Trang chính » Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Truyện ngắn Email bài này

Nữ tác gia

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 10.09.2012

 

 

Truyện sau đây được dịch từ nguyên tác “Chiyojo”千代女 trong tuyển tập truyện ngắn “Nữ sinh” 女生徒của văn hào Dazai Osamu 太宰治do nhà xuất bản Kadokawa 角川文庫 ấn hành khổ bỏ túi năm Bình Thành 21 (2009) từ trang 142 đến 161. Nguyên văn tên truyện là Chiyojo (千代女Thiên Đại nữ) là bút danh của nữ thi sĩ thơ haiku Kaga no chijo (加賀千代Gia hạ Thiên đại) (1703-1775) thời trung kỳ Edo. Tác phẩm để lại có “Chiyoni kushu” (千代尼句集Thi tập của ni sư Chiyojo) và “Matsu no koe” (松の声Tiếng thông reo).

 

 

Phụ nữ quả thật là thứ không ra gì. Có lẽ trong số phụ nữ chỉ có một mình tôi là hư hỏng, cứ không ngừng nghĩ mình là thứ vô dụng bỏ đi. Tuy nói như vậy nhưng quả thật, tôi cảm thấy mình vẫn có một sự ngoan cố bám rễ sâu dày, đen đúa trong đáy tâm tư rằng mình cũng có một điểm hay nào đó mà tôi cũng không hiểu rõ nữa. Tôi bây giờ có cảm giác nặng nề u uất không sao tan được như thể đang đội một cái nồi rỉ sét trên đầu mình vậy. Chắc chắn là mình đầu óc ngu si. Thật sự là ngu si. Năm sau tôi sẽ mười chín tuổi. Đâu có còn là trẻ con nữa đâu.

Vào năm mười hai tuổi, chú Kashiwagi đã gửi bài văn của tôi cho tạp chí “Chim xanh”, được tuyển hạng nhất và vị tiên sinh tuyển bài cứ khen ngợi mãi đến phát sợ, rồi sau đó thì tôi trở nên chẳng ra gì. Bài văn lúc ấy thật là xấu hổ. Bài văn như vậy mà thật sự hay sao? Mà cuối cùng thì hay ở chỗ nào chứ? Bài văn ấy có nhan đề là “tiêu tiền” chỉ viết một chút chuyện cỏn con khi tôi đi mua thuốc lá cho chú thôi mà. Tôi nhận năm điếu Batto từ bà bán thuốc, nhưng vì thấy toàn là màu xanh có vẻ buồn bã quá nên tôi trả lại một điếu để đổi lấy cái hộp thuốc màu đỏ mà tiền không đủ nên chẳng biết làm sao. Bà bán thuốc cười và nói thôi để lần sau trả cũng được làm tôi vui mừng khôn xiết. Trên cái hộp thuốc màu xanh, tôi chồng thêm cái hộp thuốc màu đỏ, đặt nó vào lòng bàn tay thử xem thấy đẹp như hoa anh thảo nên ngực tôi cứ phập phồng, đi lại thật khó khăn. Đại khái là tôi viết như vậy đó. Có vẻ rất chi là trẻ con và nũng nịu quá nên tôi giờ nghĩ lại cứ thấy bất an. Rồi ngay sau đó, được chú Kashiwagi khuyến khích nên lại gửi cho báo bài viết “Khu phố Kasuga” lần này thì không nằm trong mục bài viết nữa mà được đăng trang trọng chữ lớn ngay trên trang nhất của tờ báo. Bài viết “Khu phố Kasuga” này là viết về chuyện người cô tôi ở khu Ikebukuro nói là lần tới sẽ chuyển nhà lên dãy Nerima khu phố Katsuga, có vườn rộng rãi và mời tôi nhất định phải đến chơi một lần cho biết. Vì thế mà tôi vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng sáu đã lên tàu từ nhà ga Komagome, rồi đổi tàu ở ga Ikebukuro rồi xuống ga Nerima nhưng nhìn xung quanh thấy toàn đồng không mông quạnh, không biết khu Kasuga là ở chỗ nào. Hỏi mấy người làm vườn thì họ cũng không biết luôn làm tôi thật muốn khóc. Trời thì nóng nực. Cuối cùng hỏi thử người đàn ông chừng bốn mươi tuổi đang kéo xe chất đầy những chai rượu rỗng xem sao thì ông ta cười buồn, đứng lại rồi vừa dùng một cái khăn cáu bẩn lau mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt vừa lẩm bẩm mấy lần khu Kasuga, khu Kasuga mà suy nghĩ giúp tôi. Sau đó, ông ta nói thế này.

