Trang chính » Biên Khảo, Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 26 Email bài này

Bốn mươi lăm năm thi ca Việt Nam

Lời xin lỗi từ Ban Biên Tập – Cuối tháng 11 năm 1975, Ban Báo Chí Hội Sinh Viên Việt Nam Hải Ngoại tại Sydney, Úc Đại Lợi, xuất bản tập “Thi Ca Việt Nam, 1930-1975” sau hơn bốn tháng sưu tầm, chọn lọc và chuẩn bị ấn loát. Theo lời giới thiệu tập thơ, đây là “một công trình chọn lựa những bài thơ tiêu biểu, và nổi tiếng nhất, của hơn năm mươi thi sĩ Việt-nam” trong những năm 1930-1975. Bài khai từ “bốn mươi lăm năm thi ca Việt Nam”, đăng lại đây, được viết bởi anh Võ Phước Long, nguyên trưởng ban Báo Chí và cũng chủ biên tập thơ. Ban Biên Tập damau.org đã tìm cách liên lạc anh Võ Phước Long để xin phép anh cho in lại bài viết này, nhưng chẳng may không có chi tiết anh đang ở đâu. Biết anh vốn là người hào sảng, vui vẻ chuyện thi ca, chắc anh không màng sự đường đột này. Đây cũng như là một lời xin lỗi đến anh.

 


bốn mươi lăm năm thi ca Việt Nam

 

Ngõ ban sơ …
… Hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua.

 

Bùi Giáng (Hoa Ngõ Hạnh)

 

Trong văn chương Việt Nam, có lẽ thi ca là hình bóng người ta nhìn vào bằng cặp mắt ưu ái nồng nàn nhất. Sự trọng vọng này – nếu đó được gọi như thế – biểu hiệu cho tâm hồn gần gũi gắn bó của người mình, người Việt, với thi ca. Chưa dân tộc nào có thể, tỏ tình, thân thiết, trau chuốt, với thơ bằng dân mình. Ca dao chẳng hạn, đã là bước đi vững vàng nhất. Cái áo bỏ quên đâu đó cũng, và đã, có thể là đề tài một thứ tâm sự trong thi ca. Còn gì để người ta làm thơ dễ dàng hơn. Còn gì để người ta chuyển từ “thể” sang “tính” huyền diệu như vậy, trong thơ, và hơn vậy nữa, trong hồn người Việt? Con cò, nụ hoa đào, nỗi khổ anh chàng si tình, đêm cúng cuối năm của thiếu-phụ-Việt-vợ-người-khách. Cái gì chúng ta cũng cảm hứng làm thơ được. Mà chúng ta là ai vậy? Chúng ta là dân đồng quê nhìn trời nhìn mây mà vẽ ý thành lời. Chúng ta là quan liêu, quan liêu cấp cao, đọc truyện ngoại quốc buồn buồn viết hơn ba ngàn câu lục-bát, là Kiều. Chúng ta là đãng tử giang hồ, hận thê nhi bó buộc, sầu mây khóc gió, vẫn có thể làm thơ. Chúng ta là tất cả, năm tuổi mười tuổi đến khi gần về với đất. Chúng ta mặc áo rách, mặc áo lụa, và mặc áo gấm. Chúng ta hàng ngàn năm trước, làm thơ, và năm nay, 1975, lại vẫn tiếp tục làm thơ. Còn tập-thể-người nào trên thế giới hơn được chúng ta phong thái thi ca?

SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA XÃ HỘI VÀ THI CA

Huống nữa là xã hội Việt Nam trong bốn mươi lăm năm qua, không phải là xã hội ù lì trôi với thời gian. Từ 19301 đến nay người Việt sống trong bầu không khí ngạt thở vì chiến tranh và thay đổi liên miên vì tiếp xúc với tư tưởng ngoại quốc. Văn minh Tây phương, trước hết, thay đổi bộ mặt thơ mình. Rồi kháng chiến. Rồi chia đôi đất nước. Ba thời kỳ tang thương này, một là 1930-45, hai là 1945-54, ba là 1954-75, đánh những nét thẫm trầm trọng trong tâm hồn người Việt. Trầm trọng, dù tàn phá hay xây dựng thì ta để đó đã, nhưng cung cách trầm trọng này đã thay đổi ý tưởng người mình, từ đó, đổ xô lên chữ nghĩa, thay đổi luôn cách viết, cách kiến trúc bài thơ, cách diễn và dựng ý. Tình yêu ruộng đồng hồn hậu bình tĩnh ngày xưa trong ca dao cơ hồ hoàn toàn cách biệt tình quê Nguyễn Bính. Chiến tranh của Đặng Trần Côn / Phan Huy Ích không giống chút nào phong thái Quang Dũng. Và bậc điệu suy tư về thân-phận-người xa rời ngàn dặm tư tưởng Bùi Giáng. Chúng ta đã rời vòng tay tưởng rất rắn chắc vạm vỡ tiền nhân, mà tìm những hướng đi khác, dù rực rỡ dù tối tăm, dù hoa thơm dù bùn lầy, dù dục vọng dù thánh thiện, nhưng của riêng chúng ta. Không ai giốn chúng ta, bốn mươi lăm năm qua. Một sự thay đổi tận gốc tận tủy. Sự thay đổi tự nó, độc lập với những thời đại khác (trước và sau), mà cũng tự nó, thay đổi với chính mình. Trong 45 năm này, nửa thời gian đầu đã là bộ mặt lạ với nửa thời gian sau, tâm tình tiền chiến đã biền biệt xa cách tư thái suy tưởng hôm nay.

Điều đó, đối với những người ngoài thời đại chúng ta có thể bị nghi ngờ cật vấn. Thì hãy để họ sang một bên, một bên đã chết hoặc một bên sắp sinh. Còn chúng ta, chúng ta hãy hãnh diện đã ở trong một thời kỳ tuyệt diệu như thế. Bên Pháp, từ thơ lãng mạn kiểu-mẫu-và-sơ-khai Racine đến thơ siêu thực Prévert, họ mất gần ba trăm năm. Chúng ta khác, nồng nàn hơn, nhanh hơn, khắc khoải hơn vì đời sống hàng ngày. Đừng cho rằng tôi ca tụng nước Việt quá đáng. Nào tôi chỉ nói được điều đó. Hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp, Hoài Thanh, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng… đã nói trước tôi. Bốn mươi triệu người Việt sờ sờ đó, đã và đang chấp nhận điều này thay tiếng nói cá nhân bất cứ một người nào.

