Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

TIN MỪNG ĐẦU TƯ

0 bình luận ♦ 16.01.2024

 

Ông hầm hầm mặc áo quần, mặt đỏ gay, loảng xoảng tìm chìa khoá xe trong cái đĩa trên tủ cạnh cửa ra vào, bộ điệu hung hăng khiến bà vợ phát sợ. Chuyện gì thế ông, nói cho tôi biết với nào. Đến khi bà đặt tay lên cánh tay ông tìm cách níu ông lại khi ông mở cửa, và ông dằng tay ra, bà mới thất thanh gọi con gái. Nó mở cửa phòng, mặt nhăn nhó mới sáng sớm bố mẹ làm rầm gì thế. Thấy cô con gái duy nhất, ông dịu lại đôi chút. Ông giơ tờ báo đang cầm trong tay, nói ông phải đi “nói chuyện” với cái bon láo lếu này, chúng nó dám đem chuyện tâm linh đạo giáo ra quảng cáo làm chuyện kiếm tiền.

Bà vợ và cô con gái cúi nhìn tờ báo, thì thấy một quảng cáo lớn chiếm gần nửa trang báo gấp tư:

TIN MỪNG ĐẦU TƯ

Tin vui tin vui. Cơ hội đầu tư hiếm có.

Quý vị đang tìm cơ hội đầu tư bảo đảm giữ vốn thêm lời nhiều chắc chắn sẽ hài lòng với những chương trình của công ty Niềm Tin.

Chúng tôi là một công ty tư vấn và cung cấp dịch vụ đầu tư từ A đến Z. Đầu tư cùng công ty Niềm Tin, quý vị sẽ không cần phải lo phiền về phương cách cũng như hoạt động của những cơ sở kinh doanh. Ngoài việc tư vấn tạo lập đầu tư do quý vị sở hữu hoàn toàn, chúng tôi cũng có những chương trình tham gia góp vốn tạo tiền lời, an toàn như để tiết kiệm ở ngân hàng mà mức lời cao hơn ngân hàng ít nhất gấp đôi.

Đặc biệt, chúng tôi vừa thêm một ngành đầu tư mới mẻ và hữu hiệu là đầu tư tâm linh. Hiện nay, hơn 40 năm sau biến cố 1975, con số người Việt sinh sống ở Mỹ đã tăng lên rất nhiều, bao gồm một số đông đảo người Việt đến Mỹ hàng năm theo chương trình đoàn tụ gia đình, chương trình thẻ xanh nhờ hôn nhân và đầu tư, cũng như thành phần có thị thực nhờ học hành và đi làm. Như thế, nhu cầu hoạt động tâm linh trong cộng đồng người Việt ở Mỹ hiện nay dồi dào hơn bao giờ hết, cần mức phục vụ và số dịch vụ thoả đáng. Muốn biết rõ hơn chi tiết về ngành đầu tư mới nhiều triển vọng và hào hứng này, xin đến văn phòng chúng tôi ở đối diện chợ Thanh Bình và ngay cạnh tiệm Phở Bún Bò Cơm Tấm Ngon để được trình bày và giải thích đầy đủ.

Thoạt tiên cô con gái định buông thõng một câu rằng có cách kiếm tiền là có người làm thôi, nhưng thấy mắt ông đã long lên thì biết là vô phương khuyên giải. Thế nên cô nuốt ngược tiếng thở dài chán nản xuống cổ, nhẹ giọng năn nỉ ông chờ cô thay quần áo đi cùng. Ông trợn mắt nhìn cô: mấy chuyện này đàn bà con gái xía vào làm gì, nhỡ tụi nó là côn đồ du đãng thì sao. Cô con gái nâng giọng lên một bậc: vậy lỡ có côn đồ du đãng thì bố làm sao? Con sẽ đứng mấp mé ngoài cửa, có gì là chạy thoát để gọi cảnh sát.

Ông liếc nhìn con gái từ đầu đến chân, bụng rất nghi ngờ khả năng phản ứng nhanh nhẹn của đứa mảnh khảnh quen được chiều như cô. Nhưng ông cũng tự biết sức mình, đã yếu sẵn lại già, lỡ ra phải vào bệnh viện lại khổ vợ con. Ông thầm tự dặn phải nhớ bắt con gái đứng hẳn ngoài cửa, xa xa chút để chạy cho dễ. Trong lúc con gái sửa soạn, ông tìm cách sắp xếp lại những suy nghĩ luận cứ trong đầu để hạch tội cái bọn ham tiền làm lếu láo, có điều muốn có chiến thuật chiến lược hiệu quả thì phải biết mình biết ta, mà ông lại chưa biết cái bọn đó đầu Ngô mình Sở thế nào, thật khó hoạch định phương sách.