Khu Kasuga ấy rất chi là xa. Từ ga Nerima này phải lên tàu đi đến Ikebukuro sau đó đổi tàu đến ga Shinjuku, rồi lại đổi tàu đi về hướng Tokyo, đến một nơi tên Suidobashi thì xuống, thật sự rất chi là xa xăm. Ông ta ráng sức giải thích cho tôi bằng thứ tiếng Nhật bập bẹ đó là con đường thuận tiện nhất để đến khu Kasuga ở Hongo đấy. Nghe chuyện, tôi biết ngay ông ta là người Triều Tiên nên vì thế mà tôi càng biết ơn ông hơn, nghẹn ngào cảm động. Người Nhật nhiều khi biết đường đấy nhưng vì phiền phức nên họ cứ nói là không biết còn người Triều Tiên này tuy không biết đường rành rẽ lại ra sức mà chỉ đường cho tôi, vừa lau mồ hôi ròng ròng vừa ráng sức giải thích. Tôi nói cám ơn chú rồi theo lời ông ta chỉ đi đến ga Nerima rồi lên tàu quay trở về nhà mình. Mặc dù lúc ấy tôi cũng đã định đi đến khu Kasuga ở Hongo cho rồi. Về đến nhà, cảm thấy có cái gì buồn bã, không thoải mái tự nhiên. Tôi cứ viết trung thành những cảm xúc đó. Vậy mà lại được đăng trang trọng chữ lớn trên trang đầu của báo mới thật mỏi mệt làm sao. Nhà tôi ở khu Nakasato, gần sông Takinogawa. Cha tôi là người Tokyo nhưng mẹ thì lại sinh ra ở Ise. Cha tôi là giáo viên tiếng Anh của trường đại học tư thục. Tôi không có anh hay chị gì cả. Chỉ có một đứa em trai ốm yếu quặt quẹo. Em trai tôi năm nay đã vào học ở trường trung học của thành phố. Tôi tuyệt đối không ghét bỏ gì gia đình mình cả nhưng lúc nào cũng cảm thấy vô cùng cô đơn. Trước đây hạnh phúc hơn. Thật sự là hạnh phúc. Tha hồ nũng nịu với cha với mẹ, nói những chuyện vui, chọc cười cả nhà. Đối xử với em trai cũng dịu dàng nữa, tôi đã là một người chị tốt. Vậy mà từ sau khi đăng được bài viết trên báo “Chim xanh”, đột nhiên tôi trở thành một đứa con gái đáng ghét và nhút nhát. Thậm chí còn cãi nhau tay đôi với mẹ nữa chứ. Khi được đăng bài “Phố Kasuga” trên báo, tiên sinh Iwami, người tuyển bài đã viết một bài cảm tưởng dài gấp hai gấp ba lần bài viết của tôi. Tôi đọc và cảm thấy buồn bã. Nghĩ bụng thầy Iwami đó đã bị mình lừa rồi. Tôi nghĩ thầy Iwami là người có cái tâm đẹp đẽ và đơn giản hơn mình nhiều. Rồi sau đó nữa, thầy Sawada trong giờ dạy viết luận ở trường đã mang vào trong lớp quyển tạp chí đó, viết toàn văn bài “Phố Kasuga” của tôi lên bảng rồi dành cả tiếng cất tiếng oang oang mà khen ngợi với vẻ hưng phấn lạ thường. Tôi sợ đến nỗi khó thở, mắt mũi tối tăm, thấy cả thân mình biến thành tảng đá. Tôi biết là mình không xứng đáng được khen ngợi như vậy nên nếu sau này mà viết một bài văn dở tệ bị chúng bạn chê cười thì sẽ là một chuyện khổ sở và hổ thẹn đến thế nào đây. Tôi cứ lo lắng mãi như vậy đến không còn thiết sống nữa. Mà thực sự thì thầy Sawada đâu có cảm động với bài văn tôi viết đâu mà chỉ vì bài văn đó được in chữ lớn trên báo mà còn được tiên sinh Iwami nổi tiếng ngợi khen nên mới hưng phấn đến mức như thế, ngay cả đến trẻ con còn biết được nữa là, vì thế mà tôi càng buồn bã hơn, đến mức không sao chịu nổi. Nỗi lo lắng của tôi sau này đã hoàn toàn trở thành sự thật. Toàn là những chuyện khổ sở và hổ thẹn mà thôi. Bạn bè trong trường ngay lập tức xem tôi như người xa lạ. Ngay cả người bạn thân thiết nhất của tôi đến giờ là bạn Ando cũng gọi tôi bằng những lời cạnh khóe như “nữ sĩ Ichiyo[1]”, “nữ sĩ Murasaki Shikibu[2]” cuối cùng cũng tránh xa tôi, chạy đến chơi với nhóm bạn Nara và Imai vốn từ xưa đến giờ vẫn ghét, mỗi lần thấy bóng tôi từ xa là lại chụm đầu thì thầm với nhau điều gì đó, rồi cùng nói cười với nhau, trêu đùa đến mức hạ phẩm. Tôi nghĩ là cả đời mình sẽ chẳng viết văn nữa. Nghe lời tán tụng của chú Kashiwagi mà trót gửi