Nhưng thôi, ta hãy tạm gác sự tranh luận về giá trị thi ca thời đại vừa qua. Giá trị là điều tự có, không thể thêm bớt vào được. Bây giờ ta nói đến câu chuyện thực tế hơn: nguyên nhân bốn mươi lăm năm thơ Việt Nam vừa qua. Ở trên tôi viết xã hội thay đổi là yếu tố rõ rệt nhất. Thì thực như vậy. Chúng ta sống đời giả dụ bình thường thì ngày một ngày hai còn thay đổi trong lối suy nghĩ nữa là. Ông Nguyễn Công Trứ chẳng hạn. Hồi trẻ, ông làm thơ thế nào, chúng ta đã biết. Hồi già, vẫn ông, làm thơ thế nào, chúng ta cũng biết. Đó là chuyện một ông già thơ thời xưa, cách chúng ta đã hai thế kỷ. Thế thì mới đây thanh niên tiền chiến đụng chạm dữ dội với tư tưởng lối sống Tây phương, rõ nhất là Pháp, còn biến hóa thế nào nữa! Họ sinh trưởng trong môi trường Tây hóa. Học chữ Tây từ ngày biết ra đường không quên mặc quần, đọc sử Pháp từ ngày mơ hồ hiểu thế nào là một quốc gia, và, buồn rầu hơn, đọc thơ Pháp từ ngày mặt đỏ hừng hực khi đứng trước người khác phái cùng tuổi mình. Thế thì tâm tình họ thay đổi ra sao, lọ còn phải nói. Họ không như ông cha nữa, mười tuổi học ê a như vẹt Tam Tự Kinh, lớn hơn nữa, và vẹt hơn nữa, học Tư Thư Ngũ Kinh… Mười sáu tuổi mười tám tuổi ở trường trung học Bảo hộ đọc Beaudelaire ai mà chẳng động lòng. Tuổi thanh niên là tuổi thích nỉ non mơ mộng, tâm hồn cuồng nhiệt hung hăng. Có gì hợp với họ hơn là cùng một tư tưởng tự do lãng mạn xao động từ phương Tây vừa qua cuối thế kỷ 19. Con mắt đã đổi, tâm hồn họ còn đổi hơn. Con sông của thời xưa không còn ý vị bình lặng thuở trước, trong nó, và dưới mắt họ, là hàng trăm xao xuyến chia ly, sóng gió khắc khoải. Vẻ đẹp đàn bà không còn “làn thu thủy, nét xuân sơn”2 mơ hồ mẫu số cách đây hàng thế kỷ; ở đây, họ đã phân biệt thế nào là tóc đen quện trên má trắng, môi hồng cười với mắt trong như nước hồ thu. Con cò trên ruộng không bình dị như trước3, con cò đã biết xao xuyến, phân vân4. Những hình ảnh xưa cũ đều được bọc một làn nhung mới mẻ. Hình ảnh đã thế, tâm hồn còn biến dạng cơ man nào mà kể nữa. Người xưa yêu nhau thanh thoát, hiền lành, tử tế, đạo đức, vui vẻ. Chuyện đó xưa và giả tưởng quá rồi. Bây giờ, 1930-1945, người ta yêu mãnh liệt hơn, táo bạo nóng nảy hơn (và than ôi, chóng tàn hơn). Thúy Kiều nhìn trăng và ảo tượng quyện lên xẻ mảnh trăng làm đôi, “nửa treo gối chiếc, nửa trôi dặm trường”. Đó là thơ Nguyễn Du ngày xưa. Với Hàn Mặc Tử, trăng vừa là bạn, tình nhân, vừa là kẻ thù, trăng đã biết ghen, biết đòi dục tình dù với một ý khác. Hai người thơ này không những cách nhau gần hai trăm năm. Họ xa nhau cả thời đại, cả chục thế kỷ. Biết nói làm sao hơn. Sự thay đổi lối sống, trong xã hội, sự thay đổi ý tưởng, bằng trung ý thi ca, là hai chuyện có thực và đi song song với nhau. Không sức mạnh nào, dù sức mạnh tinh thần ngàn năm thi ca thời cũ có thể cản bước tiến hay tách rời hai sự kiện ra hai bên. Không lý gì, Lưu Trọng Lư chẳng hạn, sống tự nhiên phóng khoáng như một họa sĩ ấn tượng Pháp bước ra đường là bạn bè tình nhân, bước vào nhà cũng lại là bạn bè tình nhân, cười đùa thân mật; Lưu Trọng Lư như thế mà làm thơ ý tứ xa xôi lời lẽ kín đáo như Bà Huyện Thanh Quan ngày xưa! Nhan sắc ngày xưa đến với nhà thơ bằng màn ngăn trướng rũ, bằng vẻ ẩn hiện đài các của Quỳnh Như với Phạm Thái5, đối với thanh niên tiền chiến, đã hết rồi. Nhan sắc bây giờ lồ lộ trước mắt người đọc thơ, hay ít nhất, nhà thơ. Những đôi mắt to và ngây thơ. Những má đào bầu bĩnh. Những má hồng khêu gợi. Những tay trần tròn trĩnh quyến rũ… Còn nói sao hơn được. Sự đụng chạm xã hội ồ ạt như vậy, thơ không biến thể cả ý lẫn lời sao được.

Và thơ, thơ mới, lúc ấy ra đời.

Sự thay đổi xã hội không hẳn chỉ biến đổi cấu thức thi ca như đã nói hơn một lần, mà còn xao động trọn tâm tình một lứa tuổi, lứa tuổi hai mươi ba mươi thời ấy. Bằng bước đầu với Thế Lữ và Lưu Trọng Lư, thơ tiền chiến từ đó liên miên tiến hóa trong bao nhiêu nhà thơ kế cận. Sự tiến hóa và sống mạnh là một chuyện dễ hiểu, bởi “thơ mới” đã có căn bản vững chắc. Nó tiến từ từ trong suốt mười lăm năm, mười lăm năm đầu một thời đại thi ca. Nhưng xã hội Việt Nam không chỉ đi vào thi ca đơn thuần như vậy. Người Pháp đô hộ nước mình khó lòng kéo dài lối sống thanh bình đầy vẻ giả tạo ngộp thơ uất ức. Nó phải khác. Và sụ biến dạng lần thứ hai, và vẫn ảnh hưởng mạnh trong thơ, là cuộc kháng chiến chín năm.