Tuy rất sốt ruột, rất nôn nóng, ông cũng phải nén lòng chờ con gái sửa soạn, nén lòng để cho nó lái xe (nó nói: mặt mũi bố đỏ gay như vậy lái xe nguy hiểm lắm), nén lòng không giục nó chạy xe nhanh nhanh lên (tự nhắc nhở chính ông đã dạy nó phải lái xe từ tốn cẩn thận hết mực). Cuối cùng, lâu lắm sau khi ông cảm thấy “chịu hết nổi rồi”, hai cha con tìm được văn phòng, một phòng khá nhỏ trong một toà nhà hai tầng thường thấy trong những khu buôn bán người Việt, những chỗ đậu xe chật chội và những bảng hiệu lớn hết mức có thể với nhiều màu sắc nhức nhối. Cửa văn phòng bằng kính, nhưng loại kính mờ không cho thấy bên trong. Ông đưa mắt ra hiệu cô con gái ở lại bên ngoài, rồi đẩy cửa vào phòng. Hai bàn làm việc, một bàn tròn nhỏ, một máy in chụp giấy tờ, thêm mấy cái ghế là hầu như không còn chỗ bước. Ông chú mục nhìn ngay đối tượng cần để ý nhất: hai người phái nam đang ngồi ở hai bàn làm việc trước hai màn hình vi tính.

Nhìn thấy ông, cả hai cùng đứng dậy. Ngược với dự đoán của ông, đó là hai thanh niên nhỉnh độ trên dưới ba mươi, mặt mày nhẵn nhụi tươi cười, quần áo không bảnh bao nhưng gọn gàng tề chỉnh. Chẳng những họ không có vẻ du côn hay lừa đảo như ông tưởng tượng, y phục và thái độ của họ chuyên nghiệp, đường hoàng trên trung bình so với những văn phòng dịch vụ người Việt khác ông đã từng ghé qua. Hơi chưng hửng, ông chưa kịp định thần thì một người đã săn đón hỏi: Bác cần gì ạ? nên ông chỉ có thể giơ ra tờ báo gấp chìa phần quảng cáo lên trên.

Họ lập tức kéo ghế mời ông ngồi ở cái bàn nhỏ, nhanh nhẹn pha cho ông một tách trà nóng, rồi ngồi xuống bên cạnh như chờ ông hỏi han. Ông hắng giọng, chỉ tay vào mặt báo: Cái này…Dạ, đây là dịch vụ mới của tụi con…Chuyện này…Dạ, kiểu đầu tư này rất nhiều dạng để đáp ứng nhu cầu riêng của bác và gia đình. Mình có tiền nhiều mở riêng của mình cũng được, nếu không góp vốn đầu tư chung cũng được.