đi, cuối cùng hỏng hết mọi chuyện như vậy đấy. Chú Kashiwagi là em của mẹ tôi. Chú đang làm ở văn phòng quận Yodobashi, năm nay chừng ba mươi bốn ba lăm tuổi, năm ngoái cũng đã có đứa con trai rồi đấy nhưng làm như mình vẫn còn trẻ lắm, nghe nói chú đôi khi vẫn nhậu say quắc cần câu rồi bị đuổi làm nữa chứ. Mỗi lần đến nhà chơi hình như chú đều lấy ít tiền của mẹ rồi mới về thì phải. Tôi có nghe mẹ kể lại là hồi mới vào đại học, chú học để nuôi mộng làm nhà văn, cũng được các vị tiền bối kỳ vọng nhưng rồi vì giao du với bạn xấu mà trở nên hư hỏng, bỏ học nửa chừng. Nghe nói chú đọc rất nhiều tiểu thuyết của Nhật Bản và của nước ngoài. Bảy năm trước, chú đã ép uổng gửi bài viết dở tệ của tôi cho báo “Chim xanh” rồi sau đó trong suốt bảy năm trường tôi cứ bị chú ép uổng mãi. Tôi rất ghét tiểu thuyết. Bây giờ thì khác rồi nhưng hồi đó lúc bài viết đơn giản của tôi được đăng trên báo hai kỳ liên tục thì bị bạn bè xa lánh, được thầy cô đối xử đặc biệt khiến tâm tư nặng nề nên thực sự là rất ghét viết văn. Rồi sau đó cho dù chú Kashiwagi có dụ dỗ thế nào đi nữa tôi cũng quyết không gửi bài. Bị truy bức quá có lần tôi đã khóc thét lên. Trong giờ làm văn ở lớp, tôi cũng không viết một chữ nào, chỉ vẽ vời những khuôn mặt phụ nữ hình tròn hình tam giác trong vở mà thôi. Thầy Sawada đã phải lôi tôi lên phòng giáo viên mà la mắng rằng “kiêu ngạo là không được đâu, em hãy biết tự trọng đi”. Tôi cũng cảm thấy hối hận. Nhưng vì chẳng bao lâu sau đó tôi tốt nghiệp trường tiểu học nên dù sao cũng thoát được chuyện khổ sở như vậy. Sau khi tôi vào trường trung học nữ ở Ochanomizu, trong lớp không có ai biết tôi được chọn đăng mấy bài văn chán ngắt cả nên tôi thở phào nhẹ nhõm. Đến giờ tiểu luận, tôi cũng vui vẻ viết và đạt điểm thường thường bậc trung. Tuy nhiên chỉ có chú Kashiwagi là lúc nào cũng trêu đùa tôi. Cứ mỗi lần đến nhà tôi lại mang theo ba bốn quyển tiểu thuyết mà bảo rằng “đọc đi, đọc đi”. Vì đọc thử thấy khó quá, hầu như không hiểu lắm nên tôi giả vờ như mình đã đọc rồi trả lại sách cho chú. Vào năm thứ ba của trường trung học nữ, đột nhiên tiên sinh Iwami của báo “Chim xanh” gửi cho cha tôi một bức thư dài. Xấu hổ quá tôi không thể nào kể ra hết được, nhưng khen tôi quá chừng, đại khái là một tài năng mà để chôn vùi như vậy thì thật đáng tiếc, liệu có thể cho cháu viết lại đôi chút không ạ, tôi có thể chăm lo đến những tạp chí đăng bài cho cháu…Nói chung là nói những điều nghiêm túc bằng ngôn ngữ vô cùng lịch sự như vậy. Cha chỉ lẳng lặng đưa bức thư đó cho tôi xem. Đọc thư tôi nghĩ rằng tiên sinh Iwami này thật là một người đàng hoàng nghiêm túc nhưng qua bức thư này tôi biết chắc được rằng sau lưng có sự giật dây của chú tôi. Chắc chắn là chú đã dùng chiêu trò gì đó để tiếp cận Iwami tiên sinh, lập ra nhiều kế hoạch mà trong đó có việc gửi bức thư này cho cha tôi. Không nghi ngờ gì nữa. Tâm trạng như muốn khóc, tôi cúi đầu mà nói “Cái này là do chú nhờ vả đây. Chắc chắn là vậy. Tại sao chú có thể làm điều đáng sợ như vậy chứ?”. Khi ngước lên nhìn cha tôi thấy cha có vẻ đã thấu hiểu chuyện này, khẽ gật đầu mà nói với vẻ không vui “cậu em Kashiwagi chắc làm chuyện này với ý đồ xấu đây, mình mà không đến chỗ tiên sinh Iwami chào một tiếng thì cũng khó xử”. Cha tôi từ trước đã không ưa chú Kashiwagi cho lắm. Khi bài văn của tôi được tuyển đăng báo cả mẹ và chú đều rất vui mừng nhưng chỉ có cha là nói không được vui mừng quá trớn như vậy, rồi la mắng chú Kashiwagi. Sau này mẹ nói lại cho tôi nghe với vẻ bất mãn. Mẹ thì tuy lúc nào cũng nói xấu chú nhưng mà hễ nghe cha tôi nói xấu