Trang chính » Biên Khảo, Tạp luận Email bài này

Một vài kinh nghiệm về việc giúp người cận tử giữa Mật tông Tây Tạng và Kitô giáo

Giữa thời văn minh kỹ nghệ khoa học và nhịp sống đô thị tựa như những ngọn thác lũ cuồn cuộn cuốn trôi tất cả những trở ngại của nó thì việc bàn về cái chết chỉ là một sự bi quan, chán đời của những kẻ thất trí. Đa số con người ngày nay đều cho rằng chết là hết. Có người còn khinh suất về sự chết và cứ nghĩ: “Ôi! Hơi đâu mà lo cho mệt, ai rồi cũng phải chết, chuyện đó tự nhiên quá mà…”. Nhưng khi có người thân yêu ra đi, họ lại hoang mang không biết người đó đi đâu, số phận như thế nào. Lúc đó, không ai có thể giải thích một cách thỏa đáng về cái chết thù lù trước mặt của họ. Do đó, họ bàng hoàng hoảng hốt, và đời sống đối từ đó trở nên gánh nặng không cùng bởi mất mát đó không bao giờ có thể bù đắp được.

Trước những đau thương mất mát đó, con người thường chấp nhận một thái độ đà điểu trước cái chết. Họ muốn xuống dòng gạch tên cái chết bằng cách chất đầy cuộc sống bằng rất nhiều những chương trình, những toan tính, những kế hoạch, những việc bác ái, cả những việc tu hành… trong tất cả các lãnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế, tâm linh… đến nỗi họ không còn một chút cảm thức hay linh giác gì về cái chết đang xảy đến cho mình. Ngay cả tôn giáo, nơi mà vai trò chính yếu của nó là giúp tín đồ của mình vượt qua sống chết, thì cũng cử hành một cách có lệ, dập khuôn theo những truyền thống, nghi thức cổ hủ. Tôn giáo ngày càng đánh mất cái thẩm quyền kinh nghiệm về cận tử cũng như thấu thị về cảnh giới bên kia cõi chết của mình ngay khi nó nắm trong tay lưỡi gươm quyền lực, nhất là các tôn giáo có tổ chức như Do thái, Kitô giáo…

Tuy nhiên, trong buổi hoàng hôn của những kinh nghiệm cận tử, anh khổng lồ Trung cộng đã ức hiếp dân tộc nhược tiểu Tây tạng đến nỗi, ngay cả những vị Lạt ma chỉ còn ‘bộ xương khô’ tu nhập thất cũng không còn đất để sống. Hệ quả của nó là các Lạt ma phải sống lưu vong trên khắp thế giới. Chính điều này đã tạo điều kiện cho những giáo lý và các phương pháp hành trì giúp đỡ người cận tử, cũng như những người vừa mới qua đời của Phật giáo Mật tông bấy lâu chỉ được trao truyền bí mật, được toàn thể thế giới biết đến qua những tác phẩm như: Tử Thư Tây Tạng (Tibetian Book of the Dead), nguyên tác Bardo Thodol Chenmo, do Sogyal Rinpoche viết, do giáo sư W.Y.Evens Wentz Phiên dịch ra Anh ngữ vào năm 1924 và ni cô Trí Hải dịch ra bản Việt ngữ. Ngoài ra còn có những sách khác như Huyền thuật và Đạo sĩ Tây Tạng của A. David Neel viết năm 1929…

Dựa trên những tác phẩm đó và 30 năm vừa là giáo dân vừa là tu sĩ trong Kitô giáo, chúng tôi mạn phép đưa ra một vài những nghi thức giành cho người cận tử kèm theo những nhận định của riêng của người viết. Chắc chắn những nhận định riêng đó sẽ có phần cảm tính và thiếu khách quan. Do đó, rất mong nhận được những đóng góp của quý vị thức giả để giúp người viết ngày càng tiến triển trong con đường vượt qua sống chết.

1. Những nghi thức cho người cận tử

1.1. Kitô giáo

Đối với những xứ đạo Kitô, nói riêng là ở Việt nam, họ thường có một nhóm người được gọi là hội giúp kẻ liệt lào. Công việc của họ là hễ nghe thấy ai hấp hối thì họ mang bình nước phép, cây thánh giá có tượng chịu nạn, hai cây nến, và quyển sách kinh đến để giúp đỡ người sắp lâm chung. Đến nơi, họ đọc một tràng kinh đại khái như Kinh ăn năn tội, Kinh lạy Cha, Kinh kính mừng… rồi sau đó hỏi han, động viên đương sự chóng khỏi bệnh. Nếu đương sự gặp cơn nguy khốn, khó có thể sống thêm được nữa thì một người trong số họ, hay người nhà đi rước linh mục về cử hành Bí tính sức dầu bệnh nhân và rước lễ. Đây là một loại bí tích chuyên dùng cho người đang hấp hối, Pierre Lombard viết : “Ngoài những bí tích trước, còn một bí tích khác gọi là xức dầu cho bệnh nhân, cử hành vào giờ phút lâm chung với dầu do giám mục hiến thánh.” Còn thánh Tôma thì nói : “Chủ thể của bí tích này là bệnh nhân sắp chết, nên thường chỉ làm phép xức dầu cho những người đau sắp chết. Nếu bệnh nhân lành bệnh, rồi sau đó mắc bệnh lại thì vẫn có thể xức dầu thêm lần nữa.” (Trích từ Đỗ Xuân Quế, Thần Học Bí Tích, tr 472, NXB Đức Tin Văn Hóa, 2005).

Thật ra, mãi đến thế kỷ thứ III mới có những nghi thức nhắc đến việc xức dầu. Đến thời công đồng Trento thì bí tích này chỉ dùng cho người hấp hối và Công đồng Vatican II đã chính thức dùng bí tích này cho các bệnh nhân.

Hiệu quả của bí tích này chủ yếu là chữa lành phần hồn và có thể chữa được bệnh tật phần xác. Thần học còn nhấn mạnh, việc chữa được bệnh tật phần xác không phải là phương dược vật chất mà là do sức mạnh của Chúa và lòng tin tưởng vào quyền năng siêu nhiên của Ngài.

Ơn ích của bí tích này là làm cho người bệnh ý thức được khổ đau và cái chết là do tội lỗi gây lên. Từ ý thức đó, bệnh nhân được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô qua trung gian bí tích và Chúa Kitô sẽ biến đổi tình trạng khổ đau đó từ chỗ là hình phạt phải chịu thành của lễ đền tội dâng lên Chúa Cha. Cuối cùng, nếu người được lãnh bí tích xức dầu sốt sắng thì sẽ được vào nhan thánh Chúa.