Ông hớp một ngụm nước trà. Nóng quá, ông muốn sặc, nhưng có thể nhờ đó mà ông bật ra được câu hỏi kìm nén từ sáng đến giờ: Đạo giáo, mà đầu tư cái gì? Câu hỏi mà ông nghĩ sẽ nổ như trái phá giữa bầu trời xanh lơ, nhiều thì làm chúng choáng váng, tối thiểu cũng phải khiến chúng mất đà mất trớn, nhưng hai chàng thư sinh cứ tỉnh rụi như không. Một chàng nhẹ giọng ướm lời: Bác xơi nước rồi thủng thẳng tụi con thưa, tuy lễ phép dư thừa mà rõ ràng là cái kiểu: không biết thì dựa cột đi. Ông còn đang lúng túng tìm cách phản pháo, anh chàng kia đã chỉ tay vào trang quảng cáo rồi hắng giọng: Như tụi cháu có nhắc ở đây, hiện nay số người Việt ở Mỹ, và nhất là khu vực của mình, đã rất đông đảo. Ngoài những nhu cầu vật chất đã có nhiều người phục vụ, nhu cầu tâm linh cũng cần được chăm lo. Tuy nhiên, Phật giáo nói chung không có tổ chức tài chính trung ương như Thiên Chúa giáo chẳng hạn, cho nên chuyện xây chùa tìm sư sãi thành chuyện của tư nhân. Chờ người bỏ tiền xây chùa, hoặc quyên góp cũng lâu, trong khi cộng đồng không được phục vụ đúng mức…Ông ngắt lời: gần đây chùa am mọc lên như nấm, quanh nhà tôi đi mươi phút là gặp mấy chùa lớn có nhỏ có, vậy mà chưa đủ? Anh đi chàng nãy giờ ngồi im tiếp lời với một nụ cười mỉm rất nhẹ: Thưa bác, nhiều chùa am đó cũng là cơ sở đầu tư đấy ạ, thấy nhiều như vậy nhưng thường cơ sở nhỏ, ít người, chưa đủ đáp ứng nhu cầu…Thấy ông vẫn trợn mắt, chưa có vẻ bị thuyết phục, anh chàng kia nhảy vào: Để cháu ví dụ, nhà quàn P gần khu người Việt mình mỗi cuối tuần là có ít nhất 5-10 đám tang, chưa kể nhà quàn T nhỏ hơn, rồi nhiều gia đình không hẹn được hai nhà quàn này phải đi nhà quàn khác. Mỗi đám tang cần hai ba lễ, lễ nhập quan, lễ di quan, lễ táng, rồi đọc kinh…làm cho đúng mức thì một ban cúng bái phải bận rộn hai ba ngày liên tiếp. Ngoài ra còn lễ 49 ngày, 100 ngày, còn phần nấu nướng đồ cúng…rồi cúng sao giải hạn, rồi sắp xếp lịch trình. Chưa hết, bây giờ nhiều gia đình muốn làm đám cưới ở chùa, sắp tới lại thêm lễ cúng đặt tên cho con nít, xin phước lành thôi nôi, vv… Ông lại ngắt lời: hồi trước giờ làm gì có chuyện cúng lễ đặt tên, thôi nôi gì chứ, bày đặt thêm ra phải không? Anh chàng đang nói ngậm miệng, anh kia tiếp lời: Thưa bác, nếu nói lễ thôi nôi, đặt tên, đám cướii là không cần thiết thì cũng đúng, nhưng nếu những lễ này đáp ứng nhu cầu tâm linh và tình cảm của cộng đồng thì cũng là hữu ích phải không ạ? Ví dụ như ăn mừng năm mới, sinh nhật cũng không phải cần thiết, nhưng có thể mang lại niềm vui cho nhiều người. Thường gia đình cũng đã ăn mừng thôi nôi rồi, giờ có thêm phần đạo giáo có phải là thêm vui, thêm an lòng không ạ? Nhiều nghiên cứu đã cho thấy hạnh phúc trong cuộc sống gắn liền mật thiết với tôn giáo, nhiều nước thuộc thành phần nghèo, chưa hoặc đang phát triển nhưng mức độ hạnh phúc của người dân rất cao nếu họ mộ đạo. Đạo trong mấy nghiên cứu này là đạo Ki Tô, mà bác cũng biết đạo này có nhiều lễ nghi hơn đạo Phật của mình nhiều lắm, ngay cả việc đi lễ bái cũng nhiều hơn, ít nhất cũng mỗi tuần một lần và hơn thế nữa.

Nói đến đây, anh ta ngưng, không biết để lấy hơi, hay cho ông có dịp nói. Giờ ông đã nhận ra họ dùng xa luân chiến rất hiệu quả, ông đồng tình cũng như phản đối thì người đang nói cũng sẽ lui cho người kia tiếp tục, vừa đỡ hao sức, vừa tránh cái vẻ “lấn tới” hoặc cãi vả. Rõ ràng ông ở thế bất lợi một chọi hai, mà đến lúc này dường như ông cũng hết cách bẻ họ rồi. Ngồi yên một lúc, ông hít hơi rồi nói, giọng đã yếu xịu: Nhưng mà nói chuyện đầu tư…Anh chàng kia tươi tỉnh nhảy vào: Như chúng cháu đã thưa với bác, những dịch vụ tâm linh này là để phục vụ cộng đồng, một việc tốt lành. Đầu tư vào những dịch vụ này thì cũng giống như đầu tư vào những chuyện có ích, chẳng hạn như đầu tư vào kỹ nghệ phát điện bằng ánh nắng mặt trời chẳng hạn. Người đầu tư có lợi, cộng đồng cũng có lợi, vậy còn gì tốt hơn hả bác?

Ông ngẩn người nhìn anh ta, đầu óc mơ màng. Ừ, còn gì tốt hơn thế nhỉ? Chờ mấy mươi giây mà ông cứ thộn mặt im lặng, hai anh chàng thu mấy cuốn thông tin, quảng cáo đưa cho ông: Bác cho chúng cháu gửi. Bác đem về xem lại, nếu thắc mắc gì bác cứ gọi chúng cháu hoặc đến đây. Ngoài đầu tư tâm linh, chúng cháu cũng có những cơ hội đầu tư khác nhé bác, nếu giúp được bác chuyện đầu tư thì chúng cháu rất vui.

Ngoài cửa, cô con gái của ông vẫn chờ, vẻ sốt ruột. Thấy ông, cô nôn nóng muốn hỏi ngay ông đã “nói chuyện” thế nào, nhưng ông xua tay rồi đi thẳng ra xe, trong khi cô con gái chạy theo nhắc: bố ơi, chờ con ghé bên này mua chè cho mẹ đã.

 

Tiểu Thư

06/2020

 

 

 

bài đã đăng của Tiểu Thư

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)