về chú một lời là đùng đùng nổi giận. Mẹ vốn là người tốt, dịu dàng và hoạt bát nhưng vì chuyện chú Kashiwagi mà đôi khi cũng cãi nhau với cha tôi. Chú thật là con ác ma của nhà tôi. Khoảng sau hai ba ngày kể từ khi nhận được bức thư lịch sự của tiên sinh Iwami, giữa cha mẹ tôi đã xảy ra một trận tranh cãi kịch liệt. Đến bữa cơm chiều, cha tôi bảo “tiên sinh Iwami đã nói với thành ý như vậy nên để không thất lễ tôi sẽ dẫn Kazuko đến chỗ tiên sinh để trình bày tâm tư của nó mà xin lỗi tiên sinh vậy. Chỉ có một bức thư mà để phát sinh sự hiểu lầm rồi có những chuyện không hay xảy ra thì cũng không hay”. Mẹ tôi thì cúi gầm mặt, suy nghĩ một chút rồi nói “cậu em mình tệ quá. Làm phiền mọi người vất vả bao nhiêu”, rồi sau khi ngẩng mặt lên, lấy ngón tay út của bàn tay phải vén mớ tóc trễ xuống lại nói rất nhanh “có thể là tại chúng em ngu ngốc nên thấy con bé Kazuko được một người nổi danh như thế khen ngợi thì cảm thấy từ nay về sau lại muốn nó được tiếp tục nâng đỡ nữa. Nếu như có thể phát triển nữa thì em cảm thấy muốn cho phát triển nữa xem sao. Mặc dù lúc nào em cũng bị mình la mắng nhưng chẳng phải mình cũng quá cứng nhắc hay sao?” và mỉm cười nhợt nhạt. Cha ngừng đũa rồi nói với giọng bảo ban, dạy dỗ “nếu cứ để cho nó phát triển thì sẽ chẳng ra sao cả. Văn tài của phụ nữ là thứ không đáng giá gì lắm đâu. Có thể vì sự hiếm hoi mà được ưa thích nhất thời đấy nhưng cuối cùng cả đời sẽ chẳng ra gì. Con bé Kazuko nhà mình cũng sợ điều ấy. Đối với con gái mà nói cứ đi làm dâu rồi trở thành một bà mẹ tốt là cách sống hay nhất. Các người lợi dụng con gái mình chỉ để làm thỏa mãn cái lòng hư vinh và ham công danh của mình thôi”. Mẹ chẳng có ý nghe lời cha nói một chút nào, vươn tay nhấc cái nồi trên cái bếp than kế bên tôi đặt xuống đất, rồi đưa ngón cái với ngón trỏ của bàn tay phải lên môi, ngoảnh mặt đi mà nói “nóng quá, nóng quá, bỏng mất rồi. Nhưng không phải là cậu em em có ý xấu đâu nhé”. Lần này thì cha đặt chén đũa xuống đất mà lớn tiếng “em có hiểu mình đang nói gì không. Hai chị em cô đang ăn thịt con bé Kazuko đấy”. Cha dùng tay trái khẽ đẩy kính lên, rồi sau đó định nói gì đấy nữa thì đột nhiên mẹ khóc rống lên rồi vừa dùng tạp dề lau nước mắt vừa đem bao nhiêu chuyện tiền bạc trong nhà như là tiền lương của cha, tiền quần áo của hai chị em tôi nói ra hết cả. Cha hất cằm về phía chị em tôi, làm hiệu như là “đi ra chỗ khác” vậy nên tôi thúc em tôi, rút lên phòng học nhưng vẫn nghe vọng tiếng tranh cãi từ phòng khách giữa cha và mẹ đến cả tiếng đồng hồ. Mẹ bình thường vốn là người vui vẻ, dễ chịu vậy mà cứ hễ phấn khích lên là nói ra toàn những chuyện thô tục, cực đoan đến mức không thể nào mà nghe nổi; thành ra tôi rất buồn. Sáng hôm sau, nghe nói cha từ trường về đã ghé nhà tiên sinh Iwami để cảm ơn và tạ lỗi. Sáng hôm đó cha cũng đề nghị tôi cùng đi nhưng mà tôi sợ hãi, miệng cứ run lên, răng đánh lập cập, không đủ sức mà đi cùng cha được. Tối đó cha tôi trở về nhà vào lúc bảy giờ, kể cho mẹ con tôi nghe là Iwami tiên sinh tuy hãy còn trẻ nhưng là người thông minh sáng láng, hiểu rõ được tâm trạng của cha con mình, ngược lại còn xin lỗi cha nữa, nói là thực sự là cũng không muốn khuyến khích con gái đi vào con đường văn học, rồi thì tuy không nói rõ tên nhưng quả thật là do bị chú Kashiwagi nhờ vả năm lần bảy lượt nên bất đắc dĩ đành phải viết thư cho cha thôi. Khi tôi cào cào tay cha, thấy đằng sau đôi mục kỉnh, mắt cha nhắm lại mà cười. Mẹ thì rất điềm tĩnh, như đã quên hết mọi chuyện đã xảy ra, cứ liên tục gật đầu theo lời cha tôi và không nói thêm điều gì nữa.