Đúng ra, câu “Chín năm đốt đuốc soi rừng” của Nguyễn Bính6 đã nói lên đầy đủ không khí thi ca kháng chiến. Thơ của thời đại vừa đau thương vừa hào sảng này, là thơ của những người nằm gai nếm mật. Những người vừa cầm súng vừa nhớ thời gian cũ và dõi về thời gian mới. Chiến đấu, cách mạng, tang thương, chết chóc. Chừng thứ ấy đem sức mạnh nóng bỏng đến thi ca chín năm này. Thời cuộc biến đổi thay hẳn bộ mặt lãng mạn mờ mịt cũ. Nhà thơ, và người đọc thơ, hết rồi khung cảnh lăn lộn rên xiết với tình yêu. Hình ảnh “Những xác già nua ngập cánh đồng” Quang Dũng7 đã thay thế “Hãy xích lại gần anh hơn, em hỡi!” Xuân Diệu. Thơ thời này là thơ lửa, lửa chiến tranh và lửa tình người. Bóng dáng Quang Dũng vừa cầm súng trong rừng tìm quân thù, vừa ngâm nga “Đêm mơ Hà nội dáng kiều thơm” là hình ảnh tuyệt thú, hình ảnh hào tráng nhất đời người có thể có. Và thời cuộc đã thay dạng tình yêu mất rồi. Hồi trước Nguyễn Bính thất tình vì người yêu đi lấy chồng8, lang thang rên rỉ, chuyện đó sao mà xa cách ủy mị quá. Chuyện bây giờ, chuyện của 1945-54, là chuyện của Hữu Loan: một người đàn bà thật trẻ chết vì bom đạn, chồng nàng đang kháng chiến nghe tin ngẩn người không ngờ. Chàng về và thấy bà mẹ gục bên mọ người vợ yêu9. Tình yêu kháng chiến là như thế. Là rừng rú, núi sông. Là ảo mộng và thực tế. Là ngồi bên mộ bạn vừa chết, nghiến răng thề trả thù10. Điều cần nói là hầu hết thi sĩ nổi tiếng tiền chiến đều theo kháng chiến. Họ đột ngột từ vùng troiừ quen thuộc an nhân (dù tạm bợ) sang nếp sống khác, khắc khổ, bực mình, chết chóc, mà tràn trề khĩ vị hào hùng. Thơ họ, dù không đổi thể, cũng đã đổi ý nhiều lắm.

Tuy vậy, chúng ta không nói gì nhiều về ảnh hưởng xã hội ở trong thi ca kháng chiến. Thơ thời này, dù được truyền tụng rộng rãi trong dân chúng và bộ đội, lại không dồi dào về lượng. Người ta còn bận đánh nhau, chạy trốn, lang thang. Nhà thơ khó lòng vừa sáng tác vừa băng suối vượt rừng tìm cừu địch. Bởi thế, có thể nói thơ kháng chiến chỉ là một gạch nối giữa tiền chiến và hôm nay. Điều đáng nói có thể là tâm tình thơ thời này, thì chúng ta sẽ nói đến một phần sau. Điều quan trọng hơn trong vấn đề tương quan xã hội thi ca ở đây, là miền Nam Việt Nam sau hiệp định Genève: sự biến chuyển của thơ hôm nay 1954-75 so với tiền chiến.11

Nhớ hồi 1941, trong cuốn “Thi Nhân Việt Nam”, ông Hoài Thanh đã hùng dũng viết “Tôi quyết rằng trong thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này” (tức là thi ca tiền chiến). Câu viết, dù có vẻ dũng cảm can đảm ghê lắm, dầu sao cũng chỉ đúng đến 1954. Sau đó, miền Nam Việt Nam, là một thời đại khác, đầy huy hoàng tráng lệ, đầy tính cách phá hủy và xây dựng, đầy hằng hà sa số những vẻ đẹp, vẻ khắc khoải, đầy những hướng đi mới và mãnh liệt, gọi là thời đại thi ca hôm nay. Nói cho công bình, thơ hôm nay đã vượt tất cả thời trước về sự phong phú, sự phong phú kỳ lạ và đẹp nhất trong tiêu chuẩn nghệ thuật, mà tâm hồn chung người Việt có được.