1.2. Mật Tông Tây Tạng

Đối với các đạo sư thuộc Mật tông Tây Tạng, họ cũng có niềm tin vào đời sau y như niềm tin của Kitô giáo. Nhưng nếu Kitô giáo chỉ dựa vào niềm tin để được sống lại trong thế giới bên kia, tức Nước Trời thì Mật tông lại có những phương tiện thiện xảo có tính khoa học tâm linh cụ thể hơn rất nhiều.

Cốt tủy trong giáo lý thuộc trường phái cổ xưa nhất của Phật giáo, nhất là ở Tây tạng thì sống và chết được xem như một toàn thể, ở đây chết chỉ là khởi đầu của một cuộc sống mới, một cuộc sống mà những giác quan hạn hẹp thông thường của chúng ta không thể thấy được. Cho nên, Milarepa bậc thánh Tây Tạng đã nói: “Tôn giáo của tôi là sống và chết làm sao để khỏi ân hận.

Chính vì thấy được chân lý vô thường, nên người Tây tạng dấn thân vào một cái chết tựa như chúng ta ăn cơm, đi ỉa hàng ngày. Họ không sợ chết cũng chẳng ham sống, thái độ của họ đối với cái chết giống như đứa trẻ chơi nhảy dây, bắn bi vậy. Hơn thế nữa, các bậc tu chứng còn xem cái chết như là một cánh cửa, một cơ hội để giác ngộ, để thực chứng những điều bất khả tư nghị mà khi còn mang cái xác thân hư dối này, họ không nhận ra được.

Trước khi đi vào phương pháp giúp đỡ người cận tử, thiết tưởng cần phải giới thiệu sơ lược về danh từ Bardo. Trong Tạng Thư Sống Chết, (Tên thật của quyển sách là Bardo Todrol Chenmo, có nghĩa “Sự Giải thoát lớn do Nghe trong cõi Trung gian.”), tác giả đã viết : “Danh từ Bardo trong Tạng ngữ chỉ có nghĩa là một chuyển tiếp hay một khoảng hở giữa sự hoàn tất một trạng huống và sự bắt đầu một trạng huống khác. Bar nghĩa là “ở giữa”, và do có nghĩa “bị lơ lửng,” “bị ném vào.”

Người ta chia ra làm bốn loại Bardo

  • Bardo tự nhiên của đời này.
  • Bardo đau đớn của sự chết.
  • Bardo quang minh của pháp tánh.
  • Bardo nghiệp của sự trở thành hay tái sinh.

Trong giới hạn bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến Bardo thứ 2, tức là Bardo đau đớn của sự chết. Tạng thư sống chết viết : “Bardo đau đớn của sự chết kéo dài từ khi hấp hối cho đến khi chấm dứt cái được biết là “hơi thở bên trong” ; giai đoạn này lên cao độ ở sự ló dạng của tự tính tâm, cái ta gọi là “Ánh sáng căn bản” vào lúc chết.”

Sau đây là một vài phương pháp giúp đỡ người cận tử trích trong Tạng Thư Sống Chết

– Tạo một bầu khí nhẹ nhàng, thoải mái và tự nhiên nhất trong gian phòng của người hấp hối.

– Cố làm sao để cho đương sự nói được tất cả những ẩn ức của họ khi còn sống một cách tự nhiên nhất.

– Thái độ thực tiễn và óc hài hước rất cần trong lúc lâm chung này, vì người sắp chết vô cùng lo sợ và hoang mang.

– Đừng mong mỏi đạt được kết quả vì theo quy luật thì người sống thế nào sẽ chết như vậy.

– Hãy yêu thương và chấp nhận người chết cách vô úy nhất.

– Luôn luôn nhắc đến những thành công và những ích lợi mà người đó đã làm trong cuộc sống.

– Nếu họ ăn năn về tội lỗi thì thành thực khuyên giải họ rằng : “Sự tha thứ đã có sẵn trong bản chất của Thượng đế. Thượng đế đã tha cho bạn rồi, vì Thượng đế chính là sự tha thứ. Lầm lạc là con người, tha thứ là Thượng đế. Nhưng bạn có thể tha thứ cho bạn không ? Ðó mới thực là vấn đề. ”

– Khi giúp người sắp chút hơi thở cuối cùng thì có thể nói như sau : “Tôi đang ở bên bạn, tôi yêu mến bạn. Bạn đang chết, điều ấy hoàn toàn tự nhiên, cái chết xảy đến với tất cả mọi người. Tôi ước gì bạn có thể ở lại với tôi, nhưng tôi cũng không muốn cho bạn đau đớn thêm nữa. Thời gian chung sống của chúng ta đã nhiều, tôi sẽ luôn luôn trân quý, bây giờ xin bạn đừng bám víu cuộc đời nữa, hãy buông ra. Tôi sẵn sàng để cho bạn chết. Bạn không cô đơn đâu – bây giờ và mãi mãi : bạn đang có tất cả niềm thương yêu của tôi.

– Đặc biệt, các đạo sư còn dùng một phương tiện gọi là Pháp chuyển di tâm thức “Phowa” để giúp người cận tử. Họ giúp người hấp hối quán hình ảnh Phật, Chúa hay bất cứ thần thánh nào nào mà họ tin ở trên đầu người sắp chết. Tưởng tượng những tia sáng trút xuống người hấp hối, tịnh hóa bản thể họ, và người ấy đang tan thành ánh sáng, nhập vào ánh sáng của Phật, Chúa… Sau đó có thể áp dụng cách chuyển di tâm thứ Phowa bằng cách niệm : “Tâm con và tâm Phật, Chúa là một”

– Họ cũng giúp cho người cận tử cống hiến cái chết của mình : “Này thiện nam, nay cái gọi là “chết” đã đến, vậy ngươi hãy có thái độ này : Tôi đã tới thời chết. Bây giờ, qua cái chết này, tôi sẽ giữ thái độ của tâm đã giác ngộ mà thôi, đó là từ và bi, và sẽ đạt giác ngộ hoàn toàn vì lợi lạc cho tất cả hữu tình nhiều vô lượng như không gian…

– Giúp người chết buông bỏ tất cả những tình cảm giận hờn thương ghét. Các bậc thầy đều khuyên như sau: “Hãy giải thoát mọi sự bám víu và ghét bỏ. Hãy để tâm thanh tịnh. Hợp nhất tâm bạn với tâm Phật”. Padmasambhava trong Tử Thư Tây Tạng: “Khi Trung Ấm chết xuất hiện. Tôi sẽ từ bỏ mọi chấp thủ, khát khao, lưu luyến”.

