Chân dung kịch gia William Saroyan lúc trẻ
(Bộ sưu tập nhiếp ảnh của Đại học Stanford)
Căn nhà. Bố của Johnny và ông lão đang dõi theo con phố để xem Johnny có mang được thực phẩm gì về. Bà của nó đứng trên thềm cũng nóng lòng muốn biết xem có được thức gì để ăn hay không.
MACGREGOR
Tôi nghĩ là cháu nó có mang về mấy thứ đấy.
BỐ JOHNNY [ Tự hào ]
Chắc chắn rồi.
[Ông vẫy tay báo cho bà cụ đang đứng trên thềm để bà vào nhà dọn bàn. Johnny chạy đến trước bố nó và ông Mac Gregor]
Bố biết là con sẽ làm được mà.
MACGREGOR
Ta cũng vậy.
JOHNNY
Ông ấy bảo là chúng ta phải trả 55 xu. Ông ấy bảo sẽ không cho chúng ta mua chịu thêm bất cứ một thứ gì nữa.
BỐ JOHNNY
Đó là ý kiến của ông ấy. Thế con đã nói chuyện gì?
JOHNNY
Trước hết, con nói về việc bị đói và sắp chết lả ở bên Tàu. Rồi con hỏi thăm về gia đình.
BỐ JOHNNY
Thế mọi người thế nào?
JOHNNY
Tốt. Dù sao, con không nhặt được tiền gì cả. Ngay cả một xu.
BỐ JOHNNY
Ồ, không sao. Tiền bạc không phải là tất cả mọi thứ.
[ Họ đi vào nhà ]
Phòng ăn. Mọi người quay quần quanh bàn sau khi dùng bữa. MacGregor tìm kiếm những mẩu vụn thực phẩm rải rác đây đó, rồi ông ta tế nhị khẽ cho vào miệng. Ông ta nhìn quanh trong phòng xem có còn thức gì để ăn nữa hay không.
MACGREGOR
Cái thùng xanh kia kìa, Johnny. Có gì trong ấy vậy?
JOHNNY
Các viên bi.
MACGREGOR
Cái tủ kia thì sao, Johnny. Có cái gì ăn được trong đó không?
JOHNNY
Có mấy con dế.
MACGREGOR
Còn cái bình lớn ở góc kia. Có món gì khoái khẩu trong đó vậy, Johnny?
JOHNNY
Cháu nuôi một con rắn đốm trong ấy.
MACGREGOR
Tốt, ta rất thích có được một bữa thịt rắn đốm luộc thịnh soạn đấy,
Johnny ạ.
JOHNNY [Kiên ngạnh, người bảo vệ súc vật]
Không có gì cả đâu, thưa ông MacGregor.
MACGREGOR
Tại sao lại không, Johnny? Vì lý do quái quỷ nào vậy, hở con? Ta được nghe nói rằng những thổ dân đảo Borneo tốt lành thường ăn cả rắn và châu chấu. Hẳn là con phải có đến nửa tá châu chấu mập quanh đây nữa phải không, Johnny?
JOHNNY
Chỉ có bốn con.
MACGREGOR
Ồ, mang chúng ra cả đây, con trai, và sau khi chúng ta no nê, ta sẽ chơi bài “Ôi Ngất Ngây Sao Là Đôi Mắt Em” cho con nghe. Ta còn đói dữ dội, Johnny ạ.
BỐ JOHNNY [ Nói với MacGregor]
Nếu có tí âm nhạc thì rất hay? Tôi đoán là thằng bé sẽ thích thú lắm.
JOHNNY [ Nhảy cẫng lên ] Chắc chắn là cháu sẽ vui lắm, thưa ông Mac Gregor.
MACGREGOR: Được rồi, Johnny. Bánh mì. Bánh mì. Lạy Chúa tôi, sao mà nó cứ gây sự tai quái với trái tim như vậy.