Phải nhìn ngược lại thời gian suốt hai mươi mốt năm về trước thì ngày nay chúng ta mới hiểu sự xô bồ ray rứt của những người làm văn chương thuở ấy. Chiến tranh kháng Pháp đặt những thi nhân trẻ tuổi vào một việc đã rồi, một việc cha anh họ chọn lựa và bắt buộc họ phải đón nhận. Chín năm chiến tranh qua, lần này chính họ quyết định đời sống và ngòi bút của mình. Từ giã quê hương Việt-Bắc điệp điệp sau lưng, vào Nam, đã là một điều đau đớn, đã là một đoạn đường chia ly. Nhưng lớn lao và ảnh hưởng lớn hơn cả là sự trống trải tâm hồn. Không còn giọt nước cội nguồn, trầm tư tiềm thức nào tồn lũy vững chãi trong tâm hồn thi sĩ Việt Nam từ 1954. Ngày hôm nay là mặt nạ với ngày hôm qua. Và tương lai, nếu còn sáng chói, than ôi, chỉ là ánh sáng từ tăm tối.

Đó là môi trường phát khởi thi ca miền Nam. Môi trường xây cất nhọc nhằn bằng chia ly, bằng đổ vỡ và mâu thuẫn trong tâm hồn, bằng bỡ ngỡ hoang mang trong hoàn cảnh nội-ngoại-vật mới. Vì vậy thơ miền Nam hôm nay đã bước vào những chân trời khác: xã hội, tuổi trẻ, chiến tranh, chính trị, suy tưởng về triết học. Thi ca thời này đã dẫm ra ngoài khung cảnh cũ người ta vốn ấn định sẵn tại nước mình: khung cảnh trưởng giả, đài các, mơ mộng, ảo tưởng. Thơ miền Nam từ 1954 đã có sắc thái biệt lập với tất cả thời kỳ khác, sắc thái thực tiễn và siêu hình.

Như tôi đã viết, những ý thơ mới nhất phát sinh từ sự đối diện hoàn cảnh xa quê hương và tuổi trẻ bơ vơ. Nguyên Sa có hai câu thơ:

Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt
Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư

 

Còn gì nói lên tâm trạng thanh niên Việt Nam hồi sau chia đôi đất nước hơn hai câu thơ này? Ưu tư, bơ vơ. Đó là hai vấn nạn buồn rầu nhất người ta luôn luôn tìm được trong văn chương tìm kiếm khắc khoải hồi đó. Mỗi bài thơ, dù vui dù buồn, dù tình yêu, dù không tình yêu, đều nói lên nỗi niềm tìm kiếm. Thi sĩ từ 1954 về sau không tìm những ý tứ cao kỳ rắc rối trong tình yêu như trong thời tiền chiến nữa. Họ không đủ thì giờ và buồn hơn, không đủ tâm hồn bình yên như cha anh họ (dù là những nỗi bình yên trụy lạc thời trước). Làm thế nào để sống, và sống để làm gì? Đó là những vấn đề mới. Vì thế thơ miền Nam, những trăng sao hoa tuyết diễm lệ đều nhường chỗ cho sự chết, hư vô. Hư vô không còn là bóng tối thanh bình của nhà thơ kia mỗi khi va chạm cuộc đời. Hư vô ở đây hiện hữu bằng muôn vạn cách méo mó, kỳ dị. Quách Thoại viết hai câu tuyệt hay:

Ngày mong manh
Anh sợ quá phút linh hồn anh tan vỡ

 

Đời sống đều là những mong manh ghê sợ như vậy. Không còn thanh bình, không còn tình yêu trong trắng. Thi sĩ vật lộn và hủy hoại chính mình. Đối với họ, thơ không là món hàng trang sức, là hương phấn lụa là đời người, thơ không còn là mục đích cao đẹp của đời sống. Thơ ở đây chỉ là điều bắt buộc phải có, như cơm ăn áo mặc. Thi sĩ tự giải thoát bằng thơ, bài tiết những ưu uất vô biên trong trí tuệ, ra ngoài, cũng bằng thơ nốt. Thơ vì thế mang tính chất đắng cay nhưng sống thực nhất của con người.

