Trang chính » Chuyên Đề, Sáng Tác, Truyện vừa, Túy Hồng, Văn Học Miền Nam Việt Nam 1954-1975 Email bài này

Rau Răm Cay Hoài Ngàn Năm- kỳ 1/4

0 bình luận ♦ 17.08.2020

 

LTS: “Rau Răm Cay Hoài Ngàn Năm” có thể đọc như một tự truyện của bất kỳ di dân nào vào thời kỳ đầu nhập cư ở Mỹ, có thể xem như một ống kính tinh quái giỡn cợt nhắm vào cách nghĩ và quan hệ giữa các di dân Việt, và có thể nghiệm như một so sánh đối chiếu các dòng văn hoá…Tất cả với cách viết đặc thù của Tuý Hồng đã từng làm chúng ta say mê, nhưng bây giờ đằm hơn, như rượu ủ lâu, ngay cả cái đau cũng đằm xuống, nhưng độ say thì vẫn ngất ngây.

 

 

Mưa mềm nhà gỗ, mưa quen thân từ lâu nhưng tình không nặng như mưa Huế. Những cơn mưa Huế ngày xưa tôi bước một mình qua về trên cây cầu ván bắt ngang sông An-Cựu, nước hắt ướt hai vạt aó dài. Huế mưa dầm và gió lạnh thổi rách lá chuối trong vuờn, Huế mưa man dại, rồi Huế nắng cuồng điên với tiếng ve sầu, và tôi đã làm con gái suốt hơn một phần tư thế kỷ ở Huế.
Đêm qua tôi nằm ngủ ở Mỹ để mà nghe Huế mưa. Huế rơi từng sợi sương, Huế rớt từng sợi tơ vương, Huế rụng từng sợi chỉ ướt trước khi mưa đổ nước đầy sông Hương. Giữa khuya, tôi nhớ tới hai câu thơ cũ của Paul Verlaine:
Il pleure dans mon coeur,
Come il pleut sur la ville.

(1874)

Mưa rơi trong tim tôi
Như mưa rơi trên thành phố.