Từ khoảng thời gian đó trở đi, không thấy bóng chú Kashiwagi xuất hiện thường xuyên nữa, mà cho dù có đến cũng đối với tôi rất ư là xa lạ rồi lại bỏ về ngay. Tôi đã hoàn toàn quên đi chuyện viết văn, cứ từ trường trở về nhà là lại chăm sóc mấy chậu hoa, đi chợ, giúp mẹ việc bếp núc, làm gia sư cho em trai, may vá thêu thùa, học bài, xoa bóp lưng cho mẹ, quá ư bận rộn, đảm đương đủ các vai trò, có ngày còn cảm thấy sức cùng lực kiệt nữa.

Nhưng rồi bão đến. Khi tôi học năm tư trường trung học nữ, vào dịp tết thầy Sawada dạy hời tiểu học bất ngờ đến thăm nhà. Cha mẹ tôi quá sức vui mừng hỏi han đủ thứ nào là trời thật là hiếm khi rồi thật là nhớ nhung ngày cũ…nghe thầy Sawada nói chuyện là đã thôi dạy tiểu học từ lâu, giờ làm gia sư chỗ này chỗ kia, sống một cuộc đời thư thả. Tuy nhiên theo cảm nhận của tôi, tuy nói ra thì thất lễ nhưng thầy chẳng có vẻ ung dung thư thả một chút nào. Chắc chắn là thầy cũng bằng cỡ tuổi chú Kashiwagi thôi nhưng trông thầy cứ như người đã trên bốn mươi, gần năm mươi tuổi ấy, trước đây khuôn mặt thầy trông cũng đã khắc khổ rồi nhưng chỉ trong vòng bốn năm năm không gặp thôi mà trông thầy có vẻ mệt mỏi, già đi chừng hai chục tuổi vậy. Tuy không có sức để cười nhưng lại cố mà cười nên trên má hằn lên những nếp nhăn cứng còng khổ sở khiến thầy thậm chí trông có vẻ bần tiện thế nào ấy hơn là sự đáng thương. Đầu thầy vẫn húi trọc như thường lệ nhưng tóc bạc đã thấy nhiều. Khác với trước đây, thầy giờ cứ tâng bốc tôi quá đáng nên khiến tôi bối rối và khổ sở. Thầy nói toàn những lời nịnh bợ trơ trẽn đến mức nghe không nổi như dung mạo đoan trang, phẩm hạnh quý phái, quả là tôi được thầy đối xử quá mức lịch sự như đấng bề trên của thầy vậy. Thầy cứ hướng về cha mẹ tôi mà nói huyên thuyên về chuyện thời tôi còn học tiểu học đến mức khó chịu, mang cả chuyện bài văn mà tôi đã quên bẵng đi từ lâu ra nói nữa, nào là thật tiếc cho một tài năng, ngày xưa tôi không quan tâm mấy đến các bài luận của các em thiếu nhi tại vì không có phương pháp giáo dục nào nhằm phát huy tâm trí của các em dựa vào bài luận cả, nhưng bây giờ thì khác rồi. Về các bài luận áp dụng cho các em thiếu nhi, tôi đã nghiên cứu đầy đủ, và có thể tự tin vào phương pháp giáo dục đó. Sao nào, Kazuko, dưới sự chỉ dẫn mới của thầy, em thử học lại văn chương một lần nữa xem sao. Thầy cứ nói dai dẳng mãi nào là thầy say rượu rồi nên nói ra những lời khoa trương kệch cỡm, nào là thôi thì bắt tay thầy một cái nhé nên cha mẹ tôi cũng cười cười nhưng trong lòng dường như cũng thấy khó chịu. Nhưng đó không phải chỉ là chuyện đùa nói suông mà thầy Sawada nói trong lúc say sưa. Khoảng chừng mười ngày sau, thầy lại đến nhà tôi chơi với vẻ mặt đầy hàm ý, rồi nói là bây giờ chúng ta bắt đầu luyện lại các bước cơ bản của viết luận từng chút một nhé làm tôi thật sự bối rối khó xử. Sau này tôi mới biết được tình cảnh của thầy là vì trong chuyện học hành luyện thi của học sinh tiểu học xảy ra vấn đề nên thầy bị buộc thôi dạy rồi cuộc sống không như ý muốn nên thầy lần lượt đến thăm nhà học sinh cũ, gần như cưỡng bách học kèm để lấy tiền trang trải cho cuộc sống. Sau khi đến thăm nhà tôi vào dịp tết thì ngay sau đó thầy gửi cho mẹ tôi một lá thư, tán tụng văn tài của tôi, rồi lấy ví dụ một nữ sĩ thiên tài đang được mến chuộng lúc đó để dẫn dụ mẹ tôi, mà cũng vì mẹ tôi cho đến giờ vẫn còn lưu luyến với văn chương của tôi nên đã trả lời là vậy xin thầy khoảng tuần một lần đến làm gia sư hộ cho; còn cha tôi thì cũng chủ trương giúp đỡ chút ít cuộc sống của thầy Sawada nên bảo rằng thầy ấy vốn là thầy dạy con bé Kazuko nên không thể nào từ chối được rồi làm ra vẻ miễn cưỡng mà đón thầy Sawada. Thầy Sawada vào mỗi thứ bảy lại đến nhà, lên phòng học của tôi mà thì thầm toàn những chuyện tào lao ngu ngốc khiến tôi ghét không sao chịu được. Thấy cứ nói đi nói lại những chuyện đương nhiên như là văn chương đầu tiên là phải biết sử dụng đúng trợ từ, như thể đó là một chuyện gì rất đỗi trọng đại, khiến tôi ganh tỵ với cậu em Taro đang chơi ở ngoài vườn. Quả thật là quá sức ghen tỵ với cậu em Taro đang chơi ngoài vườn. Nghe Taro nói nó phải ra vườn chơi làm tôi cười khúc khích, thì ngay lập tức ánh mắt thầy có vẻ trách