Những năm lăn lộn tìm kiếm mục đích đời sống đó bắt đầu từ 1954 đến 1960 với hai tạp chí nổi tiếng đưa những ý mới vào văn chương: Sáng Tạo và Sinh Lực, với các thi sĩ tiền phong: Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Thế Viên. Từ sau 1960, một biến cố mới làm nóng bỏng sinh khí thi ca vốn đã nóng bỏng: chiến tranh Việt Nam. Thơ từ đó càng không còn dấu tích hiền hòa của thiếu nữ ẩn mình sau chiếc lá trúc, những lệ vỡ tan nát người con gái sang ngang, đêm buồn canh vắng tỏ tình, trăng trên đầu hai kẻ yêu nhau. Đã hết. Đã trôi đi tăm tích hương lụa dặm trường. Thi ca từ 1960 là thi ca của bom đạn, người chết, máu lửa, thực trạng phi lý của xã hội, những mòn mỏi chờ đợi mùa xuân thanh bình, những khao khát nụ hôn tình đầu một ngày Tết, những khao khát hiền lành không bao giờ có thực. Chia rẽ. Xa cách. Phấn đấu. Thất bại. Đó là hằng hà tứ mới trong thơ Việt Nam vừa qua. Ở đây Huy Lực viết: “Mùa xuân run trên vai Việt Nam”, người đọc thơ không còn thấy mùa xuân ở đâu và Việt Nam sống sót nơi nào. Thay vào đó, là mịt mù nỗi thất vọng đắng cay của một người. Chỗ khác Thế Viên viết:

Cho anh làm tình nhân
để mỗi sáng anh đưa em đi nhà thờ12

 

Đó là tình yêu thời chiến, thứ tình yêu mơ hồ bóng rát vẻ ngơ ngác mù lòa, thứ tình yêu không có thật. Người ta tham dự chiến tranh và nói lên bao nhiêu khao khát bi đát tàn tật. Tương lai sáng chói: không cần. Người lính chỉ cần đưa tình nhân ra nhà thờ buổi sáng. Thi sĩ chỉ muốn nhắn nhủ với bạn bè đã chết dưới mộ sâu13. Đây là những ý trong sáng nhất. Ngoài ra, người ta thấy gì hơn? Thanh Tâm Tuyền viết:

Trong thơ hôm nay, người ta lạc vào cái thế giới có những đêm tối nghẹn ngào, những ánh sáng của lộ liễu, những bệnh viện lạnh lẽo, những nấm mồ hoang vu, những thành phố đổ nát không chim muông…

 

… Trong thơ hôm nay hoặc là thiên nhiên không được nhắc đến nhường chỗ cho những vỉa hè, cột đèn, gạch ngói, khối sắt, khối thép, da thịt, tay chân, mặt mũi hoặc là hiện ra thản nhiên lạnh lùng khó chịu nếu không muốn nhập với một ý thức…

 

(Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay)

 

Đó là hầu hết ý tứ trong thơ Huy Lực, Mai Trung Tĩnh, Tuệ Mai, Viên Linh, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ, Kim Tuấn…Họ lẫn lộn trong vũng lầy hoàn cảnh. Tiếng kêu họ đầy uất ức đau thương. Năm 1967, trong một bài thơ tặng John Steinbeck, văn sĩ đoạt giải Nobel nổi tiếng Hoa Kỳ, nhà thơ Nguyễn Quang Hiện đã khẩn thức trình bày bộ mặt thực xã hội Việt Nam, bộ mặt có những vết nhơ ngõ hẻm, máu me trong những khách sạn tồi tàn tỉnh nhỏ, những ánh đèn xảo trá ban đêm. Đó là Việt Nam, miền Nam. Đó là quê hương vật vã gào thét trong thi ca.