– Thời gian tốt nhất để khai thị là sau khi hơi thở ra đã ngưng, và trước khi “hơi thở bên trong” chấm dứt. Bảo đảm nhất là bắt đầu khai thị trong tiến trình chết, trước khi các giác quan hoàn toàn suy sụp. Nếu bạn không có cơ hội gặp thầy ngay trước khi chết, thì phải thụ giáo và tập cho quen với những chỉ dẫn này trước. Nếu có vị thầy, ông sẽ nói : “Này thiện nam, bất cứ gì con thấy, dù kinh hãi đến đâu, hãy nhận chân đấy là tâm con biến ra; hãy nhận đấy là ánh sáng, tia chiếu tự nhiên của tâm con”.

– Khi tứ đại bắt đầu tan rã, hãy giúp người chết như sau: “Khi địa đại tan rã, hiện tượng ảo ảnh xuất hiện, bạn quán thấy trong tim bạn. Khi thủy đại phân tán và dấu hiệu khói xuất hiện, bạn quán thấy nơi luân xa ở rốn. Khi hỏa đại phân tán và tướng đom đóm xuất hiện, bạn quán thấy nơi luân xa ở trán. Và khi phong đại phân tán, tướng ngọn đuốc xuất hiện, bạn tập trung hoàn toàn vào sự chuyển di tâm thức bạn vào tâm giác ngộ của thầy.”

– Ngoài ra, chúng ta có thể đi thẳng vào loại thứ nhất là thời gian bardo của sự chết. Hãy nói với người hấp hối rằng: “Hỡi bạn, hãy nhất tâm lắng nghe với sự chánh niệm và không xao lãng. Mọi sự xuất hiện trong thế giới này đều là sự lọc lừa như-mộng của Ma quân. Mọi sự vô thường là đối tượng của cái chết. Bạn chân quý, hãy từ bỏ nỗi đau khổ! Những kinh nghiệm về sắc trắng, sắc đỏ và sắc đen thảy đều là sự phô diễn thần diệu của tâm thức bạn. Những sắc tướng này không là gì khác hơn bản thân bạn. Chớ sợ hãi hay bị chấn động. Giờ đây dường như bạn đang mất ý thức. Những sắc tướng bên ngoài tương tự như bầu trời lúc rạng đông. Kinh nghiệm bên trong giống như một ngọn đèn bơ trong một chiếc bình. Hãy an trụ nhất tâm trong sự quang minh của vô-niệm. Sự chói ngời này của sự chết tự nó là tâm Phật. Hãy an trụ tự nhiên mà không tạo tác hay bóp méo bất kỳ điều gì. Bạn à, theo cách này bạn sẽ được giải thoát trong Pháp Thân.”

2. Một vài nhận định

Qua những nét tổng quan về hai truyền thống tâm linh trên, chúng tôi mạo muội đưa ra một vài quan điểm như sau :

2.1. Các nghi thức Kitô giáo

Tính trung gian duy nhất của Giáo hội khiến cho việc cử hành các nghi thức giúp người hấp hối gặp phải rất nhiều khó khăn. Luật giáo hội chỉ cho phép phó tế, linh mục trở nên mới được cử hành bí tích xức dầu, ngoài ra không ai có thể cử hành nghi thức đó. Hệ quả là nếu giáo hội không có đủ phó tế linh mục, thì việc giúp đỡ trong giờ phút lâm chung là bất khả. Hơn nữa, thần chết lại không bao giờ có kế hoạch trước, nên có những trường hợp đột tử, đụng xe, động đất… thì con chiên không được xức dầu khó có thể được vào thiên đàng. Còn nếu như có đủ linh mục, thì hầu hết lại không có được thực chứng về những tiến trình chết, cũng như những cảnh giới của thế giới bên kia. Do vậy, các thừa tác viên chỉ cử hành một cách máy móc, chiếu lệ, nếu không muốn nói là làm cho mau cho chóng để kiếm chút lợi lộc hay còn làm việc khác.

Tính cách máy móc trong việc cử hành đã khiến cho giáo hội sau hai ngàn năm chẳng có thể làm được điều gì cho người cận tử. Bởi mỗi một con người là một thế giới tình cảm và tâm linh khác nhau, nên không thể dùng một công thức mà áp dụng cho tất cả mọi người được. Ảo tưởng dùng một hệ thống để giải quyết con người một lần cho xong còn tệ hại và ác độc hơn trăm ngàn tên trùm khủng bố hay Hitler. Thế mà Giáo hội chỉ dùng có một thứ dầu xoa lên trán, một công thức tụng đọc áp dụng cho tất cả dù người ấy là giáo hoàng hay giáo dân thì cũng vậy. Trái lại, mỗi người hấp hối cần phải được khuyến khích, nâng đỡ, động viên bằng những phương thế riêng biệt cộng với lòng từ bi và trí tuệ lớn lao. Việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, lòng kiên nhẫn và tình yêu vô biên mới có thể thực hiện được. Tiếc thay, tôi lại thấy rất ít vô cùng những mục tử có tấm lòng và trí tuệ như thế đối với con chiên mình. Họ chỉ cử hành đúng nghi thức rồi ai về nhà ấy, nhiều khi giáo dân còn phải cầu cạnh, van xin, lạy lục, thậm chí chạy chọt bằng quà cáp, tiền bạc để đến khi hữu sự, các đấng các bậc mới nhanh chóng quan tâm săn sóc bố thí cái thứ công thức khô khan nguội lạnh, tức là xức dầu cho người cận tử.

Về khía cạnh các ơn ích của bí tích như là được chữa lành về đường thiêng liêng, được giải thoát khỏi ma quỷ và được kết hợp với Chúa trên quê trời, thì lại hoàn toàn thiếu bằng chứng thực nghiệm. Những mỹ từ này có thể xảy ra trong tâm các vị thánh, nhất là thánh Francis of Assisi. Nhưng đến khi được các nhà thần học cưỡng bức những kinh nghiệm ấy thành môn học suy lý thì những ơn ích đó chỉ còn cái xác không hồn, và đến khi người giáo dân ít học nghe những mỹ từ ấy thì họ chỉ còn biết cách cúi đầu vâng phục, chứ bản thân họ chẳng bao giờ được thực chứng những kinh nghiệm ấy. Thậm chí, ngay những người tu hành trong dòng kín ngày nay cũng hoàn toàn mơ hồ về những cảm nghiệm ấy thì làm sao họ có thể bảo đảm cho giáo dân tiến về quê trời. Cho nên, nhìn vào nền thần học của Kitô giáo, chúng ta thấy những suy luận của họ rất hợp lý đến nỗi tất cả những gì có vẻ u huyền vượt khỏi khả năng lý trí thường bị bỏ qua hoặc được giải thích dưới ánh sáng của lý trí.

