Trong sự nghiệp viết văn rất dài của Alice Munro, bà đã được hỏi nhiều lần phải chăng bà là một nhà văn nữ quyền. Sau nhiều câu trả lời, vào đầu thế kỷ 21, Alice Munro tổng kết tất cả như sau: Tôi không chắc lúc nào tôi cũng biết định nghĩa của “nữ quyền”. Lúc đầu tôi hay nói, dĩ nhiên tôi theo chủ nghĩa nữ quyền. Nhưng nếu điều ấy có nghĩa là tôi theo một lý thuyết nữ quyền, hoặc biết về lý thuyết ấy, thì tôi không phải. Tôi nghĩ tôi theo chủ nghĩa nữ quyển theo nghĩa tôi nghĩ trải nghiệm của phụ nữ là quan trọng. Đấy mới thực là căn bản của nữ quyền.
Thật ra, một nhà văn không nên lệ thuộc hoặc bó mình vào một chủ nghĩa, lý thuyết nào cả, vì trải nghiệm cuộc sống, nền tảng của sáng tạo nghệ thuật, không bao giờ tuân theo bất cứ định luật hoặc khuôn mẫu nào. Trong trường hợp Munro, nhận định của bà vừa đúng đắn trên cương vị nhà văn, và đồng thời cũng rất đúng với văn phong của bà.
Trung thành với những trải nghiệm phụ nữ, Munro đã viết những câu chuyện đi sát thực tế đời sống, ít nhất trong cách hành xử và suy nghĩ của những nhân vật nữ. Thế nên cũng giống như đa số phụ nữ thực, những phụ nữ trong truyện Munro vừa rất nữ quyền, vừa rất không nữ quyền. Nói cho chính xác hơn, họ sống những cuộc sống hai ba mặt, trong ấy mặt nữ quyền của họ thường là khía cạnh ẩn dấu, gần như tiềm thức, đúng hơn là bị đè nén. Nguyên nhân chính là vì họ sống trong một thế giới đàn ông nắm quyền, và bản năng sinh tồn của họ đã tôi luyện cho họ sự thực tế mạnh mẽ thường là tôn chỉ hành xử của họ.
Chỉ trong ý nghĩ và tâm trạng, những phụ nữ trong truyện Munro mới tỏ lộ tính nữ quyền của họ. Họ là những phụ nữ rất tự tin vào khả năng của chính mình, nhất là khả năng trí tuệ, một điều trước kia thường được xem là sở hữu của nam giới mà thôi. Tuy học vấn của họ không được khuyến khích nhiều, tuy vai trò xã hội của họ chỉ là những bà nội trợ, họ biết khả năng của mình, và như thế hoàn toàn không có tâm lý thần phục phái nam, Tuân theo thì có, vì họ biết họ ít có sự lựa chọn khác, và bản năng thực tế của họ cho họ hướng dẫn về cách hành xử “thích hợp” và “có lợi” trong thế giới đàn ông. Phải nhún mình, khép nép trước những người không hẳn hơn họ về khả năng mà chỉ vì một luật lệ vô hình không tháo gỡ được, sự đè nén từ tư tưởng sang hành động khiến phụ nữ trong truyện Munro thường có tâm trạng bất mãn với những người đàn ông trong đời họ, và cách họ lượng định, nhận xét những người ấy thường mang vẻ hà khắc, nói cho nhẹ thì là chỉ trích mà nói nặng thì là xem thường. Cảm giác bất mãn này lại càng nặng nề hơn vì những người đàn ông, vô tình hay cố ý, dùng vị thế quyền lực của mình để điều khiển phụ nữ. Đôi khi quyền lực của đàn ông bắt nguồn từ tình yêu của người phụ nữ, và quyền lực này cũng thường là công cụ của người phụ nữ, nhưng đây là điểm Munro không nhắc đến nhiều trong những diễn tả chi tiết của mình, có thể vì những truyện của bà viết trên quan điểm của những nhân vật nữ, và chính phụ nữ, cũng như nam giới, thường không nhận thức những thủ đoạn và mánh khóe của mình nhất là trong lãnh vực tình cảm.