móc, nhìn chăm chú vào mặt tôi rồi thở dài mà rằng em thật thiếu sự thành thật, cho dù người ta tài năng phong phú bao nhiêu đi nữa mà không có sự thành thật thì cũng sẽ không thành công được ở trong bất kỳ lĩnh vực nào đâu, em có biết thiếu nữ thiên tài tên là Terada Masako chứ, nàng ấy sinh ra bần hàn, gia cảnh đáng thương đến nổi muốn học mà không mua nổi một quyển sách, tuy nhiên chỉ nhờ vào sự thành thật, tuân thủ theo những lời giáo viên dạy mà có thể hoàn thành được một danh tác đến như thế đó. Đối với những giáo viên mà nói thì cũng cảm thấy được khích lệ biết bao nhiêu. Chỉ cần em có thêm một chút thành thật tôi cũng có thể đào tạo em thành Terada Masako cho mà xem, mà không, em còn được hoàn cảnh ưu đãi nên có thể trở thành một văn tài cao vượt hơn nữa. Thầy đây cũng có một vài điểm tiến bộ hơn cả thầy dạy của Terada Masako, đó là điểm giáo dục đạo đức. Em có biết Rousseau không, Jean Jacques Rousseau đấy, ở vào khoảng năm một ngàn sáu trăm Tây lịch, không một ngàn bảy trăm, một ngàn chín trăm, cứ cười đi, cười cho nhiều vào, em quá ỷ lại vào tài năng của mình mà khinh miệt thầy dạy, ngày xưa ở Trung Hoa có một người tên là Nhan Hồi…Trong vòng một tiếng thầy nói đủ chuyện trên trời dưới đất rồi làm ra vẻ đã xong xuôi nói lần tới sẽ tiếp tục nhé rồi rời khỏi phòng tôi mà xuống phòng khách nói chuyện thời tiết gió mưa với mẹ rồi ra về. Nói xấu về người thầy đã từng giúp đỡ mình ít nhiều hồi còn học tiểu học thì có vẻ không hay nhưng thật sự thì chỉ có mình tôi cho rằng thầy Sawada đã lẩn thẩn. Chẳng hạn như thầy vừa xem quyển sổ tay nhỏ vừa nói những điều quá đáng như là văn chương là phải coi trọng như miêu tả, nếu viết những gì không thể hiện nét miêu tả thì người ta không hiểu được, như trường hợp hình dung một cảnh tuyết rơi nhé. Thầy nhét quyển sổ nhỏ ấy vào túi áo ngực, nhìn ra những bông tuyết nhỏ rơi ngoài cửa sổ như diễn kịch. Tuyết rơi dày là không được. Không có cảm giác tuyết. Rơi liên tục là cũng không được. Thế nếu rơi bồng bềnh thì sao nào, vẫn chưa đủ. Phải gần với sự lững lờ. Cảm giác tuyết sẽ đến dần dần. Cái này mới là thú vị. Thầy vừa lắc đầu một mình, vừa khoanh tay với vẻ cảm động, rồi hình dung cảnh mưa xuân thì sao nào. Có phải lâm thâm là tuyệt nhất không nào? Đúng vậy lâm thâm đến lắc rắc là thú vị nhất. Lắc rắc lâm thâm, thầy hạ giọng lẩm bẩm rồi nheo mắt lại như muốn thưởng thức quang cảnh đó thì đột nhiên lại, ây dà, vẫn chưa đủ, tuyết phải bay tán loạn như lông ngỗng mới đẹp chứ hả? Trong cổ văn có xác thực điều này, rơi như lông ngỗng là một cách nói tuyệt diệu đấy nhỉ. Em hiểu không Kazuko? Đấy từ buổi đầu tiên thầy đã hướng về tôi mà nói như vậy. Tôi vừa thấy tội nghiệp thầy, vừa căm ghét, như muốn khóc luôn. Tôi chịu đựng suốt ba tháng trời mà nhận chịu sự giáo dục vô nghĩa tào lao như vậy rồi đến lúc chỉ cần nhìn thấy mặt thầy Sawada là tôi phát chán nên đành kể hết mọi chuyện cho cha nghe, thỉnh cầu cha từ chối không cho thầy Sawada đến dạy nữa. Nghe xong cha nói “thật không ngờ”. Cha tôi đầu tiên vốn phản đối chuyện gọi thầy đến làm gia sư nhưng vì để giúp đỡ một phần cuộc sống của thầy cho nên mới quyết định vậy, đâu ngờ là thầy dạy cho con cái thứ giáo dục văn chương vô trách nhiệm như thế, cha chỉ nghĩ mỗi tuần một lần thầy đến để giúp đỡ chuyện học hành của Kazuko một chút thôi. Ngay tức thì cha lại tranh cãi kịch liệt với mẹ. Nghe tiếng cãi nhau của cha mẹ từ phòng khách, tôi cứ thế mà khóc ròng. Vì chuyện của tôi mà trở nên ầm ĩ như thế này, tôi cảm thấy không có ai bất hiếu, tệ hại như tôi cả. Thậm chí tôi đã nghĩ đến chuyện nếu vậy thì chẳng thà mình chuyên tâm học tập viết văn hay tiểu thuyết để làm mẹ vui lòng có khi còn hay hơn nhưng tôi không thể. Tôi không thể viết ra được một chút gì hết. Ngay từ đầu tôi đã không có văn tài rồi. Nếu để hình dung cảnh tuyết rơi thì thầy Sawada chắc chắn làm giỏi hơn tôi nhiều ấy chứ. Tuy không làm được gì cả vậy mà còn cười chê thầy Sawada nữa, mình thật là một đứa con gái quá chừng ngu ngốc. Ngay cả hình dung những lắc rắc lâm thâm tôi còn không thể nghĩ ra được nữa mà. Vừa lắng nghe cha mẹ cãi nhau trong phòng khách tôi vừa không ngừng nghĩ mình thật là một đứa con gái hư hỏng.