Tôi không biết mỗi năm có bao nhiêu ngày Huế mưa và Huế lụt; nhưng ở đây, thành phố Portland trung bình thì chừng 152 ngày trời ướt. Nhưng năm nay thời tiết đổi ý đón đông về quá sớm. Muà hạ ấm biến đi đâu không thấy tới. Đoàn ngỗng Canada bay mất khỏi ao thu khi gió lốc ớn lạnh thổi rốc vào. Tin khí tượng loan báo một cơn bão tuyết, đô thị Portland bất lực vì điện mất ba ngày đêm; sau đó, thành phố Aloha cũng bất lực luôn, như một người đàn ông liệt dương không tình dục. Tuyết rơi thẳng và suông như những dây mành tương bằng nhựa, nhưng bị gió tát mạnh bể ra mảnh vụn. Tuyết tan nát, đó mới là lúc thời tiết lạnh tái tê. Nếu tuyết không bị gió dập vùi, cánh tuyết cũng mập như cánh hoa. Những con ngựa cúi mặt xuống nhai tuyết. Những cây thông đứng reo vi-vu giữa trời cố gắng cản sức gió xoáy. Tôi mở máy sưởi chạy 63 độ đêm ngày và nhìn qua cửa kính tuyết rơi như một màn mê hồn trận.
Bây giờ tháng ba, mặt trời đi ngủ trước năm giờ chiều; tuy nhiên, đàn chim xuân nhớ lời hẹn đã trở về đậu trên các ống khói
Rồi lũ chim tạm rời lầu cao của ông hàng xóm người Xiêm để đáp xuống bờ vai ngôi nhà bà hàng xóm Campuchia. Ánh nắng èo uột đầu năm dương lịch làm nổi bật đường bay cuả chúng. Có khi ngực chim uỡn, thân chim uốn cong lại để phóng vụt lên bầu trời rộng. Có khi lưng chim duỗi thẳng ra để liệng và lướt dài và lúc sau, cả bầy hình như cùng nằm trên tấm võng lụa vàng tơ. Rồi ngược chiều kim đồng hồ, một đàn, một lũ đông cùng xếp hàng bay theo nhau đúng cơ bản thao diễn quân sự. Tiếp theo, hình như chim tập thở, hít vào rồi đẩ̉̉y hơi ra. Sau đó chim căng cánh thật vững chắc, lách sang phải, quẹo trái để trở về đường bay cũ. Đếm được tất cả một tiểu đội. Bài học bán-quân-sự giảng rằng một tiểu đội gồm có mười bốn tên lính. Sau vài ba giây, bỗng có hai con nữa từ trời cao đáp xuống nhập bọn để cùng rong chơi trên thinh không. Chúng không múa một vũ khúc nào trong khi cử động cặp cánh giữ thăng bằng cho khỏi rớt xuống đất mà chúng chỉ vẽ, chỉ quệt những nét căn bản cuả bài học vẽ ở thời kỳ sơ khởi nhìn đời với năm màu sắc xanh đỏ trắng vàng đen.. Người văn-sĩ biết rằng chim là thầy gíáo dạy viết và dạy vẽ.
Tôi, Lê thị Hảo, bước ra ngoài đứng nghe chim kêu…
Lũ chim đấu hót tíu tít và reo vui, có khi nghe dòn như chuột rúc, êm tai như vượn hát sóc cười. Chim có tiếng nói ngắn, làn hơi không phong phú nên đôi khi nghe như đếm một, hai. Rồi sau đó, sau khi ưỡn ngực, duỗi lưng, cong đít, chim chắp cánh lại niệm Phật. Khi chim ngân nga và chuột ê-a vào thiền, chúng chỉ đọc hoặc tụng được từng hai chữ, từng hai nốt nhạc ngắn rồi nghỉ và hai âm thanh tách riêng lẻ chứ không dính nhau. Lũ chim này không có giọng ca mê ly phong phú, không có làn hơi dài và sâu để trùng xuống rồi ngân bỗng thật cao như hoàng yến, sơn ca, hoạ mi thuộc loại songbirds, chúng cũng không nhâỷ nhún, muá quay được như chim công, chim hạc, hoặc thiên-nga để biểu diễn vũ điệu ở chóp cao nghệ thuật, mà chúng chỉ là chim thường, như chúng ta là người thường, như chàng binh nhì chịu-chơi là lính trơn; tuy nhiên, vì là cánh chim giang hồ nên chúng líu lo tung bay trong mây gió cho cuộc đời được chan chút nước béo.
Chúng khoái rẻo đất trồng rau cuả bà hàng xóm Cao Miên. Bà ấy hỏi: “Viêtnam có bao nhiêu cây rau sống?”
Hảo không biết, bà ấy tiếp: “Cao Miên có tất cả 40 loại rau dại ăn sống được. Chúng tôi ăn đọt bầu-ơ, lá bí lợ, cà dái-dê, cà độc dược.. và tất cả các loại cà chua thuộc nhóm vine vegetable, rau dền tiá thuộc nhóm herb gardens.”