Thêm vào đó, bí tích chỉ có thể thành sự khi đương sự còn đủ lý trí. Trái lại, nếu đương sự hôn mê bất tỉnh thì bí tích coi như không thành. Mà bí tích là gì thì lại là một vấn đề vẫn còn bàn cãi. Giáo hội cứ nói là Chúa Giêsu lập, nhưng đọc lại thánh kinh thì ta chỉ thấy mơ hồ, chẳng có chút bằng chứng thực sự. Ấy vậy mà nó lại là chiếc vé thực sự để vào nước trời.

Để tránh những điều bất lợi trên, giáo hội ngày nay đã phải sửa đổi rất nhiều ý nghĩa của bí tích xức dầu. Họ đã thấy được xức dầu là giúp cho người bệnh đối phó với đau khổ, thêm sức chịu đựng. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ lý thuyết, bởi tính cách trung gian duy nhất cố hữu và quan niệm nhất thần có ngôi vị ở một cõi trời xa xăm nào đó của giáo hội không thể giải quyết được cho từng cá nhân riêng biệt của mỗi con người.

2.2. Các phương pháp của Mật tông

Nếu lấy con mắt duy lý mà nhìn vào các phương pháp chuyển di thần thức của Mật tông, ta sẽ dễ dàng có thái độ khinh thường và phê phán rằng những cái đó chỉ là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, Mật tông hay bất kỳ tông phái nào thuộc Phật giáo đều tu tập dựa vào ba cột trụ Giới, Định, Tuệ. Trong đó Tuệ là pháp môn cao siêu nhất. Theo Phật Âm (Buddhaghosa) : “Trí Tuệ có đặc tính thấu nhập vào bản tính của vạn pháp. Trí tuệ có phận sự phá vỡ bóng tối của ảo tưởng bao phủ tự tính của vạn pháp. Biểu hiện của nó là không bị mê mờ.” Một khi thấu nhập bản tính của vạn pháp là vô thường, là phóng ảnh của chính tâm mình thì hành giả có đủ năng lực tháo gỡ tất cả xích xiềng trói buộc họ vào vòng xoáy của vô minh. Nên xuyên suốt tác phẩm Tạng Thư Sống Chết, tác giả luôn nhắc đi nhắc lại tích chất vô thường của vạn pháp. Mà đã là vô thường thì chỉ có kẻ ngu mới bám víu, lệ thuộc vào nó.

Hơn nữa, nhờ Trí Tuệ, hành giả có thể vượt bến mê mà không cần bất cứ tha lực nào. Chỉ cần trong đời sống, họ được thực hành nghiêm túc các phương pháp thiền định, quán tưởng, trì chú và giữ cho tâm an định vững vàng trước những màu sắc, biến hiện của thế giới bên kia, là hành giả có thể thác sinh vào cõi tịnh độ.

Nếu như người đang hấp hối không có căn cơ định tâm thì yếu tố tha lực sẽ mang tính quyết định. Song người đó phải có lòng thành tín, phải có lòng khao khát giải thoát, phải cố hết sức an trụ tâm thì yếu tố tha lực mới có tác dụng. Nếu không thì sống thế nào họ sẽ chết như thế dù cho Phật thích ca có hiện về để chuyển di hay nhiếp dẫn họ. Do đó, phải có sự phối hợp giữa tự lực và tha lực, thì hiệu quả mới phát sinh.

Hơn nữa, các phương pháp nhiếp dẫn người hấp hối của Tử Thư không đòi hỏi người giúp đỡ phải có trình độ tu chứng cao. Dĩ nhiên nếu người đó là bậc chân sư thì đó là phước báu của người cận tử. Nhưng nếu không tìm được chân sư thì chỉ cần một người thân đã tu tập, hiểu biết chút ít về các cảnh giới sau khi chết thì có thể giúp đỡ người cận tử một cách hữu hiệu.

Thêm vào đó, người Tây Tạng không bao giờ khóc lóc trước linh cữu của người mới qua đời. Khóc lóc mà truyền thống của chúng ta xem là con có hiếu cha, vợ có tình với chồng… thì họ lại cho rằng làm thế chỉ gây hại cho người quá cố mà thôi. Cho nên, một khi có người thân nằm xuống thì họ nói rằng : “Hỡi anh A, bây giờ anh đã chết. Cái xác này sẽ thiêu hoặc đem cho quạ ăn. Cái nhà sẽ được bán đi. Vợ anh sẽ gả cho người khác. Con cái anh sẽ bán làm nô lệ hết. Cả miếng đất này cũng bán cho người ta luôn. Hãy yên tâm mà ra đi, đừng có quay về nữa…” Trái lại, trong các đám tang ở các xứ đạo, ta thấy cảnh khóc lóc thật là thảm thương. Đã vậy, sau khi đưa đám ma, họ còn thản nhiên giết heo mổ gà để đãi bà con. Trong khi việc này là tối kỵ đối với người Tây tạng, vì theo luận nhân quả nghiệp báo tự nhiên thì giết hại mạng sống của kẻ khác thì rút ngắn mạng sống của chính mình. Cho nên, giết hại con vật để cúng hay làm ma chay cho người quá cố thì chẳng khác nào đưa họ xuống địa ngục.

Điểm đáng chú ý là Mật tông không bao giờ kết luận dứt khoát rằng một người nào đó không được trợ giúp lúc cận tử, mà chẳng may lại làm muôn vàn điều ác ở đời này thì cũng chẳng bị đày địa ngục vĩnh viễn. Giả như sau kiếp này, họ bị đày xuống địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh thì kiếp sau, nếu họ trả được hết nghiệp thì họ sẽ tái sinh vào cảnh giới cao hơn bằng cách chịu khó tu tập. Trái lại, Kitô giáo lại một lần nữa dùng một hệ thống để giải quyết vận mạng con người một lần cho xong. Tức là ai đã xuống hỏa ngục thì đời đời kiếp kiếp không thoát ra được. Người đó không còn cơ hội nào để vào nước trời nữa. Đó chính là lý do khiến người Kitô giáo vô cùng sợ chết, vì thật ra chẳng ai có đủ điều kiện để vào nước trời. Nếu chết thì chỉ làm mồi cho quỷ dữ thôi. Điều may mắn là Kitô giáo còn có một nơi gọi là luyện ngục. Chính nơi này cứu vãn cho cái mà Kitô giáo luôn tự nhận cho mình là đạo tình yêu còn có chút giá trị. Nếu không có địa ngục để vớt vát linh hồn thì chắc chẳng ai có đủ vé để vào nước trời, nếu không muốn nói là chẳng ai thèm vô vì thiên đàng hay chư thiên thì cũng vẫn còn trong vòng luân hồi theo quan niệm của Phật giáo. Hơn nữa, ở thiên đàng thì không có điều kiện tu tập bằng cõi người. Cho nên, giả như người cận tử làm nhiều ác thì các bậc thầy Mật tông tìm mọi cách để cho người đó được tái sinh vào cõi người để dễ dàng tu tập hơn là cho tái sinh vào cõi trời, nơi mà người Kitô giáo luôn hằng mơ ước.