Lúc đó mẹ đã chịu thua cha và thầy Sawada từ đó không thấy bóng dáng đâu nữa nhưng những chuyện xấu thì cứ liên tục xảy ra. Khu Fukagawa ở Tokyo có một cô gái mười tám tuổi tên là Kanazawa Fumiko đã viết một áng văn chương tuyệt tác, được nhiều người khen ngợi. Sách của bạn ấy có số lượng bán vượt xa hơn tất những những tác gia nổi tiếng khác, chỉ một bước mà thành triệu phú. Chú Kashiwagi với vẻ mặt đắc ý như thể mình đã là kẻ giàu có rồi đến nhà tôi chơi mà lan truyền tin đồn đó, nói cho mẹ tôi nghe. Mẹ tôi lại hưng phấn lên, bảo rằng Kazuko có văn tài chỉ cần muốn viết là viết được thôi, tại sao không thử đi; với lại bây giờ khác xưa rồi, con gái cứ quanh quẩn mãi ở trong nhà là không được đâu, cứ để chú Kashiwagi dạy cho rồi viết thử xem thế nào; chú ấy khác với những người như thầy Sawada, là người đã học lên đến bậc đại học nên nói gì thì nói cũng có chỗ tin tưởng được; nếu được giàu có như thế thì đến cha cũng tha thứ thôi. Vừa dọn dẹp nhà bếp mẹ vừa nói hăm hở như vậy. Chú Kashiwagi từ hôm đó đến nhà tôi gần như là hàng ngày, lên phòng học của tôi mà dạy bảo đầu tiên phải viết nhật ký đi, cứ viết ra những gì mình nhìn thấy và cảm nhận thì đó cũng là một áng văn chương tuyệt vời đấy. Rồi sau đó thuyết giảng cho tôi rất nhiều lý luận gì đấy khó lắm nhưng vì tôi không có ý muốn viết nên cứ nghe cho qua chuyện mà thôi. Mẹ tôi mỗi lần phấn khích lên là tan ngay nhưng cơn phấn khích bữa đó kéo dài cả tháng, nhưng rồi cũng xong; chỉ riêng cơn phấn khích chú Kashiwagi thì không những tiêu biến đi mà còn đậm đặc hơn. Những lúc cha vắng nhà, chú thường lớn giọng bảo với hai mẹ con tôi với vẻ mặt nghiêm trang rằng “em quyết tâm biến Kazuko trở thành tiểu thuyết gia, rồi thì Kazuko là một đứa con gái mà chỉ còn đường trở thành tiểu thuyết gia chứ không thể khác, một đứa con gái thông minh tuyệt đỉnh như thế làm sao có thể đi làm dâu một nhà bình thường được, mà phải bỏ tất cả để dấn thân vào con đường nghệ thuật thôi”. Mẹ thì cũng bị chú thuyết phục đến mức như thế nên cũng ra vẻ không vui, cười buồn mà nói rằng “đúng vậy nhỉ, mà như vậy thì tội nghiệp cho Kazuko quá”.