Hảo ngắt lời: “Chung quanh đền thờ Angkor Thom và Angkor Wat người ta có trồng rau không?” Hảo hỏi mượn bà ta hai muỗng nước mắm, tính nết bà này giống Hảo, nói chuyện cứ hai phút lại đem ông chồng ra kể xấu một câu:
“Thằng cha đau gan mà ăn cà-ry.. thằng Tommy là con riêng cuả hắn đó.”
Khi ông chồng trẻ cuả bà ta chở Hảo đi chợ ông ấy than: “Tôi nấu cà-ry lấy mà ăn.. Tôi mua cái nhà mua đã mười sáu năm.. mà coi, cái bếp vẫn còn mới tinh, tuần nào tôi cũng lau chùi… Một vợ với hai đứa con gái.. không tuần nào mà tôi không khom lưng moi tóc rụng trong mấy cái buồng tắm.”
Hảo biếu ông ta một két nước ngọt, ông ta cho lại bức tranh và giảng: “Biểu diễn vũ điệu dân tộc Aspara, vũ nữ Campuchia, giữa hai bàn tay úp lại niệm Phật, đã bưng một caí chén nhỏ đựng mấy cánh hoa ngọc lan khi hai bàn chân nhón bước đẫy đưa cái đít đa tình cong cong. Và toàn thân nàng phảng phất hương trầm cùng với mùi bông bại-hoại, một loại bông ba thờ hồn ma bóng quế.”
Hảo nói: “Campuchia là một rổ rau sống. Cây giá của xứ Đông-dương dòn tươi ăn thật ngọt.”
Ông hàng xóm kêu: “Viêtnam là một rổ rau sống, ngọn rau răm cay hoài ngàn năm.”
Hảo kêu theo chàng: “Trái khổ-qua của người Campuchia đắng hoài nghìn năm.”
Chàng Miên-kiều khoe: “Mắm-bò-hóc là một món ăn rất quý của chúng tôi, làm bằng thịt bò muối mặn đặc-sản cuả Cao Miên. Chính quyền Cambốt gần đây đã ký nhiều giao kèo với các nhà sản-xuất quần áo tại Mỹ để nhận may quần áo. Nhân công rẻ và đường kim mũi chỉ đẹp, bền… nên dân Mẽo ưa thích. Và, ngoài ra, chính quyền Campuchia vừa mới viện trợ cho Vietnam hàng trăm tấn gạo.”
Nghe nói mà nóng mặt. Viêtnam nghèo đói nến nỗi phải xin viện trợ kinh tế của Cambốt?.. Xạo hoài cha nội này…
Trong hẻm cụt này, năm sáu gia đình Mỹ sống biệt lập vỏ́i đức tính tiết kiệm cuả họ.. Khi những cục xà bông trong bếp và trong mấy cái buồng tắm xài gần hết, chỉ còn lại những miếng nhỏ cầm lọt tay, nàng hàng xóm đầu vàng bên hông nhà Hảo để dành, rồi sau đó đem nấu với potpourri thành một bánh xà bong to cắt ra được bốn miếng. Potpourri là một hợp chất cuả hoa khô, lá thơm, rễ cây .. nấu thành một thứ nước bông để gia dụng. Với potpourri, người đẹp này còn tự tay làm lấy đèn cầy, kem thoa mặt, kem bôi tay, ice cream, body lotion, peanut butter… và khi cà chua được muà, nàng mua về một rổ lớn, nghiền nát ra để nấu thành mấy chục hũ xốt cà chua đỏ bầm như máu gấu, đem cất ở basement. Năm nay, tiểu bang Oregon lụt lạnh bất lực, mất điện hai ba lần, cô hàng xóm này mở rộng cửa garage bày bán mấy chục cây đèn cầy bự do tay cô nàng nấu lấy và đổ khuôn với chất thơm hoa quả ngoài vườn.
Hảo vào nhà kê cao mấy cái gối ngồi dựa lưng rồi cầm tờ tập san “Thế-Kỷ 22nd” đọc một mớ thơ và truyện ngắn đăng trong đó. Cái tật đọc sách bằng cách cầm cuốn sách mà đọc như thế này đã gây một mối bất hoà giữa Hảo và chàng em trai; hắn bắt lỗi Hảo tại sao không đọc internet, không mở computer.
Buổi chiều đẹp với cái hẹn được người đàn ông mời đi ăn. Tóc tôi rối và quăn nhưng tôi không chải đầu một giờ sáu mươi lần như mụ phù thủy trong truyện Lọ Lem và tôi cũng không soi gương cả ngày không hở như bà hoàng hậu trong phim Bạch Tuyết. Tôi không biết có bao nhiêu triệu cô gái đêm tân hôn không tự tay cởi áo quần ra, tuy suốt đời họ mặc quần áo vào rất nhanh và cởi quần áo ra rất nhanh. Tôi nhớ gần đủ tất cả những chuyện cổ-tích răn dạy người đời trừ chuyện Tấm-Cám. Chuyện Tấm Cám đưa ra một mối thù và sự trả thù.