Tóm lại, Tử Thư Tây Tạng là một món quà vô giá mà Phật giáo Tây Tạng đã tặng cho thế giới chúng ta. Nếu Giáo hội Công giáo còn bảo thủ, kiêu mạn, tự cho mình có quyền sinh sát, cho người này vào nước trời, bắt kẻ kia xuống hỏa ngục trong khi mình chẳng có một chút trí tuệ gì về cái thế giới của Cõi sáng thì chẳng bao lâu nữa, con người sẽ quay lưng lại và nhất định họ sẽ giận dữ vô cùng những mục tử đã chăn dắt họ mà bấy lâu nay chính họ cũng chẳng hiểu biết gì. Thiết nghĩ, những thành trì, những nhãn hiệu cần phải được phá vỡ và xóa bỏ, để không còn có cái gọi là Công giáo, Tin lành, Do thái, Hồi giáo, Phật giáo… thì may ra những nền minh triết thực chứng như Tử Thư Tây Tạng mới đủ cơ duyên để thể nhập rộng rãi vào quần chúng khắp mọi nơi.

Thủ Đức

Ngày 1/11/2009

bài đã đăng của Nguyễn Minh Vương

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

14 Bình luận

  • Minh Vuong says:

    Gửi độc giả Rượu,
    Xin hỏi ông câu này, không biết ông có biết nguyên lý “Nhất tức nhất thiết, Nhất thiết tức nhất” không? Nếu ông hiểu được nguyên lý này, thì coi như hệ quy chiếu của ông tự nhiên sẽ bị vượt qua.
    Chúc ông luôn khỏe.
    MV

  • Rượu says:

    Cám ơn Huy.
    Cần phải nói rõ hơn 01  cách học.
    1. Nếu ta đang đứng ở hệ qui chiếu A nói với hệ qui chiếu B về chủ đề C
    2. Chúng ta cần biết các sư phụ ở  hệ qui chiếu A là ai.
    3. Các Nghài có ý kiến gì về chủ đề C?
    Chúc khỏe.

  • Tôi xin có đôi lời góp ý với quý vị Rượu:

    Một người phát biểu quan điểm trong bài viết học thuật không mấy khi có mục đích/nhiệm vụ bao quát tất cả tri thức của loài người về vấn đề người ấy đang nói, hay chứng tỏ về tính cách, con người của mình. Cho nên, điểm thứ nhất tôi muốn nói là chất vấn hay đánh giá về tính cách bản thân tác giả, tôi nghĩ, nó giống như là “shoot the messenger” (bắn vào người đưa tin) vì chúng ta nhận được thông điệp không hay, không đúng ý. Chúng ta thảo luận trên diễn đàn này về đối tượng là bài viết của ông Nguyễn Minh Vương; cái mà chúng ta cần quan tâm là bài viết có bao nhiêu điểm đúng, bao nhiêu điểm sai, bao nhiêu điểm còn hồ nghi… và có những chỗ sai lệch, thiếu sót, kém khách quan, không chuẩn xác… như thế nào so với những gì mỗi chúng ta hiểu biết và quan niệm. Đó là những gì trực tiếp liên quan đến độc giả, đến lợi ích của việc rộng đường dư luận. Thiết tưởng, phê bình nên giới hạn trong đó, hay ít nhất cũng khởi đầu từ đó, thì sẽ có tính thuyết phục và hữu ích hơn.

    Thứ hai, những gợi ý như hãy đi hỏi các vị mật tông, hãy tìm hiểu xem đức Đạt Lai nói gì… đều là những nhận xét về nội dung tri thức của bài viết một cách rất mơ hồ và khiên cưỡng. Đó không phải là cách phát biểu mang tính cách đối thoại thẳng thắn, có lý lẽ minh bạch và thành khẩn của một người nói muốn đóng góp thêm vào sự hiểu biết của người nghe chung quanh mình.

    Nói ra những điều này là một việc rất bất đắc dĩ của tôi, vì tôi không muốn phải phản bác một cá nhân nào cả. Hy vọng mọi người sẽ hiểu đây là sự lên tiếng đối với một hiện tượng rất phổ biến trong sinh hoạt thảo luận của người Việt chúng ta, với ước mong chúng ta sẽ càng ngày càng tiến tới hiểu nhau, và hiểu cả chính mình, rõ hơn.

  • Vô Ngôn says:

    Gửi Ông Nguyễn Minh Vương !
     
    Đọc bài viết của  Ông về tôn giáo (cũng như các bài khác trước đây của Ông về vấn đề này), tôi có những nhận xét sau :
    –         Thả hồn trong bài đọc của Ông, tôi có cảm giác đôi khi đang đi qua những bức tường hoang (tất nhiên là ở Thủ đức, Sài gòn, Việt nam) có ghi dòng chữ nghệch ngoạch “cấm phóng uế”…..
    –         Rồi tôi thấy như mình đang đi lạc vào 1 cõi “hỗn” chiến giữa các tôn giáo, trong khi chẳng có tu sĩ nào của các bên ra ứng chiến (vì họ đâu có đi tu để làm việc đó), chỉ có mấy giáo dân cuồng tín, tay lăm lăm cầm tràng hạt, kinh mõ, áo chùng …. để…. siết cổ, trùm mền đối phương.
    –         Rồi sau cõi “hỗn” chiến đó, tôi nghe thấy những tiếng “ru hồn siêu thoát” dành cho những kẻ xấu số (đã tử nạn) đi vào cõi chết. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy Ông giới thiệu kinh sách/bài viết hướng dẫn “chết” đó… Cái điều “đi chết/chết đi” mà đã khiến rơi nước mắt trong “cuộc từ ly” ấy của bao nhiêu con người, từ tầng lớp thường dân nhất cho đến những con người thông thái nhất …. vì còn những điều người ta chưa làm xong cho người thương yêu của mình!
     