Tình trạng chiến tranh còn đưa thi ca đi thêm một đoạn nữa, đoạn chót: triết học bất phân giải. Bằng Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Trần Tuấn Kiệt, người đọc thơ lạc vào cùng huyễn hoặc triết học. Thơ vốn không phân giải. Triết lý trong thơ, vì thế, vừa giản dị vừa sâu kín. Khí vị này khác xa loại “thơ triết” ngây ngơ của Minh Tuyền tiền chiến hay đầy vẻ bệnh hoạn của Hàn Mặc Tử. Nhà thơ bây giờ nhìn lại trung ý mình. Bên ngoài là tang thương vô vị cuộc đời. Và nhà thơ viết được gì? Có được như Trần Tuấn Kiệt không:

Mượn bước tiều phu vào núi ẩn
Tiều phu đã vắng núi bơ vơ14

 

Phong vị ngạo mạn của Tản Đà, một lần được đặt ngồi với Vũ Hoàng Chương.15 Lần thứ hai, các nhà thơ sau này tìm kiếm lại và càng thấy trống trải hơn. Khi Bùi Giáng viết:

Mẹ về ngõ vắng vườn hoang
Thừa thiên sông lạnh kéo sang sông rừng.16

 

hẳn là nhà thơ hoang mang tìm một lối thoát hiện tại ghê gớm lắm. Lối thoát vốn đã nằm trong đời sống. Thi ca chỉ là để khơi dậy, trình bày, thêm thắt. Vấn đề là thi ca có quyền tạo ra lối thoát mới hay không? Và nữa, thi ca tạo nên được bộ mặt nào trong xã hội? Chúng ta diện kiến khuôn mặt tình yêu, tuổi trẻ tiền chiến. Chúng ta gặp được khí độ hiên ngang yêu nước kháng chiến. Rồi miền Nam, chúng ta nói chuyện với nhau vẫn chừng ấy bộ mặt, nhưng sao chằng chịt nếp nhăn thương tích. Từ tuổi trẻ tình yêu bằng bao nhiêu quái đản hình thù, chúng ta đi tìm chiến tranh xã hội triết lý trong thơ. Chúng ta đi nhiều, bị hủy hoại và thăng hoa nhiều, nhưng rồi thi ca sẽ nói gì cho ta biết nỗi liên quan trừu tượng giữa người và thơ?

(hết phần đầu, mời đọc phần cuối trong số tới)

 

———————————————————————————————-

 

1 Con số 1930 chọn ra vì giai đoạn lịch sử thi ca, không phải lịch sử thuần túy

 

2 Thơ Vương Bột (Trung hoa)

 

3 Thơ Xuân Diệu: Con cò trên ruộng cánh phân vân

 

4 Trong “Sơ Kính Tân Trang” của Phạm Thái

 

5 Kiều, Nguyễn Du tả nhan sắc Kiều

 

6 Bài “Tỉnh Giấc Chiêm Bao”

 

7 Bài “Đôi Mắt Người Sơn Tây”

 

8 Bài “Giấc Mơ Anh Lái Đò”

 

9 Bài “Đồi Tím Hoa Sim”, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà”

 

10 Một phần trong bài “Viếng Bạn” của Hoàng Lộc:

 

Hôm qua còn theo anh

 

Đi theo đường quốc lộ

 

Hôm nay đã nhặt cành

 

Đắp cho người dưới mộ

 

Đứa nào bắn anh đó?

 

Súng nào nhắm trúng anh

 

Khôn thiêng xin chỉ mặt

 

Gọi tên nó ra, anh.

 

11 Chữ “hôm nay” tôi dùng, thật ra rất gượng. Năm nay là 1975, thì thời gian hai mươi mốt năm qua, đã được lịch sử đóng lại, là hôm nay thế nào được. Chữ “hậu chiến” càng sai hơn, chữ đúng có thể là “giai đoạn 54-75”.

 

12 Bài “Cho Anh Làm Tình Nhân”

 

13 Bài “Chiều Nay Tôi Đi”

 

14 Bài “Xuân Thái Bình”

 

15 So sánh thái độ ngạo nghễ và chán nản của Vũ Hoàng Chương trong “Đời Tàn Gác Hẹp” với Trần Tuấn Kiệt trong “Tự Tả” và Bùi Giáng, “Cuộc Chơi”

 

16 “Mẹ Phùng Khánh” trong “Mùa Thu Trong Thi Ca”

 

 

 

 

 

 

 

bài đã đăng của Võ Phước Long

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)