[MacGregor đứng lên và bắt đầu thổi kèn. Ông thổi lớn hơn, tuyệt vời hơn và thảm sầu hơn bất cứ ai từng thổi kèn trại binh. Có đến mười tám người hàng xóm bu quanh phiá trước nhà nhiệt liệt hoan hô khi ông kết thúc bản độc tấu “Ôi Ngất Ngây Sao Là Đôi Mắt Em”]
BỐ JOHNNY [Vui sướng, tếu táo]
Tôi muốn ông gặp gỡ những khán giả của mình.
[Họ đi ra ngoài cổng]
Căn nhà. Đám đông nhìn về hướng bố Johnny, Mac Gregor và Johnny.
BỐ JOHNNY
Hỡi những người hàng xóm và bạn tốt của tôi, tôi muốn các bạn gặp Jasper Macgregor, nhà kịch sĩ Shakespeare vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. [Dừng lại] Tôi tin như vậy.
MACGREGOR [Nhà nghệ sĩ]
Tôi vẫn nhớ lần xuất hiện đầu tiên của tôi ở London vào năm 1891 y như nó vừa xảy ra ngày hôm qua. Lúc ấy, tôi là một thằng bé từ khu ổ chuột Glasgow. Vai đầu tiên mà tôi được giao là một kẻ liên lạc trong một vở kịch mà thật không may tôi đã quên mất tên. Tôi chẳng được nói một câu nào cả, nhưng phải di chuyển nhiều, chạy từ viên chức này tới viên chức kia, từ một kẻ đang yêu đương đến người mà anh ta yêu, rồi ngược lại, và cứ chạy đi chạy lại mãi như vậy.
RUFE APLEY, NGƯỜI THỢ MỘC [Lấy làm tiếc vì phải xen kẽ vào bài diễn thuyết hùng hồn]
Ông có thể chơi thêm một bài khác không, ông Mac Gregor?
MACGREGOR
Anh còn một quả trứng nào ở nhà chứ?
RUFE APLEY:
Chắc chắn rồi. Ở nhà tôi có một tá trứng.
MACGREGOR
Thế có thuận tiện không nếu anh chạy về nhà và mang tới đây một trong cái tá trứng đó? Khi anh trở lại, ta sẽ chơi một bài làm cho tim anh phải nhảy lên lên vì sung sướng và sầu đau.
RUFE APLEY:
Tôi đi ngay bây giờ đây.
[Anh ra đi]
Saroyan ở chợ trời Fresno, qua nét vẽ của Rafael Atoian
(Viện bảo tàng Armenian tại Fresno, CA)
MACGREGOR [ Với đám đông ]
Thưa các bạn, tôi rất sẵn lòng chơi một bài khác bằng cái kèn mạ vàng này, nhưng thời gian và quãng đường xa vói từ quê nhà đến đây đã làm cho tôi tàn tạ. Nếu các bạn mỗi người vui lòng trở về nhà, và rồi quay lại đây với một loại thức ăn gì đó, tôi sẽ lấy làm tự hào mà tập trung tất cả hồn phách tôi lại để chơi một bài mà tôi biết sẽ làm thay đổi hướng đi cuộc đời các bạn, và xin hãy nhớ cho, nó sẽ thay đổi theo hướng tốt hơn.
[Mọi người đi. Người cuối cùng là Esther Kosak, cô nghe cho đến khi xong bài diễn thuyết rồi chạy đi. Mac Gregor, bố Johnny và Johnny ngồi trên bậc thềm, yên lặng. Rồi từng người lần lượt quay lại, mang theo các thứ thức ăn cho MacGregor: một quả trứng, một thỏi xúc xích, một tá củ hành xanh, hai thứ phô-mai, bơ, hai loại bánh mì, mấy củ khoai tây luộc, mấy trái cà chua tươi, một trái dưa hấu, trà, và nhiều món ăn ngon lành khác nữa]
Cám ơn, các bạn của tôi, xin cám ơn.
[Ông già đứng nghiêm trang, chờ sự im lặng hoàn toàn, người vươn thẳng, nhìn quanh mình một cách giận dữ, đưa kèn lên môi và hơi bực vì Esther vội vã và ồn ào trở lại, cô bé mang tới một trái cà tím. Khi im lặng trở lại, ông lão chơi bài “Trái Tim Tôi Trên Miền Non Cao, Trái Tim Tôi Không Ở Đây”. Mọi người khóc nức nở, quỳ xuống, cùng cất tiếng ca, rồi ra về. Mac Gregor quay sang hai bố con]
[Trang trọng] Thưa ông, nếu vẫn không có gì phiền phức, tôi mong sẽ được tá túc thêm ở nhà ông một thời gian nữa.