Cái hẹn đúng sáu giờ, nhưng năm giờ rưỡi Hanh vẫn chưa tới, Hảo bước vào bếp gọi điện thoại yêu cầu ông ta xác định lại giờ giấc cho đúng. Trời ban cho tôi rất nhiều đức tính tốt đẹp, Trời tặng tôi một hộp đồ nghề quý giá đựng đủ công dung ngôn hạnh, nhưng trong cái hộp đó không may lại thiếu tính kiên-nhẫn .. giống như trong hộp đồ nghề của người thợ mộc tài hoa thường thiếu cái đinh ốc thức là con vít ..
Vừa mới quay được ba con số thì có người bấm chuông cửa.
Hanh mặc sơ mi sọc màu xám sậm. Áo len nhẹ khoác ngoài cởi ra vắt hờ trên đôi vai vuông và mỏng, cravate lụa mua ở Hongkong, dáng người gọn và nhẹ từ mái tóc dày trên lớp da đầu bóng cho đến đôi giày láng.
Hảo tán ông ta một câu: “Lúc anh còn trẻ, chắc anh phải đẹp trai như vua Minh Mạng… Can I marry you?”
Hanh đáp lại:
“Ngày xưa, chắc Hảo phải mặc áo dài đẹp như các nàng ca sĩ trẻ trong các băng nhạc Thúy Nga Paris By Night.”
“Anh nhắm mắt lại, anh cũng thấy được thân hình tôi không có đường cong mà chỉ có đường mòn chạy thẳng từ ải Nam-quan tới mũi Cà-mâu.”
Vào tiệm ăn, Hanh hỏi:
“Hảo ăn gì?”
Ông bạn già gọi tôi bằng tên chứ không kêu là chị Hảo. Gọi nhau bằng tên cúng cơm thôi và lấy kéo cắt bỏ những tiếng anh, tiếng chị, cô dì chú bác.. và tạm dẹp cách xưng hô khách sáo sang bên rìa đường cho tình bạn bớt nhạt nhẽo như nước canh hến.. First-name basis giống như Mỹ, giống như Tây một phần nào, và khác hẳn Tàu… Hảo không nhiều bạn, không có hộp thư bưu điện, chỉ có một hộp thư nhà, một địa chỉ e-mail, một điện thoại cố định trong nhà, không có điện thoại lận lưng khi đi ra ngoài. Hảo có thể già hơn ông ta một mớ tuổi viết bằng hai con số, nhưng ông bạn này có lẽ lúc còn trẻ đã đọc quá nhiều truyện Tàu, truyện trinh thám, tiểu thuyết phiêu lưu,..đã thu thập được những tác phong hào phóng, ngôn ngữ hồn nhiên cuả các tay giang hồ cỡi ngựa, thư sinh đọc sách nên quen xử dụng lối giao thiệp thẳng và ngắn.., Ông ta ban cho tuổi già cuả tôi một phước lành.. gọi tên nàng là Hảo, coi Hảo như một cô sơn nữ ngây dại chạy lỏn-xỏn trên những tảng đá phủ rêu rừng.
Hanh lại hỏi:
“Hảo ăn gì?”
“Cá hấp”
Tôi đâm cái nĩa nhọn vào giữa lớp da cá trơn và chỗ thịt trắng tươi. Tôi đưa miếng cá lên và ngoạm nó liền, thật lẹ rồi ngậm miệng nhai. Hành tỏi phi thơm thấm ướt nước bọt, miếng cá khá to, cái lưỡi dài của tôi rung nhẹ nếm mùi muối biển, mùi rong biển, hơi muối từ ruột biển, chất vôi, chất đạm và dục tình nồng nàn từ eo biển. Cái ngon, cái tươi của loài cá nước mặn cử động, trở mình, lăn tròn trong cái miệng rộng của tôi. Răng tôi to để tôi nhai đồ ăn rất nhuyễn. Miếng ăn tốt đẹp, bổ lành bò trên lưỡi tôi, lướt tới cổ họng, dính vào răng rồi lăn xuống bụng để nằm nghỉ mát trong dạ dày. Tay tôi vói đâm miếng cá khác, rồi chọt thêm miếng nữa, lấy cái muỗng xúc thịt vụn, múc nước béo. Rồi tôi lật sấp con cá lại, đưa dao moi cái ruột…
Hanh kêu lên từ chỗ ông ấy ngồi, đĩa sò huyết trước mặt vẫn chưa đụng tới:
“Ăn thử một con ốc biển coi.”
Nãy giờ Hảo không để ý đến cái tivi kê nghiêng trên đầu Hanh. Một nam ca-sĩ, còn trẻ quá nên Hảo không biết đó là ai đang trình bày bài hát Nhảy gió, một ca khúc trữ tình từ thời chiến tranh Đông dương khi đầu người bị chém rụng hoặc bị chặt đứt đều đều mỗi ngày mỗi đêm:
Đây gió đây trong rừng,
Đây cánh đồng đời bao phóng khoáng.
Kìa chim non đang rờn hoa tươi trên cành líu lo muôn lời

