhật. Liệu có bao giờ người con trốn thoát được sự tổn thương lúc nhỏ và những hệ quả của nó? Người con “muốn tin vào điều tích cực”, nhưng chữ “tình” nhiều khi chẳng chịu đi theo chữ “lý”.

Chủ đề “mất tích” trong tác phẩm được mở ra theo nhiều hướng và dối tượng khác nhau, nhưng nổi bật nhất vẫn là “mất con”. Sự níu giữ, thoạt tiên có vẻ ngẫu nhiên và thụ động trong phần đầu tác phẩm, trở nên chủ động trong phần sau, khi người mẹ dùng di truyền “clone” người con, hoặc dùng búp bê thế chỗ con. Đến đây, phần chiếm hữu đã lấn át thực tế và lý trí; có thể nói rằng, tình yêu của người mẹ đối với con đã biến mất hẳn, hoặc đã đổi sang một đối tượng khác: khái niệm về con hơn là người con như một sinh tồn thật sự.

Tác phẩm Ai có nhiều chi tiết mang tính tuyệt đối, chẳng hạn những người mẹ chỉ có một con, không có mặt của bất cứ ai khác hoặc một tình yêu nào khác, thậm chí bóng dáng của người cha. Sự mất tích trong tác phẩm cũng tuyệt đối, không thể cứu vãn, gần như “định mệnh”, nếu “định mệnh” là những điều không thể tránh né, không thể thay đổi. Lại nữa, mất mát phần lớn mang tính bi thương, tuyệt vọng, ngoài một vài nhắc nhở về tính tái tạo (năng lượng biến đổi chứ không mất, biến mất và tái hiện luôn xảy ra) Một tác phẩm với nhiều suy ngẫm về những khả năng mất mát chỉ có vài suy ngẫm “lấy lệ” về những mặt tích cực của “mất tích”? Có thể là vì tác phẩm khởi đi từ sợ hãi. Cảm giác sợ hãi ngày càng tăng, hướng các nhân vật về những ý tưởng tiêu cực, cho đến lúc họ không còn chút hy vọng nào ở tương lai.

Thoạt tiên, tựa đề Ai của tác phẩm nghe như tựa đề của một truyện trinh thám, mà thật ra tác phẩm cũng có nhiều những tình tiết có thể gọi là thuộc thể loại trinh thám, nhưng nói chung Ai là tập hợp của nhiều nỗi sợ hãi và u buồn. Đọc xong tác phẩm rồi, người đọc mới nhận ra Ai mang nhiều nghĩa hơn những diễn dịch được nhắc đến trong tác phẩm. Trong tiếng Việt, ngoài chữ “ái” đã nhắc đến trước đây, chữ “ai” trong nghĩa “ai đó” tự nó đã mang cảm giác lẻ loi, bất định, mập mờ, cũng là không khí chung của tác phẩm, và nỗi buồn, sự mất mát trong cảm nhận của những nhân vật trong tác phẩm cũng nằm trong chữ “ai” theo nghĩa “bi ai.” Cuối cùng, có thể nói Ai gợi lên được trong mỗi chúng ta những suy ngẫm và trải nghiệm riêng về được mất. Đoạn cuối của Ai đã được viết ra và có lẽ sẽ không đổi, còn chúng ta, không hiểu chúng ta có còn cơ hội, hy vọng và can đảm, để tạo dựng và xoay chuyển những đoạn cuối vui buồn trong cuộc sống của mình hay không?

04/2024

bài đã đăng của Hồ Như

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)