BỐ JOHNNY
[ Vui sướng và ngạc nhiên ]
Thưa ông, nhà tôi là nhà của ông. [Họ đi vào nhà]
Phòng ăn. Mười tám ngày sau, MacGregor nằm ngửa mặt trên sàn nhà, thiu thiu ngủ. Johnny lặng lẽ đi lại trong phòng, nhìn khắp mọi người. Bố cậu bé ngồi ở bàn, làm thơ. Bà nó đang ngồi trên chiếc ghế, lắc lư. Có một tiếng gõ cửa. Mọi người nhổm dậy chạy tới cửa, trừ Mac Gregor.
BỐ JOHNNY
Ai đấy?
CHÀNG TRAI TRẺ
Tôi tìm ông Jasper MacGregor, nhà nghệ sĩ.
BỐ JOHNNY
Anh muốn gì?
JOHNNY
Thưa Bố, dù sao Bố cũng nên mời anh ta vào nhà.
BỐ JOHNNY
Ừ, tất nhiên rồi. Xin lỗi, mời anh vào nhà.
[Chàng trai bước vào]
CHÀNG TRAI TRẺ
Tôi là Philip Carmichael. Tôi đến từ Nhà Cho Người Già. Người ta cử tôi đến đây để đưa ông MacGregor về nhà.
MACGREGOR [Thức giấc và ngồi bật dậy]
Nhà ? Có ai vừa nói đến nhà, phải không ? [Gầm lên] Ta cách xa nhà cả năm ngàn dặm, luôn luôn như thế, và sẽ là như thế mãi. Anh trai trẻ này là ai?
CHÀNG TRAI
Ông MacGregor, tôi là Philip Carmichael, từ Nhà Cho Người Già. Họ sai tôi đến để đưa ông về. Chúng tôi đang chuẩn bị cuộc trình diễn thường niên trong hai tuần nữa và cần có ông trong vai chính.
MACGREGOR
[ Đứng lên với sự giúp đỡ của bố Johnny và Johnny ]
Đó là loại vai gì vậy? Ta không còn đóng được vai những người mạo hiểm trẻ trung đâu.
CHÀNG TRAI
Đó là vai Vua Lear, thưa ông MacGregor. Nó hoàn toàn phù hợp với ông.
MAC GREGOR [ Nhà nghệ sĩ, có việc làm trở lại ]
Tạm biệt, những người bạn yêu dấu của ta.
[Từ cổng, ông lão quay lại]
Trong tất cả những giờ khắc của đời ta, ở tất cả mọi nơi ta đã từng đến, chưa bao giờ và không có nơi nào ta từng có niềm vinh hạnh và nỗi vui sướng được tương giao với những tâm hồn cao khiết, trong sạch và đầy tràn niềm vui như tâm hồn các bạn. Xin tạm biệt.
[Ông lão và chàng trai rời khỏi căn nhà.
Một khoảnh khắc im lặng, đầy nỗi tiếc nuối và cô đơn]
BỐ JOHNNY [ Đói, lớn tiếng ]
Johnny, chạy xuống tiệm ông Kosak và mang về chút gì để ăn. Bố biết con làm được điều ấy, Johnny. Hãy mang về BẤT CỨ THỨ GÌ.
JOHNNY [ Đói, lớn tiếng, giận dữ ]
Ông Kosak muốn 85 xu. Ông ta sẽ không cho mua chịu bất cứ thứ gì nữa cả.
BỐ JOHNNY
Hãy đi đi, Johnny. Con biết là con sẽ làm cho quý ông tốt bụng người Slovak đó đưa cho chúng ta chút gì để ăn mà.
JOHNNY [Tuyệt vọng ] Ôi, bố.