Những cô gái trẻ trong truyện Munro đã có nhận thức về mình và khả năng của mình, nên biểu hiện nữ quyền đầu tiên của họ là bất mãn với khuôn mẫu phụ nữ họ cảm thấy bị bắt buộc phải ép mình vào. Grace trong Passion (Đam Mê) ghét vai cô dâu trong phim Father of the Bride (Cha cô dâu), và tuy không đủ sức diễn đạt, cô biết mình ghét hình tượng của nhân vật nữ ấy, xinh đẹp, nhỏng nhảnh, ích kỷ, và ngu ngốc, đồng thời cô cũng biết đấy là khuôn mẫu các cô gái phải có để được xem là đáng yêu, để được yêu bởi phái nam.
Khi đã lập gia đình, thực tế hôn nhân đối với những phụ nữ trong truyện Munro nếu không phải là phũ phàng thì cũng mang thất vọng. Những người chồng có thể trí thức, hoặc không, hoặc tâm tình yếu đuối dễ bị điều khiển và cần nương tựa, hoặc thích kềm chế phụ nữ bằng trí óc của họ hoặc tình yêu của người phụ nữ. Cảm giác thất vọng pha lẫn chút khinh thị, kèm thêm nhận thức thực tế rằng phụ nữ không thể rời bỏ hôn nhân theo ý muốn, hoặc có rời bỏ người chồng (không ưng ý) này thì cũng rất có thể không gặp được người ưng ý hơn. Trong trạng thái bị dồn nén về hoàn cảnh cũng như tâm thức, phụ nữ chống chọi để tìm một ý nghĩa nhất định, một mức thỏa mãn nhất định cho cuộc sống dường như không lối thoát của mình. Với những người đàn ông yếu đuối dễ bị chiếm ngự, phụ nữ tìm cách “tạo dựng” một mẫu hình nhân vật có tính cách hơn để biến người chồng “ngơ ngác, lấm lét” của mình thành người “chủ gia đình” (Meneseteung), nhưng ít ra trong trường hợp này phụ nữ có thể có cuộc hôn nhân êm đềm hơn, như Avie và Hugo trong Axis (Trục) chẳng hạn. Sự nhàm chán ấy vẫn còn tốt hơn cảm giác bất an, sợ hãi của Carla (Runaway/Trốn chạy) khi sống với một ông chồng quá nhiều cá tính, độc đoán và thậm chí có thể biến thành nguy hiểm. Sự bế tắc của nhân vật này thể hiện qua diễn tiến trốn chạy của chị: đã thu hết can đảm để bỏ đi, chưa hết chuyến xe chị đã tự động quay về vì chị không tưởng tượng được cuốc sống “không có ai quắc mắt nhìn chị, không có tâm trạng của ai làm chị khổ sở”. Đấy là tình yêu hay một hình thức của tâm lý nô lệ? Munro không nói rõ, để mặc độc giả hình thành kết luận của riêng mình.
Một biểu hiện nữ quyền khác cũng rất rõ nét trong truyện Munro là sự chối bỏ, hoặc đúng hơn là hoàn toàn bỏ qua, khuôn mẫu lý tưởng của người phụ nữ theo định nghĩa nam giới về tình dục và tiết hạnh. Những nhân vật nữ của Munro hồn nhiên và bản năng trong vấn đề xác thịt, không hề cảm thấy tội lỗi khi muốn có lạc thú, với người tình, với người có ràng buộc luật pháp và chính thức là chồng, cũng như trong một mối tình vụng trộm. Tình dục với những phụ nữ này không nhất thiết phải đi kèm tình cảm, những cuộc tình có thể chỉ dựa trên tình dục mà không có gắn bó nào khác hoặc thậm chí những suy tính thực tế, như mối tình vài ngày trên xe lửa trong Save the Reaper (Trừ người gặt), và những vụ ngoại tình qua lại giữa những cặp vợ chồng trong Differently (Khác đi), bao gồm cả một lần phá thai và một lần bỏ trốn theo người tình của một phụ nữ trong truyện.
Munro cũng để cho những nhân vật nữ của mình là những bà mẹ không ân cần lắm, không sướt mướt và tận hiến theo kiểu bà mẹ Grace ở trong Passion đã chỉ trích. Không phải họ lạnh lùng hay vô cảm, và con cái là những quan hệ yêu thương nhưng không nhiều ràng buộc, vì “đến một lúc nào đấy…thực sự [con cái] chỉ là những người quen biết” (Axis – Trục).