    –         Ông NMV làm tôi nhớ lại 1 cái đám tang ở miền quê nọ, khi đưa quan tài ra khỏi nhà, người ta đập bể 1 cái vật bằng sứ (chén, bát gì đó) hay đốt 1 viên pháo trống (bây giờ ở Việt nam không cho đốt pháo nữa rồi), để gửi gắm 1 thông điệp với người đã chết “hãy đi luôn đi, đường trở lại cuộc đời tục lụy này nữa”. Rồi người ta mở nhạc Disco, Chachacha, thậm chí bây giờ có cả Rock có pha chút xíu Ballad nữa cho vui nhà, và mọi người thân được khuyên không nên khóc lóc mà làm người đã chết vướng chân trên đường siêu thoát (tôi thành thật xin lỗi vì tôi không theo những phong tục này nên ít quan tâm, chỉ nghe mang máng như thế nên nếu trích dẫn sai, xin lượng thứ). Nhưng điều quan trọng là: xin đừng miệt thị các phong tục, tập quán, hay tín điều của bất cứ ai, vì dù sao thì cũng “xưa bày, nay làm”, đâu có hại gì đâu, thưa ông.
     
    –         Rồi tôi nghe thấy tiếng “tiếng nói của tình thương” trong đám tang đó : “đừng cắt cổ heo, gà đãi khách, chỉ được làm cơm chay thôi nha !….. Đừng sát sinh, gây nghiệp báo… mà bất hiếu với người ra đi”. Đến đây tôi xin dừng lại để hỏi Ông Vương 1 câu thôi nhé: Thưa Ông, cơm chay làm bằng gì ? Chắc chắn ai cũng biết… nói chung là thực vật như cây, lá, hạt, củ, thân,… Ông Vương cắt cổ 1 con gà làm nó đau đớn, ông xúc động, đúng không ? Nhưng sao ông không xúc động khi nghe thấy tiếng rên xiết của lá cây, của thân cây khi bị cắt cho vào nồi nước sôi, của hạt mầm, của chồi, của lộc khi bị nghiền nát làm đồ chay,… Chẳng lẽ thực vật không có linh hồn và thể xác sao? Vạn vật đều có bản lai diện mục mà (tôi có nghe ở đâu đó trong kinh Phật) Hay ông không có khả năng nghe thấy? Xem ra Hàn Mặc Tử (người công giáo) cũng siêu việt đấy chứ:
    Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
    Để nghe dưới đáy nước hồ reo
    Để nghe tơ liễu run trong gió
    Và để xem Trời giải nghĩa yêu
                Tôi trích dẫn Hàn Mặc Tử chỉ với ý đồ xin được phép mượn tình yêu với đời của Thi nhân để tạm dừng ở đây (vì comment quá dài e không tiện lắm). Điều cuối cùng tôi muốn nói là mấy ngày nay ở Phú yên lũ lụt làm chết 70 người, vị chi những vùng lân cận từ Quảng nam, Quãng ngãi, Bình định, Khánh hòa… tổng cộng có 90 người chết, hàng chục người mất tích, hàng trăm ngàn ngôi nhà chìm trong biển nước dâng cao 3m, 5m,… và bao nhiêu tài sản, heo gà trâu (mà ông Vương khuyên đừng giết đó) đã “cuốn theo chiều gió”, người khóc, kẻ thẫn thờ…. (xin xem các kênh VTV Việt nam có phát ở hải ngoại)… Tất cả vì 1 lý do rất đơn giản: CON NGƯỜI ĐÃ TÀN PHÁ RỪNG. Tất nhiên không chỉ có lâm tặc, mà còn có cả những công ty khai thác tài nguyên rừng, còn có cả chúng ta những người mà có khi rất cực đoan, ngay cả 1 đôi dép “da” cũng không chịu xài vì sợ “sát sinh”! Vậy khi đi phẫu thuật lấy đâu ra “sợi chỉ da heo tự tiêu” để may vết thương trên da, trong ruột và trong … lòng!
     
    Phải chăng điều quan trọng chỉ là tình yêu với tha nhân mới là cốt lõi của mọi tôn giáo “hãy yêu thương tha nhân như chính mình”.
    Ông Vương à, Thượng đế tạo ra muôn giống loài là để cho mình chăn nuôi, trồng trọt và… ăn đó! 1 là: ăn để sống, 2 là: không ăn để “chết”. Còn ăn cái gì cũng bị sát sinh cả. Ngay cả nấu nước uống cũng đã tham gia vào quá trình tiêu diệt bao nhiêu con virus vô tội.
    Mỗi người có sự chọn lựa của riêng mình!
    Chân thành xin lỗi các đạo hữu các tôn giáo gần xa vì bất đắc dĩ phải … nói ! Và xin người tiết lộ riêng với Ông Vương: Người viết comments này ăn chay (đúng theo kiểu Phật giáo) 5 ngày/tuần được nhiều năm rồi đó, vì yêu thương động vật và cả tất nhiên … cả thực vật nữa. Còn 2 ngày cuối tuần phải dành cho “vị hôn thê” và “mấy đứa giặc kids” của mình ở 1 nhà hàng thịt nướng nào đó nữa chứ! Biết làm sao được! Nếu không, nàng và chúng nó “chịu sao nổi”!
     
    Xin chân thành cám ơn Ông đã đọc comment này!

  • Rượu says:

    Nếu được bạn nên trao đổi với các vị mật tông về chủ đề này.
    Bạn có thể dẫn chứng Đức Đạt Lai đã so sánh như thế nào về vấn đề này không?
    Rất mừng vị bạn TỰ nói bạn chưa NGỘ.
    Chúc khỏe.
     
     

  • Minh Vuong says:

    Gửi ông Yên Bình,
    Cảm ơn ông đã không giữ im lặng và tiếp tục trao đổi. Lần này tôi xin trả lời thành khẩn với ông để phần nào đáp lại tấm lòng của ông giành cho bài viết của tôi.
    Trước hết, tôi thành thật xin lỗi về cái comment lần trước quá sơ sài và cách dùng chữ không đúng của tôi. Xin ông rộng lòng mà bỏ qua cho tôi. Thưa ông, chữ ‘okie’ chính là chữ ‘OK’ trong tiếng anh đó ạh. Nghĩa là tôi cũng hoàn toàn đồng ý với ông nếu sửa cụm từ đó thành ‘đi ngủ hàng ngày’.
    Tuy nhiên, khi dùng cụm từ đó, tôi cũng có chủ đích của riêng tôi, chứ không phải tôi vô tình dùng cụm từ đó đâu. Vâng, là tu sĩ, tôi được huấn luyện rất kỹ về điều này, nên tôi ý thức được sự nguy hại của ngôn từ là vô cùng nếu mình không biết cách dùng nó đúng nơi đúng chỗ giống như ông nói.
    Nhưng từ khi tiếp xúc với thiền mà chủ trương của họ là Bất lập văn tự, là Vô ngôn, là Phế thuyên đàm chỉ… thì tôi không còn bận lòng mấy về vấn đề chữ nghĩa nữa. Tức là khi viết bài, tâm lòng tôi hiện cái gì thì tay viết cái đó một cách trung thực, không tìm cách ngăn ngại cái tâm. Hơn nữa, trong truyền thống Thiền, cũng như Mật tông, ta thấy rất nhiều những mẩu đối thoại giữa thầy trò bằng như lời mà người thường cho úy kỵ, vô duyên như vậy. Ví dụ như  : Một thầy tăng hỏi Vân Môn: “Phật là cái gì?” Vân Môn trả lời “Đồ chùi phân” (trong Thiền Luận của SUZUKI). Cái này gọi là thiền ngữ mà thiền sư cố ý dùng đề phá tan cái mê chấp, cái thường kiến của đệ tử để thể nhập vào cái Nhất như vô phân biệt. Nếu ý thức còn thấy cái xấu tốt, đúng sai, thơm thối… thì chẳng bao giờ thần thức có thể thác sanh vào cõi Tịnh Độ.
    Như thế, nếu trong cuộc sống, mình không tập buông bỏ những thường kiếp, hay còn gọi là nhị nguyên phân biệt thì khi chết, tâm ta cũng dễ bị vướng kẹt, bị cuốn theo những ảo ảnh của chính tâm mình phóng ra mà suốt đời trôi lăn trong sinh tử luân hồi.
    Cuối cùng, tôi dùng cụm từ đó không phải với tư cách của người đã ngộ, để giải mê người chưa ngộ. Bởi người đã ngộ rồi thì chẳng còn phân biệt ai tỉnh ai mê hết. Tôi chỉ, một cách nào đó, muốn phá tan cái thường tình kinh nghiệm của đọc giả để cùng nhau thể nhập vào hay siêu việt lên cảnh giới không còn tôi anh năng sở thị phi nữa thôi. Tôi tin rằng Ông có thể nghe ra được điều này và phần nào giải quyết được nghi vấn của ông. Ông cũng có thể hiểu rõ hơn dụng ý của tôi bằng cách đọc thêm những bài tôi đã đăng trên damau.
    Chân thành cảm ơn ông đã cho tôi cơ hội trao đổi.
    Gửi ông Trung Lập và ông Phan Đức, chân thành cảm ơn hai ông đã đọc và cảm thông với bài viết. Mọng được nghe những ý kiến cụ thể của các ông nhiều hơn nữa. Trân trọng
    Minh Vuong

  • Phan Đức says:

    Khi tuyên bố “Thượng Đế đã chết”, triết gia Nietzche chỉ muốn nói rằng cần phải chấm dứt nương tựa vào bất cứ chân lý nào thì mới bứt phá được mà lập ra chân lý của chính mình. Đó là con đường sáng tạo và ông đã thành công vang dội! Những kẻ khác thì “hạ hồi phân giải”  hay “wait and see”! Thời gian sẽ trả lời vậy!

  • Trần Yên Bình says:

    Thưa ông Minh Vương,
    Tôi định im lặng, xong nghĩ rằng làm như vậy là không đúng với ông; một “tu sĩ”. (Đối với tôi tu sĩ thường là người tu tâm, tu tánh; tôi quý trọng lắm). Tôi xin nói rõ là khi đọc phần đầu bài viết này của ông là tôi đã thích thật là thích. Giá trị. Nhưng đến từ “ỉa” mà ông sử dụng không cần thiết; theo tôi thôi; còn nếu ông cho rằng đem cả một trong tứ khoái vào đây là đặc quyền của ông thì tôi lỡ đọc thì … nó làm giảm giá trị là: đọc đến đấy là tôi không muốn đọc tiếp nữa. Quý bài viết. Trọng tu sĩ. Tôi mạn phép góp ý.
    Tôi xin nói vói thêm là nếu trên bục giảng nhà thờ hay trước cảnh tượng người nằm chờ chết, ông đem từ ấy ra mà sử dụng thì không ra thể thống gì cả; huống chi trên bài viết.  
    Tôi cũng không biết từ “okie” ông buông lỏng vào [cụm từ “đi ỉa hàng ngày” thì okie] (trích) ông viết là gì? Ý ông muốn là “okay/OK – tiếng Anh” hay đó là một từ mới trong tiếng Việt?  Xin cám ơn ông đã chú ý lời góp thô thiển của tôi.   

  • Trịnh - Trung Lập says:

    Không biết nhận xét như thế nào cho phải nữa ………..chỉ xin tặng Anh Nguyễn Minh Vương vài câu thơ trong Sấm giảng thi văn của Phật giáo Hoà hảo mà tôi rất tâm đắc :
    …Cả ngàn năm nhân tâm xao xuyến
    Sao tu hoài mà chẳng thấy ai thành
    Bởi chữ tu liền với chữ hành
    Hành bất chính nên người đời mới ……(tự ý đục bỏ)

  • Minh Vuong says:

    Thưa ông Rượu,
    Theo tôi, câu hỏi “thế tác giả bài viết này với trích đoạn trên có kiêu mạn không?” có tính cách song quan luận. Nếu trả lời ‘có’ thì ông sẽ bĩu môi mà nói : “Chân mình thì lấm lê thê, lại còn lấy đuốc mà rê chân người”.  Còn nếu trả lời ‘Không’ thì ông cũng có thể bảo rằng tôi thiếu tính cách thành thật.
    Nếu bắt cuộc phải trả lời, tôi xin chọn thái độ im lặng, vô ngôn. Vì câu hỏi không liên quan gì đến tính cánh nghiên cứu học thuật, mà chỉ nhằm soi mói, bới móc đời sống cá nhân của tác giả. Nếu ông muốn kết tội người viết ‘kiêu mạn’ thì dữ kiện duy nhất mà ông có thể căn cứ vào là ngôn từ của bài viết. Mà nếu chỉ căn cứ vào vài ba mớ chữ nghĩa để kết luận một con người thì thiết nghĩ, từ cổ chí kim, thánh hiền quân tử, không ai đành lòng làm như thế. Bởi ngôn từ chữ nghĩa, dù có hay đến mấy, cũng chỉ nói lên phần nào hay diễn tả phần nào hiện sinh lưu tồn đầy những biến dịch đổi thay huyền nhiệm mà thôi…
    Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, tôi quyết định trả lời câu hỏi của ông là ‘Có’. Tôi chính là một người ‘kiêu mạn’. Tuy nhiên, không ‘kiêu mạn’ hiểu theo nghĩa đối lập với ‘khiêm nhường’. Trái lại, tôi sẽ ‘kiêu mạn’ cho đến khi nào hai chữ ‘kiêu mạn’ lòi ra tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông hay nói cách khác là tôi sẽ ‘kiêu mạn’ cho đến khi nào tôi hít vào tôi cũng thấy ‘tôi kiêu mạn’ và thở ra tôi cũng thấy tôi ‘kiêu mạn’. Vì theo chủ trương của Mật tông phái tả, kiêu mạn cũng chính là niết bàn. Thường chúng ta không đủ can đảm để ‘kiêu mạn’ cũng như  ‘khiêm nhường’ cho đến tận cùng, mà cứ ‘kiêu mạn’ hay ‘khiêm nhường’ dở hơi, nửa vời, ba phải… lúc thì kiêu mạn, lúc thì khiêm nhường, lúc thì vừa kiêu ngạo vừa khiêm nhường… nên chẳng bao giờ đạt được giác ngộ.
    Hơn nữa, trong bài viết, tôi chỉ ‘Dựa trên những tác phẩm đó’, tức là tôi đứng ở vị trí chưa ngộ, để nói về những cảnh giới trong Cõi Bardo của truyền thống Tây Tạng và cố tránh những giọng điệu đầy thẩm quyền về Tử Thư, bởi tôi chưa tự mình chứng nghiệm những cảnh giới đó. Tôi chỉ nói về “cái nói về” ấy và đem cái nói về ấy thử so sánh với những cái mà mình bấy lâu nay tin tưởng và thực hành.  Và khi bài này được viết ra trong vị trí chưa ngộ thì đã phần nào giải thoát được cái tính ‘kiêu mạn rồi’.
    Còn với truyền thống Kitô giáo, ít nhiều tôi đã có trong mình cái tư tưởng độc nhất vô nhị về Giáo hội, Giáo lý, Ba Ngôi đến nỗi không có thần nào ở trong vũ trụ này sánh kịp khi còn là tu sĩ. Thử hỏi, tư tưởng ấy có là ‘kiêu mạn’ đối lập với ‘khiêm nhường’ không?
    Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu không có kiêu mạn thì làm sao biết được ai là kẻ khiêm nhường. Vậy tôi xin chịu làm kẻ ‘kiêu mạn’ để cho ai kia nhờ đó mà biết mình là kẻ khiêm nhường. Nhưng khi ý thức trong từ sát na rằng mình kiêu mạn, đồng thời không tìm tố cáo, lên án, chối bỏ kiêu mạn và cũng không tự cho rằng ‘kiêu mạn’ là hay ho, hơn người thì chẳng có kẻ ‘khiêm nhường’ nào xứng đáng cởi dây giày cho người ấy.
    Thân gửi đến ông lời chúc sức khỏe!

  • Rượu says:

    “Tóm lại, Tử Thư Tây Tạng là một món quà vô giá mà Phật giáo Tây Tạng đã tặng cho thế giới chúng ta. Nếu Giáo hội Công giáo còn bảo thủ, kiêu mạn, tự cho mình có quyền sinh sát, cho người này vào nước trời, bắt kẻ kia xuống hỏa ngục trong khi mình chẳng có một chút trí tuệ gì về cái thế giới của Cõi sáng”
     
    Phê bình người khác là kiêu mạn, thế tác giả bài viết này với trích đoạn trên có kiêu mạn không?
    Chúc khỏe.
     
     
     
     

  • Minh Vuong says:

    Gởi Một Danna, xin cám ơn sự đóng góp của bạn, mong sao việc nghiên cứu về Tử Thư sẽ sớm được phát triển sâu rộng để mỗi người biết cách sống chết bình an.
    Gửi ông Yên Bình, tôi vẫn không hiểu ý của ông “làm giảm giá trị bài viết” là sao. Mong được trao đổi với ông nhiều hơn. Còn cụm từ “đi ỉa hàng ngày” thì okie, tôi thành thật cảm ơn sự đóng góp này của ông. Chân thành cảm ơn và mang nhận được những đóng góp khác.

  • Trần Yên Bình says:

    “….vừa là giáo dân vừa là tu sĩ trong Kitô giáo,….”
    “…..chúng ta ăn cơm, đi ỉa hàng ngày…..”
    Bài viết giá trị. Tuy nhiên với tư cách là tu sĩ trong Ki-tô giáo mà so sánh cái chết với cuộc sống con người “đầu vào, đầu ra” của Mật tông như vậy làm giảm giá trị  có thật của bài viết.
    Tôi ước gì bài này được biên tập lại một từ mà thôi thì quý hóa thay!
    Xin đổi :  “…..chúng ta ăn cơm, đi ỉa hàng ngày…..” ra là: “…..chúng ta ăn ngủ hàng ngày…..”

  • một danna says:

    Tôi xin bổ sung thêm về mối liên hệ giữa Tử thư Tây tạng và triết học cấu trúc đương đại của phương Tây
    Theo sách Tử thư của Tây tạng thì sau khi tắt thở, nếu con người không nhận được Ánh sáng căn bản (tức đạt giải thoát ngay sau khi chết) thì sẽ rơi vào trạng thái Trung ấm, là giai đoạn trung gian trước khi tái sinh kiếp mới.  Ở đó, con người sẽ lưu luyến cái thân xác của mình và các mối quan hệ khi còn sống, sẽ nhớ lại những hình ảnh trong kiếp sống vừa qua, sẽ bị nghiệp ác của các kiếp hành hạ làm tâm trí rối bời, sẽ thấy các cảnh tượng trừng phạt kinh khủng… Thời gian trung bình của giai đoạn Trung ấm là 49 ngày, có thể nhiều năm với một số người còn u mê ham sống, nhưng có thể rất nhanh đối với một số người có tu tập và đã giác ngộ khi còn sống. Môi trường của kiếp sống mới bị ảnh hưởng bởi tính chất nghiệp lực của các kiếp đã qua theo luật nhân quả. Tình trạng lúc chết cũng ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ của con người trong cõi Trung ấm, như một cái chết oan khốc hay một sự tức giận vì con cái tranh giành tài sản, sẽ dẫn đến nhưng ý nghĩ tiêu cực và người đó sẽ tái sinh kiếp mới trong một môi trường tồi tệ…
    Nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải biết các hình ảnh con người nhìn thấy trong cõi Trung ấm là do tâm sinh ra theo thói quen suy nghĩ khi còn sống. Tức là, trong cõi Trung ấm, tư tưởng con người cũng được cấu trúc bởi hệ thống ngôn ngữ như khi còn sống. Như vậy, ta thấy ngôn ngữ gắn liền với con người trong mọi kiếp đời, cả lúc sống và chết.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)