BỐ JOHNNY [ Ngỡ ngàng, gầm lên ]
Sao? Con, con trai ta, lại ở trong tình trạng như vậy! Thôi nào. Bố đã chiến đấu với thế giới theo cách này trước khi con ra đời. Sau khi con sinh ra, chúng ta đã cùng nhau chiến đấu, và chúng ta sẽ còn tiếp tục chiến đấu với nó như thế. Con người ta yêu thơ, nhưng không hiểu nó, chỉ có thế thôi. Chẳng có gì ngăn cản được chúng ta, Johnny. Chạy xuống dưới đó ngay và kiếm cái gì về để ăn.
JOHNNY
Thôi được, Bố. Con sẽ cố gắng hết sức.
[ Nó chạy ra cửa]
Căn nhà. Bây giờ có treo một tấm bảng lớn: “Cho thuê”. Ấy là một khoảnh khắc trước khi trời hừng sáng vào một ngày đầu tháng Mười Một, năm 1914. Đã có dấu hiệu của mùa Đông đang đến. Trên bầu trời cao, một đàn ngỗng đang bay về phương Nam với những tiếng kêu chíu chít. Johnny ngồi trên thềm cổng, hai tay chống cằm. Nó nghe tiếng ngỗng kêu, chăm chú lắng nghe, nhẩy cẫng lên và ngẩng lên trời nhìn đàn ngỗng. Tiếng kêu nhỏ dần, rồi tắt hẳn. Johnny quay lại những bậc thềm, ngồi xuống. Khi mặt trời mọc, một nụ cười trang trọng bật lên trên nét mặt thằng bé. Nó liếc nhìn tia nắng đầu ngày qua khoé mắt như thể đó là một người bạn lặng lẽ mà nó hoàn toàn hiểu thấu một cách thân tình. Khi trời càng sáng, cuộc chơi giữa Johnny và mặt trời cũng gia tăng, như một chủ đề nhạc, làm nó trỗi dậy, quay mặt về phiá ánh sáng. Nó giơ cao đôi cánh tay, và rất trang trọng khởi sự những màn nhào lộn. Rồi nó tung tăng chạy vòng quanh nhà và trở lộn lại từ phía bên kia, gần như nhảy múa.
Một chuyến xe hoả chở hàng chạy qua không xa lắm làm rung động mặt đất.
Ánh ngày rạng dần.
Một chú bé giao báo ban sáng đang đi bộ tới, vừa đi vừa huýt sáo.
Chú bé là điển hình của những tay giao báo sáng một vùng tỉnh nhỏ: khoảng mười ba tuổi. Trông nó có cái vẻ già dặn đĩnh đạc của những người đàn ông đã làm xong việc mình. Các túi báo trống không. Đêm đã qua. Tiền công hàng ngày đã được bỏ túi. Những tờ báo đã được đặt trước cửa nhà của các người đọc. Một ngày nữa đã đến với thế gian. Nó đã đi bộ suốt hai tiếng đồng hồ qua những con phố tối tăm cho đến khi trời sáng. Tiếng nhạc huýt sáo của nó hết sức dịu dàng và đầy sự cảm thông. Đấy là một khúc nhạc mà nó tự ứng tác, một khúc ca chào buổi bình minh.
JOHNNY [Chạy xuống những bậc thềm]
Chào cậu.
THẰNG BÉ [Đứng lại]
Chào cậu.
JOHNNY
Đó là bài gì thế?
THẰNG BÉ
Bài nào?
JOHNNY
Bài mà cậu vừa huýt ấy.
THẰNG BÉ
Mình vừa huýt sáo à?
JOHNNY
Thật mà. Thế cậu không biết cậu huýt sáo sao?
THẰNG BÉ
À. Mình thường huýt sáo luôn.
JOHNNY
Thế đó là bài gì?
THẰNG BÉ
Mình không biết.
JOHNNY
Mình ước gì mình cũng huýt sáo được.
THẰNG BÉ
Ai cũng có thể huýt sáo được hết.
JOHNNY
Mình không thể. Thế cậu làm như thế nào?
THẰNG BÉ
Không làm thế nào cả. Cậu chỉ việc huýt sáo thôi.
JOHNNY
Như thế nào?