Tay ngắt bông hoa hồng,
Hoa với cành cùng đua sắc thắm,
Nhìn ra nơi phương trời cô em tôi sầu nhớ chi trong lòng !

Chiều đang lên chuông hòa tiếng vàng,
Và bâng khuâng như lòng vướng buồn.
Gió mát mách rằng:
Cô em tôi sầu nhớ chi trong lòng !
1
Hanh giảng: “Theo một nhà văn trẻ ở Viêtnam thì đây là một điệu nhẩy cha cha cha không có xuất xứ. Hồi xưa đó, dân hai làng Trị-Thiên nói rằng không có giấy tờ gì chứng thực nhạc phẩm này do ai đặt ra cả, chỉ biết rằng bài hát đó có buà phép thu hút tuổi trẻ một thời vậy thôi.. để kết chặt tình gắn bó giữa cô gái quê và anh bộ đội Việt Quốc đoàn. Hai bên cứ xông tới nhau mà nhẩy, thấy nhau từ xa đã ngứa cẳng nhẩy cà tưng lên, dù ngày mai anh bộ đội sẽ ra đi và có thể sẽ chết.. Đôi khi lâu quá chưa gặp nhau, nàng thôn nữ ra vườn nhẩy với cây cau cây chuối … Cha cha cha , Bebop.. tay trái nam vỗ vào tay phải nữ, chân trái nữ đá vào chân phải nam, mặt đối mặt, lưng đâu lưng… mắt liếc, môi cười. Gặp nhau đầu đêm, ôm nhau giữa đêm và sáng mai tình yêu đóng cặn trong đáy bụng.”…
Hảo ngắt lời: “Nhà văn trẻ đó…tôi có đọc một số truyện ngắn.. . viết hay và nhanh hơn ai hết , hắn ta còn gói bánh chưng khéo, tôi coi hắn ta gói bánh chưng trên computer; khi gói, hắn cầm cái bánh chưng lên tay để xếp lá lại cho vuông bốn góc và buộc lạt thật nhanh, hắn không đặt cái bánh lên cái khay hoặc lên cái mâm mà làm cho dễ, thế mới tài.. Đã vậy, hắn còn viết văn hay.”
Hanh uống ngụm bia rồi tiếp: “Nhưng một thời gian sau, bài hát đó biến mất như một phép ma.”
Người bồi bàn lướt tới hỏi Hanh có muốn hâm lại đĩa sò huyết đã nguội. Hanh đẩy đĩa sò huyết sang một bên. Màn ảnh nhỏ chuyển qua một khúc tình ca Phạm Duy.
Hanh giải thích: “Cô hái mơ” là tác phẩ̉m đầu tay cuả Phạm Duy năm 1942, phổ nhạc thơ Nguyễn Bính.”
Hảo hỏi. “Rồi sao nữa?”
Năm 1943, Thạc-sĩ Phạm Duy Khiêm từ Pháp mang về nước một cái đĩa hát để Phạm Duy đặt lời ca Việt: đó là hai bài Chiều Tà-Sérénata Khúc hát thanh xuân.
“Có phải Phạm Duy đã phổ nhạc bài Khoẻ Vì Nước không ?”
“Không, bài hát đó khoẻ quá… chắc phải do một nhạc sĩ dồi dào sức khoẻ đặt ra.”
Ông Hanh, Tôn-thất Hanh, lôi trong túi áo ấm ra tờ giấy và cây bút nhựa còn đầy dòng mực nguyên tử rồi bảo Hảo:
“Hảo..hãy nói với tôi một câu ân tình tiếng Huế, nói rõ và chậm từng chữ một, từng dấu sắc, dấu huyền hỏi ngã … cho tôi ghi vào giấy. Trưa mai chủ nhật, nhà thờ sẽ trống vắng sau khi mọi người đi lễ về, tôi sẽ ngồi vào cỗ dương cầm để phổ nhạc câu nói của em. Trong miệng Hảo, tôi không thấy miếng cá hấp, tôi không ngửi hành tỏi tiêu ớt … mà tôi chỉ nghe tiếng nhạc tình của Schubert và âm hưởng một bài nocturne của Chopin, tôi sẽ dùng những notes do ré mi fa sol.. đặt vào dưới mỗi chữ em phát âm.”
Hảo trả lời: “Nhưng tôi không phải là người Huế, tôi là người Sịa …”
Người ngồi trước mặt không những gọi Hảo bằng tên, từ khuôn mặt ông ấy, tôi nghe tiếng em thốt ra. Tôi cảm thấy áp huyết của mình không cao như thường ngày nữa mà tự nhiên hạ xuống. Tiếng tim đập nhẹ êm, không nhanh không chậm, không sai nhịp điệu như mỗi lần đi khám bệnh phải thở sâu vào đáy phổi cho ông bác sĩ đặt ống nghe ngực, nghe lưng.
Qua cửa sổ, ánh mặt trời mờ sương. Và quả đất vẫn âm thầm quay không một tiếng động.
Thình lình Hanh nói:
“Có lẽ trong khoảng.., có lẽ tháng sau hoặc tháng sau nữa ..tôi sẽ về Viêtnam… Thu-Thuỷ và hai đứa nhỏ viết thư sang..”
Hảo đột nhiên thấy áp huyết cuả mình vừa mới hạ xuống đó đã vụt lên cao hơn 20 điểm, Hanh tiếp:
“Tất cả mọi giấy tờ đoàn tụ đều đã hoàn tất, mọi thủ tục đều đã lo đủ.. an toàn hết.. sức khoẻ cũng đã khám xong.. Chỉ còn chờ bán nhà xong là đi.. Bên này tôi đã mua vé máy bay sẵn.. đợi bán nhà xong là đi Viêtnam ngay đưa mẹ con chúng nó sang.”