Tuân theo sự thực tế đã được tôi luyện qua thời gian trong vị thế “phái yếu”, những phụ nữ trong truyện của Munro cũng có cách ứng xử, ít ra là bề ngoài, rất khuôn mẫu, từ nhận thức rằng đấy có thể, và thường khi, là cách tốt nhất để sinh tồn. Thế nên họ không biểu lộ ý nghĩ đích thực của mình tuy họ khó chịu với những điều nghe thấy, họ dấu diếm chuyện ngoại tình tuy không cho đó làm phạm tội (thậm chí họ không suy ngẫm rằng chuyện ấy có tội lỗi không, chỉ tìm cách che dấu vì họ biết xã hội, và những người đàn ông trong đời họ, cho rằng đấy là tội lỗi). Trong Differently (Khác đi), Maya vừa vồ vập quấn quýt chồng vừa có những cuộc tình vụng trộm thường xuyên, đa số người chồng có thể đoán nhưng chỉ chắc chắn nhất là lần Maya bỏ theo người tình nhạc sĩ, và tuy chồng Maya là bác sĩ sản khoa, anh không hề biết Maya đã từng đi phá thai. Những cuộc ngoại tình này cũng không có nghĩa Maya đi tìm tình yêu đích thực, mà đúng hơn là đi tìm một thứ lạc thú hoặc ý nghĩa dù thông tục nhất cho cuộc sống của mình, không khác lắm với những cuộc ngoại tình của người chồng trong The Bear Came Over the Moutain (Gấu qua núi).
Dù sao đi nữa, không nhiều thì ít những phụ nữ trong truyện Munro cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng và tác động của xã hội chung quanh, và khát vọng yêu thương của chính mình. Thế nên tuy không ngưỡng mộ đàn ông, họ vẫn có những ước muốn lãng mạn về người đàn ông lý tưởng của cuộc đời mình. Họ muốn một tiếng sét ái tình, như Grace trong Passion (Đam mê), một người đàn ông có nam tính mạnh mẽ như Alameda trong Meneseteung. Khi đã yêu, sự lệ thuộc về tình cảm cũng gây nhiều mâu thuẫn trong tâm lý của những phụ nữ ấy. Bất mãn trong tư tưởng và tiềm thức, thậm chí đôi khi có vẻ ghét hận quyền lực nam giới trong đời mình, họ cũng không thể thoát khỏi những mối quan hệ, những sợi dây yêu thương ràng buộc với một nửa kia của nhân loại. Khi yêu thương, họ muốn ngưỡng mộ người mình yêu, và tìm cách ngưỡng mộ người mình yêu, trên phương diện học vấn, kiến thức cũng như cá tính và hành xử trong mối quan hệ với họ, nhưng dường như không có người phụ nữ nào trong truyện Munro tìm thấy hạnh phúc thực sự và một người đàn ông không gợi lên cảm giác bất mãn hoặc không vừa ý cách này hay cách khác. Có thể nói một phần là do người phụ nữ đặt yêu cầu không thích hợp, họ muốn một người đàn ông hiểu và ủng hộ nữ quyền trong tư tưởng của họ, nhưng đàn ông thường chỉ hiểu nữ quyền và bình đẳng giới tính trong vai trò và khía cạnh của vị thế quyền lực họ đang giữ, và những “thông cảm” của họ không thoát được vẻ “hạ cố” của bề trên. Những người đàn ông dễ bị khống chế bị du vào hoàn cảnh ấy có thể hành xử bình đẳng ấy, nhưng một người phụ nữ khao khát bình đẳng cũng không thể yêu thương kính trọng một người thiếu ý thức về sự bình đẳng của chính mình.
Những mâu thuẫn trong tư tưởng và hành động của những phụ nữ trong truyện Munro vẫn là kinh nghiệm của những người phụ nữ ngoài đời từ rất lâu, và tuy họ có ý thức và nhận thức nữ quyền, không thể nói họ theo phong trào nữ quyền. Truyện của Munro là tấm gương phản chiếu chân thật tâm trạng và ý nghĩ của những phụ nữ ngoài đời, dường như không tìm cách nhấn mạnh nêu rõ một khuynh hướng chủ nghĩa nào ngoài chủ nghĩa tả chân, và có lẽ kết luận của Munro về chính mình cũng rất chân thật và đúng đắn rằng bà không phải là nhà văn nữ quyền, tuy rằng bản năng phụ nữ của bà thấm đậm nét nữ quyền.