THẰNG BÉ
Như thế này này.
[Nó huýt sáo một lúc, rõ là ứng tác, một tuyệt chiêu]
JOHNNY [ Với sự thán phục ]
Ước gì mình có thể làm như thế.
THẰNG BÉ [Hài lòng và hăng hái muốn gây một ấn tượng mạnh hơn
nữa ]
Có gì khó đâu. Cậu nghe này.
[ Thằng bé huýt một khúc nhạc mê ly kiểu đối âm, hai giọng và có chút nhịp chỏi]
JOHNNY
Cậu dạy cho mình nhé ?
THẰNG BÉ
Người ta không thể dạy huýt sáo. Cậu cứ việc huýt thôi. Đây là một kiểu khác. [Nó huýt một điệu khúc mê ly, theo phong cách ồn ào của những đứa trẻ giao báo, nhưng được làm cho mềm mại đi]
JOHNNY [Cố thử huýt]
Như thế này phải không?
THẰNG BÉ
Đó là bước khởi đầu. Cậu cứ tiếp tục như thế, sau một thời gian miệng cậu sẽ vào đúng khuôn hình và cậu sẽ huýt được mà không tự biết là mình đang huýt sáo đấy.
JOHNNY
Thật vậy à ?
THẰNG BÉ
Chắc chắn là thế.
JOHNNY
Mẹ cậu chết rồi hở?
THẰNG BÉ
Sao cậu biết?
JOHNNY
Mẹ mình cũng chết rồi.
THẰNG BÉ
Vậy hở?
JOHNNY [Thở dài]
Ừ. Mẹ mình đã chết rồi.
THẰNG BÉ
Mình không nhớ mẹ. Cậu có nhớ mẹ cậu không?
JOHNNY
Không hẳn là nhớ. Đôi khi mình nằm mơ thấy mẹ.
THẰNG BÉ
Trước kia mình cũng vậy.
JOHNNY
Thế cậu không còn mơ thấy mẹ nữa à ?
THẰNG BÉ [Người không còn ảo tưởng]
À… à… Ừ. Chuyện mơ mộng ấy tốt cho cậu chứ ?
JOHNNY
Mẹ mình chắc chắn là rất đẹp.
THẰNG BÉ
Ừ, mình biết. Mình nhớ. Thế cậu có bố chứ ?
JOHNNY [Hãnh diện]
Ồ, chắc chắn rồi. Bố mình lúc này đang ở trong nhà, đang ngủ.
THẰNG BÉ
Bố tớ thì cũng đã chết rồi.
JOHNNY
Cả bố cậu nữa à?
THẰNG BÉ [Nghiêm trang] Ừ.
[Hai đứa bé bắt đầu ném qua ném lại cho nhau một quả banh tennis cũ]
JOHNNY
Thế cậu có còn ai là người thân nữa không?
THẰNG BÉ
Mình có một bà dì, nhưng bà ấy không thật sự là dì mình. Mình được nuôi lớn ở trại mồ côi. Mình được nhận làm con nuôi.
JOHNNY
Trại mồ côi là gì?
THẰNG BÉ
Đó là một nơi mà những trẻ không cha không mẹ sống cho đến lúc chúng nó được người nào đó nhận làm con nuôi.
JOHNNY
Cậu nói nhận làm con nuôi, thế nghĩa là gì?
THẰNG BÉ
Một người nào đó muốn có một thằng con trai hay một đứa con gái sẽ đến trại mồ côi và ngắm nghía bọn trẻ, sau đó họ mang theo một đứa mà họ thích. Nếu họ chọn cậu, cậu đến và ở với họ.
JOHNNY
Cậu có thích điều đó không?
THẰNG BÉ
Thì cũng được.
[ Thằng bé cất quả bóng đi ]
JOHNNY
Tên cậu là gì?
THẰNG BÉ
Henry. Thế còn cậu?
JOHNNY
Johnny.
THẰNG BÉ
Cậu có muốn một tờ báo không? Có một cuộc Chiến Tranh ở Âu châu.
JOHNNY
Mình không có tiền. Gia đình mình không giàu. Gia đình mình không làm việc. Bố mình làm thơ.