Tôi thấy trên cánh tay tôi một sợi gân sưng to hơn, áp huyết lên cao, stress lên cao.. Bệnh stress tôi cóc sợ, ông bác sĩ trẻ cuả tôi cũng lờ đi luôn, nhưng nhiều tài liệu y-khoa lại thắc mắc tới. Vậy, dù gì dẫu gì, đêm nay, tôi cũng phải diễn tả tâm tư của mình ra chứ còn cách nào hơn:
“Anh phải về nước để đưa vợ con sang.. Mong anh đi chân cứng đá mềm.”
Thấy mình bắt chước những câu nói của một nhà văn trẻ ở Viêtnam, Hảo vội nói lại:
“Mong anh đi răng cứng lưỡi mềm. Mong anh ̣đem gia đình qua Mỹ hưởng giàu sang với số tiền lợi tức dồi dào hằng năm do công- ty Người Việt trả cho anh vì anh có cổ-phần trong đó.”
Hảo lại phải miêu tả tâm lý một lần nữa vì Tôn-thất Hanh bắt đầu ngồi im:
“Suốt một đời, tôi không hướng ngoại, tôi ít giao thiệp. Lúc nào tôi cũng sống trong thế thủ. Tôi gồng mình giữ thế thủ để tránh những mũi tên, những viên đạn vô tình nào đó đưa đi trật đường. .. Không bao giờ tôi đưa mình ra để đỡ đạn, để hứng tên bắn trệch tâm điểm. Nhưng tôi đã bị trúng một viên đạn lạc.. Ai đã bắn tôi viên đạn đồng này?.. Ai đã gây mê tôi vết thương quá nặng này?.. Giờ đây, có lẽ tôi chỉ còn một con đường để đi tới là.. đi lui về vườn để kết bạn với ông hàng xóm Miên-kiều.”
Hảo đứng lên, Tôn-thất Hanh tiến đến chỗ trả tiền. Trông ông ta vẫn còn dẻo dai chưa đến nỗi nào. Tấm áo cardigan bướng bỉnh vắt qua vai, tóc vẫn mọc rậm đến tận trán, chưa rút cao lên đến phần trước của cái đầu láng. Ngày xưa người Huế chải tóc với dầu dừa và gội đầu bằng nước chùm-kết nên tóc ít rụng và trán lâu hói.
Ra tới chỗ đậu xe, Hanh đề nghị:
“Mình đi chơi cho hết đêm nay.”
Dù Hảo có dễ và dại đến đâu, cũng không thể đi hết đêm nay với cha nội này, nên từ chối:
“Không, đêm nay tôi phaỉ về nhà sớm để nấu phở cúng Phật.. Và ngày mai tôi phải dậy sớm để nghe chim hót. ”
Ở xa, có chớp nháy và sấm rền. Thời tiết không tin được sẽ là mưa hay nắng, như lòng người đàn ông vậy. Hanh đưa Hảo về tới nhà, trước khi mở cửa xe chui ra, Hảo trối trăn lại một câu: “Nếu người Mỹ không mặc quần Jeans nữa, thì tôi mới thôi thương nhớ anh. Từ đây, mỗi ngày, tôi sẽ thổi một cái hôn vào giữa lòng bàn tay nhờ gió đưa tới anh.”
Hảo xuống xe, đi vào. Vừa đút cái chìa khoá vô ổ thì cánh cửa có người đứng bên trong mở ra. Thằng con lớn với hai đứa cháu nội reo lên:
“Hi.. bà.”
“Hi.. bà nội”
Hảo bảo thằng con: “Về thăm sao không điện thoại trước để mẹ ở nhà.”
Hảo bật đèn sáng đứng ngắm hai đứa cháu nội. Thằng con lớn khoe:
“Mẹ.. hai đứa nhỏ bây giờ nói tiếng Việt oai lắm, giỏi lắm. Con Sa biết đếm từ 1 đến 10. Sa.. đếm cho bà nghe nào: một, hai ..”
Con Sa đếm xong, cha nó vỗ tay hô lên: “Hay quá trời.. giỏi quá đi mất thôi… Bây giờ đến phiên thằng Coi nói chuyện tiếng Việt với bà nội.. Coi, không được nói tiếng Anh.”
Thằng Coi chỉ tay vào bức ảnh chồng Hảo đặt trên bàn thờ rồi hỏi:
“Bà nội, trước khi bà nội get married với cha nội này.. thì ai là người bà nội thuộc về?”
Mặt thằng con trai lớn của Hảo dày một nỗi tự̣ hào làm như thằng Coi nói tiếng Việt không thua gì cô Kim trên sân khấu băng nhạc Thuý Nga. Năm 1975, từ Thuỵ-Sĩ, cô Kim tham quan Việtnam để vẽ tranh nhưng mãi cho đến bây giờ vẫn ở lại không về. Kim đến nơi này khi mới tròn hai mươi, mạnh khoẻ làm việc nặng nhọc, xây ngôi nhà tình thương đặt tên là “may mắn” để cứu độ trẻ con mồ côi khuyết tật. Nhiều đứa con nuôi cuả cô đã lập gia đình để cô lên chức ‘bà ngoại’, và nhiều đứa con nuôi của cô vẫn ngày ngày đập lộn để cô phân xử. Phải chăng đó là việc lớn Kim làm?
Hảo đưa tay ngăn thằng cháu nội và giảng: “Coi, người chồng của bà nội, đứa cháu gọi là ông nội chứ không phải là cha nội
Thằng nhóc con suy nghĩ một giây rồi lại đưa tay chỉ vào tấm ảnh thờ lần nữa, xong gật đầu:
“Bây giờ ông nội này chết rồi, vậy thì bà nội thuộc về con.”