Những lời chú nói không biết chừng là đúng. Khi tôi tốt nghiệp trường trung học nữ vào năm sau đó, thì tôi vừa căm ghét những lời dự báo của ông chú ác ma đến chết đi được nhưng một mặt sâu trong đáy tâm tư tôi lại thầm khẳng định là có lẽ đúng như vậy nhỉ. Tôi đúng là một đứa con gái chẳng ra gì. Đầu óc tăm tối ngu muội. Tôi cũng chẳng hiểu được con người mình ra làm sao nữa. Sau khi ra trường đột nhiên tôi hoàn toàn thay đổi. Mỗi ngày đều cảm thấy chán chường. Tôi thấy chuyện làm việc nhà, chăm sóc chậu hoa, luyện đàn koto, chăm sóc em đều có vẻ ngu ngốc, lén cha mẹ mà đọc tiểu thuyết diễm tình. Tại sao tiểu thuyết lại toàn viết về những điều xấu xa bí mật của con người như thế này? Tôi đã trở thành một đứa con gái dơ bẩn mơ tưởng toàn chuyện viển vông hư hỏng mất rồi. Chính lúc này tôi nghĩ rằng mình muốn viết ra nguyên xi những điều mình thấy và cảm nhận như lời chú dạy để tạ lỗi với thần linh nhưng tôi lại không có dũng khí đó. Không phải, tôi không có tài năng. Tâm trạng tôi cứ quanh quẩn không cùng như thể đang đội một cái nồi rỉ sét trên đầu vậy. Tôi không thể viết ra một chút gì. Dạo gần đây tôi muốn viết thử xem sao. Mấy ngày trước đây tôi đã lén viết vào sổ tay một truyện nhan đề là “cái hộp ngủ” viết về một đêm chán ngắt rồi nhờ chú đọc thử xem sao. Chưa đọc hết một nửa, chú đã mất hứng, bỏ dở giữa chừng mà nghiêm mặt nói rằng Kazuko à, cháu nên bỏ mộng làm nữ tác gia đi. Sau đó chú lại cười khổ sở mà nói với tôi những lời khuyên nhủ rằng trong văn chương mà không có tài năng đặc biệt thì không được đâu cháu ạ. Ngược lại giờ cha thì cười vui vẻ mà nói rằng nếu như con thích thì cứ làm thử xem sao. Mẹ thì cứ lâu lâu nghe mấy lời đồn đại ở mấy chỗ khác như Kanazawa Fumiko hay một thiếu nữ nào khác một bước nổi danh là lại phấn khích lên, bảo rằng nếu không bền chí thì không được đâu, như nữ sĩ Kagano Chiyojo ngày xưa ấy, lần đầu tiên đến chỗ thầy học làm thơ haiku, khi được bảo là làm thử một bài thơ về chim cuốc thì nhanh chóng thảo mấy bài liền đưa thầy xem nhưng thầy bảo là chưa đạt; thế là về nhà suy nghĩ một đêm liền không ngủ, đến khi nhận ra thì trời đã sáng bạch, mới không nghĩ gì mà than “chim cuốc, chim cuốc kêu, trời đã sáng” rồi viết ra trình thầy xem thể là trở thành nữ sĩ Chiyojo. Đầu tiên có thể mình chưa được khen ngay đâu nhưng làm chuyện gì cũng phải bền chí con ạ. Mẹ nói xong, nhấp một ngụm trà, lần này hạ giọng thì thầm “chim cuốc, chim cuốc kêu, trời đã sáng, quả thật là như vậy, một bài thơ thật tuyệt” rồi tự mình cảm động mà thưởng thức bài thơ. Mẹ ơi, con không phải là Chiyojo. Con chỉ là một cô bé ham mê văn học thiểu năng chẳng viết được gì cả mới chui vào kotatsu[3] đọc tạp chí rồi buồn ngủ nên mới nghĩ ra là cái lò sưởi kotatsu thật là cái hộp ngủ của con người rồi thử viết ra một tiểu thuyết nhưng chú đọc giữa chừng đã bỏ dở. Sau này con có đọc lại thì thấy đúng là chẳng thú vị một chút nào. Làm thế nào mới có thể viết được tiểu thuyết hay đây chứ? Hôm qua tôi đã lén gửi thư cho tiên sinh Iwami. Trong thư tôi viết rằng xin tiên sinh đừng vứt bỏ đi một thiếu nữ thiên tài của bảy năm về trước. Có lẽ tôi đã phát điên mất rồi.

 

Dịch xong ngày 6/9/2012
Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ


[1] Higuchi Ichiyo 樋口一葉 (1872-1896), tiểu thuyết gia Nhật Bản. Ngoài những tác phẩm như “So vai”たけくらべ, “Vàm nước đục”にごりえ và “Đêm trăng mười ba”十三夜, bà còn để lại nhiều thư từ, nhật ký có giá trị văn học cao.

[2] Murasaki Shikibu 紫式部, nữ văn sĩ thời trung kỳ Heian, tác giả của “tiểu thuyết mẹ” của Nhật Bản là “Genjimonogatari”源氏物語

[3] Kotatsu 炬燵: Lò sưởi điện được gắn dưới bàn, trên phủ chăn để giữ nhiệt.

bài đã đăng của Dazai Osamu

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)