THẰNG BÉ [Đưa cho Johnny tờ báo còn dư]
Không sao đâu. Có bao giờ cậu có tiền không?
JOHNNY
Thỉnh thoảng.. Có một lần mình nhặt được 25 xu. Nó nằm bên lề đường, ngay trước mặt mình. Có một lần, bố mình nhận một tấm ngân phiếu 10 đô la từ New York gửi đến. Nhà mình mua một con gà và thật nhiều tem và giấy và phong bì. Dù sao, con gà không đẻ trứng gì cả, nên bà tớ làm thịt nó cho cả nhà ăn. Cậu đã bao giờ ăn thịt gà chưa?
THẰNG BÉ
Dĩ nhiên. Mình nghĩ là mình đã ăn thịt gà sáu hay bảy lần rồi.
JOHNNY
Thế cậu sẽ làm gì khi lớn lên?
THẰNG BÉ
Ồi. Mình cũng chẳng biết nữa. Tớ chẳng biết mình sẽ làm gì.
JOHNNY [Tự hào]
Mình sẽ là nhà thơ như bố mình. Bố mình đã bảo thế.
THẰNG BÉ
Mình nghĩ là mình phải đi giao báo một thời gian nữa.
[Nó bước đi]
Thôi, chào cậu nhé.
JOHNNY
Cậu có còn tới đây nữa không?
THẰNG BÉ
Mình đi ngang đây mỗi sáng, vào khoảng giờ này. Nhưng mình chưa bao giờ gặp cậu trước đây.
JOHNNY [ Mỉm cười ]
Mình đã nằm mơ, rồi khi tỉnh giấc mình không còn muốn ngủ nữa. Mình muốn dậy và ra ngoài này. Mình đã mơ thấy mẹ.
THẰNG BÉ
Có thể mình sẽ gặp lại cậu một buổi sớm nào đó khi cậu không ngủ được.
JOHNNY
Mình hy vọng như thế. Chào cậu nhé.
THẰNG BÉ
Chào cậu. Cứ tiếp tục như thế và cậu sẽ biết huýt sáo trước khi cậu nhận ra đấy.
JOHNNY
Cám ơn.
[Thằng bé vừa đi vừa huýt sáo. Johnny ném tờ báo lên chỗ cổng, rồi lại ngồi xuống trên thềm nhà.
Bà nó đi ra cổng với một cái chổi và bắt đầu quét ]
BÀ JOHNNY:
[Nói tiếng Armenia, là thứ tiếng duy nhất bà biết, ngoại trừ tiếng Thổ, tiếng Kudish và mấy từ Ả rập, mà dường như không ai chung quanh hiểu]
Cháu khỏe chứ, cháu yêu của bà?
JOHNNY [Biết tiếng Armenia, nhưng hầu như không bao giờ nói, nói tiếng Anh]
Cháu khỏe.
BÀ JOHNNY
Bố cháu thì sao?
JOHNNY
Cháu không biết. [Gọi to]
Bố ơi, bố. Bố có khỏe không? [Ngừng một lúc, gọi tiếp] Bố ơi.
[ Ngừng. Im lặng ]
Cháu nghĩ là bố đang ngủ.
BÀ JOHNNY
Còn chút tiền nào không?
JOHNNY
Tiền à? [Lắc đầu] Không.
BỐ JOHNNY [Từ phiá trong nhà]
Johnny ơi.
JOHNNY [Vội đứng lên]
Bố gọi con?
BỐ JOHNNY
Con vừa gọi phải không?
JOHNNY
Vâng. Bố có khỏe không?
BỐ JOHNNY
Tốt. Con thì sao?
JOHNNY
Thưa Bố, tốt.
BỐ JOHNNY
Con đánh thức bố chỉ vì thế thôi à?
JOHNNY [Nói với bà]
Bố cháu khỏe. [ Nói to với bố ] Quý lão phu nhân muốn biết bố có khỏe
không.
BỐ JOHNNY [ Nói bằng tiếng Armenia với bà cụ ]
Chào mẹ. [ Nói với Johnny bằng tiếng Anh ] Con nói lão là thế nào? Bà
có già lắm đâu.