Hảo khụy hai chân xuống đỡ hai bên hông, và nhấc cao đầu gối lên, hai cánh tay đưa ra quơ quét hai đứa cháu nội vào vòng, riết cứng chúng nó lại đến nghẹt thở để ngửi mùi con nít gồm mùi kem đánh răng, nước bọt, shampoo, sà bong, mùi phấn rôm, bánh cookie, coca cola, cà rem, nước mắm, thịt gà kho sả, pizza, xì dầu. Những thứ đó làm cháu nội thơm hơn con trai, nhưng hãy tự hỏi, hai đứa cháu nói tiếng Việt giỏi như thế này có thể xóa tan nỗi buồn cuả một mối tình vừa bể ra mấy miếng trong lòng tôi?
Đầu năm 1976, gia đình Hảo còn ở tiểu bang New Jersey miền đông Mỹ. Người chồng mạnh khoẻ cuả Hảo đã đá ân nhân bảo trợ một cú song phi, cương quyết mò về seattle nơi đông Viêt-kiều cư ngụ. Về đó, Hảo đi may thuê được một năm rồi cũng đá cái máy may Singer một cú double-kicks để đi học lớp thư-ký xếp hồ sơ, clerk two. Ba tháng đầu học tiếng Anh, ba tháng sau học đánh máy. Ông thầy già cầm từng ngón tay của mỗi học viên bắt phải đặt đúng vào mỗi chữ trên keyboard, ông ta còn cúi xuống kéo hai bàn chân cuả học trò ra không cho vắt lên nhau khi ngồi học và giảng dạy rằng không được đánh máy với hai ngón tay chọt chọt.. Chồng Hảo tên là Khanh, làm báo nhưng cũng đánh máy với chỉ hai ngón tay thôi, còn tám ngón kia vô dụng, không dùng tới. Đời chàng chắc cũng tám mươi phần trăm bỏ không như tám ngón tay ấy vậy.
Ngày đông ray rứt lạnh, ánh sáng bị xô té về chiều tối, áo len ân nhân bảo trợ cho phải mặc hai cái thì hai bàn tay người di-tản mới không run để ngồi thực tập trước máy chữ …Tay lạnh nhưng lòng quýnh lên không yên, ruột và gan cùngsốt nóng. Bốn giờ chiều, Hảo nhìn ra cửa thấy Khanh, và ông bạn thâm niên, bước vào lớp nói chuyện với thầy giáo báo tin thằng con thứ ba, thằng Ét, bị đụng xe.
Một vết thương ở đầu, một vết thương nặng ở bụng, một cánh tay gãy
Tuần trước ở lớp học đánh máy cấp tốc, giáo viên giảng bài Con Ếch Mẹ: Một nhà bác học bắt hai con ếch nhốt vào bình thuỷ tinh làm thí nghiệm. Đầu tiên, ông đem con ếch con ra xử tử trước, ông cầm con dao mổ cắt gân ở hai bàn chân nó, nó khuỵ xuống và chắp hai tay lạy ông. Ở trong bình thủy nhìn ra, ếch mẹ run giật tung mình lên khỏi mặt nước, kêu rú, kêu rống gầm thét. Tiếng gào cuả nó, tiếng thét cuả người mẹ, cuả con vật sinh ra để làm mẹ. Ông bác vật cầm con dao giải phẫu cắt tiếp cặp đùi con ếch con. Ếch mẹ réo lên, tru lên, đôi bàn chân nàng long ra, rụng xuống, hai tay chắp vào nhau vái lạy ông bác học. người thú-y-sĩ lại xử dụng dao mổ bén cưa đứt cặp đùi sau cuả con ếch bé. Ếch mẹ dữ dội rống lên như cọp gào, như sư-tử hống. Bình thí-nghiệm vỡ, thuỷ tinh văng ra, một mảnh nhỏ bắn vào tay nhà súc-vật học, vì lệ cuả mẹ hiền tuôn như nước lụt. Và khi ông bác vật bắt đầu lột da con ếch nhỏ thì ếch mẹ nổ banh bụng ra bốn mảnh chết liền tại chỗ.
Hình ảnh này, bốn mươi tám tiếng đồng hồ trước ngày tôi chết, tôi mới quên được.
Một ông bác sĩ da màu từ dưới đi lên nhìn Hảo, nhìn Khanh, rồi lại nhìn Hảo như để quyết định phải nói với người nào:
“Bác sĩ phụ trách ca giải phẫu này là Dr. Stuntz, tự nguyện quân dịch sang Nam năm một chín bảy một.”
Sau hỏn 5 tiếng đồng hồ, bác sĩ Stuntz bước ra giảng: “Chúng tôi phải mổ cái đầu bể cuả nó để lấy mấy miếng xương vụn ra. Chúng tôi phải xẻ cái bụng phình cuả nó ra để xả xì hơi, rồi may mấy vết nội thương lại, chúng tôi phải rạch cánh tay cuả nó ra để nối và đẩy cái xương lòi vô rồi cột mấy sợi gân lại. Hy vọng và tuyệt vọng: 50/50. Nếu nó qua được hai tuần lễ đầu thì nó sống. Nó sẽ mê man không mở mắt ra được một thời gian dài ở bênh viện Nhi đồng”
Lâu lắc như thời gian Hằng Nga ngủ ở trong rừng, một tháng hai mươi ngày sau, thằng bé vẫn nằm mê ngủ tại nhà thương trẻ con.
Một bữa, Thượng-toạ Thích Nguyên Đạt trụ trì Chùa Cổ Lâm điện thoại:
“Ngày mai Chùa sẽ làm lễ cầu an cho cháu.”
Mười lăm ngày sau, thằng bé mở mắt ra chào đời lại lần thứ hai. Chàng bác sĩ da màu dặn dò: “phải nằm bệnh viện thêm một thời gian nữa. Trong lúc này, bà sẽ được chỉ dẫn về cách chăm nuôi nó sau khi xuất viện. Nó sẽ đi học tại trường đặc biệt chứ không được trở lại trường cũ. Lớn lên, Ét sẽ không được lái xe hơi, không đi xe đạp, không bơi lội, không dược chơi một môn thể thao nào hết. Mỗi khi ra đường, Ét phải đội nón sắt tức là football helmet.”
Hảo bỏ ngang việc làm, đi theo nó đến trường học cũ, không vào trường đặc biệt. Hảo được đi xe bus vàng miễn phí và ăn trưa tại trường một đô-la mỗi bữa.
Nửa năm sau, Khanh đau bệnh độc không lành. Thằng Ét lớn lên. Ba mươi năm sau, thằng Ét trở thành người đàn ông trẻ. Nhìn nó, Hảo thầm trách: “Trường tiểu học Colman nằm bên này đường 23rd, chỗ anh làm việc, toà soạn báo Đất Mới nằm bên kia đường 23rd, anh chỉ việc dễ dàng bước qua đường 23rd để đi đón nó khi tan trường về. Nó mới hơn sáu tuổi… Con đường 23rd là một sạn đạo, một con đường giết người, xe hơi qua lại phăng phăng và không có cảnh sát đứng gác.”
Khanh thầm trả lời từ cõi chết: “nó tan trường về trong giờ làm việc, anh không được rời toà soạn để đi đón nó.”
“Nhưng tờ báo chỉ là một mớ giấy, người … con người mới đáng quý”
Nhìn từ trang kinh bồ-tát cứu khổ, đô thị Seattle, hòn ngọc xanh cuả nước Mỹ, giống như thuyền Noah lênh đênh trên biển lụt đỏ. Con đường lằn vủ̀a đủ một người đi sau lưng nhà, gãy đứt đôi vỏ́i những cây cactus đâm gai nhọn mà người Quảng Trị kêu là cây xương rồng.
Hảo đáp xe bus theo học lớp thư ký xếp hồ sơ buổi sáng, ba giờ chiều, lái xe hơi đi làm ở nhà băng, ba trăm rưỡi đô-la một tháng. Năm mẹ con sống chui rúc trong ngôi nhà gỗ gồm hai phòng ngủ. Ngôi nhà già sụm, gỗ ướt sũng mồ-hôi vào mùa hè, hai bức vách sụp xuống. Ba thằng đực phải ngủ ở phòng khách.. Cả mấy đứa con đều phải nửa ngày đi học, nửa ngày đi làm. Thằng Út kiếm được cái job ở tiệm bán thịt heo muối. Thằng Út và hai đứa bạn trong tiệm làm tay sai cho hai tên cô-hồn to con đứng chực ở ngoài rình ăn cắp đùi heo đem bán nên bị đuổỉ dài hạn.
Năm, tháng, tuần, ngày giờ .. vẫn trôi đều. Một bữa thằng Chu kêu: “Mẹ ơi.. Chu không đi học nữa, Chu đi làm full-time.”
Hảo cũng kêu luôn: “Đi học, hoặc vừa đi học, vừa đi làm.”
Hảo kêu to hơn tiếng gào cuả con ếch mẹ buổi chiều khi thằng Ét bị đụng xe. Chút mộng nhỏ, giấc ngủ viễn mơ trong cái bụng rỗng cuả con ếch mẹ đã bể banh ra.
Sao thằng con này có thể vô trách nhiệm như vậy? Ngoài xã hội, con cái nhà ai bây giờ cũng đậu cái bằng đại học bốn năm là ít nhất. Nếu không, đó là vô học. Con tôi bỏ học. Ai đau khổ không? Tôi cất tiếng rao âm thầm, khác với tiếng rao ồn ào “Ai đậu hũ không” của người đàn bà bán hàng rong hẻm cụt Sàigòn.
Hảo nhìn mặt thằng con ham chơi: “Con phải báo hiếu mẹ một cấp bằng đại học. Lòng mẹ hiền nào cũng mong con mình sẽ là một kỹ-sư kiều lộ và trù cho thằng con nhà ai đó sẽ là một cu-li lục lộ. Ruột mẹ hiền nào cũng bấy như tương nếu con mình bỏ học. Và con nhà khác cứ học hoài không bỏ.”
Sáu trong bảy đường nét trên mặt thằng con giống cha nó, chỉ đôi mắt đẹp là khác, nó đưa ngón tay cái lên gãi cái đầu mà sáng nay nó đứng trong buồng tắm một giờ để chải: “Cái job này tốt lắm..good..cool. Mẹ ơi, Chu ghét học lắm rồi, Chu đi làm nhiều tiền.”
Hảo nghĩ đến người chồng nghiện rượu trong tác phẩm Madame Bovary cuả Gustave Flaubert. Hảo nghĩ đến người cha nghiện thuốc phiện.. Họ là những kẻ lười biếng học hành, ghét chuyện làm ăn, và ở dơ, họ sợ tắm rửa và nghe tiếng nước dội.
Hảo nhìn mặt thằng con dại: “Nếu bây giờ con chịu khó nhiều, thì tương lai con sẽ có cái bằng cấp. Hơn người sướng lắm con ơi, nắm trong tay một cái bằng cấp..con sẽ ngồi trên chóp bu cuả cuộc đời.. được bao nhiêu người bâu quanh.. Nếu con ăn một trái xoài, con cũng sẽ cảm thấy ngon hơn và đời con sẽ mát rượi…”
“Nhưng Chu không ăn xoài mà mẹ.” Thằng bé cáu.

 

(còn tiếp)

bài đã đăng của Túy Hồng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)