JOHNNY
Con không có ý nói là già đâu. Bố hiểu ý con mà.
[Bố Johnny vừa đi ra cổng, vừa cài nút áo sơ-mi, gật đầu chào bà cụ, nhìn mặt trời qua khoé mắt hệt như cung cách của Johnny, mỉm cười cũng theo cách của nó, duỗi chân duỗi tay, hướng về phía mặt trời, nhảy xuống mấy bạc thềm và làm một màn nhào lộn, nhưng không hay lắm. Màn nhào lộn làm ông ngã ngửa.]
JOHNNY: Bố cần phải tập thể dục nhiều thêm một ít nữa bố ạ. Bố cứ ngồi suốt.
BỐ JOHNNY [Nằm ngửa]
Johnny, bố của con là một nhà thơ lớn. Bố có thể không nhào lộn giỏi như con đâu, nhưng nếu con muốn biết bố là một lực sĩ bậc nào, hãy cứ đọc bài thơ mà bố vừa viết hôm qua.
JOHNNY
Bài thơ hay thật hở bố?
BỐ JOHNNY
Hay à?
[Ông nhổm người lên như một người chuyên diễn trò nhào lộn]
Phải nói là siêu đẳng. Bố cũng sẽ gửi nó cho nguyệt san The Atlantic Monthly.
JOHNNY
Ồ, bố ơi, con quên béng đi mất. Trên cổng có một tờ báo.
BỐ JOHNNY [ Bước tới cổng ]
Con muốn nói là một tờ báo buổi sáng hở Johnny?
JOHNNY
Vâng.
BỐ JOHNNY
Ồ, thật là một bất ngờ thú vị. Con tìm đâu ra vậy?
JOHNNY
Henry cho con.
BỐ JOHNNY
Henry à? Henry là ai thế ?
JOHNNY
Cậu ấy là người không có mẹ, cũng không có cha. Cậu ấy còn biết huýt sáo nữa.
BỐ JOHNNY [ Cầm tờ báo lên, mở ra ]
Cậu bé này thật tốt quá.
[Ông ngấu nghiến đọc các tít lớn của tờ báo]
BÀ JOHNNY [ Nói với cả hai bố con Johnny, với chính mình, với cả thế giới]
Cái ông lão ấy đâu rồi?
BỐ JOHNNY
À, sao ạ ?
JOHNNY
Bà hỏi ai ạ?
BÀ JOHNNY
Cháu biết mà. Cái ông lão thổi sừng ấy. [Bà làm ra dáng thổi vào một cái sừng]
JOHNNY
A, ông Mac Gregor phải không? Họ đem ông ấy về Nhà Cho Người Già rồi bà ạ.
BỐ JOHNNY [Đọc ra tiếng]
Áo. Đức. Pháp. Anh. Nga. Khí cầu chứa bom. Tàu ngầm, Xe tăng. Súng máy. Bom. [Lắc đầu] Bọn chúng lại lên cơn điên nữa rồi.
BÀ JOHNNY [Với Johnny, tỏ ý khiển trách]
Sao cháu không nói tiếng Armenia, hở cháu?
JOHNNY
Cháu không nói được, bà ạ.
BỐ JOHNNY [Với Johnny ]
Có chuyện gì thế?
JOHNNY
Bà muốn hỏi thăm về ông MacGregor.
BÀ JOHNNY [Với bố Johnny ]
Ông ta ở đâu?
BỐ JOHNNY [Nói tiếng Armenia ]
Ông ấy đã trở lại Nhà Cho Người Già rồi.
BỐ JOHNNY [Lắc đầu]
Ôi, thật tội cho ông lão tù nhân khốn khổ.
JOHNNY
Chỗ ấy giống như nhà tù sao bố ?
BỐ JOHNNY
Bố không biết chắc, Johnny ạ.
BÀ JOHNNY [Giận dữ, như kiểu của con trai và cháu bà khi điên tiết]
Sao ông ấy không về sống ở đây, ở đây mới là nhà của ông ta.
[Bà đi vào trong nhà ]
(còn tiếp)